CHÍN CÁCH CẦU NGUYỆN CỦA THÁNH ĐAMINH

0
2569

Phan Tấn Thành

(Tuần Tĩnh tâm năm 2021 – Tu viện Mân Côi, Gò Vấp)

Nói về thánh Đaminh vừa khó vừa dễ. Khó là bởi vì không có tài liệu chính xác về tiểu sử của cha. Tuy sáng lập một dòng tu nhưng cha không viết bản luật cũng chẳng để lại lời huấn dụ nào dành cho các môn đệ. Những tác phẩm viết về cha được soạn hơn kém 10 năm sau khi cha qua đời, nhưng chỉ cung cấp vài thông tin về cuộc đời công khai ngắn ngủi của cha (1215-1221) và hầu như im bặt về những năm sống ẩn dật tại Osma hoặc những năm hoạt động ở miền nam nước Pháp trước khi lập dòng. Chính vì ít tài liệu chính xác cho nên mỗi lần nói đến cha Đaminh ai muốn nói gì cũng không sợ sai: cứ tha hồ tưởng tượng ra, chứ chẳng có cơ sở nào hết! Vì thế mà nói được là dễ.

Nhận xét tổng quát này cũng có thể được áp dụng cho bài nói chuyện hôm nay, bàn về “Thánh Đaminh với việc cầu nguyện”. Thật vậy, các khảo luận về đề tài này không thiếu, nhưng nếu ai đặt câu hỏi: “dựa vào đâu mà quả quyết như vậy?” thì không dễ tìm câu trả lời. Nhân dịp kỷ niệm 800 năm tạ thế của thánh Đaminh, Thời sự thần học số tới sẽ được dành cho đề tài: “Những khuôn mẫu thánh thiện”, bởi vì muốn tìm cách trả lời cho vấn nạn vừa nêu.

Trong Kitô học, người ta phân biệt giữa “Đức Giêsu của lịch sử và Chúa Kitô của đức tin”[1]. Thử hỏi: các dữ liệu của Tân ước cho ta biết gì về Đức Giêsu của lịch sủ? Thưa rằng rất ít; các dữ kiện thu thập được chắc chỉ đủ viết 1 trang tiểu sử. Nhưng Tân ước được viết ra đâu phải nhằm thuật lại tiểu sử của Đức Giêsu? Mục tiêu của các tác giả là loan báo Tin mừng cứu độ. Cần đọc Tin mừng trong ý định đó, và cố gắng khám phá sứ điệp mà soạn giả muốn gửi cho người đọc. Một cách tương tự, khi bàn về các thánh, các học giả phân biệt giữa “sử ký” (hay tiểu sử: biographia) và “thánh ký (hagiographia). Những người viết thánh ký không quan tâm đến khía cạnh tiểu sử của một con người, nhưng cố gắng trình bày sự thánh thiện của một nhân vật, qua đó Thiên Chúa tác động vào lịch sử nhân loại. Dấu chỉ thánh thiện thường được biểu lộ qua hai ngôn ngữ: một bên là các “nhân đức” (cố gắng về phía con người), và bên kia lá “phép lạ” (sự can thiệp từ trời cao)[2].

Sau những dẫn nhập hơi mông lung như vậy, chúng ta đi vào vấn đề đang bàn. Cha Đaminh là một vị thánh. Vào thời Trung cổ, để chứng tỏ sự thánh thiện của cha, các tác giả áp dụng cho cha cái khung đương thời tóm lại trong ba nhân đức “bác ái, khiêm nhường, khó nghèo” được trối lại cho con cái. Ngày nay chúng ta muốn tìm một nét gì làm nổi bật căn tính của cha. Trong chiều hướng này, có lẽ nhiều người nghĩ đến “lòng hăng say giảng thuyết để cứu rỗi các linh hồn”, thế nhưng không ít người lại tìm thấy căn cước của cha nơi sự cầu nguyện. Cha được định nghĩa là “con người cầu nguyện” Homo orans, hoặc dài hơn chút nữa, cha “chỉ nói với Chúa và nói về Chúa”. Một điều ngạc nhiên là Beato Angelico không vẽ bức tranh nào về thánh Đaminh giảng thuyết, nhưng rất nhiều bức tranh trình bày thánh Đaminh cầu nguyện, hoặc quỳ dưới chân thánh giá, hoặc nghiền ngẫm Sách thánh. Cầu nguyện không chỉ là một khía cạnh trong cuộc đời, nhưng nó định nghĩa bản chất cuộc đời của cha.

Ta có thể nói gì về việc cầu nguyện của thánh Đaminh? Tôi chỉ giới hạn vào việc chú giải bản văn về chín cách cầu nguyện của thánh nhân, viết vào cuối thế kỷ XIII. Bài nói chuyện gồm hai phần: 1/ Thứ nhất, giới thiêu sơ lược lịch sử và nội dung bản văn. 2/ Thứ hai, tìm hiểu thần học bản văn. Trong phần kết luận, chúng ta sẽ xem bản văn này có ý nghĩa gì cho thời nay.

