Chiêm Niệm: Cầu Nguyện – Nếp Sống – Thái Độ

0
4279


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

I. NHẬP ĐỀ: TỪ NGỮ

“Chiêm niệm” có lẽ là một từ ngữ đặc thù của đạo Công giáo, chứ không thấy dùng trong các tôn giáo khác. Chiêm niệm được dùng để dịch từ “contemplatio” trong tiếng Latinh (chuyển sang tiếng Pháp và tiếng Anh là “contemplation”). Thế nhưng contemplation còn có thể dịch ra tiếng Việt bằng nhiều từ khác tương đương, chẳng hạn như: chiêm ngắm, chiêm ngưỡng, nhìn ngắm, quan chiêm, quán định, thiền định. Những từ này khá quen thuộc trong đời sống, và được áp dụng vào nhiều lãnh vực khác nhau:

A. Các lãnh vực

Thật vậy, danh từ contemplatio được sử dụng ít là trong ba lãnh vực: mỹ thuật, triết học, tôn giáo.

1/. Mỹ thuật: Chiêm ngưỡng (ngắm nhìn) vẻ đẹp của một bức tranh, một quang cảnh thiên nhiên. Chiêm ngưỡng là một thái độ trầm trồ thán phục, để lại một thứ an bình trong tâm hồn.

2/. Triết học: Trầm tư ngẫm nghĩ một chân lý trừu tượng hay hiện sinh (chẳng hạn: Hữu; Nhất; nguồn gốc vạn vật; Ý nghĩa cuộc đời; Thiện – Ác). Khác với sự suy diễn sử dụng nhiều lý luận, việc “chiêm ngắm” mang tính cách trực giác, đơn giản (được thánh Toma Aquino định nghĩa như là: simplex intuitus veritatis).[1]

3/. Tôn giáo: Chiêm ngưỡng Thiên Chúa hoặc các thực tại siêu việt (chẳng hạn như “thiền định” trong các tôn giáo Ấn độ).

B. Thần học Kitô giáo

Trong thần học Kitô giáo, contemplatio cũng có thể hiểu về ba thực tại: một cung cách, một hình thức cầu nguyện, một nếp sống.

1/. “Chiêm ngưỡng” như là một cung cách (thái độ, trạng thái). Điều này được áp dụng cho các phúc nhân trên trời: họ được chiêm ngưỡng nhan Chúa. Tuy vậy, khi còn sống ở trần thế này, chúng ta cũng có thể thông dự phần nào vào trạng thái đó, nhờ thái độ hồi tâm để tiếp xúc với Thiên Chúa, nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời.

2/. “Chiêm ngưỡng” như là một hình thức cầu nguyện: nguyện ngắm.

Có hai quan niệm khác nhau về cầu nguyện chiêm niệm (hoặc chiêm ngắm)

– a) Các đan sĩ từ thời Trung cổ đã mô tả diễn tiến của buổi cầu nguyện (lectio divina) thành 4 hồi: lectio, meditatio, oratio, contemplatio. Việc “chiêm ngưỡng” được coi như kết thúc thường tình của buổi cầu nguyện, khi ta được vui hưởng sự dịu ngọt vì được biết Chúa và mến Chúa.

– b) Vào thời cận đại, contemplatio được hiểu như trình độ cao cấp của đời sống cầu nguyện. Các tín hữu bình thường chỉ biết “đọc kinh” (khẩu nguyện); lên cao hơn một bậc, các tu sĩ được khuyến khích thực hành “tâm nguyện” (suy gẫm); sự chiêm niệm là một ân huệ Chúa ban cho một số ít người. Đối với trường phái Carmel, sự chiêm niệm thiên phú như là đỉnh cao của đời sống tâm linh.

3/. Chiêm niệm như là một nếp sống: “đời sống chiêm niệm” (vita contemplativa), thường được hiểu như là đối chọi với “đời sống hoạt động” (vita activa). Dựa theo đó, người ta đối chọi giữa các Dòng chiêm niệm và Dòng hoạt động (tông đồ); tiếc rằng, các Dòng chiêm niệm thường được đồng hóa với các Dòng kín, còn các Dòng khác là “tông đồ”.

Chúng ta cần phân biệt những ý nghĩa khác nhau của “chiêm niệm” để tránh những hiểu lầm, từ đó sinh ra những tranh luận vô ích. Chúng ta hãy nhìn lại vài vấn đề thần học liên quan đến ba lối hiểu trên đây.

I. THẦN HỌC VỀ NHỮNG KHÍA CẠNH CHIÊM NIỆM

Sau khi đã phân biệt những cách dùng khác nhau của từ ngữ, chúng ta đi vào thần học, tuy với một thay đổi thứ tự: 1/ Ý nghĩa của cầu nguyện chiêm niệm (chiêm ngắm). 2/ Chiêm niệm và hoạt động. 3/ Thái độ chiêm niệm.

