Chúa Nhật 3 – Năm A – Thường Niên

0
426

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc I: Is 8,23-9,3

23 Nhưng sẽ không còn bóng đêm ở nơi đang bị ngặt nghèo. Thời đầu, Người đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại.

1 Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng;
đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

2 Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng.
Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt,
như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.

3 Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ,
và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an.

2/ Bài đọc II: 1 Cr 1,1.10-13.17

 1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi,

10 Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau. 11 Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơ-lô-e cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em.

12 Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: “Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô.”

13 Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao?

17 Quả vậy, Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu.

3/ Phúc ÂmMt 4,12-23

12 Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê.

13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li,

14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói: 15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại!

16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.

19 Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

23 Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

 ——————————

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy để ánh sáng chân lý của Thiên Chúa chiếu soi cuộc đời.

Có một sự khác biệt to lớn giữa người biết và người không biết, người bước đi trong ánh sáng và người ngồi trong bóng tối. Người sống trong ánh sáng biết mình đi đâu, họ luôn vững tin, sống an vui và lạc quan hy vọng trong mọi trạng huống của cuộc đời. Người ngồi trong bóng tối không biết mình sống để làm gì, lúc nào họ cũng sợ hãi, lo âu, bi quan và chán nản cuộc đời.

Điều khác biệt không đơn giản chỉ liên quan tới ánh sáng và bóng tối, nhưng nó còn quyết liệt hơn, vì nó liên quan tới sự sống và sự chết đời đời. Để được giải thoát khỏi bóng tối, con người cần tiếp nhận ánh sáng chân lý của Thiên Chúa chiếu soi, họ cần tin tưởng vào Đức Kitô và thực hành những gì Ngài truyền dạy.

Các bài đọc hôm nay tập trung trong chủ đề Thiên Chúa đã làm mọi cách để đưa con người ra khỏi bóng tối tội lỗi bằng cách cho con người nguồn sáng đích thực là Đức Kitô. Ngài cũng chọn và huấn luyện con người để họ cũng được cộng tác với Ngài trong sứ vụ mang Đức Kitô đến cho mọi người.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah đã nhìn thấy và loan báo trước ngày mà mọi người ở mọi nơi đều được ánh sáng chân lý của Thiên Chúa chiếu soi tới, điển hình là hai vùng đất của Dân Ngoại, Zebulun và Naphthali. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Corintô biết không phải khi họ đã trở thành tín hữu là họ hết tối tăm và luôn sống trong ánh sáng. Nếu các tín hữu vẫn còn luyến tiếc các lợi nhuận cá nhân để rồi sống theo óc bè đảng của thế gian, họ không sống theo ánh sáng của Thiên Chúa soi dẫn và họ đang tự hủy cuộc sống của chính họ và của cộng đoàn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chọn vùng tả ngạn của Hồ Galilee, tức là vùng đất Zebulun và Naphthali mà ngôn sứ Isaiah đã loan báo trong bài đọc I, để làm nơi bắt đầu sứ vụ rao giảng của Ngài. Chúa Giêsu cũng gọi 4 môn đệ đầu tiên và họ đã mau chóng đáp trả bằng cách bỏ mọi sự đi theo Chúa, để được Ngài huấn luyện và cho tham dự vào sứ vụ mang ánh sáng đến cho mọi người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự khác biệt giữa ánh sáng và bóng tối

Zebulun và Naphthali là hai chi tộc của Do-thái nằm về phía tả ngạn của sông Jordan, và là biên giới giữa Syria và Do-thái. Chi tộc Dan không chịu nổi áp suất của vùng biên giới, nên sau này đã di chuyển về biên giới giữa hai miền Bắc và Nam của Do-thái. Nằm ở vùng biên giới luôn bị đe dọa bởi thảm họa chiến tranh và chết chóc. Vào thời của ngôn sứ Isaiah, vương quốc miền Bắc, dĩ nhiên bao gồm hai chi tộc Zebulun và Naphthali, rơi vào tay đế quốc Assyria, mau chóng tiếp nhận mọi bóng tối tội lỗi của họ, và trở thành miền đất của Dân Ngoại. Ngôn sứ Isaiah được Thiên Chúa cho nhìn thấy ngày mà hai chi tộc này sẽ được nhìn thấy ánh sáng của Đấng Thiên Sai chiếu soi. Trình thuật hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự tương phản về hiệu quả của ánh sáng và bóng tối.

