Chủ Nhật 18 – Năm C – Thường Niên

0
699

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc I: Gv 1,2;2,21-23

2 Ông Cô-he-lét nói : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.

21 Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ.

22 Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời?

23 Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!

2/ Bài đọc IICl 3,1-5.9-11

1 Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.

2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.

3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa.

4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.

5 Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng.

9 Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi,

10 và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu.

11 Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.

3/ Phúc ÂmLc 12,13-21

13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.”

14 Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”

15 Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi,

17 mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!

18 Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó.

19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!

20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?

21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

————————

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống cuộc đời này cho mục đích mai sau.

Câu hỏi “Con người sống trên đời này để làm gì?” là câu hỏi rất quan trọng, nhưng không dễ tìm được câu trả lời xác thực. Có người cho là làm lụng để có thật nhiều tiền; khi có tiền rồi tha hồ hưởng thụ, muốn gì có nấy; nên họ tìm mọi cách để vơ vét và tích trữ của cải. Có người cho giầu có mấy chăng nữa rồi cũng chết để lại của cải cho người khác, nên họ chỉ làm vừa đủ ăn, và tìm chỗ vắng vẻ để xa lánh bụi trần. Có người cho phải lưu danh cho hậu thế, nên ra sức tìm tòi học hỏi để lấy hết bằng này đến khám phá kia.

Các bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta rất nhiều suy tư về cuộc đời, và cho chúng ta câu trả lời xác thực nhất. Trong bài đọc I, tác giả Sách Giảng Viên dùng kiến thức và kinh nghiệm cá nhân để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên; nhưng không tìm được câu trả lời thỏa đáng vì sự bấp bênh của cuộc đời và sự hiện diện của cái chết. Sau cùng, ông đã phải kết luận: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.” Trong bài đọc II, thánh Phaolô trong Thư Colossê cho chúng ta câu trả lời xác đáng nhất: Vì Đức Kitô đã đánh bại thần chết và đem lại cho con người sự sống đời đời; nên cái chết không còn là một bế tắc nữa. Các tín hữu tuy sống cuộc đời này, nhưng mắt luôn dõi theo cuộc sống mai sau. Họ phải tìm những sự trên trời bằng cách mặc lấy Đức Kitô, và cởi bỏ con người cũ với tất cả những ham muốn nhục dục và tiền của. Trong Phúc Âm, khi một người đến xin Chúa Giêsu khuyên bảo anh của anh ta chia gia tài cho anh, Chúa Giêsu nói với anh: “Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Và Ngài kể câu truyện của anh điền chủ, tối ngày lo tích trữ của cải để hưởng thụ. Đến lúc anh ta cảm thấy đã có đủ của cải để hưởng thụ, Thiên Chúa nói với anh ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.”

Phù vân có thể nói là chủ đề của Sách Giáo Sĩ. Danh từ này được dùng khoảng 35 lần trong Sách. Phù hoa trong tiếng Do-thái là hebel, có nghĩa là “hơi thở” hay “hơi nước.” Nó cũng được dùng trong Thánh Vịnh 39:6-7 và 94:11 để chỉ một điều chóng qua, vô dụng hay trống rỗng.

1.1/ Cái nhìn của một người có kinh nghiệm về cuộc đời

Ông Qohelet là một giáo sĩ hay một nhà lãnh đạo tinh thần của cộng đoàn. Ông suy niệm về cuộc sống để tìm ra đâu là ý nghĩa của cuộc đời. Ông nhận ra sự sống là điều quan trọng nhất, vì nếu sự sống không còn nữa, mọi sự khác đều trở thành vô nghĩa với con người. Ông cũng nhận ra sự sống không tùy thuộc nơi con người, và mọi người đều phải chết. Cái quan trọng là điều gì còn lại sau khi con người chết đi. Nếu không có gì còn lại, cuộc sống này quả là vô nghĩa. Con người cứ việc ăn uống, chơi đùa thả dàn, vì chết là hết. Sách Giảng Viên được viết khoảng năm 150 BC. Lúc đó, người Do-thái chưa có niềm tin rõ ràng về sự bất tử của linh hồn và cuộc sống đời sau. Đối với họ, mọi sự xảy ra là ở đời này. Người lành giữ đạo được Thiên Chúa thưởng công cho giầu có, cho con đàn cháu đống, và cho sống lâu; nhưng rồi ai cũng phải chết. Phải đợi đến mặc khải của Chúa Giêsu 150 năm sau, chúng ta mới hiểu rõ về mục đích của cuộc đời.

