Chúa Nhật I, Mùa Vọng, năm C

0
1219

Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Bài đọc: Gr 33,14-16; 1 Tx 3,12 – 4,2; Lc 21,25-28.34-36

1/ Bài đọc I: 14 Này, sẽ đến những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về Giu-đa. 15 Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực. 16 Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp. Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành: “ĐỨC CHÚA là-sự-công-chính-của-chúng-ta! “

2/ Bài đọc II: 12 Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy.

13 Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người.

1 Vả lại, thưa anh em, anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế; vậy nhân danh Chúa Giê-su, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa.

2 Hẳn anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giê-su mà ra những chỉ thị nào cho anh em.

3/ Phúc Âm: 25 “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.

26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.

27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.

28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

34 “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em,

35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.

36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

 ———————————

 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: CHỜ ĐỢI VÀ CHUẨN BỊ CHO NGÀY ĐỨC KITÔ ĐẾN

Hôm nay, Giáo Hội dẫn chúng ta vào Mùa Vọng, là mùa của ngóng trông và đợi chờ Ngày Chúa đến lần thứ hai.

– Không như người vợ trên Hòn Vọng Phu chờ đợi đến hóa đá, vì chinh phu không bao giờ trở về; người tín hữu chờ đợi những gì chắc chắn sẽ xảy ra, vì đó là điều Thiên Chúa hứa.

– Không như người vợ chờ đợi mà không làm gì cả nên mới hóa đá; người tín hữu vẫn tích cực chuẩn bị trong khi chờ đợi bằng cách cầu nguyện và thăng tiến không ngừng.

Các Bài Đọc hôm nay đưa chúng ta ngược giòng lịch sử cứu độ để nhìn lại sự chờ đợi của tổ tiên chúng ta và những gì cần phải làm trong khi chờ đợi. Trong Bài Đọc I, tiên tri Jeremiah nhắc lại lời sấm của Thiên Chúa: “Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Israel và về Judah;” để cung cấp niềm hy vọng cho con cái Israel đang sống nơi lưu đày vì thái độ bất trung của vua quan cũng như của dân chúng. Theo lời hứa của Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho dân một Đấng Thiên Sai, xuất thân từ giòng dõi David, để cai trị dân chúng trong công bình chính trực. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Thessalonica những gì phải làm trong khi chờ đợi Đức Kitô đến lần thứ hai. Họ phải có đức bác ái, bền tâm vững chí trước đau khổ, và luyện tập nhân đức không ngừng để trở nên tinh tuyền, thánh thiện, hầu xứng đáng được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho dân chúng biết về Ngày Ngài sẽ trở lại lần thứ hai để phán xét và thưởng phạt. Tùy vào sự chuẩn bị, con người sẽ có thái độ khác nhau về Ngày đó. Nếu một người không chuẩn bị, họ sẽ sợ hãi kinh hồn vì phải đối diện với sự phán xét và hình phạt của Thiên Chúa; nhưng nếu một người đã chuẩn bị và luôn làm theo những lời Đức Kitô dạy, họ sẽ vui mừng vì đó là Ngày họ được lãnh nhận ơn cứu độ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người Do-thái kiên nhẫn chờ đợi và chuẩn bị cho Đức Kitô đến lần thứ nhất

1.1/ Điều Thiên Chúa hứa không bao giờ Ngài quên lãng: Tiên-tri Jeremiah sống trong giai đoạn lịch sử rất khó khăn của dân tộc Do-thái: Đất nước bị chia đôi, vua chúa từ bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại bang và đối xử bất công với dân chúng. Hậu quả: vương quốc miền Bắc là Israel đã bị rơi vào tay của đế quốc Assyria và đi lưu đày vào năm 721 BC; vương quốc miền Nam bị rơi vào tay của đế quốc Babylon và đi lưu đày vào năm 587 BC. Sống trong hoàn cảnh khốn khổ nơi lưu đày, tiên-tri Jeremiah được Thiên Chúa sai đến để nâng đỡ tinh thần con cái Israel. Ông nhắc lại những lời Thiên Chúa hứa qua các giao ước Ngài đã làm với các tổ phụ: “Này, sẽ đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Israel và về Judah.”

