Sr. Maria Đinh Thị Sáng O.P.
Thời sự thần học số 65 (tháng 8 năm 2014) trang 54-90.
I. BA NGÔI LÀ NGUỒN GỐC CỦA GIÁO HỘI MẦU NHIỆM
A. Giáo hội xuất phát từ cung lòng Chúa Cha
B. Giáo hội được thiết lập trong Chúa Con
C. Giáo hội được tác sinh và trở nên sống động trong Chúa Thánh Thần
II. BA NGÔI LÀ KHUÔN MẪU CỦA GIÁO HỘI HIỆP THÔNG
A. Một số hình ảnh của Giáo hội hiệp thông theo khuôn mẫu Ba Ngôi
1. Thời các giáo phụ
2. Thời Trung cổ
3. Giáo huấn của Công đồng Vaticanô II
4. Giáo huấn hậu Công đồng
B. Giáo hội hiệp thông với ân sủng và sự thánh thiện của Ba Ngôi
1. Hiệp thông trong ân sủng
2. Hiệp thông trong sự thánh thiện
C. Giáo hội hiệp nhất nên một theo mô hình Ba Ngôi
1. Ba Ngôi là nguồn mạch và khuôn mẫu của sự hiệp nhất
2. Ba Ngôi ẩn giấu trong phẩm trật của Giáo hội
3. Ba Ngôi nối kết giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội phổ quát
4. Ba Ngôi trong sự hiệp nhất giữa các Giáo hội Kitô
III. BA NGÔI LÀ ĐÍCH ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI SỨ VỤ
A. Căn nguyên của sứ mạng truyền giáo của Giáo hội
B. Cứu cánh của sứ mạng truyền giáo của Giáo hội
C. Sức năng động của sứ mạng truyền giáo của Giáo hội
1. Năng lực được thông truyền từ Ba Ngôi đến Giáo hội
2. Năng lực bành trướng đến toàn cõi đất
3. Động lực thiêng liêng và nhân bản
D. Ba Ngôi trong nguyên tắc thi hành sứ vụ của Giáo hội
1. Vai trò trung gian của Giáo hội theo khuôn mẫu Ba Ngôi
2. Thái độ của Giáo hội trong ánh sáng của tương quan giữa Cha và Con
3. Vai trò phục vụ của Giáo hội trong ánh sáng Ngôi Lời nhập thể
4. Sứ mạng của Giáo hội trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần
Có nhiều cách trình bày về Giáo hội giống như một người con có nhiều lỗi diễn tả về người mẹ thân thương của mình[1]. Công đồng Vaticanô II dù không đưa ra một định nghĩa nào về Giáo hội, nhưng đã kể ra 24 hình ảnh được Kinh thánh sử dụng để diễn tả bản chất Giáo hội, chỉ trong một đoạn rất súc tích của Hiến chế Lumen gentium (số 6)! Dĩ nhiên, khuôn mặt toàn diện của Giáo hội còn được bàn đến trong ba hiến chế và những văn kiện khác nữa của công đồng. Chẳng hạn xoay quanh Lumen gentium và Gaudium et spes, các đề tài Giáo hội đối nội (ad intra) và đối ngoại (ad extra) được triển khai. Khởi đi từ Hiến chế Dei Verbum người ta trình bày Giáo hội phát sinh từ Lời Chúa, được quy tụ thành cộng đoàn đức tin, được nuôi dưỡng trong nguồn mạch phụng vụ mà chóp đỉnh là Thánh Thể (Sacrosanctum concilium), và ý thức mình là Dân Thiên Chúa, Thân thể Đức Kitô, Đền thờ Chúa Thánh Thần (Lumen gentium), được sai đi để mang ơn cứu độ cho thế giới (Gaudium et spes).
Đây cũng là lối tiếp cận của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới trong khoá họp ngoại thường năm 1985 nhân dịp kỷ niệm 20 năm bế mạc công đồng. Các bản văn chú trọng đến tất cả bốn hiến chế và trình bày Giáo hội qua ba chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ (mysterium, communio, missio)[2]. Kể từ đó, nhiều văn kiện của Tòa thánh được soạn theo mô hình ba chiều, như Tông huấn về người tín hữu giáo dân Christifideles laici (1988)[3]; Tông huấn dành cho các vị mục tử Pastores dabo vobis (1992)[4]; Tông huấn dành cho các tu sĩ Vita consecrata (1996)[5]. Sự thay đổi quan trọng nhất của mô hình này ở chỗ đặt trọng tâm không phải ở chính Giáo hội nhưng là chính mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trong bài này, chúng tôi muốn trình bày Giáo hội như là công trình biểu lộ tình yêu của Chúa Ba Ngôi trong lịch sử loài người. Giáo hội trong yếu tính thâm sâu nhất của mình là một mầu nhiệm, bắt nguồn từ mầu nhiệm vô biên của Chúa Ba Ngôi. Giáo hội sống tình hiệp thông và thể hiện cách thức hiện hữu của mình trong mối tương quan giữa các thành phần theo mô hình của Ba Ngôi. Để hướng tới đích điểm của mình, Giáo hội cũng thi hành sứ vụ theo căn nguyên, mục đích và nguyên lý hành động dưới ánh sáng của Ba Ngôi. Nói cách khác, Ba Ngôi là nguồn gốc, mô hình và cứu cánh của Giáo hội dưới ba chiều kích mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.
I. BA NGÔI LÀ NGUỒN GỐC CỦA GIÁO HỘI MẦU NHIỆM
Công đồng Vaticano II trình bày về Giáo hội “mầu nhiệm” trong những chiều kích khác nhau: “hữu hình và thiêng liêng”, “trần thế và thiên quốc”, “nhân linh và thần linh”, “hiện diện trong thời gian và lữ hành hướng về thành đô mai hậu” (LG 5. 8; SC 2. 8). Giáo hội có một nhiệm vụ “cứu độ” và một định mệnh “cánh chung” sẽ tỏ hiện cách viên mãn chỉ trong “thế kỷ tương lai” (GS 40) và trong “vinh quang trên trời” (LG 48; GLHTCG 770-780). Cách riêng Giáo hội được hình thành theo khuôn mặt của Ba Ngôi được mặc khải cách mầu nhiệm nơi Đức Kitô, được kêu gọi hiện hữu từ sự thông hiệp trọn vẹn giữa Cha, Con và Thánh Thần. Nguồn gốc phát xuất tử Ba Ngôi được xác định rõ hơn trong hiến chế Lumen gentium nguyên bản La Tinh[6]: “Giáo hội phổ quát xuất hiện như là dân được quy tụ bởi sự hiệp nhất của Chúa Cha, Con và Thánh Thần” (Sic apparet universa Ecclesia sicuti “de unitate Patris, et Filii et Spiritu Sancti plebs adunata”)[7].
Một văn kiện khác cũng quan trọng nói lên mối liên kết giữa Ba Ngôi và Giáo hội đó là sắc lệnh Unitatis redintegratio: “Mẫu mực tối cao và nguyên lý (maximum exemplar et principium) của mầu nhiệm này [Giáo hội] là sự hiệp nhất trong Ba Ngôi của một Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con trong Thánh Thần” (số 2). Như vậy chúng ta có thể nói rằng: “Tất cả giáo huấn của Công đồng về mầu nhiệm Giáo hội đều mang dấu ấn Ba Ngôi”[8]. Cái nhìn này đã mở ra một hướng suy tư thần học mới về mầu nhiệm Giáo hội trong những thập niên 70[9].
Ở đây chúng ta sẽ trình bày Giáo hội mầu nhiệm dựa trên nền tảng của từng Ngôi vị: Giáo hội trong thực tại thâm sâu của mình là một mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở trong tâm trí Chúa Cha, được thiết lập bởi Ngôi Lời nhập thể và theo hình ảnh của Ngài, nhưng lại được tác sinh và cư ngụ bởi Thánh Thần[10].
A. Giáo hội xuất phát từ cung lòng Chúa Cha
Trong hiến chế Lumen gentium, Công đồng Vaticanô II đã suy tư về mầu nhiệm Giáo hội từ nền tảng vĩnh cửu là kế hoạch cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa, được Chúa Cha ưu ái cưu mang trong lòng. Công đồng viết:
“Với ý định tự do và nhiệm mầu đầy khôn ngoan nhân lành, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng toàn thể vũ trụ; Ngài đã quyết định nâng con người lên để chia sẻ sự sống thần linh, và Ngài đã không bỏ mặc loài người sa ngã nơi nguyên tổ Ađam, nhưng luôn giúp họ đón nhận ơn cứu rỗi nhờ Chúa Kitô, Ðấng Cứu Chuộc, Đấng vốn là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1,15). Từ muôn thuở, Chúa Cha “đã kêu gọi và tiền định để họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Người Con Một trở nên trưởng từ giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Ngài quyết định qui tụ những ai tin vào Đức Kitô thành một Giáo Hội thánh thiện” (LG 2).
Trong ý định ngàn đời, Chúa Cha đã nhắm đến định mệnh của con người được tuyển chọn và kêu gọi họ làm nghĩa tử, không chỉ trong chiều kích cá nhân mà còn trong chiều kích cộng đồng nhân loại nữa. Ngài quyết định tập họp những người tin vào Đức Kitô thành một Giáo Hội thánh thiện, một gia đình của Thiên Chúa (GLHTCG 759). Cái khởi đầu của Giáo hội móc nối với kế hoạch nhân hậu của Thiên Chúa cũng được thánh Phaolô đã đề cập đến trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Ðức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1,5-6). Đó là “mầu nhiệm đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Ðấng tạo thành vạn vật, để giờ đây, nhờ Hội thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (Ep 3,9-10).
