Chủ Nhật, XVI, Thường Niên, Năm C

0
587

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc ISt 18, 1-10a

1 ĐỨC CHÚA hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày.

2 Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy

3 và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. 4 Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây.

5 Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây! ” Khách trả lời: “Xin cứ làm như ông vừa nói!”

6 Ông Áp-ra-ham vội vã vào lều tìm bà Xa-ra mà bảo: “Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh.”

7 Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt. 8 Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa.

9 Khách nói với ông: “Bà Xa-ra vợ ông đâu?” Ông đáp: “Thưa nhà tôi ở trong lều.”

10 Người nói: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai.” Bà Xa-ra bấy giờ đang nghe ở cửa lều, phía sau.

2/ Bài đọc IICl 1, 24-28

24 Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.

25 Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn,

26 rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.

27 Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang.

28 Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô.

3/ Phúc ÂmLc 10, 38-42

38 Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà.

39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.

40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”

41 Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!

42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

—————————————

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tinh thần hiếu khách

Tiếp rước khách vào nhà là cả một nghệ thuật đòi chúng ta phải biết nhiều thứ, nhưng hai điều quan trọng nhất là ý thích của khách và hoàn cảnh sinh sống của chúng ta. Nhiều người nghĩ cách đón tiếp trọng thể nhất là mâm cao cỗ đầy; nhưng nếu những thứ làm ra không hợp khẩu vị hay ý thích của khách, hậu quả là vừa mất thời giờ vừa lãng phí đồ ăn. Người khác lại nghĩ chỉ cần đơn giản vài món, hậu quả là khách cảm thấy họ bị xúc phạm.

Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta trau dồi nghệ thuật tiếp khách; nhất là khi tiếp đón Thiên Chúa, vị thượng khách Tối Cao. Trong bài đọc I, Abraham, tuy không biết ba vị khách đến thăm mình là ai, nhưng đã tiếp ba vị khách qua đường hết lòng. Hậu quả ông nhận được là ba vị thượng khách đó quan tâm để cảnh góa bụa của Sarah, vợ ông. Các ngài hứa năm sau khi trở lại, Sarah sẽ sinh cho Abraham một bé trai để nối dõi tông đường. Trong bài đọc II, thánh Phaolô biết rõ Vị Thượng Khách của mình cần gì và khả năng của mình có thể làm được. Ông xin chịu tất cả những gian nan mà Đức Kitô còn phải chịu để giúp cho thân thể của Ngài là Hội Thánh được đạt tới mức vẹn toàn. Trong Phúc Âm, em Maria đã biết được ý của Chúa Giêsu khi Ngài đến thăm nhà, nên em ngồi dưới chân Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng dạy. Khi chị Martha than phiền với Chúa Giêsu vì cô em không giúp mình việc bếp núc, Chúa Giêsu chỉ cho Martha thấy rõ cô đã không hiểu ý Thiên Chúa: “Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

———————————————-

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nếu tôi được đẹp lòng Ngài, xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.

1.1/ Tinh thần hiếu khách của Abraham

Theo trình thuật, chỉ có người viết biết một trong ba vị khách là Thiên Chúa, Abraham không biết điều này vì ba vị đều trong hình dạng con người.

Xét hoàn cảnh đón khách của Abraham, chúng ta thấy tinh thần hiếu khách của ông đã đạt tới mức tuyệt đỉnh.

– Đây là ba người khách lạ, Abraham không quen những người này. Họ là khách qua đường.

– Họ đến bất ngờ, Abraham không biết trước để chuẩn bị cho chu đáo.

– Họ đến vào thời tiết nóng nực nhất trong ngày; không ai muốn nấu nướng vào lúc nóng nực như thế.

– Abraham niềm nở chạy ra săn đón và năn nỉ mời khách vào nhà.

– Ông đón tiếp rất tử tế: Abraham sụp lạy khách, lấy nước rửa chân cho khách, mời khách vào bàn ăn trong khi ông đứng để phục vụ.

