Chúa Nhật II – Năm C – Mùa Chay 

0
471

Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc ISt 15,5-12.17-18

5 Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.” Người lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!”

6 Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính.

7 Người phán với ông: “Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi thành Ua của người Can-đê, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu.” 8 Ông thưa: “Lạy Đức Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?” 9 Người phán với ông: “Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non.” 10 Ông kiếm cho Người tất cả những con vật ấy, xẻ đôi ra, và đặt nửa này đối diện với nửa kia; còn chim thì ông không xẻ. 11 Mãnh cầm sà xuống trên các con vật bị giết, nhưng ông Áp-ram đuổi chúng đi.

12 Lúc mặt trời gần lặn, thì một giấc ngủ mê ập xuống trên ông Áp-ram; một nỗi kinh hoàng, một bóng tối dày đặc bỗng ập xuống trên ông. 17 Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, thì bỗng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi.

18 Hôm đó, Đức Chúa lập giao ước với ông Áp-ram như sau: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát.

2/ Bài đọc IIPl 3,17-4,1

17 Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh em. 18 Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô:

19 chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.

20 Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. 21 Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.

1 Bởi vậy, hỡi anh em thân mến lòng tôi hằng tưởng nhớ, anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi. Anh em rất thân mến, anh em hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng như vậy.

3/ Phúc ÂmLc 9,28b-36

28 Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. 29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.

30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. 31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.

32 Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người.

33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì. 34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. 35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”

36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

——————————

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm hy vọng vào những gì Thiên Chúa hứa

Con người sống và hoạt động là nhờ niềm hy vọng, chẳng hạn: học sinh đi học vì hy vọng có ngày ra trường; nhà nông cầy bừa vì hy vọng có ngày gặt hái mùa màng; lực sĩ thế vận hội luyện tập vì hy vọng có ngày đứng trên bục nhận huy chương vàng; người tín hữu giữ đạo vì hy vọng sẽ được chung sống với Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Hy vọng rất cần thiết cho con người, vì nếu không có hy vọng, con người sẽ không có nghị lực để sống, để tiến tới, và nhất là để vượt qua các đau khổ trong cuộc đời. Khi hy vọng, con người cần biết tính chắc chắn của điều mình hy vọng và khả năng của mình có thể đạt tới; chứ không phải là hy vọng hão huyền hay hy vọng những điều không thể đạt được.

Các Bài Đọc trong Chủ Nhật II Mùa Chay nêu bật niềm hy vọng của các tín hữu vào những gì Thiên Chúa hứa và sự chắc chắn của những gì Thiên Chúa hứa trong lịch sử. Trong Bài Đọc I, tổ phụ Abram được Thiên Chúa hứa sẽ ban cho một dòng dõi đông như sao trên trời và một Đất Hứa. Lời hứa này được ký kết bằng giao ước với xác thú vật bị xẻ đôi. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy vững lòng trông cậy nơi Đức Kitô, Đấng có quyền năng biến đổi thân xác hèn hạ của con người nên giống thân thể sáng láng của Người ở đời sau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đem ba môn đệ lên núi, cho các ông xem thần tính của Người, và nghe chứng từ của Chúa Cha; để các ông có thể vững lòng đối phó với Cuộc Thương Khó sắp xảy đến cho Người tại Jerusalem.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa hứa ban một dòng dõi và Đất Hứa cho tổ phụ Abraham.

1.1/ Lời hứa của Thiên Chúa: Có hai điều Thiên Chúa hứa với tổ-phụ Abram.

(1) Ban một dòng dõi: Người đưa ông ra ngoài trời và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.” Người lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!” Đây là một thử thách cho niềm tin của Abram, vì ông chỉ có hai người con: một người con với Sarah là Isaac, một với nữ tỳ của Sarah là Ismael; làm sao ông có thể có một dòng dõi đông như sao trên trời được? Nhưng “ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính.”

Lời Hứa này không được hiện thực khi Abram còn sống; nhưng cho đến nay hơn nửa dân số điạ cầu chính thức coi mình là dòng dõi của Abram: Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo.