A. Kinh nguyện chiêm niệm

Trước tiên, chúng ta tìm hiểu chiêm niệm như là hình thức cầu nguyện. Trong lịch sử thần học tâm linh, có hai quan niệm khác nhau: 1) Một đàng, “chiêm niệm” được xem như một động tác nằm trong buổi cầu nguyện: đây là quan niệm của các đan sĩ trong Lectio divina. 2) Đàng khác, “chiêm niệm” được coi như một đặc ân Chúa ban cho những người đã tiến triển trên đường cầu nguyện.

1. Lectio divina: chiêm niệm như một động tác cầu nguyện

Mặc dù việc cầu nguyện với Sách Thánh đã được thực hành từ lâu đời, và các Giáo phụ đã để lại đó đây những hướng dẫn thực tiễn, nhưng mãi đến thế kỷ XI mới thấy một tác phẩm trình bày mạch lạc tiến trình của nó trải qua bốn chặng, do cha Guigo II (viện phụ La Grande Chartreuse từ năm 1173-1180) viết trong một lá thư về đời chiêm niệm, quen được đặt tên là “Chiếc thang của các đan sĩ” (Scala Claustralium), vào khoảng năm 1188. Học thuyết này đã thành cổ điển và được Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trích dẫn ở số 2654 móc nối với đoạn Tin Mừng Mt 7,7 (Quaerite legendo, et invenietis meditando: pulsate orando, et aperietur vobis contemplando).

Chúng ta hãy đọc lại đoạn văn của tác giả, và thêm vài nhận xét.

a/. Bốn bậc thang của đan sĩ

Cha Guigo đặt tên cho bốn chặng của lectio divina là: lectio, meditatio, oratio, contemplatio, mà chúng tôi xin dịch vắn tắt là “đọc, suy, cầu, ngắm”. Tác giả mô tả bốn chặng tựa như bốn cấp bậc của chiếc thang đưa người đan sĩ từ đất lên trời.

Một hôm, đang khi mải miết với công tác lao động, tôi bắt đầu nghĩ tới hoạt động tinh thần của con người, bỗng nhiên tôi thấy bốn bậc thang tâm linh: đọc (lectio), suy (meditatio), cầu (oratio), ngắm (contemplatio). Đây là chiếc thang của các đan sĩ, nhờ đó họ có thể được nâng lên từ đất đến trời. Tuy chiếc thang ấy có ít bậc thôi nhưng thực sự rất to lớn: chân của nó cắm ở dưới đất, nhưng đỉnh của nó xuyên qua tầng mây và thấu nhập những bí nhiệm trên trời. Các cấp bậc này khác nhau về tên gọi và số đếm, nên cũng khác nhau về thứ tự và tầm quan trọng. Nếu nghiên cứu tỉ mỉ các đặc trưng và tác dụng của mỗi bậc, tức là ảnh hưởng của chúng đối với chúng ta, sự khác biệt và thứ tự liên hệ của chúng, thì bạn sẽ thấy việc thực hành chúng rất dễ dàng và hữu ích.

Đọc (lectio) có nghĩa là khảo sát Kinh thánh cách chăm chú miệt mài. Suy (meditatio) là dùng trí tuệ để tìm hiểu chân lý tiềm ẩn. Cầu (oratio) là hướng con tim lên cùng Thiên Chúa, để xua đuổi điều xấu và đạt được điều tốt. Ngắm (contemplatio) là để cho linh hồn vươn lên tới Chúa, tựa hồ thoát ra khỏi bản thân, thưởng thức những niềm ngon ngọt vĩnh cửu.

Sau khi đã mô tả bốn bậc cấp của chiếc thang như vậy, bây giờ ta hãy xem chúng tác dụng thế nào. Chức năng của mỗi cấp là gì?

Lectio đi kiếm sự ngọt ngào của đời sống vĩnh cửu, meditatio thì gặp được nó, oratio thì xin cho được nó, contemplatio thì thưởng thức nó. Hoặc có thể diễn tả thế này: lectio đưa thức ăn lên miệng, meditatio đưa vào hàm nhai, oratio thưởng thức cái ngon, contemplatio làsự thích thú mà nó mang lại. Lectio bóc vỏ, meditatio đi sâu vào ruột, oratio ngỏ lời ước muốn, contemplatio hưởng nếm vị ngon.

b/. Chú giải

Ý nghĩa của bốn chặng lectio divina như thế nào?

– (i) Lectio: Đọc

Lectio divina: không phải chỉ là đọc Sách Thánh,[2] nhưng là cầu nguyện với Lời Chúa; đọc Sách Thánh trong tư thái cầu nguyện, với tâm tình đức tin. Mặt khác, chúng ta cần lắng nghe Chúa nói qua Sách Thánh (Chúa muốn nói gì?), chứ không lái bản văn theo cảm nghĩ của bản thân. Vì thế việc “đọc” đòi hỏi cố gắng để truy tầm ý nghĩa chính xác của đoạn văn, đối chiếu với mạch văn và toàn thể lịch sử mặc khải. Ngoài ra, truyền thống đan tu còn nhấn mạnh tới vài đặc điểm khác để cho việc đọc sách được ích lợi, trong đó có việc đọc “liên tục”“thường xuyên”.

