Chúa Nhật IV – Năm C – Mùa Vọng

0
355

Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IMk 5,1-4a

1 Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha,
ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa,
từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện
một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.
Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.

2 Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en
cho đến thời một phụ nữ sinh con.
Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó
sẽ trở về với con cái Ít-ra-en.

3 Người sẽ dựa vào quyền lực ĐỨC CHÚA,
vào uy danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Người
mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp,
vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.
Người sẽ chiến thắng Át-sua

4 Chính Người sẽ đem lại hoà bình.

2/ Bài đọc IIHr 10,5-10

5 Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. 6 Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.

7 Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.

8 Trước hết, Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền.

9 Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. 10 Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.

3/ Phúc ÂmLc 1,39-45

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.

40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.

41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,

42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.

43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?

44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.

45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

———————-

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường, bé nhỏ, nghèo hèn.

Con người ưa thích những gì hoành tráng, uy quyền, và lộng lẫy. Nếu phải chọn nơi để sinh ra, con người sẽ chọn được sinh ra trong hoàng cung, nơi có đầy đủ mọi phương tiện để con người được sung sướng và hạnh phúc. Trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa hành động khác hẳn con người. Ngài chọn cho Con mình một cha mẹ nghèo hèn, khiêm nhường; và chọn cho con mình sinh ra nơi một thành bé nhỏ ít người biết đến. Đây không phải là lần đầu, nhưng trong lịch sử của Cựu Ước cũng như Tân Ước, nhiều lần Ngài chứng tỏ điều này, như Thiên Chúa chọn Jacob thay vì Esau, Giuse thay vì các anh của ông, David trẻ nhất trong số các con của Jesse…

Chỉ còn vài ngày nữa là tới biến cố độc nhất vô nhị xảy ra trong lịch sử; nhưng làm sao để chúng ta nhận ra và đón nhận Đấng Thiên Sai vào trong cuộc đời? Các Bài Đọc hôm nay nêu bật ý định của Thiên Chúa: Nếu con người muốn đón nhận Đấng Thiên Sai, họ phải trở nên khiêm nhường, tin tưởng, và vâng lời. Đừng tìm Ngài trong những huy hoàng tráng lệ; nhưng trong những nơi đơn sơ, bé nhỏ, nghèo hèn. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Micah báo trước gần 700 năm trước khi Đấng Thiên Sai ra đời: Ngài sẽ sinh ra trong một thành nhỏ bé nhất của Judah, trong một thị tộc nhỏ bé nhất Ephratha; nhưng nguồn gốc của Ngài có từ muôn đời và Ngài dùng uy quyền cai trị của Thiên Chúa để mang ơn cứu độ cho mọi người và cứu thoát tất cả các chi tộc của Israel. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái quả quyết Thiên Chúa hài lòng những người tuân phục và làm theo ý muốn của Ngài hơn trăm ngàn của lễ hy sinh chiên cừu. Trong Phúc Âm, Thiên Chúa chọn trinh nữ Maria, một thôn nữ quê mùa, mộc mạc, đơn sơ, để làm Mẹ Đấng Thiên Sai giữa bao phụ nữ khác đẹp đẽ, uy quyền, và sang trọng của cả nước Israel. Lý do: Mẹ khiêm nhường, đơn sơ, kín đáo, thương người và nhất là luôn tìm để làm theo ý Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hỡi Bethlehem Ephratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Judah, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel.

1.1/ Thiên Chúa chọn những gì bé nhỏ nghèo hèn: Nếu một người cha thế gian chọn cho con mình một nơi để sinh ra, chắc chắn ông sẽ chọn Jerusalem, một kinh thành có đầy đủ tiện nghi và nổi tiếng. Ngược lại với khuynh hướng con người, Thiên Chúa chọn cho con mình sinh ra ở Bethlehem, một thành nhỏ nhất của Judah; khoảng 30 dặm về phía Nam của Jerusalem. Bethlehem là nơi sinh trưởng của vua David. Thiên Chúa chọn David là đứa con nhỏ nhất trong gia đình của Jesse, để làm vua thay Saul. Khi David lên ngôi, ông đã dời kinh đô về Jerusalem.

Hơn nữa, Ngài còn chọn một thị tộc nhỏ bé nhất của Judah là Ephratha, để cho Con của Ngài sinh ra, như tiên-tri Micah loan báo gần 700 năm trước khi Đấng Cứu Thế ra đời: “Phần ngươi, hỡi Bethlehem Ephratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Judah, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel.” Lời tiên tri này rất quan trọng, vì nó sẽ được các kinh-sư dùng để trả lời cho ba nhà đạo sĩ từ phương Đông đến hỏi: Vua người Do-thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Đông Phương và chúng tôi đến để triều bái Người.

