Chúa Nhật 6 – Năm B – Thường Niên

0
265

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

 1/ Bài đọc ILv 13,1-2.45-46

1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron:2 “Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, và cái đó trở thành vết thương phong hủi, thì người ta sẽ đưa người ấy đến với tư tế A-ha-ron hoặc với một trong các tư tế, con của A-ha-ron. 45 Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế! “46 Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.

2/ Bài đọc II1 Cr 10,31-11,1

31 Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.32 Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa;33 cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.1 Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô.

3/ Phúc ÂmMC 1,40-45

40 Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi! “42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,44 và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nguy hiểm của bệnh phong cùi và tội lỗi

Bệnh phong cùi là chứng bệnh ghê tởm và nguy hiểm nhất trong các chứng bệnh của con người. Sức tàn phá của nó không những lấy đi tất cả các vẻ đẹp của thân thể, mà còn làm thiệt hại đến tòan bộ phẩm giá con người. Người cùi không những chịu bệnh thể lý, các chi thể từ từ rụng dần cho đến ngày chết; mà còn phải đương đầu với các chứng bệnh tâm lý. Họ sống cô đơn vì phải sống cách biệt với thế giới con người. Họ cảm thấy tủi nhục vì bị khinh thường và coi như là nguyên nhân làm mọi người ra ô uế. Họ sống trong tuyệt vọng, vì sống như không có ngày mai.

Một chứng bịnh nan y như thế, nhưng vẫn không thể so sánh với một chứng bệnh kinh khủng hơn, không những chỉ tàn phá thân xác, mà còn giết chết linh hồn con người: đó là tội lỗi. Có những tội lỗi xem bề ngòai rất tầm thường, không đáng để ý; nhưng sức phá của nó còn kinh khủng và nguy hiểm hơn bệnh phong cùi. Trong Sách Các Vua, quyển II, có thuật lại bệnh tham tiền của Gehazi, đầy tớ của Tiên-tri Elisha: Khi thấy thầy mình từ chối không chịu nhận bất cứ lễ vật gì do Tướng Naaman, người Syria dâng tặng, ông vội bí mật lấy ngựa chạy theo và mạo danh nghĩa thầy mình để xin một số của cải. Hành động của ông không thóat khỏi mắt của thầy, và kết quả là ông không những mắc bệnh phong cùi của Naaman, mà còn truyền lại cho con cháu (2 Kgs 5:20-27).

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những đau khổ của các chứng bệnh nguy hiểm này, và sự đặc biệt quan tâm của Thiên Chúa cho các bệnh nhân. Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Levi liệt kê những gì người phong cùi phải chịu. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Corintô bắt chước thánh nhân như ngài đã bắt chước Đức Kitô: đó là phải cố gắng làm mọi sự cho mọi người, sao cho tất cả đạt tới ơn Cứu Độ. Trong Phúc Âm, người phong cùi đến quì trước Chúa Giêsu và xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Chúa Giêsu động lòng thương và đưa tay chạm đến anh, lập tức chứng phong cùi biến mất và anh được lành bệnh.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những bổn phận của bệnh nhân phong cùi

Sách Levi dành 2 chương dài để nói tới bệnh phong cùi. Trình thuật hôm nay chỉ nhắc tới 2 câu đầu và 2 câu cuối trong Chương 13. Người mắc bệnh phong cùi có bổn phận:

(1) Phải trình diện các tư tế: Đức Chúa phán với ông Moses và ông Aaron: “Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, và cái đó trở thành vết thương phong hủi, thì người ta sẽ đưa người ấy đến với tư tế Aaron hoặc với một trong các tư tế, con của Aaron.” Ngày xưa, không có bác sĩ chuyên môn như chúng ta hiện giờ, và bệnh phong cùi được xếp lọai những con người không thanh sạch để dâng của lễ cho Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao bệnh nhân phải đến với các tư tế để được khám bệnh, theo dõi, và chứng nhận nếu được sạch.

