Chủ Nhật XXI, Thường Niên, Năm C

0
978

Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IIs 66,18-21

18 Còn Ta, Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta.

19 Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu và sai những kẻ sống sót của họ đến các dân tộc: Tác-sít, Pút, Lút, là những dân thạo nghề cung nỏ, đến dân Tu-van, Gia-van, đến những hải đảo xa xăm chưa hề được nghe nói đến Ta và chưa hề thấy vinh quang của Ta. Họ sẽ loan báo vinh quang của Ta giữa các dân tộc.

20 ĐỨC CHÚA phán: giống như con cái Ít-ra-en mang lễ phẩm trên chén dĩa thanh sạch đến Nhà ĐỨC CHÚA, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng ĐỨC CHÚA – đưa bằng ngựa, xe, võng cáng, lừa và lạc đà – về trên núi thánh của Ta là Giê-ru-sa-lem.

21 Và cả trong bọn họ, Ta sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lê-vi – ĐỨC CHÚA phán như vậy.

2/ Bài đọc IIHr 12,5-7. 11-13

5 Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách.

6 Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.

7 Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?

11 Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.

12 Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ.

13 Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.

3/ Phúc ÂmLc 13,22-30

22 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy.

23 Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? ” Người bảo họ:

24 “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.

25 “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!

26 Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.

27 Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!

28 “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài.

29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

30 “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

———————————–

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự cần thiết của kỷ luật và hình phạt.

 Kỷ luật và hình phạt có cần thiết trong việc giáo dục con người không? Nhiều người nghĩ không cần, vì con người có tự do, có khôn ngoan, và trưởng thành đủ để biết cách cư xử; chỉ một điều cần là cắt nghĩa cho con người biết nẻo chính đường ngay. Nhiều người khác cho rất cần vì con người không luôn hành động theo những gì mình biết là tốt, vì còn mang tính yếu đuối xác thịt trong mình. Lịch sử và kinh nghiệm cho thấy con người không luôn làm những điều họ biết là tốt lành, nhưng lại làm những điều họ biết là dữ. Tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay đều có những luật lệ và hình phạt cho những ai vi phạm luật lệ.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật sự quan trọng của sửa phạt và kỷ luật. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah nhận ra tầm quan trọng của biến cố lưu đày. Nó giúp những người còn sót lại nhận ra tội lỗi và quay trở lại với tình thương Thiên Chúa. Nó cũng giúp cho ơn cứu độ được mở cho mọi người ở khắp nơi trên thế giới, chứ không giới hạn trong vòng của dân tộc Do-thái nữa. Trong bài đọc II, tác giả Thư Do-thái xác tín việc sửa dạy bởi Thiên Chúa là điều cần thiết để mọi người được lãnh nhận ơn cứu độ. Nếu Thiên Chúa không sửa phạt, con người sẽ có nguy cơ xa lìa Thiên Chúa đời đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu xác nhận: Nước Trời không phải dễ vào; nhưng chỉ dành cho những ai sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng. Người tín hữu trên danh hiệu hay người tín hữu thích sống cuộc đời dễ dãi và buông thả sẽ không được vào Nước Trời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu và sai những kẻ sống sót của họ đến các dân tộc.

1.1/ Ơn cứu độ chỉ dành cho những ai được tinh luyện và được mở rộng đến mọi người.

Biến cố mất nước và lưu đày xa quê hương phải xảy ra, vì con cái Israel đã lìa xa Thiên Chúa để chạy theo thờ phượng các thần của ngoại bang và không tuân giữ những luật lệ của Ngài, mặc dù các ngôn sứ đã cảnh cáo trước nhiều lần. Nếu Thiên Chúa không sửa phạt, họ sẽ chết trong tội của họ. Việc Thiên Chúa sửa phạt con cái Israel là để tinh luyện họ, chứ không phải để tiêu diệt, dù những kẻ cứng lòng vẫn phải chết trong tội của họ. Khi sống cực khổ nơi lưu đày, một số còn sót lại giữa họ nhận ra tội lỗi của họ và tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, nên đã quay trở về với tình thương đích thực và được cứu thoát.