1.2/ Đấng Công Chính sẽ nối nghiệp vua David.

(1) Giòng dõi vua David sẽ làm vua cai trị đến muôn đời: Sống trong nơi lưu đày, người Do-thái không thể hiểu lời Thiên Chúa đã hứa với vua David: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7,16; 1Cr 17,13; Tv 89,29-30). Giờ đây, đối với họ, nhà Judah có cơ hội bị tuyệt tự như cây đã bị chém tận gốc rễ. Nếu điều này xảy ra, giòng dõi vua David sẽ bị tuyệt tự, và lời hứa của Thiên Chúa về giòng dõi vua David sẽ làm vua cai trị muôn đời sẽ chấm dứt!

Thiên Chúa không hứa hẹn và giữ lời hứa cách mù quáng để những vua cai trị có thể tự tin và nói: vì đã có lời hứa từ Thiên Chúa, nên ta cứ việc sống tự do buông thả. Ngài sẽ khai trừ tận gốc rễ nhà Judah vì Ngài là Đấng Công Chính. Nhưng tiên-tri Jeremiah tin tưởng tuyệt đối nơi điều Thiên Chúa hứa và ông khơi niềm hy vọng cho dân: “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp David; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực.”

(2) Triều đại của Đấng Thiên Sai: Khi được cai trị bởi một vua khôn ngoan, thánh thiện, và công chính như vua David, dân chúng sẽ được thịnh vượng và thái bình; ngược lại, nếu bị cai trị bởi một vua ngu muội, tội lỗi, và bất trung như các vua của cả hai vương quốc trước Thời Lưu Đày, dân chúng sẽ bị đe dọa bởi chiến tranh, nghèo đói và chết chóc.

Tiên-tri Jeremiah hứa hẹn khi triều đại Đấng Thiên Sai tới, mọi sự sẽ thay đổi: ”Trong những ngày ấy, Judah sẽ được cứu thoát, Jerusalem sẽ an cư lạc nghiệp. Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành: “Đức Chúa là-sự-công-chính-của-chúng-ta!”

2/ Bài đọc II: Các tín hữu Thessalonica chuẩn bị cho Đức Kitô đến lần thứ hai

2.1/ Những việc cần làm: Thánh Phaolô liệt kê ba điều quan trọng: Thứ nhất là sự quan trọng của đức bác ái: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy.” Đức bác ái là nền tảng của Lề Luật và là tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét con người (xc. Mt 25). Vì thế, không lạ gì khi thánh Phaolô khuyên các tín hữu của ngài điều quan trọng này. Thứ hai là phải bền tâm vững chí; vì con người dễ bỏ cuộc khi phải chờ đợi quá lâu hay phải đương đầu với đau khổ. Thứ ba là phải kiên trì luyện tập nhân đức để “được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người.”

2.2/ Phải mỗi ngày một tiến bộ hơn: Đời sống con người phải luôn tiến bộ không ngừng; khi con người dừng lại, họ sẽ có nguy cơ bị thụt lùi. Vì thế, nếu Chúa cho sống trên đời càng lâu, con người có cơ hội luyện tập nhân đức càng nhiều. Điều này giúp con người khỏi phải tinh luyện nhiều trong luyện ngục. Nhưng sống càng lâu mà không chịu luyện tập nhân đức, tội lỗi càng ngày càng chồng chất, và con người sẽ phải tinh luyện trong luyện ngục lâu hơn.

