Chúa Nhật III – Năm B – Mùa Chay

0
254

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc I2 Sb 36,14-17.19-23

14 Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Jerusalem ra ô uế. 15 Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. 16 Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người, khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa.

17 Đức Chúa để cho vua Canđê tiến lên đánh họ; vua này dùng gươm giết các thanh niên ngay trong Thánh Điện của họ, chẳng chút xót thương bất kể thanh niên thiếu nữ, kẻ đầu xanh cũng như người tóc bạc. Đức Chúa trao tất cả họ vào tay vua Canđê. 19 Quân Canđê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Jerusalem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá huỷ mọi đồ đạc quý giá. 20 Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Babylon; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Batư ngự trị. 21 Thế là ứng nghiệm lời Đức Chúa phán, qua miệng ngôn sứ Giêrêmia rằng: cho đến khi đất được hưởng bù những năm sabát và suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết bảy mươi năm tròn. 22 Năm thứ nhất thời vua Cyrô trị vì nước Ba-tư, để lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia được hoàn toàn ứng nghiệm, Đức Chúa tác động trên tâm trí Cyrô, vua Batư. Vua thông báo cho toàn vương quốc và ra sắc chỉ như sau: 23 “Cyrô, vua Batư, phán thế này: ” Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Jerusalem tại Judah. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên!”

2/ Bài đọc IIEp 2,4-10

4 Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, 5 nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! 6 Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời. 7 Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người.8 Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; 9 cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. 10 Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

3/ Phúc ÂmGa 3,14-21

14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

————–

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương Thiên Chúa cứu chuộc con người.

Con người thường đặt câu hỏi khi phải đối diện những tai ương tàn khốc: “Tại sao một Thiên Chúa tốt lành lại để con người phải chịu những hậu quả thảm khốc như thế?” Nếu không tìm được câu trả lời thích đáng, họ sẽ từ chối tin vào Thiên Chúa vì hai lý do: hoặc không có Thiên Chúa hoặc Thiên Chúa không có lòng thương xót.

Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta câu trả lời thích đáng. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sử Biên Niên II tường trình cách vắn gọn tiến trình giáo dục con người của Thiên Chúa. Hình phạt chỉ là cách cuối cùng để con người nhận ra lầm lỗi của mình và để ngăn ngừa con người khỏi hư mất đời đời. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô xác quyết Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân hậu với con người qua biến cố Đức Kitô. Ngài sẵn sàng hy sinh Người Con Một để chúng ta có thể đạt được Ơn Cứu Độ là sự sống muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói rõ: Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình. Mục đích của Ngài không là để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người Con mà được Ơn Cứu Độ.

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tiến trình giáo dục của Thiên Chúa.

1.1/ Ngài dạy dỗ và cảnh cáo con người:

– Con người phạm nhiều tội và nhiều lần. Sách Sử Biên Niên chỉ nói cách tổng quát các tội: “Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Jerusalem ra ô uế.”

– Sai nhiều ngôn sứ đến cảnh cáo: Con người đã được Thiên Chúa dạy dỗ qua Lề Luật, họ đã biết những gì họ phải làm và hậu quả họ phải chịu nếu không giữ cẩn thận các Lề Luật. Tuy nhiên, vì tình thương, “Thiên Chúa vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người.”

1.2/ Ngài sửa phạt dân như lời Ngài đã cảnh cáo:

– Sau khi Thiên Chúa kiên nhẫn dạy dỗ dân qua Lề Luật và các Ngôn-sứ, và họ cố chấp không chịu nghe lời, Thiên Chúa dùng Vua Canđê như chiếc roi để sửa phạt dân: “Đức Chúa để cho vua Canđê tiến lên đánh họ; vua này dùng gươm giết các thanh niên ngay trong Thánh Điện của họ, chẳng chút xót thương bất kể thanh niên thiếu nữ, kẻ đầu xanh cũng như người tóc bạc. Đức Chúa trao tất cả họ vào tay vua Canđê. Quân Canđê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Jerusalem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá huỷ mọi đồ đạc quý giá. Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Babylon; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Ba-tư ngự trị.”