Như vậy, rõ ràng Giáo hội nằm trong kế hoạch của Chúa Cha từ trước muôn đời, và cũng xoay chung quanh con người của Đức Kitô.
B. Giáo hội được thiết lập trong Chúa Con
Theo kế hoạch ngàn đời, Chúa Cha đã đặt Con của Ngài làm trưởng tử của muôn loài thọ sinh, làm nguyên ủy quy tụ toàn thể cõi tạo thành về một mối, cho đến khi Thiên Chúa ở trong mọi sự (1Cr 15,28). Là chìa khóa chốt của vũ trụ, Đức Kitô sẽ là Đầu của Hội thánh. Hội thánh thân mình sống động, gồm những kẻ gắn kết với Đức Kitô và đáp trả ơn kêu gọi làm con Thiên Chúa, thì ở trung tâm của chương trình cứu độ phổ quát. Trong thánh ý nhiệm mầu, Thiên Chúa đã khởi xướng, tác tạo và mời gọi cộng đồng những người tin đến với Người Con chí ái của Ngài (Ep 1,9-10).
Vào lúc thời gian tới hồi viên mãn, Chúa Con thực hiện kế hoạch của Chúa Cha mà đến với trần gian. Bằng việc nhập thể, rao giảng và thiết lập Nước Trời ngay tại thế, Ngài đã khai nguyên Hội thánh, mầm mống của vương quốc Thiên Chúa đang hiện diện cách mầu nhiệm (in mysterio: LG 3). Nhưng Giáo hội được sinh ra chủ yếu bằng việc Đức Kitô hiến thân trọn vẹn để cứu độ chúng ta, được đánh dấu bằng nước và máu tuôn trào từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đấng chịu đóng đinh. Như bà Evà được tạo ra từ cạnh sườn của ông Ađam chìm đắm trong giấc ngủ, Giáo hội được sinh ra từ trái tim mở toang của Đức Kitô yên nghỉ trên thập giá.
Vì Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng trung gian duy nhất mang nơi mình bản tính thần linh và nhân linh đã thiết lập Giáo hội, cho nên Giáo hội là “bí tích” (sacramentum/ myserium) trong Đức Kitô (LG 1. 9. 48) có những chiều kích “cấu thành một thực tại phức hợp duy nhất, kết hợp hai yếu tố nhân loại và thần linh” (LG 8; SC 2. 8; GLHTCG 771):
- vừa là một xã hội có tổ chức theo phẩm trật, vừa là Thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.
- vừa là một tập thể hữu hình, vừa là một cộng đoàn thiêng liêng.
- vừa là một Giáo hội trở nên phong phú bởi những của cải trần thế, vừa là một Hội thánh nên giàu có bởi kho tàng thiên quốc.
Vì thế, Giáo hội là một nhiệm lớn lao và kỳ diệu theo bản chất, cơ cấu và hoạt động của mình. Giáo hội hữu hình giống như Đấng sáng lập của mình trong lịch sử, nhưng đồng thời cũng là một thực tại vô hình, nghĩa là mang đặc tính mầu nhiệm giống như Đức Kitô; bản chất nội tại của Giáo hội thì hoàn toàn siêu nhiên giống như bản tính của Thiên Chúa làm người.
C. Giáo hội được tác sinh và trở nên sống động bởi Thánh Thần
Như các ứng sinh lãnh nhận Phép Rửa trong các thế kỷ đầu, các Kitô hữu tuyên xưng đức tin của mình vào Ba Ngôi: một Thiên Chúa là Cha tác tạo muôn loài và muốn cho mọi người được ơn cứu độ; Chúa Con đã hiến mình trên thập giá để cứu chuộc nhân loại; và Thánh Thần thánh hóa Giáo hội và hoạt động trong thế giới bằng ân ban sự sống. Tiếp theo đó trong Kinh Tin Kính, các tín hữu tuyên xưng niềm tin vào Giáo hội liền sau lời tuyên xưng vào Chúa Thánh Thần, bởi vì Giáo hội được tác tạo và là công trình đầu tiên của Ngài[11]. Là nguyên lý của mọi hành động tác sinh (x. GLHTCG 798), Chúa Thánh Thần hiện diện cách đặc biệt trong Giáo hội.
Thật vậy, trong Cựu ước, sự hiện diện của Thiên Chúa (shekinah =Thần cư) ở giữa dân Israel (chứ không phải Luật Torah) là căn cước làm cho dân riêng của Chúa khác với các dân tộc xung quanh[12]. Sự hiện diện của Thiên Chúa với Israel cũng được coi như “Thần Khí của Chúa” (Is 63,9-14; Tv 106,33) cư ngụ trên “núi thánh”, trong “Lều Tạm” và “đền thờ”. Sang Tân ước, “đền thờ” đó vừa áp dụng cho cộng đồng Kitô hữu, vừa áp dụng cho cá nhân những người tin (x. 1Cr 3,16-17; 6, 19; 2 Cr 6, 16; Ep 2, 21-22) cũng được liên kết với sự hiện diện mới mẻ và cứu cánh của Chúa Thánh Thần.
Cư ngụ trong Giáo hội như Đền Thờ, Thần Khí Chúa cũng giống như linh hồn của Nhiệm thể, là nguyên lý sự sống của Nhiệm thể, nguyên lý của sự hiệp nhất và khác biệt (x. GLHTCG số 809). Thánh Thần tiếp tục tác sinh và hướng dẫn Giáo hội tiến về chân lý trọn vẹn, hiệp nhất Giáo hội, cung cấp cho Giáo hội những ân sủng và làm cho Giáo hội thêm phong phú bằng nhiều hoa trái (LG 2-4).
Cư ngụ trong Giáo hội, Thánh Thần cũng cư ngụ trong lòng các tín hữu như một đền thờ. Chính Thánh Thần bằng ân sủng, thực hiện lời hứa của Đức Giêsu rằng cả Ba Ngôi đều cư ngụ trong tâm hồn những người con của Chúa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Lời hứa này được soi sáng nhờ lời hứa trước đó: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,15-16).
Ở đây nổi lên một chân lý quan trọng: Trong Hội thánh, mỗi người xét như từng nhân vị, là nơi cư ngụ của Thiên Chúa Ba Ngôi, và toàn thể Hội thánh, bao gồm những người đã được Ba Ngôi cư ngụ, cũng là chốn cư ngụ và đền thờ của Ngài.
D. Mysterium Ecclesiae, mysterium Trinitatis
Giáo hội là một mầu nhiệm giống như kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện trong thời gian, như vinh quang bị ẩn giấu trong những dấu chỉ của lịch sử. Giáo hội ở trong mầu nhiệm sâu thẳm: vì nguồn gốc của mình, Giáo hội chuyển thành một thực tại không thể diễn tả được so với mọi sự hiểu biết của thế gian; Giáo hội là một ân ban, một ân sủng, cần phải đón nhận bằng sự ngỡ ngàng và tạ ơn, và sau đó biến thái độ này thành hành vi phục vụ con người. Điều này giống như Chúa Cha đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, khi ban cho Ngài nguồn gốc của mình[13]. Vì thế, Giáo hội không phát sinh từ những ảnh hưởng, theo dòng chảy của những mối bận tâm thuần túy nhân loại, hay từ những ý hướng ngay lành của một số người nào đó. Nhưng như Chúa Kitô của mình, Giáo hội đến từ trên cao và được đặt vào thời gian, do tình yêu ngưỡng mộ của Ba Ngôi Chí Thánh.
Đến từ Chúa Cha, qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, Giáo hội là kết quả của tình yêu vô tận của Thiên Chúa, một tình yêu kết hợp Cha với Con trong cung lòng của Ba Ngôi. Chính vì tình yêu này mà Chúa Cha đã muốn quy tụ loài người trong Chúa Con, và cư ngụ trong Giáo hội nhờ ân sủng Thánh Thần. Giáo hội là môi trường của cuộc gặp gỡ giữa trời và đất, là nơi chốn trong đó thế giới của Ba Ngôi đi vào lịch sử con người, và đời sống của con người được đảm nhận trong đời sống của Thiên Chúa.
Nói cách khác “mầu nhiệm Giáo hội” («mysterium Ecclesiae») xuất phát từ “mầu nhiệm Ba Ngôi” («mysterium Trinitatis»), và chúng ta phải thốt lên: “Đây là mầu nhiệm đức tin” («mysterium fidei») như khi chúng ta tái diễn hy tế Thánh Thể trong Thánh Lễ[14].
II. BA NGÔI LÀ KHUÔN MẪU CỦA GIÁO HỘI HIỆP THÔNG
Đời sống và cách thức hiện hữu của Ba Ngôi không chỉ là nguồn gốc mà còn là ý nghĩa và khuôn mẫu bất biến cho cách thức hiện hữu của Giáo hội. Bắt nguồn từ sự hiệp thông của Ba Ngôi, Giáo hội được mời gọi sống sự hiệp thông và trở nên sự hiệp thông đó. Nếu các Ngôi vị tuy khác nhau, nhưng có một bản thể duy nhất, thì cũng vậy Giáo hội bao gồm các thành phần khác nhau, nhưng là một Giáo hội duy nhất. Phần này sẽ bàn đến: 1/ Một số hình ảnh của Giáo hội hiệp thông theo khuôn mẫu Ba Ngôi; 2/ Giáo hội tham dự vào ân sủng và sự thánh thiện của Ba Ngôi; 3/ Giáo hội được kêu gọi trở nên hiệp nhất theo mô hình Ba Ngôi.
a) Một số hình ảnh của Giáo hội hiệp thông theo khuôn mẫu Ba Ngôi
Chúng ta cùng xét ý nghĩa Ba Ngôi trong một số hình ảnh của Giáo hội hiệp thông: Thân mình mầu nhiệm Đức Kitô, Dân Thiên Chúa, Vườn nho của Chúa, Đền thờ của Thánh Thần. Giáo hội đạt được ý thức này trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.