– Ông tỏ ra rất rộng lượng trong việc đón khách: ba thúng tinh bột, con bê tơ, sữa chua, sữa tươi…

Tất cả những điều này chứng minh tinh thần hiếu khách của Abraham và Sarah. Trình thuật có vấn đề khó khăn để hiểu văn bản trong câu 3: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.” Danh từ “Ngài” ở ngôi thứ nhất số ít; trong khi câu 4 và 5 đều ở ngôi thứ nhất số nhiều, “các ngài.” Nhiều học giả thắc mắc không biết Abraham có nhận ra Đức Chúa đến viếng thăm ông không; và nếu có, ông nhận ra lúc nào?

1.2/ Phần thưởng được hứa cho Abraham

Vì Abraham không biết Đức Chúa đến thăm mình, ít nhất ngay từ đầu, nên sự đón tiếp của ông là đón tiếp khách một cách vô vị lợi: ông không nhằm được ích lợi gì cả. Sau khi thấy Abraham tiếp đón mình cách tử tế, ba vị khách hỏi thăm Sarah, vợ của Abraham. Họ hứa ban cho hai vợ chồng một phần thưởng trọng hậu là có con trai trong lúc tuổi già. Họ hứa: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sarah vợ ông sẽ có một con trai.”

2/ Bài đọc II: Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì Đức Kitô và vì Hội Thánh.

2.1/ Phaolô biết những gì Đức Kitô mong muốn.

Yêu thương ai là phải biết tính tình và sở thích của người đó. Nếu con người yêu thương Thiên Chúa, họ sẽ cố gắng làm trọn ba điều đầu tiên của Kinh Lạy Cha: Xin cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Phaolô yêu Đức Kitô, thánh nhân biết hai ý định của Đức Kitô: (1) Ngài muốn cho ơn cứu độ được lan rộng tới mọi người qua việc rao giảng Tin Mừng, và (2) Ngài muốn cho Giáo Hội, thân thể của Ngài được trở nên tinh tuyền thánh thiện qua Lời Chúa và các bí tích.

2.2/ Phaolô muốn hoàn thành ý định của Đức Kitô.

(1) Rao giảng Tin Mừng là chấp nhận đau khổ và thiếu thốn mọi đàng, vì con người thế gian không luôn sẵn sàng chấp nhận. Đó là lý do mà thánh Phaolô nói: Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức. Những gian nan này có thể là sự từ chối nghe Tin Mừng, đánh đập, tù đày, và ngay cả cái chết.

Nhưng Tin Mừng có sức mạnh thay đổi con người và giúp họ đạt được ơn cứu độ. Phaolô nói với các tín hữu Colossê: Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô.

Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang.

(2) Thánh hóa Hội Thánh: Khi chịu Phép Rửa, người tín hữu được tháp nhập vào thân thể của Đức Kitô, là Hội Thánh. Vì thế, thánh Phaolô tìm mọi cách để Hội Thánh trở nên tinh tuyền, thánh thiện, và nhất là luôn hiệp nhất trong đức ái. Thánh Phaolô hãnh diện tuyên xưng: Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.”

3/ Phúc Âm: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

3.1/ Em Maria chọn ngồi bên chân Chúa để nghe Ngài giảng dạy.

Nhiều người chắc cũng nghĩ như chị Martha: con bé này lười quá hay “mồm miệng đỡ tay chân!” Nhưng đây là một lựa chọn rất tính toán và khôn ngoan, như Chúa Giêsu đã phải khen Maria bên dưới. Một số lý do có thể Maria đã dựa vào để làm sự lựa chọn này:

+ Cô biết rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: phải chọn Thiên Chúa trước hết. Maria biết chẳng có ai có những lời khôn ngoan và mang lại sự sống như Chúa Giêsu; vì thế, cô phải hoãn tất cả các việc khác để lắng nghe những gì Ngài muốn truyền đạt.