1.2/ Căn tính của Đấng Thiên Sai: Giống như thị kiến của tiên-tri Daniel sau này (7:13-14), tiên tri Micah mặc khải hai căn tính quan trọng của Đấng Thiên Sai:

(1) Nguồn gốc: Tuy Ngài sinh ra trong thời gian, nhưng “nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.” Theo Daniel, Ngài tuy có hình ảnh của Con Người, nhưng lại “ngự giá mây trời mà đến.”

(2) Uy quyền: Tuy Ngài là con người, nhưng Ngài có quyền lực của Thiên Chúa: “Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ.” Theo Daniel, “Đấng Lão Thành [Thiên Chúa] trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người.”

(3) Triều đại: Không giống như triều đại của vua chúa thế gian, triều đại của Người sẽ an bình, thịnh vượng, và tồn tại muôn đời: “Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. Người sẽ chiến thắng Assyria. Chính Người sẽ đem lại hoà bình.” Theo Daniel, “Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.”

2/ Bài đọc II: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.”

2.1/ Vâng lời quan trọng hơn của lễ: Trong Cựu Ước, Thiên Chúa truyền cho con cái Israel phải dâng của lễ để đền những tội họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; nhưng dần dần, người Do-thái quá chú trọng đến lễ vật bên ngoài, mà quên đi sự xám hối, tình thương, và công bằng bên trong. Nhiều ngôn-sứ trong Cựu Ước đã cảnh cáo dân về việc vụ hình thức bên ngoài, và kêu gọi họ chú trọng đến tâm hồn bên trong. Tác giả Thư Do-thái cũng theo chiều hướng này, khi nói về sự cao trọng hy lễ của Đức Kitô. Ông muốn nêu bật hai điểm chính:

(1) Mục đích của thân xác: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.” Đối với con người, việc làm cần thiết để biểu tỏ niềm tin vào Thiên Chúa. Đức Kitô được Chúa Cha ban cho một thân thể để Ngài thi hành thánh ý Thiên Chúa và dạy dỗ con người. Ngài dùng miệng để rao giảng Tin Mừng, dạy dỗ, và an ủi tha nhân, dùng tay để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, và dùng chân để đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng… Sau cùng, Ngài dùng chính thân thể của Ngài để chịu đựng đau khổ và chết thay cho con người.

(2) Đức vâng lời: ”Chúa chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” Đây là những lời trích từ thánh vịnh 40:6-9, và là một chân lý hiển nhiên, vì tất cả mọi sự trên đời này là của Thiên Chúa. Ngài cũng chẳng có mũi để ngửi hay miệng lưỡi mà thưởng thức các lễ vật của con người. Điều làm Thiên Chúa vui lòng là con người kính sợ và làm theo thánh ý của Ngài.

2.2/ Hy lễ của Đức Kitô vượt xa các lễ vật của Cựu Ước.

(1) Lễ vật của Cựu Ước: ” Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền.” Trước hết, máu chiên bò đổ ra thay cho con người không phải là máu của tự nguyện, nhưng bị con người bắt và giết đi. Thứ hai, máu này không đủ để tha tội, nhất là những tội cố tình, nên phải tái diễn nhiều lần. Sau cùng, máu này không có sức thánh hóa con người hay làm cho trở nên tốt hơn.

(2) Hy lễ của Đức Kitô: ”Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.” Máu của Đức Kitô đổ ra chính là máu của Con Thiên Chúa, Ngài tự nguyện hy sinh chịu chết cho con người. Máu này chỉ cần đổ ra một lần là đủ vì có sức mạnh để tha tất cả các tội của con người. Từ đó đến nay, Đức Kitô đã chấm dứt lễ tế cũ và thay bằng Thánh Lễ. Điều này được chứng minh trong lịch sử là Đền Thờ bị phá hủy hoàn toàn từ năm 70 AD tới giờ; người Do-thái có muốn dâng lễ tế đền tội cũng chẳng còn Đền Thờ mà dâng. Sau cùng máu này không những tha mọi tội, mà còn có sức thánh hóa và làm cho con người trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ các ơn thánh của bí tích Thánh Thể.

3/ Phúc Âm: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

3.1/ Đức Mẹ lên đường thăm viếng bà Elisabeth: “Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Judah. Bà vào nhà ông Zachariah và chào bà Elisabeth.”