1. Thời các giáo phụ
Nhiều tác giả thời giáo phụ như Clementê, Hippôlitô, Clementê Alexandria và Tertulianô đã dùng một số hình ảnh trong Tân ước để áp dụng cho Giáo hội và thấy những hình ảnh đó bao hàm ý nghĩa Ba Ngôi. Ví dụ ông Tertulianô viết: “Nơi nào có cả ba – Cha, Con và Thánh Thần – nơi đó có Giáo hội là Thân mình của cả Ba”. Thánh Ciprianô thành Carthage thì tuyên bố Giáo hội là “Dân được quy tụ làm một trong sự hiệp nhất của Cha, Con và Thánh Thần”. Có thể nói theo quan niệm của các ngài, Giáo hội là một thực tại Ba Ngôi: được mời gọi trở thành Dân Thiên Chúa, kết hiệp với Đức Kitô như Hiền thê với Chàng rể, nhờ bởi Chúa Thánh Thần, Đấng cũng cư ngụ trong mối thân tình này giống như cư ngụ trong Đền thờ của Người.
Nhìn chung trong thời kỳ này có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy các Kitô hữu ý thức về Giáo hội như một thực tại có chiều kích Ba Ngôi, cảm nhận được đặc tính duy nhất và thánh thiện của Giáo hội phản chiếu đời sống tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh.
2. Thời Trung cổ
Quan niệm về Giáo hội hiệp thông theo ý nghĩa Ba Ngôi dần dần bị phai nhạt. Thay vào đó, người ta biết đến Giáo hội như “Đạo Kitô” và hầu như đồng hóa Giáo hội với cộng đồng Kitô hữu. Giáo hội cũng mang lấy hình thức quân chủ Giáo hoàng. Nói đúng hơn, người ta chú trọng đến cơ cấu pháp lý, tuy vẫn còn duy trì quan điểm Giáo hội là Dân Thiên Chúa, Nhiệm thể, Hiền thê của Đức Kitô và mầu nhiệm của đức tin.
Để phản ứng lại, những nhà Cải Cách mạnh mẽ chống lại những sai lầm và những lạm dụng phát sinh từ cái nhìn nặng về cơ cấu và phẩm trật của Giáo hội Công giáo. Họ tái khẳng định chiều kích Ba Ngôi của Giáo hội. Ông Luterô nhấn mạnh đến Giáo hội như Thân thể Đức Kitô, sự kết hiệp giữa Giáo hội và Đức Kitô giống như sự hiệp nhất giữa Cha và Con. Giáo hội học của Calvin thì hướng tới Thánh Thần nhiều hơn. Ngài làm cho chúng ta nên một với Đức Kitô, và không có Thánh Thần chúng ta không thể gọi Thiên Chúa là Cha. Tuy nhiên, những nhà Cải Cách này và những anh em Tin Lành sau này chưa rút ra được ý nghĩa của mối tương quan của Giáo hội với Tam vị. Phải chờ cho đến thời hiện đại, người ta mới tái khẳng định, suy tư và minh chứng được Ba Ngôi có vai trò trọng tâm và là mô phạm cho giáo lý và cuộc sống của Giáo hội.
3. Giáo huấn của Công đồng Vaticanô II
Trong Công đồng này Giáo hội được nhìn như là một cộng đoàn hiệp thông. Sự hiệp thông chính là luồng sáng dọi chiếu vào tất cả các mối tương quan: giữa Giáo hội và Ba Ngôi, giữa các thành tử trong Giáo hội, giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ, giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội không Công giáo và các tôn giáo khác, giữa Giáo hội và thế giới. Lối nhìn này vừa tiếp tục đặt Đức Kitô làm trung tâm, vừa mang chiều kích Ba Ngôi. Trước hết chúng ta xét tới một số hình ảnh cho thấy chiều kích kép Ba Ngôi-Kitô luận của Giáo hội, sau đó đi sâu vào chiều kích Ba Ngôi của Giáo hội hiệp thông.
Hình ảnh đầu tiên diễn tả rõ ràng Giáo hội vừa là mầu nhiệm vừa là sự hiệp thông là hình ảnh Thân mình mầu nhiệm Đức Kitô (LG 7). Thánh Phaolô cảm nhận và trình bày Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô trong thứ I Côrintô chương 12 và thư Êphêsô chương 4. Hình ảnh này mang nhiều ý nghĩa hiệp thông, nhưng có lẽ không quan trọng lắm đối với Hiến chế Lumen Gentium, khi Công đồng lấy lại công thức của thánh Ciprianô “Giáo hội như là Dân được quy tụ từ sự hiệp nhất của Chúa Cha, Con và Thánh Thần” (LG 4). Thực vậy, hình ảnh thân thể Đức Kitô rõ ràng mang theo quan niệm Kitô học, trong khi hình ảnh dân được hiệp nhất do Chúa Cha, Con và Thánh Thần mang một chiều kích Ba Ngôi. Phải chăng hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau? Công đồng chưa cho chúng ta một câu trả lời trực tiếp, nhưng chắc chắn đã tiếp nhận cả hai lối nhìn. Hai lối nhìn này không loại trừ nhau, nhưng cũng không giản lược cái này với cái kia.
Hơn nữa, Công đồng còn dùng một hình ảnh khác làm “trung gian” giữa hai quan niệm Ba Ngôi và Kitô luận[15], điển hình như dụ ngôn những người thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16). Thật vậy, hình ảnh cây nho và cành nho thoạt tiên làm cho chúng ta nghiêng về hướng Kitô học (Giáo hội như thân thể của Đức Kitô) hơn là phía Ba Ngôi (Giáo hội như dân Thiên Chúa được quy tụ nhờ sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi). Nhưng chúng ta chú ý mối giây nối kết giữa cành nho với cây nho và giữa các cành với nhau (Ga 15,1-8). Lumen Gentium 6 xen vào hình ảnh cây nho tính tương hiệp và tương ngụ (perichoretic) có trong các lời diễn từ ly biệt của Chúa Giêsu (Ga 13-17). Mối tương quan giữa Đức Kitô và các môn đệ tìm thấy nền tảng trong sự cư ngụ Ba Ngôi: Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.
Dĩ nhiên các sứ điệp này không chỉ giới hạn vào quan niệm Chúa Giêsu ở lại trong các môn đệ và các môn đệ ở lại trong Người, mà còn mở ra một hướng kép: một đàng xiết chặt các tín hữu và Chúa Kitô trong sự cư ngụ tương tại Ba Ngôi như Con ở trong Cha và Cha ở trong Con; đàng khác, vạch ra cho các tín hữu con đường để họ ở trong nhau: qua Đức Giêsu và hiệp nhất với Người, họ trở thành hình ảnh và hiện diện của tình yêu Ba Ngôi.
4. Giáo huấn hậu Công đồng
Trình bày Giáo hội hiệp thông theo lối tiếp cận Kitô học và Ba Ngôi đạt được kết quả đáng chú ý sau Công đồng. Chẳng hạn Tông huấn Christifideles laici (30-12-1988) cho thấy mối tương quan của người tín hữu với Đức Giêsu và mối tương quan giữa họ với nhau không thể tách rời khỏi con người của Đức Giêsu như là Ngôi vị Thiên Chúa. Nghĩa là sự gắn kết của các tín hữu với Đức Giêsu không cách ly khỏi mối tương quan tồn hữu của Ngài với Cha và Thánh Thần. Đây là một bản văn then chốt của toàn bộ văn kiện[16]:
“Sự hiệp thông của các Kitô hữu với Đức Giêsu có khuôn mẫu, nguồn mạch và đích điểm là chính sự hiệp thông của Con và Cha trong ơn ban của Thánh Thần: khi kết hợp với Con trong mối giây yêu thương của Thánh Thần, các tín hữu lên kết với Chúa Cha. Chúa Giêsu tiếp tục: “Ta là cây nho và các con là cành” (Ga 15,5). Từ sự hiệp thông của các tín hữu với Đức Kitô phát sinh sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau: mọi người sẽ là cành nho của một cây nho duy nhất là Đức Kitô. Chúa Giêsu cho thấy trong mối hiệp thông huynh đệ này, sự phản chiếu kỳ diệu và sự tham dự huyền nhiệm vào đời sống thân mật của tình yêu Cha, Con và Thánh Thần. Vì sự hiệp thông này mà Đức Giêsu cầu nguyện: “Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, và để chúng nên một trong chúng ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).
Sự hiệp thông này chính là mầu nhiệm của Giáo hội như Công đồng Vaticanô II nhắc lại câu nói nổi tiếng của thánh Ciprianô: Giáo hội phổ quát là một dân được quy tụ làm một trong sự hiệp nhất của Cha, Con và Thánh Thần. Về Giáo hội hiệp thông, chúng ta đã từng quen thuộc với lời chào của thánh Phaolô khi chúng ta bắt đầu cử hành Thánh Thể: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13, 13) (Christifideles laici, 18).
Ở đây chúng ta thấy rõ ràng mối tương quan giữa Ba Ngôi ẩn chứa trong hai quan niệm: Giáo hội Thân Mình Đức Kitô và Giáo hội là Dân Thiên Chúa. Chúng ta đào sâu một chút về tương quan đó trong Giáo hội hiệp thông.
a) Con ở trong Cha và Cha ở trong Con.