+ Đọc “liên tục” (lectio continua) có nghĩa là đọc theo một thứ tự liên tục, theo một cuốn sách nào đó (chẳng hạn sách Tin Mừng, thư thánh Phaolô, như sách bài đọc Thánh lễ hay Giờ Kinh Sách vẫn áp dụng), chứ không tuỳ tiện, mở đâu đọc đó.

+ Đọc “thường xuyên” (lectio assidua) có nghĩa là xếp đặt thời biểu dành ra một khoảng thời gian trong ngày cho việc đọc Sánh Thánh, chứ không để tuỳ hứng, bữa đọc bữa không.

– (ii) Meditatio: Suy

Ngày nay, danh từ “meditatio” (thường dịch là “suy gẫm”) được hiểu như hành vi của lý trí để tìm hiểu ý nghĩa của một từ, một đoạn văn. Vào thời các Giáo phụ, meditatio có nghĩa là một sự luyện tập huy động toàn thân con người (chứ không chỉ vận dụng lý trí mà thôi). Có người ví meditatio như là nhai thức ăn cho nhuyễn (ruminatio): miệng thì nhẩm đi nhẩm lại để in vào ký ức, trí thì gắng hiểu ý nghĩa, ý chí thì tìm cách áp dụng vào cuộc sống. Những hành vi này được diễn tả trong Thánh Vịnh 118: “Giữa đêm trường, lòng dạ gẫm suy… Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại… thánh chỉ Ngài con sẽ gẫm suy… Lạy Chúa, con nhớ lại quyết định của Ngài… Con xét lại đường lối con đi, và quay gót trở về cùng thánh ý…. vv).

Đó cũng là tâm tình của Đức Maria. Người đặt mình trong tư thế nữ tì Thiên Chúa (Lc 1,38), tin vào Lời Chúa (Lc 1,45), thinh lặng, lắng nghe, ngẫm nghĩ, và ghi khắc trong tâm khảm những gì mà Chúa Giêsu đã làm và đã nói (Lc 2,19.51; 11,27-28).

– (iii) Oratio: Cầu

Những hành vi vừa kể dẫn đưa vào việc cầu nguyện ra như cách bộc phát: từ chỗ lắng nghe tiếng Chúa, con người đáp lại Lời Chúa. Cầu nguyện là cuộc đối đáp với Thiên Chúa: Chúa đã nói với ta rồi; bây giờ chúng ta muốn trả lời, chứ không để lời Chúa trở thành hư ảo. Lời của Chúa đã đến với chúng ta, bây giờ ta để cho lời ấy trở lại với Chúa dưới hình thức cầu nguyện: hãy để cho lời Chúa trở thành lời của ta, để cho lời đó đi vào tim ta, rồi để cho lời đó trở về với Chúa sau khi ta đã chấp nhận lời của Người. Thánh Augustin đã viết: “Nếu lời Chúa là lời nguyện thì bạn hãy cầu nguyện đi; nếu lời Chúa là tiếng rên siết thì bạn hãy rên siết đi; nếu là lời tri ân thì bạn hãy vui lên đi; nếu là lời hy vọng thì bạn hãy hy vọng; nếu lời ấy gây nên lòng kính sợ thì bạn hãy sợ hãi” (Expositio in Ps.33).

– (iv) Contemplatio: Ngắm

Chiêm ngắm (chiêm ngưỡng) không phải là một trạng thái mà ta cố gắng chiếm đoạt, nhưng là một hồng ân của Thánh Linh ban phát như hoa trái của việc cầu nguyện bằng lời Chúa. Chiêm ngắm không phải là xuất thần, ngây ngất, thị kiến; nhưng là cảm nghiệm sống động về sự hiện diện của Chúa ở trong ta: Chúa Kitô đã đi vào thâm cung của cuộc đời ta; vì thế ta chỉ còn biết nhìn ngắm Người, giống như Mẹ Maria tại Belem, hoặc giống như cô Maria Betania ngồi dưới chân Chúa (Lc 10,19).

Trong Tin Mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu đã hứa rằng Người sẽ tỏ mình ra cho ai yêu mến và tuân giữ lời Người (Ga 14,21.23). Người cũng nói rằng: “sự sống vĩnh cửu hệ tại biết Cha là Thiên Chúa thật, và viết Đấng mà Cha đã sai đến là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Theo từ ngữ Kinh Thánh, biết (tiếng Do thái là jada) là sự hiểu biết do kết quả của tình yêu mến, kết nghĩa giao duyên với ai đó. Theo nghĩa đó mà thánh Phaolô đã cầu xin cho các tín hữu được biết tình yêu của Chúa Kitô vượt lên trên mọi thứ hiểu biết (xc. Ep 3,16-19). Thánh tông đồ muốn nói đến cấp độ của đức tin trưởng thành, hiểu biết thấu đáo kế hoạch diệu kỳ của Thiên Chúa.

c/. Nhận xét

Nên biết là ngày nay, không thiếu những ý kiến đòi xét lại bốn bậc thang này: chỉ có 4 hành vi mà thôi, hay có thể ít hơn hoặc nhiều hơn nữa?

