LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
1/ Bài đọc I: Cv2,14a, 36-41
14 Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng: “Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây.
36 Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.”
37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?”
38 Ông Phê-rô đáp: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần.
39 Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.”
40 Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.”
41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.
2/ Bài đọc II: 1 Pr 2,20b-25
Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban.
21 Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người.
22 Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối.
23 Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình.
24 Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.
25 Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.
3/ Phúc Âm: Ga 10,1-10.
1 “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.
2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.
3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.
4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.
5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.”
6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.
7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.
8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ.
9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.
10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm sao có thể phân biệt sự thật từ sự gian tà?
Sống trong thế giới vàng thau lẫn lộn, không dễ gì để phân biệt vàng khỏi thau, sự thật từ những sự gian trá, và người yêu mình thực sự khỏi những người yêu vì lợi nhuận. Tuy vậy, nếu một người biết cẩn thận suy nghĩ và học hỏi, vẫn có những cách giúp họ khỏi bị lẫn lộn. Vàng đã có lửa, sự thật đã có những mặc khải của Đức Kitô, và người yêu thực sự cần có thời gian để thử xem họ có kiên trung làm việc lành và chịu đựng gian khổ hay không.
Các bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta một số những tiêu chuẩn để nhận ra sự thật từ sự gian tà, người yêu thương chúng ta thật và những người chỉ lạm dụng để tiêu hủy chúng ta. Trong bài đọc I, Phêrô và các tông đồ vạch ra cho dân chúng tại Jerusalem biết họ đã nhầm lẫn nghe theo những nhà lãnh đạo gian dối của Thượng Hội Đồng để đóng đinh Đấng Thánh của Thiên Chúa. Trong bài đọc II, tác giả Thư Phêrô I chỉ cho thấy người tín hữu thật là người được ơn Thiên Chúa ban cho biết bắt chước gương Đức Kitô để làm việc lành, chịu đau khổ, và kiên tâm chịu đựng đến cùng mà không báo thù, vì biết Thiên Chúa sẽ phân xử cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chỉ cho các tín hữu biết người lãnh đạo thực sự là những người phải đi ngang qua Ngài để chăm sóc chiên; tất cả những người đi lối khác đến với chiên đều là những kẻ trộm và kẻ cướp. Người mục tử thật giúp chiên sống dồi dào; trong khi kẻ làm thuê chỉ tìm cách tiêu diệt mạng sống của chiên.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng tôi phải làm gì?
1.1/ Con người đã phạm tội khi tham dự vào việc đóng đinh Đức Kitô: Một trong những sứ điệp chính của việc làm chứng cho Chúa Giêsu bởi các tông đồ là thuyết phục mọi người tin Ngài chính là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa mà Lề Luật và Ngôn Sứ đã hằng nói tới. Trong trình thuật của CVTĐ hôm nay, ông Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng: “Thưa anh em miền Judah và tất cả những người đang cư ngụ tại Jerusalem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây. Toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: “Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.”
1.2/ Hai điều kiện để được hưởng ơn cứu độ: Còn gì đau đớn hơn khi hết thế hệ này đến thế hệ khác mong đợi sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai, đến khi Ngài xuất hiện thì lại từ chối và nhẫn tâm đối xử với Con Thiên Chúa còn thua kém một tên trộm cướp. Khi đã thấu hiểu tội của mình, các người Do-thái đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” Phêrô liệt kê cho họ hai điều phải làm.
(1) Hãy chịu phép Rửa nhân danh Đức Kitô: Phép Rửa mà Phêrô nói tới bao gồm hai phần chính: thứ nhất để được ơn tha tội, và thứ hai để được lãnh nhận ân huệ của Chúa Thánh Thần. Hai điều này đã được Thiên Chúa hứa từ ngàn xưa, và giờ đây được hiện thực trong con người Đức Kitô và công cuộc cứu độ của Ngài. Phép Rửa này được ban cho mọi người ở mọi nơi, chứ không chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Israel mà thôi.
(2) Hãy tránh xa thế hệ gian tà: Nhìn lại cuộc đời Đức Kitô và cách thức con người đối xử với Ngài, mở mắt cho chúng ta nhìn thấy sự gian trá của ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Chúng ta tự hỏi: Tại sao họ không nhận ra những sự thật mà Chúa Giêsu mặc khải? Tại sao các môn đệ đã từng được chứng kiến các phép lạ nhiệm mầu và tình yêu của Thầy Chí Thánh dành cho họ, lại có thể nhẫn tâm phản bội, chối từ, và chạy trốn để Ngài phải đương đầu với Cuộc Thương Khó một mình? Tại sao những người trong Thượng Hội Đồng, những con người tự nhận kính sợ Thiên Chúa và thông biết Lề Luật lại có thể gian dối luận tội Ngài phải chết như vậy? Tại sao nhà lãnh đạo tối cao như Philatô không đủ can đảm để phóng thích Chúa Giêsu, dẫu biết rằng chỉ vì ghen tức mà họ tìm cách giết Ngài?
