Chiến tranh tôn giáo

0
5318

Pablo J. Ginés

Trích Thời sự Thần học, Số 81 – tháng 08-2018

Chiến tranh tôn giáo thường được hiểu là “chiến tranh giữa các tôn giáo”, hoặc “chiến tranh vì lý do tôn giáo”, nhưng cũng đừng bỏ qua “chiến tranh chống lại tôn giáo”. Trong bài này, tác giả, một ký giả và giảng viên môn Truyền thông xã hội tại đại học Abat Oliba (Barcelona) trình bày kết quả cuộc sưu tầm theo hai nghĩa đầu tiên, dựa trên bộ Encyclopedia of Wars, và cho thấy rằng con số này chỉ chiếm 7% trong tổng số các cuộc chiến tranh trong lịch sử nhân loại. Nguồn: Cuántas guerras han tenido una causa religiosa?

https://www.religionenlibertad.com/cuantas-guerras-han-tenido-una-causa-religiosa-unas-120-menos-del-63679.htm (bài viết ngày 17-4-2018; truy cập 11-6-2018)

—————————

Năm 2004, Sam Harris, xuất bản quyển sách The End of Faith: Religion, Terror, and the Future of Reason (Sự cáo chung của niềm tin: tôn giáo, kinh hoàng và tương lai của lý trí), trong đó ông khẳng định: “niềm tin và tôn giáo là nguồn mạch phong phú hơn hết cho bạo lực trong lịch sử”.

Sam Harris không phải là một nhà sử học, nhưng câu nói của ông đã được truyền miệng nhanh chóng trên internet, và trở thành luận điệu cho những ai muốn bêu xấu tôn giáo: “Tôn giáo là nguyên nhân chính của các cuộc chiến tranh”.

Tuy nhiên, các sử gia chuyên về chiến tranh đã chứng minh rằng điều đó không đúng. Có những cuộc chiến tranh xảy ra vì muốn chiếm đoạt các nguồn tài nguyên. Có những cuộc chiến xảy ra vì muốn nắm giữ các lãnh thổ giàu sang hoặc chiến lược, chẳng hạn các cuộc chiến gắn với chính sách thực dân đế quốc. Có những cuộc chiến xảy ra vì hận thù quốc gia hay sắc tộc. Có những cuộc chiến vì ý thức hệ; có những cuộc chiến để tranh giành ngai báu.

Có những cuộc chiến tranh vì lý do tôn giáo, nhưng không nhiều lắm. Năm 2005, nhà xuất bản Facts on File (New York) đã phát hành bộ xuất bản bộ từ điển “Encyclopedia of Wars”, do Charles Phillips và Alan Axelrod chủ biên, gồm ba quyển với 1453 trang, trong đó chỉ có 123 chiến tranh mang tính cách tôn giáo trong số 1763 cuộc chiến tranh trong lịch sử nhân loại (kể từ cuộc chiếm Giêricô năm 8000 trước CN và kế đó Sargon chiếm Sumer năm 2325 trước CN, cho đến chiến tranh Hòa Kỳ ở Irak năm 2004), nghĩa là chưa đến 7%.

Có những nhà phân tích còn thêm rằng nếu trừ đi các chiến tranh có liên quan đến Islam, thì chỉ còn 3,2% chiến tranh mang tính cách tôn giáo, tuy vẫn còn có thể xuống thấp hơn nữa. Chẳng hạn như khi người Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha giao chiến với nhau vào thời Trung cổ trong một cuộc tranh chấp ngôi vua, thì dù đôi bên đều kêu cầu danh Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria, nhưng đó không đủ để gọi là “chiến tranh tôn giáo”! Hô to khẩu hiệu “Thiên Chúa phù trợ chúng ta” không biến một chiến tranh thành “tôn giáo”. Không lạ gì mà Philips y Axelrod không xếp cuộc xung đột ở Bắc Ai-len như là tôn giáo, bởi vì đây là vấn đề chủ nghĩa chủng tộc, còn tôn giáo chỉ là nước sơn.

I. Thống kê

Chúng ta hãy điểm qua 123 cuộc chiến tranh mà tác phẩm này kể là “tôn giáo”, dọc theo thứ tự thời gian.

