Chiều Kích Giáo Hội Trong Hoạt Động Tông Đồ Của Tu Sĩ – Vấn Đề 46

0
660


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 46

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ CỦA TU SĨ:

CHIỀU KÍCH GIÁO HỘI

 

Hoạt động của các Dòng tông đồlà hoạt động thực sự củaGiáo Hội, dù bất cứ dưới hình thức nào.

Không một tín hữu nào, mặc dù hoạt động rất riêng tư, lại hành động lẻ loi hoặc với danh nghĩa cá nhân. Các thành phần của một Dòng Tu, do sự thánh hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, lại càng tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội với một danh nghĩa mới và đặc biệt hơn nữa (đ. 573 §l). Vì thế trong các Hội Dòng này “hoạt động tông đồ và từ thiện nằm trong bản chất của đời tu, xét vì nó là một tác vụ thánh và một hoạt động bác ái được Giáo Hội ủy thác cho Dòng, và cần được thi hành nhân danh Giáo Hội”.[1] Giáo huấn này được giáo luật lấy lại ở điều 676 và áp dụng cho các Dòng giáo dân: “Các Dòng giáo dân, dù nam hay nữ, tham gia vào nhiệm vụ của Giáo Hội và phục vụ nhân loại bằng nhiều cách khác nhau qua những công tác từ thiện về phần thiêng liêng hay thể xác”.

Trong các điều kiện như thế, dĩ nhiên hoạt động tông đồ của các Dòng Tu đó phải được tiến hành “trong sự hiệp thông với Giáo Hội” (đ. 675 §3). Về mối liên hệ giữa sứ vụ của các Dòng Tu với sứ vụ của Chúa Kitô và của Giáo Hội, nên đọc văn kiện “Những Yếu Tố Cốt yếu trong giáo huấn của Hội Thánh về đời tu” (ngày 31 tháng 5 năm 1983), số 12; 23-27, và Tông huấn Đời sống thánh hiến (ngày 25 tháng 3 năm 1996), số 72-75.

Vì thế:

Bởi vì các Dòng tông đồ được Giáo Hội nhìn nhận cho hiện hữu qua việc phê chuẩn sứ mạng riêng, cùng với “bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính của mỗi Dòng (đ. 578), cho nên lòng trung thành với Giáo Hội đòi buộc các Dòng phải trung thành với sứ mạng tông đồ riêng của mình, như đã nói ở điều 677 §1 của Bộ Giáo luật: “Các Bề trên và các phần tử trung thành duy trì sứ mạng và các công cuộc riêng của Dòng.[2] Từ sau Công Đồng, sự trung thành với “đặc sủngcủa Dòng được nhắc nhở nhiều lần, nhất là nơi các văn kiện vừa trích dẫn trên đây.[3]

Sự trung thành này là “trung thành với sức sáng tạo của các Đấng lập Dòng và với những chủ đích nguyên thủy của mỗi Hội Dòng”.[4] Sự trung thành này đòi các Bề trên và các tu sĩ “phải chú ý đến những nhu cầu của mỗi nơi và mỗi thời để khôn khéo thích nghi các hoạt động riêng của mình, bằng cách sử dụng những phương tiện mới mẻ và thích hợp” (đ. 677 §l).

Nhờ vậy các Hội Dòng có thể cảm thấy được mời gọi, hoặc tham gia vào các thừa tác vụ mới mà Giáo Hội cung cấp cho họ, hoặc tìm ra “những hình thức mới về liên đới và tham dự vào các sinh hoạt xã hội ngày nay”,[5] miễn là phải luôn trung thành với đoàn sủng riêng của mình. Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến đưa ra một số những chỉ dẫnliên quan đến “việc dành ưu tiên cho người nghèo và cho cỗ võ công lý” (số 82), “chăm sóc bệnh nhân (số 83), môi trường giáo dục (số 96-97), lãnh vực truyền thông xã hội (số 99), đối thoại liên tôn (số 102).

