Chúa Nhật 15 – Năm A – Thường Niên

0
421

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IIs 55,10-11

10 Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, 11 thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.

2/ Bài đọc IIRm 8,18-23

18 Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. 19 Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. 20 Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy 21 là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. 22 Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. 23 Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.

3/ Phúc ÂmMt 13,1-23

1 Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. 2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. 3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. 4 Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; 6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. 8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. 9 Ai có tai thì nghe.”

10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” 11 Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.

12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. 13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. 14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; 15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. 16 “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. 17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe. 18 “Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. 19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. 20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. 21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.

22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.

23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiệu quả và lợi ích của Lời Chúa.

 Lời phát ra từ miệng của một người gây ra những hậu quả khác nhau nơi người nghe: có người chăm chú lắng nghe và ghi nhận trong tâm hồn, có người lắng nghe cho qua lần chiếu lệ hay nghe như “nước đổ đầu vịt,” có người tuy ngồi đó nhưng chẳng nghe gì cả vì trí óc còn bận tâm những chuyện khác, có người nghe để tìm sơ hở của người nói để bắt bẻ hay truy tố… Tùy vào cách lắng nghe, những lời của diễn giả nói sẽ sinh lợi ích hay thiệt hại cho khán giả.

 Các bài đọc hôm nay dùng nhiều hình ảnh khác nhau để nhấn mạnh tới sự chuẩn bị con người cần có khi lắng nghe Lời Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah dùng hình ảnh của mưa và tuyết sa xuống từ trời. Mục đích của chúng là để thấm nhuần đất đai để cho hạt giống được nẩy mầm và tăng trưởng, để người gieo có hạt giống và người đói có bánh ăn. Lời Chúa cũng thế, một khi đã nói ra sẽ không trở về với Ngài sau khi đã thấm nhập vào trí óc và sinh ích lợi cho con người. Trong bài đọc II, Lời Chúa mặc khải cho con người biết Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, để con người hiểu biết tình trạng cuộc đời mình và giữ vững niềm hy vọng sẽ được sống lại với Thiên Chúa trong vinh quang. Trong Phúc Âm, Lời Chúa được ví như hạt giống mà một nông phu ra đi vãi gieo. Nó có thể rơi bên vệ đường, trong chỗ đá sỏi, trong bụi gai hay rơi vào đất tốt. Tùy chỗ rơi vào mà hạt giống sẽ cho những kết quả khác nhau.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ngôn sứ Isaiah chú trọng đến tính liên tục của Lời Chúa.

1.1/ Lời Chúa được so sánh như mưa và tuyết từ trời rơi xuống: Ngôn sứ Isaiah liệt kê 4 công dụng hay mục đích của mưa tuyết mà nhà nông nào cũng có thể hiểu cả.

(1) Thấm nhập và làm cho đất được phì nhiêu: Đất đai không có nước sẽ trở nên cằn cỗi và khô cứng như đá. Trước khi gieo hạt, nông phu phải cuốc hay cày bừa làm cho đất cứng vỡ ra, rồi đợi mưa hay tuyết rơi xuống làm cho đất xốp hay mềm. Không có nước chẳng hạt giống nào có thể nảy mầm được chứ đừng nói tới việc sinh trái.

(2) Giúp cây cối sinh hoa kết quả: Hạt giống được gieo vào miền đất đã chuẩn bị sẽ có cơ hội nảy mầm, mọc lên lớn mạnh, và sinh hoa kết trái. Tùy vào sự phì nhiêu của đất và nước, hạt giống sẽ cho những kết quả khác nhau: nhiều hay ít, ngọt ngào hay chua chát…

(3) Giúp nhà nông có hạt giống để trồng: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, hạt giống được gieo ra sẽ cho hàng trăm, ngàn những hạt giống khác từ hoa quả của nó. Nhà nông sẽ để dành những hạt giống tốt để tiếp tục gieo mùa sau.

(4) Mục đích tối hậu của hạt giống là giúp con người có lương thực: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, các hạt giống là để cho thú vật và con người có cơm bánh ăn. Nếu không có các hạt giống thì cũng chẳng có sự sống trên trái đất này.

Đó là tất cả mục đích của mưa và tuyết, chúng sẽ không trở lên trời và tiếp tục mưa xuống cho tới khi hoàn thành những mục đích đã tiên liệu cho chúng.

