Chúa Nhật Lễ Ba Ngôi, Năm A

0
564

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IXh 34,4b-6, 8-9

4 Sáng sớm ông thức dậy và lên núi Xi-nai theo lệnh của ĐỨC CHÚA, tay mang hai bia đá.

5 ĐỨC CHÚA ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là ĐỨC CHÚA.

6 ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín,

8 Ông Mô-sê vội vàng phục xuống đất thờ lạy

9 và thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài.”

2/ Bài đọc II2 Cr 13,11-13

11 Ngoài ra, thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.

12 Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện. Mọi người thuộc dân thánh ở đây gửi lời chào anh em.

13 Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.

3/ Phúc ÂmGa 3,16-18

16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự biểu lộ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa

Mầu nhiệm Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm khó cắt nghĩa nhất. Nếu Thiên Chúa không mặc khải, con người sẽ không bao giờ hiểu được mầu nhiệm này. Tuy nhiên, con người có hiểu hay không, mầu nhiệm này vẫn hiện hữu. Mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là phát minh từ sự tranh luận của các nhà thần học hay thần bí, nhưng là một thực tại vì đã được mặc khải bởi chính Đức Kitô, Người Con Một của Thiên Chúa, và đã tiềm ẩn nhiều nơi trong Cựu Ước (Gen 1:1-2:3; 18:1-15; Psa 110; Bài đọc I). Vì thế, thay vì chú trọng vào thần luận về Ba Ngôi Thiên Chúa, các bài đọc hôm nay chú trọng đến việc biểu lộ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho con người.

Trong bài đọc I, thay vì trừng phạt và để mặc dân chết trong sa mạc – vì trong khi ông Moses lên núi Sinai đàm đạo với Thiên Chúa để Ngài ban hành Thập Giới cho con người biết cách sống hạnh phúc, thì ở dưới chân núi, con người gom vàng đưa cho ông Aaron đúc con bò vàng để thờ – Thiên Chúa chọn con đường yêu thương và tha thứ. Ngài nhận lời ông Moses để cùng đồng hành với dân chúng, không chỉ tới khi vào Đất Hứa, mà còn ban Đấng Immanuel để ở với dân suốt đời. Trong bài đọc II, thánh Phaolô dùng mẫu gương của Ba Ngôi để chúc lành và để khuyến khích các tín hữu sau khi đã cảm nghiệm được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, họ biết bắt chước mẫu gương của Ba Ngôi để sống yêu thương, tha thứ, và hiệp nhất trong cuộc đời. Trong Phúc Âm, thánh Gioan diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cách chính xác và ngắn gọn: Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để những ai tin vào Con Ngài được hưởng cuộc sống đời đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.”

1.1/ Dân Do-thái phản bội nhưng Thiên Chúa vẫn trung thành thương yêu: Đang khi Thiên Chúa gọi Moses lên núi Sinai để ban cho dân chúng Thập Giới, thì ở dưới chân núi, dân Do-thái gom vàng đưa cho ông Aaron đúc cho họ một tượng bò vàng để họ thờ lạy nó (Exo 32:1-6). Thiên Chúa nhìn thấy tất cả nên truyền cho Moses xuống núi, vì lòng dân đã ra hư hỏng rồi. Khi Moses chứng kiến cảnh dân chúng sấp mình thờ lạy bò vàng, ông nổi giận và dùng hai bia đá có in Thập Giới của Đức Chúa đập nát con bò vàng, tán nhuyễn, cho vào nước và bắt dân chúng uống (Exo 32:19-20).

Lẽ ra Thiên Chúa phải phạt dân chết vì tội lỗi của họ; nhưng vì tình thương Ngài không nỡ để dân phải chết trong sa mạc, Ngài truyền cho Moses làm lại hai bia đá và lên núi gặp Ngài. Đó là lý do có trình thuật hôm nay. Hai bia đá lần đầu do chính Thiên Chúa viết và ban cho Moses; hai bia đá lần sau do tay Moses làm lại. Nội dung không thay đổi, vì ông Moses đã được Đức Chúa cắt nghĩa cho biết. “Sáng sớm ông thức dậy và lên núi Sinai theo lệnh của Đức Chúa, tay mang hai bia đá. Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa.”

