Chúa Nhật III – Năm C – Mùa Chay 

0
792

Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IXh 3,1-8a.13-15

1 Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp.

2 Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. 3 Ông tự bảo: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” 4 Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Mô-sê! Mô-sê!” Ông thưa: “Dạ, tôi đây!” 5 Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.”

6 Người lại phán: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.

7 Đức Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. 8 Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.” 13 Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” 14 Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.” 15 Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.”

2/ Bài đọc II1Cr 10,1-6.10-12

1 Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. 2 Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê. 3 Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, 4 tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Ki-tô. 5 Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc. 6 Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta.

3/ Phúc ÂmLc 13,1-9

1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.

2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? 3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? 5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?”

8 Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.

9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”

—————————–

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết dùng cơ hội Thiên Chúa ban để sám hối và sinh hoa kết trái.

Không ai trong chúng ta muốn giữ những thứ vô dụng, vừa choán chỗ vừa không dùng được: chiếc áo đã rách, đôi giày đã thủng lỗ, cái dù đã bị bung; nếu đã cố gắng sửa mà vẫn không dùng được, chúng ta sẽ vất nó vào sọt rác để mua sắm cái khác. Con người trước mặt Thiên Chúa cũng thế, Ngài sẽ làm mọi cách để sửa dạy và giúp con người thăng tiến như: răn dạy, cảnh cáo, và dùng hình phạt; nhưng nếu đã cố gắng mọi cách mà không sửa đổi được, Ngài sẽ phải cất đi để khỏi tốn công và tránh thiệt hại cho người khác.

Các Bài Đọc của Chủ Nhật III Mùa Chay tập trung trong việc con người phải biết nắm lấy cơ hội Thiên Chúa ban để ăn năn sám hối và thăng tiến không ngừng. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa động lòng thương xót dân của Ngài khi thấy họ bị đối xử tàn nhẫn như những nô lệ bên Ai-cập; Ngài hiện ra với ông Moses để tỏ ý định của Ngài và sai ông đến với con cái Israel để chuẩn bị đưa họ ra khỏi đất nô lệ để vào Đất Hứa. Trong Bài Đọc II, Phaolô muốn các tín hữu nhìn lại biến cố Xuất Hành để rút ra bài học cụ thể cho các tín hữu Corintô: cho dù con cái Israel đã được Thiên Chúa yêu thương và ban cơ hội để giải thoát; nhưng nhiều người trong họ đã không biết dùng cơ hội, vẫn càm ràm, than trách, và sau cùng phải chết trước khi vào Đất Hứa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho dân chúng phải biết nhìn các biến cố xảy ra trong cuộc đời và học hỏi những điều quan trọng cho bản thân: khi thấy người khác chết, đừng nghĩ là họ tội lỗi hơn mình, nhưng hãy biết sự chết cũng sẽ xảy ra cho mình; điều quan trọng là phải biết ăn năn sám hối và sinh hoa kết trái cho Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ta xuống để giải thoát chúng khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập.

1.1/ Thiên Chúa thương xót và muốn giải cứu con cái Israel khỏi cảnh làm nô lệ.

(1) Cuộc thần hiện của Thiên Chúa cho ông Moses: Moses tuy là người Do-thái; nhưng lớn lên trong hoàng gia như là con của công chúa Ai-cập. Sở dĩ ông phải bỏ hoàng gia để trốn qua đất Madian là vì ông đã giết một người Ai-cập khi người này đối xử dã man với một người Do-thái; tin này được loan truyền tới tai vua Pharaoh và nhà vua đang tìm cách bắt ông. Giống như tổ-phụ Abraham, Moses chưa một lần được biết Thiên Chúa. Để tỏ cho ông Moses biết uy quyền của Thiên Chúa, Ngài cho ông chứng kiến một hiện tượng lạ khi ông đang chăn chiên cho bố vợ là Jethro, tư tế Madian. Ông Moses nhìn thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi, ông tự bảo: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Moses! Moses!” Ông thưa: “Dạ, tôi đây!” Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.”

