Chính Sách Cấm Đạo Của Vua Minh Mạng

0
3295


Trần Văn Cảnh

 

Nói về vua Thánh Tổ, niên hiệu Minh Mệnh, Sử gia Trần Trọng Kim viết: «Vua Thánh Tổ là một ông vua có tư chất minh mẫn,.. Ngài tinh thâm Nho học, sùng đạo Khổng Mạnh, cho nên không ưa đạo mới, cho là một tả đạo lấy trời thánh ra mà làm mê hoặc lòng dân. Bởi vậy, ngài mới nghiêm cấm và trừng trị những người theo đạo Gia-tô » [1]. Đối với người Công Giáo, thì trong lịch sử bắt đạo ở Việt Nam, cuộc bắt đạo dưới thời vua Minh Mệnh là nổi bật về thái độ thù ghét đạo Công Giáo hơn cả và là cuộc bắt đạo tàn bạo và rất khoa học. « Vua Minh Mệnh độc ác đến nỗi các thừa sai phải gọi ông là Néron Việt Nam hay có trái tim Néron » [2]. Ít giao tiếp với các thừa sai, vua Minh Mệnh đi tìm một lập trường của mình trong các sách cổ Trung Hoa và đưa lý thuyết Nho Giáo lên địa vị độc tôn, vì Nho Giáo củng cố chế độ quân chủ chuyên chế. Chính vì mộng ước muốn biến mình thành chúa tể mà vua Minh Mệnh đã nổi giận trước thái độ suy tôn một Thiên Chúa của người Công Giáo và coi Hoàng Ðế chỉ ở bậc thứ nhì. Vua Minh Mệnh coi đạo Công Giáo do ngoại nhân đem vào là một xỉ nhục cho quốc gia, một tai họa cho dân chúng. Với vua Minh Mệnh, trong nước không thể có hai vua cũng như không thể có hai tôn giáo, đã có Nho Giáo rồi thì không thể có đạo Thiên Chúa thờ Chúa trời đất. Chính sách cấm đạo Thiên Chúa của vua Minh Mệnh có suy tính, có đường hướng, có phương pháp, có dậy bảo, có sửa trị, có đề nghị, có quyết định, có trừng trị, có phối kiểm, có cải tiến. Nhưng mục tiêu không hề thay đổi : Tiêu diệt đạo Công Giáo.

Nhịp độ bắt bớ người Công Giáo tùy thuộc vào hoàn cảnh chính trị trong nước, và có thể được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất khi chưa nắm vững ngai vàng vì còn nhiều cựu thần và giặc giã (1820-1833), vua Minh Mệnh còn dè dặt trong cuộc bách hại đạo Công Giáo, nhưng đã tìm được một căn bản dựa vào hai kiến nghị của các quan Bộ Lễ năm 1826 và bộ Hình năm 1830. Giai đoạn thứ hai sau khi đã dẹp xong giặc giã và củng cố được lớp quan lại trung thành và mù quáng với chế độ quân chủ, vua Minh Mệnh thẳng tay thi hành chương trình tiêu diệt đạo Công Giáo, khi mạnh, lúc nhẹ : mạnh với chỉ dụ 06.01.1933, nhẹ với 10 điều huấn dụ ; mạnh với sắc lệnh 25.01.1836, và dữ tợn với các lệnh trong hai năm 1837-1838 và 1839.

1. Kiến nghị tháng 8-1826 của quan Lễ Bộ xin cấm đạo để tái lập tập tục cũ : “Hết lòng kính sợ, chúng thần khấu đầu dâng kiến nghị này. Dám xin Hoàng Thượng để tâm đến việc tái lập chính đạo để dân chúng lớn bé được nhờ, bởi vì tà đạo lợi dụng và lừa dối dân chúng, làm sai lạc chân đạo tự nhiên. Thật vậy sách có viết: phải trấn áp tà đạo vừa sai trái vừa nghịch lại với trật tự. Nhân dân phải noi theo điều ngay lẽ phải phù hợp với đạo tự nhiên. Nhưng trên hết phải cấm tuyệt đối đạo nào ngược lại với đạo thờ ông bà và phải củng cố nhân tâm, vạch ra sai lầm của tà đạo đang khuyến dụ và lừa dối dân chúng. Ðạo Ðường, đạo Mạc và đạo Lão Quân trước hết chỉ dậy yêu và săn sóc chính mình, thứ đến dậy yêu mến tất cả mọi người và sau cùng coi việc khinh chê sự đời là một nhân đức thanh cao. Tuy nhiên các đạo này không dựa trên luật tự nhiên nhưng cũng không trái nghịch luật tự nhiên và không hư hỏng, cũng không làm tổn hại đến phong tục và tập quán như đạo Gia Tô. Ðạo GiaTô là đạo giả dối và nghịch lại với đạo thật vì đạo khuyến dụ dân chúng, lừa dối và lạm dụng lòng đơn thành của người dân, dùng những hình phạt hỏa ngục để làm kinh sợ người yếu đuối, dùng niềm vui nước trời để thu hút người khác. Ðạo còn xử dụng lịch riêng, toà án riêng xét xử các vụ rắc rối. Những người theo đạo này hội họp nhau cúng tế và thờ lạy, hàng ngàn người nối tiếp nhau vào tôn thờ như là tôn thờ chủ tể của quốc gia vậy. Họ công bố con đường họ theo là thánh và tôn vinh những người bước theo đường ấy. Từ khi đạo này xâm nhập vào đất nước, trong khắp các tỉnh có hàng ngàn người tin theo. Những người đã tin theo thì cuồng nhiệt như là mất trí, chạy đi đó đi đây như là người điên.

