Chúa Nhật III, Thường Niên, Năm C

0
1827

1/ Bài đc I Nmk 8,2-4a.5-6. 8-102 Hôm ấy là ngày mồng một tháng thứ bảy, ông Ét-ra cũng là tư tế đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn.

3 Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật.

4 Kinh sư Ét-ra đứng trên bục gỗ đã đóng sẵn để dùng vào việc này. 5 Ông Ét-ra mở sách ra trước mặt toàn dân, vì ông đứng cao hơn mọi người. Khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy. 6 Bấy giờ ông Ét-ra chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: “A-men! A-men!” Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa. 8 Ông Ét-ra và các thầy Lê-vi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc. 9 Bấy giờ ông Nơ-khe-mi-a, tổng đốc, ông Ét-ra, tư tế kiêm kinh sư, cùng các thầy Lê-vi là những người đã giảng giải Luật Chúa cho dân chúng, nói với họ rằng: “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc.” Sở dĩ ông nói thế là vì toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật. 10 Ông Ét-ra còn nói với dân chúng rằng: “Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em.”

2/ Bài đc II, 1 Cr 12,12-3012 Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy.

13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. 14 Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi.

15 Giả như chân có nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. 16 Giả như tai có nói: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể.

17 Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? 18 Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn.

19 Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? 20 Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. 21 Vậy mắt không có thể bảo tay: “Tao không cần đến mày”; đầu cũng không thể bảo hai chân: “Tao không cần chúng mày.”

22 Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; 23 và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. 24 Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. 25 Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau.

26 Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. 27 Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. 28 Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.

29 Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, 30 ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao?

3/ Phúc Âm, Lc 1,1-4; 4,14-211 Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. 2 Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. 3 Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, 4 mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.

14 Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. 15 Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.

16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: 18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Chúa. 20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.

21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

—————————

GII THIU CH Đ: Sách Thánh giúp con người giải quyết mọi vấn nạn của cuộc đời.

Thiên Chúa không để con người lầm lẫn trong tối tăm của thế giới, Ngài ban cho con người một tấm gương soi là Kinh Thánh, Lời của Người. Con người có thể nhìn vào đó để nhận ra lỗi lầm quá khứ, để phiên dịch những gì đang xảy ra trong hiện tại, và để biết chuẩn bị cho tương lai đang tới. Điều cần là con người phải bỏ thời giờ để học hỏi và hiểu biết Kinh Thánh; nếu không, con người sẽ lầm lẫn trong bóng tối của cuộc đời, và không biết cách giải quyết những vấn nạn của cuộc sống.

Các Bài Đọc hôm nay nêu bật những ví dụ cụ thể của việc áp dụng Kinh Thánh trong cuộc đời. Trong Bài Đọc I, nhiều người Do-thái không hiểu lý do Thiên Chúa để Đền Thờ bị phá hủy, quốc gia bị xâm lăng, và dân chúng phải chịu lưu đày cực khổ khắp nơi. Trong ngày khánh thành Đền Thờ mới, tư tế Ét-ra cho đọc Sách Luật và các thầy Lê-vi thay phiên nhau cắt nghĩa cho dân chúng. Họ hiểu ra lý do của những tai ương là tội của toàn dân đã khinh thường Lời Chúa và đã không thi hành Lề Luật. Họ khóc vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa hằng yêu thương và săn sóc họ.

Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô đưa ra một ví dụ về thân thể mà con người có thể áp dụng trong cuộc sống để bảo trì sự hiệp nhất, thực thi đức bác ái, và cùng nhau xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô đến mức thập toàn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng lời ngôn sứ Isaiah để nói cho khán giả biết Ngài chính là sự ứng nghiệm của những lời ấy.

KHAI TRIN BÀI ĐC:

1/ Bài đc I: Toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật.

1.1/ Sách Thánh giúp dân chúng hiểu biết những gì đang xảy ra trong cuộc đời: Hoàn cảnh lịch sử của trình thuật hôm nay là ngày khánh thành Đền Thờ thứ hai. Sở dĩ có ngày khánh thành Đền Thờ thứ hai là Thiên Chúa đã đổi lòng vua Ba-tư là Cyrus và Darius, để hai vua này ban chiếu chỉ phóng thích cho dân Israel được hồi hương và giúp đỡ tài chánh để xây dựng lại Đền Thờ. Tư tế Ét-ra “đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật.”