1.2/ Cái gì làm cho con người có hạnh phúc?

Tác giả kết luận “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” sau khi đã làm một sự suy xét cẩn thận về những gì mà phần đông con người cho là hạnh phúc. Một số những đề tài được đề cập đến trong Sách và một số trong trình thuật hôm nay là:

(1) Khôn ngoan: Có người cho kiến thức khôn ngoan là quan trọng, vì nó giúp cho con người biết cách sống; nhưng tác giả nhận thấy người khôn ngoan hay kẻ ngu đần đều chịu chung số phận là phải chết. Khôn ngoan không theo chủ xuống mộ phần. Vì thế, khôn ngoan là phù vân.

(2) Hưởng thụ: Đa số con người cho mục đích cuộc đời là để hưởng thụ, nhưng điều này cũng không mang lại hạnh phúc cho con người. Khi phải đối diện với bệnh tật và cái chết, con người chẳng được hưởng thụ nữa. Vì thế, hưởng thụ là phù vân.

(3) Vất vả làm ăn là phù hoa: Có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết làm việc vất vả mới thành công. Khi phải đối diện với cái chết, người đó phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ.

Tác giả Sách Giảng Viên đặt câu hỏi: “Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời?” Chuyện đó đây là cái chết, cái chết lấy đi tất cả những gì con người phải vất vả tạo cho mình. Tác giả cũng nhận thấy giầu có cũng chỉ là phù vân, vì “đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí.” Ban đêm là thời gian ngủ nghỉ để lấy sức, thế mà những con người tham lợi nhuận vẫn không được an nghỉ. Nằm trên giường nhưng đầu óc không nghỉ ngơi, họ bày ra trong đầu hết kế hoạch này đến kế hoạch kia để làm giàu và canh giữ của cải. Người giàu có không hạnh phúc!

Thế thì phải sống làm sao để có hạnh phúc, tác giả khuyên hãy chấp nhận bất kỳ những niềm vui nhỏ nào mà Thiên Chúa “ban cho” con người.

2/ Bài đọc II: Đức Kitô cho đời sống con người một giá trị mới.

Điều mà tác giả Sách Giảng Viên không giải quyết được là cái chết, thì đã được giải quyết bởi thánh Phaolô, trong Thư Colossê. Vì Đức Kitô đến gánh tội và chịu chết thay cho con người, nên từ nay con người không phải chết đời đời nữa, nhưng sẽ được sống muôn đời. Tất cả ý nghĩa của cuộc đời được tìm thấy nơi Đức Kitô, Ngài cho đời sống con người một giá trị mới. Để hiểu trình thuật hôm nay, chúng ta cần hiểu thần học về bí tích Rửa tội theo Phaolô. Khi một người tân tòng bị dìm xuống nước, anh cởi bỏ con người cũ với mọi thứ đam mê tội lỗi; để rồi khi ngoi lên khỏi mặt nước, anh mặc lấy con người Đức Kitô, con người trường sinh bất tử và mọi ơn thánh của Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Ngài mô tả hai hiệu quả của hai hành động đó.

2.1/ Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới: Ngài nói với tín hữu Colossê: “Vì anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.” Thánh Phaolô gọi việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội là mặc lấy Đức Kitô. Khi mặc lấy Đức Kitô, các tín hữu phải sống cuộc sống mới như Đức Kitô sống: theo tiêu chuẩn của Nước Trời và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã từng khẳng định về lối sống của chính Ngài: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi; nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi.”

