Chúa Nhật III Mùa Vọng, Năm B

0
934

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc I: Is 61,1-2, 10-11

1 Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, 2 công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than,

10 Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.

11 Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.

2/ Bài đọc II: 1 Tx 5,16-24

16 Anh em hãy vui mừng luôn mãi 17 và cầu nguyện không ngừng. 18 Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su. 19 Anh em đừng dập tắt Thần Khí. 20 Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. 21 Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; 22 còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa. 23 Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm. 24 Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó.

3/ Phúc Âm: Ga 1,6-8, 19-28.

6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. 7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. 8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. 19 Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai? “

20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.”

21 Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? ” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? ” Ông đáp: “Không.”

22 Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? ” 23 Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.

24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu.

25 Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ? “

26 Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.

27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”

28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy vui mừng lên!

Tại sao phải vui mừng? Con người vui mừng vì nhiều lý do: Có thể vui mừng vì đạt được những gì mình hy vọng như: học sinh ra trường, nhà nông thu họach mùa màng, mục đồng được báo tin vui Đấng Cứu Thế đã ra đời, Ba Vua đi tìm và được gặp Đấng Cứu Thế. Có thể vui mừng vì tìm lại được những gì đánh mất như: tình yêu, sức khỏe, mù được thấy, qùe được đi, câm được nói. Có thể vui mừng vì làm được những gì mình đã không thể làm: như người đàn bà mang thai và có con trong lúc tuổi già, linh mục có quyền trừ quỉ và tha tội.

Các Bài Đọc của Chủ Nhật III Mùa Vọng xoay quanh chủ đề “Hãy vui mừng lên,” vì Đấng Cứu Thế sắp tới; Ngài mang theo tất cả những gì con người đang thiếu thốn và mong đợi. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah kêu gọi dân Do-Thái hãy vui mừng lên vì Năm Tòan Xá sắp tới, niềm vui vì sắp hết Thời Lưu Đày (50 năm, từ 587 BC đến 538 BC). Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô không những kêu gọi các tín hữu vui mừng lên, mà còn phải vui mừng luôn mãi. Lý do là vì Ngày Chúa Quang Lâm sắp tới; và mọi người sẽ được nhìn thấy ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả báo cho dân biết Đấng Cứu Thế đã xuống và ở giữa con người; nếu họ đi tìm thì họ sẽ gặp Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tuyên bố Năm Hồng Ân (hay còn gọi là Năm Toàn Xá)

1.1/ Năm Tòan Xá: Để hiểu những gì Tiên Tri Isaiah nói tới hôm nay, chúng ta cần hiểu về Năm Tòan Xá. Theo truyền thống Do-Thái, cứ 50 năm một lần, con người có quyền làm lại từ đầu. Trong năm này, ruộng vườn nhà cửa được trả lại cho người bán, ân xá hay gỉam án cho kẻ bị giam cầm, phóng thích cho những tù nhân, nô lệ. Nói tóm, Năm Tòan Xá là năm mà mọi tội lỗi hay nợ nần được tha, để tất cả mọi người có thể làm lại cuộc đời (x/c Lev 25:8-55, Isa 49:8-26). Sở dĩ có năm này là vì Thiên Chúa yêu thương con người; Ngài không muốn tội lỗi và hậu quả của nó đè bẹp con người, nhưng cho con người có cơ hội để làm lại cuộc đời.

1.2/ Tiên Tri Isaiah loan báo Năm Hồng Ân: “Thánh Thần của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một Năm Hồng Ân của Đức Chúa, một Ngày Tòan Thắng của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than.” Nếu so sánh những lời Tiên Tri nói tới trong đọan văn này, với những gì được mô tả ở trên về Năm Tòan Xá, chúng ta có thể nhìn thấy những điều giống nhau như: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, yên ủi mọi kẻ khóc than, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, công bố ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một Năm Hồng Ân của Đức Chúa, công bố Ngày Tòan Thắng của Thiên Chúa chúng ta.

