Chủ Nhật XIX Thường Niên, Năm C

0
943

Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc I: Kn 18,6-9

6 Đêm ấy đã được báo trước cho cha ông chúng con, để khi biết chắc lời hứa mình tin là lời hứa nào các ngài thêm can đảm. 7 Dân Chúa đã trông đợi đêm ấy như đêm cứu thoát người chính trực và tiêu diệt kẻ địch thù. 8 Quả vậy, Chúa dùng hình phạt giáng xuống đối phương để làm cho chúng con được rạng rỡ và kêu gọi chúng con đến với Ngài.

9 Con lành cháu thánh của những người lương thiện âm thầm dâng lễ tế trong nhà.
Họ đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa, là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia. Và ngay từ bấy giờ, họ đã xướng lên những bài ca do cha ông truyền lại.

2/ Bài đọc IIHr 11,1-2; 8-12 (19)

1 Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. 2Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám.

8 Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. 9 Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông I-xa-ác và ông Gia-cóp là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, 10 vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng. 11 Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. 12 Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được.

3/ Phúc ÂmLc 12,32-48

32 “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. 33 “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. 34 Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó. 35 “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. 39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người? ” 42 Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? 43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. 47 “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

———————————-

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng và trung thành giữ Lời Thiên Chúa.

Có nhiều người tin vào câu nói: “Phải thấy mới tin; tin mà không thấy là tin dị đoan” mà chẳng cần kiểm chứng gì cả. Có nhiều điều sai trái trong câu này. Thứ nhất, khi một người nói tin, là anh tin vào điều anh chưa thấy; nếu đã thấy rồi thì không cần phải tin nữa. Ví dụ, chẳng ai nói: “Tôi tin là tôi đã tìm được số bạc mà tôi đã đánh mất;” nhưng chỉ nói “Tôi đã tìm được số bạc mà tôi đã đánh mất.” Thứ hai, khi một người nói: “tin mà không thấy là tin dị đoan” là một điều hàm hồ, vì có những điều người đó vẫn tin mặc dù không thấy. Ví dụ, chẳng ai thấy hơi thở, nhưng nếu thấy một người đang sống, anh phải tin là người ấy có hơi thở; hay chẳng ai thấy dòng điện chạy, nhưng chẳng ai dám đưa tay sờ vào ổ điện.

Các bài đọc hôm nay dẫn chứng niềm tin vào Thiên Chúa không phải là dị đoan; nhưng là niềm tin có kiểm chứng bằng những lời Thiên Chúa hứa và các việc Ngài làm. Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan lặp lại lời hứa ban Đất Hứa của Thiên Chúa cho các tổ phụ. Ngài bắt đầu thực hiện trong đêm ấy, khi Ngài đưa dân ra khỏi miền đất nô lệ của Ai-cập, lang thang trong sa mạc 40 năm, và sau cùng cho họ định cư trong Đất Hứa, “vùng đất chảy sữa và mật.” Trong bài đọc II, sau khi đã cho một định nghĩa chính xác về niềm tin, tác giả Thư Do-thái dẫn chứng bằng những ví dụ lịch sử cho thấy những lời Thiên Chúa hứa và những việc Thiên Chúa làm luôn tương xứng với nhau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ phải tin tưởng và tỉnh thức chuẩn bị cho Ngày Thiên Chúa đến, Ngày mà họ sẽ được lãnh nhận tất cả những gì Thiên Chúa hứa ban cho các đầy tớ trung thành và khôn ngoan.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đêm ấy đã được báo trước cho cha ông chúng con.

Đêm Vượt Qua là một biến cố vĩ đại mà không người Do-thái nào không biết, vì họ phải cử hành mỗi năm theo như luật Đức Chúa truyền. Mỗi khi cử hành biến cố này, họ nhắc nhở cho nhau uy quyền và tình thương của Đức Chúa dành cho họ, để họ biết sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa. Mỗi khi con cái Israel quên Đức Chúa và các Lề Luật của Ngài, Đức Chúa truyền cho các nhà lãnh đạo và các ngôn sứ nhắc nhở cho dân chúng nhớ lại biến cố này, để biết quay trở lại và tin vào Ngài.

1.1/ Đêm Vượt Qua của dân tộc Do-thái: Đức Chúa đã báo trước cho ông Moses và ông Aaron biết những gì xảy ra trong đêm ấy. Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vào tất cả các nhà của người Ai-cập để tàn sát tất cả các con đầu lòng của loài người cũng như loài vật; nhưng các thiên thần sẽ không vào những nhà nào có máu bôi trên cửa, mà ông Moses đã bí mật nói cho toàn dân phải làm khi giết con chiên Vượt Qua.