Các tín đồ của đạo này không tôn kính các thần minh, cũng không cúng tế tổ tiên. Họ giảng đạo, học hỏi và hội họp như là một thói quen. Càng ngày tín đồ đạo này càng đông, họ xây thêm nhiều nhà thờ mới, những cái gai chướng này lan tràn khắp mọi nơi, không có xó xỉnh nào mà không bị tiêm nhiễm. Chính vì lẽ đó chúng thần ngước trông lên hoàng thượng khẩn xin ngài chữa trị các tệ nạn này. Lời của ngài như ngọn cờ triệu tập hằng hà sa số nhân dân về một mối, từ đó các phong tục và luật lệ quốc gia sẽ thống nhất, các lời nói và hành động sẽ hòa hợp với nhau, tất cả những cái hay cái phải sẽ được tuân theo, và thế hệ hiện tại cũng như mai sau tuân giữ các lề luật. Như thế những con đường sai trái được uốn nắn, sự dữ được thay thế bằng điều lành. Tất cả sẽ được thu họp về một mối đó là đạo của vua, của thuần phong mỹ tục và khắp mọi nơi đều khuôn mình theo. Nhưng đạo Gia Tô là một cản trở cho tất cả những canh tân hoàn thiện, mặc dù đã cấm nhưng không tiêu diệt được. Ðạo Khổng đã có từ lâu đời thế mà có nhiều người đang tâm bỏ để theo đạo Gia Tô là đạo cấm dân chúng giữ đạo Khổng.

Chúng thần cũng đã nghiên cứu luật lệ cấm đoán của Trung Hoa viết như sau: Tất cả những người Âu Châu ở trong nước đứng đầu giáo phái lừa dối dân chúng thì phạm tội đại nghịch đáng xử giảo. Còn những người không có chức vị hay chức vị thấp thì phải giam tù để xét sau. Những người để mình bị lừa dối và tuyên xưng đạo này thì phải đầy đi làm nô dịch giữa dân mọi rợ. Những người rao giảng khuyến dụ dân theo đường hư hỏng, những người đàn bà bất trị không biết xấu hổ cũng như những người móc mắt người ốm nếu bị bắt sẽ phải phạt theo trọng tội. Trên hết, các quan văn cũng như võ nếu không trông chừng các quan cấp dưới sẽ bị đưa ra tòa xét xử.

Tất cả những nghiêm cấm trên đây rất đúng và rất đáng khen để ngăn chặn thứ tà đạo. Ðưa nhân dân về phía thuần phong là một điều phải lẽ vì thế khi nghiên cứu sự việc, chúng thần xin hoàng thượng ban lệnh cấm đạo tại khắp các làng, tỉnh, và huyện trong nước để mọi người biết rằng các đạo trưởng và Kitô hữu Âu Châu đang ở bất kỳ nơi nào đều phải trở về nước của họ. Thời hạn là ba tháng, khi đáo hạn họ không được phép ở lại nữa. Còn về các nhà thờ phải triệt hạ, phải đốt các sách đạo, từ rầy về sau cấm dân chúng không được học hỏi tà đạo này nữa. Sau ba tháng, nếu phát giác được người Âu Châu nào còn trốn tránh trong nước thì: người có công tố giác sẽ được hưởng tất cả tài sản của người chứa chấp đạo trưởng Âu Châu trong nhà. Ngoài ra người chứa chấp cũng như lý trưởng sẽ bị khép vào tội đại nghịch. Nếu người Âu Châu vẫn còn lén lút giữa dân chúng và khuyến dụ họ theo tà đạo thì sẽ áp dụng luật của người Trung Hoa. Hơn nữa, nếu các quan có lỗi vì biếng nhác sẽ bị đưa ra tòa xét xử như các tội phạm để sự việc được phân minh và mọi việc được tiến hành đồng đều. Vì nếu áp dụng luật nghiêm khắc thì có hy vọng đưa được dân chúng về đàng lành và chân đạo được tồn tại. Phần chúng tôi là những người kém cỏi đã xét như thế không biết có đúng hay sai, dám xin hoàng thượng cứu xét”[3].