(2) Ý định của Thiên Chúa: Người mặc khải cho Moses: “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob… Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.”

1.2/ Thiên Chúa chọn ông Moses để lãnh đạo con cái Israel: Khi biết Thiên Chúa muốn chọn mình để lãnh đạo con cái Israel ra khỏi Ai-cập, ông Moses nhìn thấy trước hai khó khăn trong sứ vụ Thiên Chúa trao phó: Thứ nhất, vua Pharaoh đang tìm giết ông, làm sao ông dám vào để yêu cầu nhà vua phóng thích con cái Israel. Thứ hai, con cái Israel sẽ không tin ông, một người họ không biết và chẳng có trong tay một sức mạnh nào cả.

(1) Thánh danh của Thiên Chúa: Ông Moses thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Israel và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” Thiên Chúa phán với ông Moses: “Ta là Đấng Hằng Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Israel thế này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.”” Đấng Hằng Hữu nghĩa là Đấng luôn có. Đây là thánh danh mới của Thiên Chúa mặc khải cho con người. Để cho Moses và con cái Israel khỏi nhầm lẫn với một thần mới, Thiên Chúa dùng hai lần câu: “Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob.” Nói cách khác, Ngài vẫn là Thiên Chúa mà tổ phụ của họ đã biết và chính họ đang kêu cầu. Truyền thống Do-thái sau này rất sợ dùng thánh danh “Yahveh,” họ thay thế bằng các danh từ: Đức Chúa (Elohim), Thiên Chúa của con (Adonai), Thiên Chúa các đạo binh (El Sabaoth), Thiên Chúa uy quyền (El Shaddai)…

(2) Mối liên hệ giữa Thiên Chúa với ông Moses: Để củng cố niềm tin và đánh tan sự sợ hãi của Moses, Ngài hứa với ông: “Ta sẽ ở với ngươi” (x/c 12). Lời hứa này được Thiên Chúa thực hiện bắt đầu từ cuộc thương lượng với vua Pharaoh, suốt trong cuộc hành trình 40 năm trong sa mạc, cho tới khi đem dân vào Đất Hứa. Ông Moses cũng chịu thử thách bởi Thiên Chúa như dân. Thử thách lớn nhất ông phải chịu là tuy được thấy Đất Hứa từ xa; nhưng không được cùng dân vào Đất Hứa, mà được Thiên Chúa cất đi trước khi qua sông Jordan.

2/ Bài đọc II: Chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta.

2.1/ Biến cố Xuất Hành là bài học cho mọi tín hữu: Bối cảnh của trình thuật hôm nay là câu trả lời của Phaolô cho các tín hữu Corintô có nên ăn thịt cúng. Phaolô cho các tín hữu một nguyên tắc: được ăn, nhưng phải có lòng bác ái tôn trọng những người yếu đức tin; hơn nữa, người tín hữu phải biết đề phòng các chước cám dỗ; đừng quá tự tin nơi sức hèn của mình.

Để dẫn chứng một ví dụ cụ thể, Phaolô mời họ nhìn lại gương của con cái Israel khi họ xuất hành khỏi Ai-cập, lang thang suốt 40 năm trời trong sa mạc để được thanh luyện bởi Thiên Chúa, trước khi được vào Đất Hứa. Phaolô viết: “Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Moses.

Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng (manna), tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô. Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc.”

2.2/ Biết học nơi gương người đi trước: Phaolô khuyên các tín hữu: Biến cố Xuất Hành không chỉ là biến cố lịch sử của người Do-thái; nhưng còn là “bài học răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta.”