I. Bản văn: Chín cách cầu nguyện của thánh Đaminh

Như vừa nói, thánh Đaminh ra đi mà không để lại một tác phẩm nào, lại càng không có một khảo luận nào về sự cầu nguyện. Đây là điểm khác biệt lớn không những giữa thánh Đaminh với thánh Inhaxiô (tác phẩm Linh thao), mà còn với thánh Phanxicô Assisi (với những lời nguyện nổi tiếng về Bài ca vạn vật, gợi hứng cho thông điệp Laudato sì).

Tuy không viết về sự cầu nguyện, nhưng người đương thời nhìn nhận rằng cha Đaminh là một con người cầu nguyện. Cha Giorđanô, vị tổng quyền kế nhiệm cha Đaminh đã viết như sau:

Ban đêm, không ai bền chí tỉnh thức cầu nguyện như người. Người dành ban ngày cho tha nhân và ban đêm cho Chúa (diem impartiebatur proximis, noctem Deo)… Người có thói quen qua đêm trong nhà thờ … Người cầu nguyện suốt đêm, và canh thức bao lâu mà thân thể mỏng dòn cho phép. Khi nào quá mệt mỏi và tinh thần đã đuối vì nhu cầu ngủ đòi hỏi thì người nghỉ ngơi một lát trước bàn thờ, hoặc một nơi nào khác. Người cũng dựa đầu trên một viên đá giống như tổ phụ Giacob. Rồi người lại canh thức, và tiếp tục cầu nguyện sốt sắng.[3]

Trong các chứng nhân khai tại tòa án phong thánh Bologna, có đến 9 người nói đến đời sống cầu nguyện của cha Đaminh. Không những họ cho biết rằng cha Đaminh thường cầu nguyện ban đêm, sau khi đọc kinh tối và anh em đã về ngủ, nhưng họ còn thêm rằng lời cầu nguyện còn kèm theo cử điệu (giang tay) và than khóc[4]. Khi được hỏi làm sao mà họ biết được những điều đó, các nhân chứng trả lời rằng: họ đã thấy tận mắt, hoặc có lần họ rình trong một góc để xem. Dù nói thế nào đi nữa, cha Đaminh đã có tiếng về sự cầu nguyện[5].

Tấm gương của vị tổ phụ được truyền thụ lại cho anh em qua nhiều thế hệ. Các legenda của Pedro Ferrando và Constantino de Orvieto đều ghi nhận sự cầu nguyện liên lỉ của cha Đaminh. Gérard de Frachet (Vitae fratrum) đã lấy lại các lời khai của các chứng nhân trong hồ sơ phong thánh để diễn ra thành hạnh tích, và không quên ghi chú ba cử điệu chính của cha Đaminh: đứng, quỳ, phục (stans, ingeniculans et prostratus). Dĩ nhiên các thế hệ kế tiếp đều muốn “họa lại” bằng cách áp dụng trong khi cử hành phụng vụ, và qua tranh ảnh để lưu lại cho hậu thế.

Vào cuối thế kỷ XIII, đã thấy lưu hành nhiều bức tranh họa lại 9 lối cầu nguyện của thánh Đaminh, kèm theo những lời chú giải. Bản văn này được xếp vào những văn phẩm cố cựu nhất về linh đạo Đaminh, viết ra trong khỏang từ năm 1260 (tác phẩm của Gérard de Frachet) và năm 1288 (tác phẩm của chị Cêcilia). Lý do là vì tác giả của nó đã đọc quyển Vitae Fratrum và đã sử dụng các sử liệu từ đó; mặt khác, tác giả đã nghe chị Cêcilia kể chuyện phép lạ anh Napoléon được sống lại nhưng chưa được đọc sách do chị viết ra. Ngòai ra, các nhà phê bình đóan rằng xuất xứ của tài liệu này là tu viện Bologna, rồi được chuyền tay sang các nơi khác. Cha Simon Tugwell O.P. đã thu góp các thủ bản còn lưu trữ ở các thư viện Âu châu để phân tích đối chiếu.[6] Ở đây, xin miễn đi vào các chi tiết kỹ thuật và chỉ tóm lược những điểm chính yếu. Nên lưu ý là cần phân biệt giữa bản văn và những ảnh minh họa. Bản văn thì cổ điển, còn những bức tranh minh họa thì ra đời vào nhiều thế kỷ khác nhau. Những hình ảnh quen thuộc hơn cả lấy từ thuer bản Codex Rossianus 3, lưu trữ trong thư viện Vatican (đầu thế kỷ XIV).

Ngọai trừ cách thức số 9 kể lại việc cầu nguyện khi đi đường[7], khung cảnh của các buổi cầu nguyện là tu viện (phòng riêng, nhà nguyện), và luôn luôn trước tượng Thập giá Chúa Kitô đặt trên bàn thờ. Chúng ta hãy rảo qua một vòng những nét mô tả đại cương, và bỏ qua những trích dẫn Kinh thánh kèm theo.