Hơn nữa, đọan văn này là chương 61 của Sách Tiên Tri Isaiah III, gồm các chương từ 60 tới 66. Sách Isaiah III được viết sau Thời Lưu Đày; và Thời Lưu Đày được kéo dài đúng 50 năm (587-538 BC). Một số chi tiết quan trọng trong đọan văn cần được lưu ý:

– Thánh Thần được đề cập thường xuyên, bắt đầu chương 60, nhưng đã được hứa trước trong (Isa 11:1-2). Sự hiện diện của Thánh Thần bắt đầu triều đại Đấng Cứu Thế. Sau này, tất cả mọi người thuộc về Đấng Cứu Thế, sẽ được hưởng Thánh Thần (x/c Joel 2:28).

– Ai là người được xức dầu tấn phong? Theo truyền thống Isaiah (Isa 40:11, 54:1-17, 55:3), người được xức dầu tấn phong bởi Thánh Thần chính là Người Tôi Tớ của Yahveh, Đấng Cứu Thế!

– Điều Tiên Tri Isaiah muốn nhấn mạnh đến trong trình thuật hôm nay là Ơn Cứu Độ tòan diện, bao gồm mọi khía cạnh: thể lý, tâm linh, cá nhân, và xã hội (x/c Mt 11:4-6).

1.3/ Niềm vui vì được Thiên Chúa ghé mắt thương đến: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.”

Điều quan trọng nhất để hiểu đọan văn này là phải xác nhận: Ai là người được Thiên Chúa ghé mắt thương đến trong đọan văn này? Theo Targum, người được Thiên Chúa ghé mắt thương đến là Jerusalem. Bản Targum thêm câu, “Vì thế Jerusalem nói.” Jerusalem được nhân cách hóa để chỉ Israel, Dân Chúa. Jerusalem cử hành tình yêu trọn vẹn giữa Dân Thành với Thiên Chúa (Isa 54:5-8, Jer 33:10-11, Rev 19:7, 9, Jn 2:1-11). Jerusalem cũng có thể chỉ Giáo Hội, Jerusalem mới, Hiền Thê của Đức Kitô. Sau cùng, Jerusalem cũng có thể được áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria.

– Mấy điểm quan trọng của đọan văn này:

(1) Mặc cho tôi hồng ân cứu độ: Ơn Cứu Độ đến từ Thiên Chúa và được ban tặng cho con người.

(2) Choàng cho tôi đức chính trực công minh: Nhờ tin vào Đức Kitô, con người được hòa giải với Thiên Chúa, và vì thế, được trở nên công chính trước mặt Ngài.

(3) Ngày Cứu Độ được ví như Ngày Hôn Lễ: Đức Kitô là Chú Rể, Giáo Hội là Cô Dâu: “như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.”

(4) Một khi đã được Thiên Chúa ghé mắt thương đến, con người sẽ không còn khô cằn sỏi đá, nhưng kết trái đâm bông, sinh hoa kết quả; và xứng muôn lời ca ngợi.

(5) Vinh quang của Đấng Thiên Sai bắt đầu từ trái đất – với và qua con người – nhưng Thiên Chúa vẫn là nguồn của mọi đời sống (Isa 45:8, 53:2).

2/ Bài đọc II: Ngày Chúa Quang Lâm đã gần đến.

Đây là những lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô cho các tín hữu Thessalonica. Căn bản của những lời khuyên nhủ là Ngày Quang Lâm sắp tới, làm việc gì cũng phải nhắm tới ngày đó.

2.1/ Tinh thần của các Kitô hữu: “Phải vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. Anh em đừng dập tắt Thánh Thần. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.”

– Vui mừng, cầu nguyện, và tạ ơn trong mọi hòan cảnh: đây chính là cách để chu tòan bổn phận đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

– Phải nhận ra các ân huệ khác nhau được ban bởi cùng một Thánh Thần cho các người trong cộng đòan (I Cor 12-14). Đừng dập tắt những biểu lộ trung thực của Thánh Thần (Acts 7:51, Isa 63:10), mặc dù sự phân biệt những biểu lộ cũng là một ân sủng cần thiết (I Cor 12:10, 14:29), cần phân biệt sự nguy hiểm của quỉ thần và các thần gian dối (II Thes 2:2).