Được hưởng mọi đặc quyền từ Thiên Chúa không có nghĩa là sẽ được vào Đất Hứa. Giống như con cái Israel trong biến cố Xuất Hành, người tín hữu cũng đã được hưởng mọi đặc quyền từ Đức Kitô: được chịu Phép Rửa trong Phép Rửa của Ngài, được ăn thịt và uống máu trong Bữa Tiệc Ly với Ngài; nhưng những điều này không bảo đảm sẽ được phục sinh vinh hiển với Đức Kitô trong vương quốc của Ngài, nếu người tín hữu không biết dùng ơn thánh Đức Kitô ban để luyện tập nhân đức và vượt qua mọi cám dỗ cuộc đời để giữ vững đức tin vảo Thiên Chúa. Các tín hữu Corintô không thể tự mãn với đức tin của họ; nếu họ không đề phòng và làm cho đức tin vững mạnh, họ cũng có thể sa ngã như những người đi trước.

3/ Phúc Âm: Nếu các ông không ăn năn sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.

3.1/ Phải biết ăn năn sám hối khi còn có cơ hội.

(1) Đừng vội kết tội tha nhân: Truyền thống Do-thái có khuynh hướng đồng nhất đau khổ, bệnh tật, chết chóc với tội lỗi của cá nhân (x/c Sách Job, Jn 9:1). Trong trình thuật hôm nay, “có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilee bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.”

Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilee này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilee khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” Như câu trả lời của Chúa Giêsu cho các môn đệ trong John 9, Chúa Giêsu từ chối làm một sự nối liền giữa đau khổ và tội lỗi.

(2) Hãy học gương người đi trước: Điều Ngài muốn nhấn mạnh là con người phải biết rút ra bài học cho mình khi chứng kiến những gì xảy ra cho người khác. Trong hai ví dụ hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến nhu cầu con người phải ăn năn sám hối khi còn có cơ hội; nếu không họ cũng sẽ chết mà không được hưởng ơn cứu độ.

3.2/ Thiên Chúa kiên nhẫn với con người: Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?”

(1) Con người phải sinh hoa trái cho Thiên Chúa bằng các việc lành: Ai cũng cho cây không sinh trái là cây vô dụng, con người không sinh ích lợi cho Thiên Chúa và tha nhân cũng là người vô dụng. Khi một người hay một vật đã trở nên vô dụng, họ sẽ bị lấy đi để dành cơ hội cho người khác. Khi những thứ vô dụng bị loại ra ngoài, chúng sẽ bị hủy hoại. Sự kiện người làm vườn kiên nhẫn cho cây vả 3 năm để sinh hoa kết trái cho thấy sự kiên nhẫn của ông. Thiên Chúa cũng thế, Ngài kiên nhẫn cho con người rất nhiều cơ hội để sửa mình và sinh hoa kết trái cho Ngài.

(2) Hãy biết năm lấy cơ hội như lần cuối cùng: Nhưng người làm vườn đáp lời ông chủ: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”

Con người phải khôn ngoan vì họ không biết khi nào là cơ hội cuối cùng. Đừng bao giờ giả định cơ hội sẽ đến mãi: Biết bao nhiêu người chúng ta nhìn thấy năm trước, năm nay không còn nhìn thấy họ nữa; điều này có thể xảy ra cho chúng ta; vì thế, hãy sống như đây là Mùa Chay cuối cùng của cuộc đời; và hãy biết lợi dụng cơ hội Chúa ban để trở về.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa cho chúng ta sống trong thế gian là để chúng ta mưu cầu lợi ích cho phần rỗi linh hồn của chúng ta và của tha nhân.

– Nếu sau khi Thiên Chúa đã cung cấp mọi cơ hội để chúng ta có thễ lãnh nhận ơn cứu độ mà chúng ta vẫn từ chối, Ngài phải cất đi để chúng ta đừng làm thiệt hại phần hồn cho người khác.

– Hãy biết nắm lấy cơ hội như là cơ hội cuối cùng của cuộc đời, vì chúng ta không biết cơ hội có đến nữa hay không. Đàng khác, tại sao không tận dụng cơ hội để sống hạnh phúc và bình an ngay từ bây giờ để khỏi làm nô lệ cho xác thịt, thế gian và quỉ thần.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here