Chúa Giêsu Có Gia Đình Không ?

0
4230


Kính thưa quý vị đọc giả,

Trong bài Phúc âm chúa nhật 14 Thường niên, năm B, Chúa Giêsu nói: “Ngôn sứ bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. Gia đình của Chúa Giêsu là ai vậy? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời?

******************

Cũng như bên Việt Nam, người Do thái có một quan niệm khá rộng rãi về gia đình. Gia đình không chỉ gồm bởi hai vợ chồng và thêm mấy đứa con, mà còn có thể bao gồm cả bà con thân thuộc. Vì thế, khi hỏi về gia đình của Chúa Giêsu, ta có thể hiểu ít là ba nghĩa:

        1/ Chúa Giêsu có lập gia đình không, có vợ con gì không?

        2/ Chúa Giêsu có cha mẹ anh em không?

        3/ Chúa Giêsu có bà con thân thuộc không?

Đối với câu hỏi thứ nhất, phải dứt khoát trả lời là không, bởi vì không có chứng cớ nào trong Tân ước nói đến vợ con của Chúa Giêsu. Câu hỏi thứ hai và thứ ba liên quan đến bà con thân thuộc của Chúa Giêsu thì rắc rối hơn. Câu chuyện lại trở nên phức tạp hơn nữa thì Chúa Giêsu nói đến một gia đình thiêng liêng của Người. Chúng ta sẽ đi nghiên cứu các bản văn Tân ước từng bước một

Trước hết, Chúa Giêsu có cha mẹ anh em ruột phải không?

Đúng thế. Chúa Giêsu đã muốn đến trần gian không như từ trời nhảy dù xuống đất, nhưng qua cánh cửa của một gia đình tự nhiên. Thế nhưng gia đình này cũng có nhiều vấn đề, không phải do những chuyện lục đục mà bất cứ gia đình nào cũng có, nhưng tại vì hai vị song thân của Người. Hai thánh sử Matthêu và Luca đều ghi nhận rằng bà Maria đã kết hôn với ông Giuse, nhưng bà thụ thai không do giao hợp tự nhiên mà là do “quyền năng của Thánh Linh” (Mt 1,20; Lc 1,35). Điều này thật khó hiểu, và có lẽ đã gây ra nhiều thắc mắc cho độc giả. Trong Tin mừng Mc 6,3 (mà chúng ta nghe đọc trong Thánh lễ hôm nay), người làng kháo láo với nhau về gốc tích của Chúa Giêsu: “Có phải ông này là con bà Maria không?”. Thường người ta xác định căn cước của một người qua tên của thân phụ (thí dụ: Simon con ông Gioan), chứ không qua tên của thân mẫu. Vậy tại sao chuyện này xảy ra cho Chúa Giêsu? Phải chăng bởi vì lúc ấy ông Giuse đã qua đời rồi, cho nên dân làng chỉ biết tên bà mẹ thôi? Hay là bởi vì người ta đồn rằng Chúa Giêsu chỉ có mẹ mà không cha? Và như chúng ta biết, kẻ xấu miệng có thể giải thích rằng đó là con hoang! Điều đáng nói là chính Mẹ Maria cũng có lúc xem ra hiểu lầm. Thực vậy, khi gặp lại cậu bé Giêsu ở lại trong đền thờ lúc lên 12 tuổi, thân mẫu hỏi: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đã phải cực lòng tìm con!” Nhưng Người đáp lại: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,48-49). Chúa Giêsu nhắc khéo cho thân mẫu biết rằng thân phụ của mình là Chúa Cha, chứ không phải ông Giuse!

Chúa Giêsu có anh em không?

Bài Phúc âm hôm nay kể ra nhiều anh em của Chúa Giêsu, tên là Giacobê, Gioses, Giuđa, Simon. Liên quan đến đoạn văn này, đã có ít là ba lối giải thích trong truyền thống của Kitô giáo, tóm lại như thế này. 1/ Lập trường thứ nhất theo các giáo hội Tin Lành: những người vừa nói là em ruột của Chúa Giêsu; Mẹ Maria sinh ra Dức Giêsu như con đầu lòng, rồi sau đó còn sinh ra những người con khác nữa. 2/ Lập trường thứ hai là của các giáo hội chính thống, cho rằng những người ấy là con riêng của ông Giuse với một bà vợ trước, và như vậy họ là những người anh cùng cha khác mẹ. 3/ Lập trường thứ ba là của Giáo hội công giáo: các người anh em ở đây được hiểu là anh em họ, chứ không phải là anh em ruột, theo quan niệm về đại gia đình bên Đông phương. Dù nói gì đi nữa, những anh em họ hàng không chiếm giữ một vị trí nào quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu: Người có các môn đệ, các bạn hữu mà Người năng lui tới (chẳng hạn như bà Marta và Maria ở Betania), chứ không phải là bà con thân thuộc. Và trước khi lìa trần, Người đã ký thác thân mẫu cho một môn đệ thân tín, chứ không phải cho các anh em họ. Hơn thế nữa, các sách Tin mừng cho thấy rằng Người bị bà con chống đối. Ở chương 3,20, thánh Marco cho biết rằng khi Chúa trở về quê nhà, các thân nhân muốn giữ Người lại, nhưng Người lại bỏ ăn bỏ ngủ để đi giảng, vì thế họ đã đi bắt Người và nói rằng Người đã mất trí. Còn trong đoạn văn mà chúng ta nghe trong bài Tin mừng hôm nay, thì Người nói rằng không ngôn sứ nào được đón tiếp giữa bà con thân thuộc (Mc 6,4). Tin mừng thánh Gioan, ngay từ chương đầu, đã nhận xét cách chua chát rằng: “Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (1,11); và ở chương 7, câu 5, tác giả nói rõ hơn: “các anh em của Người không tin vào Người”.

