Anthony Đinh Minh Tiên, OP
———————–
1/ Bài đọc I: Dn 7,13-14
13 Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa:
có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện.
14 Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị;
muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người.
Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một;
vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.
2/ Bài đọc II: Kn 1,5-8
5 Xin Đức Giê-su Ki-tô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta,
6 làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men!
7 Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! A-men!
8 Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng.”
3/ Phúc Âm: Ga 18,33b-37
33 Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?”
34 Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”
35 Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?”
36 Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.”
37 Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”
——————
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Kitô là Vua sự thật.
Con người ao ước được biết sự thật, nhưng bị vây quanh bởi những giả dối của thế gian: đồ giả, vàng giả, người giả, cha giả, sư giả, thần giả. Con người mong muốn được đối xử chân tình, nhưng lòng người lắm nẻo quanh co và khó đoán như bài toán đố; hứa đó rồi thất hứa vì những lợi nhuận vật chất làm con người thay đổi còn nhanh hơn chong chóng… Làm sao để học biết sự thật và cảm nhận được tình yêu chân thành?
May mắn cho con người, các Bài Đọc hôm nay chỉ đường cho con người để biết đâu là nguồn gốc của sự thật; con người không thể tìm đâu khác ngoài Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên tri Daniel tường thuật thị kiến một Con Người lãnh quyền vương đế, vinh quang, và thống trị vĩnh cửu muôn đời từ Thiên Chúa. Tất cả mọi người trên vũ trụ sẽ phải tuân phục quyền bính của Người Con này. Trong Bài Đọc II, tác giả Sách Khải Huyền xác tín Đức Kitô là Vua muôn thuở và muôn đời; ngay cả lúc Ngài hy sinh chịu chết vì con người. Mọi người đã giết và từ chối Đức Kitô sẽ đấm ngực than khóc khi nhìn thấy triều đại Người trị đến trong vinh quang. Trong Phúc Âm, cuộc đàm thoại giữa Đức Kitô và quan Tổng Trấn Philatos nêu bật sự khác biệt giữa vua thế gian và vua Nước Trời. Philatos hiểu Đức Giêsu muốn làm vua kiểu của thế gian như phần đông người Do-thái; trong khi Chúa Giêsu mặc khải Ngài là Vua của Nước Trời, Vua của sự thật. Tất cả những ai biết lắng nghe và sống theo sự thật là con dân của Nước Trời, dưới quyền cai trị của Đức Kitô.
———————-
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị.
1.1/ Chúa Cha đặt Ngài làm Vua cai trị muôn đời: Tiên-tri Daniel tường thuật thị kiến phong vương xảy ra trên trời cho một nhân vật đặc biệt: Người có hình dạng của một con người; nhưng lại đến từ trời. Người được dẫn tới trình diện Đấng Lão Thành, và Đấng này trao cho Người “quyền thống trị, vinh quang và vương vị.” Sau đó, muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Con Người đây chính là Đức Kitô, và Đấng Lão Thành chính là Thiên Chúa Cha. Thị kiến muốn nói lên quyền làm Vua của Đức Kitô trên tất cả mọi tạo vật của Thiên Chúa. Trước thị kiến này là thị kiến 4 con vật, tượng trưng cho sự chóng qua của các 4 đế quốc trên mặt đất: Babylon, Ba-tư, Hy-lạp, và Rôma.
1.2/ Vương quyền và vương quốc của Ngài sẽ tồn tại muôn đời: Thị kiến cũng nói lên “quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; và vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.”
Con người luôn khát khao những gì vĩnh cửu, trường tồn. Trong lãnh vực cai trị, họ ước ao có được một vị anh quân cai trị họ đến muôn đời; nhưng thực tế chứng minh niềm khao khát này không bao giờ được đáp ứng vì các đế quốc tiếp tục đổi ngôi, và những nhà cai trị nổi danh cũng hết thời. Có 3 lý do tại sao ước mơ của con người không thành tựu: (1) Vua chúa và các thủ lãnh thế gian là những con người bất tòan. Họ sống bất công và không lo lắng cho dân; họ lợi dụng niềm tin của dân để vơ vét của cải cho mình. (2) Vuơng quốc trần gian luôn thay đổi: Hết triều đại này đến triều đại kia, hết đế quốc này tới đế quốc khác. Kiếm mỏi mắt được một người biết thương yêu lo lắng cho dân, lại bị ám sát hay chết sớm. (3) Dân chúng hỗn hợp nhiều lọai khác nhau: cả người lành lẫn kẻ dữ, cả chiên lẫn dê; vì thế, rất khó cai trị.