1.2/ Tính liên tục của Lời Chúa: Hạt giống không thể sinh hoa kết trái nếu vùng đất chỉ mưa tuyết một lần, chúng đòi lượng nước đủ để có thể lớn mạnh và sinh quả. Cũng vậy, Lời Chúa cần được gieo nhiều lần như mưa tuyết vào lòng con người. Trình thuật muốn nhấn mạnh tới sự liên tục quan tâm của Thiên Chúa trong việc tác động vào trí óc và trái tim con người để họ tin Thiên Chúa và hành động cách xứng hợp. Lời Chúa gieo ra có thể chưa có hiệu quả ngay lần đầu, nhưng cứ thấm nhập mỗi ngày một tí. Lời Chúa gieo ra có thể chưa sinh hoa kết quả ngay nhưng nhưng đã có những chồi non đợi ngày sẽ sinh hoa kết trái.

Lời ở đây có thể hiểu theo ý nghĩa sâu xa hơn là Ngôi Lời. Chúa Giêsu là Lời phát xuất từ Thiên Chúa ngay từ khi tạo dựng trời đất và sẽ không trở về với Thiên Chúa cho tới khi hoàn tất việc cứu chuộc con người.

2/ Bài đọc II: Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ không sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.

Trồng cấy là một tiến trình đòi nhiều thời gian, khổ đau, và kiên nhẫn. Nông phu phải vất vả đổ mồ hôi từ chỗ cày bừa, gieo hạt, bón phân, vun tưới, thì mới có ngày mùa thắng lợi vinh quang. Nếu một nông phu không qua tiến trình này, anh sẽ chẳng mùa gặt hái. Thánh Phaolô dùng một hình ảnh khác cho toàn bộ cuộc đời con người. Các tín hữu cũng phải trải qua một tiến trình tương tự, cũng đòi nhiều hy sinh, gian khổ, và kiên nhẫn còn hơn nhà nông trước khi đạt tới kết quả vinh quang là ơn cứu độ Thiên Chúa đã dành sẵn cho con người.

2.1/ Sự cần thiết của khổ đau: Vinh quang có được là phải đi qua con đường đau khổ, đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn đến chỗ diệt vong. Chính Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta chân lý này, và Ngài đã làm gương cho chúng ta bằng cách trải qua cùng tận đau khổ để mang ơn cứu độ đến cho muôn người.

Ai cũng nhận ra cuộc đời là bể khổ. Thánh Phaolô diễn tả cuộc đời đau khổ như sau: “Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng.” Điều này xảy ra, “không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy.” Vì thế, không ai có thể tránh được con đường đau khổ cả.

Nhưng đâu là ý nghĩa hay mục đích của đau khổ? Có rất nhiều, nhưng chúng ta chỉ có thể liệt kê những lợi ích chính trong khuôn khổ của bài viết: Thứ nhất, đau khổ giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu của những người đã hy sinh cho chúng ta. Thứ hai, đau khổ giúp chúng ta định giá đúng giá trị của cuộc đời. Thứ ba, đau khổ thanh luyện con người, giúp chúng ta trở nên như những người con của Chúa. Ngài đã hy sinh cứu chuộc chúng ta, đến lượt chúng ta cũng phải hy sinh cho người khác được sống.

2.2/ Vinh quang con người nhận được sau đau khổ: Tuy nhiên, đau khổ chỉ tạm thời, chính thánh Phaolô đã quả quyết: “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta… Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.” Đau khổ nhất của con người và của các loài thọ tạo là sự hủy diệt, nhưng ngay cả đau khổ này cũng chỉ tạm thời, vì tất cả “vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.”

Con người không phải đợi đến Ngày Phán Xét mới nhận được vinh quang cứu độ từ Thiên Chúa, họ đã cảm nghiệm được điều đó ngay từ đời này. Thánh Phaolô diễn tả thực tại này như sau: “Chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.” Lãnh nhận Thánh Thần là xác nhận quyền làm con để chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Ngài đã gieo vào lòng chúng ta những ân huệ của Thánh Thần để chúng ta có thể sống nhân đức như những người con của Thiên Chúa ngay từ đời này.

3/ Phúc Âm: Matthêu chú trọng đặc biệt đến bốn mảnh đất mà Lời Chúa được gieo vào.

Chúa Giêsu đã cắt nghĩa rõ ràng ý nghĩa của dụ ngôn, chúng ta chỉ cần chú ý đến khía cạnh thực tế của đời sống của các tín hữu.