A. Những cuộc chiến giữa các Kitô hữu trước thời Cải cách Tin lành (10)[1]

– Paulician War (Đế chế Byzantin chống lại lạc giáo Pauliciana, thế kỷ IX).

– Visigothic-Frankish War (năm 506-507), vua Clodovis, trở lại Công giáo, đánh Alaric và những người Visigoth theo lạc giáo Ariô).

– Iconoclastic Wars lần I (726-731) và lần II (741-743): giữa các hoàng đế Byzantin chống việc kính icôn với những người kính icôn (ảnh tượng thánh).

– Cuộc nổi dậy Ravenna (726-731): các tín hữu Chính thống chống lại nhà vua bài trừ icôn.

– German Civil War (1077-1106), xung đột giữa Giáo hoàng và các hoàng đế Đức (với vạ tuyệt thông, các giám mục lãnh đạo quân đội…).

Wars of the Lombard League (1167-1183). Giáo hoàng ủng hộ các thành phố Lombard chống lại hoàng đế Đức.

– Albigensian Crusade (1208-1229), thập tự quân công giáo chống lại lạc giáo Albigeois (Cathars).

– Aragonese-French War (1209-1213), trong chiến dịch chống lại lạc giáo Cathars ở nước Aragon.

Bohemian Civil War (1465-1471) lạc giáo Hus chống lại Công giáo.

B. Những cuộc chiến tranh giữa các Kitô hữu từ thời Cải cách Tin lành (33)

– Kappel Wars hai trận chiến năm 1529 và 1531 giữa Công giáo và Tin lành bên Thụy sĩ.

– Count’s War (1533-1536) ở Đan Mạch giữa Công tước Christopher, Tin lành với Công giáo.

Anglo-Scottish War (1559-1560): Công giáo chống lại Tin Lành bên Anh.

Scottish Uprising against Mary of Guise (1559-1560): Tin lành ở Scotland chống lại một nữ hoàng Công giáo.

Wars of Religion: chín cuộc chiến giữa Công giáo và Tin Lành bên Pháp vào cuối thế kỷ XVI: 1/ 1562-63; 2/ 1567-68; 3/ 1568-70; 4/ 1572-73; 5/ 1575-76; 6-7/ 1576-80; 8/ 1585-89; 9/ 1589-98.

– Schmalkaldic War (1546-47) 9 bang Tin lành bên Đức chống lại hoàng đế Charles V.

– Bearnese Revolts: ba cuộc nổi dậy của Công giáo chống lại nhà Huguenots Tin lành (1621-1622; 1625-1626; 1627-1629).

– Bishops’ Wars: lần thứ I (1639) và lần thứ II (1640): cuộc chiến giữa nhóm Anh giáo và nhóm Trưởng lão ở Scotland, với tổng số là 500 người tử trận về hai phía.

– Swedish War (thế kỷ XVI). Nước Thụy Điển chuyển sang Tin lành, gây ra 16 cuộc nội chiến, trong đó có nhiều trận liên quan đến Công giáo.

– Bohemian-Palatine War (1618-1620): Nhóm Hus và Tin lành chống lại Công giáo, mở màn cho Chiến tranh 30 năm.

– Thirty Years’ War (1618-1648): Pháp và các quyền lực Tin lành chống lại Tây-ban-nha và các nước Công giáo ở Trung Âu (nhưng có nhiều tình tiết không mang tính tôn giáo).

– Covenanters’ Rebellions: Ba cuộc chống đối của Trưởng lão chống lại Công giáo ở Scotland vào những năm 1666, 1679, 1685.

– Maryland Religious War (1644-1646): Maryland là tiểu bang Công giáo duy nhất ở Hoa kỳ được chuyển sang quyền của Puritans và Tin lành. Đạo Công giáo bị cấm cách suốt 80 năm tại đây.

– Transylvania-Hapsburg War (1645): Công giáo chống lại Tin lành.

– Villmergen Wars: hai cuộc chiến giữa các bang Công giáo và Tin lành ở Thụy sĩ vào năm 1656 và 1712.

– Camisards’ Rebellion (1702-1710). Cuộc nổi dậy cua nhóm Tin lành “camisards” ở miền Trung nước Pháp.

