Chúa Nhật 33, Thường Niên, năm B – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

0
1176

Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Bài đọc: 2 Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8, 31b-39; Lc 9,23-26

1/ Bài đọc I: 1 Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm. 20 Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa.

21 Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con:

22 “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con.

23 Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.” Bà nói với người con út những lời sau đây: “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. 28 Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy.

29 Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.”

2/ Bài đọc II: Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? 32 Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? 33 Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? 34 Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta? 35 Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? 36 Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. 37 Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. 38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

3/ Phúc Âm: 23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?

26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

——————————————————————-


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
SỰ SỐNG, TÌNH YÊU, VÀ SỰ ĐAU KHỔ

Sự sống, tình yêu, và đau khổ là ba mầu nhiệm khó hiểu trong cuộc sống con người; vì thế, không phải ai cũng hiểu đúng. Chẳng hạn khi nói về nguồn gốc của sự sống, có người cho là do cha mẹ, có người cho là tự nhiên, có người cho là từ Thiên Chúa. Hay khi phải định nghĩa tình yêu, có người định nghĩa “yêu là chết trong lòng một ít;” có người cho là “cùng nhìn về một hướng;” hay “yêu ai là muốn mọi sự tốt đẹp cho người ấy.” Khi nói về đau khổ, quan niệm của nhà Phật cho “cần diệt dục để tránh đau khổ;” trong khi Kitô giáo quan niệm con người không thể tránh đau khổ, và nó cần thiết để con người chứng tỏ niềm tin yêu nơi Thiên Chúa.

Các Bài Đọc trong ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay giúp chúng ta thấu hiểu tại sao các bậc tiền nhân của chúng ta sẵn sàng hy sinh thân mình để làm chứng cho Chúa. Trong Bài Đọc I, bà mẹ của bảy anh em nhà Maccabees xác tín: Thiên Chúa là Đấng ban sự sống và hơi thở cho con người. Ngài sẽ trả lại sự sống cho ai trung thành làm chứng cho Ngài. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua biến cố Nhập Thể của Đức Kitô, Người Con của Ngài; để gánh tội cho nhân loại. Một khi đã cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, không một ai hay một quyền lực nào có thể ngăn cản con người đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Đức Kitô mặc khải cho con người nghệ thuật sống theo thánh ý Thiên Chúa. Đây là cách sống duy nhất mang lại sự sống đầy tràn cho con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống

1.1/ Ai ban cho con người hơi thở và sự sống? Vua Antiochus nghĩ mình có quyền trên sự sống của bảy anh em nhà Maccabees; nên bắt bảy anh em cùng với bà mẹ thay đổi tôn giáo bằng cách cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Moses cấm. Sách Khôn Ngoan còn nói rõ hơn: những kẻ ngông cuồng muốn tra tấn như thế để thử xem Thiên Chúa có đến cứu những ai tin cậy Ngài hay không!

Là con người, ai cũng ham sống và sợ chết; tại sao bà mẹ vẫn bình tĩnh khi chứng kiến bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày? Có phải người mẹ và bảy anh em nhà Maccabees khinh thường sự sống? Trình thuật hôm nay nói rõ lý do: Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà vẫn can đảm chịu đựng được là nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa.

Là người cưu mang tất cả các con, mà Bà lại nói với các con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.”

Theo niềm tin Kitô giáo, Thiên Chúa ban sự sống cho con người bằng các ban hơi thở và thần khí, Ngài có quyền chấm dứt sự sống của con người bằng cách rút hơi thở ra. Hơn nữa, Ngài còn có quyền ban lại sự sống đời đời cho con người, nếu họ trung thành làm chứng cho Ngài.

1.2/ Tình yêu mạnh hơn đau khổ và sự chết: Tình mẫu tử được con người ở mọi nơi và mọi thời ca tụng, vì sự hy sinh chịu đựng của người mẹ dành cho con mình. Rất nhiều bà mẹ đã hy sinh cuộc sống cả đời cho tương lai của con cái; và nếu có phải chết vì con, nhiều bà mẹ cũng sẵn sàng hy sinh để con được sống. Tuy nhiên, tình mẫu tử chỉ là phản ánh của tình yêu Thiên Chúa, chính Ngài đã phú bẩm tình yêu của Ngài vào các bà mẹ để họ sẵn sàng hy sinh cho con cái. Vì thế, khi phải chọn giữa Thiên Chúa và con cái, các bà chọn Thiên Chúa, vì các bà biết Thiên Chúa sẽ trả lại con cái cho các bà. Chúng ta cảm nhận được niềm tin này qua lời của bà mẹ nói với người con út: “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.”

2/ Bài đọc II: Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô

2.1/ Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người: được diễn tả rất hay và đầy đủ qua ngòi viết của thánh-sử Gioan: “Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Jn 3:16). Không phải chỉ Thiên Chúa Cha yêu thế gian, mà Người Con cũng yêu thế gian qua sự kiện Ngài sẵn sàng chấp nhận cái chết đau thương trên Thập Giá: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Jn 15:13). Tuy con người chưa bao giờ nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng khi nhìn lên Thập Giá, con người cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa. Thánh Phaolô rút ra hai hệ luận quan trọng từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa:

(1) Thiên Chúa không tiếc con người bất cứ điều gì: Thánh Thomas Aquinas nói: yêu ai là muốn mọi sự tốt lành cho người ấy. Thiên Chúa yêu con người và muốn cho con người mọi sự tốt lành như Phaolô diễn tả: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” Ngài còn rất nhiều quà tặng cho con người, và quà tặng quí giá nhất là cho chúng ta được sống đời đời với Ngài trên Thiên Đàng.