1.2/ Những gì đã xảy ra trong đêm ấy: Sự thật đã xảy ra như thế. Khi thấy các con đầu lòng của người Ai-cập bị tiêu diệt, vua Pharaoh và toàn dân đã phải xin ông Moses ra lệnh cho dân Do-thái phải tức khắc rời bỏ đất Ai-cập. Rồi khi vua Pharaoh đổi ý đuổi theo để bắt dân Do-thái trở lại, toàn bộ chiến xa và quân đội của nhà vua đã bị nhận chìm trong Biển Đỏ. Khi con cái Israel chứng kiến tất cả những cảnh tượng xảy ra trong đêm đó, họ nhận ra uy quyền và tình thương của Thiên Chúa dành cho họ, và họ hát lên những bài ca để ca tụng Thiên Chúa. Từ đó đến nay, họ vẫn giữ truyền thống cử hành trọng thể Lễ Vượt Qua mỗi năm, bằng việc giết con chiên tinh tuyền để ăn với bánh không men và rau đắng. Sự kiện này muốn nhắc nhở cho con cái Israel biết khi Đức Chúa hứa điều gì, Ngài sẽ làm; cho dẫu những điều Ngài hứa vượt quá khả năng bà sự tiên liệu của con người.

2/ Bài đọc II: Các tổ phụ tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín.

2.1/ Định nghĩa đức tin: Tác giả Thư Do-thái định nghĩa đức tin như sau: “Đức tin là điều chính yếu (hupostasis) của những gì ta hy vọng, là sự xác tín cho những điều ta không thấy.” Chúng ta có thể chia định nghĩa này làm hai để phân tích.

(1) Đức tin là điều chính yếu (hupostasis) của những gì ta hy vọng: Chữ chính yếu đây được dùng như bản thể khi nói Đức Kitô đồng bản thể với Đức Chúa Cha. Đức tin và đức cậy đi đôi với nhau, cái gì là chính yếu của đức tin thì cũng là như vậy của đức cậy. Đức tin là một sự thuyết phục của lý trí làm cho con người tin tưởng Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã hứa. Sự tin tưởng này mạnh đến độ làm cho con người cảm thấy tâm hồn được vui vẻ và bình an.

(2) Nó là sự xác tín cho những điều ta không thấy: Đức tin chứng minh cho lý trí những thực tại mà không thể hiểu bởi trí khôn con người. Đức tin là một sự đồng ý chắc chắn của linh hồn về những mạc khải thần linh và những gì liên quan đến chúng. Tuy nhiên, đức tin và lý trí không mâu thuẫn nhau, nếu một người nhận ra lý trí con người có giới hạn của nó. Điều con người không hiểu không có nghĩa là điều ấy không có, nhưng vì trí khôn con người yếu kém chưa hiểu được điều đó. Ví dụ, cắt nghĩa triết học cho học sinh tiểu học.

Hơn nữa, đức tin là một trong ba nhân đức đối thần; gọi là đối thần vì có đối tượng là Thiên Chúa hay những sự thuộc về Thiên Chúa. Con người chỉ có thể hiểu những đối tượng vật chất trong thế giới con người. Con người tự mình không có khả năng để tin vào Thiên Chúa, nên họ cần được sự trợ giúp của Thiên Chúa qua mạc khải và ơn thánh, để họ có thể tin vào Ngài.

2.2/ Hai ví dụ về đức tin của tiền nhân: Thiên Chúa không để con người phải vật lộn với đức tin, nhưng Ngài ban cho con người trí khôn để hiểu biết lịch sử của những người đã đặt niềm tin vào Ngài. Tác giả Thư Do-thái dẫn chứng cho độc giả rất nhiều niềm tin của các tổ phụ trong quá khứ; trình thuật hôm nay chỉ đề cập đến hai tổ phụ.

(1) Đức tin của tổ phụ Abraham: Theo truyền thống của Do-thái cũng như Ả-rập, tổ phụ Abraham là người rất nghiêng về lý trí. Truyền thống Do-thái kể: Abraham không thể thờ lạy thần mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao, vì tất cả đều mọc lên rồi lặn xuống theo qui luật của Đấng Tạo Dựng chúng. Truyền thống Hồi-giáo kể: Cha của Abraham là Terah, ông không chỉ thờ 12 thần, mỗi thần cho một tháng, mà còn có cả một xưởng để làm các thần. Ngày kia có một bà mang đồ ăn đến cúng cho các thần. Abraham lấy một cây gậy đánh bể tất cả các thần, rồi đặt cây gậy vào tay một thần to lớn. Khi cha ông trở về hỏi lý do tại sao các thần bị đập bể, ông chỉ vào một thần còn sót lại và nói với cha: chính thần này vì ham ăn nên đã đập vỡ các thần kia. Khi cha ông bảo là chuyện không thể xảy ra, ông liền nói với cha đừng thờ và đừng bán các thần đó nữa.

Abraham có một niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa đến nỗi Ngài bảo gì, ông làm như vậy.