Bằng hành vi yêu thương, Chúa Con nhận lãnh tất cả những gì của chúng ta làm của Ngài; Ngài thực sự chung chia những điều kiện của kiếp sống nhân loại, và như thế chúng ta được ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta. Ngài hoàn thành việc cư ngụ này bằng mầu nhiệm Nhập thể và bằng hành động cứu độ trên thập giá. Việc Ngài ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài sẽ trở nên hữu hiệu, nếu chúng ta biết đón nhận sự sống đó bằng đức tin và Bí tích, nghĩa là ở trong mối tương quan của Ngài với Chúa Cha (x. số 10-13).
Tuy nhiên, khi bản thân chúng ta được đón nhận trong Chúa Con, được bao bọc bằng tình yêu cá vị của Ngài, chúng ta cũng được dẫn vào mối tương quan với người khác. Những người này cũng được Ngài đón nhận và cứu chuộc bằng chính tình yêu ấy. Như vậy, đời sống nội tâm của từng cá nhân với Đức Kitô là sống với những người giống như sống trong Đức Kitô. Cũng vậy, trong Giáo hội Thân Thể của một Chúa duy nhất, mỗi người là chi thể của nhau và là chi thể của Đức Kitô, Đấng luôn sống mật thiết với Chúa Cha. Đồng thời Giáo hội ấy cũng là một Dân được quy tụ từ sự hiệp nhất của Cha và Con trong Chúa Thánh Thần (x. số 8. 18. 31. 32).
b) Thánh Thần như mối dây tình yêu giữa Cha và Con.
Thánh Thần là mối dây ràng buộc tình yêu giữa Cha và Con, như tặng phẩm mà Cha và Con trao tặng cho nhau và qua đó trao tặng chính bản thân mình. Nếu từ đời đời Ngài đã liên kết Ba Ngôi nên một và bất phân ly, thì “vào lúc thời gian tới hồi viên mãn” (Gl 4,4) Ngài kết hợp xác thịt nhân loại với Con Thiên Chúa, kết hiệp thiên tính với nhân tính nơi Đức Giêsu. Nếu Ngài là nguyên lý kết hiệp tình yêu giữa Cha và Con thế nào, thì cũng là nguyên lý kết hợp chúng ta với Thiên Chúa và chúng ta với nhau như vậy.
Cũng chính Thánh Thần, trong tiến trình sản sinh ra các Kitô hữu, là nguồn mạch của sự hiệp thông bên trong Giáo hội. Sợi dây nối kết các thành viên của một dân mới (trước khi liên kết với Đức Kitô) không phải là những chi thể bằng “thịt” và “máu”, nhưng là của Thần Khí mà các Kitô hữu đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa (x. Gl 3,1).
B. Giáo hội hiệp thông với ân sủng và sự thánh thiện của Ba Ngôi
1. Hiệp thông trong ân sủng
Khía cạnh Ba Ngôi của Giáo hội cũng còn được tìm thấy trong một bản văn khác rất quan trọng của thánh Phaolô nói về các đặc sủng: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1Cr 12,4-6). Ở đây sự hiệp nhất của Giáo hội phản chiếu sự hiệp nhất của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng kín múc sự sống linh hoạt từ Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần. Sự hiệp nhất này kết tinh và trổ sinh những biểu hiện muôn màu muôn vẻ trong cuộc sống, đều theo mô hình của một Chúa ba Ngôi.
Thật vậy, giống như trong thế giới Ba Ngôi, tình yêu nối kết các Ngôi vị và vượt qua những khác biệt để hiệp nhất với nhau, thì cũng vậy Giáo hội nhờ vào tình yêu ấy, năng lực của sự hiệp thông vô biên do Chúa Cha thiết định trong sứ vụ của Con và Thánh Thần, mà sống hiệp thông các đoàn sủng. Giáo hội sống nhờ giòng chảy của Tình Yêu, của đời sống Ba Ngôi, khuôn mẫu vô song và nguồn mạch trường tồn của Giáo hội. Do đó, sự đa dạng của ơn ban và tác vụ trong Giáo hội phải hướng tới sự hiệp nhất và phải diễn tả sự hiệp thông hỗ tương. Giáo hội phải biết kết hợp tính độc sáng và sự phong phú của các ơn đoàn sủng, chứ không rơi vào đồng bộ. Đồng thời cũng phải tránh mọi xung khắc, mọi căng thẳng giữa những khác biệt về tác vụ và đoàn sủng, và biết tiếp nhận con người và cộng đồng vào sự hiệp nhất của đức tin, đức cậy và đức mến.
2. Hiệp thông trong sự thánh thiện
Sự thánh thiện của Giáo hội và trong Giáo hội đều bắt nguồn từ Ba Ngôi chí thánh. Bước chuyển tiếp từ sự thánh thiện của Ba Ngôi tới sự thánh thiện của Giáo hội xảy ra trước hết trong công cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa, như lời của thiên sứ truyền tin nói với Đức Maria: “Đấng được sinh ra sẽ được gọi là Đấng Thánh” (Lc 1,35). “Đấng Thánh” ấy là Đức Kitô, là người Con được thánh hiến bằng Thánh Thần (Lc 4,18). Người Con đó sau này cũng thánh hiến chính mình để có thể thông ban cho các môn đệ ơn thánh hiến và thánh thiện: “Vì họ mà Con thánh hiến chính mình, họ cũng được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17,19). Ngài thánh hiến con người và toàn thể thụ tạo bằng máu và hy tế của Ngài (1Pr 3,18). Được Chúa Cha tôn vinh vì sự thánh hiến đó (Ga 13,31; 17,1-2), Đức Kitô phục sinh thông truyền cho Hội thánh Chúa Thánh Thần (x. Ga 20,22; 7,39), Đấng tác thánh các Kitô hữu (1Cr 6,11)[17]. Nhờ năng lực của hy tế của Đức Kitô và hoạt động của Thánh Thần, dân thánh tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, có thể đáp trả trọn vẹn lời kêu gọi: “Anh em hãy nên thánh bởi vì Ta Đức Chúa của anh em là Đấng Thánh”.
Chúng ta cũng có thể nhìn thấy phản chiếu của Ba Ngôi trong ơn gọi nên thánh của Giáo hội qua những hình ảnh khác nữa. Giống như thánh Phêrô nói về “viên đá sống động” được dùng để xây dựng “ngôi nhà thiêng liêng” thì thánh Phaolô cũng dùng hình ảnh ngôi nhà để ví các tín hữu là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong họ (1Cr 3,16). Hình ảnh đền thờ làm nổi bật sự tham dự của các Kitô hữu vào sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự “thông hiệp” này trở nên hữu hiệu nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh tông đồ cũng nói đến “ấn tín Thánh Thần” (Ep 1,13) được in dấu vào lòng chúng ta làm bảo chứng (2Cr 1,21-22). Tất cả những hình ảnh này đều biểu trưng cho sự “thông hiệp” của Giáo hội vào sự thánh thiện của Thiên Chúa: chúng ta được thánh hóa bởi Chúa Thánh Thần, trong hiệu năng của hy tế Đức Kitô.
C. Giáo hội hiệp nhất nên một theo mô hình Ba Ngôi
1. Ba Ngôi là nguồn mạch và khuôn mẫu của sự hiệp nhất
Nguồn mạch và mô hình chính yếu của sự hiệp nhất Giáo hội cũng được tìm thấy trong Chúa Ba Ngôi. Lời cầu nguyện “tư tế” của Đức Kitô trong phòng tiệc ly nói lên điều đó: “… Để tất cả nên một, lạy Cha, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,21-23). Trong lời nguyện này, Đức Kitô bộc lộ cho thấy chân lý về sự hiệp nhất Giáo hội xuất phát từ Ba Ngôi, và Ba Ngôi ở trong nền tảng đại kết đích thực[18]. Thật vậy, Đức Giêsu cầu xin cho họ nên một “như Chúng Ta”. Giáo hội chỉ trở nên một “như Chúng Ta” khi ở kết hợp với sự hiệp nhất nội tại của Ba Ngôi mà thôi: “Để họ ở trong Chúng Ta”, khi sống trong chân lý và tình yêu của Cha, Con và Thánh Thần. Giáo hội bị tổn thương trong thân phận con người và lịch sử, thì được chữa lành, hàn gắn trong Ba Ngôi hiệp nhất bất khả phân ly.
2. Ba Ngôi ẩn giấu trong phẩm trật của Hội thánh
Những hình ảnh về Giáo hội hiệp thông như Dân Thiên Chúa, Vườn Nho của Chúa, Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, Hiền Thê và Thân Thể của Đức Kitô đều được nhìn dưới chiều kích Ba Ngôi. Cái nhìn mới mẻ này không bãi bỏ quan niệm “Giáo hội như một xã hội hoàn hảo”[19] với các phẩm trật chặt chẽ. Trái lại, xã hội hoàn hảo ấy phần nào cũng được nhìn dưới lăng kính hiệp thông với Đức Kitô, trong thực tại của Ba Ngôi.
Thật vậy, mỗi phần tử của Giáo hội sẽ được định nghĩa như sau:
“Được kể là nhập hiệp hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo hội, những người có Thần Khí Đức Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương thế cứu độ được thiết lập nơi Giáo hội; và trong cơ chế hữu hình của Giáo hội, nhờ mối dây liên kết qua việc tuyên xưng đức tin, các bí tích và sự cai quản của hàng giáo sĩ và sự hiệp thông, họ sống kết hợp với Đức Kitô, Đấng đang lãnh đạo qua Đức giáo hoàng và các giám mục” (LG 14).
