Chủ Nhật IV Mùa Chay, Năm A

0
1359

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc I1 Sm 16,1b, 6-7, 10-13a

1 ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Ta sai ngươi đến gặp Gie-sê người Bê-lem, vì Ta đã thấy trong các con trai nó một người Ta muốn đặt làm vua.” 6 Khi họ đến, ông thấy Ê-li-áp, ông nghĩ: “Đúng rồi! Người ĐỨC CHÚA xức dầu tấn phong đang ở trước mặt ĐỨC CHÚA đây!” 7 Nhưng ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng.” 10 Ông Gie-sê cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Sa-mu-en, nhưng ông Sa-mu-en nói với ông Gie-sê: “ĐỨC CHÚA không chọn những người này.” 11 Rồi ông lại hỏi ông Gie-sê: “Các con ông có mặt đầy đủ chưa?” Ông Gie-sê trả lời: “Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên.” Ông Sa-mu-en liền nói với ông Gie-sê: “Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây.”

12 Ông Gie-sê cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó! “

13 Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi.

2/ Bài đọc IIEp 5,8-14 

8 Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; 9 mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. 10 Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa.

11 Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng. 12 Vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến đã là nhục rồi.

13 Nhưng tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra;

14 mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng. Bởi vậy, có lời chép rằng: Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!

3/ Phúc ÂmGa 9:1-41 (9:1, 6-9, 13-17, 34-38).

1 Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh.

2 Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”

3 Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.

4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. 5 Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.”

6 Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù,

7 rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

8 Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?”

9 Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây!”

10 Người ta liền hỏi anh: “Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?”

11 Anh ta trả lời: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy.”

12 Họ lại hỏi anh: “Ông ấy ở đâu?” Anh ta đáp: “Tôi không biết.”

13 Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu.

14 Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát.

15 Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.”

16 Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát;” kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Thế là họ đâm ra chia rẽ.

17 Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ!”

18 Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. 19 Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?”

20 Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh.

21 Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.”

22 Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.

23 Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó.”

24 Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi.”

25 Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!”

26 Họ mới nói với anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?”

27 Anh trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?”

28 Họ liền mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. 29 Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến.”

30 Anh đáp: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi!

31 Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy.

32 Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh.

33 Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.”

34 Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Rồi họ trục xuất anh.

35 Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” 36 Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?”

37 Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.”

38 Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

39 Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!”

40 Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?”

41 Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!”


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ánh sáng và bóng tối, nhìn thấy và đui mù

Có mắt nhìn không có nghĩa là nhìn thấy, vì có rất nhiều những việc xảy ra chung quanh mà con người có mắt vẫn mù lòa không thấy. Chẳng hạn, biết bao nhiêu kỳ công của Thiên Chúa phơi bày trước mắt con người, mà nhiều người vẫn không nhận ra sự hiện hữu của Ngài và tin vào Ngài. Hay vì biết bao công ơn và tình yêu của cha mẹ dành cho mà một người mới có được như hôm nay, thế mà họ vẫn chẳng nhận ra để rồi tiếp tục sống vô ơn như mọi sự tự nhiên có.

Các bài đọc hôm nay đặt trọng tâm trong việc biết nhận ra và đánh giá mọi sự theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, tác giả Sách Samuel thứ nhất tường thuật sự kiện Thiên Chúa chọn David làm vua. Thiên Chúa nhìn thấu tâm hồn bên trong và coi nhẹ những vóc dáng bên ngoài; ngược lại, ngôn sứ Samuel coi trọng vóc dáng bên ngoài vì không thấy được những đức tính cao đẹp trong tâm hồn. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Ephesô phải sống đời sống mới trong Đức Kitô, vì ngài không chỉ nhìn thấy những tai hại của nếp sống cũ mang lại, mà còn nhìn thấy những lợi ích của đời sống mới khi họ chịu để cho Lời của Đức Kitô hướng dẫn cuộc đời. Trong Phúc Âm, thánh Gioan không chỉ tường thuật phép lạ Chúa Giêsu chữa người mù từ lúc mới sinh; nhưng còn tường thuật tiến trình đức tin trong việc anh nhận ra Chúa Giêsu và tuyên xưng niềm tin nơi Ngài. Ngược lại với tiến trình của anh là diễn tiến dần dần trở nên đui mù của những kẻ tự nhận họ sáng mắt và biết Lề Luật.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.