(2) Đức tin của tổ mẫu Sarah: Việc có con trong lúc cả Abraham và Sarah đã trên 90 tuổi là điều không thể đối với con người. Bà đã bật cười khi bà nghe người khách hứa với Abraham: “Độ rày sang năm, Sarah vợ ông sẽ cưu mang cho ông một con trai” (Gen 18:12), vì bà nghĩ bà không còn rung cảm gì khi nghĩ đến chuyện chăn gối nữa, chứ đừng nói tới việc có con. Đức Chúa sửa dạy bà: “Nào có điều kỳ diệu nào vượt sức Đức Chúa?”

Thế mà mọi chuyện đã xảy ra đúng như lời Đức Chúa hứa. Mùa Xuân năm sau, Đức Chúa trở lại thăm, và ông bà đã có một người con trai. Ông Abraham được 100 tuổi khi sinh đứa con là Isaac. Hai ông bà đặt tên cho con là Isaac, tiếng Do-thái có nghĩa là “nụ cười.” Bà Sarah nói: “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười; tất cả những ai nghe biết sẽ cười tôi.” Bà còn nói: “Ai dám báo trước cho ông Abraham rằng Sarah sẽ cho con bú? Thế mà tôi đã sinh cho ông một con trai, khi ông đã về già!” (Gen 21:6-7).

3/ Phúc Âm: “Đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.”

Lời hứa ban Nước Trời cho các môn đệ đước Chúa Giêsu nhắc lại nhiều lần; vì thế, các tín hữu không thể sống như không có Nước Trời. Họ phải sống đời này với cặp mắt luôn hướng về đời sau. Họ không được tích trữ của cải đời này, nhưng phải biết dùng nó cho các công cuộc bác ái, để tích trữ cho họ kho tàng không hư nát trên trời, “một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá.” Chúa Giêsu liệt kê hai điều kiện để được chấp nhận vào làm công dân Nước Trời.

3.1/ Phải tỉnh thức chờ đợi ngày Chúa đến.

Làm sao có thể tỉnh thức mà chờ đợi mọi lúc? Chúa Giêsu trả lời: Hãy luôn sống như thể chủ đến bất cứ lúc nào. Một ví dụ cụ thể giúp chúng ta hiểu điều này là khẩu hiệu “Sắp Sẵn” và cách huấn luyện của phong trào Hướng Đạo. Các em được huấn luyện về mọi chuyên môn như: mưu sinh thoát hiểm, cứu thương, nấu ăn, bơi lội… Mục đích là để các em luôn có những kiến thức và khả năng này trong mình, để khi phải đương đầu với những nguy hiểm xảy ra, các em biết giải quyết làm sao. Trên bước đường thiêng liêng cũng thế, các tín hữu phải tập luyện và phát triển tất cả các nhân đức mà Kinh Thánh dạy như ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến; bốn nhân đức trụ khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ; cùng tất cả các nhân đức khác; nhất là đừng mang một tội trọng nào trong người cả, khi nỡ phạm phải tìm dịp xưng ngay.

Trình thuật hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta ngày Chúa đến không nhất thiết là Ngày Tận Thế, có thể là ngày cuối cùng của đời mình; vì ngày chúng ta chết có khác gì ngày tận thế của cuộc đời chúng ta đâu.

3.2/ Phải trung thành phục vụ trong khi chờ đợi Chúa đến.

Ông Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa Giêsu đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?” Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, tất cả mọi người đều ở trong vai trò lãnh đạo, chỉ khác là là lãnh đạo nhiều người hay ít người thôi. Các cha mẹ lãnh đạo các con của mình, linh mục lãnh đạo giáo xứ, Đức Giáo Hoàng lãnh đạo cả hoàn cầu. Lãnh đạo theo cách thức của Thiên Chúa là phải hy sinh và phục vụ; chứ không phải lạm dụng quyền hành để bắt người khác phục vụ, hay để áp đảo những người dưới quyền mình. Mọi quyền hành đến từ Thiên Chúa và họ sẽ phải chịu trách nhiệm với Ngài.

Sau cùng, Chúa Giêsu nói về sự thưởng phạt và trách nhiệm. Ai chu toàn bổn phận sẽ được thưởng, ai không chu toàn sẽ bị phạt. Người đã được học biết chịu trách nhiệm nặng hơn người không biết. Ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Không một điều gì là không thể đối với Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ giới hạn Ngài vào sự suy nghĩ và cách thức của con người.

– Chúng ta cần phải xác tín những gì Thiên Chúa hứa Ngài sẽ thực hiện. Nếu Ngài đã hứa ban Nước Trời cho những kẻ tin tưởng và làm theo ý Ngài muốn, Ngài sẽ thực hiện. Điều quan trọng là chúng ta phải luôn tỉnh thức và trung thành phục vụ anh/chị/em.

(Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1347:ch-nht-19-thng-nienc&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here