Chủ Nhật, XXIII Thường Niên, Năm C

0
851

Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc I: Kn 9,13-18

13 Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa ?
Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi ?

14 Chúng con vốn là loài phải chết,
tư tưởng không sâu, lý luận không vững.

15 Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng,
cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề.

16 Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi,
những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được,
thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng ?

17 Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời,
chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh ?

18 Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng,
cũng vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài,
và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ.”

2/ Bài đọc II: Plm 1,9b-10.12-17

Tôi, Phao-lô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su, 10 tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô, 11 kẻ xưa kia đối với anh là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi,

12 tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi.

13 Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng.

14 Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện.

15 Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn,

16 không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa.

17 Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi.

3/ Phúc ÂmLc 14,25-33

25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:

26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.

27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?

29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30 “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.

31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

—————————————–

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người cần có Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

 Khôn ngoan là một tĩnh từ mang nhiều hiểu lầm vì tính áp dụng quá rộng của nó: Thiên Chúa khôn ngoan, nhà khoa học khôn ngoan, người thợ kim hoàn khôn ngoan vì làm đồ giả như đồ thật, tên trộm khôn ngoan vì đánh lừa được chủ nhà. Đâu là sự khác biệt mà tĩnh từ khôn ngoan được áp dụng cho các thành phần này?

Trước hết, chúng ta cần phân biệt Đức Khôn Ngoan với sự hiểu biết: Đức Khôn Ngoan chỉ áp dụng cho Thiên Chúa và những sự thuộc về Ngài; trong khi hiểu biết nên áp dụng cho những sự thuộc về loài người. Hiểu biết cũng có nhiều loại: hiểu biết chung cho tất cả phạm vi của loài người được gọi là kiến thức (knowledge), hay cho những phạm vi chuyên môn gọi là khoa học (science)

Các bài đọc hôm nay chú trọng đặc biệt đến Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và sự cần thiết của Đức Khôn Ngoan trong cuộc đời con người, để họ biết sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa và đạt được mục đích của cuộc đời. Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan phân tích sự khác biệt giữa Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và những hiểu biết của con người, và những lợi ích do Đức Khôn Ngoan mang lại. Trong bài đọc II, thánh Phaolô muốn cho Philemon nhận ra sự khác biệt to lớn khi một người biết sống theo sự dạy dỗ khôn ngoan của Thiên Chúa. Họ có thể biến một người vô tích sự thành một người hữu ích cho tha nhân. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi con người phải có Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa thì mới có thể đáp ứng những đòi hỏi để trở thành môn đệ của Ngài được. Nếu một người chỉ sống theo những hiểu biết của thế gian, họ sẽ không bao giờ có thể trở thành môn đệ của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức khôn ngoan của Thiên Chúa và trí khôn của con người

1.1/ Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và sự hiểu biết của con người

Trước tiên, tác giả Sách Khôn Ngoan xác tín: “Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi?” Có nhiều lý do cho sự không hiểu biết của con người: Thứ nhất, trí khôn con người có giới hạn, vì con người “là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững.” Linh hồn con người bị chi phối bởi thân xác, mà thân xác bị chi phối bởi khí hậu, ăn uống, hoàn cảnh, và nhất là những đòi hỏi về các ham muốn, lo âu và dục vọng. Thứ hai, con người chỉ có thể hiểu biết những gì thuộc thế giới hữu hình, chứ không hiểu biết được thế giới vô hình. Tác giả thú nhận: “Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng?” Sự thật của cuộc đời là thế, người tài giỏi lắm cũng chỉ biết những gì thuộc phạm vi của mình; ví dụ, trong nghành y khoa còn phải chia ra các phân khoa như: tim, phổi, thần kinh, xương, da…; trong ngành kỹ sư cũng chia ra các phân khoa như: điện đường, điện tử, cơ khí, cầu cống… Làm sao có thời giờ để quán thông mọi sự trong trời đất?

1.2/ Con người cần được Thiên Chúa ban cho Đức Khôn Ngoan.

(1) Theo tác giả, Đức Khôn Ngoan là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người trong khi sự hiểu biết là do cố gắng hay kinh nghiệm mà con người đạt được.

Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa không lệ thuộc vào trí khôn của con người, vì có người rất hiểu biết nhưng lại không có Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa; trong khi có người ít hiểu biết nhưng lại có Đức Khôn Ngoan của Ngài; dĩ nhiên cũng có những người hiểu biết nhiều và sở hữu Đức Khôn Ngoan. Chính Đức Kitô đã nêu lên sự kiện này khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:25; Lk 10:21). Thực ra, Thiên Chúa ban tặng Đức Khôn Ngoan cho mọi người, sở dĩ có những người không có là vì họ quá kiêu ngạo, họ không nghĩ họ cần Đức Khôn Ngoan là những mặc khải và giáo huấn của Thiên Chúa.

(2) Những lợi ích mà Đức Khôn Ngoan mang lại cho con người: Tác giả liệt kê 3 lợi ích mà Đức Khôn Ngoan mang lại cho con người: thứ nhất, họ được đẹp lòng Thiên Chúa; thứ hai họ biết sống theo trật tự của Thiên Chúa quan phòng nên họ được thành công và có sự bình an; sau cùng, họ đạt được ơn cứu độ là sự sống đời đời.

2/ Bài đọc II: Kẻ xưa kia là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi.

2.1/ Phaolô huấn luyện Onesimus theo đường lối và cách thức của Thiên Chúa.