1. Modus humilians: cúi mình trước bàn thờ, tỏ thái độ cung kính thờ lạy.

2. Modus prostrationis: nằm phủ phục xuống đất, giống thái độ tạ lỗi (venia), tỏ lòng thống hối tội của bản thân và tội của thế gian.

3. Modus flagellationis: đánh tội bằng xích sắt. Trong các lời khai trước tòa án phong thánh, Joannes Navarrensis (số 5), Rudolphus (số 6) có nhắc đến việc đánh tội. Cha Humbertô thì thêm rằng mỗi đêm thánh Đaminh đánh tội 3 lần bằng roi sắt: một lần cho mình, một lần cho các tội nhân, một lần cho các linh hồn trong luyện tội.

4. Modus genuflexionis: bái gối (và đứng lên) nhiều lần, đôi mắt nhìn cắm thẳng vào thập giá. Thái độ tín thác vào tình lân tuất của Chúa, phản ánh qua nét mặt lúc vui tươi lúc cảm động.

 

5. Modus stans: đứng thẳng người, với cử động xích lại gần bàn thờ. Nên ghi nhận cử điệu của hai bàn tay: khi mở ra, khi chắp lại, khi múa máy đối thọai. Chúng biểu lộ tâm tình cởi mở lắng nghe tiếng nói từ trời.

6. Modus orantis ad modum crucis: bắt chước cử điệu của chính Chúa Giêsu dang tay trên thập giá. Đây cũng là cử điệu của linh mục khi đọc lời nguyện trong thánh lễ và cũng là cử điệu tha thiết van nài.

7. Modus impetrationis: vươn hai cánh tay vươn lên trời cao tựa như mũi tên (per modum sagittae), ra như xuất thần lên cõi thiên giới. Hai tư thế số 6-7 họp một tòan bộ trong tư thế chuyển cầu van nài.

8. Modus lectionis. Cha Đaminh ở trong tư thế ngồi, và nghiền ngẫm sách thánh. Thái độ của lectio divina: học hỏi và cầu nguyện (studium orans), kết thúc với việc chiêm niệm (lectio, meditatio, oratio, contemplatio). Tư thế này đư

 

ợc Fra Angelico diễn tả sống động hơn qua bức họa thánh Đaminh ngồi đọc sách dưới chân thập giá.

9. Modus itinerantis. Cha Đaminh cầu nguyện cả khi đi đường. Đúng ra, khi đi đường, cha cũng chuyện trò với người đồng hành (de Deo), nhưng rồi lại tách lui ra để cầu nguyện (cum Deo).

Nhận xét

 

 

Trước khi đi vào những suy tư liên quan đến nội dung thần học của bản văn, chúng ta nên dừng lại một chút để ghi nhận vài nhận xét từ bên ngoài.

– Khi nói đến các cách cầu nguyện của thánh Đaminh, bản văn chỉ đề cập đến việc cầu nguyện “tư”, chứ không nói đến cầu nguyện phụng vụ, chẳng hạn như việc củ hànhThánh lễ hoặc nguyện kinh nhật tụng. Chúng ta được biết là cha cử hành Thánh lễ rất sốt sắng, và nhiều lần nước mặt chảy lăn trên gò má; hoặc trong cung nguyện, cha đi từ bên này sang bên kia để thúc giục anh em đọc hay hát. Vì lý do gì chỉ tập trung vào việc cầu nguyện cá nhân ? Có lẽ bởi vì bản văn này được soạn như một bài học cho các tập sinh về cách cầu nguyện tư, chứ không chủ ý thuật lại đời sống cầu nguyện của vị tổ phụ.

– Một câu hỏi nữu được nêu lên: bản văn này được kể lai để chiêm ngắm hay để đem ra thực hành? Câu trả lời không đơn giản. Dĩ nhiên, như vừa nói, dụng ý của tác giả là đào tạo cho các tập sinh về việc cầu nguyện. Nhưng điều này không có nghĩa là họ phải diễn lại tất cả mọi cử chỉ, bởi vì có những đoạn xem ra kể lại những ơn Chúa ban riêng cho cha (chẳng hạn như khi nói đến việc ngất trí), chứ không phải ai cũng có tham vọng diễn lại trong đời mình. Như vậy ta cần biết điều gì bắt chước được, điều gì không thể bắt chước được?

Xin thưa rằng không thể bắt chước cách máy móc tất cả mọi tư thể, nhưng ta có thể bẳt chước tinh thần đàng sau các tư thế. Điều này đưa chúng ta sang phần thứ hai của bài thuyết trình.

