Chúa Nhật 7 – Năm A – Thường Niên

0
640

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc ILv 19,1-2.17-18

1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng:

2 “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.

17 Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.

18 Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA.

2/ Bài đọc II1 Cr 3,16-23

16 Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?

17 Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.

18 Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật.

19 Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng.

20 Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.

21 Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em;

22 dù là Phao-lô, hay A-pô-lô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em,

23 mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa.

3/ Phúc ÂmMt 5,38-48

38 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.

39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.

40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.

41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.

42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

43 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.

44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.

45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.

46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?

47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?

48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

———————

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trở nên thánh thiện là ơn gọi và bổn phận của chúng ta.

Người tín hữu chúng ta để ý rất nhiều đến công cuộc chuộc tội của Chúa Giêsu, mà rất ít khi chịu để ý đến công cuộc thánh hóa của Ngài. Hậu quả của thái độ này là chúng ta chú ý rất nhiều đến việc xưng tội và việc chữa lành, nhưng rất ít khi chịu để ý đến việc thánh hóa và trau dồi bản thân sao cho càng ngày càng trở nên thánh thiện hơn. Thái độ này cũng giam hãm chúng ta trong vòng tội lỗi – ăn năn – tha thứ; nhưng không giúp chúng ta thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó, để đạt tới đỉnh trọn lành mà Thiên Chúa đã tiền định và trang bị cho chúng ta.

Các bài đọc hôm nay kêu gọi chúng ta trả sự quan tâm đặc biệt cho việc trở nên thánh thiện. Trong bài đọc I, Đức Chúa truyền cho dân qua Moses: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” Trong bài đọc II, thánh Phaolô ý thức rất rõ công cuộc thánh hóa của Chúa Giêsu qua việc gởi Chúa Thánh Thần đến cho con người. Ngài thánh hóa con người trước tiên bằng sự thật, Lời mà Đức Kitô đã giảng dạy; sau đó là các quà tặng Ngài ban cho con người qua các bí-tích mà Đức Kitô đã thiết lập. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu phân biệt rõ ràng hai lối sống: theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa và theo sự khôn ngoan của con người. Để trở nên thánh thiện, con người phải sống theo lối sống khôn ngoan của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.

1.1/ Tại sao phải trở nên thánh thiện? Đức Chúa phán với ông Moses rằng: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” Từ lời truyền này, một người có thể rút ra lý do phải trở nên thánh thiện: Thiên Chúa là Đấng rất mực thánh thiện, Ngài không thể sống chung với tội lỗi; mà dân chúng Israel là dân riêng của Ngài, họ cũng phải trở nên thánh thiện nếu họ muốn Ngài là Thiên Chúa của họ.

Truyền thống Do-thái tin bất cứ người nào nhìn thấy Thiên Chúa đều phải chết, ngoại trừ những người Thiên Chúa chọn và thánh hóa họ. Một ví dụ dẫn chứng là trình thuật về ơn gọi của Isaiah. Khi nhìn thấy Đức Chúa là Thiên Chúa xuất hiện với ông trong Đền Thờ, ông đã hoảng hốt kêu lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” Nhưng Thiên Chúa đã thánh hóa ông bằng cách sai một trong các thần Seraphim bay về phía ông, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội” (Isa 6:5-7).

1.2/ Làm thế nào để trở nên thánh thiện? Theo trình thuật hôm nay, tác giả liệt kê 2 điều quan trọng:

(1) Phải sống theo sự thật: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.” Trước hết và trên hết là phải bảo đảm mọi người phải sống theo sự thật. Điều này đòi buộc một người phải sửa lỗi tha nhân trong tình huynh đệ, chứ không phải cứ thinh lặng để anh/chị/em ở trong đường sai trái. Nếu không sửa lỗi, một người sẽ phải chịu trách nhiệm về sự hư đi của người anh/chị/em mình.

(2) Phải yêu thương đồng loại như chính mình: Ngay từ thời Cựu Ước, lệnh truyền phải yêu thương Thiên Chúa (Dt 6:5) và yêu thương tha nhân như chính mình (Lev 19:18) đã được nhấn mạnh rồi; chứ không phải chờ đến Tân Ước. Chúa Giêsu chỉ liên kết hai giới răn thành một để giúp cho con người dễ nhận ra nền tảng của chúng. Dân của Thiên Chúa không được trả thù, không được oán hận tha nhân; nhưng phải yêu thương và giúp đỡ mọi người. Đó là con đường để trở nên thánh thiện như Thiên Chúa.

2/ Bài đọc II: Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em.

2.1/ Tại sao phải trở nên thánh thiện? Phaolô chất vấn các tín hữu Corintô: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.” Nhắc lại thần học về thân thể của thánh Phaolô sẽ giúp chúng ta hiểu những gì ngài muốn trình bày ở đây: Qua bí-tích Rửa Tội, người tín hữu được trở thành con Thiên Chúa, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, và được trở nên chi thể của một thân thể là Giáo Hội với đầu là Đức Kitô.

Là những chi thể, người tín hữu được lãnh nhận chính Thánh Thần của Đức Kitô. Là những viên gạch, người tín hữu cũng là những thành phần của Đền Thờ Thiên Chúa. Những chi thể tội lỗi sẽ ảnh hưởng đến toàn thân thể của Giáo Hội; những viên gạch hư hại sẽ ảnh hưởng đến toàn thể Đền Thờ của Thiên Chúa. Vì thế, nếu các tín hữu muốn ở trong thân thể của Đức Kitô hay Đền Thờ của Thiên Chúa, họ phải trở nên thánh thiện; nếu không Thiên Chúa sẽ gạt họ ra ngoài.