– i) Có ý kiến cho rằng có thể ít hơn 4. Theo họ, không nhất thiết phải tuần tự theo dõi tất cả bốn tác động (đọc – suy – cầu – ngắm), bởi vì cốt yếu của lectio divina là lắng nghe Lời Chúa nói với ta, và để cho Lời đó thấm nhập vào lý trí, tâm tình của ta, và ta đáp lại Lời Chúa với hết khả năng của mình. Lectio: Chúa muốn nói gì trong bản văn này?; Meditatio: Chúa muốn nói gì với tôi qua bản văn này?; Oratio: Tôi muốn nói gì với Chúa bằng lời nguyện? (Chúc tụng, tạ ơn, khẩn cầu, thống hối, kêu xin,.v.v…); Contemplatio, để cho Lời Chúa ngự trong ta; nhìn ta dưới cặp mắt của Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”.[3]

Vì thế, đừng nên coi bốn bậc thang như là những cấp bậc cố định, tách biệt nhau; đó chỉ là những chỉ dẫn tuần tự nối kết với nhau. Ta có thể thay đổi tên gọi cũng được. Nhìn: Nhìn vào Chúa qua một bức ảnh, nhìn vào thân phận của ta; Nghe: Lắng nghe Lời Chúa qua bài đọc; Ngắm: Chúa muốn nói gì với tôi qua bản văn này? Tôi muốn thưa lại với Chúa thế nào?; Loan báo: Hãy để cho Lời Chúa thấm nhập vào đời tôi.[4]

– ii) Có ý kiến muốn kéo dài con số các cấp bậc từ 4 lên tới 10, từ lúc chuẩn bị đến lúc kết thúc.

+ Chuẩn bị: Statio (hồi tâm; xin ơn Chúa soi sáng);

+ Cầu nguyện: Lectio, meditatio, oratio, contemplatio, consolatio (an ủi);

+ Áp dụng vào cuộc sống: Discretio (biện phân; đối chiếu với hoàn cảnh đang sống); deliberatio (dốc quyết thi hành); collatio (chia sẻ với tha nhân); actio (hành động; mang ra thực hành).

Như vậy, ngoài 4 hành động cổ điển, người ta muốn thêm một hành vi chuẩn bị tâm hồn trước khi cầu nguyện, và kéo dài việc cầu nguyện với việc chia sẻ và nhất là đem ứng dụng vào cuộc sống. Dù nói gì đi nữa, contemplatio là một tác động được gói ghém trong buổi cầu nguyện.

2. Thời cận đại: Contemplatio là một đặc ân

Trước đây, bốn hành vi lectio, meditatio, oratio, contemplatio đều diễn ra trong buổi cầu nguyện với Sách Thánh. Vào thời cận đại, việc suy gẫm chỉ dừng lại ở meditatio (oratio meditativa); contemplatio được dành cho những ai đã tiến cao trên đường cầu nguyện. Điển hình cho quan điểm này là thánh Thérèse Ávila, khi mô tả các cấp độ cầu nguyện, với nhiều từ ngữ chuyên môn.

a/. Trong quyển Tự thuật,[5] thánh Thérèse ví 4 cấp độ cầu nguyện như là 4 cách tưới cây. Linh hồn là mảnh vườn, ơn cầu nguyện là nước. Mảnh vườn có thể lãnh nước nhiều hay ít tùy cấp độ:

– i) Thòng dây thả thùng xuống giếng và kéo lên;

– ii) Quay bánh xe đưa nước vào vườn;

– iii) Nước được chuyển liên tục qua máng;

– iv) Nước mưa từ trời đổ xuống ào ào.

Ở những cấp độ thấp, con người vất cả mất nhiều công sức mà ít kết quả; còn ở những cấp độ cuối thì linh hồn làm ít mà hưởng nhiều bởi vì Chúa giữ vai trò chủ động. Từ bốn cách tưới vườn, tác giả nói tới 4 cấp độ cầu nguyện:

– i) Khẩu nguyện (oración vocal) và suy niệm (meditación discursiva);

– ii) Tĩnh nguyện (nguyện an tĩnh: oración de quietud);

– iii) Kết hợp (unión) thông thường;

– iv) Kết hợp ngoại thường.

b/. Hình ảnh đã trở thành cổ điển hơn hết trong học thuyết của thánh Thérèse là cái lâu đài, đề tài của quyển Lâu đài nội tâm (“Castillo interior”). Lâu đài là chính linh hồn, được Chúa đoái thương ngự đến. Trong lâu đài này có những căn khác nhau, từ bờ rìa cho đến thâm cung. Tác giả nói tới 7 căn (Moradas, nguyên ngữ có nghĩa là: trạm nghỉ, căn phòng; hình ảnh dựa theo Tin Mừng thánh Gioan 14,2) của lâu đài, tương ứng với 7 cấp độ của đường thiêng liêng và sự tiến triển của việc cầu nguyện.Nói đúng ra, tiến trình của 7 căn không có tính cách liên tục. Các học giả đều ghi nhận rằng con đường tiến đức cũng như cầu nguyện được phân thành hai chặng với một khúc quặt. Trong chặng đầu (từ căn một đến căn ba), con người nắm phần chủ động. Công tác nặng về trừ khử các nết xấu và tập luyện nhân đức: đây là giai đoạn “tu đức” theo nghĩa chặt (ascetica). Sang đến giai đoạn hai (bốn căn cuối), Thiên Chúa giữ vai chủ động; đây là giai đoạn “thần bí kết hiệp” (mystica).