II. Thần học của chín cách cầu nguyện

Các nhà chú giải đưa ra nhiều thứ giải thích ý nghĩa của 9 cách cầu nguyện. Tôi xin tóm vào ba ý nghĩa chính lấy từ các tác giả của Dòng vào thể kỷ XIII và một tác giả thế kỷ XX: 1/ thần học về thân xác trong việc cầu nguyện. 2/ thần học về tâm tình cầu nguyện. 3/ thần học về chuẩn bị hoạt động tông đồ.

A. Thần học về thân xác trong việc cầu nguyện

Thoạt tiên, điều này xem ra chẳng ăn nhập gì với với cảm thức thời nay. Nhưng đặt trong bối cảnh lịch sử của nó, việc nhấn mạnh đến giá trị của thân xác rất là quan trọng[8]. Như chúng ta đã biết, vào thời thánh Đaminh, ở miền Nam nước Pháp, học thuyết Cathari thu hút được nhiều người theo. Một trong những luận đề chính của họ là quan niệm nhị nguyên của vũ trụ, sự phân biệt giữa Thiện và Ác, giữa tinh thần và vật chất. Vật chất ở dưới sự thống trị của tội lỗi; và vì thế thân xác là kẻ thù của sự nên thánh. Trong bối cảnh này, các nhà thần học muốn nhấn mạnh đển giá trị của thân xác. Xét về phương diện trí thức, chính là qua giác quan mà lý trí thu nhận các ý tưởng. Xét về phương diện tâm linh, thân xác cũng góp phần vào việc cầu nguyện và nên thánh. Không lạ gì mà các nhà tu đức của thời đại nhấn mạnh đến ý nghĩa của các cử điệu thân xác trong việc cầu nguyện.

1/ Khi giải thích cách thức cử hành phụng vụ, cha Humbertô đã dành một chương để bàn về tác dụng của cử điệu thân thể đối với việc thờ phượng Thiên Chúa (De inclinationibus). Theo cha, để thờ phượng Thiên Chúa cách đứng đắn cần phải vận dụng trái tim, miệng lưỡi và thân thể. Con tim (cor) cần được hun nóng nhờ ba nhân đức đối thần; miệng lưỡi (os) cần được vận động để xướng các lời kinh mà Hội thánh đã chỉ định; thân thể (corpus) giúp cho con người biết hạ mình trước tôn nhan Chúa. Tác giả lần lượt giải thích các cử điệu phải tuân giữ khi đọc kinh nguyện: cúi đầu, ngước mắt, quay lên bàn thờ, chắp tay, dang tay, giơ tay, đấm ngực, làm dấu thánh giá, vv.[9]

2/ Những gì cha Humbertus nói đã được tuân giữ trong truyền thống của Dòng. Chúng ta tạm gác tầm quan trọng của con tim (sẽ được bàn trong đoạn kế tiếp), để chỉ nhắc đến các cử điệu thân thể khi cử hành phụng vụ:

– Cúi. Nên biết có nhiều câp độ cúi: cúi đầu, cúi mình, cúi sâu.

– Phủ phục xuống đất. Ngày nay chỉ còn phủ phục lúc mặc áo, khấn dòng. Nhưng cho đến công đồng Vaticano II, việc nằm venia khá thường xuyên.

– Tay. Tay có thể chắp tay, hoặc dang tay (cử điệu này ngày nay chỉ dành cho các linh mục khi cử hành thánh lễ

 – Quỳ. Cử chỉ rất thông dụng, tuy ngày nay có xu hướng giảm dần (quỳ lâu mỏi gối!).

 – Hai thể thức cuối cùng cũng góp phần vào việc cầu nguyện: ngồi để lắng nghe lời Chúa; đi để nhắc nhớ thân phận lữ hành (chẳng hạn như đi kiệu).

Thiết tưởng đề tài này rất thực tế đối với chúng ta, khi biết rằng Yoga và Zen đặt cho tư thế của thân xác vai trò quan trọng trong việc chiêm niệm (xc. Thư của Bộ Giáo lý đức tin về việc chiêm niệm Kitô giáo, ngày 15/10/1989),

B. Thần học về tâm tình cầu nguyện

Như vậy, chúng ta hãy vận dụng toàn thân để cầu nguyện. Thân xác giúp ích nhiều cho việc cầu nguyện. Tuy vậy, khi nói đến tư thế cầu nguyện, các nhà thần học Trung cổ không quên lưu ý đến dụ ngôn về sự cầu nguyện của người Biệt phái và ngươi thu thuế. Cả hai đều ở trong tư thế cầu nguyện, nhưng tâm hồn của hai người khác nhau, và do đó lời cầu nguyện của họ dẫn đến kết quả khác nhau. Đây là điều mà chúng ta cần phải cảnh giác[10]. Các cử chỉ bên ngoài giúp phát triển tâm tình bên trong; ngược lại các cử chỉ bên ngoài cũng cần diễn tả tâm tình bên trong. Việc cúi mình, bái gối, phủ phục cần đi kèm theo tâm tình cung kính, khiêm tốn, vâng phục. Hãy tránh những cử chỉ biểu lộ thái độ kiêu căng, tự mãn, trịch thượng.