Sự kiện đọc Sách Luật và giải thích cho dân chúng nghe hôm nay là một hiện tượng mới. Trước năm 538 BC, người Do-thái chỉ biết nghe theo lời những người lãnh đạo và các ngôn sứ của Thiên Chúa gởi tới, cầu nguyện và dâng lễ vật đền tội trong Đền Thờ. Sau biến cố này, người Do-thái thiết lập các hội đường để thường xuyên cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh trong ngày Sabbath. Việc nghe Kinh Thánh giúp dân chúng nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến tình thương của Thiên Chúa; đó là lý do dân chúng khóc vì nhận ra họ đã không trung thành với Thiên Chúa.

1.2/ Khinh thường Kinh Thánh là nguyên do của mọi đau khổ trong cuộc đời: Trong trình thuật hôm nay, dân chúng phải nghe giảng giải Kinh Thánh từ sáng sớm tới trưa, chứ không phải chỉ 15 phút trong thánh lễ mỗi tuần như nhiều người quan niệm. “Ông Ét-ra và các thầy Lê-vi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc.”

Điều mọi người đều nhận ra là Kinh Thánh không dễ hiểu, và có rất nhiều những giải thích sai lạc. Để hiểu, con người cần có thời giờ chuẩn bị tâm hồn cho tâm hồn lắng đọng và xin Thánh Thần soi sáng trước khi nghe Lời Chúa. Ngoài ra, dân chúng cần có những người chuyên môn am tường Kinh Thánh như các thầy Levi, để cắt nghĩa cho dân chúng về ý nghĩa và cách áp dụng Kinh Thánh trong cuộc sống.

Kinh Thánh không phải là thứ sách đọc qua rồi bỏ; nhưng là tấm gương soi để con người thường xuyên dựa vào đó để xét mình xem coi mình đã thực hành Lời Chúa được đến đâu. Kinh Thánh giúp con người nhận ra những lỗi lầm họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và đến tha nhân.

Kinh Thánh là nguồn khôn ngoan giúp con người dựa vào đó để tìm ra những giải pháp cụ thể cho mọi vấn nạn của cuộc đời. Thực hành những điều Thiên Chúa dạy dỗ sẽ giúp con người tránh được tội lỗi và những đau khổ sẽ xảy đến trong tương lai. Ngoài ra, Kinh Thánh giúp con người nhận ra tình thương Thiên Chúa và trung thành với Ngài trong suốt cuộc đời.

2/ Bài đc II: Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn.

Trình thuật hôm nay muốn nhấn mạnh đến mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân nằm trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Hiểu biết nền thần học thân thể của Phaolô sẽ giúp chúng ta loại bỏ những chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, kỳ thị, và hưởng thụ; đồng thời sẽ giúp chúng ta biết xây dựng gia đình, cộng đoàn, xã hội và Giáo Hội được bình an, tăng trưởng, và hạnh phúc.

2.1/ Phận vụ của các chi thể trong một thân thể: Thánh Phaolô liệt kê những kiến thức căn bản về thân thể:

– thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều chi thể, mà các chi thể của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể;

– các chi thể đều thuộc về thân thể cho dù chúng muốn hay không. Ví dụ, giả như chân có nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể,” thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể;

– mỗi chi thể đều cần thiết cho thân thể hoạt động theo ý định của Thiên Chúa: “Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Giả như tất cả chỉ là một chi thể, thì làm sao mà thành thân thể được?”

– những chi thể xem ra yếu đuối nhất lại được coi là cần thiết nhất; và những chi thể coi là tầm thường nhất, lại được tôn trọng hơn cả;

– tất cả các chi thể đều góp phần trong việc xây dựng thân thể: nếu một chi thể đau, thì toàn thân đều đau.

2.2/ Mỗi người tín hữu là chi thể của một Nhiệm Thể là Hội Thánh và Đức Kitô là Đầu: Thánh Phaolô áp dụng sự phân tích về thân thể vào Nhiệm Thể của Đức Kitô. Ngài dùng câu so sánh: “Đức Kitô cũng vậy.”

– tất cả chúng ta, dầu Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

– mỗi người được Thánh Thần ban cho mỗi đặc sủng khác nhau: người được ơn làm phép lạ, người được đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.