– i) Căn một: Tình trạng của những linh hồn mới bắt đầu trở lại với Chúa. Họ đã gắng dứt bỏ tội lỗi ở bên ngoài; nhưng khi đi vào lâu đài, họ còn vác theo nhiều đồ đạc cồng kềnh (những quyến luyến thế gian). Việc cầu nguyện còn ở giai đoạn sơ khởi của “khẩu nguyện” (oración vocal), những kinh đọc ngoài miệng để van nài Chúa giúp đỡ.

– ii) Căn hai: Linh hồn bắt đầu trải qua cơn khủng hoảng, vì bị giằng co giữa những quyến rũ của thế gian với tình yêu của Chúa. Có lúc họ muốn lùi bước trở về đường cũ, có lúc muốn đi sâu hơn vào trong lâu đài. Về sự cầu nguyện, họ bắt đầu tiến từ khẩu nguyện sang “suy niệm” (meditación).

– iii) Căn ba: Linh hồn cảm thấy được lòng mến Chúa thu hút nhiều hơn nữa. Họ tránh cả những tội nhẹ, thực hành hãm mình khổ chế cũng như việc bác ái. Cứ đà này mà tiến, thì họ sẽ có thể lên tới những căn cao hơn. Tiếc rằng, khá nhiều linh hồn dừng lại ở đây, vì tự mãn hoặc vì sợ vác thánh giá. Về sự cầu nguyện, linh hồn cảm thấy khó suy gẫm, và từ từ chuyển sang việc “hồi tâm” (recogimiento) trước mặt Chúa, nhìn nhận việc Chúa hiện diện ở trong và chung quanh ta. Về sau, các học giả Dòng Carmel đặt tên là “nguyện tâm tình” (oración afectiva).

– iv) Căn bốn: Từ căn bốn trở đi, linh hồn tiến từ giai đoạn “tu đức” sang giai đoạn “thần bí”, từ tâm nguyện sang chiêm niệm. Vai trò chủ động là Thiên Chúa. Thực ra thì căn bốn đánh dấu sự chuyển tiếp giữa hai giai đoạn. Linh hồn còn tiếp tục chiến đấu chống lại các khuyết điểm và thực hành nhân đức; mặt khác, Thiên Chúa đã bắt đầu ra tay: Ngài khơi lên những viễn tượng và động lực mới cũng như ban cho sức mạnh để tiến tới. Cấp độ cầu nguyện tương ứng là “tĩnh nguyện” (quietud).

– v) Căn năm: Thiên Chúa chiếm đoạt linh hồn (không những là ý chí mà cả các quan năng khác). Linh hồn khởi sự cuộc kết hiệp với Chúa qua việc chết đi và sống lại với đức Kitô. Cấp độ cầu nguyện từ nay là sự “kết hiệp đơn giản” (unión simple).

– vi) Căn sáu: Thiên Chúa canh cải linh hồn bằng sự thanh luyện tận gốc rễ. Đối lại, linh hồn cảm thấy Chúa gần gũi với mình qua những thị kiến hay tiếng nói thầm kín nội tâm. Cấp độ cầu nguyện là sự “kết hiệp xuất thần” (unión extatica).

– vii) Căn bảy: Linh hồn kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa đến nỗi ra như đã thoát khỏi cuộc sống tự nhiên, biến đổi con người nên giống như Chúa.Cấp độ cầu nguyện là sự “kết hiệp hoàn hảo” (unión consumada), và cũng được đặt tên là “kết hôn thiêng liêng” (matrimonio espiritual).

Nên ghi nhận là thánh nữ Thérèse đã mô tả các cấp độ cầu nguyện với nhiều ngôn ngữ khác nhau, vì thế đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi. Nói chung, trường phái Carmel xem “chiêm niệm” như cấp độ cao hơn “suy niệm”, hoặc phân biệt hai thứ chiêm niệm: “chiêm niệm thủ đắc” (thuộc giai đoạn tu đức), và “chiêm niệm thiên phú” (thuộc giai đoạn huyền bí).

3. Huấn quyền ngày nay

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trở về với quan điểm cổ truyền: sự chiêm niệm chỉ là một trong ba hình thức cầu nguyện: khẩu nguyện (số 2700-2704), suy gẫm (số 2705-2708), chiêm niệm (2709-2719). Bởi vì là ba hình thức (chứ không phải là ba cấp độ tiến triển), cho nên tất cả các tín hữu đều được mời gọi thực hành cả ba. Ngay cả bác nhà quê xứ Ars cũng đã biết chiêm niệm, khi ông thưa với cha sở rằng: “Con nhìn Chúa và Chúa nhìn con” (số 2715).