Có phải Phaolô muốn khuyên các tín hữu phải sống cách biệt khỏi thế giới để chỉ suy tư và chiêm ngắm những sự trên trời hay sống như thiên thần không lệ thuộc vào vật chất? Không phải như thế, nhưng ngay sau trình thuật hôm nay, ngài đưa ra một chuỗi những nguyên tắc đạo đức. Những nguyên tắc này xác định rõ những gì ngài chờ đợi nơi các tín hữu. Ngài mong họ tiếp tục với công việc của thế giới này và giữ lại tất cả các mối liên hệ bình thường; nhưng có một sự khác biệt là: từ nay, người tín hữu nhìn tất cả mọi sự trong tương quan với cuộc sống vĩnh cửu, và anh không sống như thế giới này là tất cả mọi sự.

Thái độ này thúc đẩy người tín hữu phải sống theo những tiêu chuẩn mới: những gì thế gian cho là quan trọng, anh không được cho là quan trọng, những tham vọng mà nó thống trị thế gian sẽ không còn sức mạnh lôi cuốn anh. Anh vẫn tiếp tục xử dụng của cải thế gian, nhưng trong một cách thức mới. Chẳng hạn, anh sẽ vui vẻ cho đi thay vì nhận lại, phục vụ thay vì cai trị, tha thứ thay vì hận thù. Những tiêu chuẩn giá trị này đến từ Thiên Chúa, chứ không đến từ con người.

Đức Kitô là Đấng cho đời sống vô nghĩa của con người niềm hy vọng là được sống, không phải chết muôn đời. Không những thế, Đức Kitô còn chính là sự sống. Sự sống trường sinh đang tiềm ẩn nơi con người: “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.”

2.2/ Giết chết những gì thuộc hạ giới: Vì được dìm mình trong nước Rửa Tội, các tín hữu phải rửa sạch các tội của mình. Ngài liệt kê những tội người tín hữu phải khai trừ: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu, và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Phải từ bỏ những giận dữ, nóng nảy, độc ác, thoá mạ, và ăn nói thô tục. Người tín hữu không còn được sống theo ý mình, nhưng phải tìm ra và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Họ phải sống theo sự thật, không được sống theo sự giả trá. Họ phải sống hiệp nhất và bác ái với mọi người; không được phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di hay mọi rợ, nô lệ hay tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người.

3/ Phúc Âm: Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.

3.1/ Lo lắng về của cải sinh ra bao tội lỗi cho con người.

(1) Lòng tham lam của cải làm con người tranh dành, kiện cáo, và chia rẽ nhau: Lẽ ra khán giả đến với Chúa Giêsu để được nghe những Lời mang lại sự sống, nhưng một người trong trình thuật hôm nay muốn nhờ thế giá của Chúa Giêsu để được chia gia tài từ anh mình. Chúa Giêsu từ chối lời yêu cầu của anh, và Ngài cảnh cáo anh về tội quá lệ thuộc vào của cải: “Không phải vì của cải mà con người tìm được hạnh phúc.”

(2) Lòng tham của cải làm con người tích trữ những điều không cần thiết: Rồi người mời gọi họ suy nghĩ về cuộc đời bằng một câu truyện thực tế: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”

3.2/ Con người không tránh được cái chết: Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Cái chết có thể đến với con người bất cứ lúc nào, vì mạng sống của con người nằm trong tay Thiên Chúa. Nếu một người dành cả cuộc đời để vất vả lao nhọc hầu tìm cho mình những lợi nhuận vật chất, mà không lo tích trữ cho mình những của cải trên trời, để rồi khi Thiên Chúa gọi anh về, anh được lợi gì đâu? Anh sẽ mất hết của cải đã tạo dựng được và mất luôn sự sống vĩnh cửu, vì đã không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mọi sự trên đời này chỉ là phù vân. Khi thần chết tới, nó lấy đi tất cả những gì của con người. Chúng ta đừng cậy vào bất cứ điều gì của thế gian này.

– Đức Kitô là niềm hy vọng của cuộc đời, vì Ngài mang lại sự sống đời đời cho chúng ta. Chúng ta hãy sống và hành động theo gương của Ngài.

– Chúng ta phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm. Chúng ta phải biết tích trữ cho mình những của không hư nát trên trời.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-18-thng-nienc/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here