LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
1/ Bài đọc I: Is 55,6-9
Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với ĐỨC CHÚA – và Người sẽ xót thương -, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ. Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.
2/ Bài đọc II: Pl 1,20-24, 27
Đó là điều tôi đợi chờ và hy vọng. Sẽ không có gì làm cho tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin. Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi.
Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.
Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô. Như thế, dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em.
3/ Phúc Âm: Mt 20,1-16
Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”
Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.”
Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. (Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.)
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khôn ngoan đích thực.
Con người yêu mến sự khôn ngoan nên không ngừng tìm kiếm những giải pháp khôn ngoan nhất cho các vấn nạn của cuộc đời. Có nhiều người bỏ cả cuộc đời để nghiên cứu, để đề xướng, để sống và chết cho lý tưởng mình cưu mang, chẳng hạn: các triết gia của các môn phái duy linh (Plato), duy lý (Descartes), duy vật (K. Marx, ông tổ của chủ nghĩa cộng sản), hiện sinh (Hegel)… Các học thuyết họ đề xướng được mọi người hoan nghênh đón nhận trong một thời gian rồi cũng dần dần lui vào bóng tối vì không giải quyết được tòan bộ các vấn nạn của cuộc đời. Chỉ có cuốn Kinh Thánh vẫn tồn tại từ bao ngàn năm qua vì nó cung cấp cho con người sự khôn ngoan đích thực đến từ Thiên Chúa, là nguồn gốc mọi sự và cùng đích mọi lòai. Bài đọc I hôm nay giới thiệu cho chúng ta một sự khôn ngoan trên hết mọi khôn ngoan, đó là sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa. Thánh Phaolô sẵn sàng chấp nhận những gì mà thế gian cho là điên rồ: đau khổ và chết cho Tin Mừng. Phúc Âm dạy chúng ta lòng thương xót và rộng lượng của Thiên Chúa trong cách đối xử với con người, nhất là những người kém may mắn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Khôn ngoan của Thiên Chúa và của con người.
Tiên tri Isaiah so sánh sự khôn ngoan của Thiên Chúa với sự khôn ngoan của con người trong việc đối xử với kẻ gian ác: Theo cách cư xử con người, “Mắt đền mắt, răng đền răng” (Exo 21:24; Lv 24:20). Kẻ giết người phải chịu tử hình; có ăn năn cũng muộn rồi. Theo cách cư xử của Chúa, Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn họ bỏ tư tưởng và đường lối họ đang theo mà trở về để được Người xót thương tha thứ.
Con người thường có khuynh hướng lọai suy: Họ lấy sự suy nghĩ và tiêu chuẩn của con người để áp dụng cho Thiên Chúa. Tiên tri Isaiah phản đối cách suy diễn này khi tuyên sấm cách xác quyết về vị thế của Thiên Chúa: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta.”
Không phải chỉ có sự khác biệt về khôn ngoan giữa Thiên Chúa và con người, nhưng nhiều khi còn hòan tòan đối ngược nhau! Giữa Thiên Chúa và con người có một khỏang cách bao la như khỏang cách giữa trời và đất; và không có một khôn ngoan nào trên trần thế có thể so sánh được với sự khôn ngoan của Thiên Chúa, như lời Ngài phán: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.”
2/ Bài đọc II: Khôn ngoan của thánh Phaolô: muốn được chịu gian khổ và chết cho Tin Mừng.
Con người thường có khuynh hướng trốn tránh đau khổ và sợ chết, nhưng thánh Phaolô lại muốn được chịu đau khổ vì Tin Mừng và hy vọng được chết để làm chứng cho Chúa. Lý do: Đối với con người không có đức tin, chết là hết, là đi vào cõi tiêu diệt; nên họ sợ đau khổ và sợ chết. Còn đối với thánh Phaolô, chết là một mối lợi vì sẽ được về chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa, nên ngài mong muốn được chết.
Tuy muốn chết để về với Chúa, nhưng vì lòng nhiệt thành vì Tin Mừng, ngài cũng muốn sống để làm ích tha nhân. Ngài băn khoăn giữa cái chết và cái sống: Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần, nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.
Sau cùng, thánh Phaolô đã đi tới kết luận là ngài không cần phải lo lắng chọn đàng nào, nhưng đặt trọn vẹn tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình và cũng không ai chết cho chính mình. Nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết là chết cho Chúa. Vì thế, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa” (Rom 14:8). Ngài khuyên các tín hữu Philipphê bao lâu còn sống hãy sống làm sao cho xứng đáng với Tin Mừng đã lãnh nhận: “Hãy luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em.”
3/ Phúc Âm: Lòng thương xót của Thiên Chúa và sự ghen tị của con người.
3.1/ Lòng thương xót của Thiên Chúa: Ngài muốn mỗi người có việc làm để sinh sống. Có mấy điều chúng ta cần hiểu trước khi tìm ra ý nghĩa của Tin Mừng hôm nay:
– Giờ làm việc bên Do-Thái là từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Giờ thứ nhất tương ứng với 6 giờ sáng, giờ thứ ba là 9 giờ sáng, giờ thứ sáu là 12 giờ trưa, giờ thứ chín là 3 giờ chiều, giờ mười một là 5 giờ chiều, và giờ mười hai là 6 giờ chiều (hết giờ làm việc).
