Chúa Nhật 30 – Năm B – Thường Niên

0
935

Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Nguồn: https://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=659:ch-nht-30-thng-nien35&catid=25&Itemid=27

1/ Bài đọc I: Gr 31,7-9

7 Vì ĐỨC CHÚA phán thế này: Reo vui lên mừng Gia-cóp, hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân!
Nào loan tin, ca ngợi và công bố: “ĐỨC CHÚA đã cứu dân Người, số còn sót lại của Ít-ra-en!”

8 Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất.
Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ:
tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo.

9 Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng,
dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp ngã.
Vì đối với Ít-ra-en, Ta là một người Cha, còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng.

2/ Bài đọc II: Hr 5,1-6

1 Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.

2 Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; 3 mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.

4 Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi.

5 Cũng vậy, không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con,

6 như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

3/ Phúc Âm: Mc 10,46-52

46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.

47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”

48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”

49 Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”

50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.

51 Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? ” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”

52 Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

———————————-

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa yêu thương và chữa lành những yếu đuối của con người.

Thiên Chúa yêu thương con người và mong muốn con người được sống hạnh phúc bên Ngài mãi mãi; nhưng nhiều người lại mù quáng chạy theo những tình yêu ảo ảnh của thế gian. Để đưa con người về, Thiên Chúa phải dùng đau khổ. Khi con người phải đương đầu với đau khổ, họ nhận ra họ không thể sống mà không có Thiên Chúa.

Các Bài Đọc hôm nay biểu lộ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người qua những trường hợp khác nhau. Trong Bài Đọc I, khi con cái Israel không chịu nghe lời các ngôn sứ để quay trở về với Thiên Chúa, Ngài để mặc họ cho ngoại bang giày xéo. Kết quả là con cái Israel bị mất nước và bị mang đi lưu đày. Nhưng tình yêu Thiên Chúa không bao giờ cạn cho con cái Israel, Ngài sai các ngôn sứ tới để khuyên bảo dân hãy giữ vững niềm trông cậy, vì Ngài sẽ giải thoát và đưa họ về quê hương làm lại cuộc đời. Trong Bài Đọc II, tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ qua việc Ngài chọn và gởi các thượng tế đến để làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người; vị Thượng Tế cao cả nhất là chính Người Con Một của Ngài. Các thượng tế thay Thiên Chúa lo lắng và chăm sóc phần hồn cho dân qua mọi thời đại. Trong Phúc Âm, Đức Kitô đã chữa lành cho một người mù thành Jericho, khi anh mạnh dạn vượt qua mọi trở ngại để xin Ngài cho anh được thấy.

———————————-

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất.

1.1/ Thiên Chúa thương xót sau khi sửa phạt Israel: Như một người cha yêu thương con cái, nhưng phải sửa phạt khi chúng lầm lỗi, Thiên Chúa cũng phải sửa phạt vì sự cứng lòng của con cái Israel. Thiên Chúa để họ bị rơi vào tay vua Assyria và bị lưu đày vào khoảng năm 721 BC. Tuy nhiên, Ngài luôn hứa với dân qua các tiên-tri là Ngài sẽ cứu số còn sót lại của Israel sau thời kỳ lưu đày. Lời hứa của Thiên Chúa được hiện thực khi vua Ba-tư là Cyrus phóng thích cho dân chúng trở về Jerusalem vào năm 538 BC, để xây dựng lại quê hương và tái thiết Đền Thờ.

Trình thuật của ngôn sứ Jeremiah hôm nay là một ví dụ điển hình cho lời hứa của Thiên Chúa với dân: “Vì Đức Chúa phán thế này: Reo vui lên mừng Jacob, hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân! Nào loan tin, ca ngợi và công bố: “Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Israel!” Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ: tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo.”

1.2/ Thiên Chúa luôn yêu thương Israel với tình yêu của người cha: Con cái Israel có thể dùng tự do để xa lìa Thiên Chúa; nhưng Ngài luôn trung thành yêu thương và bảo vệ họ. Để giúp con cái Israel nhận ra tình thương Thiên Chúa và quay trở về, đau khổ là phương thuốc cần thiết cho họ. Chính tư tế Ezra sau khi đã nhận ra kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua vua dân ngoại Cyrus đã phải đau đớn và xấu hổ thốt lên: tất cả chúng con đều đã xúc phạn đến Ngài, tổ tiên của chúng con cũng như tất cả những người đương thời; và đau khổ chúng con phải chịu là xứng đáng với tội lỗi của chúng con.

Một khi con người nhận ra và quay trở về với tình yêu đích thực, Thiên Chúa lại tiếp tục săn sóc và bảo vệ họ, như lời sấm của tiên-tri Jeremiah: “Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp ngã. Vì đối với Israel, Ta là một người Cha, còn đối với Ta, Ephraim chính là con trưởng.”

2/ Bài đọc II: Thượng tế được đặt lên để làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người.

2.1/ Vị thượng tế loài người: Tác giả Thư Do-thái nhấn mạnh đến ba đặc tính của thượng tế trong Cựu Ước, để dẫn đến Vị Thượng Tế cao cả nhất của Tân Ước.