Biến cố lưu đày cũng là một dấu chỉ để ơn cứu độ được lan tràn tới mọi dân tộc trên địa cầu. Ngôn sứ Isaiah có lẽ là người đầu tiên Thiên Chúa cho nhận ra tính phổ quát của ơn cứu độ. Thiên Chúa không chỉ cứu thoát dân tộc Do-thái mà còn dùng những người Do-thái sống sót để mang Tin Mừng cứu độ đến cho mọi dân tộc. Khi những người này đã nhận ra tình thương của Thiên Chúa, họ sẽ trở thành những người loan báo cho tình thương của Ngài.

Những địa danh được nhắc đến hôm nay “Tarshish, Put, Lut, Tuval, Giavan” là những nơi xa lạ, chỉ được đề cập đến lần đầu tiên trong Sách Sáng Thế 10:2-6. Tất cả những dân tộc này chưa hề được nghe nói đến Đức Chúa và chưa hề thấy vinh quang của Ngài; nhưng họ cũng sẽ được đón nhận Tin Mừng cứu độ và rao giảng Tin Mừng này cho các dân tộc khác.

1.2/ Cách thức thờ phượng Thiên Chúa sẽ đổi khác:

(1) Lễ phẩm dâng tiến Thiên Chúa không còn là chiên dê nữa, nhưng là những con người tin yêu Thiên Chúa. Đức Chúa phán: “giống như con cái Israel mang lễ phẩm trên chén dĩa thanh sạch đến Nhà Đức Chúa, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa – đưa bằng ngựa, xe, võng cáng, lừa và lạc đà – về trên núi thánh của Ta là Jerusalem.”

(2) Người làm việc trong Đền Thờ: không còn giới hạn trong dân tộc Do-thái và chi tộc Lêvi nữa, vì “trong bọn họ, Ta sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lêvi – Đức Chúa phán như vậy.”

Tất cả những gì được tiên báo bởi ngôn sứ Isaiah đã trở thành hiện thực khi Đức Kitô đến, tuy Jerusalem trên trời vẫn là trung tâm điểm của mọi dân tộc, nhưng việc thờ phượng Thiên Chúa mở rộng khắp nơi, chứ không còn giới hạn trong Thành Jerusalem của người Do-thái nữa.

2/ Bài đọc II: Đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách.

2.1/ Cần thiết của việc sửa dạy: Dạy dỗ và sửa phạt là hai yếu tố cần thiết của việc giáo dục, vì con người không luôn nhận ra điều tốt lành từ điều sai trái, và không luôn làm những điều tốt phải làm. Khi người cha phải sửa phạt con, ông không làm vì ghét bỏ hay để thỏa mãn cơn giận của ông, nhưng vì thương yêu nên ông không muốn con ông phải hứng chịu những đau khổ nặng hơn, hay để đề phòng nguy hiểm của cái chết sẽ xảy đến trong tương lai.

Sửa dạy là dấu chứng tỏ tình yêu của người cha đối với con mình; không chịu sửa dạy chứng minh sự vô trách nhiệm của người cha. Nhiều người con đã oán hận cha vì đã không chịu sửa dạy họ khi còn nhỏ, để giờ đây họ bị lâm vào tình trạng tứ đổ tường hay phải chịu giam cuộc đời trong nơi lao tù.

Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Do-thái phải nhớ những điều này khi chịu đau khổ: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?”

2.2/ Hậu quả của việc sửa dạy: Chúng ta có thể chia làm hai:

(1) Hậu quả gần: Người con có thể tức giận và ghét cha ngay lúc bị sửa dạy, vì con người không thích bị giam mình trong kỷ luật và hình phạt; nhưng thích tự do và dễ dãi.

(2) Hậu quả xa: Người con sẽ mang ơn cha khi học hành thành đạt và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc đời.

Thánh Phaolô cắt nghĩa: “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.”

Trên bước đường lên trọn lành, đau khổ là điều không thể thiếu cho các tín hữu, vì:

(1) Đau khổ làm con người trở nên mạnh mẽ trong niềm tin vào Thiên Chúa: Lửa thử vàng, gian nan thử nhân đức. Nếu không có đau khổ, làm sao một người chứng minh đức tin của họ vào Thiên Chúa. Mỗi lần chịu đau khổ, người tín hữu sẽ cảm thấy đức tin vào Thiên Chúa ngày càng mạnh hơn.