Các quan Bộ Lễ đã chỉ nêu ra được 4 lý do để xin vua Minh Mệnh cấm đạo Gia Tô. Không một ý do nào đã đưa ra được cái xấu nội tại của đạo Gia Tô : 1- Ðạo GiaTô là đạo giả dối và nghịch lại với đạo thật là Ðạo Khổng đã có từ lâu đời thế mà có nhiều người đang tâm bỏ để theo đạo Gia Tô là đạo cấm dân chúng giữ đạo Khổng. 2- Dùng những hình phạt hỏa ngục để làm kinh sợ người yếu đuối, dùng niềm vui nước trời để thu hút người khác ; 3- Càng ngày tín đồ đạo này càng đông, họ xây thêm nhiều nhà thờ mới, những cái gai chướng này lan tràn khắp mọi nơi, không có xó xỉnh nào mà không bị tiêm nhiễm. 4- Chính vì lẽ đó chúng thần ngước trông lên hoàng thượng khẩn xin ngài chữa trị các tệ nạn này.

2. Kiến nghị của các quan Bộ Hình năm 1830 xin vua bắt đạo và triệt phá các nhà thờ. Vào tuần trăng thứ 9 năm 1830, các quan Bộ Hình do Hình Bộ Thượng Thư đứng đầu dâng kiến nghị xin vua Minh Mệnh bắt đạo và triệt phá các nhà thờ: “Trong các đạo ở nước này có đạo Gia Tô là tệ hại nhất. Ðạo Phật và đạo Lão Quan tuy không hay và có nhiều dị đoan nhưng vẫn còn tốt hơn đạo Gia Tô. Ngày trước Hoàng Ðế Trung Hoa và các Tiên Vương đã nghiêm ngặt cấm đoán đạo vô luân này, nhưng vì các quan biếng trễ không thi hành lệnh chu đáo và không làm tròn nghĩa vụ khiến đạo này tiếp tục làm hư hỏng và tăng số trong nước. Ðây chính là dịp dành cho Hoàng Thượng tối cao, đầy quyền uy và sáng suốt để tiêu diệt hoàn toàn tà đạo này, một thứ đạo chỉ có những người cố chấp và những đàn bà ngu dại nghe theo. Các đạo trưởng phân chia đất nước thành nhiều xứ để cai trị theo ý muốn. Các tín đồ có lòng kính trọng đạo trưởng đến độ vâng lời tối mặt và thông báo tin tức trong nháy mắt từ Bắc xuống Nam. Kính xin hoàng thượng ra chỉ dụ cấm đạo lý sai lầm này. Quốc gia không thể dung thứ được những người mọi rợ đến đây rao giảng đạo. Phải trừng phạt những người nào cho họ trú ngụ. Cũng phải cấm các sách viết bằng chữ mọi rợ. Phải ra lệnh nộp các sách này cho các quan hủy đị Ðồng thời cấm việc đọc kinh dù là âm thầm tại nhà. Ngoài ra phải bắt các thầy giảng và trưởng gia đình đạp ảnh. Có làm như vậy họ mới được tha thứ cho lần thứ nhất. Chúng thần là những người hèn mọn thấp trí, dám dâng thư nàỵ Kính mong hoàng thượng chỉ giáo, muôn đời sẽ nhớ ơn và các thế hệ tương lai sẽ xưng tụng danh của đức vua”[4].

Lý do chính yếu mà các quan Bộ Hình đã nêu ra là vì « Các tín đồ có lòng kính trọng đạo trưởng đến độ vâng lời tối mặt », ý muốn nói « còn Vua thì họ không vâng phục như vậy ». Đó là tội phạm thượng, khi quân. Lý do này cũng không đưa ra được cái xấu nội tại của đạo mới.

Theo thơ của Ðức Cha Taberd thì Vua Minh Mệnh không trả lời gì về bản tâu trình trên, nhưng các quan ghét đạo đã làm giả chữ “Y nghị” của vua vào bản tâu và đem đến Dinh Cát. Mọi người tin là có lệnh cấm nên thông báo cho nhau, cả Nam lẫn Bắc. Nhà thờ và nhà trường Hồ Phương ở Dinh Cát được giáo dân tháo gỡ. Tỉnh Quảng Nam cũng vậy, các giáo dân gỡ nhà thờ. Tại Bình thuận, một quan huyện bắt giáo dân rỡ nhà thờ nhưng họ không chịu, quan huyện liền cho làng bên lương đến phá. Một người trèo lên bàn thờ đứng giang tay như hình thánh giá và diễu cợt liền bị một cái xà đổ xuống làm ngã bất tỉnh. Trong tháng 11 năm đó người ta nói Huế chỉ có lửa và máu. Một tên lính ở Sài Gòn nghe lệnh phá nhà thờ liền đến phá nhà thờ Chợ Quán, nhưng quan lớn đã ra lệnh đánh hắn 80 đòn.