Quyển Tóm lược Sách Giáo Lý đã định nghĩa cầu nguyện chiêm niệm như sau: “Chiêm niệm là đơn sơ chiêm ngắm Thiên Chúa, trong thinh lặng và trong tình yêu. Đó là một hồng ân của Thiên Chúa, một khoảnh khắc của đức tin thuần túy trong đó người cầu nguyện tìm kiếm Đức Kitô, phó thác mình cho ý định yêu thương của Chúa Cha và đặt mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh Thérèse Ávila định nghĩa chiêm niệm như “một cuộc trao đổi thân tình giữa bạn hữu, một mình bên Đấng mà chúng ta biết là Ngài yêu thương ta”(số 571).

Theo chiều hướng đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giới thiệu kinh Mân Côi như là một lối “cầu nguyện chiêm niệm” (oratio contemplativa), nhờ việc suy gẫm các mầu nhiệm của Chúa Kitô với cặp mắt của Mẹ Maria.[6] Trong tiếng Việt, chúng ta quen gọi là “ngắm” các mầu nhiệm Mân Côi, “ngắm” các chặng đàng thánh giá, “ngắm” sự thương khó Chúa (ngắm đứng). Ngoài ra, chúng ta cũng đừng nên quên những đoạn văn của Công Đồng Vatican II nói đến “phụng vụ và chiêm niệm”: phụng vụ phải là một kinh nguyện chiêm niệm.[7] Điều này được Đức Thánh Cha Phaolô VI nhấn mạnh trong Tông thư Laudis canticum ban hành sách Phụng Vụ Giờ Kinh Sách (số 8).

B. Chiêm niệm và hoạt động

Khi bàn về hình thức cầu nguyện, chúng ta thấy có sự phân biệt giữa “tâm nguyện”“chiêm niệm”. Đến lúc bước sang đời sống tu trì, chúng ta thường thấy sự phân biệt giữa “chiêm niệm và hoạt động”, hoặc “Dòng chiêm niệm và Dòng hoạt động”. Tại sao có sự phân biệt ấy?

Sự phân biệt giữa chiêm niệm và hoạt động bắt nguồn từ các triết gia Hy Lạp và La Mã, và đã biến thái nhiều khi được du nhập vào Kitô giáo.

1. Triết học cổ điển

Nói chung, chiêm niệm được hiểu như là “sinh hoạt trí thức”, còn hoạt động được hiểu về “hoạt động chính trị xã hội”. Lao động chân tay không được đếm xỉa ở đây, bởi vì là công tác dành cho hạng nô lệ.

a/. Ông Aristote phân biệt hai tác động của trí tuệ: thuần lý và thực tiễn (theoria / praxis). Theo ông, “trí tuệ thuần lý” tiếp xúc với vũ trụ ngoại giới, nhằm khám phá sự thật (veritas, scientia); và đó chính là đời sống chiêm niệm (vita contemplativa). Còn “trí tuệ thực tiễn” thì hướng đến bản thân, nhằm điều khiển cuộc đời cho đứng đắn (rectitudo moralis), hoặc chế tạo vật dụng. Ông Aristote gọi đó là hành động (vita activa). Đối với ông, chiêm niệm có giá trị cao hơn hành động, bởi vì nhờ sự chiêm niệm mà trí tuệ có thể đạt thấu tới lý lẽ của vũ trụ và thậm chí tới cả Thượng đế nữa.[8]

b/. Ông Cicéro (do ảnh hưởng của học phái Stoa) cho rằng hành động có giá trị hơn là chiêm niệm. Đức khôn ngoan (sapientia), nhân đức cao cấp nhất, có thể đạt được nhờ thi hành các bổn phận xã hội, chứ không phải nhờ suy tư chân lý.

2. Các Giáo phụ

Nói chung, các Giáo phụ Đông phương đi theo quan điểm của triết gia Aristote. Ông Origène đã đối chiếu chiêm niệm và hoạt động dựa theo tích của bà Maria và bà Marta (xc. Lc 10,38-42; Ga 11,18), và dành vị trí ưu tiên cho chiêm niệm. Các Giáo phụ bên Tây phương có thiện cảm với chủ trương của ông Cicéro, quý trọng các công tác xã hội.

a/. Thánh Augustin áp dụng sự đối chiếu đời sống chiêm niệm và hoạt động vào nhiều bối cảnh khác nhau:

– i) Cuộc sống hiện tại dưới thế (hoạt động) và cuộc sống mai hậu trên trời (chiêm niệm). Hai nếp sống cách xa nhau một trời một vực, và dĩ nhiên là chiêm niệm có giá trị hơn hoạt động, cũng như thực tại vĩnh cửu đáng giá hơn thực tại tạm bợ.