1.1/ Ánh sáng giải thoát con người: Khi ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi vào vùng đất tối tăm này, con người sẽ nhìn thấy tất cả bóng tối đang bao phủ quanh họ: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” Hiệu quả rõ rệt nhất của ánh sáng là niềm vui. Ánh sáng mang lại niềm vui cho tất cả những người được chiếu soi. Ngôn sứ Isaiah dùng hai hình ảnh mà không ai trong vùng đất này xa lạ với là mùa gặt và ngày thắng trận. “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.”

1.2/ Bóng tối giam giữ con người như những nô lệ: Dân chúng sống trong hai vùng của Dân Ngoại này chắc chắn phải chịu nhiều thiệt thòi. Về phương diện tôn giáo, họ sống rất xa Đền Thờ, nên dễ bị ảnh hưởng của các tôn giáo của người Assyria. Về phương diện chính trị, họ bị điều khiển bởi các đế quốc, bị bắt làm nô lệ, và luôn bị đe dọa bởi chiến tranh. Những trận chiến khốc liệt nhất của lịch sử Do-thái đều nằm trong vùng này.

Ngôn sứ Isaiah nhìn thấy trước ngày Thiên Chúa sẽ giải thoát dân chúng khỏi các thế lực chính trị: “Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Median.”

2/ Bài đọc II: Biết Đức Kitô là phải sống theo những gì Ngài dạy.

Corintô là một hải cảng phồn thịnh của người Hy-lạp. Đời sống của dân chúng tuy dễ chịu về phương diện kinh tế, nhưng bị đe dọa bởi nhiều thứ tội của các nơi mang tới. Dân chúng Corintô dễ mở lòng để đón tiếp những cái hay của tứ phương thiên hạ, nhưng ít khi chịu gạn lọc ra khỏi họ những thói xấu. Thánh Phaolô tuy thành công về phương diện mang ánh sáng của Đức Kitô tới cho họ, nhưng ngài gặp nhiều khó khăn trong việc điều khiển cộng đoàn. Chúng ta chỉ cần đọc hai thư Corintô là biết rõ các vấn đề ngài phải đương đầu với.

Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Corintô: Không phải cứ trở thành tín hữu là mọi sự đều tốt đẹp; nhưng người tín hữu phải đoạn tuyệt với tội lỗi, và làm mọi cách để thực thi những lời Đức Kitô dạy bảo. Trong trình thuật hôm nay, điều thánh Phaolô muốn nhấn mạnh là đời sống yêu thương và hiệp nhất trong cộng đoàn.

2.1/ Hiệp nhất là sống theo những lời dạy bảo của Đức Kitô: Sau phần chào hỏi đầu thư, Ngài đi thẳng vào vấn đề của dân thành: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau.”

Theo thánh Phaolô, căn bản của đời sống Kitô hữu là đức bác ái, và người tín hữu phải làm mọi cách để phát triển nhân đức này (1 Cor 13). Không thể có hiệp nhất nếu không có yêu thương. Chúa Giêsu cũng đã từng nhắn nhủ các môn đệ: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy là chúng con yêu thương nhau.”

2.2/ Chia rẽ bè phái là vẫn còn ở trong bóng tối và làm nô lệ cho tội lỗi: Thánh Phaolô cho biết nguyên do của sự chia rẽ trong cộng đoàn: “Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Chloe cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: “Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apollo, tôi thuộc về ông Kepha, tôi thuộc về Đức Kitô.” Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao?”

Điều thánh Phaolô muốn nhấn mạnh là các tín hữu hãy chú ý đến tình yêu của Đức Kitô biểu lộ qua cái chết của Ngài trên Thập Giá, chứ đừng tìm uy quyền, danh vọng, hay lợi lộc cá nhân để rồi chia năm xẻ bảy thân thể của Đức Kitô.

Lợi lộc cá nhân thường là lý do chính nhưng ẩn sâu trong bóng tối, thúc đẩy con người kéo bè phái và chống lại chân lý, chống lại những người lãnh đạo muốn cho họ bắt chước Đức Kitô. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải sửa sai kịp thời; nếu không, họ sẽ tự phân tán, và dần dần, họ sẽ từ bỏ luôn Đức Kitô, là nguyên do hạnh phúc cho cuộc đời của họ.