3. Chỉ dụ cấm đạo 6-1-1833, vì Gia Tô làm mê hoặc thường dân bằng lời rao giảng có thiên đàng hạnh phúc và hỏa ngục khổ sở, không trọng kính đức Phật cũng không thờ kính tổ tiên. Đó là một trọng tội phạm đến chính đạo (Khổng giáo) . Sau thời gian lâu dài chuẩn bị, và các cuộc canh tân guồng máy chính quyền chuyên chế 1831 và 1832 hoàn tất, vua Minh Mệnh đã công bố một chỉ dụ cấm đạo: “Ta, Hoàng Ðế Minh Mệnh, truyền lệnh như sau. Từ nhiều năm nay những người Tây Phương đến đây truyền bá đạo Gia Tô làm mê hoặc thường dân bằng lời rao giảng có thiên đàng hạnh phúc và hỏa ngục khổ sở. Chúng không trọng kính đức Phật cũng không thờ kính tổ tiên. Ðó là một trọng tội phạm đến chính đạo (Khổng Giáo). Hơn nữa, chúng xây cất những nhà thờ, nhà hội to lớn tiếp đón đông đảo dân chúng để dụ dỗ đàn bà và thiếu nữ. Ngoài ra chúng còn móc mắt những người ốm. Không còn gì trái nghịch hơn với lý trí và tập tục. Năm ngoái Trẫm đã trừng phạt hai làng theo đạo này: Dương Sơn và Mông Phụ với ý định làm cho bá tánh biết rõ ý Trẫm muốn họ xa tránh tội ác này mà trở về đường ngay nẻo chính. Và đây là điều Trẫm nghĩ. Mặc dù dân chúng ngu dốt theo đạo này đã đông số, nhưng vẫn còn đủ lương tri biết là hợp hay không và còn dễ dàng dậy dỗ trở về đàng lành. Vì vậy trước hết phải dùng lời khuyên và dậy dỗ đối với họ, nếu họ bất trị thì mới dùng các khổ hình.

Vậy ta truyền cho tất cả những người theo đạo này, từ quan cho chí đến dân đen phải thực tâm từ bỏ nếu họ nhìn biết quyền uy của ta. Trẫm muốn rằng tất cả các quan hãy tỉ mỉ xem xét có còn người Kitô nào sống trong địa hạt của mình và bắt họ tuân phục mệnh lệnh, bắt họ đạp trên ảnh tượng ngay trước mặt mình. Nếu họ làm theo thì sẽ được ân xá. Ðối với các nhà thờ và nhà đạo trưởng các quan phải tịch thu làm kho chung. Từ đây về sau nếu có người nào bị nhận diện hay tố cáo là thực hành những thói tục đáng ghét này sẽ bị trừng trị với hình phạt nghiêm ngặt nhất ngõ hầu có thể tiêu diệt thứ đạo này tận gốc rễ. Ðó là mệnh lệnh của Trẫm, mọi người phải hết lòng tuân giữ. Ngày 12 tháng 11 Âm Lịch, Minh Mệnh nguyên niên thứ 13.”[5]

Trong chỉ dụ này, vua Minh Mạng lấy lại hai lý do các quan đã nêu ra là 1- Đạo Gia Tô không trọng kính Đức Phật, phạm đến chính Đạo Khổng ; 2- Chúng xây cất nhiều nhà thờ ; 3- đạo Gia Tô làm mê hoặc thường dân bằng lời rao giảng có thiên đàng hạnh phúc và hỏa ngục khổ sở. Và vua đua ra hai vu khống : 1- Không thờ kính tổ tiên (thờ kính cách khác, chứ không phải không thờ kính) ; 2- Chúng còn móc mắt những người ốm (không hề có chuyện này).

3. Mười điều huấn dụ ngày 15/07/1834 để tiêu diệt niềm tin tưởng Kitô ngay tự trong thâm tâm. Trước tình trạng thiên tai và giặc giã, vua Minh Mệnh có thú tội trước nhân dân và thiết lập năm khắc khổ. Tuy nhiên vua Minh Mệnh vẫn còn quyết tâm bắt đạo Công Giáo. Ngoài sắc lệnh bắt thừa sai và cấm dân chúng thực hành đạo Công Giáo, vua Minh Mệnh muốn thay thế một thứ đạo quốc gia, mô phỏng tổ chức của đạo Công Giáo để lập ra 10 điều huấn dụ, giống như 10 điều răn Công Giáo và 4 ngày lễ để suy tôn các điều răn nói trên. Nội dung 10 điều huấn dụ như sau :

Trong lời nói đầu nhà vua nhắc nhở người Annam tâm nguyện của mình muốn theo bước tiền nhân, và với lòng quan tâm phụ tử đặt ra 10 điều huấn giáo. Nội dung lời quảng diễn đại ý như sau:

1/ Ðôn nhân luân: Trọng tam cương ngũ thường. Hỡi con người, bản tính của nhân sinh là phải biết có luật vua tôi, có liên hệ máu mủ cha con, có phân biệt vợ chồng, có đẳng cấp huynh thứ, có tin tưởng giữa bằng hữu. Ðó là cuộc sống con người và tuân giữ các điều ấy là đạo làm người.