2.2/ Làm thế nào con người được coi là phá hủy Đền Thờ của Thiên Chúa? Phaolô liệt kê hai điều:

(1) Sống dối gian, không theo sự thật: Vấn đề chính của các tín hữu Corintô là tính tự hào về sự khôn ngoan theo thói đời. Để giúp họ nhận ra những tai hại của thái độ này, Phaolô trình bày về lối sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.”

Chúng ta có thể rút ra hai điều quan trọng từ những lời này. Thứ nhất, sống thánh thiện đòi phải trở nên điên rồ trước mặt thế gian, vì người tín hữu phải sống hoàn toàn ngược lại những giá trị mà thế gian tôn thờ như: quyền lực, danh vọng, tiền của, và những ham muốn xác thịt. Thứ hai, nếu con người nhất định sống theo sự khôn ngoan theo kiểu của thế gian, họ sẽ không bao giờ có thể trở nên thánh thiện được.

(2) Sống ích kỷ và chia rẽ: Câu cuối cùng của trình thuật hôm nay đòi phải được cắt nghĩa cẩn thận: “Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em; dù là Phaolô, hay Apolllo, hay Kêpha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa.”

– Khôn ngoan theo kiểu thế gian dẫn tới việc chia rẽ, vì ai cũng muốn bảo vệ ý kiến và quyền lợi của mình, và sự chia rẽ làm suy giảm sức mạnh của chính cá nhân và của đoàn thể. Khôn ngoan theo kiểu Thiên Chúa quy tụ muôn người, sự đoàn kết làm tăng sức mạnh của cá nhân và của đoàn thể, vì “hợp quần gây sức mạnh.”

– Khôn ngoan theo kiểu thế gian làm con người rời xa Đức Kitô và Thiên Chúa, nguyên ủy của mọi hoạt động hiện tại và tương lai, sự sống và sự chết. Vì vậy, đừng ai tự hào vì có khôn ngoan của thế gian, nhưng tự hào vì đã sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, theo gương mẫu của Đức Kitô.

3/ Phúc Âm: Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

3.1/ Cần phân biệt hai lối sống: theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa và của thế gian: Luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” được gọi là Lex Talionis, một luật được coi là lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại. Người ta tìm thấy Luật này trong bộ luật của Hammurabi, ông cai trị Babylon từ 2285-2242 BC. Từ đó đến nay, Luật này trở thành căn bản cho hầu hết các bộ luật của các quốc gia trên thế giới. Điều tốt của Luật này là nó bảo đảm sự công bằng cho mọi người; nhưng điều xấu là nó thường gia tăng hận thù, và dẫn tới những cuộc chiến đẫm máu hơn.

Luật của Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong trình thuật hôm nay tiếp tục bài giảng về Nước Trời. Ngài dạy cho các môn đệ một lối sống không chỉ dựa trên công bằng; nhưng đặt căn bản trên bác ái, hy sinh, chịu đựng và tha thứ: “Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” Điều đầu tiên chúng ta nhận ra là lối sống này hoàn toàn ngược lại với lối sống theo sự khôn ngoan của con người. Nó có thể xóa tan mọi hận thù và làm cho con người trở thành bạn hữu. Nhiều người cho là không thể làm được; nhưng Thiên Chúa chẳng truyền những gì mà con người không thể làm. Ngài đòi các tín hữu hãy để tình yêu từ Ngài thấm nhập vào họ, hãy đặt niềm tin tuyệt đối vào sự quan phòng của Ngài, trước khi họ có thể thực hiện những điều Ngài truyền.

3.2/ Tại sao cần phải theo lối sống khôn ngoan của Thiên Chúa? Chúa Giêsu cho các môn đệ một lý do rất rõ ràng cho lối sống anh hùng này: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa phải là đích điểm của cuộc sống con người; tuy nhiên, đây là một tiến trình của cả đời người luyện tập. Chúa Giêsu cũng đưa ra hai lý do để đả phá lối sống theo sự khôn ngoan của thế gian:

(1) “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” Con cái Thiên Chúa không thể sống như những người thu thuế: cũng ăn gian nói dối để vun quén cho mình những lợi nhuận như họ.

(2) “Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” Con Thiên Chúa không thể sống như người ngoại đạo: chỉ biết thương xót cứu trợ cho những người đồng đạo.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta được kêu gọi để mỗi ngày một trở nên thánh thiện hơn. Đích điểm của sự trọn lành chính là Thiên Chúa.

– Để trở nên thánh thiện, chúng ta phải từ bỏ lối sống theo sự khôn ngoan của thế gian, để sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Phải sống theo sự thật và yêu thương mọi người.

– Trở nên thánh thiện là công việc của Thiên Chúa: Ngài ban Lời Chúa để soi sáng và ban Thánh Thần để thánh hóa con người bên trong qua các bí-tích. Nếu Thiên Chúa không trợ giúp, không một phàm nhân nào có thể trở nên thánh thiện trước mặt Thiên Chúa.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-7-thng-niena/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here