1.1/ Samuel tuy là ngôn sứ nhưng ông chỉ biết đánh giá theo dáng vẻ bên ngoài: Khi Đức Chúa đã truất phế vị vua đầu tiên của Do-thái là Saul, Ngài sai ngôn sứ Samuel chuẩn bị sẵn dầu đến Bethlehem, vào nhà ông Jesse, vì Ngài muốn chọn một trong những người con trai của ông này làm vua. Khi ông Jesse cho dẫn ra người con cả, Samuel nghĩ đấy là người Đức Chúa muốn xức dầu tấn phong, vì Eliab vừa là con cả, vừa có dáng bộ to lớn của ông vua; nhưng Đức Chúa cho Samuel biết không hội đủ điều kiện để làm vua theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Ngài nói với Samuel: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.” Ông Jesse cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Samuel, nhưng ông Samuel nói với ông Jesse: “Đức Chúa không chọn những người này.”

1.2/ Thiên Chúa chọn và thần khí Đức Chúa nhập vào David: Samuel hỏi ông Jesse: “Các con ông có mặt đầy đủ chưa?” Ông Jesse trả lời: “Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên.” Ông Samuel liền nói với ông Jesse: “Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây.”

David vừa là đứa con út vừa không có bộ vó của một ông vua như Saul. Nếu xét theo tiêu chuẩn của con người, David không xứng đáng làm vua; nhưng Đức Chúa đã chọn và xức dầu tấn phong cậu. Tại sao? Trước tiên để cho mọi người thấy đó là việc làm của Thiên Chúa, chứ không do công trạng của con người. Ngài có thể biết một trẻ yếu ớt theo tiêu chuẩn con người thành một vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử của Do-thái. Thứ hai, tiêu chuẩn làm vua của Do-thái phải là người biết kính sợ Thiên Chúa và lo lắng cho dân được an cư lạc nghiệp, Đức Chúa đã nhìn thấy những nét đẹp này nơi tâm hồn của David mà người đời không thấy được.

2/ Bài đọc II: Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!

2.1/ Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối: Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Ephesô: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa.” Ngài có ý muốn nói khi các tín hữu lãnh nhận bí-tích Rửa Tội, là họ đoạn tuyệt với mọi bóng tối của cuộc sống cũ với những thói quen xấu xa và đam mê bất chính của nó; để mặc lấy Đức Kitô là ánh sáng và sự thật. Họ không chỉ tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô; nhưng còn phải thực hành những gì Ngài dạy để trở nên những con cái của ánh sáng, những người luôn biết làm những gì chân thật, biết sống công chính và thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Để có thể thực hiện những điều này, họ phải dứt hẳn ngay cả việc nói tới những tội lỗi cũ, vì nó tạo cơ hội cho họ trở về với nếp sống cũ.

2.2/ Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi: Thánh Phaolô liệt kê một số công dụng của ánh sáng và đồng hóa ánh sáng với Đức Kitô.

(1) Ánh sáng phơi bày mọi chỗ tăm tối: Ánh sáng chiếu tỏa đến đâu là bóng tối bị xua tan đến đó. Tất cả những khuyết điểm, xấu xa, tội lỗi chỉ có thể bị vạch trần nhờ ánh sáng. Người ta chỉ có thể đánh lừa người khác hay phạm tội trong những nơi tối tăm hay dưới ánh đèn mờ.

(2) Khi được phơi bày, mọi tội lỗi sẽ mất đi: “Bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng.” Bao lâu con người còn ở trong bóng tối, tội lỗi còn thống trị con người; nhưng nếu con người có can đảm đi ra khỏi bóng tối và sống trong ánh sáng, con người sẽ từ bỏ tội lỗi, biết sống thánh thiện, và trở thành con cái của ánh sáng. Những người phạm tội thích ở trong bóng tối để ánh sáng không phơi bày tội lỗi của họ; nhưng những người ghét tội thích ở trong ánh sáng để những việc lành của họ được tỏ lộ ra (Jn 3:20-21).