(2) Tình yêu Thiên Chúa không quan tâm đến việc xét xử: Nhiều người sợ Thiên Chúa và coi Ngài như vị hung thần chỉ chờ con người phạm tội là ra tay trừng phạt. Phaolô hoàn toàn chống lại quan niệm này: “Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” Thánh Gioan đồng ý với quan niệm này và cắt nghĩa rõ hơn: Con người xét xử chính mình khi không tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Jn 3:17-18).

2.2/ Tình yêu con người dành cho Thiên Chúa: Tình yêu chỉ hoàn hảo khi người được yêu chấp nhận tình yêu của người cho đi; nếu không, muôn đời nó chỉ là tình đơn phương. Để có thể đáp trả tình yêu Thiên Chúa, con người phải cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Trong cuộc tử đạo của vị thánh trẻ Anrê Phú Yên, ngài khuyên các tín hữu đang thương khóc ngài những lời cuối cùng: “Anh chị em: chúng ta phải lấy tình yêu để đáp trả tình yêu, lấy mạng sống để đáp trả mạng sống!” Nếu Đức Kitô đã yêu thương và chết cho chúng ta, đến lượt, chúng ta cũng phải yêu thương và chết để làm chứng tình yêu của chúng ta dành cho Ngài.

Chấp nhận hy sinh và chịu đau khổ là hai dấu chứng chắc chắn để bày tỏ tình yêu. Thánh Phaolô chắc chắn đã cảm nhận được tình yêu của Đức Kitô dành cho, nên đã đặt câu hỏi cho mình và cho các tín hữu: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”

Chấp nhận đau khổ không nhất thiết là hậu quả của tội lỗi một người gây ra. Như Đức Kitô, Đấng không bao giờ phạm tội, mà Thiên Chúa muốn Ngài gánh mọi hình phạt của tội lỗi con người. Noi gương Đức Kitô, các môn đệ của Ngài cũng phải chịu đau khổ để đền tội cho mình và cho mọi người, như có lời chép: “Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh” (LXT 43:23, RSV 44:22). Và thánh Phaolô kết luận: “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

3/ Phúc Âm: Ai được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?

3.1/ Nghệ thuật sống trên đời: Biết sống là một nghệ thuật phải học, vì không phải ai cũng biết sống. Nhiều người tìm đọc cuốn Nghệ thuật Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, vì ông dạy cho con người biết sống. Tuy nhiên, nếu so sánh sách này với sự dạy dỗ của Đức Kitô dành cho các môn đệ, những lời chỉ giáo của Đức Kitô vượt xa những khôn ngoan của con người.

(1) Ba điều kiện để làm môn đệ Đức Kitô: Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”

– Từ bỏ chính mình: Đây có lẽ là điều khó làm nhất, vì nó đòi con người phải từ bỏ ý riêng của mình để sống hoàn toàn theo thánh ý Chúa trong mọi sự.

– Vác thập giá hằng ngày của mình: Thập giá hằng ngày là tất cả những bệnh tật, hiểu lầm, trái ý, thử thách do tha nhân và hoàn cảnh gây ra.

– Đi theo Đức Kitô: Con người không chỉ tiêu cực từ bỏ chính mình và vác thập giá suông; nhưng làm tất cả những điều đó cho một mục đích cao vời như Đức Kitô: đó là làm sao đem Tin Mừng cứu độ đến cho muôn người.

(2) Nghịch lý của đời sống: Nghệ thuật sống của Đức Kitô dạy không phải là một trong những cách để sống; nhưng là cách thức duy nhất cho những ai muốn sống cách sung mãn và có ý nghĩa, vì Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Chúa có ý muốn nói: Nếu con người không theo nghệ thuật sống trên, mà chỉ sống theo ý riêng mình, họ sẽ mất mạng sống họ muốn giữ; nhưng nếu họ sống theo thánh ý Thiên Chúa bằng cách sống hy sinh như Đức Kitô, họ sẽ cứu được mạng sống họ.

3.2/ Hậu quả phải lãnh nhận của những người không biết sống: Sống làm sao sẽ gặt hái hậu quả tương xứng. Đối với những người chỉ biết vun quén cho mình để trở nên giàu có, Chúa nhắc nhở họ: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” Điều Chúa muốn nói ở đây là phần rỗi linh hồn và cuộc sống đời sau.

Đối với những người không sống Lời Chúa và không làm chứng cho Ngài khi có dịp, Chúa cho họ biết hậu quả: “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền trên sự sống: Ngài có quyền ban sự sống và có quyền lấy đi. Hơn nữa, Ngài còn có quyền cho lại sự sống đã mất và sự sống trường sinh.

– Thiên Chúa yêu thương con người với tình yêu không biên giới. Ngài cũng đòi chúng ta yêu thương Ngài và tha nhân như thế, cho dù có phải hy sinh đến tính mạng của mình.

– Hy sinh chịu đựng đau khổ vì Chúa là cách thức duy nhất chúng ta có thể làm để minh chứng tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here