Chủ Nhật XIV Thường Niên, Năm C

0
1678

Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Bài đọcXh 32:7-11, 13-14;

1/ Bài đọc I7 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. 8 Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: “Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.”

9 ĐỨC CHÚA lại phán với ông Mô-sê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ.

10 Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.”

11 Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: “Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? 13 Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.”

14 ĐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.

2/ Bài đọc II1 Tm 1:12-17;

12 Tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người.

13 Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.

14 Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người.

15 Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.

16 Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời. 17 Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.

3/ Phúc ÂmLk 15:1-10 (hay 1-32).

1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? 5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.

7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

8 “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? 9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.

10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng nhân từ của Thiên Chúa

Nhân từ là một trong những đặc tính của Thiên Chúa. Lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ qua tình yêu và sự tha thứ Ngài dành cho con người. Lòng nhân từ của Thiên Chúa không có thời gian và biên giới: bao lâu con người biết thực tâm thống hối và quay về, Ngài sẵn sàng tiếp nhận và phục hồi quyền làm con cho họ. Trong tiến trình hòa giải, Thiên Chúa luôn đi bước trước bằng cách dùng những người trung gian và ban cơ hội để tội nhân có thể quay về. Lòng nhân từ của Thiên Chúa là lý do không những làm con người có cơ hội trở lại mà còn làm thăng hoa người trở lại để họ tỏ lòng nhân từ cho tất cả những ai cần đến.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho các tội nhân. Trong bài đọc I, khi Thiên Chúa có ý định muốn tiêu diệt con cái Israel vì họ đã đúc một con bê bằng vàng để thờ lạy nó thay vì Ngài, ông Moses đã hết lòng cầu xin cùng Thiên Chúa cho dân vì hai lý do: để bảo vệ Danh Thánh của Thiên Chúa và giữ lời hứa với các tổ phụ. Thiên Chúa đã nhận lời và không tiêu diệt dân lúc đó. Trong bài đọc II, Phaolô nhớ lại lòng nhân từ Thiên Chúa đã dành cho ông trên đường đi Damascus bắt bớ các tín hữu tin theo Đức Kitô. Ông biết Thiên Chúa muốn ông cảm nghiệm lòng nhân từ của Ngài, để rồi khi tới lượt, ông có thể tự bày tỏ lòng nhân từ của Thiên Chúa cho tha nhân. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kể cho dân ba câu truyện (hai trong bài đọc ngắn) để diễn tả lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho tội nhân.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Moses là người trung gian cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho dân.

1.1/ Dân ngươi đã hư hỏng rồi: Hậu trường của trình thuật hôm nay là biến cố 40 năm thử thách và thanh luyện trong sa mạc, trước khi đưa con cái Israel vào Đất Hứa. Khi Moses ở trên núi Sinai với Thiên Chúa để Ngài ban hành Thập Giới cho dân lâu quá, dân chúng dưới trại tưởng họ đã mất ông; nên họ mới chạy đến ông Aaron hỏi, và ông này đã yêu cầu họ đưa vàng vòng cho ông, và ông đã đúc một con bê bằng vàng cho họ tôn thờ.

Vì thế, Đức Chúa phán với ông Moses: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: “Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.””

Còn gì buồn hơn khi Thiên Chúa và ông Moses đang lo cho dân chúng hết mọi sự về tinh thần cũng như thể xác, mà dân dễ dàng thay đổi và sa chước cám dỗ cách nhanh chóng. Họ vừa mới chứng kiến uy quyền và tình thương của Thiên Chúa qua việc vượt thoát ra khỏi đất nô lệ Ai-cập; giờ thay dạ đổi lòng và mù quáng đến độ sụp lạy một con vật vô tri vô giác do chính tay mình tạo nên, và cho nó là thần đã giải thoát mình! Nếu Thiên Chúa hành xử theo công bằng, không ai có thể trách Ngài được một lời vì tội quá to lớn của con cái Israel. Nhiều người chắc cũng đồng ý với Thiên Chúa: “Xin Ngài cứ thẳng tay tiêu diệt lũ vô ơn bội nghĩa đó!”