(1) Thượng tế được chọn trong số người phàm: ”Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.” Vai trò của vị thượng tế là để đại diện cho loài người trong các mối tương quan với Thiên Chúa; chẳng hạn, vị thượng tế vào trong cung Cực Thánh mỗi năm một lần vào ngày “Xá Tội” để dâng hy lễ toàn thiêu đền tội cho mình và cho mọi người.

(2) Thượng tế cũng là con người yếu đuối: Thượng tế không phải là thiên thần hay là thánh, họ cũng mang trong mình những khuyết điểm như dân chúng. Khi dâng của lễ đền tội, họ cũng phải dâng của lễ đền tội cho mình trước khi dâng của lễ đền tội cho dân. Vị thượng tế phải biết cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người của họ cũng đầy yếu đuối. Họ không được kiêu hãnh vì chức vụ của mình để khinh thị hay nóng nảy với dân chúng.

(3) Thượng tế được chọn bởi chính Thiên Chúa: Tác giả Thư Do-thái rất rõ ràng về điều này: “Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aaron đã được gọi.”

2.2/ Chức vụ Thượng tế của Đức Kitô: Tác giả Thư Do-thái cũng dùng 3 đặc tính này để áp dụng vào chức vụ tư tế của Đức Kitô.

(1) Ngài được chọn và thánh hiến bởi Thiên Chúa: “Cũng vậy, không phải Đức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Melchizedek.” Để hiểu “Thượng Tế theo phẩm trật Melchizedek,” chúng ta phải trở về với trình thuật trong Sách Sáng Thế Ký, khi tư tế Melchizedek ra đón và chúc lành cho Abram khi ông thắng trận trở về (Gen 14:18-20), và Abram đã trao lại cho tư tế này một phần mười các chiến lợi phẩm.

(2) Đức Kitô đồng cảm với con người vì Ngài cũng đã trải qua những đau khổ như con người; nên Ngài có thể giúp họ vượt qua các đau khổ trong cuộc sống. Tác giả Thư Do-thái nói rõ về Đức Kitô: “Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.

Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Heb 2:17-18).

(3) Đức Kitô là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: Ngài hòa giải con người với Thiên Chúa bằng cách thanh tẩy con người khỏi mọi tội lỗi.

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ trên trần gian, Đức Kitô đã thiết lập thiên chức linh mục để họ tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian. Một người đã quảng diễn vai trò trung gian của linh mục như sau: Linh mục là người cầu nguyện và kết hợp với Thiên Chúa trong tuần, để rồi chuyển thông cho dân những gì Thiên Chúa muốn họ làm trong những thánh lễ cuối tuần; vì dân chúng quá bận rộn để mưu kế sinh nhai. Sự hiện diện của linh mục giúp con người nhận ra tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người.

3/ Phúc Âm: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”

3.1/ Niềm tin vững mạnh của anh mù: Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Jericho. Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Jericho, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Bartimê, con ông Timê.

(1) Anh mù chứ không điếc: Anh đã được nghe người ta nói về Đức Giêsu Nazareth. Anh tin vào Ngài. Anh không chút e ngại và biết nắm lấy cơ hội để cầu xin với Ngài: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”

(2) Anh vượt qua sự ngăn cấm của con người: Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Họ quát nạt anh có thể vì anh làm chia trí họ không nghe được những lời dạy dỗ của Đức Kitô, hay khinh thường anh vì anh chỉ là người ăn xin bên đường.

Khát vọng mãnh liệt của anh mù được đối diện với Thiên Chúa đã giúp anh vượt qua mọi trở ngại để được gặp Ngài. Chúng ta có một khát vọng mãnh liệt được gặp Chúa Giêsu như anh không? Chúng ta có sẵn sàng vượt mọi trở ngại trong cuộc đời để được đối diện với Ngài?

3.2/ Cuộc đối thoại giữa Chúa và anh mù: Thấy niềm tin vững mạnh của anh, Đức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”

(1) Phản ứng của anh mù rất rõ ràng và quyết liệt qua sự diễn tả của Marcô: Khi được biết Chúa Giêsu cho gọi anh, “anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu.” Anh không muốn bất cứ sự gì ngăn cản anh trong việc đến với Chúa. Khi nghe Chúa Giêsu hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp không chút do dự: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”

(2) Lòng thương xót của Chúa Giêsu: Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

———————————-

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Đau khổ xảy ra khi con người lìa xa Thiên Chúa để chạy theo những ảo ảnh của thế gian; để sống hạnh phúc, chúng ta cần phải quay trở về với Thiên Chúa, Người Cha yêu thương chúng ta thực sự.

– Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ qua việc Thiên Chúa chọn các thượng tế giữa con người để họ làm trung gian hòa giải, cầu nguyện, và ban ơn lành của Thiên Chúa cho con người.

– Vị Thượng Tế khôn ngoan, trung thành, và yêu thương chúng ta nhất là Đức Kitô. Chúng ta hãy mạnh dạn chạy đến với Ngài để được tha tội, chữa lành, và lãnh nhận mọi ơn cần thiết cho cuộc sống.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here