Đâu là sợi chỉ đỏ liên kết tất cả các thể thức cầu nguyện? Cha Humbert trả lời rằng đức khiêm tốn. Nói cách khác, tư thế thứ nhất là nền tảng cho tất cả những tư thế khác. Trong bản văn chúng ta đang bàn, các từ ngữ humilis, humilitas, humiliari xuất hiện 10 lần.

– Khiêm tốn qua việc cúi sâu bày tỏ sự tôn thờ Thiên Chúa cao cả.

– Khiêm tốn qua việc cúi đầu bày tỏ sự ưng thuận, tuân phục (giống như Chúa Giesu trên thập giá)

– Khiêm tốn qua lời kinh. Bản văn nói đến thánh Đaminh lặp lại lời khẩn nài của bà Giuđitha, người phụ nữ Cananêa, viên đại đội trưởng, người con hoang đàng: toàn là những lời phát biểu của tâm hồn khiêm tốn, hoàn toàn trông đợi lòng thương xót của Chúa.

C. Thần học về cầu nguyện tông đồ

Hai cách giải thích vừa nói xem ra có thể áp dụng cho tất cả các dòng tu, chứ chưa làm nổi bật nét đặc thù của Dòng Đaminh. Một nữ tu người Pháp, Catherine Aubin, giáo sư ở Angelicum đã đề nghị một lối giải thích khá độc đáo về cầu nguyện Đaminh, đó là: cầu nguyện chuẩn bị cho việc tông đồ[11]. Đó chẳng phải là ý nghĩa sâu xa của khẩu hiệu “contemplata aliis tradere” đấy ư?

Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu bằng con số 9. Số 9 tượng trưng điều gì? Thưa rằng nó nhắc đến thời gian đứa bé được cưu mang trong bụng mẹ, trước khi trở nên hình hài và ra đời. Chín tháng tượng trưng cho thời gian cưu mang Lời trước khi đem ra rao giảng.

Chín cách thức cầu nguyện có thể phân làm 3 giai đoạn, nói lên một sự tiến triển để khám pá sự thật về Thiên Chúa và về bản thân: 1/ đón tiếp (4 cách thức đầu tiên); 2/ gặp gỡ (3 cách thức kế tiếp: 5-7); 3/ trao ban (2 cách thức cuối cùng). Dù sao, đừng quên tiền đề căn bản của tiến trình này là: không phải là chúng ta đến với Chúa, nhưng là Chúa đến với ta trước; do đó, chúng ta hãy mở lòng ra với Người.

1/ Đón tiếp

Thánh Đaminh cầu nguyện trước tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Cầu nguyện là đi vào sự kết hiệp với Đức Kitô. Bốn tư thế đầu tiên họa lại bốn cách chiêm ngắm Chúa Giêsu: thứ nhất, Chúa gục đầu xuống và trao ban thần khí (x. Ga 19,36); thứ hai, Chúa than khóc Giêrusalem (x. Lc 19,41); thứ ba, Chúa chịu đánh đòn (x. Mc 14,65); thứ bốn, Chúa quỳ gối cầu nguyện trong vườn Cây dầu (x. Lc 22,45) rồi đứng dậy. Từ đó, việc đón tiếp Người vào đời ta được diễn tả qua bốn cách thức: một, kết hiệp với Người qua sự khiếm tốn (phủ phục); hai, phó thác hoàn toàn cho Người, khi nằm xoài ra đất; chia sẻ sự đau khổ của Người qua việc đánh tội, tức là chấp nhận những đau khổ của cuộc đời; bốn, từ tư thế quỳ chuyển sang tư thế đứng, nói lên sự tin tưởng.

Như vậy, giai đoạn một (cúi sâu ; phủ phục; hãm mình, quỳ gối) tóm lại bằng việc đón tiếp:

– Đón tiếp bản thân, với những giới hạn của mình.

– Đón tiếp Thiên Chúa trong ta, đón tiếp kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho ta.

Và có thể tóm tắt vào giới từ: với (với Đức Kitô, với ta, với tha nhân).

2/ Gặp gỡ

Ba thế 5-6-7 trình bày thánh Đaminh đứng (5), mở rộng bàn tay để gặp gỡ Chúa (6), giơ tay lên đế tiếp nhận (7). “Đứng” là tư thế cầu nguyện thông thường trong Kinh thánh: nó nói lên sự thân mật. Khi người yêu đến, ai mà chẳng đứng lên để ra đón chào? Các bức tranh cũng liên kết tư thế đứng với những cử động của tay (mở ra, khép lại, dang rộng, giơ cao). Đứng cũng tượng trưng cho sự chỗi dậy, bắt đầu cuộc đời mới.

– Cha Đaminh, trong tư thế lắng nghe: ra như đang đứng trước mặt Chúa Kitô đang giảng trong hội đường (x. Lc 4,16), và sẵn sàng làm theo ý Chúa.