– ii) Hai khía cạnh giằng co với nhau trong cuộc đời của mỗi người tín hữu: chiêm niệm và hoạt động. Khó có thể dung hoà cả hai khía cạnh cùng một lúc. Dù sao, chiêm niệm vẫn cao hơn hoạt động.

– iii) Hai nếp sống của các tín hữu: đời chiêm niệm (vita otiosa) của những người nghiên cứu chân lý; đời hoạt động (vita negotiosa) của những người dấn thân vào thế sự. Tuy vậy thánh Augustin cũng hình dung một thứ hoà hợp cả hai nếp sống đó (ex utraque composita). Đời sống chiêm niệm là tốt nhất, tuy nhiên đôi khi nhu cầu bác ái (necessitas caritatis) lại được đặt cao hơn là lòng yêu chuộng chân lý (caritas veritatis).

b/. Thánh Gregorio Cả áp dụng sự đối chiếu vào hành trình tâm linh

– i) “Hoạt động” có nghĩa là thực hành các nhân đức và thực hành công tác bác ái;

– ii) “Chiêm niệm” có nghĩa là thực hành các nhân đức hướng Chúa.

Đó là hai chặng đường của đời sống tâm linh. Chặng thứ nhất tương ứng với giai đoạn thanh luyện và chiếu sáng; chặng thứ hai tương ứng với giai đoạn kết hiệp. Tất cả các tín hữu cần thực hành hai chặng đường ấy.

3. Thời Trung cổ

Thánh Thomas d’Aquin tổng hợp hai quan điểm của thánh Augustin và thánh Gregorio, áp dụng sự đối chiếu vào hai lãnh vực: nếp sống tu trì; hành trình tâm linh.[9]

a/. Nếp sống tu trì. Đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động tượng trưng cho hai loại Dòng tu:

– i) Một số Dòng chuyên vào việc chiêm niệm (các ẩn sĩ và đan sĩ);

– ii) Một số Dòng phụng sự Thiên Chúa qua các hoạt động như phục vụ bệnh nhân, và các công tác từ thiện.

Xét theo đối tượng, thì Dòng chiêm niệm giữ địa vị cao hơn Dòng hoạt động, bởi vì mến Chúa thì cao hơn là yêu người; tuy nhiên xét theo công trạng, thì tất cả tuỳ thuộc lòng tận tụy yêu mến khi thi hành công tác. Thánh Thomas còn nói đến loại Dòng tu thứ ba nữa: đó là những Dòng chiêm niệm rồi sau đó thông truyền điều chiêm niệm cho tha nhân (contemplata aliis tradere). Xét cách khách quan, đây là Dòng cao cấp nhất, bởi vì phối hợp cả hai chiều kích của đức ái.

b/. Hành trình tâm linh của mỗi cá nhân. Hai khía cạnh chiêm niệm và hoạt động cần bổ túc cho nhau:

– i) Hoạt động chuẩn bị cho chiêm niệm (khổ chế chuẩn bị cho huyền bí);

– ii) Hoạt động phát sinh từ chiêm niệm (sự phục vụ tha nhân trào ra như lòng yêu mến).

4. Thời cận đại

Chiêm niệm và hoạt động thường được hiểu về hai loại Dòng tu:

– a) Các Dòng đan tu chuyên lo cầu nguyện;

– b) Các Dòng hoạt động lo làm việc tông đồ.

Hậu quả là các Dòng chiêm niệm thì miễn hoạt động tông đồ, còn các Dòng tông đồ thì miễn chiêm niệm. Hai nếp sống coi như tách biệt, tựa như bà Maria và bà Marta vậy.

Tuy vậy, cũng có những khuynh hướng muốn bắt nhịp cầu giữa hai bên, điển hình là câu châm ngôn của Dòng Tên: contemplativus in actione (chiêm niệm trong hoạt động), được lặp lại trong các văn kiện gần đây của Tòa Thánh.[10] Cần phải hiểu chính xác ý nghĩa của câu châm ngôn này.[11] Tác giả không chủ trương rằng “hoạt động cũng là chiêm niệm” (hoạt động thay thế cho chiêm niệm); nhưng ngược lại, tu sĩ cần phải kéo dài thái độ chiêm niệm ngay cả lúc hoạt động. Dù cầu nguyện, dù hoạt động, tu sĩ cần biết duy trì sự kết hiệp với Thiên Chúa, nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi hết mọi hoàn cảnh. Điều này giả thiết rằng chúng ta đã làm quen, gặp gỡ hàn huyên với Ngài nhiều lần trong lúc cầu nguyện. Từ đó, chúng ta hãy tiếp tục kết hợp với Ngài trong hết mọi hành vi và cảnh huống cuộc đời, đồng thời cố gắng mang Ngài đến với hết mọi người mà chúng ta tiếp xúc. Đối lại, chính khi giao tiếp với trần thế như vậy, mà ta thấy những nhu cầu mới thúc đẩy ta trở về cầu nguyện cách tha thiết hơn nữa.