– Irish Tithe War (1831): Người Công giáo Ai-len chống lại chính quyền Anh về thuế thập phân.

– War of the Sonderbund (1847): bảy bang Công giáo chống lại các bang khác ở Thụy sĩ. Không đến 100 người thiệt mạng.

C. Những cuộc chiến giữa các tín đồ Kitô giáo và Islam (48)

– Người Arab chiếm đóng Carthage (688-699).

– Chiến tranh giữa Byzantine và Islam (698-718): tiếp theo là 14 trận cho đến năm 1000.

– Charlemagne đem quân đánh Islam ở Bắc nước Tây-ban-nha (777-801).

Castilla lấy lại Toledo khỏi tay Islam (1085).

Almoravid chiếm Tây-ban-nha của Islam (1086-1094).

– 9 cuộc Thập tự quân (Cruzades) của Kitô hữu đánh chiến Thánh địa khỏi tay Islam: (1) 1095-99; (2) 1147-49; (3) 1189-92; (4) 1202-04; (5)1217-21; (6) 1228-29; (7) 1248-54; (8) 1270; (9) 1271-72. Tuy nhiên lần thứ bốn đáng nghi ngờ, bởi vì đây là cuộc cướp phá Byzantium chứ không vì lý do tôn giáo.

– Saladin’s Holy War (1187-89): người Islam đánh lại thập tự quân.

Spanish Christian-Muslim War: Người Tây-ban-nha tái chiếm lãnh thổ Andalusia khỏi người Islam (1230–1248).

– Crusade of Nicopolis, Bulgaria (1396): Liên minh Kitô giáo thua quân Ottoman dưới sự chỉ huy của Bayazid.

Spanish Christian-Muslim War: Người Tây-ban-nha đánh bật người Islam hoàn toàn ra khỏi lãnh thổ[2] (1481–1492).

Spanish Conquests in North Africa (1505-1511): Lực lượng Công giáo Tây-ban-nha chống lại lực lượng Islam ở Bắc Phi (Algeria, Tunis, Tripoli).

– Portuguese-Moroccan War (1458-1471): vua Alfonso V nước Bồ-đào-nha đánh Maroc, chiếm Tanger.

– Portuguese-Moroccan War (1578): Vua Sebastian định chiếm Maroc, nhưng thua trận.

– Javanese Invasion of Malacca (1574): Người Islam ở Java tấn công Malacca của Bồ-đào-nha.

– Portuguese-Omani Wars in East Africa (1650-1732): Bồ-đào-nha giao chiến với Omani ở Đông Phi châu (vừa mang tính thương mại, vừa là giữa lực lượng Hồi giáo và Công giáo.

– Great Java War (1815-1830): Người Islam ở Java chống lại người Hà Lan Tin lành.

– Crimean War (1853-1856): Các Kitô hữu Chính thống ở Nga và Hy lạp chống lại Ottoman Islam.

– Tukulor-French War (1854-1864): Người Islam ở Mali tuyên bố thánh chiến chống lại thuộc địa Pháp.

– Serbo-Turkish War (1876–1878): Các nước Balkan (Kitô hữu) chống lại Đế quốc Ottoman để đòi tự trị.

– Russo-Turkish War (1877-1878)[3]: Nga chiến đấu với Đế quốc Ottoman để giành độc lập cho Romani và Serbia.

– Holy Wars of the “Mad Mullah” (1899-1920): Người Islam chống lại người Anh và Ý chiếm đóng Somalia.

– Libanese Civil War (1975-1990): Nội chiến ở Liban, một nước đông Kitô hữu nhất ở Trung Đông, do nhiều lực lượng khác nhau, từ phía Ả-rập, Israel.

Lưu ý. Trận chiến Lepanto (7-10-1571) được xếp trong mục Venetian-Turkish War (1570-1573), giữa Đế quốc Ottoman và Venezia đề giành chủ quyền trên đảo Cyprus. Phía Liên minh Công giáo thắng trận Lepanto, nhưng sang năm sau cũng phải nhường lại đảo Cyrpus cho Ottoman. Nên biết là giữa đôi bên đã diễn ra 8 cuộc chiến từ năm 1416 cho đến năm 1718.