Trong lời tuyên bố này, vị trí của thánh Phêrô, các Tông đồ và những người kế vị các ngài, trong tư cách là những người lãnh đạo và củng cố sự hiệp nhất, giữ vai trò chủ yếu và riêng biệt so với các vị trí khác. Tuy vậy, với sự hiệp thông hữu hình kèm theo một cơ cấu, Giáo hội cũng được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Đầu của Hội thánh. Sự hiệp thông trong cơ cấu hữu hình cũng chỉ tới một khía cạnh vô hình tương ứng với thiên tính và nhân tính trong một con người của Đức Giêsu Kitô. Vì thế Thân thể Mầu nhiệm và cơ cấu phẩm trật trong Giáo hội phản ánh mầu nhiệm Nhập Thể, được mặc khải và ẩn giấu trong thực tại Ba Ngôi Thiên Chúa.
3. Ba Ngôi nối kết Giáo hội địa phương với Giáo hội phổ quát
Thiên Chúa Ba Ngôi là một và đồng thời là ba trong hữu thể và trong các mối tương quan. Ánh sáng này được áp dụng cho Giáo hội trong hai lãnh vực: địa phương và phổ quát. Tân ước không chỉ nói đến một Giáo hội mà còn đề cập đến nhiều Giáo hội (ecclesiae). Theo nghĩa này các Giáo hội cũng đại diện cho Giáo hội hoàn vũ. Mỗi cộng đồng chia sẻ sự sung mãn trong cả hai Giáo hội địa phương và phổ quát. Toàn thể Giáo hội của Đức Kitô được thiết lập không phải từ nhiều thành phần hợp lại, nhưng được diễn tả bằng sự hiệp thông của các Giáo hội địa phương trong sự thâm nhập thông hiệp lẫn nhau (perichoresis). Sự hiệp thông này quả thật phản ánh sự thông hiệp của Chúa Ba Ngôi. Nó không cho phép mỗi Giáo hội sống cho chính mình, nhưng sự sống và nền tảng của các Giáo hội địa phương phải làm một với Giáo hội hoàn vũ, và phải diễn tả mối tương quan đó trong hình thức cơ cấu cụ thể theo mô hình của các mối tương quan giữa Ba Ngôi.
Nói cách khác, nếu đặt Ba Ngôi làm nền tảng và mô hình cho mọi nguồn hòa giải, thì cuộc đối thoại đại kết sẽ coi sự duy nhất của Giáo hội (Thân Thể của Đức Kitô) ở trong sự khác biệt của các Giáo hội địa phương, giống như các Ngôi vị Thiên Chúa ở trong thiên tính và thiên tính ở trong các Ngôi vị. Nếu nhìn thấy sự hiệp nhất giữa các “Giáo hội” dưới ánh sáng của sự hiệp nhất giữa các Ngôi vị như thế, thì sự hiệp nhất hữu cơ của Giáo hội phổ quát (như Thân Thể Đức Kitô) không còn là một cơ cấu đe dọa căn tính địa phương của các “Giáo hội” nữa, nhưng sẽ khẳng định từ bên trong căn cước địa phương, một căn cước mở ra với các Giáo hội khác trong viễn tượng hòa giải của Ba Ngôi[20].
4. Ba Ngôi nối kết các Giáo hội Kitô
Sự rạn nứt giữa Giáo hội Đông Phương và Tây Phương không chỉ do cuộc tranh luận Filioque mà còn bởi vì bên Tây Phương người ta bỏ lại đằng sau cái nhìn về Giáo hội như một thực tại Ba Ngôi. Thực vậy, Tây Phương chú trọng đến Giáo hội là dân Thiên Chúa, nhiệm thể và hiền thê của Đức Kitô và mầu nhiệm của đức tin. Dĩ nhiên nhấn mạnh đến khía cạnh quy Kitô (christocentric) là đúng và có giá trị: ở đâu có Giáo hội ở đó có Đức Kitô, và Giáo hội làm một trong Đức Kitô. Nhưng nếu chỉ quan niệm Giáo hội trong tương quan với Đức Kitô mà thôi và bỏ qua những nền tảng Ba Ngôi thì không đúng lắm, bởi vì chính Thánh Thần nối kết chúng ta với Đức Kitô, Người cho phép chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và biết gọi Thiên Chúa là Cha. Chính Thánh Thần qua Chúa Con mới dẫn chúng ta vào tham dự đời sống và tình yêu của Ba Ngôi trong tình thân hữu với dân của Ngài.
Công đồng Vaticanô II đã cố gắng hàn gắn lại mối rạn nứt trong quá khứ, cho dù vẫn nhìn nhận Đức Kitô là trung tâm và nền tảng của sự hiện hữu của Giáo hội. Đối với câu hỏi: Giáo hội Đức Kitô được tìm thấy ở đâu? Công đồng trả lời trong hiên chế Lumen gentium:
“Giáo hội ấy tồn tại trong Giáo hội Công Giáo, được cai quản bởi Ðấng kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với Ngài, mặc dù nhiều nhân tố của ơn thánh hóa và chân lý có thể tìm thấy bên ngoài cơ cấu hữu hình, nhưng những nhân tố ấy như những ơn ban dành riêng cho Giáo hội Đức Kitô, đang thúc bách tiến đến sự hiệp nhất Công giáo” (LG 8).
Dựa vào Tân ước, đoạn văn quan trọng này (và toàn bộ LG 8) chúng ta có thể rút ra những ý nghĩa của sự hiệp thông giữa các Giáo hội như sau[21]:
– Giáo hội của Đức Kitô không đồng hóa với Giáo hội Công giáo, nhưng “tồn tại trong (subsistit in) Giáo hội Công giáo”, thông hiệp với Đức Kitô cách sung mãn hơn.
– Biên cương của Giáo hội cũng được tìm thấy nơi những người mang danh là Kitô hữu, nhưng hiện diện ở bên ngoài Giáo hội Công giáo. Tuy họ chịu Phép Rửa ngoài Giáo hội Công giáo, nhưng thực sự được kết hiệp với Đức Kitô và lãnh nhận Thánh Thần. Còn các cộng đoàn của họ được gọi là Giáo hội chị em với Giáo hội Công giáo, hoặc ít nữa là cộng đoàn Giáo hội (communitas ecclesiale). Các cộng đoàn này có một số yếu tố nền tảng của Giáo hội Công giáo.
– Do đặc tính Công giáo, những Giáo hội khác sở hữu một nội lực hướng tới sự hiệp nhất Công giáo trọn vẹn (x. LG 15; UR 3).
Nhìn chung sự thông hiệp này đặt trên nền tảng Đức Kitô. Còn mô hình Ba Ngôi trong tương quan giữa Giáo hội Công giáo và các “Giáo hội” khác thì sao? Vaticanô II đã đề cao sự hiệp nhất của Ba Ngôi như nguyên lý và khuôn mẫu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu (UR 2). Còn mối quan hệ giữa các Giáo hội Kitô với nhau và với Giáo hội phổ quát của Đức Kitô, được xây dựng trên mô hình hiệp nhất của Ba Ngôi như thế nào, thì Công đồng dành cho các cuộc tranh luận thần học. Ở đây chúng ta thấy nhấn mạnh tới khía cạnh năng động cộng đồng nhiều hơn là khía cạnh cơ cấu. Một số người thấy rằng Công đồng cho phép chúng ta hiểu nguyên lý hiệp nhất (trong khác biệt) của Ba Ngôi cũng là nguyên lý của sự hiệp nhất giữa các Giáo hội Kitô. Nói cách khác, mô hình Ba Ngôi phủ nhận mọi hình thức độc tài nhà binh, chỉ quen với những mệnh lệnh rập khuôn đồng bộ từ bên ngoài. Trong khi đó theo mô hình Ba Ngôi, mỗi Ngôi vị tồn tại và hành động cụ thể trong lịch sử nhân loại, để đưa chúng ta đi vào mối tương quan thân hữu với Ngài và hiệp nhất chúng ta với người khác trong Ba Ngôi.
III. BA NGÔI LÀ ĐÍCH ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI SỨ VỤ
Giáo hội phát sinh từ Ba Ngôi thì phải trở về với Chúa Cha, qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, cho đến ngày tất cả mọi sự được đặt dưới chân Chúa Con và Ngài trao lại mọi sự cho Chúa Cha để “Thiên Chúa ở trong mọi sự” (1Cr 15,28). Như vậy Ba Ngôi vừa là nguồn mạch trong quá khứ vừa là lời hứa trong tương lai của Giáo hội. Trước khi đạt tới đích điểm vinh quang sáng lạn, Giáo hội phải lữ hành cho đến ngày Đức Kitô trở lại, khi tất cả mọi sự đều suy phục Ngài. Điều này đòi hỏi Giáo hội, một đàng phải luôn luôn cải biến, thanh tẩy không ngừng và canh tân nhờ Thánh Thần, cho đến khi lời hứa của Thiên Chúa được thành tựu; đàng khác phải ra đi thi hành sứ vụ, làm cho triều đại của Thiên Chúa đã khai nguyên và hiện diện cách nhiệm mầu trong thế giới, sớm được phát triển và thành tựu trong vinh quang trên toàn cõi đất. Đây chính là chiều kích thứ ba của Giáo hội (missio). Sứ vụ của Giáo hội (missio ecclesiae) phải được trình bày trong bức tranh của sứ vụ của Thiên Chúa (missio Dei). Chúng ta sẽ lần lượt khai triển các điểm sau theo ánh sáng Ba Ngôi:
- Ba Ngôi trong căn nguyên của sứ mạng Giáo hội
- Ba Ngôi trong mục đích cuối cùng của sứ mạng Giáo hội
- Ba Ngôi trong sức năng động và động cơ của sứ mạng Giáo hội
- Ba Ngôi trong nguyên tắc thi hành sứ vụ của Giáo hội
A. Căn nguyên của sứ mạng truyền giáo
Sứ mạng của Giáo hội bắt đầu từ niềm tin và lời tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Nhưng vị trí trung tâm của Đức Kitô trong sứ mạng của Giáo hội luôn luôn giả thiết sứ mạng riêng của mỗi Ngôi vị (x. Redemptoris missio 1a. 22b. 24a. 36c). Thật vậy, sứ mạng của Giáo hội không chỉ xuất phát từ sứ mạng Đức Kitô, sứ mạng của người Con (missio Filii) mà còn từ sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei) nữa, như sắc lệnh truyền giáo của Công đồng Vaticano II phát biểu: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha” (AG 2).