Chúng ta không dám kết tội những người đương thời với Chúa Giêsu, vì chúng ta sợ không dám trả lời cho câu hỏi: “Tại sao giờ đây chúng ta đã thấu hiểu tình thương của Thiên Chúa, mà chúng ta vẫn tiếp tục phản bội Ngài qua việc tiếp tục làm nô lệ cho tội lỗi?” Chúng ta chỉ biết đấm ngực xét mình, và cố gắng tránh xa thế hệ gian tà bằng cách luyện tập và sống nhân đức hơn.
2/ Bài đọc II: Đức Kitô đã để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người.
2.1/ Hãy bắt chước Chúa Giêsu kiên trung làm việc lành và chịu đau khổ: Ba điều quan trọng tác giả khuyên các tín hữu phải bắt chước Đức Kitô.
(1) Làm việc lành: Nhìn lại cuộc đời của Đức Kitô trên dương thế, Ngài không gây một thiệt hại nào cho dân chúng. Trái lại, đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó: hết chữa bệnh, trừ quỉ, đến giảng dạy, mặc khải và rao giảng Tin Mừng. Đến độ Ngài có thể thách thức những kẻ muốn ném đá Ngài: Trong tất cả các việc Ta đã làm, đâu là việc các ngươi đã dựa vào để ném đá Ta? (Jn 10:32). Ngài không chỉ làm việc lành cho những người cùng thời; nhưng còn cho tất cả con người thuộc mọi thời đại đều được hưởng những công nghiệp của Ngài qua các bí tích.
(2) Phải chịu đau khổ: Tuy không gây đau khổ cho ai; nhưng hầu như mọi người đều gây đau khổ cho Ngài: Judah phản bội bán Thầy chỉ có 30 đồng; Phêrô, tông đồ trưởng chối Ngài ba lần trong cuộc Thương Khó; các tông đồ đều bỏ Ngài chạy trốn hết; những người trong Thượng Hội Đồng cáo gian để buộc tội Ngài; quân lính vả mặt, chế giễu, nhổ nước bọt, đội cho Ngài mão gai, đánh đòn, và đóng đinh Ngài trên Thập Giá; dân chúng đòi tha cho Barabba, một tên cướp, thay vì Người đã chuộc tội cho mình; và tất cả mọi người vẫn tiếp tục xúc phạm đến Ngài. Có thể nói được rằng không một ai trên đời này chịu đau khổ nặng hơn Ngài, dù chẳng phạm tội chi cả.
(3) Kiên tâm chịu đựng: Dù bị phản bội, tra tấn, nhục mạ, giết chết cách oan uổng, Chúa Giêsu vẫn không phản ứng, dù Ngài có uy quyền để phạt chết tất cả những kẻ gây đau khổ cho Ngài. Tác giả thư Phêrô I diễn tả sự chịu đựng của Chúa Giêsu: “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình.” Đức Kitô có thể chịu đựng tất cả những bất công này là vì Ngài biết chắc Thiên Chúa sẽ dành cho Ngài phần chiến thắng. Tác giả kêu gọi các tín hữu noi gương Đức Kitô, vì “anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế.” Tuy nhiên, việc noi gương Đức Kitô để làm cả ba điều này là điều không dễ dàng. Ai làm được cả ba điều này là do ơn Thiên Chúa ban, và họ chắc chắn sẽ cùng được chiến thắng và thống trị với Đức Kitô.
2.2/ Lý do phải bắt chước Đức Kitô: Có ít nhất hai lý do khiến chúng ta phải bắt chước gương Đức Kitô kiên trung làm việc lành và chịu đau khổ.
(1) Vì chúng ta đã được hưởng hiệu quả những hy sinh của Đức Kitô: Tác giả viết: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá… Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” Nếu đã được hưởng những hiệu quả của cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa, khi đến lượt chúng ta phải hy sinh cho tha nhân, chúng ta cũng phải làm như vậy để sinh lợi ích cho tha nhân.