(3) Đức Kitô là ánh sáng cho con người: Khi chịu phép Rửa Tội, con người được trao cho cây nến sáng và được dặn: “Hãy mang lấy ánh sáng của Đức Kitô.” Vì thế, Ngôi Lời là ánh sáng thật soi chiếu trần gian, như lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” Ánh sáng đồng nghĩa với Lời Chúa, nếu một người chịu để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời và sống như vậy, họ sẽ ra khỏi chốn tối tăm và bước vào ánh sáng; nhưng nếu con người không chịu để cho Lời Chúa soi dẫn cuộc đời, họ sẽ ngủ mê trong bóng tối, tử thần sẽ hướng dẫn và cướp đi cuộc đời của họ.

3/ Phúc Âm: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!”

3.1/ Người mù được Chúa Giêsu chữa cho nhìn thấy cách thể lý: Truyền thống Do-thái đồng hóa bệnh tật với tội lỗi (Jer 31:29-30), đó là lý do các môn đệ hỏi Người, khi họ nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”

Chúa Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” Ngài không bác bỏ sự liên hệ giữa tội lỗi và hình phạt; nhưng Ngài muốn nói tới những trường hợp người chịu bệnh là lý do để mọi người nhìn thấy công trình của Thiên Chúa và tin vào Ngài.

Rồi Ngài nói tiếp: “Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” Có hai tư tưởng quan trọng Chúa Giêsu mặc khải trong câu này: Thứ nhất, Chúa Giêsu là ánh sáng cho thế gian như Ngài đã nói ở nhiều nơi (Jn 1:4-9, 3:19-21, 5:35, 8:12, 9:5, 11:9-10, 12:35-36, 46), để họ nhìn thấy và tin vào Ngài. Thứ hai, mỗi người đều được Thiên Chúa ấn định cho một thời gian để làm việc cho Ngài, Chúa Giêsu cũng vậy. Tất cả mọi người phải làm việc của Thiên Chúa khi còn có thể, một khi đã mãn hạn, có muốn làm nữa cũng không làm được. Nói xong, Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Siloam mà rửa”. Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

3.2/ Người mù được soi sáng trong hành trình đức tin: Một điều làm Tin Mừng Gioan khác với Tin Mừng Nhất Lãm là Gioan không chỉ tường trình phép lạ; nhưng còn để ý đến những phản ứng của con người khi chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu làm. Trong trình thuật hôm nay, có hai phản ứng trái ngược nhau: phản ứng gia tăng đức tin của anh mù được sáng, từ chỗ không biết đến chỗ nhận ra và tin vào Chúa Giêsu; và phản ứng của những người Pharisees, từ chỗ sáng mắt đến chỗ phủ nhận phép lạ và gọi Chúa Giêsu là người tội lỗi.

(1) Người mù được sáng không biết Chúa Giêsu là ai trong khi những kẻ sáng mắt bắt đầu lẫn lộn. Có 3 phản ứng khi nhìn thấy anh mù lần đầu tiên được sáng: Phản ứng thứ nhất của những người hoài nghi, họ nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?” Phản ứng thứ hai của những người xác quyết, họ nói: “Chính hắn đó!” Phản ứng thứ ba của những người phủ nhận, họ nói: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!”

Còn chính anh mù được sáng thì quả quyết: “Chính tôi đây!” Người ta liền hỏi anh: “Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?” Anh ta trả lời: “Người tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đến hồ Siloam mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy.” Họ lại hỏi anh: “Ông ấy ở đâu?” Anh ta đáp: “Tôi không biết.”

(2) Người mù được sáng tuyên xưng Chúa Giêsu là ngôn sứ trong khi những kẻ sáng mắt bắt đầu mù: Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pharisees. Nhưng ngày Đức Giêsu trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày Sabbath. Vậy, các người Pharisees hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.”

Có một cuộc tranh luận xảy ra giữa họ về việc chữa bệnh trong ngày Sabbath và uy quyền của người chữa bệnh. Trong nhóm Pharisees, có người nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabbath.” Kẻ khác vặn lại: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh mù được sáng chắc chắn đã nghe cuộc tranh luận của họ, và cũng tự suy nghĩ về người đã làm ơn cho mình, anh tuyên xưng: “Người là một vị ngôn sứ!”

(3) Người mù được soi sáng phần trí tuệ để nhận ra Chúa Giêsu là người bởi Thiên Chúa mà đến trong khi những kẻ sáng mắt và làm thầy dạy kết tội Chúa Giêsu là người tội lỗi.