D. Giữa các Kitô hữu với dân ngoại (3)

– Roman-Persian War (441): Người Rôma bắt buộc vua Yazdegerd phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của các Kitô hữu trong đế quốc Ba-tư.

– Charlemagne’s War against the Saxons (772–804): Hoàng đế Charlemagne xâm chiếm xứ Saxonia và bắt dân này trở lại đạo.

– Danish-Estonian War (1219-1227): Người Đan Mạch xâm chiếm Estoni và bắt theo đạo Công giáo.

E. Những cuộc chiến tranh khác chống Islam (8)

 Mecca-Medina War (624–630): Muhammed chiếm Medina.

– Abbasid Rebellion (747-749): Abbasid Ả-rập chiếm ngôi vua Ummayyads của nước Ba-tư.

Revolt of Muqanna (775–778): Muqanna (Si-it) chống lại Abbasid ở Ba-tư.

Bahmani Civil War (k. 1490–1512): Cuộc giao tranh giữa hai phái Si-it và Sunnit ở Ấn độ.

Persian Civil War (1500-1503): Người Savafid áp đặt phái Sciit như quốc giáo ở Ba-tư.

Wars of Aurangzeb (1636–1657): Mông cổ (Islam) xâm chiếm Afghanistan.

– Padri War (1821–1837): Cuộc chiến ở Sumatra giữa phe Padri bảo thủ với những phe Islam khác.

– Ấn độ và Pakistan (1947-1957): Cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia thuộc hai tín ngưỡng (Ấn giáo và Islam).

F. Những cuộc chiến của các tín hữu chống lại Nhà Nước (4)

– Shimabara Revolt (1637-1638): Bên Nhật, các Kitô hữu bị bách hại và nông dân chống lại Iemitsu. Hậu quả là Kitô giáo bị cấm hoạt động ở Nhật.

– Brabant Revolution (1789-1790): ở Bỉ, các tín hữu Công giáo chống lại các sắc lệnh bài giáo của nhà vua.

– Ghost Dance Uprising (1890): Các thổ dân bị chính phủ Hoa kỳ giết ở Wounded Knee.

– Mexican Insurrections (1927-1929): Chính phủ ở Mêkhicô đàn áp các nông dân Kitô hữu (cũng còn gọi là: Guerras Cristeras).

G. Những trường hợp đặc biệt (6)

 – Sacred Wars: Ba cuộc thánh chiến ở Hy lạp (k.590; k.449-448; 355-346 trước CN) để chiếm đền thánh Delphi.

– Roman-Persian War (421–422): Hoàng đế Juliano đòi vua Bahram V phải cho các Kitô hữu được tự do hành đạo.

– Raids of the Black Hundreds (1906-1911): Ở Nga, một nhóm Chính thống cực đoan tấn công các người Do thái.

– Mountain Meadows Massacre (1857): Một nhóm dân quân Mormon tàn sát những người di dân ở Utah (Hoa kỳ).

H. Những trường hợp khó hiểu (3)

Không hiểu vì lý do gì các cuộc chiến sau đây được tác giả xếp vào chiến tranh tôn giáo

– Cuộc chiến giữa Castilla và Aragon (từ 1356 đến 1375) bên Tây-ban-nha.

– Cuộc chiến giữa hai thành phố Lucca và Firenze (1430) không có yếu tố tôn giáo nào.

– Wars of the Monks (1465) ở Kyoto giữa hai nhóm Tendai và Shin.

II. Nhận xét

1/ Giả như không có Muhammed và Luther thì một số lớn cuộc chiến này đã không xảy ra (Islam 53; Tin lành 33).

2/ Thật là lạ khi tác giả không ghi lại trận chiến tôn giáo nào giữa Giáo hội Công giáo và Chính thống (ngoại trừ việc cướp bóc Constantinopolis, nhưng vì tham của chứ không phải vì lý do tôn giáo). Nếu không có Luther, các cuộc nội chiến giữa các tín hữu chỉ còn 10, nhưng không hẳn là vì lý do tôn giáo (mà chỉ là giữa Hoàng Đế và Giáo Hội, hoặc chiếm ngôi báu, hoặc vì chủng tộc).