(2) Ban một Đất Hứa: Người lại phán với ông: “Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi thành Urs của người Chaldean, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu… Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Euphrate.” Điều này cũng không được thực hiện khi Abram còn sống, nhưng được thực hiện khi Thiên Chúa đưa dân Do-thái ra khỏi Ai-cập và đưa họ vào sở hữu vùng Đất Hứa chảy sữa và mật.

1.2/ Giao ước Thiên Chúa ký kết để bảo đảm Lời Hứa. Abram thưa: “Lạy Đức Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?” Để đáp câu hỏi của Abram, Người phán với ông: “Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non.” Ông kiếm cho Người tất cả những con vật ấy, xẻ đôi ra, và đặt nửa này đối diện với nửa kia; còn chim thì ông không xẻ.

Theo truyền thống Do-thái (x/c Jer 31:18), giao ước được ký kết bằng cách phân thây súc vật. Nếu bên nào không chịu giữ lời cam kết, bên đó sẽ bị phân thây làm hai như xác thú vật, và làm mồi cho các mãnh cầm. Khi ông đã chuẩn bị xong thì “mãnh cầm sà xuống trên các con vật bị giết, nhưng ông Abram đuổi chúng đi.” Các nhà chú giải cho mãnh cầm là biểu tượng của những cám dỗ sẽ tới từ phiá Abram, để ông không tin vào những gì Thiên Chúa hứa. Mãnh cầm bị xua đuổi đi vì đức tin của Abram. Những hiện tượng lạ xảy ra cho Abram nói lên sự nghiêm trọng của giao ước. Hiện tượng “một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi” là biểu sự hiện diện của Thiên Chúa (x/c Exo 3:2; 13:21; 19:18). Giao ước được ký kết là hoàn toàn do từ phía Thiên Chúa; đó là lý do chỉ có Thiên Chúa đi qua các lễ vật.

2/ Bài đọc II: Chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta.

2.1/ Hai loại người trong cuộc đời: Thánh Phaolô nhận định có hai loại người chính trong cuộc đời:

(1) Người không có niềm hy vọng nơi cuộc sống đời sau: Những người sống đối nghịch với thập giá của Đức Kitô là những người Do-thái không tin Ngài được Thiên Chúa sai đến để chuộc tội cho con người bằng cái chết trên thập giá. Những người “thờ cái bụng” là những người theo chủ thuyết hưởng lạc, bằng lòng với những gì thế gian dâng tặng. Họ chỉ biết có cuộc sống hiện tại, nên họ sẽ dành mọi nỗ lực để thoả mãn những nhu cầu của thân xác. “Cái đáng hổ thẹn” có lẽ muốn ám chỉ việc cắt bì mà những người Do-thái lấy làm hãnh diện.

2) Người đặt niềm hy vọng vào cuộc sống mai sau: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” Đối với các tín hữu, tuy họ vẫn sống đời này, nhưng với con mắt luôn hướng về đích điểm là cuộc sống mai sau. Hy vọng của người tín hữu được bảo đảm bằng máu của Đức Kitô đã đổ ra để rửa sạch tội lỗi cho con người; và Ngài đã phục sinh vinh hiển về trời để chuẩn bị cuộc sống tương lai cho các tín hữu.

2.2/ Hãy sống như có niềm hy vọng vào cuộc sống mai sau: Thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy bắt chước ngài và những ai đang “quên đi tất cả những gì đàng sau để lao mình về phía đích điểm, vượt qua tất cả để lãnh triều thiên vinh hiển mà Đức Kitô đang sẵn sàng trao cho họ như phần thưởng của một lực sĩ chiến thắng (Phi 3:13-14). Phaolô vừa muốn nhắc lại những gì Đức Kitô đã hứa, vừa muốn chứng minh ngài là nhân chứng sống động cho niềm tin vào cuộc sống mai sau.