– Chớ khinh thường ơn nói tiên tri: biểu tỏ qua những lời rao giảng, dạy dỗ, và an ủi. Ơn này đánh dấu một ân huệ chuyển tiếp, không phải là một lọai đặc biệt của Kitô hữu (I Cor 14:31).

– Cân nhắc mọi sự: các biểu lộ ân huệ của Thánh Thần, không chỉ là lời khuyên nên làm lành lánh dữ.

2.2/ Ngày Chúa Quang Lâm đã gần đến: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó.”

– Ngày Chúa Quang Lâm là đích điểm. Cuộc sống các tín hữu phải xoay quanh Ngày này.

– Chúa là nguồn mạch bình an: Ngài sẽ đưa tất cả những lời hứa đến chỗ vẹn tòan cho những ai tin tưởng và cậy trông nơi Ngài. Chúa là Đấng trung thành: Chúa hứa và Ngài sẽ thực hiện.

– Tòan diện gồm: trí tuệ, linh hồn, và thân xác của con người. Thánh hóa tòan diện không phải chỉ là một lời hứa, nhưng còn là công việc của Thiên Chúa làm (Exo 31:13, Lev 21:8, Eze 37:28, Jn 17:19). Con người được thánh hiến bằng Lời Chúa, ơn thánh, và Chúa Thánh Thần.

3/ Phúc Âm: Tin Mừng: Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.

3.1/ Gioan là sứ giả loan báo Tin Mừng: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” Nhiều người cho rằng: sở dĩ Thánh-sử Gioan phải viết những lời này vì có giáo phái coi trọng Gioan Tẩy Giả hơn Đức Kitô. Điều này xảy ra không phải tự Gioan muốn như thế, nhưng có thể là môn đệ hay những người quí trọng ông. Thánh-sử Gioan muốn làm sáng tỏ quan niệm này, khi ngài nhấn mạnh:

– Chỉ có Đức Kitô là ánh sáng của thế gian (Jn 8:12).

– Gioan Tẩy Gỉa không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.

3.2/ Lời chứng của Gioan Tẩy Giả: Khi một số người gồm các Kinh-sư, Biệt-phái, từ Jerusalem đến chất vấn, ông trả lời họ như sau:

(1) Gioan không phải là Đức Kitô: Họ hỏi: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn: “Tôi không phải là Đấng Kitô.” Gioan không muốn ai lẫn lộn mình với Đấng Kitô.

(2) Gioan không phải là Elijah: Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Elijah không?” Ông nói: “Không phải.” Ông có lý do để trả lời như thế, mặc dù trong Tin Mừng Nhất Lãm, chính Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết Gioan chính là Elijah phải tới. Ông chu tòan sứ vụ của TT Elijah, chứ không phải là hiện thân của Elijah như người Do-Thái tin.

(3) Gioan không phải là một ngôn sứ: Họ lại hỏi: “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Có lẽ vì biết trách vụ của mình chỉ là người dọn đường, nên Gioan đã khiêm tốn thú nhận mình không phải là một ngôn sứ.

(4) Gioan là tiếng kêu trong hoang địa: Họ chất vấn ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaiah đã nói.”

(5) Gioan phân biệt 2 Phép Rửa: Phép Rửa của ông và của Đấng Cứu Thế. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisees. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Elijah hay vị ngôn sứ?” Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Hãy vui mừng lên! Vì ơn cứu độ của chúng ta đã tới.

– Đấng Cứu Thế đã tới và đang ở giữa chúng ta. Mọi tội lỗi của chúng ta sẽ được tha.

– Chúng ta có niềm vui của người bắt đầu cuộc đời mới với bao nhiêu ơn lành. Chúng ta phải vui mừng luôn, cầu nguyện với Thiên Chúa, và tạ ơn trong mọi hòan cảnh vì Ngày Chúa Quang Lâm đã gần tới.

Nguồn: https://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2291:ch-nht-iii-mua-vngb&catid=25&Itemid=27

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here