2/ Chính tâm thuật: Làm việc gì cũng cốt phải giữ bụng dạ cho chính đính trong sạch. Thật vậy, cái tâm là chính con người, nếu nó ngay thẳng thì vạn sự lành phát xuất như từ nguồn suối, nếu không nó là lò của trăm sự dữ đổ trên đầu. Ðấng đại thiên đã in sâu trong tâm hồn mọi người đạo tự nhiên: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ðời sống con người ở tại giữ các nguyên tắc cao cả này. Trẫm ước mong rằng mọi thần dân hãy có tâm hồn tốt, mặc dù hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng tất cả hợp cùng nhau tìm kiếm sự thiện. Người giầu đừng có kiêu căng ngạo nghễ, người nghèo đừng gian tham trộm cướp, ước ao giầu sang vượt quá cấp bậc, để ý nghĩ xấu tiêu hao tìm kiếm.

3/ Vụ bản nghiệp: Giữ bổn phận, chăm nghề nghiệp của mình. Phải bằng lòng với cuộc sống của mình, đừng than thân trách phận trời đã sinh ra ta. Hãy làm trọn bổn phận với niềm vui, hãy làm việc hăng hái và bằng lòng. Tất cả, người nông dân, thủ công, thương gia, binh sĩ hãy bằng lòng mãn nguyện.

4/ Thượng tiết kiệm: Chuộng đường tiết kiệm. Hãy xử dụng của trời cách tiết độ, đừng như người hoang phí tiêu thụ tất cả những cái có, rồi phải đói trong suốt năm. Ham mê các thú chơi làm nẩy sinh nghèo đói, trộm cắp và loạn tặc.

5/ Hậu phong tục: Giữ phong tục cho thuần thục.

6/ Huấn tử đệ: Phải dậy bảo con em. Giáo dục gia đình là nền tảng xã tắc.

7/ Sùng chính học: Tránh học thuyết xấu và học hỏi cái hay. Minh Mệnh khuyên đừng để qua ngày nào mà không đọc hay học hỏi cũng như phải coi chừng học thuyết sai lầm. Tất cả lý thuyết sai lầm của đạo Gia Tô đều đi ngược với lý trí và nguy hại cho thuần phong mỹ tục. Những người theo phái này, đàn ông đàn bà sống chung với nhau như những người man rợ (muông thú), nhiều người đã phải đóng vào việc thờ phượng, gieo rắc sự bất hòa khắp nơi, điên rồ tôn kính người phải chết, hủy hoại lời dậy phải lẽ và có hại cho nhân loại. Vậy không thể tin vào đạo như thế. Những người đi lang thang khắp nước truyền bá hãy từ bỏ sớm hết sức. Trái lại mọi người hãy giữ cẩn thận tập tục tiền nhân: các lễ phép thông thường trong việc cưới xin cũng như tang chế trong việc thờ cúng ông bà cũng như thần làng.

8/ Giới dâm thắc: Ðừng giữ những điều gian tà dâm dục. Người có công giữ nhân đức tiết hạnh sẽ được thưởng, trái lại ai lỗi phạm sẽ bị trừng phạt. “Có thể trẫm lập nhà riêng cho họ, có thể trẫm ban bằng khen thưởng để làm gương cho những người khác”.

9/ Thận pháp thủ: Cẩn thận giữ luật pháp. Ðặc biệt là việc nộp thuế.

10/ Quảng thiện hạnh: Rộng rãi làm việc lành.

Kèm theo bản văn 10 điều huấn dụ, vua Minh Mệnh còn có một chỉ dụ về việc phải đón tiếp và giảng huấn hằng năm. Nghi thức đón tiếp bảng 10 điều huấn dụ gồm: phải tổ chức cuộc rước, phải tôn kính kiệu trên vai, phải đặt trong một khám, thỉnh thoảng phải tung hô và lạy phục.

Ðức Cha Havard thuật lại là nhiều nơi người ta đã bỏ ngay việc giảng giải các điều huấn dụ theo lệnh mỗi năm 4 lần. Nơi khác lương dân nói: “Chúng tôi có nhiều việc khác phải làm hơn là đến nghe, như phải nộp thuế, cung phụng cho đức vua”. Thừa Sai Retord cho biết người giáo dân chẳng quan tâm gì đến, còn làng bên lương thì như nằm im trên đám bụi. Chỉ có làng nửa lương nửa giáo gây ra vài rắc rối. Tại Kẻ Voi, người lương bắt người Công Giáo đi rước bản huấn dụ ở quan huyện với chiếc kiệu họ vẫn dùng để rước tượng Ðức Mẹ. Tại Bằng Sơ họ đặt bản huấn dụ vào chén lễ mà họ đã lấy cắp, có thắp nên và đốt hương chung quanh. Họ đánh trắc và bắt người Công Giáo phải cúi lạy. Nơi khác họ bắt người Công Giáo nghe cắt nghĩa luật với họ hai lần mỗi tháng [6].