3/ Phúc Âm: Phải có thái độ dứt khoát đi theo nguồn sáng là Đức Kitô khi Ngài đến.

3.1/ Đức Kitô làm trọn lời ngôn sứ Isaiah: “Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilee. Rồi Người bỏ Nazareth, đến ở Capernaum, một thành ven biển hồ Galilee, thuộc địa hạt Zebulun và Naphthali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaiah nói: Này đất Zebulun, và đất Naphthali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Jordan, hỡi Galilee, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.”

Có thể nói toàn bộ cuộc đời thơ ấu, các phép lạ và sứ vụ rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu tập trung trong hai vùng đất này: Nazareth, Cana, Capernaum… Hầu hết các tông đồ của Chúa Giêsu đều là người địa phương của hai vùng này, Bethsaida là quê hương của 4 môn đệ đầu tiên, rất gần với Capernaum.

3.2/ Chúa Giêsu mời gọi 4 môn đệ đầu tiên đi theo Ngài:

(1) Ngài mời gọi các ông hướng tới sứ vụ cao trọng hơn: mang ánh sáng chân lý của Thiên Chúa và ơn cứu độ đến cho con người. Thoạt nghe trình thuật của Matthew, chúng ta có thể thắc mắc: Làm sao 4 môn đệ đầu tiên này có thể đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu cách dứt khoát và nhanh chóng như thế? Bốn ông đều chắc chắn đã có cơ hội nghe Chúa Giêsu rao giảng trong hội đường Capernaum và chung quanh vùng Biển Hồ Galilee, đã chứng kiến các phép lạ Ngài làm, đã nghe dân chúng bàn tán về Ngài… Tất cả những điều này làm các ông phải suy nghĩ nhiều đêm, để rồi hôm nay, khi Ngài chính thức mời gọi: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá;” các ông mới có thể bỏ mọi sự đi theo Ngài.

(2) Các môn đệ phải dứt khoát đáp trả: Tuy thế, phản ứng dứt khoát của các tông đồ cũng làm cho chúng ta phải kinh ngạc. Nghề nghiệp không dễ bỏ vì nó liên quan đến vần đề sinh sống. Các ông chắc cũng thắc mắc: “Bỏ nghề rồi làm gì ăn?” Bỏ cha già ở lại trên thuyền với lưới rách còn khó hơn. Ơn sinh thành phải đền trả. Giờ đã đến lúc người cha già yếu phải sống nương tựa vào sức mạnh của con, thế mà hai người con khỏe mạnh đành lòng để cha già ở lại để bước theo Đức Kitô! Hơn nữa, chắc họ cũng phải nhìn lại con người mình và tự hỏi: Làm sao một dân thuyền chài có thể mang ánh sáng chân lý tới cho con người? Chính họ cần được ánh sáng chân lý chiếu soi trước hết.

Các ông có can đảm bước đi theo tiếng gọi của Chúa Giêsu vì các ông được soi sáng để nhận ra đâu là điều quan trọng trong cuộc đời. Các ông đi theo Chúa Giêsu vì các ông nhận ra có những điều trong cuộc đời cao trọng hơn là nghề nghiệp và sự đáp trả công ơn sinh thành bằng việc giúp đỡ phần xác. Chúa Giêsu phải có những điều có thể lấp đầy những nỗi khao khát trong tâm hồn các ông. Các ông thấy dân chúng lũ lượt và nhiệt thành đến với Chúa Giêsu để nghe Ngài dạy dỗ và chữa lành. Các ông cảm thấy hãnh diện được trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, và việc tham gia vào sứ vụ cứu độ của Chúa phải là điều đáng ao ước hơn cả.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Nếu không có ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi, chúng ta sẽ không thể nhận ra những tối tăm đang bao phủ cuộc đời chúng ta.

– Chúng ta không chỉ cần nhìn thấy ánh sáng thôi, mà còn phải sống theo ánh sáng chỉ dẫn. Hãy mở tung con người để ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi mọi tăm tối trong con người.

– Chúng ta đừng sợ sẽ bị mất những gì đang có; nhưng hãy mạnh dạn và dứt khoát theo Đức Kitô để Ngài đổi mới và dẫn đưa chúng ta đến những chân trời hy vọng mà chúng ta chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-3-thng-niena/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here