+ Cô biết nắm lấy cơ hội khi nó xảy đến: Một người bận rộn rao giảng như Chúa không dễ gặp. Cô biết cơ hội để đàm đạo với Chúa không thường xảy ra: nếu không biết nắm lấy ngay, cô không biết có còn cơ hội nào khác không! Chúng ta phải học nơi Maria điều này, để khi Chúa gởi những nhà rao giảng đến, chúng ta biết sắp xếp công việc hàng ngày để nghe những gì họ rao giảng. Đừng giả sử cơ hội sẽ có mãi, kẻo phải tiếc nuối sau này!

+ Khách đến nhà không chỉ để ăn, nhưng còn để chuyện vãn, tâm sự. Maria thấy chị bận rộn nấu nướng; cô chọn để trò chuyện với Chúa. Nhiều người chúng ta không chịu để ý đến khía cạnh tế nhị này; nên đã để cho khách ngồi một mình trong phòng khách chờ đợi trong khi chúng ta chuẩn bị thức ăn dưới bếp. Hiểu như thế, quyết định của Maria thật sáng suốt: chị lo nấu ăn, em lo tiếp khách.

3.2/ Chị Martha chọn để vất vả lo việc phục vụ Chúa Giêsu.

Khi một thượng khách như Chúa Giêsu đến nhà, đó là lúc để chủ nhà biểu tỏ tài nội trợ, nấu nướng, và tính hiếu khách. Chúng ta không lạ gì khi Martha quá vất vả lo lắng tới độ cô tiến lại Chúa Giêsu và than phiền với Ngài: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Ngược lại với những gì Martha mong đợi, Chúa Giêsu đáp: “Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ câu trả lời của Chúa Giêsu:

+ Martha không hiểu rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: Chúa Giêsu sữa chữa lỗi lầm cho cô khi Ngài nói: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Thức ăn có ngon mấy chăng nữa rồi cũng qua đi; nhưng Lời Chúa sẽ ở lại trong tâm hồn và soi sáng cho con người biết cách sống thế nào để có hạnh phúc trong cuộc đời.

+ Martha không quan tâm đến người khác: Cô có thể nghĩ chỉ có việc của cô mới đáng làm, việc của Maria không quan trọng! Đây là một lỗi lầm mà nhiều người chúng ta mắc phải. Chúng ta đừng bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như mình, vì mỗi người có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Chúng ta cũng không hiểu đủ để xác quyết việc nào là việc tốt nhất, cho đến khi được tuyên bố rõ ràng bởi Thiên Chúa.

+ Martha không biết sắp xếp thời giờ: Có thể Martha không biết khi nào Chúa đến, vì ngày xưa không có thói quen có giờ hẹn như thời nay. Dù sao chăng nữa, Martha không nên lo lắng quá nhiều đến chuyện ăn uống, vì khách tới nhà để thăm viếng chứ không chỉ để ăn! Các gia đình Việt-nam chúng ta cần chú trọng điều này, để đừng làm quá nhiều thức ăn mỗi khi tiếp khách. Hầu hết trong các bữa tiệc, khách không dùng hết một nửa các thức ăn của chủ nhà bày ra. Hậu quả là gia chủ phải ăn đồ thừa hay phải lãng phí thức ăn cách không cần thiết.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Hai giới răn “mến Chúa yêu người” đòi chúng ta phải có tinh thần hiếu khách với Thiên Chúa và với tha nhân. Để tỏ tinh thần hiếu khách đúng đắn, chúng ta cần biết những gì Thiên Chúa và tha nhân muốn, và những gì chúng ta có thể làm được.

– Tổ chức ăn uống linh đình không phải là dấu hiệu của tinh thần hiếu khách, vì nhiều khi chúng ta quá chú trọng vào việc nấu nướng và chuẩn bị, chúng ta có thể bỏ qua những lịch sự tối thiểu và làm buồn lòng khách.

– Những giá trị tinh thần như ơn cứu độ, rao giảng Tin Mừng, tinh thần hiệp nhất, và sống đạo phải đặt trên những ăn uống và tiệc tùng.

(Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1325:ch-nht-16-thng-nienc&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here