Chúa Cha đã sai Con mình đến thế gian và Chúa Thánh Thần được Cha và Con sai đến để đưa dẫn nhân loại về vương quốc. Vì thế vào ngày Phục sinh, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”” (Ga 20,21-23).
Viễn tượng Ba Ngôi của sứ mạng Giáo hội lại được mở ra từ những lời nói sau cùng của Đức Giêsu với các tông đồ, trước khi Ngài lên trời trở về với Chúa Cha: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Ngài đã trao lại sứ mệnh của Ngài cho Giáo hội, để Giáo hội tiếp tục sứ mạng ấy cho đến ngày tận thế. Hiệu lực của mệnh lệnh truyền giáo này rõ ràng dựa trên niềm tin của Giáo hội vào Đức Kitô là Chúa của mình, như lời xác tín của bản tuyên xưng đức tin vào Ba Ngôi: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời … Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi Người đã từ trời xuống thế: bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người” (RM 4).
Viễn tượng Ba Ngôi được biểu lộ trong việc sai phái các Tông đồ đi rao giảng Tin mừng cho toàn thể thế giới (Mt 28,19), lại được tìm thấy trong lời chào mở đầu các thư của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em” (2Cr 13,13). Đây cũng chính là lời chào của vị chủ tế hướng về cộng đoàn trong phụng vụ Thánh lễ. Lời chào này bày tỏ lời cầu chúc cho họ được dự phần vào những ân điển và tình yêu của Ba Ngôi: tình yêu của Cha sáng tạo, ân sủng của Chúa Con cứu chuộc và sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần[22].
B. Cứu cánh của sứ mạng truyền giáo
Nếu nền tảng của sứ mạng của Giáo hội đặt trên những sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei) và nếu mọi hoạt động truyền giáo của Giáo hội phải được kích hoạt theo sứ mạng của các Ngôi vị, thì tất nhiên, đích điểm của sứ mạng Giáo hội cũng là đích điểm của sứ mạng Ba Ngôi[23].
Mục đích tối hậu của sứ mạng Ba Ngôi là gì? Câu trả lời được tìm thấy dễ dàng trong các chứng từ của Kinh Thánh. Bằng vô số biểu tượng Kinh Thánh, Cựu ước mặc khải ý định của Thiên Chúa là muốn thiết lập triều đại Thiên Chúa để và tái thiết vương quyền của Ngài. Trong Tin Mừng ba lời khẩn nguyện đầu tiên của Kinh Lạy Cha tóm tắt rất hay mục đích cuối cùng và sâu xa của sứ mạng ấy: “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10). Cũng vậy, theo giáo huấn của Hội thánh[24], Chúa Cha là nguồn gốc của sứ mạng của Đức Kitô. Ngài sai Người Con đến trần gian để thực hiện công trình cứu chuộc. Công cuộc cứu độ của Người Con bắt nguồn từ sự hiệp thông của bản tính thần linh và nhắm đến việc khôi phục Vương quyền. Như Đức Kitô, Thánh Thần cũng là tác nhân đầu tiên và chính yếu của toàn thể sứ vụ truyền giáo của Giáo hội. Ngài hoạt động cách đặc biệt trong việc truyền giáo cho dân ngoại (ad gentes), như chúng ta đã thấy nơi Giáo hội sơ khai: trường hợp trở lại của gia đình Cornêliô (x. Cv 10), trường hợp giải quyết các rắc rối xảy ra (x. Cv 15), trường hợp chọn lựa các lãnh thổ và các dân để truyền bá Tin Mừng (x. Cv 16,6tt). Nhờ tác động của Ngài, Tin Mừng được hình thành nơi tâm trí con người và được lan truyền qua giòng lịch sử[25]. Chúa Thánh Thần và Chúa Con không tách rời nhau trong công cuộc truyền giáo xuất phát từ Chúa Cha, bởi vì có sự hiệp nhất và duy nhất giữa các Ngôi vị thần linh. Các Ngài thực hiện chương trình cứu độ do Chúa Cha vạch ra và quy hướng toàn thể sức mạnh, tất cả đều nhắm tới Vương Quốc hoàn hảo và viên mãn.
Kín múc nguồn gốc của mình từ sứ mạng Thiên Chúa (missio Dei), sứ mạng của Giáo hội (missio ecclesiae) phải quy hướng vào viễn tượng vương quốc của Ba Ngôi, vương quốc cánh chung. Vì thế đích điểm của sứ mạng Giáo hội là Nước Thiên Chúa chứ không phải là Giáo hội. Giáo hội phải ý thức về đặc tính tạm thời và lữ hành của mình. Lời nói cuối cùng của Giáo hội là Nước Chúa, là làm vinh danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
C. Sức năng động của sứ mạng truyền giáo
Cũng như sứ mạng của Giáo hội có nguồn gốc từ Ba Ngôi, thì mọi năng lực của công cuộc truyền giáo của Giáo hội cũng phải xuất phát từ nguồn mạch vĩnh cửu Ba Ngôi như vậy. Chúng ta cùng xét đến chiều cao, chiều rộng, chiều sâu của năng lực hay động lực truyền giáo của Giáo hội.
1. Năng lực được thông truyền từ Ba Ngôi đến Giáo hội
Nguyên lý căn bản của sứ mạng truyền giáo của Giáo hội đều nhận lãnh năng lực từ sứ mạng Thiên Chúa (missio Dei). Thật vậy, missio Dei vọt ra từ “nguồn suối tình yêu”, nghĩa là từ Đức mến của Thiên Chúa Cha, Đấng là Nguyên ủy vô nguyên ủy, từ Chúa Con được sinh ra, và từ Chúa Thánh Thần qua Chúa Con mà phát xuất ra. Missio Dei bắt nguồn từ lòng nhân hậu thương xót vô bờ của Chúa Cha. Ngài không những thông truyền tình yêu, lòng nhân lành và các phẩm tính thần linh trong vòng tròn hoàn hảo của Ba Ngôi, nhưng còn thông truyền tất cả cho chúng ta qua việc tạo dựng muôn loài. Hơn nữa, Ngài mời gọi chúng ta tham dự vào đời sống và vinh quang của Người và muốn cho muôn vật muôn loài cũng trở nên viên mãn thành toàn ở trong Ngài (1Cr 15,28) vì hạnh phúc của chúng ta và vinh danh Thiên Chúa (AG 2). Kế đến sức năng động này bắt nguồn từ việc Ngôi Lời đến trong thế gian nhập thể làm người, và trở thành “khuôn mẫu” và “nguyên mẫu” cho sự nhiệt thành và thôi thúc truyền giáo của Giáo hội. Sau cùng, khởi đi từ lễ Ngũ Tuần, do ân sủng và đức ái của Chúa Thánh Thần, năng lực truyền giáo của Giáo hội vươn tới tầm mức phổ quát, mạnh mẽ và dứt khoát, để có thể đến với mọi người, mọi nơi và mọi thời.
2. Năng lực bành trướng đến toàn cõi đất
Nếu như mục đích tối hậu của công cuộc truyền giáo là vương quốc của Ba Ngôi chí thánh, thì sức năng động của sứ mạng Giáo hội cũng được nhìn thấy trong sự bành trướng của Nước trời: vương quốc của Chúa Cha, vương quốc của Chúa Con và vương quốc trải rộng phổ quát. Thật vậy, Đức Giêsu đã quy gán hoạt động của các Tông đồ, nghĩa là của Hội thánh, cho quyền năng của Chúa Thánh Thần trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Đối với các môn đệ, điều ấy có nghĩa là vượt mọi biên cương văn hóa và tôn giáo mà họ đang sống, để cảm nhận được tầm vóc của một vương quốc trải rộng phổ quát. Đó chính là ý muốn của Chúa Cha khi Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ: Nước Thiên Chúa được khai nguyên trên mảnh đất Israel, anh em hãy loan truyền Nước ấy đến với mọi biên cương của các dân nước[26].
Điều này cũng có nghĩa là hạt giống Nước Chúa Cha được gieo vào lòng đất Israel, được phát triển nơi Đức Giêsu Kitô, và bây giờ với năng lực tiềm tàng của hạt giống ấy, các nhà truyền giáo như các Tông đồ, đã bỏ lại quê hương xứ sở của mình để công bố Tin Vui trên khắp nẻo đường thế giới. Vì thế, động lực của sứ mạng truyền giáo của Hội thánh “không từ dưới đi lên, nhưng đi từ trên xuống, từ Chúa Thánh Thần, hầu như để cho sứ vụ đó thấm nhập tình yêu của Ba Ngôi”[27].
3. Động lực thiêng liêng và nhân bản
Ngoài năng lực chủ yếu và quan trọng của sứ mạng truyền giáo của Giáo hội là Ba Ngôi, chúng ta không thể không ghi nhận rằng sứ vụ ấy cũng được hứng khởi từ động lực thiêng liêng và nhân bản từ phía nội tâm con người.
Xét về động lực thiêng liêng, hoạt động truyền giáo của Giáo hội cũng được thúc đẩy từ kinh nghiệm về đức tin của mỗi cá nhân và từ nhu cầu tâm linh ấn giấu bên trong tâm hồn con người: khao khát mình và người khác được cứu rỗi; niềm vui đã lãnh nhận hồng ân đức tin và muốn chia sẻ cho người khác hồng ân đó; cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và muốn chia sẻ tình yêu đó cho mọi người. Kinh nghiệm và động lực đó rõ ràng là hoa trái của Thánh Thần và Nước Thiên Chúa.