4. Nội dung sắc lệnh cấm đạo 25-1-1836 là bế quan tỏa cảng và triệt hạ đạo Công Giáo. Sau biến cố dẹp xong loạn Lê Văn Khôi vào năm 1835, và bắt mang về Kinh được những lãnh tụ của dư đảng và cố Marchand DU, thì Vua Minh Mệnh muốn lợi dụng việc bắt được cố Marchand DU trong thành của Lê Văn Khôi để triệt hạ đạo Công Giáo. Vua liền truyền cho các quan làm kiến nghị trước. Ngày 6-1 âm lịch (25-1-1836) các quan trong hội đồng nội các trình lên vua Minh Mệnh kiến nghị mới về việc bế quan tỏa cảng và triệt hạ đạo Công Giáo. Mở đầu, các quan lớn đưa ra những lời vu cáo dựa trên sự kiện Cha Marchand bị bắt trong thành Gia Ðịnh và gán cho vị thừa sai tử đạo này đã thú nhận các điều vu cáo. Kiến nghị viết tiếp : “Các thừa sai dùng bánh nhiệm mầu để mê hoặc dân chúng và làm cho họ cố chấp giữ đạo. Các thừa sai còn lấy mắt người chết pha lẫn vào hương để làm thuốc chữa bệnh. Trong khi cử hành hôn phối, đạo trưởng bắt làm những điều tồi bại. Thừa sai Marchand đã thú nhận tất cả những đồi bại này vì thế cần phải đặt ra những biện pháp mới chống lại các đạo trưởng Tây Phương. Rõ ràng năm 1826 hoàng thượng đã công bố chỉ dụ rất khôn ngoan để ngăn cấm các đạo trưởng xâm nhập quốc gia, nhưng mặc dầu vậy, Marchand đã lén vào được trong nước và ẩn trốn nhiều năm. Có lẽ nhiều thừa sai khác nữa cũng còn ẩn trốn trong nước. Vì thế ngước trông hoàng thượng công bố những biện pháp sau đây : Cấm các tầu buôn mọi rợ không được đến các cửa biển ngoại trừ cửa Hàn. Quan coi cửa biển này phải nghiêm mật trông chừng tất cả mọi người nước ngoài đến đây buôn bán. Phải có phép quan trước mới được xuống đất để buôn bán và suốt trong thời gian này phải có người theo dõi, không được tách rời dù trong bất cứ nhà đặc biệt nàọ Khi họ đã buôn bán xong phải kiểm điểm số người trước khi dẫn lên tầụ Nếu có người nào tìm cách trốn ở lại sẽ bị bắt ngay và phải xử tử. Còn các tầu buôn người Trung Hoa có thể đến tất cả các cảng khác, nhưng vừa tới sẽ bị khám xét ngay và nếu trên tầu có đạo trưởng Âu Tây sẽ bị bắt và xử tử. Các đạo trưởng Âu Tây bắt được trong đất liền cũng phải xử tử. Người oa trữ cũng bị một hình phạt như thế. Các quan cũng sẽ bị trừng phạt xử tử nếu đạo trưởng bị bắt trong địa hạt của họ vì đã không chịu lùng soát cho kỹ để bắt” [7]. Dựa vào kiến nghị này, Vua Minh Mạng đã ra một lệnh cấm đạo và được công bố tại Bắc Việt ngày 02.02.1836. Theo lệnh này Thầy giảng Phanxicô Xaviê Cần, bị bắt ngày 20.04.1836 và bị xử giảo tại Hà Nội ngày 20.11.1836. Rồi Cha Cornay Tân đã bị bắt ngày 20.06.1837 và bị xử lăng trì ngày 20.09.1837 ở Sơn Tây.

5. Lệnh Tàn Sát Người Công Giáo vào hai năm 1837-1838 và 1839.Việc bắt và xử cha Cha Cornay ở Sơn Tây năm 1837 đã làm cho vua Minh Mệnh đổ dồn tâm trí vào việc bắt đạo tại Bắc Việt. Cha Gispert nói rằng vua gửi 5 lệnh tất cả : một lệnh chung cho các quan đầu tỉnh và 4 lệnh cho mấy tỉnh đặc biệt. Tháng 11 năm 1837, tổng đốc Trịnh Quang Khanh, là một người ghét đạo, trông coi Nam định từ cuối năm 1836, bị gọi về kinh chịu khiển trách vì không bắt đạo cho tận tình. Năm 1838, mở đầu cuộc bắt đạo như vũ bão trên khắp các tỉnh Bắc Việt, và từ ngày 7-6 có người tố cáo Thừa Sai Candahl đang lén lút mở trường ở Dương Sơn, cuộc bắt đạo đẫm máu tại Huế bắt đầu. Thừa Sai Delamotte đang trốn tránh tại Nhu Lý đã viết về năm 1838 như sau: “Năm 1838 là một năm khốn nạn và bắt bớ tại Bắc Việt và Trung Việt. Lưỡi gươm bắt đạo đã mặc sức chém giết, nhưng nước trời lại thêm đông số các đấng tử đạo…”