Chúa Giêsu bảo vệ gia đình hay phá hoại gia đình?

Chắc chắn là Chúa Giêsu bảo vệ gia đình, nhưng nói rằng Ngài làm cho bao gia đình phải tan nát thì cũng không sai! Chúng ta hãy bắt đầu với vế thứ nhất: “Chúa Giêsu bảo vệ gia đình”. Điều này rất rõ rệt khi Người khẳng định định chế hôn nhân bất khả ly, không ai được phép cắt đứt dây hôn nhân mà Thiên Chúa đã liên kết. Chúa Giêsu không những lên án thủ tục ly dị hợp pháp (Mt 19, 9; 5, 31-32; Mc 10, 11-12; Lc 16, 18) mà còn muốn ngăn chặn ngay từ ngọn nguồn, khi lên án cả tội ngoại tình ngay từ trong con tim (Mt 5, 27-28). Người lên án những truyền thống tìm cách trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ dưới danh nghĩa là của cải ấy đã dân cúng cho Chúa rồi (Mc 7, 9-13; Mt 15, 3-9).

Tuy nhiên, dưới một khía cạnh khác, thì “chính Người làm tan nát cho bao gia đình”, bởi vì đã làm đảo lộn trật tự gia đình, và kẻ chịu đau khổ nhất là chính thân mẫu. Một bữa kia, bà đến thăm con, nhưng vì đám đông vây quanh, mẹ không gặp được. Người ta nhắn lại: “Thưa Thầy, có mẹ và anh chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,31). Chúng ta hãy nghĩ đến ấn tượng để lại trong con tim của người mẹ khi nghe những lời ấy! Nhưng chúng ta tin rằng Mẹ Maria hiểu được, và Người sẵn sàng thi hành ý muốn của Thiên Chúa để trở nên thành viên chân chính của gia đình Chúa Giêsu. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng được như Đức Maria? Dù sao, chúng ta hãy nghe những đoạn văn như lưỡi gươm đâm thấu con tim bởi vì chúng cắt đứt những dây tình nghĩa thân thương nhất trên đời này. Chúng ta hãy nghe Mt 10, 34-37: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với me, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù với mình chính là người nhà. Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy”. Trong cuối chương 9 của Luca, chúng ta lại gặp những đoạn văn hoàn toàn trái ngược với điều răn thứ bốn dạy phải thảo hiếu với cha mẹ. Khi được gọi đi theo Người, một thanh niên thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”, và Người trả lời: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều đại Thiên Chúa”. Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã”, và anh ta được trả lời thế này: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,59-62). Vừa rồi, chúng ta đã nghe những đoạn văn nói đến việc cắt đứt liên lạc với gia đình để đi theo Chúa; chúng ta hãy nghe những đoạn khác, cho thấy rằng đến lượt gia đình sẽ đứng lên chống đối những người môn đệ; một sự chống đối không chỉ bằng lời mà cả bằng vũ lực nữa: “Anh em sẽ nộp nhau cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Mc 13,12-13).

Xem ra những lời xây dựng gia đình thì ít mà phá hoại gia đình thì nhiều, phải không?

Tùy theo cách chúng ta nhìn vấn đề. Ở đầu, chúng ta đã loại trừ việc Chúa Giêsu lập gia đình, theo nghĩa là Người không kết hôn, không có vợ con. Bây giờ là lúc cần nói lại: “Chúa Giêsu có lập gia đình”, một gia đình không dựa trên huyết nhục máu mủ, nhưng dựa trên việc tuân hành ý Thiên Chúa, được mặc khải như là Cha của chúng ta. Chính Thiên Chúa là Cha của gia đình mới. Trên đây, chúng ta đã nghe câu trả lời của Chúa Giêsu cho ai muốn biết ai là mẹ và anh em của Người. Bây giờ chúng ta có thể thêm những lời khác nói về gia đình mới này. Mc 10, 29-30 thuật lại những lời của Chúa như sau: “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”. Chúng ta nên ghi nhận Chúa đòi phải từ bỏ 7 điều (nghĩa là tượng trưng cho tất cả), và sẽ được bù lại được gấp trăm, nhưng mà chỉ được 6 điều bởi vì tất cả chỉ có một cha (chứ không có 100 cha). Chúa Giêsu là người đi tiên phong: tất cả cuộc đời của Người chỉ nhằm một điều là tuân hành ý Cha, phục vụ vương quốc của Cha. Đây là tiêu chuẩn duy nhất để đo lường tất cả các giá trị khác, kể cả gia đình. Chắc chắn Mẹ Maria cũng hiểu như vậy và chấp nhận, tuy phải trải qua những cơn đau cắt ruột.