LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
1/ Bài đọc I: Xh 20:1-17
1 Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây: 2 “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. 3 Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. 4 Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. 5 Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. 6 Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.7 Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.8 Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. 9 Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. 10 Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. 11 Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.12 Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. 13 Ngươi không được giết người. 14 Ngươi không được ngoại tình. 15 Ngươi không được trộm cắp. 16 Ngươi không được làm chứng gian hại người. 17 Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.”
2/ Bài đọc II: 1 Cr 1:22-25
22 Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, 23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. 24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. 25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.
3/ Phúc Âm: Ga 2:13-25
13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. 18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” 19 Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” 20 Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói. 23 Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. 24 Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, 25 và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm thế nào để thanh tẩy và làm đẹp đền thờ tâm hồn?
Ít có người trong chúng ta thích ở dơ dáy bẩn thỉu, và khó chịu khi phải ở chung với người như thế; vì sợ bệnh tật và thiệt hại cho sức khỏe. Để tránh ở dơ, chúng ta phải dành thời giờ để tắm rửa, dọn dẹp, và lau chùi. Trong đàng thiêng liêng cũng thế, chúng ta không thể chất chứa tội trong tâm hồn; vì chúng sẽ tàn phá và đưa chúng ta dần dần đến chỗ chết. Hơn nữa, Thiên Chúa không thể ở trong những tâm hồn tội lỗi. Để có thể rước Thiên Chúa vào lòng và ở lại trong tâm hồn, chúng ta cần thường xuyên xét mình để nhận ra những tội lỗi, và mau chạy đến với BT Giải Tội để làm hòa và lãnh nhận ơn tha thứ. Mùa Chay là dịp thuận tiện để chúng ta thanh tẩy những tính hư tật xấu trong tâm hồn, nhiều người gọi Mùa Chay là mùa xuân của tâm hồn. Nhưng làm sao chúng ta có thể nhận ra những tội lỗi để thanh tẩy?
Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những cách thức để nhận ra tội lỗi. Trong Bài Đọc I, Sách Xuất Hành trình bày cách thức xét mình bằng Thập Giới: 3 giới răn đầu tiên đặc biệt chú trọng tới mối liên hệ với Thiên Chúa, 7 giới răn sau chú trọng tới mối liên hệ với tha nhân. Trong Bài-đọc II, Thánh Phaolô chọn Chúa Kitô chịu đóng đinh trên cả hai thần: thần khôn ngoan của người Hy-lạp, và thần thích biểu dương uy quyền của người Do-thái. Trong Phúc Âm, vì lòng nhiệt thành, khi thấy Nhà Cha của Ngài ra ô uế, Chúa Giêsu đã đánh đuổi những con buôn ra khỏi Đền Thờ. Ngài trách mắng họ: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thập Giới giúp con người sống mối liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa và tha nhân.
1.1/ Ba điều giúp con người sống mối liên hệ với Thiên Chúa:
(1) Phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng và trên hết mọi sự: Chỉ có một Thiên Chúa mà thôi; tất cả các thần khác là do con người tạo nên: Thần Tài, Thần Mặt Trời, Vệ Nữ, Thần Mammon. Lời của Thiên Chúa cảnh cáo những ai muốn thờ hai thần hay làm tôi hai chủ: “Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.”
(2) Chớ kêu tên Thiên Chúa cách vô cớ: Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.
(3) Giữ ngày Chủ Nhật: Người Do-thái giữ ngày thứ bảy, và gọi đó là ngày Sabbath; vì Thiên Chúa đã hòan tất việc tạo dựng và nghỉ ngơi trong ngày đó. Họ tuyệt đối không làm việc xác trong ngày đó. Chúng ta giữ ngày Chủ Nhật, vì là ngày Chúa Giêsu sống lại. Vì kế sinh nhai, Giáo Hội cho phép người nghèo và những người không thể nghỉ được làm việc; nhưng không có nghĩa là tất cả được phép. Con người cần được nghỉ ngơi và cần dành thời giờ cho Thiên Chúa. Khi đã có đủ ăn, con người cần lo lắng cho những giá trị tinh thần nhiều hơn, và cho anh chị em có cơ hội làm việc để sinh sống. Thần Mammon rất dễ lợi dụng ngày này.