– Thợ làm thuê: họ làm tùy theo nhu cầu mỗi ngày. Hôm nào không có ai thuê là không có tiền để sinh sống. Họ thường tập họp tại những chỗ công cộng như chợ búa để người thuê dễ dàng nhận ra.
– Tiền công nhật mỗi ngày là một quan tiền (khỏang 8 dollars một ngày). Đây là mức sinh sống tối thiểu của một gia đình.
– Mùa nho chín của Do-Thái rơi vào tháng 9, và phải hái hết trong tháng 9 trước khi mùa mưa đến, nếu không nho sẽ bị ủng thối. Chủ vườn rất cần thợ dẫu chỉ làm ít tiếng trong ngày.
Chúa ví Nước Trời giống như chuyện gia chủ vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Có những người được mướn làm từ đầu ngày, có người được mướn trễ hơn 3, 6, 9 tiếng. Có những người được mướn chỉ làm một tiếng. Điểm chính ở đây là tất cả mọi người đều được kêu gọi để làm việc, chứ không chỉ dành cho một số người mà thôi. Những người được mướn trễ không phải vì họ lười biếng, nhưng vì không ai mướn họ. Nước Trời cũng thế, có những người được Chúa chọn ngay từ ban đầu như những người Do Thái. Có những người được chọn khi Chúa Giêsu sai các Tông Đồ đi rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ các nước lân cận của Do-Thái như Syria, Lebanon, Turkey, Jordan, Egypt… Có những người được đón nhận Tin Mừng nhờ các nhà truyền giáo từ những nước này như Việt-Nam, Thái Lan, Lào… Sau cùng, vẫn có những người được chọn trước khi Ngày Phán Xét tới.
3.2/ Sự rộng lượng của Thiên Chúa: Ông chủ muốn trả lương tất cả mọi người đồng đều vì ông muốn tất cả đều có một số tiền tối thiểu để sinh sống. Ông không đối xử bất công với những người làm từ đầu vì ông đã thỏa thuận lương với họ và họ đã bằng lòng. Cũng vậy trong kế họach cứu độ của Thiên Chúa. Ngài không đối xử bất công với người Do-Thái khi cho những Dân Ngọai vào Nước Trời.
3.3/ Sự ghen tị của con người: Vì phải lãnh luơng sau cùng nên những người đã làm từ đầu nghĩ mình sẽ được lãnh lương nhiều hơn; nhưng khi thấy mình cũng chỉ được một quan nên họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”
Cách đối xử của ông chủ là lời cảnh tỉnh cho các môn đệ: Đừng đòi hỏi đặc quyền vì đã làm môn đệ Chúa từ đầu. Nó cũng là lời cảnh tỉnh cho dân Do-Thái: Họ hãnh diện vì được chọn làm dân riêng của Chúa ngay từ đầu, và khinh thường Dân Ngọai là những người không đáng được nhận vào làm dân Chúa. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người: Đừng đòi hỏi phải được đối xử đặc biệt vì đã theo Chúa lâu năm, đã làm cho Chúa nhiều hơn. Sau cùng, trong con mắt đức tin: một em bé mới sinh qua đời cũng được hưởng Nước Trời như một cụ già sống lâu trăm tuổi.
3.4/ Thái độ con người khi làm việc: vì phần thưởng hay vì lòng “mến Chúa yêu người”? Nếu con người làm việc vì phần thưởng hay tiền công, họ đã được trả công hay lãnh nhận phần thưởng ngay ở đời này. Nhưng nếu họ làm vì lòng “mến Chúa yêu người,” họ sẽ được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng ở đời sau. Những người đến làm việc từ đầu ngày, họ đã thỏa thuận với chủ về lương bổng; trong khi những người đến làm sau, họ nghe lời chủ đi làm và trông cậy hòan tòan vào lòng thương xót của chủ sẽ trả công cho họ xứng đáng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải luôn nhớ: Đừng bao giờ lấy tiêu chuẩn của con người áp dụng cho Thiên Chúa trong tư tưởng, cách suy nghĩ, cũng như trong hành động. Nếu muốn học khôn ngoan, thì không có khôn ngoan nào của con người có thể so sánh với khôn ngoan của Thiên Chúa. Hãy để giờ tìm kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa trong Kinh Thánh thay vì những sách vô bổ của thế gian này.
– Sống là sống cho Chúa và tha nhân. Chết là về với Chúa. Đừng sợ đau khổ và ngay cả cái chết để làm chứng cho Tin Mừng.
– Chúng ta phải có lòng thương xót và rộng lượng như Thiên Chúa trong cách đối xử với tha nhân, chứ không phải chỉ sống công bằng là đủ. Đừng đòi hỏi được hưởng đặc quyền vì đã đến trước và đừng ganh tị khi thấy người khác được hưởng đặc ân.
– Làm việc vì lòng mến Chúa yêu người chứ không làm vì bất ký lý do nào khác. Nếu làm vì các lý do khác, chúng ta đã được lãnh ở đời này rồi. Nếu làm vì lòng mến Chúa yêu người, Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ta xứng đáng.
Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2141:ch-nht-25-thng-niena&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28