Trong một chỉ dụ gửi cho các quan đầu tỉnh năm 1838, vua Minh Mệnh hạ lệnh : “Hãy bắt bớ đánh đập không thương tiếc. Hãy tra tấn. Hãy ra lệnh xử tử tất cả những người từ chối đạp ảnh thánh giá. Hãy biết rằng từ chối đạp ảnh là trở thành người phản nghịch. Không cần xét xử, hãy lấy gươm, búa, giáo, tất cả những gì có trong tay mà tiêu diệt những kẻ mù quáng và cố chấp, đừng để một người nào thoát chạy “[8]. Nguyên năm 1838, đã có 23 thánh tử đạo đã bị giết hại, không kể các vụ bắt bớ khác.

Năm 1839 các vụ bắt bớ ít ồ ạt và dữ tợn hơn. Vua Minh Mạng đã ra 2 sắc dụ. Sắc dụ 29/07/1839 mạt sát đạo Công Giáo qua 6 phần : 1- Buộc tội Công Giáo là không tuân giữ luật nước, đầy dẫy giả dối, giảng dậy những điều phi lý như thiên đàng, thánh giá, nước thánh, các đạo trưởng móc mắt người chết, dụ dỗ đàn bà con gái ; 2- những việc đã làm để tận diệt đạo này như các hình phạt sắc dụ ; 3- liệt kê các hình phạt dành cho binh lính ; 4- liệt kê những lý lẽ các quan phải làm cho lính bỏ đạo Gia Tô mà theo đạo nhà nước ; 5- giải thích bổn phận hiếu đễ với cha mẹ để được giầu có và danh giá, người không chịu bỏ đạo sẽ phải trừng phạt và làm điếm nhục cha mẹ ; 6- truyền cho tất cả các quan trong nước phải tận tâm giảng dậy các chỉ thị của vua [9].

Sắc dụ 03/10/1839 truyền dựng miếu tại mỗi làng và giảng dạy 10 điều huấn dụ. Sắc dụ viết: “Tất cả các quan đầu tỉnh phải chỉ thị cho các quan cấp dưới sai các cai tổng, lý trưởng những làng có người Công Giáo để giảng dậy và xóa bỏ những sai lầm… Nếu sau khi đã công bố lệnh các quan không tận tình ép buộc được các cai tổng và lý trưởng để thi hành lệnh, và nếu những cai tổng, lý trưởng không nhiệt tâm giáo hóa dân chúng, thì hết thời hạn định, nếu còn các người Công Giáo phản nghịch trong nước, không có dấu hiệu phục tòng bên ngoài nghĩa là ban ngày là lương, nhưng ban đêm lại thực hành đạo và truyền đạo, thì khi ấy phải trừng phạt không thương tiếc tất cả những người Công Giáo bất trị và những viên chức chểnh mảng” [10] Sắc dụ này đã là cơ hội cho bao nhiêu quan bắt ép dân Công Giáo phải góp tiền dựng chùa, trả tiền cho thầy đồ dậy các điều cúng giỗ tại các làng. Chỉ với tiền bạc đút lót, quan mới làm ngơ không bắt dựng chùa, còn thầy đồ vừa được quan trả tiền vừa được dân Công Giáo đút tiền để đừng dậy dỗ những điều sai lầm.

LỜI KẾT

Như vậy, xem qua chi tiết cấm đạo thời vua Minh Mệnh, điều rõ ràng mà ai cũng nhận ra là cuộc bắt đạo của vua Minh Mệnh nổi bật về thái độ thù ghét và là cuộc giết đạo tàn bạo và có phương pháp hơn cả. Khởi đầu với hai kiến nghị : Kiến nghị tháng 06-1826 của quan Lễ Bộ xin cấm đạo để tái lập tục cũ. Kiến nghị của các quan Bộ Hình năm 1830 xin vua bắt đạo và triệt phá các nhà thờ. Tiếp theo là các chỉ dụ, huấn dụ : Chỉ dụ cấm đạo 06.01.1833 vì Gia Tô mê hoặc thường dân, không trọng kính Đức Phật, không thờ kính tổ tiên. Đó là một trọng tội phạm đến chính đạo Khổng Giáo. Mười điều huấn dụ ngày 15.07.1834 để tiêu diệt niềm tin tưởng Kitô ngay tự trong thâm tâm. Và cuối cùng là các lệnh : Lệnh cấm đạo ngày 25.01.1836 bế quan tỏa cảng và triệt hạ đạo Công Giáo. Các lệnh tàn sát người Công Giáo vào hai năm 1837-1838 và tiếp theo với hai sắc lệnh ngày 29/07/1839 và ngày 03/10/1839.