3.1/ Vệ đường: là những người nghe qua mà không hiểu nên quỷ dữ đến cướp đi cũng như hạt giống bị chim trời ăn mất. Để Lời Chúa sinh ích lợi, con người cần có sự chuẩn bị chu đáo trước khi nghe: thời gian để tâm hồn lắng đọng, cầu nguyện với Thánh Thần để xin ơn soi sáng cho hiểu được ý nghĩa thực sự của Lời Chúa. Đến nhà thờ khi thánh lễ đã bắt đầu có thể được ví như những người này.

3.2/ Đá sỏi: là những kẻ nghe qua thì vui vẻ đón nhận; nhưng không để cho Lời Chúa thấm sâu vào đời sống, giống như hạt giống rơi vào đá sỏi không thể đâm rễ sâu vì ít đất. Những kẻ này khi gặp gian nan khốn khó vì Lời Chúa sẽ vấp ngã ngay cũng như hạt giống sẽ bị khô héo khi mặt trời nóng lên. Để Lời Chúa sinh lợi ích không phải chỉ lắng nghe, nhưng còn đòi một người phải để tâm suy niệm và mang ra áp dụng trong đời sống. Lời Chúa có sức để làm cho đức tin tăng trưởng. Nếu đức tin không vững mạnh, làm sao một người có thể đứng vững trước những phong ba của cuộc đời!

3.3/ Bụi gai: những kẻ cũng để cho Lời Chúa lớn lên nhưng không sinh hoa kết quả được vì bị gai góc bóp nghẹt. Gai góc đây là những lo lắng ưu tư về cuộc đời phải ăn gì, uống gì và có gì. Lời Chúa đòi con người phải chọn lựa: hoặc hạnh phúc đời này hoặc hạnh phúc đời sau, chứ không thể bắt cá hai tay.

3.4/ Đất tốt: những kẻ nghe và hiểu Lời Chúa, đồng thời để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời họ; tùy theo mức độ tốt, họ sẽ sinh lời 30, 60, hay 100. Thửa ruộng tốt là những người biết bỏ nhiều thời gian để dọn dẹp tâm hồn cho Lời Chúa được gieo vào, không để những giá trị hào nhoáng của thế gian làm xao lãng việc học hỏi Lời Chúa, dành nhiều thời gian ưu tiên cho việc học hỏi Lời Chúa vì “vô tri bất mộ,” suy niệm Lời Chúa đêm ngày, và tìm mọi dịp áp dụng Lời Chúa trong cuộc đời.

Sau đây là kinh nghiệm sống của một chứng nhân trong Vietcatholic: Thật Chúa đã để cho hạt của tôi có lúc thì như:

(1) Kẻ thuộc hạng gieo dọc đường: Đây là thời gian tôi còn ở tuổi vị thành niên ham chơi và ưa tìm những thú vui vật chất. Chúa lúc này vắng bóng trong cuộc đời tôi vì tôi chưa biết Ngài.

(2) Kẻ thuộc hạng rơi trên đá sỏi: Đây là khoảng thời gian tôi còn bôn ba và rất vất vả để tự lực cánh sinh lo cho thân phận của tôi để đi vào đời trong cùng những lạc lõng, bơ vơ, vật vã lo toan cho hiện tại và tương lai của mình. Thời gian này tôi có cảm nhận được có Chúa trong đời nhưng tôi không có thời giờ dành cho Chúa.

(3) Kẻ thuộc hạng gieo trên đất tốt: Cách đây được vài năm cho đến bây giờ mới là khoảng thời gian mà thân tôi mới bớt gian khổ. Giờ thì cây tôi cũng ở được nửa đoạn đời và cũng bao mùa có cống hiến được cho đời trái ngon trái ngọt tuy không nhiều nhưng cũng tạm đủ để dâng lên cho Chúa tôi làm của Lễ Tạ Ơn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Trở nên tốt và hữu ích là một tiến trình giống như tiến trình của hạt giống trước khi thành cây và sinh hoa kết quả. Hãy để cho Lời Chúa liên tục thấm nhập vào lòng mỗi ngày một chút cho tới khi thành thửa ruộng phì nhiêu.

– Tiến trình này đòi hỏi liên tục rất nhiều ơn thánh và Lời Chúa mỗi ngày cũng như sự cộng tác cá nhân.

– Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể đều quan trọng như nhau. Lời Chúa chuẩn bị tâm hồn chúng ta để lãnh nhận chính Ngài. Nếu không biết chuẩn bị tâm hồn, Chúa có vào cũng chẳng sinh ích lợi gì. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ đi lễ trễ, sau khi Lời Chúa đã bắt đầu công bố.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-15-thng-niena/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here