Có một sự kiện khác thường xảy ra là những người Pharisees điều tra cha mẹ của anh mù. Chúng ta thử tìm hiểu tại sao họ làm như thế? Có thể họ không tin anh đã mù thật và muốn lấy lời chứng từ cha mẹ anh. Điều này cha mẹ anh đã làm chứng: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.” Có thể họ muốn biết về người chữa bệnh cho anh. Điều này cha mẹ anh không trả lời, có thể vì họ không biết hay vì sợ, như Gioan chú thích: “Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô.” Sự kiện người Do-thái trục xuất các Kitô hữu ra khỏi hội đường chỉ xảy ra trong công đồng Jamnia, vào năm 90AD. Nhiều học giả cho trình thuật điều tra cha mẹ anh được thêm vào sau này.

A. Những người tự nhận mình là bậc thầy của thiên hạ vì tự ái kết tội Chúa Giêsu là người tội lỗi. Tuy đã nhận được lời chứng từ cha mẹ anh, họ vẫn không tin. Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi.” Rồi họ lại hỏi anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?” Anh mù được sáng bắt đầu bực mình vì họ cứ hỏi đi hỏi lại mãi một câu, anh châm biếm họ có lẽ cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng. Họ mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Moses. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Moses; nhưng chúng ta không biết ông Giêsu ấy bởi đâu mà đến.” Và họ hạ nhục anh: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Rồi họ trục xuất anh.

B. Anh mù được sáng dùng lý luận để nhận ra Chúa Giêsu phải đến từ Thiên Chúa: Anh mù được sáng đưa ra một sự kiện mà không ai có thể phủ nhận được: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” Rồi anh chất vấn uy quyền làm thầy dạy của họ: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.” Anh không biết Lề Luật vì mù, nhưng anh không mất khả năng suy tư. Anh nhận ra lời cáo buộc của họ về người làm ơn cho anh là điều không đúng, và anh nhận ra Ngài phải đến từ Thiên Chúa.

(4) Người mù được sáng tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu trong khi những người sáng mắt trở nên đui mù.

A. Người mù được sáng tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu: Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi Người gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Đức Giêsu trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

Chúng ta có thể hiểu phần nào tâm trạng của anh: bị mù từ lúc mới sinh nay được chữa sáng, không một ai chia sẻ nỗi vui mừng với anh; trái lại, anh còn phải trải qua hết cuộc thanh tra này đến cuộc thanh tra khác, và sau cùng họ trục xuất anh khỏi hội đường. Chỉ một Người không chỉ chữa lành cho anh, nhưng còn đón nhận anh khi mọi người ruồng bỏ. Làm sao anh lại không tin nhận Người ấy!

B. Những người sáng mắt trở nên đui mù cách thể lý: Những người Pharisees có mắt mà không nhìn thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm thì cũng như mù vậy. Hơn nữa, họ còn được Chúa Giêsu nhắc nhở: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” Nhưng vì kiêu ngạo và tự ái, họ còn tự biện bác: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” Đức Giêsu bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy,” nên tội các ông vẫn còn!” Họ tuy không nhìn thấy Chúa Giêsu làm phép lạ, nhưng đã có lời của hai nhân chứng, và theo Lề Luật, lời của hai nhân chứng đủ để cho họ tin. Hơn nữa, nếu họ chịu suy nghĩ đến ngọn nguồn như anh mù được sáng, họ cũng sẽ nhận ra Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa; nhưng họ để cho tính kiêu ngạo và tự ái làm mù mắt của họ

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta hãy tập nhìn và đánh giá mọi sự theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Để được như thế, chúng ta phải để cho Lời Chúa soi sáng và thấm nhập tâm hồn.

– Khi chứng kiến những việc kỳ diệu Thiên Chúa làm nơi tha nhân, chúng ta hãy suy nghĩ cẩn thận đến ngọn nguồn để nhận ra những gì Thiên Chúa muốn mặc khải. Đừng bao giờ để những tự ái, ghen tị, và lợi nhuận thống trị, để rồi chúng ta từ chối luôn cả những gì Thiên Chúa thực hiện.

Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1841:ch-nht-iv-mua-chaya&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here