Tất cả các kiến nghị và sắc chỉ, ệnh cấm này, không cái nào nêu ra được một cái xấu nội tại của đạo Gia Tô.

Theo chính sách cấm đạo này của vua Minh Mệnh, đã xẩy ra cuộc xưng đạo và bách đạo của 58 thánh tử đạo : 3 vị năm 1833 ; 2 vị năm 1834 ; 2 vị năm 1836 ; 23 vị năm 1938 ; 13 vị năm 1839 ; Và 15 vị năm 1840.

Trở về Lộ Đức, « Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Việt Nam 1988-2013 », lòng người tín hữu hôm nay không khỏi bồi hồi cảm kích, khi đọc lịch sử tử đạo của thánh linh mục Phêrô Lê Tùy, vị thánh tử đạo mở đầu trang sử đẫm máu cấm đạo của vua Minh Mệnh, bị xử trảm ngày 11/10/1833 và lịch sử tử đạo của thánh Y sĩ Simon Phan Đắc Hòa, vị thánh tử đạo cuối cùng dưới thời cấm đạo của vua Minh Mệnh, bị xử trảm ngày 21/12/1840.

Thánh Lê Tùy là một linh mục già, chân thật, hiền lành, nhân đức, được mọi người quí mến. Còn thánh Simon Hòa, thì cả cuộc đời ngài nêu cao đức tin có sức làm cho con người trở thành một công dân lương thiện, một người cha đức độ, một tông đồ nhiệt thành và một tín hữu trung kiên, anh dũng sống và xưng đạo thánh Chúa Kytô.

Trở về Lộ Đức, « Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Vi ệt Nam 1988-2013 », lòng người tín hữu hôm nay không khỏi bồi hồi cảm kích, khi nghe lại những di ngôn của các ngài, qua miệng thánh Simon Hòa :

Từ khi bị bắt, Thầy Hòa bầy cách cho mọi người phải khai thế nào cho hợp. Người con gái cả, sau làm bà dòng, đã đến thăm, Thầy Hòa nói: “Hãy về nhà với mẹ, chị em giúp đỡ lẫn nhau, còn số phận của cha không thể tránh khỏi cái chết”.

Trong hai tháng bị giam ở Quảng Trị các con cái khác đều đến thăm, Thầy Hòa khuyên: “Cha rất vui mừng tuân theo thánh ý Chúa, các con đừng buồn. Mọi đứa phải vâng lời mẹ con, săn sóc cửa nhà tử tế vì cha không thể lo lắng gì hơn được nữa”.

Về nhà tù ở trấn phủ tại Huế, Thầy Hòa vẫn vui vẻ dọn mình lãnh triều thiên tử đạo. Có người học trò đến thăm, thầy khuyên: “Con đến thăm lần này đủ rồi, đừng đến nữa kẻo lính bắt, các con không chịu được các hình khổ. Sáng chiều con hãy đọc kinh và xin Chúa cho thầy được chịu chém vì đạo thánh Chúa. Khi đầu thầy rơi xuống rồi thì trò hãy năng đến thăm viếng an ủi bà và các con cái thầy. Các trò, thầy cũng coi như con và sẽ theo để phù giúp trên đường đời gian nan”.

Thầy luôn luôn khuyên bảo các người cùng bị giam mạnh sức xưng đạo và vui lòng chịu khổ vì Chúa. Các quan cũng đến dụ dỗ thầy chối đạo để được về với vợ con, thầy nói: “Dầu tôi phải mất vợ mất con mất hết của cải và cả sự sống nữa, tôi cũng không bao giờ bỏ Chúa tôi thờ”.

Với vợ hiền, thầy trối trăn: “Hãy can đảm đừng buồn sầu vì số phận tôi phải chịu. Cái chết của tôi làm vinh danh Chúa ».

Người lương cũng đến dụ ngài bỏ đạo, nhưng ngài khuyên lại họ: “Ðạo tôi dậy chẳng những là phải giữ trong lòng, mà còn phải giữ bề ngoài và xưng ra trước mặt vua quan. Ðạo cũng cấm lừa dối cho nên tôi có chết cũng không bao giờ nói dối hay bỏ đạo theo lệnh vua được” [11].

———————————————-
Ghi Chú

1. Trần Trọng Kim : Việt nam sử lược, q. II ; Fort Smith : Sống Mới ; 1978, tr. 185.
2. Vũ Thành, Dỏng máu anh hùng, tập 2, tr. 10
3. Ibid., tr. tr. 20-23.
4. Ibid, tr. 32-33.
5. Ibid. ; tr. 34-35.
6. Ibid. tr. 64-67.
7. Ibid. , tr. 86-87
8. Ibid., tr. 115-116
9. Ibid. ; tr. 289.
10. Ibid. tr. 290-291
11. Ibid. tr. 484-492