– Cha Đaminh dang tay ra hình thập giá, đồng hóa với Chúa Kitô trên thập giá, trong tư thế đối diện với sự sống.

– Cha Đaminh giơ tay lên trời, kết hợp với Chúa, và cầu xin ơn Thánh Thần cho anh em.

Hoặc có thể tóm vào giới từ: trong Chúa

3/ Trao tặng

Đây là hai tư thế cuối cùng. Đaminh ngồi đọc sách thánh, với cửa sổ mở ra. Việc học hành mở ra đến chân lý đức tin cũng như đến thế giới. Điều này dẫn ta đến việc lên đường giảng Lời Chúa.

Cha Đaminh lắng nghe và đối thoại với lời Chúa khi nghiền ngãm sách thánh. Rồi lên đường trao ban Lời Chúa. Đây cũng là cách họa lại Chúa Kitô: khi ngồi bàn với các tội nhân (x. Mt 9,10), hoặc ngồi để giảng dạy (chẳng hạn trong bài giảng trên núi, x. Mt 5,1). Chúa cũng đi vào các làng mạc và thành thị để rao giảng Tin mừng (x. Lc 13,22).

Giới từ “cho” (hay là “vì”: pour).

Kết luận

Trong tuần tĩnh tâm, một câu hỏi tự nhiên được đặt ra để kết luận bài giảng về cầu nguyện: chúng ta đã cầu nguyện như thế nào? Cầu nguyện được dành chỗ đứng nào trong đời sống chúng ta? Tuy nhiên, tôi xin đặt câu hỏi cách khác: Có thể thực hành các cách cầu nguyện này không? Hay nói mạnh hơn nữa: chúng ta có dám giới thiệu các cách thức cầu nguyện của thánh Đaminh cho người khác không, hay chỉ dành lưu hành nội bộ? Phải chăng chúng ta vẫn mang mặc cảm vì dòng Đaminh không có gì để nói về phương pháp cầu nguyện? Và tôi xin trả lời rằng: có thể quảng bá 9 cách cầu nguyện của thánh Đaminh, hoặc theo nghĩa đen, hoặc theo nghĩa bóng. Đây không phải là sáng kiến cá nhân, nhưng bắt chước những người đã đi trước.

Chúng ta có thể diễn lại các cách cầu nguyện của thánh Đaminh hoặc theo nghĩa đen hay theo nghĩa bóng.

1/ Theo nghĩa đen. Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã giúp chúng ta rồi. Trong bài huấn dụ buổi tiếp kiến chung ngày 8/8/1992[12], sau khi đã giới thiệu sơ lược cuộc đời thánh Đaminh và việc cầu nguyện của Người, ngài nói:

Thánh nhân không để lại một tác phẩm nào về việc cầu nguyện, nhưng truyền thống Đa- minh đã thu tập và truyền đi kinh nghiệm của Người thật sống động trong một tác phẩm mang tựa đề: Chín cách cầu nguyện của Thánh Đaminh. Cuốn sách này được sáng tác trong khoảng giữa năm 1260 và 1288 do một tu sĩ của Dòng. Cuốn sách này giúp chúng ta hiểu được một vài điều về đời sống nội tâm của thánh nhân và cuốn sách cũng còn giúp chúng ta nữa (…) để học cho biết được một vài điều về cách thế cầu nguyện. Có 9 cách để cầu nguyện theo Thánh Đaminh và mỗi một cách trong 9 cách này, luôn luôn thực hiện trước tượng ảnh Chúa Giêsu chịu nạn, diễn tả một thái độ của thân xác và một thái độ của tâm hồn mà khi hòa hợp chặt chẽ với nhau sẽ giúp ích cho việc hồi tâm và lòng sốt sắng.

Bảy cách thứ nhất theo một đường đi lên, như những bước đi trong cuộc hành trình, hướng về sự hiệp thông với Thiên Chúa, với Chúa Ba Ngôi. Thánh Đaminh cầu nguyện với thái độ đứng và cúi xuống để diễn tả sự khiêm nhường, nằm xoài dưới đất để cầu xin ơn tha thứ các tội riêng của mình, quỳ gối khi thống hối để tham dự vào các đau khổ của Đức Kitô, với cánh tay dang ra, nhìn thẳng vào Chúa chịu nạn để chiêm ngắm Tình Yêu Tối Cao, với cặp mắt nhìn lên trời Người cảm thấy mình được lôi kéo vào trong thế giới của Thiên Chúa. Vì thế 3 hình thức cầu nguyện là: đứng, quỳ gối, nằm xoài trên mặt đất; nhưng luôn luôn cái nhìn hướng về Đức Kitô Chịu Nạn.