Để tránh cho Moses khỏi thất vọng, Đức Chúa lại phán với ông: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng; nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.”

1.2/ Ông Moses cố làm cho nét mặt Đức Chúa dịu lại: Moses có lẽ đã học được bài học nhân từ của Thiên Chúa, vì chính ông cũng đã từng xin Ngài cất gánh nặng con cái Israel khỏi vai ông, khi họ than phiền vì không có thịt để ăn: “Ông Moses nghe thấy dân tụm năm tụm bảy theo thị tộc mà kêu khóc tại cửa lều của mình. Còn Đức Chúa thì bừng bừng nổi giận. Ông lấy làm khổ tâm và thưa với Đức Chúa: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con? Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: “Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng? Con lấy đâu ra thịt cho cả dân này ăn, khi chúng khóc lóc đòi con: “Cho chúng tôi thịt để chúng tôi ăn?” Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con” (Num 11:10-14).

Trong tiến trình giáo dục con người, cả Thiên Chúa, người lãnh đạo, và dân chúng đều phải rất kiên nhẫn; vì dễ dàng để phủi tay, phá hủy và xây dựng lại, nhưng rất khó để thay đổi những cái cũ đã hư. Con người không phải là một đồ vật để có thể vứt đi và mua sắm đồ mới; nhưng họ cần được sửa đổi cho tốt lành hơn. Giáo dục con người để trở nên tốt lành là một tiến trình có khi đòi cả một đời người.

Ông Moses dùng hai lý do để xin Thiên Chúa đừng tiêu diệt dân: (1) Để bảo vệ Danh Chúa, vì ông sợ người Ai-cập sẽ nói Ngài mang dân vào sa mạc để tiêu diệt họ. (2) Lời Thiên Chúa hứa với các tổ-phụ là sẽ ban một dòng dõi và Đất Hứa. Đức Chúa đã thương không giáng phạt dân Người như Người đã đe.

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã chứng tỏ lòng nhân từ của Người cho Phaolô.

2.1/ Phaolô nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa: Hậu trường của trình thuật hôm nay là biến cố ngã ngựa, trở thành mù lòa, và được sáng mắt của Phaolô trên đường đi Damascus. Phaolô biết Đức Kitô đã tha thứ, tuyển chọn, và ban sức mạnh của Người cho ông đang khi ông còn là tội nhân, vì ông đang trên đường đi Damascus để bắt các tín hữu của Ngài về cầm tù tại Jerusalem.

Hai lý do chính của việc bắt đạo Phaolô liệt kê ra: (1) Kiêu ngạo: ông nghĩ con người có thể được cứu độ bằng việc giữ luật cách nghiêm chỉnh, chứ không cần tin vào một ông Giêsu nào đó đã chết. (2) Vô ý thức hay không biết sự thật như ông nói: “Tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.” Đây là lý do mà đa số con người phải đương đầu với khi phạm tội.

Cả hai lý do này đều có thể tránh được nếu con người biết khiêm nhường học hỏi sự thật. Thiên Chúa trang bị cho Phaolô và mọi người tất cả những thứ cần thiết để họ luôn biết kết hợp với Ngài. Điều cần là các tín hữu phải biết nhận ra và chạy đến lãnh nhận những ơn lành cần thiết để khỏi bị sa ngã. Nếu không, thuốc mặc dù đã có sẵn, nhưng không thể chữa bệnh cho những người không biết hay từ chối uống.

2.2/ Phaolô tuyên xưng lòng nhân từ của Thiên Chúa cho mọi người: Sau khi đã cảm nghiệm được lòng nhân từ của Thiên Chúa, Phaolô biết có hai điều ông phải làm:

(1) Tuyên xưng lòng nhân từ Thiên Chúa đã dành cho ông: Phaolô biết rõ mọi người cần được nghe Tin Mừng của Đức Kitô để họ cũng được cứu độ. Ông mạnh dạn tuyên xưng: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.”