– đặc sủng khác nhau đưa đến những ơn gọi khác nhau: Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy…

– đừng bắt người khác giống mình, vì điều đó đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa và không mang lại kết quả tốt đẹp: “Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao?”

3/ Phúc Âm: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

3.1/ Mục đích của thánh sử Lucas khi viết Tin Mừng: Tin Mừng được viết cho một khán giả đặc biệt và mục đích được Lucas tuyên bố rõ ràng: “Thưa ngài Theophile đáng kính … mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo hun ngài đã hc hi tht là vng chc.”

Theo truyền thống Do-thái, lời chứng của hai, ba, hay nhiều người, là lời chứng vững chắc. Lucas nhắc nhở lời chứng của thế hệ thứ hai, những người đã nghe thế hệ thứ nhất thuật lại: “Có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta.” Và Lucas thêm vào lời chứng của mình: “Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài.” Điều cần lưu ý ở đây về cách cấu trúc văn chương của đoạn văn: cả đoạn đều là một câu; việc chia thành 4 câu là công việc của các học giả Kinh Thánh sau này.

3.2/ Chúa Giêsu đọc và giải thích Kinh Thánh.

(1) Chúa Giêsu nhận ra tầm quan trọng của việc đọc và dạy dỗ Kinh Thánh: Trình thuật kể: “được Thánh Thần thúc đẩy Ngài đi khắp miền Galilee để giảng dạy dân chúng trong các hội đường.” Như đã nói trên, kể từ thời Ét-ra trở đi, người Do-thái có thói quen thành lập các hội đường tại địa phương để cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh mỗi ngày Sabbath. Trong trình thuật hôm nay, “Đức Giêsu trở về Nazareth, nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabbath, và đứng lên đọc Sách Thánh.”

(2) Ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaiah. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Đây là lời của ngôn sứ Isaiah, 61:1-2a, về sứ vụ của ông nhận được từ Thiên Chúa, để loan tin cho dân Do-thái nơi lưu đày biết họ sắp được phóng thích để hồi hương.

Chúa Giêsu bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Đoạn văn của Isaiah không chỉ đúng cho Isaiah và người đương thời của ông, mà còn đúng cho Chúa Giêsu và khán giả thời của Ngài. Thánh Thần cũng xức dầu cho Đức Kitô trong biến cố Ngài chịu phép rửa tại sông Jordan. Ngài cũng được sai đi để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, không chỉ cho dân Do-thái, mà còn cho tất cả mọi người. Ngài giải thoát con người không phải khỏi ách nô lệ của ngoại bang, nhưng là ách nô lệ của tội lỗi và các quyền lực của ma quỉ.

Lời Kinh Thánh vẫn tiếp tục ứng nghiệm mỗi ngày trong cuộc đời cho đến tận thế. Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta cũng nhận lãnh sứ vụ rao truyền Tin Mừng để giải thoát con người khỏi ảnh hưởng của những gian trá và tội lỗi. Khi chúng ta thực hành những gì Kinh Thánh dạy, chúng ta tìm thấy niềm vui và được hưởng những hiệu quả tốt đẹp. Ngược lại, khi chúng ta không làm những gì Kinh Thánh dạy, chúng ta không có sự bình an và phải lãnh nhận mọi đau khổ do tội lỗi mang lại.

ÁP DNG TRONG CUC SNG:

– Lời Chúa là ánh sáng soi đường, là tấm gương soi chiếu cuộc đời, là nguồn khôn ngoan giúp chúng ta nhận ra sự thật và giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống.

– Chúng ta cần biết tận dụng thời giờ để học hỏi và cố gắng thực thi Lời Chúa để tránh được những đau khổ không cần thiết trong cuộc đời. Nếu không chịu học hỏi, chúng ta sẽ lầm lũi trong đêm tối và phải lãnh nhận mọi hậu quả không tốt đẹp.

– Lời Chúa giúp chúng ta không những nhận ra những gian trá của ba thù, mà còn giúp chúng ta biết cách thức xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô, mang bình an và hạnh phúc đến cho cá nhân và cộng đoàn.

– Lời Chúa vẫn tiếp tục ứng nghiệm hằng ngày trong cuộc đời mỗi người, gia đình, và nhân loại.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here