(2) Phải loan tin cho mọi người biết mình có bệnh: Cho đến thế kỷ 20, bệnh phong cùi vẫn được xem là bệnh hay lây; vì thế, phải ngăn ngừa mọi tiếp xúc giữa bệnh nhân và những người lành mạnh. Hơn nữa, Luật Do-Thái coi người phong cùi không những bệnh về phần xác, mà còn không thanh sạch phần linh hồn. Bất cứ ai vô tình chạm vào họ, cũng trở nên không sạch, và bị coi không xứng đáng dâng của lễ. Đó là lý do tại sao họ phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu, và kêu lên Ô-uế! Ô-uế! để mọi người tránh qua đường mà đi. Chúng ta thử tưởng tượng nỗi đau đớn của một con người phải thi hành những lề luật này!

(3) Phải sống cách biệt với những người khác: “Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.” Ngày xưa, họ không có tổ chức y-tế như chúng ta ngày nay; vì thế Luật đòi những bệnh nhân phong cùi phải sống ngòai trại, cách biệt với tất cả những người khác. Họ không được vào trại bao lâu còn mắc bệnh.

 2/ Bài đọc II: Anh em hãy làm tất cả mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa.

Bài đọc ngắn ngủi của Thánh Phaolô có thể qui về 3 điểm chính:

(1) Làm vinh danh Thiên Chúa: Thánh Phaolô khuyên: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” Vinh danh Thiên Chúa là làm cho mọi người nhận ra sự tốt lành của Thiên Chúa và tin vào Ngài.

Tại sao chúng ta phải làm vinh danh Thiên Chúa? Trước hết, qua BT Rửa Tội, chúng ta chính thức trở thành con cái của Thiên Chúa. Đã là con phải có bổn phận làm vinh danh Cha. Chúng ta phải ăn ở làm sao cho mọi người nhận biết Cha chúng ta trên trời là Đấng Tốt Lành và yêu thương, để họ cũng tin vào Ngài. Thứ đến, chúng ta cũng là con cái trong Giáo Hội. Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân của Công-đồng Vativan II định nghĩa: Giáo Hội là Bí Tích của ơn Cứu Độ; và bổn phận của những người trong Giáo Hội là làm tất cả những gì cho mọi người đạt tới ơn Cứu Độ.

(2) Bổn phận phải làm gương tốt và tránh gương xấu: Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-Thái hay Dân Ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa; cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.” Một cách làm gương sáng cho mọi người là sống cuộc đời hòan thiện như Chúa Giêsu khuyên các môn-đệ: “Anh em hãy trở nên hòan thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hòan thiện; để mọi người nhìn thấy việc anh em làm và ngợi khen Thiên Chúa.”

(3) Noi gương người đi trước: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô.” Người tín hữu có một gương mẫu tòan hảo là Đức Kitô. Chúng ta không cần tìm một mẫu người lý tưởng khác; chỉ cần làm những gì Chúa Giêsu đã làm và dạy chúng ta làm theo. Ví dụ, về bài học yêu thương, Chúa dạy: “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu anh em … Như Thầy yêu anh em thể nào, anh em cũng phải yêu nhau như vậy.” Lời khuyên của Thánh Phaolô không vô ích, chúng ta thường được đánh động bởi gương sáng của những người sống chung quanh chúng ta.

3/ Phúc Âm: “Tôi muốn, anh được sạch!”

3.1/ Người phong hủi tôn kính thánh ý Thiên Chúa:  Chịu đựng hòan cảnh cay nghiệt của cuộc đời như thế, anh vẫn xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa, khi cầu xin với Chúa Giêsu “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Anh biết Thiên Chúa tạo dựng mọi sự chỉ vì ý Ngài muốn như thế (Sách STK). Người phong cùi không hồ nghi quyền năng Thiên Chúa. Anh biết nếu Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm anh được sạch. Thiên Chúa biết những gì tốt cho con người; con người không biết những gì tốt cho mình. Vì thế, con người cần xin được theo ý Thiên Chúa, chứ không xin theo ý của mình.

3.2/ Lòng thương xót của Chúa Giêsu: Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Đụng đến người cùi là trở thành ô uế giống như họ. Chúa Giêsu đã để mình trở thành ô uế giống như anh phong cùi. Theo Sách Levi, Chúa không được vào Đền Thờ hay các hội-đường để làm các việc phụng vụ.