(2) Biết đối xử nhân từ với những tội nhân: Ngài muốn ông cảm nghiệm rõ thế nào là sự xấu xa của tội lỗi, và thế nào là lòng nhân từ vô bờ của Thiên Chúa; để rồi khi tới phiên ông, ông có sức mạnh để tha thứ tội lỗi của anh em và chứng tỏ lòng nhân từ của ông cho họ.

Mỗi người chúng ta cần nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm trong cuộc đời để rồi chúng ta đừng bao giờ lên mặt luận tội anh chị em mình, nhưng biết tha thứ cho họ hết lòng.

3/ Phúc Âm: Đức Kitô đem những tội nhân về cho Thiên Chúa.

3.1/ Người Pharisees phê bình Chúa Giêsu đồng bàn với tội nhân:

Sứ mạng của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đến trần gian là đem tất cả mọi người về cho Thiên Chúa. Nếu Ngài không đến, sẽ không một ai có thể được giao hòa và đến với Thiên Chúa. Vì thế, sự kiện Ngài “đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” là điều hiển nhiên, vì đó là sứ mạng của Ngài. Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Ngài giảng, vì họ nhận ra tội lỗi của họ và lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Chỉ có các Pharisees và kinh sư xầm xì bàn tán, vì họ kiêu ngạo. Họ không nhận ra tội lỗi của họ và vì tự cho là công chính, họ tin có thể đạt tới ơn cứu độ mà không cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa.

3.2/ Ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối: Chúa Giêsu kể một loạt 3 câu truyện để dẫn chứng lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho con người.

(1) Tìm con chiên bị thất lạc: Tất cả những chi tiết Lucas mô tả đều quan trọng cho việc nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa.

+ Không nói lý do con chiên đi lạc: Người mục tử không cần biết lý do, ông chỉ biết sứ vụ của ông là đi tìm nó.

+ Lòng nhân từ của người chăn chiên: Ông đi tìm cho được con chiên lạc, chứ không đợi cho chiên lạc trở về.

+ Khi tìm được con chiên lạc, ông mừng rỡ vác chiên lên vai. Ông không đánh chiên vì tội đi lạc, cũng không làm chiên xấu hổ vì tội đi lạc; nhưng chứng tỏ cho chiên biết nó được yêu thương qua việc vác chiên trên vai.

+ Kêu gọi bạn bè và hàng xóm đến ăn mừng: Lý do ăn mừng là tìm được con chiên bị mất. Một con chiên thế nào đi nữa đều có giá trị với người mục tử nhân lành.

+ Thiên Chúa và triều đình thiên quốc cũng vui mừng như thế: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”

(2) Tìm đồng tiền bị mất:

+ Chẳng để ý đến lý do bị mất.

+ Bà làm hết mọi cách để tìm cho kỳ được: thắp đèn, quét nhà, moi móc. Thiên Chúa cũng làm mọi cách để tìm cho được các tội nhân và đưa về.

+ Ăn mừng? Nhiều người châm biếm: Bà phải tiêu 9 quan kia để mở tiệc ăn mừng đãi hàng xóm! Câu truyện không nằm chỗ đó; nhưng nếu có phải tiêu hết 9 quan, Thiên Chúa cũng cho Bà 10 quan khác.

+ Thiên Chúa và triều thần sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mọi người chúng ta đều đã lãnh nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa qua việc Ngài yêu thương, tha thứ và bảo vệ chúng ta trong cuộc đời.

– Khi đã được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa, chúng ta phải đứng dậy, đi kiếm các anh chị em đang cần lòng nhân từ của Thiên Chúa và của chúng ta.

– Chúng ta đừng bao giờ có thái độ kiêu ngạo không cần lòng nhân từ của Thiên Chúa, hay hung hăng luận tội anh chị em.

– Mọi người đều có thể sa ngã bất cứ lúc nào; vì thế, mọi người đều cần đến sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và qua các bí tích.

– Hãy nhẩm đi nhắc lại điệp ca này để ca tụng Thiên Chúa: “Hãy ca ngợi Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Ngài vẫn trọn tình thương.”

Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1385:ch-nht-24-thng-nienc116&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here