Còn hai cách thế cuối cùng mà Tôi muốn dừng lại ngắn ngủi ở đây, tương hợp với hai thói quen đạo đức mà Thánh nhân thường thực hiện. Trước hết việc suy niệm cá nhân, trong đó lời cầu nguyện mang thêm một chiều kích thân mật hơn, sốt sắng hơn và thanh thản hơn. Vào lúc kết thúc buổi cử hành Phụng Vụ các Giờ Kinh, và sau khi cử hành Thánh Lễ, Thánh Đaminh kéo dài cuộc nói chuyện với Thiên Chúa, mà không đặt một giới hạn nào về thời gian. Khi ngồi trong bình thản, Người đã hồi tâm trong chính mình với một thái độ lắng nghe, khi đọc một cuốn sách hoặc khi nhìn thẳng vào Chúa Chịu Nạn. Như thế Thánh nhân sống một cách sâu xa những giây phút này trong mối tương quan với Thiên Chúa, mà ngay cả người bên ngoài có thể đóan nhận ra các phản ứng của Thánh nhân qua nét vẻ vui tươi hoặc trong tiếng khóc. Vì thế Người đã làm cho các thực tại của đức tin thành của riêng mình, khi suy niệm. Các chứng nhân kể rằng, có những lần, Thánh nhân đi vào trong một trạng thái xuất thần với bộ mặt được biến đổi, nhưng ngay lập tức sau đó Người lấy lại cách khiêm nhường các hoạt động hằng ngày của mình, được tràn đầy sức mạnh có được từ Đấng Tối Cao. Rồi việc cầu nguyện trong các cuộc hành trình giữa tu viện này tới tu viện khác; Thánh nhân đọc Giờ Kinh Sáng, Kinh Ban Ngày, Kinh Chiều với các đồng bạn, và, khi qua các thung lũng hoặc các đồi, Thánh nhân chiêm ngắm vẻ đẹp của tạo dựng. Và từ con tim của Thánh nhân thốt lên một lời ca ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì bao nhiêu ơn lành, nhất là vì sự cao cả lớn lao nhất: ơn cứu rỗi do Đức Kitô thực hiện (…)

Thánh Đaminh nhắc nhở chúng ta rằng ở lúc khởi đầu việc chứng tá đức tin, mà mỗi Kitô hữu phải thực hiện trong gia đình, trong việc làm, trong dấn thân xã hội, và cả trong những lúc giải trí, vẫn là việc cầu nguyện, là cuộc tiếp xúc cá nhân với Thiên Chúa. Duy chỉ mối tương quan đích thực này với Thiên Chúa mới ban cho chúng ta sức mạnh để sống cách sâu đậm mỗi biến cố, nhất là những lúc đau khổ nhất. Vị Thánh này còn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của các cử chỉ bên ngoài trong khi chúng ta cầu nguyện. Thái độ quỳ gối, việc đứng thẳng trước Chúa Kitô, việc đưa mắt nhìn vào Chúa Chịu Nạn, việc dừng lại và hồi tâm trong thinh lặng, không phải là những điều phụ thuộc, nhưng giúp để đem chúng ta từ trong thâm tâm, với tất cả con người chúng ta, đi vào trong tương quan với Thiên Chúa. Tôi muốn nhắc lại một lần nữa sự cần thiết cho đời sống thiêng liêng của chúng ta là hằng ngày tìm ra được những giây phút để cầu nguyện trong thanh thản; chúng ta phải làm điều này nhất là trong các ngày nghỉ, để có một đôi lúc nói chuyện với Thiên Chúa. Đó cũng là cách để giúp những ai sống gần chúng ta đi vào trong ánh sáng long lanh của sự hiện diện của Thiên Chúa, là điều mang lại bình an và tình yêu mà chúng ta tất cả đều cần tới.

2/ Theo nghĩa bóng

a) Chúng ta không cần họa lại cách thể lý những cử điệu của thánh Đaminh, nhưng là những tâm tình hàm ngụ đàng sau các cử điệu ấy. Đây là điểm mà cha Stephen Morris, thuộc giáo phận Rockville Center, đã nhắn nhủ các bổn đạo trong giáo xứ của mình[13].

Các tâm tình hoặc hoa trái không thể nào thiếu trong việc cầu nguyện là:

– Khiêm tốn, nhìn nhận mình là thụ tạo trước mặt Thiên Chúa

– Khóc tội: nhìn nhận những thiếu sót của mình hoặc của cộng đoàn.

– Đền tội: chẳng cần phải dùng roi đánh tội; hãy kiên nhẫn chịu đựng những thiếu sót của tha nhân, những khó khăn của bổn phận, những hạn chế của bản thân.

– Mở rộng hai bàn tay để đón tiếp và trao ban.

– Dang tay nhu Chúa trên thập giá: chấp nhận cho mình bị thương tổn.

– Giơ thẳng tay lên trời: vươn cao và vươn xa; dám đi ra

– Học Kinh thánh (người Công giáo ít khi cầu nguyện với Kinh thánh! Anh em Tin Lành trách như vậy).