Sách Tiên Tri Isaiah nói cho chúng ta biết trước về tình thương của Đức Kitô, Người Tôi Trung của Thiên Chúa: “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. 4 Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. 5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Isa 53:3-5).

3.3/ Phong cùi phần xác và tội lỗi phần linh hồn: Một sự so sánh giữa 2 cơn bệnh này cho chúng ta thấy sự nguy hiểm của chúng:

– Điểm giống nhau: Cả hai đều lan truyền mau lẹ và gây thiệt hại nhanh chóng. Cả hai đều là những chứng bệnh nan y và nguy hiểm đến tính mạng con người. Cả hai đều phải sống cách biệt với những người lành mạnh: người phong cùi phải sống ngòai thành phố, tội phạm được giam giữ trong tù.

– Điểm khác nhau: Phong cùi phần xác không nguy hiểm bằng phong cùi phần linh hồn: đó là các tội lỗi của con người.

(1) Con người dễ nhận ra bệnh phong cùi, nhưng không dễ nhận ra tội lỗi của mình.

(2) Phong cùi chỉ làm thiệt hại thân xác; nhưng tội lỗi giết chết linh hồn và có thể gây thiệt hại cho thân xác của mình và người khác (giết người, ngọai tình).

(3) Bệnh kiêu ngạo: coi trọng mình và khinh thường người khác, xem ra rất tầm thường, nhưng chúng ta hãy xem hậu quả của chứng bệnh này:

– Xa cách Thiên Chúa: Thiên Chúa yêu mến kẻ khiêm nhường và đóai thương người phận nhỏ. Người kiêu ngạo tự tách mình ra khỏi tình thương Thiên Chúa. Nếu họ nghĩ họ đã hòan thiện, họ đâu cần đến sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Câu truyện của tướng Naaman, người Syria, khiêm nhường xuống sông Jordan tắm 7 lần và được Thiên Chúa chữa khỏi bệnh cùi là bài học khiêm nhường cho những người kiêu ngạo. Nếu ông không nghe lời khuyên của một nữ tỳ Do-Thái đến gặp TT Elisha và làm những gì TT đòi, làm sao có thể được khỏi bệnh? (2 Kgs 5:1-27).

– Xa cách con người: những người trong gia đình và trong cộng đòan. Vẫn biết có những người yếu kém hơn mình, họ cần được nâng đỡ, chứ không phải để chịu xỉ nhục, khinh thường. Hơn nữa, còn biết bao nhiêu người hơn mình, biết bao điều mới lạ cần được học hỏi. Người kiêu ngạo sẽ không mở lòng để tiếp thu, và sẽ bị mọi người dần dần xa lánh.

– Xa cách chính mình: cô đơn vì bị mọi người xa lánh. Có thể đưa đến buồn sầu đến mất ăn mất ngủ, và trở nên bực tức khó chịu.

3.4/ Những điều cần làm sau khi được lành bệnh: Giống như Luật đòi người phong cùi phải trình diện tư tế để được tuyên bố sạch bệnh, Chúa Giêsu cũng đòi các tội nhân đến với linh mục để được tuyên bố sạch tội qua Bí-tích Hòa Giải. Ngòai ra, người phong cùi được sạch phải dâng của lễ theo Luật truyền, các tội nhân được tha tội cũng phải làm những việc đền tội, nhất là những tội liên quan đến nhân đức công bằng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Qua hình ảnh bệnh phong cùi, chúng ta hiểu được những nguy hiểm của tội lỗi. Nếu chúng ta sợ mắc bệnh phong cùi thế nào, chúng ta cũng phải sợ tội lỗi như thế.

– Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến độ trao ban cho chúng ta Chúa Giêsu, Người Con Một của Ngài. Chính Người Con này đã mặc lấy tất cả bệnh họan tội lỗi của chúng ta để cứu chữa chúng ta.

– Noi gương Đức Kitô, Đấng đã chết cho chúng ta, chúng ta cũng phải hy sinh chết cho nhau, để tất cả đều đạt tới ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho con người.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-vi-thng-nien-nm-b/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here