Nhưng đối với các Kitô hữu, thiên đàng chỉ có được ở đời sau, nơi mà cả 3 điều kiện trên đều có thể tìm được: (1) Vua duy nhất là Đức Kitô: Ngài sẽ chiến thắng tất cả, và các thủ lãnh thế gian phải qui phục Ngài. Ngài sẽ qui tụ tất cả về cho Thiên Chúa; sẽ cai trị trong tâm hồn; sẽ cai trị trong sự thật, công bằng, và thương yêu. (2) Vương quốc của Ngài là Nước Trời, sẽ tồn tại muôn đời. (3) Dân của Vua Kitô: chỉ tòan chiên (những người công chính), dê (những kẻ gian ác) bị lọai ra ngòai. Họ sẽ không bao giờ phải chết nữa. Điều kiện để thuộc về vương quốc: nghe tiếng sự thật và tin vào Đức Kitô.
2/ Bài đọc II: Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người.
2.1/ Những gì Đức Kitô làm cho con người:
(1) Đức Kitô là nguồn mạch của mọi ân sủng và bình an: Tác giả Sách Khải Huyền đề cập đến ba danh xưng của Đức Kitô, và những danh xưng này đều có liên hệ với nhau. Thứ nhất, Đức Giêsu Kitô là vị Chứng Nhân trung thành. Tất cả những gì Ngài nói đều ứng nghiệm và Ngài đã làm chứng sự trung thành với Thiên Chúa bằng cách chấp nhận ngay cả cái chết để chuộc tội cho con người. Thứ hai, Ngài là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy. Trước Ngài, chưa có một ai sống dậy từ cõi chết và không bao giờ chết nữa. Ngài là người đầu tiên đã chết, đã sống lại, và sống muôn đời. Thứ ba, Ngài là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, tất cả các vương quốc trần gian đều thuộc quyền của Ngài. Theo Phaolô, chính vì sự vâng lời Thiên Chúa và chấp nhận cái chết trên Thập Giá của Ngài, mà khi nghe danh hiệu Giêsu, mọi loài trên trời, dưới đất, và trong nơi âm phủ, phải bái quì và tuyên nhận “Đức Kitô là Chúa” (Phi 2:11). Nhờ cái chết của Ngài mà con người nhận được hết ân sủng này đến ân sủng khác. Nhờ sự tin tưởng và sống theo những gì Đức Kitô dạy, mà con người tìm được bình an thực sự cho tâm hồn.
(2) Đức Kitô làm cho chúng ta thuộc về vương quốc và trở thành hàng tư tế: Ngài làm cho con người thuộc về vương quốc Nước Trời bằng cách đổ máu trên Thập Giá để rửa sạch tội lỗi và giao hòa con người với Thiên Chúa. Chúng ta cần chú ý đến cách dùng hai phân từ khác nhau trong câu này: Phân từ “yêu mến” được dùng ở thời hiện tại, vì Đức Kitô luôn yêu mến con người. Phân từ “rửa sạch” được dùng ở thời quá khứ, vì biến cố Đức Kitô đổ máu chỉ xảy ra một lần trên đồi Golgotha, và có sức để rửa sạch mọi tội lỗi con người.
Trong Cựu Ước, chỉ có tư tế mới được vào gặp Thiên Chúa trong nơi cung thánh, mọi người Do-thái đều phải dừng lại ở khu vực của họ. Bằng cái chết của Chúa Giêsu, bức màn trong Đền Thờ xé ra làm hai, để từ nay mọi tín hữu đều có thể cầu nguyện trực tiếp với Thiên Chúa. Qua bí-tích Rửa Tội, người tín hữu trở được thành “tư tế phổ quát” (universal priesthood) để ”phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men!”
2.2/ Họ sẽ nhìn xem Đấng họ đã giết chết hay từ chối: Sách Khải Huyền tường thuật thị kiến khi Đức Kitô đến lần thứ hai để phán xét nhân loại: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! Amen!”
Điều này không những áp dụng cho quân lính Rôma và những người Do-thái đã kết tội và giết Chúa Giêsu; nhưng cũng đúng cho mọi người qua mọi thời đã từ chối không tin vào Đức Kitô. Họ phải đấm ngực ăn năn, vì họ đã từ chối Người mang ơn cứu độ đến cho họ. Họ phải đấm ngực than khóc, vì Đức Kitô là sự thật. Ngài như một tấm gương soi; khi nhìn vào Ngài, mọi gian dối và mưu mô quanh co của họ bị lột tẩy ra tất cả. Con người nghĩ không ai có thể thấu hiểu những gì họ giấu kín trong tâm tư để đánh lừa Thiên Chúa và tha nhân; nhưng mọi ý nghĩ và việc làm của họ sẽ bị mọi người nhìn thấy trong Ngày Phán Xét.