3/ Phúc Âm: Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc

Chúng ta có thể phân biệt ba giai đoạn chính của Lịch Sử Cứu Độ: Thứ nhất, dân tộc Do-thái được Thiên Chúa lựa chọn để chuẩn bị cho Đức Kitô đến lần thứ nhất. Điều này đã được các ngôn sứ loan báo và đã xảy ra. Thứ hai, khi Đức Kitô đến, Ngài loan báo cho mọi người Ngày Ngài sẽ đến lần thứ hai để xét xử và ban thưởng ơn cứu độ. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai vì đó là lời Thiên Chúa hứa. Thứ ba, giữa hai thời này là thời hiện tại của mỗi người chúng ta. Chúng ta cần ý thức điều này, có thể chúng ta sẽ chết trước khi Ngày Tận Thế tới. Ngày chúng ta chết là ngày tận thế của cuộc đời chúng ta; vì thế, mỗi khi Mùa Vọng tới, chúng ta phải nhìn lại tâm hồn để kiểm điểm xem Đức Kitô đã đến với tâm hồn chúng ta chưa, và chúng ta đã làm gì để chuẩn bị cho biến cố Ngài đến lần thứ hai. Trình thuật của Lucas hôm nay tập trung trong hai điều chính:

3.1/ Hai thái độ có thể xảy ra khi Đức Kitô đến: Đứng trước những việc bất ngờ xảy ra, con người có thể có hai thái độ:

(1) Thái độ sợ hãi: Chúa Giêsu tiên báo cho con người biết trước về những gì sẽ xảy ra trước Ngày Tận Thế: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.” Sợ hãi xảy ra vì con người không chuẩn bị. Họ biết họ chưa sẵn sàng đối diện với Thiên Chúa nên họ sợ hãi Ngài và các hình phạt họ sẽ phải nhận lãnh.

(2) Thái độ bình an: Ngược lại, nếu con người đã chuẩn bị kỹ càng, họ vui mừng khi thấy “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” Như lời Đức Kitô khuyến khích: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

3.2/ Phải làm những gì để chuẩn bị: Đức Kitô không chỉ mặc khải cho con người về Ngày Ngài sẽ đến lần thứ hai, Ngài còn dạy dỗ con người biết những gì phải làm và những gì phải tránh.

(1) Những việc phải làm: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” Con người cần tỉnh thức để nhận ra sự thật từ những sự sai trái trong cuộc đời, để nhận ra những cám dỗ nguy hiểm của ba thù đe dọa linh hồn con người, trước khi có thể tránh xa hay tìm cách đối phó. Con người không thể nhận ra sự thật nếu không chuyên cần cầu nguyện để xin Thiên Chúa soi sáng cho nhận ra những nguy hiểm của ba thù, và ban sức mạnh và ơn thánh để có thể vượt qua.

(2) Những việc phải tránh: Chúa Giêsu liệt kê hai kẻ thù nguy hiểm nhất: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời.” Chè chén say sưa làm cho thân xác nặng nề và tinh thần mệt mỏi. Khi con người đã quá mệt mỏi và nặng nề, họ không còn khôn ngoan và nghị lực để làm những gì Thiên Chúa muốn. Rất nhiều gương trong lịch sử cho thấy khi muốn hạ người nào, kẻ thù sẽ cho người đó ăn uống say xỉn đến độ không còn biết phân biệt điều hay lẽ phải nữa, lúc đó kẻ thù sẽ ra tay hạ sát người đó cách nhẹ nhàng. Ham muốn sự đời bao gồm nhiều lãnh vực như: danh vọng, quyền bính, tiền của, ham muốn xác thịt. Tất cả những thứ này đều có thể làm cho con người không còn mong muốn kho tàng vĩnh cửu trên trời nữa; vì “của cải ở đâu, lòng trí con người ở đó.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Lịch sử của dân tộc Do-thái khi họ chờ đợi Đấng Thiên Sai đến lần thứ nhất là kinh nghiệm Thiên Chúa muốn chúng ta phải học để đón chờ Ngày Đức Kitô đến lần thứ hai.

– Chúng ta phải bền tâm vững chí trong khi chờ đợi, tránh xa tội lỗi, và luyện tập nhân đức để càng ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện, để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ.

– Trong khi chờ đợi Ngày Đức Kitô đến lần thứ hai, chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn; đồng thời phải tránh chè chén say sưa và lòng ham muốn những sự trần thế.

– Câu hỏi cho chúng ta: Đức Kitô đã thực sự đến trong tâm hồn chúng ta chưa? Chúng ta có làm theo những gì Ngài căn dặn trong khi chờ đợi Ngài đến lần thứ hai không?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here