– Mục đích của việc sửa phạt là để cho dân nhận ra tội lỗi và hậu quả của nó, chứ không phải để thỏa mãn tính nóng giận mà để cho chết. Nếu Thiên Chúa không sửa phạt, dân chúng sẽ chết hết trong tội của họ. Khi Thiên Chúa sửa phạt, một số sẽ nhận ra tội lỗi, và bắt đầu cuộc hành trình trở lại với Ngài, để được Ngài xót thương. Như vậy, hình phạt cần thiết để tạo nên sự thống hối ăn năn, và để ngăn ngừa dân khỏi các hình phạt nặng nề hơn, nhất là cái chết.

1.3/ Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương:

– Thiên Chúa xót thương vì Ngài là Cha: Khi dân biết nhận ra tội của họ và thực lòng ăn năn thống hối, Thiên Chúa tha thứ và cứu dân khỏi hình phạt họ đang chịu. Ngài xót thương vì Ngài là Cha, và không một người cha nào muốn con mình phải hư mất. Ngài hòan lại tất cả những gì con cái Israel đã mất: quê hương, Đền Thờ, và Lời Hứa với các Tổ-phụ.

– Thiên Chúa có tòan quyền trên tất cả quyền lực của thế gian: Điều này chứng tỏ qua các sự kiện: Ngài dùng Vua Babylon như chiếc roi để sửa phạt dân; khi dùng xong, Ngài bẻ gãy chiếc roi bằng việc trao đế quốc Babylon vào tay Cyrus, Vua Ba-tư. Chính Vua này lại trở thành khí cụ Chúa dùng để phóng thích dân Do-thái, cho về để tái thiết lại quốc gia và Đền Thờ. Điều này đã được Thiên Chúa báo trước qua lời ngôn sứ Jeremiah; để khi xảy ra, dân chúng biết đó không phải là chuyện tình cờ, nhưng đã được xếp đặt trước bởi Thiên Chúa, để họ tin vào Ngài.

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu.

2.1/ Thiên Chúa tỏ tình yêu cho con người qua Đức Kitô:

– Đức Kitô đến để lấp đầy khỏang cách xa lạ giữa con người và Thiên Chúa: Tội lỗi làm con người mặc cảm và xa lánh Thiên Chúa; Đức Kitô đến để mời gọi con người quay về với tình yêu Thiên Chúa.

– Ngài nâng cao địa vị và phẩm giá con người: “Họ là con Thiên Chúa và Ngài yêu thương họ.” Tội lỗi làm mất đi các đặc quyền con người được hưởng như một người con của Thiên Chúa. Đức Kitô đến để phục hồi cho con người quyền làm con. Dụ ngôn Người Cha nhân hậu dẫn chứng rõ ràng điều này.

– Ngài hướng lòng con người lên những điều tốt lành thánh thiện và giải thóat con người khỏi xiềng xích của tội, Ngài cho con người cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa.

– Ngài cứu con người khỏi chết và cho con người được cùng sống lại với Đức Kitô. Chính do Đức Kitô mà con người đạt được đích điểm Thiên Chúa đã phác họa cho con người.

2.2/ Chúng ta được cứu độ là do bởi ân sủng của Thiên Chúa:

– Hòan tòan là do bởi ân sủng của Thiên Chúa: Con người không thể làm gì để đạt Ơn Cứu Độ, vì tất cả đều phạm tội, và như một hậu quả, tất cả đều đáng phải chết. Nhưng tại sao con người không phải chết là hòan tòan do lòng thương xót của Thiên Chúa: Ngài cho Người Con Một của mình để chết thay cho nhân lọai. Điều Thiên Chúa mong muốn là con người hãy tin vào Người Con; và qua niềm tin này, con người sẽ nhận được Ơn Cứu Độ: “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.”

– Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa: “Chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.” Như nguyện ước của các cha mẹ khi sinh con ra đời, họ muốn con nên người và đạt được mọi kỳ vọng họ đặt nơi con. Để giúp con đạt được những kỳ vọng này, họ sẵn sàng hy sinh tất cả. Thiên Chúa cũng thế, Ngài cho con người ra đời là muốn tất cả đạt tới Ơn Cứu Độ. Để giúp con người đạt đích, Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả, ngay cả việc cho đi chính Ngài qua Mầu Nhiệm Thập Giá.

3/ Phúc Âm: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người.

3.1/ Nhờ Đức Kitô chịu khổ hình, con người được hưởng ơn Cứu Độ: Chúa Giêsu dùng biến cố “rắn lửa cắn dân chết” trong Sách Dân Số, để loan báo trước về Cuộc Khổ Nạn của Người:

– Như nọc độc của rắn làm dân phải chết, nọc độc của tội cũng làm dân phải chết (Num 21:4-9). Như ông Moses đã giương cao con rắn trong sa mạc, Chúa Kitô cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để cứu chuộc con người.

– Điều kiện để được chữa khỏi nọc độc của rắn là phải nhìn lên con rắn đồng trong sa mạc; điều kiện để được sống muôn đời là nhìn lên Cây Thập Giá và phải tin vào Đức Kitô. Khi nhìn lên Thập Giá, con người phải hiểu được tình thương Thiên Chúa dành cho con người; khi Ngài cho Người Con Một là Ngài cho chính Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”

3.2/ Thiên Chúa không kết án thế gian, con người lên án chính mình:

– Tình thương không có chỗ cho buộc tội, kết án: Mục đích của việc Chúa Cha sai Người Con tới là để gánh tội và chết cho con người: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”

– Con người kết án chính mình khi từ chối tình yêu Thiên Chúa, và không tin vào Đức Kitô: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”

3.3/ Bản án của con người: “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.”

– Ánh sáng và bóng tối: Ánh sáng là chính Đức Kitô, là Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Khi Đức Kitô đến, Ngài buộc con người phải làm quyết định: tin hay không tin vào Ngài. Bóng tối là tội lỗi, là những cám dỗ bất chính của Satan.

– Con người có tự do lựa chọn: Họ có thể chọn ra ngòai ánh sáng hay ở trong bóng tối, chọn Thiên Chúa hay chọn ma quỉ. Khi con người chọn đàng nào, con người phải chấp nhận hậu quả của nó. Chọn ánh sáng sẽ dẫn con người tới Ơn Cứu Độ; chọn bóng tối sẽ làm cho con người phải chết muôn đời. Con người lên án chính mình bằng ngoan cố ở trong bóng tối.

– Theo Gioan, Thiên Chúa chẳng cần phán xét con người, họ phán xét chính mình. Con người cũng chẳng cần phải đợi Ngày Phán Xét; chính lúc con người lựa chọn ở trong bóng tối là con người tuyên án cho chính mình (Realized eschatology, “phán xét ngay hiện tại” là thế). Phán xét tương lại hòan tòan tùy thuộc vào phán xét hiện tại.

– Kẻ làm điều gian ác thích ở trong bóng tối, vì sợ nếu ra ngòai ánh sáng, các tội lỗi của mình sẽ bị lật tẩy. Điều này chúng ta dễ nhận ra vì đa số các tội ác xảy ra ban đêm và những chỗ vắng vẻ không người, như lời Tin Mừng hôm nay: “Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.”

– Ngược lại, người làm điều chân thật lại thích ở trong ánh sáng để tránh mọi nguy hiểm do bóng tối mang lại: “Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

– Tiến trình giáo dục của con người giúp chúng ta nhận ra tiến trình giáo dục của Thiên Chúa. Hình phạt chỉ là cách thế sau cùng Thiên Chúa dùng trong tiến trình giáo dục.

– Ngay cả khi xử dụng hình phạt, tình thương của Thiên Chúa vẫn chiếu sáng. Nếu không có hình phạt, con người sẽ không nhận ra lỗi lầm của mình.

– Cần nhìn tòan thể Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa trước khi con người có thể phê bình cách thức của Ngài dùng. Nếu chỉ nhìn vào một biến cố, con người dễ mất niềm tin nơi Ngài.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-iv-mua-chay-nm-b/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here