Không những Thiên Chúa chọn cho con mình sinh ra ở một nơi bé nhỏ nghèo hèn; mà còn chọn cho con mình một người mẹ rất đơn sơ, nhỏ bé, khiêm nhường; nhưng vâng lời làm theo ý Thiên Chúa, và có lòng yêu thương tha nhân. Biến cố Mẹ Maria đi thăm viếng Elisabeth, người chị họ, cho chúng ta thấy những đức tính nổi bật nơi Đức Mẹ.

Theo truyền thống, Ein Karim là nơi gia đình của ông Zachariah và bà Elisabeth sinh sống nằm giữa đường từ Jerusalem đến Bethlehem. Thông thường, người kém địa vị hơn phải đi thăm người có địa vị cao hơn, hay người cần được ban ơn phải đi thăm người có quyền ban ơn. Mẹ đã chọn đi bước trước để chào thăm và giúp đỡ người chị họ chứ Mẹ không đợi người chị họ Elisabeth đến thăm mình; dù Mẹ biết mình đang cưu mang Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa Tối Cao. Khi một người ở địa vị cao hơn đi bước trước để thăm viếng, người đó biểu tỏ sự khiêm nhường và tình yêu chân thật để tỏ sự quan tâm đến người mình yêu. Mẹ cũng mang niềm vui và muôn ơn của Thiên Chúa đến cho bà Elisabeth qua cuộc thăm viếng này. Nếu Thiên Chúa Tối Cao đã biểu tỏ sự khiêm nhường và tình yêu khi Ngài viếng thăm con người, chúng ta là ai mà ngồi yên trông chờ người khác đến thăm viếng chúng ta!

3.2/ Bà Elisabeth chúc mừng Đức Mẹ.

(1) Thánh thần ở với Gioan ngay từ khi còn trong bụng mẹ: Trình thuật Lucas tường thuật một sự kiện lạ: Khi “Bà Elisabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần.”

Người Mẹ có thể nhận ra sự khác thường của đứa con trong bụng mình. Khi Gioan, đại diện cho những con người trong Cựu Ước nhận ra Đấng Thiên Sai đến viếng thăm, đã nhảy mừng tuy vẫn còn trong bụng bà Elisabeth.

(2) Bà Elisabeth lớn tiếng ca tụng Mẹ Maria: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Bà Elisabeth tuyên xưng những sự thật về Đức Mẹ: Thứ nhất, Mẹ được Thiên Chúa chúc phúc hơn mọi người phụ nữ; không một phụ nữ nào được Thiên Chúa ban ơn và chúc phúc cho hơn Đức Mẹ. Bà cũng được linh hứng của Chúa Thánh Thần để tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa; điều mà phải đợi đến Công Đồng Êphesô vào năm 430, Giáo Hội mới chính thức công nhận danh hiệu này. Thứ hai, con trẻ Gioan đang trong dạ mẹ cũng được chúc phúc; vì Thiên Chúa đã đoái thương và viếng thăm dân Ngài. Khi Thiên Chúa đến viếng thăm, Ngài mang ơn cứu độ đến cho con người. Sau cùng, bà Elisabeth nói rõ lý do của mọi phúc lành: Vì Mẹ Maria đã tin vào những gì Thiên Chúa phán cùng Mẹ sẽ được thực hiện. Đức tin làm cho con người được chúc phúc và trở nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa, chứ không do bất cứ sự cao trọng nào hay sự xứng đáng của con người.

———————-

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Để tìm kiếm và nhận ra Thiên Chúa, chúng ta đừng mong tìm Ngài trong những lộng lẫy xa hoa của thế gian; nhưng trong những nơi nghèo nàn, nhỏ bé như Bethlehem của Judah.

– Thiên Chúa không quan tâm đến những thành quả hay việc to lớn mà chúng ta đạt được; nhưng Ngài yêu thích sự khiêm nhường, tin tưởng, và vâng lời làm theo thánh ý của Ngài.

– Noi gương Đức Mẹ, chúng ta phải luôn thương yêu, quan tâm, và khiêm nhường đi bước trước để tỏ tình yêu cho tha nhân. Tất cả những điều này sẽ giúp chúng ta đón nhận Thiên Chúa, và Ngài sẽ ban cho chúng ta mọi ơn cần thiết trong cuộc đời.

Nguồn: https://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=833:ch-nht-iv-mua-vngc&catid=25&Itemid=27

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here