1.2/ Bảy điều giúp sống mối liên hệ với tha nhân: Các điều này cần thiết; tuy nhiên, khi có xung đột, phải giữ ba điều trên trước.
(4) Thảo kính cha mẹ.
(5) Ngươi không được giết người.
(6) Ngươi không được ngoại tình.
(7) Ngươi không được trộm cắp.
(8) Ngươi không được làm chứng gian hại người.
(9) Ngươi không được ham muốn vợ người ta.
(10) Ngươi không được ham muốn bất cứ vật gì của người ta.
2/ Bài đọc II: Đức Kitô chịu đóng đinh là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
2.1/ Khôn ngoan của người đời: Mỗi dân tộc đều có những đặc điểm mà họ rất hãnh diện; chẳng hạn, người Trung-hoa tự hào vì tài bắt chước, không một sản phẩm nào mà họ không làm giả được. Thánh Phaolô cũng đưa ra hai dân tộc rất tự hào về truyền thống của họ, là Do-thái và Hy-lạp:
– Người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ: Họ đã từng thách thức Chúa Giêsu tỏ uy quyền bằng cách làm phép lạ để họ có thể tin vào Ngài. Trong Phúc Âm Gioan hôm nay, họ cũng thách thức Chúa Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”
– Người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan: Triết học của Plato và Aristotle, hùng biện như Demosthenes. Họ khao khát biết sự thật và nguồn gốc của mọi sự để thuyết phục con người tin họ.
Thánh Phaolô hãnh diện tuyên xưng: Nhưng chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh: điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và Dân-ngoại cho là điên rồ. Ô nhục vì chỉ có kẻ cướp của giết người mới phải chịu án tử Thập Giá; điên rồ vì Thiên Chúa không thể chịu đau khổ, một Thiên Chúa chịu đau khổ không còn là Thiên Chúa uy quyền nữa.
2.2/ Khôn ngoan của Thiên Chúa: “Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.”
– Khôn ngoan không chỉ là học cho biết những lý thuyết cao xa, những điều bí ẩn, kỳ diệu; nhưng không sinh lợi ích gì cho con người. Khôn ngoan đích thực là học biết thánh ý của Thiên Chúa để đạt được mục đích của cuộc đời. Qua Đức Kitô, con người biết được những kế họach của Thiên Chúa, và cách thức làm sao để đạt được mục đích của cuộc đời. Thánh Thomas Aquinas, một nhà thần học lỗi lạc của Dòng Đa-minh tuyên bố: “Tôi học dưới chân Thánh Giá được nhiều điều hơn bất cứ nơi nào khác.”
– Sức mạnh không chỉ đo lường bằng vũ lực hay quyền năng, nhưng làm sao có thể lay chuyển được lòng người; ví dụ, sức mạnh của anh hùng phải nhường bước trước giọt nước mắt của phụ nữ. Thập Giá Đức Kitô có sức làm mềm những con tim chai đá nhất, và cải hóa họ về cho Thiên Chúa. Qua Thập Giá, Đức Kitô đánh bại quyền lực của quỉ thần và sự chết, và đưa con người về cho Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.