Tác giả Sách Khải Huyền liệt kê ba danh xưng của Thiên Chúa: Thứ nhất, Ngài là Alpha và Ômêga: Đây là hai mẫu tự đầu tiên và cuối cùng của Hy-lạp, có ý muốn nói Thiên Chúa là khởi nguyên vì nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành, và là tận cùng vì muôn vật muốn tìm được ý nghĩa cuộc đời phải qui hướng vào Ngài. Thứ hai, Ngài là Đấng đã có, hiện có, và đang đến: Đối với Đức Kitô, không có quá khứ, hiện tại, hay tương lai, vì Ngài là Thiên Chúa; mọi sự đều xảy ra như trong hiện tại và liên tục đối với Ngài. Ngài không bao giờ thay đổi như con người. Sau cùng, Ngài là Đấng Toàn Năng, vì Ngài làm được mọi sự; và không có gì là không thể đối với Ngài.
3/ Phúc Âm: Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật.
3.1/ Âm mưu gian tà của những người trong Thượng Hội Đồng: Để hiểu cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philatos trong trình thuật hôm nay, chúng ta cần hiểu hoàn cảnh lịch sử chung quanh cái chết của Chúa Giêsu. Những người trong Thượng Hội Đồng của người Do-thái không có quyền giết Chúa Giêsu, vì họ đang bị cai trị bởi đế quốc Rôma. Vì thế, họ bắt Chúa Giêsu và trao nộp cho quan Tổng Trấn Philatos. Để có thể luận tội Chúa, Philatos cần biết lý do rõ ràng Ngài phạm tội gì. Lúc đầu người Do-thái buộc tội Chúa Giêsu phạm thượng (Jn 19:7), vì là người mà dám xưng mình là Con Thiên Chúa. Sau này họ biết được Philatos không muốn lên án tử hình Chúa Giêsu vì lý do tôn giáo (Jn 19:6), họ họp nhau lại tìm một lý do chính trị để làm áp lực với Philatos. Họ tố cáo Chúa Giêsu dám xưng mình là “Vua dân Do-thái;” và bất cứ ai xưng mình là vua, là chống lại Caesare (Jn 19:12).
3.2/ Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philatos: Quan Tổng Trấn chỉ quan tâm đến một điều là làm sao cho Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là vua để có lý do luận tội Ngài; vì thế, ông cho gọi Đức Giêsu tới và hỏi Người: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” Đức Giêsu biết rõ tà ý của những người trong Thượng Hội Đồng và Philatos, Ngài hỏi ngược lại: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Chúa Giêsu có ý nhắc nhở Philatos về bổn phận của ông như một người cầm quyền là phải điều tra kỹ lưỡng trước khi luận tội, chứ không chỉ nghe những gì người khác tố cáo mà luận tội người khác cách bất công. Để tránh né, Philatô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?”
3.3/ Chúa Giêsu giải thích cho Philatos về vương quốc và cách cai trị của Ngài: Chúa Giêsu không sợ đương đầu với sự thật và tìm cách tránh né, người Do-thái hiểu đúng phần nào về Đấng Thiên Sai sẽ đến để cai trị họ trong công bằng và sự thật; nhưng họ không hiểu về phương cách dùng để chinh phục con người của Đấng Thiên Sai. Chúa Giêsu cắt nghĩa cho Philatos hiểu hai điều quan trọng:
(1) Vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này: Người Do-thái tin khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài sẽ dùng sức mạnh để dẹp tan mọi quyền lực ngoại bang để giải thoát dân chúng và lên ngôi cai trị họ. Đức Giêsu giải thích quan niệm sai lầm này: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái; nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.”
(2) Phương cách chinh phục dân của Chúa Giêsu: Khi vừa giải thích về vương quốc thực sự của Ngài, ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Lần chất vấn thứ hai này Chúa Giêsu xác nhận với Philatos Ngài là vua, không theo cách hiểu của vua và vương quốc trần gian; nhưng theo cách hiểu Ngài là Vua của Nước Trời và cách chinh phục dân là thuyết phục họ biết nghe theo và sống cho sự thật. Philatos không hiểu lời cắt nghĩa của Chúa Giêsu hay không có can đảm sống theo sự thật, vì sau đó ông trao Chúa Giêsu cho họ đem Ngài đi đóng đinh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chỉ có Đức Kitô mới đem lại cho chúng ta ý nghĩa và hạnh phúc của cuộc đời, vì Ngài được Thiên Chúa trao ban mọi uy quyền, vinh quang, và vương vị. Chúng ta hãy mời Ngài vào tâm hồn để làm vua hướng dẫn, cai trị, và bảo vệ chúng ta.
– Thế gian đầy dẫy những gian trá và mưu mô đen tối để lừa lọc con người. Sự thật chỉ có nơi Đức Kitô vì Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Nếu muốn tìm hiểu sự thật, chúng ta hãy đến học với Ngài.