(2) Đau khổ cơ hội để tập luyện các nhân đức: Khi con người phải sống trong đau khổ, con người dễ gia tăng đức ái, vì họ biết thông cảm với những ai cùng hoàn cảnh, ví dụ: chịu bệnh. Đau khổ cũng giúp con người rèn đức kiên nhẫn, người kiên trì trong đau khổ sẽ dễ thành công…

(3) Đau khổ chữa lành các vết thương phần hồn là tội lỗi: Khi phải chịu đau khổ, con người có thời gian để hồi tâm, nhận ra tội lỗi, và ăn năn trở lại để được Thiên Chúa tha thứ.

Vì thế, các tín hữu: “Hãy khuyên nhủ nhau chịu đựng đau khổ trên tiến trình trở nên trọn lành… hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.”

3/ Phúc Âm: Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào.

3.1/ Vào Nước Trời dễ hay khó? Có ít nhất 3 câu trả lời:

(1) Có nhiều người cắt nghĩa vì Thiên Chúa là Cha nhân từ, không muốn một người con nào phải hư đi, nên sai Con Một của Ngài đổ máu để tha thứ mọi tội lỗi cho con người, nên họ kết luận: Thiên Chúa sẽ cứu tất cả mọi người. Đây là thuyết “cứu độ phổ quát” (Universalism). Giáo Hội kết án học thuyết này, vì tuy ơn cứu độ được dâng tặng cho mọi người, nhưng không phải mọi người đều đón nhận. Thiên Chúa sẽ không cứu những người không muốn được cứu, vì làm như thế là vi phạm tự do của họ.

(2) Nhiều người khác cho chỉ cần “tin” vào Đức Kitô là đủ, như thánh Phaolô dạy trong Thư Rôma và Thư Galat. Các việc tốt lành của con người không có sức mạnh để đem lại ơn cứu độ nên con người chẳng cần phải “làm.” Nếu họ chịu đọc hai Thư này cách chính xác và khách quan, họ sẽ thấy thánh Phaolô đòi cả đức tin lẫn việc làm.

(3) Nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự khó khăn của việc vào Nước Trời như: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác Thập Giá của mình hằng ngày mà theo.” Hay trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu trả lời: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” Nói cách khác, nếu một người không sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, người ấy sẽ không được cứu độ.

Con người có khuynh hướng thích dễ dãi nên dễ chấp nhận hai giả thuyết (1) và (2); nhưng họ phải cẩn thận vì họ sẽ phải trả giá cho việc “đánh bạc” này. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, vì nói như Phúc Âm hôm nay: “một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!” Ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!””

3.2/ Vào Nước Trời không chỉ dựa trên việc biết Chúa hay biết những gì Ngài dạy.

Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.” Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”

Kitô hữu chỉ trên danh hiệu hay chỉ sống đạo bằng những hình thức hời hợt bên ngoài sẽ không bao giờ đạt được ơn cứu độ. Câu trả lời của ông chủ không đề cập đến việc biết ông; nhưng nhấn mạnh đến việc “làm” điều bất chính.

Ơn cứu độ cũng không dựa trên việc có địa vị này hoặc có uy quyền khác, nhưng được mở rộng cho tất cả những người thành tậm thiện chí tin tưởng nơi Thiên Chúa và thực thi những điều Ngài dạy. Vì thế, chúng ta đừng quá tự mãn với quyền lực, danh vọng, địa vị, và tiền của đời này, vì “có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

—————————-

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Không có gì quan trọng hơn là đạt được cuộc sống đời sau, chúng ta đừng để bất cứ điều gì ngăn cản chúng ta đạt được mục đích này.

– Thiên Chúa là Cha nhân từ sẽ dùng mọi cách để chúng ta được sống đời đời với Ngài, trong đó cả việc sửa phạt, chúng ta hãy khôn ngoan để nhận ra, vâng lời làm theo, và biết sửa trị các lỗi lầm.

– Danh xưng Kitô hữu không đủ cho chúng ta đạt tới Nước Trời; nhưng chúng ta cần phải đáp ứng những đòi hỏi của Tin Mừng. Chúng ta đừng dễ rơi vào bẫy của ma quỉ để chọn lựa những đạo nào đòi hỏi việc giữ luật ít, hay không cần giữ luật, hay chỉ cần giữ đạo tại tâm.

Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1362:ch-nht-21-thng-nienc&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here