3/ Một yếu tố khác nên lưu ý là đôi khi một cuộc chiến tranh mang yếu tố tôn giáo, nhưng đó chỉ là lý do phụ thuộc. Cuộc chiến tranh giữa nước Nga và Thổ-nhĩ-kỳ năm 1877-78 là một sự xung đột giữa hai đế quốc đang muốn bành trướng thế lực, cho chủ nghĩa quốc gia thúc đây. Giả như nước Thổ-nhĩ-kỳ là một quốc gia Kitô giáo thì có lẽ chiến tranh vẫn xảy ra như thường. Một cách tương tự như vậy, nhiều cuộc xung đột tại châu Á và châu Phi giữa Islam và các lực lượng Bồ-đào-nha, Hà Lan, Pháp hoặc Anh chỉ là chiến tranh thuộc địa.

4/ Nhiều cuộc chiến tranh giữa các tín đồ Islam và Công giáo tại Tây-ban-nha có thể xếp vào một danh xưng chung đó là: tái chiếm lãnh thổ (Reconquista). Ngược lại, những cuộc xâm chiếm Bắc Phi của nước Tây-ban-nha vào thế kỷ XVI không thuần túy tôn giáo, nhưng chỉ vì muốn tự vệ trước nạn cướp biển và buôn nô lệ. Chiến tranh vẫn có thể xảy ra dù các quốc gia ấy không phải là Islam.

5/ Danh sách này kể ra vài cuộc giao tranh mang tính cách tôn giáo mặc dù số tổn thất không đáng kể (chẳng hạn tại Maryland, và Scotland, số tử vong không đến 500 người). Đàng khác, có những trường hợp khác có lẽ vì số tổn thất không đáng kể cho nên không được liệt kê, chẳng hạn như năm 1550, trận chiến giữa vị giám mục cuối cùng của Công giáo ở Islanda, với 200 người đã đương đầu với Tin lành ở trận Saudafell (và ngài đã thua trận). Đây là trận chiến duy nhất vào thời Cải cách ở Scandinavy.

6/ Nếu loại bỏ các trận chiến mang tính xâm lăng thuộc địa, hoặc bành trướng đế quốc, hoặc tranh giành ngôi báu giữa những phe cùng một tôn giáo, thử hỏi còn được bao nhiêu chiến tranh tôn giáo trong số 123 trận đã kê khai trên đây?

Có lẽ còn vài trường hợp quá khích tôn giáo (Mahdi ở Sudán, Mad Mullah ở Somali, Tukulor ở Malí, Muqanna ở Ba-tư) và những trường hợp nội chiến vì lý do tín điều (Hus, Luther), lắm lần pha phôi với lý do chủng tộc (Hus thuộc dân Séc chống lại dân Đức; Luther dân Đức chống lại dân Latinh).

7/ Ngày nay, khi nói đến “chiến tranh tôn giáo”, người ta thường liên tưởng đến các nhóm khủng bố: những người ôm bom lao vào đám đông. Nhưng những người Islam ủng hộ cho hành động ấy chỉ là thiểu số!

Như đã nói ở nhập đề, bài này chỉ giới hạn vào những trận chiến do một động lực tôn giáo, giữa nhóm tôn giáo này chống lại nhóm tôn giáo kia. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên những chiến tranh “chống tôn giáo” (thường về phía nhà cầm quyền quốc gia), vì cho rằng một tôn giáo nào đó là “tà đạo”, hoặc muốn bài trừ tất cả mọi tôn giáo vì là “mê tín, dị đoan, phản khoa học, thuốc phiện”. Hiện tượng này quen được gọi là “bách hại tôn giáo”, và không phải là chuyện xa lạ đối với chúng ta.

—————————–

[1] Chú thích của người dịch. Nếu muốn dịch sát nghĩa, thì Protestant phải gọi là “Phản kháng”; còn “Tin lành” là Evangelical.

[2] Thực ra ở Tây-ban-nha, giữa các Kitô hữu và tín đồ Islam đã có nhiều cuộc chiến tranh (tuy không lúc nào lý do cũng thuần túy tôn giáo): 912-928; 977-997; 1001-1031; 1172-1212; 1230-1248; 1481-1492.

[3] Trong lịch sử đã xảy ra rất nhiều cuộc chiến giữa Nga và Đế quốc Thổ nhĩ kỳ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here