(2) Sau khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính: Đức Kitô không chỉ chết cho tội của chúng ta, nhưng Ngài còn ban ơn thánh đầy đủ qua các bí-tích để chúng ta có thể sống cuộc đời công chính và nhân đức. Khi sống cuộc đời công chính, chúng ta sẽ không còn làm nô lệ cho tội nữa, mà thực sự sống tự do theo sự thúc đẩy của Thánh Thần. Nếu chúng ta không để ý tới khía cạnh phải sống nhân đức, chúng ta sẽ dễ dàng quay trở về với nếp sống cũ. Vì thế, tác giả khuyên: “Trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.”
3/ Phúc Âm: Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Trình thuật cho ta hai dấu chính để nhận ra ai là người chăn chiên thật.
3.1/ Phải đi qua cửa chuồng chiên: Cửa là dấu chỉ cho người có được quyền được vào hay không. Người vào qua cửa mà vào là mục tử; người leo qua lối khác vào là kẻ trộm hay kẻ cướp. Phong tục của người Do-thái có hai cách để giữ chiên ban đêm: Nếu ở xa làng mạc, người mục tử sẽ kiếm những hang đá chỉ có một lối ra vào để lùa chiên vào đó, và người mục tử sẽ nằm ngủ ngay giữa cửa. Ai vào bắt chiên sẽ phải đi ngang qua anh. Nếu ở gần làng mạc, họ sẽ mang chiên tới gởi ở một nơi chung, và có người giữ cửa cho vào. Người giữ cửa biết rõ ai là mục tử và số chiên anh có.
Chúa Giêsu tự nhận Ngài là Cửa chuồng chiên: ai qua Ngài mà vào là người mục tử thật; ai không qua Ngài mà vào, là kẻ trộm kẻ cướp. Có ít nhất hai cách hiểu những lời này. Thứ nhất, ai nhân Danh Ngài mà chăn chiên, là mục tử thật; ngược lại là kẻ trộm cắp. Thứ hai, ai dạy những đạo lý của Ngài là mục tử thật; ai dạy những đạo lý của mình hay của người khác là mục tử giả hiệu.
3.2/ Phải lo cho tính mạng của đoàn chiên: Dấu hiệu thứ nhất không đủ để nhận ra người mục tử tốt lành, vì có những mục tử nhân danh Chúa vào cửa để tìm chiên không phải để lo cho tính mạng của chiên, nhưng là để tìm lông chiên và thịt chiên. Điều này đã được Thiên Chúa cảnh giác nhiều lần trong sách ngôn sứ Ezekiel.
Nghề chăn chiên bên Palestine rất khó và hao mòn sức lực, vì đồng cỏ và suối nước không có nhiều. Nếu người mục tử muốn cho chiên mạnh khỏe, anh phải chịu khó đi xa để tìm đồng cỏ màu mỡ và suối nước trong lành. Bên cạnh đó, địa thế cao nguyên của Palestine rất hiểm trở vì có nhiều núi đá dựng đứng, nếu trượt chân rớt xuống vực là mất mạng, bên cạnh đó, người chăn chiên còn phải bảo vệ đàn chiên mình khỏi nanh vuốt chó sói và tay của những kẻ trộm cướp.
Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành, Ngài đến để làm cho chiên được sống và sống dồi dào. Ngài đi tìm con chiên lạc, băng bó con bị thương, vỗ béo con gầy còm… Người mục tử chăm sóc phần hồn cho các tín hữu cũng phải noi gương Chúa Giêsu khi chăm sóc các tín hữu. Họ không thể chỉ để ý đến lông chiên, thịt chiên; nhưng phải lo lắng đi tìm các tín hữu đã bỏ đạo lâu năm, chữa lành những tâm hồn đau thương dập nát, và làm cho các tín hữu luôn sốt sắng trong việc thờ phượng và giữ đạo.
Tuy người mục tử đã làm hết cách để chăn chiên, thái độ của con chiên cần thiết cho sự chăm sóc và bảo vệ. Thái độ cần thiết nhất của chiên là phải nhận ra tiếng của chủ mình và đừng đi theo người lạ hay đi hoang, vì chủ chiên không thể bảo vệ những con chiên như thế. Thứ đến, chiên cũng cần biết tuân giữ những mệnh lệnh của chủ, chứ đừng chỉ làm theo ý mình; vì chiên chưa đủ khả năng để tự chăm sóc mình, và nhận ra những gì cần thiết cho cuộc đời mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta hãy cố gắng học hỏi Kinh Thánh để nhận ra sự thật và tránh xa sự giả trá. Nếu không học hỏi Kinh Thánh, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhận ra sự gian trá của thế gian.
– Chúng ta hãy bắt chước Đức Kitô để kiên trung làm việc lành và chịu đau khổ cho tha nhân, để họ cũng được hưởng ơn cứu độ như Ngài đã làm cho chúng ta.
Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1884:ch-nht-iv-phc-sinha&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28