Chính Đức Chúa mặc khải cho ông Moses biết 5 đặc tính quan trọng của Người:

(1) Nhân hậu (rakhum) và từ bi (khanun): Vì Thiên Chúa nhân hậu, nên Ngài không xử với con người như con người đáng tội; nhưng Ngài thông cảm cho những yếu đuối của con người và xét xử họ theo lượng từ bi của Ngài.

(2) Chậm giận (êrek apayim): Thiên Chúa không phạt con người tức khắc khi con người lầm lỗi; nhưng Ngài luôn khuyên bảo và cảnh cáo trước khi sửa phạt con người. Trình thuật “thờ bò vàng” là một ví dụ biểu lộ đặc tính này của Thiên Chúa.

(3) Giàu nhân nghĩa (hesed) và thành tín (emet): Hesed và emet thường hay đi đôi với nhau khi chỉ về Thiên Chúa (2 Sam 2:6; 15:20; Psa 25:10; 61:8; 89:14), và có thể được dịch là “ân tình và tín nghĩa.” Thiên Chúa luôn đối xử tốt lành và tử tế với con người. Ngài luôn trung thành với những gì Ngài đã hứa với con người cho dù con người phản bội. Vì thế, Thiên Chúa phải “luôn nghĩ cách” làm sao để cứu chuộc con người khi họ phản bội Ngài. Điều này được chứng minh qua các giao ước Ngài thiết lập với con người.

1.2/ Ông Moses vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con.” Thiên Chúa nhận lời ông Moses và tiếp tục cùng đi với dân chúng cho đến khi vào Đất Hứa. Lời cầu xin của ông Moses “xin Chúa cùng đi với chúng con” mang một ý nghĩa đặc biệt: Thiên Chúa không chỉ đồng hành với dân cho tới khi vào Đất Hứa, nhưng Ngài còn hứa ban cho dân một Đấng Immanuel, tiếng Do-thái có nghĩa Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Isa 7:14).

Đức Kitô chính là Đấng Immanuel này. Ngài là Thiên Chúa mặc lấy thân xác con người để ở với con người. Thiên Chúa tiếp tục tha thứ những tội lỗi của dân qua Đấng Immanuel, vì Ngài đã hiến mình chuộc tội cho con người. Nhờ Đấng Immanuel, Thiên Chúa nhận con người đã được chuộc tội làm cơ nghiệp riêng của Ngài.

2/ Bài đọc II: Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.

2.1/ Mầu nhiệm Ba Ngôi theo thánh Phaolô: Giáo Hội lấy công thức chúc lành đầu thánh lễ từ trong Thư Corintô II 13:13 của trình thuật hôm nay. Đây là lần duy nhất trong toàn thể Thư Phaolô, chính thức cũng như tranh luận, nói về sự liên hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa; mặc dù Phaolô đã nhiều lần phân tích vai trò của Chúa Cha, của Chúa Con, và của Chúa Thánh Thần trong nhiều nơi khác. Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của lời chúc lành:

(1) Ân sủng của Đức Kitô: Những ân sủng này đến từ công nghiệp của Đức Kitô qua cuộc Thương Khó, cái chết, và sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Những ân sủng của Đức Kitô được ban tặng qua các bí-tích mà Ngài đã thiết lập.

(2) Tình yêu của Chúa Cha: Phaolô có thể kể ra nhiều đặc tính của Chúa Cha, nhưng không có một đặc tính nào thích hợp cho bằng tình yêu. Thánh Gioan cũng xác định điều này khi định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (I Jn 4:8). Vì tình yêu, Thiên Chúa đã làm mọi sự cho con người.

(3) Ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần: Thánh Thần là nguyên ủy sự hiệp nhất giữa Cha và Con. Thánh Thần cũng là nguyên ủy sự hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa và với nhau. Nhiều học giả cho câu 13 này được thêm vào sau này, nhưng thực sự có trong bản Vaticanus (4th AD). Cho dù thêm vào sau đi nữa, nhưng chắc chắn phải là một trong những nguồn mà công đồng Nicea (325 AD) dùng để tuyên bố tín điều Chúa Ba Ngôi.