3.1/ Lòng nhiệt thành của Chúa Giêsu cho Nhà Cha của Ngài: Tại sao Chúa Giêsu đuổi họ? Hai lý do chính:
(1) Đền Thờ là nơi cầu nguyện: là chỗ con người tiếp xúc với Thiên Chúa. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”
(2) Họ dùng Lề Luật tôn giáo để kiếm lợi nhuận kinh tế: Đây là cả một hệ thống kinh tài dựa trên các luật con người dâng lễ vật để đền tội. Khi lên Đền Thờ dâng lễ vật đền tội, con người phải dâng những lễ vật thanh sạch và không tì tích. Để bảo đảm điều này, các con vật phải được khám xét bởi các chuyên gia của Đền Thờ. Thử tưởng tượng trường hợp của những người phải mang lễ vật và đi mấy ngày đàng mới tới Jerusalem, đến khi thanh tra những con vật mình mang lên lại không đủ tiêu chuẩn, mà không có lễ vật thì tội không được tha. Họ đành phải bỏ tiền mua các con vật của các chuyên gia hay người nhà của họ, nhiều khi đắt gấp cả chục lần. Để có quầy hàng trong khu vực Đền Thờ, họ lại phải là người nhà hay quen biết với các thượng-tế, kinh sư, và các tư tế.
3.2/ Làm thế nào để thanh tẩy và trang hòang đền thờ tâm hồn? Trong cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo Do-thái, Ngài nhấn mạnh đến Đền Thờ là chính thân thể của Ngài. Nếu Đền Thờ Jerusalem không thể vừa là chỗ thờ phượng, vừa là chỗ để làm thương mại; đền thờ tâm hồn của mỗi người cũng không thể vừa là chỗ cho Thiên Chúa vừa là chỗ cho ma quỉ. Vì Thánh Phaolô nhấn mạnh: “thân thể anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần” và “thân thể anh em là chi thể của Đức Kitô.”
Để có thể thanh tẩy tâm hồn, điều trước tiên con người phải làm là quyết tâm chỉ thờ một Thiên Chúa mà thôi: Không thờ phượng hai thần, không làm tôi hai chủ. Bài Đọc I nói rõ: “Thiên Chúa là Thiên Chúa ghen tương.” Ngài không chấp nhận ở chung với bất cứ thần nào.
– Thánh Teresa Hài Đồng nói: “Thiên Chúa nhận tất cả những gì chúng ta cho Ngài, nhưng sẽ không cho tất cả những gì của Ngài cho chúng ta, cho tới khi Ngài nhìn thấy chúng ta đang cho Ngài tất cả những gì chúng ta có.”
– Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Đừng để ý tới bất cứ tạo vật nào nếu anh muốn giữ hình ảnh của Thiên Chúa rõ ràng và đơn nhất trong linh hồn anh, nhưng hãy trút đi tất cả những gì liên quan tới chúng và chạy xa khỏi chúng, và anh sẽ đi trong ánh sáng của Thiên Chúa.” Còn biết bao các thần tạo vật mà chúng ta đang làm nô lệ cho nó trong cuộc đời. Hãy mạnh dạn để quăng đi tất cả để có thời gian và dành cho Thiên Chúa chỗ ưu việt nhất trong cuộc đời.
– Nếu chúng ta chọn thanh tẩy tâm hồn, chúng ta biết rằng chúng ta càng thanh tẩy tâm hồn bao nhiêu, tiến trình thanh tẩy càng dễ dàng bấy nhiêu. Trong đời sống nội tâm có một ảnh hưởng dây chuyền, chúng ta càng đi sâu vào, chúng ta càng ao ước được trở nên trong sạch hơn để chúng ta càng sống thân tình với Thiên Chúa hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
– Chúng ta phải học nơi Thập Giá của Đức Kitô hơn là bất cứ nơi nào trong thế giới này, vì Ngài là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
– Chúng ta phải thường xuyên thanh tẩy tâm hồn, để nhiệt thành và dứt khóat quét sạch các nhơ bẩn, bụi bặm của tội lỗi, để xứng đáng trở nên Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự. Chỉ có những tâm hồn trong sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa (Phúc thứ 6). Thánh Thomas Aquinas quả quyết một tâm hồn trong sạch có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa từ đời này.
– Chúng ta phải dứt khóat không làm tôi hai chủ, chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi.
Nguồn: https://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2540:ch-nht-iii-mua-chay-nm-b&catid=25&Itemid=27