Onesimus là một người nô lệ của Philemon, sống tại Colossae. Vì một lý do nào đó, ông đã bỏ trốn chủ qua Rôma và đã gặp lại Phaolô đang lúc ngài bị giam tù lỏng. Sau một thời gian ở với Phaolô và được huấn luyện, ông đã thay đổi hoàn toàn và được chịu phép Rửa bởi Phaolô. Luật Rôma rất nghiêm nhặt đối với người nô lệ bỏ chủ chạy trốn, ông có thể bị tử hình. Phaolô tuy rất muốn giữ Onesimus ở với mình trong khi tù đày và già yếu; nhưng ông không muốn làm gì mà không có sự đồng ý của Philemon, chủ của Onesimus.

Phaolô coi Onesimus như người con ruột của mình, “đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích.” Phaolô xin Philemon nhận lại Onesimus, không phải như nhận lại một người nô lệ; nhưng như một người ruột thịt của ông, và như một người anh em trong Đức Kitô. Có thể nói Phaolô đã làm một cuộc cách mạng khi xin tha chết cho Onesimus, và xin Philemon đối xử với ông không như một người nô lệ.

2.2/ Thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến.

Phaolô muốn Philemon hoàn toàn tự do trong việc nhận lại Onesimus, và nếu Philemon đồng ý, gởi Onesimus lại để ở với Phaolô: “Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng.”

Chỉ trong thời gian ngắn, Phaolô đã cảm hóa được Onesimus, đến nỗi có thể nói với Philemon “không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa.” Điều này là một chứng minh cho thấy cách giáo dục con người hay nhất là giáo dục theo đường lối và cách thức khôn ngoan của Chúa Giêsu là yêu thương hết mình và sống theo sự thật. Con người sẽ đáp trả khi họ được yêu thương thành thật và được tôn trọng phẩm giá như một con người.

3/ Phúc Âm: Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

3.1/ Những điều kiện để làm môn đệ của Đức Kitô:

Trình thuật cho biết có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Có lẽ những người này cũng muốn theo Người làm môn đệ, nên Người quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

Có ba điều kiện Chúa Giêsu đòi nơi người môn đệ:

(1) Bỏ cha mẹ và những người thân thuộc: Làm môn đệ của Đức Kitô là lãnh sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nếu người môn đệ nào quá lo lắng cho cha mẹ và gia đình, ông sẽ không còn thời gian để chu toàn sứ vụ được trao; vì thế, đòi hỏi của Chúa Giêsu là điều hợp lý. Tuy nhiên, việc từ bỏ đây không có nghĩa phải chấm dứt các mối liên hệ gia đình, nhưng phải dám hy sinh cho một sứ vụ, nhất là khi có xung đột.

(2) Bỏ chính mình: có lẽ đây là điều khó khăn hơn cả, vì người môn đệ bị đòi phải bỏ ý riêng và như thế toàn thể con người mình, để sống hoàn toàn theo ý Thiên Chúa. Nếu người môn đệ hiểu Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa sẽ mang lại những lợi ích và nhất là ơn cứu độ, việc bỏ ý riêng mình là điều cần thiết và nên làm.

(3) Vác thập giá mà theo Chúa: con người thường có khuynh hướng chạy trốn đau khổ để tìm những sự an nhàn và dễ dãi. Người môn đệ bị đòi để sống theo Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa để vào Nước Trời qua cửa hẹp, vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự diệt vong.

3.2/ Hai ví dụ của khôn ngoan: Để dẫn chứng sự hợp lý của những đòi hỏi trên, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ.

(1) Người xây tháp canh: Đây là một dự án đòi nhiều vật lực và nhân lực; vì thế, người xây phải ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.”

(2) Vua giao chiến: Ngày nay cũng như ngày xưa, thăng bằng lực lượng là điều cần thiết phải làm trước khi giao chiến. Nhà lãnh đạo tài giỏi sẽ thăm dò mọi cách để biết lực lượng của đối phương: nếu cán cân lực lượng quá nghiêng về đối phương, ông sẽ phải hạ mình xuống để sai sứ giả cầu hòa để tránh tử vong cho mình, cho binh lính, và cho dân chúng; nếu biết lực lượng của mình mạnh hơn địch, ông sẽ an tâm giao chiến và nắm chắc phần thắng.

Trên con đường làm môn đệ của Đức Kitô cũng vậy, người môn đệ bị đòi phải gạt những hiểu biết theo tính toán con người của mình qua một bên để sống theo Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Nếu ngoan cố cứ sống theo cách riêng của mình, người môn đệ sẽ bỏ Đức Kitô nửa đường và không theo Ngài tới cùng được. Chúa Giêsu kết luận: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Kiến thức có được do trí khôn con người không đủ giúp con người đạt tới ơn cứu độ. Chúng ta cần cầu xin cho có được Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Để có được, chúng ta cần khiêm nhường nhìn nhận những giới hạn của mình.

– Hãy giáo dục chính mình, con cái, và tha nhân theo đường lối và cách thức của Thiên Chúa: đó là yêu thương hết mình và luôn sống theo sự thật.

– Chúng ta phải dẹp bỏ mọi khôn ngoan tính toán theo cách thức con người và chấp nhận những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi thì mới có thể trở thành môn đệ của Ngài được.

– Chúng ta cần tránh thái độ “ếch ngồi đáy giếng,” chỉ biết những gì trong giếng và bầu trời bằng miệng giếng, để rồi chối từ tất cả những gì ngoài cái giếng nó ở!

Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1377:ch-nht-23-thng-nienc&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here