2.2/ Các tín hữu phải bắt chước Ba Ngôi Thiên Chúa: Trong Thư Corintô II, cộng đoàn tín hữu tại Corintô phải đương đầu với rất nhiều vấn nạn với Phaolô cũng như với nhau. Sau khi đã giải quyết các vấn nạn, Phaolô khuyên các tín hữu 3 điều:

(1) Hãy vui mừng và cố gắng trở nên hoàn thiện: Nếu biết nhìn một cách tích cực, các vấn nạn xảy ra là để giúp các tín hữu biết cách giải quyết và càng ngày càng trở nên hoàn hảo hơn; vì thế, họ hãy vui mừng vì có cơ hội để luyện tập.

(2) Hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà: Vấn đề hiệp nhất trong cộng đoàn Corintô là điều quan tâm chính yếu của thánh Phaolô. Để gìn giữ sự hiệp nhất, họ phải có lòng yêu thương nhau để cùng nhau giải quyết các vấn nạn trong cộng đoàn. Nếu họ cố gắng giải quyết như thế, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng họ.

(3) Hãy hôn chào nhau cách thánh thiện: Khi phải đương đầu với các vấn nạn trong cộng đoàn, người tín hữu thường có khuynh hướng khinh thường và khai trừ nhau. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu “hãy hôn chào nhau cách thánh thiện,” để cùng nhau giải quyết các vấn đề.

3/ Phúc Âm: Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một.

3.1/ Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người biểu lộ qua sự kiện Ngài trao Người Con Một trong tay con người (Jn 3:16). Thiên Chúa chưa ai xem thấy bao giờ; nhưng mỗi khi nhìn lên Thập Giá, con người hiểu được tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ. Đây là một câu nói thời danh của Tin Mừng Gioan mà chúng ta phải ghi khắc trong tâm khảm. Trên các sân thể thao của người Mỹ hay trưng câu này. Cầu thủ football lừng danh của đại học Florida, Tim Tebow, vẽ câu này trên mắt khi thi đấu.

Mục đích của việc Thiên Chúa cho Người Con là: “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Thánh Phaolô giải thích thêm về tình yêu Thiên Chúa khi Ngài nói: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rom 8:32).

3.2/ Con người tự kết án chính mình: Thiên Chúa chỉ quan tâm đến việc cứu độ. Khi cho Người Con Một, Ngài không quan tâm đến việc lên án con người. Con người kết án chính mình, vì: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”

Khi đối diện với Đức Kitô, con người bắt buộc phải lựa chọn: tin hay không tin nơi Ngài? Tình yêu của Thiên Chúa không còn trừu tượng nữa, để con người có lý do biện hộ họ không nhìn thấy Thiên Chúa, làm sao họ cảm nghiệm được tình yêu của Ngài? Nhưng tình yêu của Thiên Chúa đã được biểu lộ cách cụ thể qua Người Con Một, sẵn sàng hiến thân chịu chết cho con người. Nếu con người từ chối tin vào Đức Kitô, họ cũng từ chối tình yêu Thiên Chúa dành cho họ; và như thế, họ từ chối được sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta có một địa vị cao cả trước Ba Ngôi Thiên Chúa, đến nỗi cả ba đều đã vì yêu thương mà hy sinh tất cả cho chúng ta.

– Sau khi đã cảm nghiệm được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta cũng biết bắt chước các Ngài để hy sinh cho tha nhân, để họ cũng được lãnh nhận ơn cứu độ.

– Một trong những biểu lộ cụ thể nhất của sự liên hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là sự liên hệ giữa cha, mẹ, và con cái trong gia đình. Chúng ta hãy học gương Ba Ngôi Thiên Chúa để luôn biết vâng lời, yêu thương, và hy sinh cho nhau, để gia đình chúng ta luôn được hiệp nhất và hạnh phúc đời này; đồng thời xứng đáng được sống đời đời với Ba Ngôi trên Thiên Đàng.

Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1920:ch-nht-l-ba-ngoia&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here