Nếu người tín hữu đã tin có cuộc sống mai sau, họ phải biểu lộ niềm tin này trong cuộc sống bằng cách tin và thực hành tất cả những gì Đức Kitô truyền dạy; chứ không thể sống như những người không tin vào Đức Kitô và không tin có sự sống đời sau.

3/ Phúc Âm: Các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người.

3.1/ Cuộc biến hình của Chúa Giêsu: Trình thuật của Lucas hôm nay muốn liên kết với trình thuật khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô của Thiên Chúa và Chúa Giêsu tiên báo Cuộc Thương Khó sắp xảy ra tại Jerusalem của Ngài (Lk 9:18-22), qua việc đề cập đến “tám ngày sau.” Mục đích của Chúa Giêsu khi đem theo Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cầu nguyện là để cho các tông đồ chứng kiến thần tính thực sự của Ngài: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.”

Hai nhân vật hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu là ông Moses và ông Elijah. Điều này muốn nói cho các tông đồ biết Chúa Giêsu vừa là gạch nối Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa vừa là đích điểm mà Lề Luật (ông Moses) và Tiên Tri (ông Elijah) phải hướng về. Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Chúa Giêsu làm trọn vẹn chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

3.2/ Mục đích của cuộc biến hình: Chúa Giêsu nhìn thấy trước những gì sẽ xảy ra cho các tông đồ khi các ông phải chứng kiến Cuộc Thương Khó, nên Ngài muốn cho các ông nhìn thấy rõ vinh quang thực sự của Ngài. Chúa Giêsu hy vọng điều này sẽ giúp các ông có sức mạnh vượt qua những sợ hãi và can đảm làm chứng cho Ngài.

Các tông đồ cũng được nghe chứng từ của Thiên Chúa Cha qua tiếng vọng từ trời: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Theo Tin Mừng Nhất Lãm, đây là lần thứ hai Chúa Cha đã làm chứng cho Con của Ngài; lần đầu khi Chúa Giêsu chiụ phép rửa tại sông Jordan (x/c Mt 3:17; Mk 1:11; Lk 3:22). Chúa Cha xác thực điều mà Phêrô đã tuyên xưng và Ngài muốn các tông đồ vâng theo những gì Chúa Giêsu truyền dạy.

Nhìn lại cả ba Bài Đọc, chúng ta nhận ra những điều sau:

1. Những gì Thiên Chúa hứa vượt quá trí khôn con người có thể hiểu. Nếu Thiên Chúa không mặc khải, con người sẽ không bao giờ thấu hiểu được.

2. Tổ phụ Abram, thánh Phaolô, và các Tông-đồ đã phải vật lộn với bao nhiêu cám dỗ và thử thách để vững bền trông cậy vào Lời Hứa của Thiên Chúa.

3. Những gì Thiên Chúa hứa sẽ luôn thành tựu. Khi nào thành tựu, con người không biết trước được, vì Thiên Chúa không lệ thuộc vào thời gian.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 – Không giống như con người hay thay đổi và vi phạm lời hứa; khi Thiên Chúa đã hứa điều gì, Ngài sẽ trung thành thực hiện lời đã hứa. Chúng ta phải đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Lời Hứa của Thiên Chúa.

– Những gì Thiên Chúa hứa với các tổ phụ được thực hiện và làm trọn hảo nơi Đức Kitô, Người Con yêu dấu, qua Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh vinh hiển của Ngài.

– Niềm hy vọng vào cuộc sống đời sau phải là đích điểm giúp chúng ta dựa vào đó để làm những quyết định khôn ngoan và vượt qua mọi gian khổ ở đời này. Hy vọng này không chỉ giúp chúng ta ở đời sau; nhưng còn giúp chúng ta có nghị lực sống vui vẻ, hạnh phúc ngay từ đời này.

– Gian nan thử thách cần thiết để chúng ta chứng tỏ đức tin và tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa.

Nguồn: https://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1004:ch-nht-ii-mua-chayc&catid=25&Itemid=27

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here