Xét về động lực nhân học, Giáo hội ra đi loan báo Tin Mừng cũng là vì thấy Đức Kitô chiếu sáng mầu nhiệm cao cả của con người qua việc nhập thể (Redemptor Hominis 10). Điều đó làm cho chúng ta ngỡ ngàng và muốn thông truyền cho người khác biết phẩm giá cao quý của họ. Những giá trị con người cao cả đó cũng thuộc về Nước Trời và mầm mống của vương quốc Ba Ngôi.
D. Ba Ngôi trong nguyên tắc thi hành sứ vụ của Giáo hội
Từ nhận thức Ba Ngôi là nguồn gốc siêu nhiên, cứu cánh và năng lực của sứ mạng của Giáo hội, chúng ta sẽ xác định vai trò và đường hướng đúng để thi hành sứ vụ.
1. Vai trò trung gian của Giáo hội theo khuôn mẫu Ba Ngôi
Công đồng Vaticanô II định nghĩa sứ mạng của Giáo hội là trở nên “bí tích, dấu chỉ và công cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1). Sự kết hiệp đó không chỉ diễn ra trong mối tương quan thuần túy nội tâm giữa linh hồn với Đấng Vĩnh Cửu, nhưng là hiệp thông với Thiên Chúa trong sứ mạng cứu độ thế gian và xây dựng Nước Chúa. Vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại này là nét đặc trưng của sứ mạng của Giáo hội.
Thật vậy, nếu chúng ta chỉ nhìn sứ mạng của Giáo hội trong cái khung của thiên giới tuyệt đối siêu việt, chúng ta dễ rơi vào hình thức của chủ nghĩa độc thần thuần túy theo kiểu Hy Lạp, và mất đi khả năng tương giao với thế giới bên ngoài. Cũng vậy, nếu chỉ nhìn thấy Giáo hội được thiết lập cách nhiệm mầu thần thiêng, thì chúng ta có thể rơi vào nguy cơ đứng về phía Thiên Chúa mà đối nghịch với thế giới: mang lời của Chúa, quyền lực của Chúa, đại diện cho Chúa đến với thế gian. Nếu Giáo hội không ở trong tương quan đúng mực, cụ thể và sống động với Đức Kitô, với Chúa Cha và sứ mạng của Chúa Thánh Thần, thì Giáo hội sẽ chỉ khẳng định các quyền lực từ Cha chuyển trao cho Con và từ Con trao ban cho các tông đồ, và từ các tông đồ đến phẩm trật trong Giáo hội mà thôi. Vai trò trung gian của Giáo hội sẽ giống như nhiệm cục của luật pháp hơn là nhiệm cục của ân sủng, như cơ cấu tư tế theo kiểu dân ngoại chứ không phải là công trình sáng tạo mới của Thánh Thần.[28] Sứ mạng của Giáo hội phải được nhìn trong khung cảnh của sứ mạng Ba Ngôi.
2. Thái độ của Giáo hội trong ánh sáng Ba Ngôi
a) Giáo hội do chính Đức Giêsu Kitô thiết lập trong ý định ngàn đời của Chúa Cha, nhưng chỉ được sinh ra với ân sủng của Thánh Thần và được ghi dấu không thể phai nhạt của thập giá và phục sinh. Giáo hội được “dung nạp năng lực” không chỉ từ Đấng sáng lập mà còn từ mối liên hệ đặc biệt với Chúa Cha. Nếu Giáo hội theo một nghĩa nào đó, đứng về phía Thiên Chúa mà đối diện với thế giới, thì không bao giờ làm được những điều như Đức Giêsu đã làm: Ngài đã sống vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha, trên thập giá Ngài đã trao lại thần khí cho Chúa Cha và chờ đợi vinh quang phục sinh từ nơi Cha. Giáo hội phải kết hợp hai yếu tố nhân loại và thiên linh (x. LG 8; GLHTCG 771).
b) Nếu chúng ta nói về Giáo hội với hai chiều kích như Chúa Con, thì có nghĩa là chúng ta không bao giờ được đồng nhất hoàn toàn với Thiên Chúa (đứng về Thiên Chúa mà đối nghịch với thế giới). Chính người Con đã nhận lãnh tất cả từ Cha và hoàn toàn tùy thuộc vào Cha cho đến khi hiến chính bản thân mình cho Cha trên thập giá trong vâng phục. Vì thế sứ mạng của Giáo hội phải bắt đầu bằng việc lắng nghe và vâng phục, với ý thức rõ ràng “Cha cao trọng hơn” (Ga 14,28). Giáo hội cần phải luôn luôn nhớ đến vị trí của mình như người Con được Cha sai đi và hằng vâng phục Cha, và Cha ở trên tất cả mọi sự và ở trên Giáo hội.
Sau đó đừng quên rằng Người Con đã nhập thể và Giáo hội thuộc về phía con người. Con được Cha yêu mến, luôn làm một với Cha, nhưng cũng được Cha sai đi và vâng phục Cha trong cuộc sống nhân sinh với tất cả những thảm kịch của nhân loại. Ngài đã phải chịu đau khổ nhiều nỗi mới học biết thế nào là vâng phục (Dt 5,8). Ngài đã đổ mồ hôi máu để làm theo thánh ý Cha (Lc 22,44). Ngài đã phải kêu lên “sao Cha lại bỏ con?” (Mt 27,46). Như người Con, “Giáo hội bước đi với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần thế với thế giới” (GS 40).
3. Vai trò phục vụ của Giáo hội trong ánh sáng Ngôi Lời nhập thể
Sứ mạng của Giáo hội không thể đi theo con đường nào khác con đường của Đức Giêsu đã được sai đến trần gian để loan báo Nước Thiên Chúa cho những người nghèo khổ. Nhưng điều cần thiết không phải là tiếp tục công việc của người Con đã thực hiện, mà là theo cung cách và lý do mà Ngài đã làm. Đón nhận Tin mừng không phải là nhận lãnh một chân lý đức tin. Chấp nhận Đức Kitô có nghĩa là tham dự vào đời sống của Ngài, để cho con người của Ngài níu kéo chúng ta và bước vào lịch sử của chúng ta. Tin vào Đức Kitô nghĩa là tin vào Đấng đã đến trong xác phàm (1Ga 4,2), đã lột bỏ chính mình (kenosis), đã trở nên người Tôi Tớ của Thiên Chúa trong vâng phục cho tới cái chết trên thập giá để phục hồi Nước Cha. Ngài đã không nhắm đến chinh phục quyền hành chính trị, nhưng khôi phục vương quyền bằng sự bất lực, sự giàu sang bằng nghèo khó, tình yêu bằng từ bỏ, viên mãn bằng trống rỗng, sự sống bằng cái chết. Như Đức Giêsu, Hội thánh phải hoán cải[29] và phục vụ nhân loại như một nữ tỳ[30].
Chắc chắn Giáo hội không phải là nữ tỳ chỉ vì là nữ tỳ. Giáo hội “nữ tỳ” phát xuất từ căn cước là “bí tích cứu độ phổ quát”, là “dấu hiệu và công cụ cho Nước Chúa”. Giáo hội không chỉ là nữ tỳ của Nước Chúa mà còn là hiện thực và hiện thân của Nước Chúa, nghĩa là ra khỏi chính mình mà tập trung vào Nước Chúa theo khuôn mẫu của Đức Kitô. Như Đức Giêsu là “người cho người khác” thì Giáo hội cũng phải là “Giáo hội cho người khác”. Sứ mạng đó thuộc về con người và quy chiếu về lịch sử nhân loại. Điều này không có nghĩa là Giáo hội để cho các ý thức hệ và những chương trình thăng tiến thuần túy nhân loại chi phối và chụp bắt trên mình.
4. Sứ mạng của Giáo hội trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần
Cuối cùng, sứ mạng của Giáo hội được đặt trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần với những khía cạnh sau:
a) Nếu Giáo hội sống trong lịch sử, mà có thể hoạt động trong quỹ đạo của Chúa Cha và không ngừng quy chiếu về biến cố nhập thể của Chúa Con, là bởi vì mối tương quan của Giáo hội với Đức Giêsu không phải là “theo xác thịt” (2Cr 5,16) nghĩa là theo quan điểm loài người, mà là theo “theo Thần Khí”. Thật vậy Đức Kitô “xuất hiện trong xác thịt” nhưng lại được “chứng thực là công chính trong Thánh Thần” (1Tm 3,16). Giáo hội nhận biết Người không phải theo kiểu một phong trào biết đến nhân vật và tư tưởng của vị sáng lập. Không có tác động của Thánh Thần, Giáo hội không thể nhận biết Đức Kitô là Đức Chúa (1Cr 12,3).
b) Cũng như việc Ngôi Lời được sai xuống trần gian và nhập thể trong cung lòng Đức Maria là bởi ơn Chúa Thánh Thần, thì Giáo hội cũng được sai đi truyền giáo nhờ hoạt động và sức mạnh của Thánh Thần như vậy. Sự kết hợp đặc biệt giữa Giáo hội và Đức Kitô như sự kết hiệp hữu cơ giữa Đầu và thân thể duy nhất, cho phép Giáo hội sống mối tương quan với Chúa Cha và với mọi người trong Đức Kitô; sự kết hợp đó là ơn ban của Chúa Thánh Thần.
c) Chính Đức Giêsu trước khi trở về với Chúa Cha, Ngài đã hứa ban cho các Tông đồ Đấng bảo trợ để làm ích cho họ (Ga 16,7). Thánh Thần cũng sẽ giúp cho Hội thánh không chỉ lưu giữ hay nhớ lại những kỷ niệm và lời dạy của Đức Giêsu, nhưng sẽ dẫn đưa Hội thánh tới chân lý toàn vẹn (Ga 16,13). Như vậy sứ mạng của Hội thánh có một sức năng động là hướng về tương lai chứ không phải bị ràng buộc vào quá khứ. Hội thánh không chỉ có Đức Kitô ở trên vai mà còn có Người ở trước mặt nữa.