– Cầu nguyện trên đường đi

b) Một cách thức khác nữa để kết luận do cha Michael Hurley O.P. đề nghị, tóm lại trong chữ ACTIONS, ghép lại các chữ đầu của các hành động (dễ nhớ lắm)[14]. Nhưng mà vì muốn cho dễ nhớ, cho nên đôi khi cần phải thay đổi thứ tự các bức tranh:

Adoration (Thờ lạy: số 1), Contrition (Thống hối: số 2-3), Thanksgiving ( Tạ ơn: số 9), Intimacy (Thân mật: số 5), Offering (Dâng hiến: số 6), Necessity (Cần thiết, tức là chuyển cầu: intercession, số 4 và 7), Study (số 8).

 

  ———————————

[1] Thuật ngữ trở thành phổ thông kể từ bài diễn văn của Martin Kaeler năm 1892: Der soggenannte historische Jesus und der geschichtliche, biblische Christus.

[2] Antonio Rubial Garcia, “La hagiografia: su evolución histórica y su recepción historiografica actual”, in De sendas, brechas y atajos: contexto y crítica de las fuentes eclesiásticas, siglos XVI-XVIII , Mexico 2008, págs. 15-33. https://www.enah.edu.mx/publicaciones/documentos/175.pdf

[3] Libellus, c.59. Tất cả chương 59 mô tả chân dung tinh thần của thánh Đaminh.

[4] Vài thí dụ. Ventura de Verona: “semper ibat ad orandum in ecclesia… pro maiori parte noctis erat in oratione et sepissime pernoctabat in oratione et multum plorabat in oratione”. Guillelmus de Monferrato: “prius incumbebat multum orationi et pluribus vicibus cum fletu et lacrimis ita quod sepe excitabat ipsum testem et alios cum gemitu et planctu et sono … et firmiter credit quod maiori spacio temporis erat in oratione quam in dormitione”. Joannes Navarrensis: “Tunc frater Dominicus alacri facie elevavit manus suas et laudavit Dominum et benedixit.

[5] Quia vidit, pluries vidit, ipse testis vidit, quia sepissime sequebatur in ecclesia, quia vidit et communis fama erat inter fratres, et hoc erat fama publica inter fratres. Gérard Frachet kể lại chứng tích của một tu sĩ đã rình suốt 7 đêm để xem cách cha Đaminh cầu nguyện.

[6] Simon Tugwell, The nine ways of Prayer of St. Dominic: A textual Study and critical edition, in: Medieval Studies 47 (1985), 1-124.

[7] Nhân chứng Paulus Venetus (số 8) ở tòa án Bologna khai rằng khi đi đường cha Đaminh cầu nguyện hoặc giảng thuyết, dành thời gian vào việc nguyện ngắm. Người khuyên các anh em rằng khi đi đường chúng ta hãy nghĩ tưởng đến Chúa Cứu thế.

[8] Catherine Aubin, Les fondements anthropologiqes de la prière corporelle de saint Dominique , in; Angelicum 81 (2004), 351-375.

[9] De Vita regulari II,168-169: de diversis statibus corporalibus in adorando Deum. “Illud autem sciendum est quod genuflectio cum elevatione capitis et oculorum, iunctis manibus, dispositio est inter omnes aptior ad orandum, sicut noverunt experti. Genuflexio enim habet humilitatem, elevationem vero capitis et oculorum sequitur facile elevatio cordis, quia anima propter collegationem quam habet cum corpore, facile sequitur dispositiones eius; manuum vero iunctio expressio est affectus. Nihil autem est utilius in oratione quam humilitas, intentio et affectus. (p.169). Ngòai ra cha Humbertô cũng cho biết rằng một anh em kia đã thức suốt 7 đêm để quan sát cách thế của cha Đaminh, và đã ghi nhận các cách thức sau: modus status, ingeniculans, prostratus in terram, elevatis manibus in caelum, extensis in similitudinem crucis, cancellatis et iunctis manibus, inclinans profunde.

[10] Sophie Dutheillet de Lamothe. Le corps vertueux. Théorie et pratique de la prière dans l’instruction des novices dominicains (XIII e – XV e siècles). e-Spania – Revue interdisciplinaire d’études hispaniques médiévales et modernes, Civilisations et Littératures d’Espagne et d’Amérique du Moyen Âge aux Lumières (CLEA) – Paris Sorbonne, 2015, 10.4000/e-spania.24931 . hal-01442036

[11] Catherine Aubin, Prier avec con corps à la manière de saint Dominique, Cerf, Paris 2005.

[12] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/it/audiences/2012/documents/hf_ben-xvi_aud_20120808.html

[13] https://paucaverba.blogspot.com/2015/08/saint-dominic-teaches-us-to-pray-first.html

[14]https://d2y1pz2y630308.cloudfront.net/23112/documents/2020/6/No.%203.%20St.%20Dominics%20Nine%20Ways%20of%20Prayer.pdf

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here