Sự trung thành “sinh động” đối với đoàn sủng riêng của mình không có nghĩa là bỏ rơi những công cuộc theo truyền thống, bởi vì “nếu được cập nhật hóa đúng mức, các công cuộc này thường tỏ ra là những cách thức tối hảo để rao giảng Phúc âm, để làm chứng cho Chúa, và để thăng tiến con người đích thực”.[6]

“Các tu sĩ phải phục quyền các Giám mục, phải tỏ ra lòng suy phục và kính cẩn với các ngài” (đ. 678 §1). Các tu sĩ, kể cả các Dòng “miễn trừ”, phải lệ thuộc các giám mục trong các lãnh vực sau đây:

– a/. Việc thi hành tác vụ của Giáo Hội trong nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa, thánh hóa và cai quản. Tác vụ cai quản liên quan đến sự tham gia vào quyền quản trị các tín hữu.

– b/. Việc phụng tự công khai, nghĩa là các việc cử hành phụng vụ mở ra cho những người không thuộc về Hội Dòng.[7]

– c/. Tất cả các công cuộc tông đồ nhắm đến những người ở ngoài Hội Dòng.

Ở đây chúng tôi chỉ nhắc đến những khoản chính của Giáo Luật liên quan đến các thừa tác vụ Giáo Hội của các tu sĩ.

“Quyền tự trị chính đáng” mà đ.586 §l công nhận cho các Hội Dòng nhắm đến việc cai quản Hội Dòng (nhân sự và tài sản), kỷ luật riêng (sứ mạng, việc đào tạo khỏi dầu và thường xuyên, đời sống nội bộ trong tu viện), cũng như việc bảo vệ “gia sản” của Hội Dòng.

“Trong khi thi hành việc tông đồ bên ngoài, các tu sĩ vẫn phải vâng phục các Bề trên của mình và trung thành giữ kỷ luật của Dòng” (đ. 678 §2). Sự vâng phục này phát sinh từ lời khấn vâng lời cũng như từ những nghĩa vụ kèm theo lời Khấn Dòng, tuy đôi khi Hiến Pháp cần phải dự liệu chuẩn miễn cần thiết để thích ứng với những đòi hỏi của việc tông đồ.

Do đó khoản luật nói tiếp: “Các Giám Mục đừng quên thúc bách các nghĩa vụ ấy, khi gặp hoàn cảnh”.

Nhằm tránh những khó khăn và nhằm ích lợi của Giáo Hội, “trong việc điều hành các hoạt động tông đồ, các Đức Giám Mục Giáo phận và các Bề trên Dòng cần phải tiến hành với sự trao đổi ý kiến giữa đôi bên” (đ. 678 §3). Đó cũng là một mục tiêu mà Giáo luật nhắm đến khi đề nghị các Hội Đồng Giám Mục thành lập Hội đồng các Bề Trên Cao Cấp” (đ. 708).

Trong vấn đề tương quan giữa các Giám Mục và các Bề trên Dòng, văn kiện căn bản là “Mutuae relationes” (ban hành vào tháng 5 năm 1978), gồm những nguyên tắc căn bản cũng như một số hệ luận thực hành.

Hệ luận cuối cùng của tính chất Giáo Hội của hoạt động tông đồ của các Hội Dòng được điều 680 phát biểu vắn tắt như sau:

– a/. Phải cổ võ sự hợp tác có tổ chức giữa các Dòng khác nhau và giữa các Dòng với giáo sĩ giáo phận.

– b/. Cần có sự phối trí tất cả các công cuộc và các hoạt động tông đồ dưới sự chỉ đạo của Giám mục giáo phận.

– c/. Dĩ nhiên là vẫn tôn trọng đặc tính, mục đích và những luật lệ cơ bản của mỗi Hội Dòng.

 

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis (về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Tu Trì), số 8 và Bộ Các Dòng Tu Và Tu Hội Đời, Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Giáo Hội về đời sống tu trì, số 25.

[2] Điều này cũng đã được nhắc đến ở điều 676 của Bộ Giáo Luật trước đó.

[3]Bộ Các Dòng Tu Và Tu Hội Đời, Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Giáo Hội về đời sống tu trì, số 28; Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata(Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 36-37.

[4]Văn kiện “Tu sĩ và sự thăng tiến con người” (=RPH), số 6.

[5]Ibid., số 6e.

[6]Ibid., số 6a

[7] Như vậy điều này không chi phối việc phụng tự dành riêng cho các phần tử của Hội Dòng.