Kết luận
Bản chất, hành động, ý muốn và sự tuyển chọn Giáo hội đều có nền tảng nơi Ba Ngôi. Chúa Cha chọn Giáo hội từ trước muôn đời, và nơi Đức Kitô, Con của Người, Người sáng lập và thực hiện kế hoạch đó trong thời gian. Người không ngừng dưỡng nuôi Giáo hội bằng các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, đồng thời hiến tế, dẫn dắt và canh tân Giáo hội bởi Chúa Thánh Thần. Vì thế sự sống còn của Giáo hội – giai đoạn khởi đầu, tiến triển và đạt tới đích điểm – hoàn toàn lệ thuộc vào Ba Ngôi. Mất đi viễn tượng này, Giáo hội chỉ được nhìn như một sáng kiến khởi đi từ bên dưới mà đánh mất chiều kích mầu nhiệm. Thiếu lối nhìn Ba Ngôi, Giáo hội hiệp thông sẽ có nguy cơ bị giản lược vào cơ cấu phẩm trật cứng ngắc, làm cho con đường tiến tới sự hiệp nhất giữa các Giáo hội Kitô bị xô vào chân trời xa xăm. Cũng vậy, nếu vắng bóng Ba Ngôi trên con đường sứ vụ, sứ mạng truyền giáo của Giáo hội sẽ bị lạc vào những chương thăng tiến thuần túy thế tục, hoặc sẽ chỉ tập trung vào bản thân mình như là mục đích tối hậu mà thôi.
——————————
[1] Xem ĐGH Phanxicô, Giáo huấn ngày thứ tư hàng tuần, 18-6-2014, số 1.
[2] Xem The Final Report of the 1985 Extraordinary Synod, The Church, in the Word of God, Celebrates the Mysteries of Christ for the Salvation of the World, trong http://www.ewtn.com/library/CURIA/SYNFINAL.HTM
[3] Xem số 8 và tiêu đề chương I, II, và III.
[4] Xem các số 12; 16; 59; 73-75.
[5] Tông huấn chia làm ba chương: Đời sống thánh hiến bắt nguồn từ mầu nhiệm Đức Kitô và Ba Ngôi (chương I), như dấu chỉ của sự hiệp thông trong Giáo hội (chương II) và thi hành sứ vụ biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới (chương III).
[6] Xem Massimo Naro, “Ecclesia de Trinitate”: al di là di uno slogan, trong Rosario La Delfa (ed.), La Chiesa tra teologia e scienze umane. Una sola compressa realtà, Città Nuova, Roma 2005, tr. 97-113.
[7] Hiến chế Lumen gentium số 4 trích lời của thánh Cipriano, «De oratione dominica», 23: PL 4,553.
[8] M. Philipon, La santissima Trinità e la Chiesa, trong G. Barauna (a cura di), La Chiesa secondo Vaticano II, Vallecchi, Firenze 1965, tr. 329.
[9] Xem Jean- Guy Pagé, Qui est l’Église? Église mystère et sacrament, Bellarmin, Paris 1977-1979, 3 Voll.; Vittorino Mondello, La Chiesa del Dio trino, Dehoniane, Napoli 1978; Yves Congar, Credo nello Spirito Santo, vol. II, Queriniana, Brescia 1978.
[10] Xem B. Forte, La Chiesa della Trinità. Saggio sul mistero della Chiesa comunione e missione, San Paolo, Milano 1995, tr. 73-76.
[11] Thánh Tôma đã gọi Thánh Thần là Đấng thánh hóa của Giáo hội. Xem In 3 Sent., d. 25, q.1, a. 2, ad 5 m; Summa Theologica, II-II, q.1, a. 9, ad 5 m.
[12] Đề tài về sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Israel là một trong những chìa khóa dẫn tới cấu trúc của sách Xuất Hành. “Nếu sự Hiện diện của Ngài không đi với chúng con, thì xin đừng đưa chúng con ra khỏi đây. Làm sao mà mọi người biết được rằng Ngài đã xử tốt lành với con và với dân Ngài trừ khi Ngài cùng đi với chúng con? Con và dân Ngài sẽ khác với các dân tộc khác trên mặt đất này ở chỗ nào?” (Xh 33,15-16). Sách Xuất Hành tiếp tục mặc khải rõ hơn về phẩm tính của Thiên Chúa (Xh 34,5-7) và những chỉ dẫn thực tế cho việc xây dựng Lều Tạm (Xh 35-39), và kết thúc với sự hiện xuống của vinh quang Thiên Chúa bao phủ trên Lều Tạm (Xh 40,35). Xem Gordon D. Fee, Paul and the Trinity: The Experience of Christ and the Spirit for Paul’s Understanding of God, trong: The Trinity. An Interdisciplinary Symposium on the Trinity, edited by Stephen T. Davis, Daniel Kendall, Gerald O’Collins, Oxford University Press, 2001, tr. 67-68.
[13] Xem B. Forte, La Chiesa della Trinità. Saggio sul mistero della Chiesa comunione e missione, San Paolo, Milano 1995, tr. 73-76.
[14] Xem ĐGH Gioan Phaolô II, Giáo huấn ngày thứ tư hàng tuần, 31-7-1991, số 5.
[15] Xem Klaus Hemmerle, Trinità e Chiesa. Sulla teologia della Trinità nella Christifideles laici, in Laici verso il terzo millennio Esortazione apostolica «Christifideles laici». Testo e commenti, Città Nuova, Roma 1989, tr. 187-200.
[16] Sđd., tr. 190.
[17] Xem ĐGH Gioan Phaolô II, Bài giáo huấn ngày thứ tư hàng tuần, 9-10-1991, số 8.
[18] Xem ĐGH Gioan Phaolô II, Bài giáo huấn ngày thứ tư hàng tuần, 9-10-1991, số 7.
[19] Hiến chế Lumen gentium vẫn còn dùng các kiểu nói: “ut societas constituta et ordinata” (số 8) và “societas hierarchica ordinata” (số 14, 20).
[20] Xem Sđd., tr. 89.
[21] Xem John Thompson, Modern Trinitarian Perspectives, Oxford University Press, New York 1994, tr. 86tt.
[22] Xem ĐGH Gioan Phaolô II, Bài giáo huấn ngày thứ tư hàng tuần 9-10-1991, số 3.
[23] Xem J. Parappally, “The Triune God: Source, Model and Goal of Mission, with a Special Reference to «Ecclesia in Asia»”, in Mission Today, 2 (2000) 4, tr. 423-432, cách riêng tr. 427-428.
[24] Xem ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (Sứ vụ Đấng cứu độ), số 1. 21.
[25] Xem ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, số 21a. 30a. 36c; Tông huấn Ecclesia in Asia, số 17a. 15d. 21c.
[26] Trong cuộc đối thoại với thiếu phụ người Samari bên giếng nước Giacóp, Đức Giêsu nhấn mạnh đến sự cần thiết phải vượt qua các cuộc xung đột về văn hóa, dân tộc hay chủng tộc, bị ràng buộc theo lịch sử với một đền thờ riêng, để thiết lập nền phụng tự đích thực của Chúa.
[27] ĐGH Gioan Phaolô II, Giáo huấn ngày thứ Tư hàng tuần 5-4-1995, số 6.
[28] Xem S. Dianich, “Missione”, trong Nuovo Dizionario di Teologia, (G. Barbaglio – S. Dianich chủ biên), San Paolo, Milano 1988, tr. 927-940.
[29] Xem P. D’Souza, “Church, Mission and the Kingdom of God, especially in the Third World Context”, in FABC Papers 22 (1980), tr. 1-28, ở đây tr. 22-24. I. Ellacuria, Conversione della Chiesa al regno di Dio. Per annunciarlo e realizzarlo nella storia, Queriniana, Brescia 1992, tr. 31.
[30] Công đồng Vaticano II một cách nào đó đã hiểu Giáo hội là “nữ tì của kế hoạch Chúa Cha” trong mầu nhiệm Đức Giêsu là “Tôi tớ Gia vê”. Xem J-M. R. Tillard, Il sottosuolo teologico della Costituzione: la Chiesa e i valori terrestri, trong: M. Gozzini (a cura di), La Chiesa nel mondo di oggi, Vallecchi Editore, Firenze 1966, tr. 213-250, ở đây tr. 214-218; Các tài liệu sau này đặc biệt là tài liệu của Hội nghị của Liên hiệp các Giám mục Á Châu cũng không ngừng nhấn mạnh khía cạnh phục vụ của Giáo hội. Xem Fabc-Bishops’ Institute for Interreligious Affairs, Tuyên ngôn (Thailandia 1985) La Chiesa al sevizio del Regno di Dio, 1.1-1.3, trong: D- Colombo (a cura di), Documenti della Chiesa in Asia. Enchiridion, EMI, Bologna 1997, tr. 923-949, ở đây tr. 930-932; FABC- Office of Evangelization, Kết luận thần học (Hua Hin 1991) Una teologia della missione per l’Asia, II.3 e III.4, trong: D. Colombo (a cura di), Documenti della Chiesa in Asia. Enchiridion, EMI, Bologna 1997, tr. 1454-1517, ở đây tr. 1481-1483 và 1493.