Mặt khác, sự chiêm niệm và sự hoạt động đều đòi hỏi một thái độ như nhau: con tim trong trắng, từ bỏ mình, khiêm tốn, ý chí ngay thẳng, ngoan ngoãn để cho Thánh Linh dìu dắt, tin yêu và hy vọng dù gặp gian nan thử thách.

5. Các văn kiện Tòa Thánh

Công Đồng Vatican II muốn sửa lại vài quan niệm lệch lạc trong quá khứ khi phân chia các Dòng tu ra làm hai loại: chiêm niệm và tông đồ. Không phải như vậy: tất cả các Dòng tu đều mang tính cách chiêm niệm và tông đồ,[12] tuy rằng một số Dòng dấn thân hoàn toàn vào việc chiêm niệm,[13] và một số Dòng dấn thân vào công tác tông đồ.[14]

a/. Chiều kích chiêm niệm của đời tu

Điều này được nêu bật trong văn kiện Chiều kích chiêm niệm của đời tu (năm 1980). Tất cả mọi tu sĩ đều phải sống chiều kích chiêm niệm, được mô tả ở số 1 như sau: “Chiều kích chiêm niệm là sự đáp trả Thiên Chúa bằng các đức tin, cậy, mến, nhờ đó người tín hữu đón nhận măc khải và sự hiệp thông của Thiên Chúa hằng sống nơi Đức Kitô trong Thánh thần”, hoặc như là “hướng tầm mắt và cõi lòng về Thiên Chúa”, “thái độ khiêm tốn tôn thờ sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa nơi con người, nơi các biến cố và các sự việc”.

Khai triển đạo lý của Công Đồng Vatican II,[15] văn kiện bàn đến mối dây liên kết chặt chẽ giữa chiêm niệm và hoạt động như sau: các hoạt động tông đồ cần phát xuất từ sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, nhắm củng cố và tăng cường cho sự kết hiệp đó.[16]

Thậm chí Bộ Giáo Luật 1983 đã nhấn mạnh rằng: “Chiêm ngắm các thực tại của Thiên Chúa và kết hợp liên lỉ với Ngài trong cầu nguyện phải là bổn phận hàng đầu và chính yếu của mọi tu sĩ” (đ. 663 §1). Tiếp theo đó, nhà lập pháp nhắn nhủ các tu sĩ phải sử dụng những đường lối cầu nguyện cổ truyền: Hiến lễ Tạ ơn, tôn thờ Thánh Thể, đọc Thánh Kinh và thực hành tâm nguyện, cử hành Giờ Kinh Phụng vụ, các việc đạo đức tôn kính Đức Mẹ, tĩnh tâm, xét mình, lãnh bí tích Thống hối (đ.663 §2-5; 664). Tất cả những phương thế vừa kể được Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” đặt tên là “những nơi chiêm ngưỡng khuôn mặt Đức Kitô”:[17]

“Có vô vàn sự hiện diện cần được khám phá ra theo những cách thức luôn luôn mới mẻ. Đức Kitô thực sự hiện diện trong Lời của Người và trong các bí tích, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Đức Kitô sống trong Giáo hội, Người làm cho mình hiện diện trong cộng đoàn những người tụ họp vì danh Người. Người đứng trước mặt chúng ta trong mọi người, đồng hoá cách đặc biệt với những người bé nhỏ, người nghèo, người đau khổ và người đang thiếu thốn nhất. Người gặp gỡ chúng ta trong mọi biến cố vui buồn, trong thử thách hay trong niềm vui, trong đau khổ hay trong bệnh tật. Thánh thiện là hoa quả của cuộc gặp gỡ với Người trong nhiều cách thế hiện diện qua đó chúng ta có thể khám phá khuôn mặt của Người như là Con Thiên Chúa, một khuôn mặt đau khổ và đồng thời khuôn mặt của Đấng phục sinh. Như Người đã làm cho mình hiện diện trong cuộc sống hằng ngày, Người vẫn còn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của ngày hôm nay, nơi Người tiếp tục tỏ bày khuôn mặt của Người. Muốn nhận ra Người thì cần đến một cái nhìn đức tin, cái nhìn có được nhờ đọc Lời Chúa, nhờ cầu nguyện và trên hết nhờ thực thi bác ái, bởi vì duy tình yêu mới giúp hiểu biết trọn vẹn Mầu nhiệm. Chúng ta có thể nhắc lại một vài nơi chốn đặc biệt mà ta có thể chiêm ngưỡng khuôn mặt Đức Kitô, để canh tân việc dấn thân vào đời sống theo Thánh Linh. Đây là những lộ trình của một linh đạo được sống, một dấn thân ưu tiên trong thời đại này, bằng cách nắm lấy cơ hội đọc lại trong đời sống, trong những kinh nghiệm hằng ngày, những phong phú thiêng liêng của đoàn sủng riêng, qua việc tiếp xúc lại với những nguồn mạch làm nảy sinh, nhờ kinh nghiệm Thánh Linh của các vị sáng lập, tia sáng của đời sống mới và những công việc mới, những cách đọc lại Tin Mừng riêng biệt được tìm thấy trong mọi đoàn sủng.

Trong bối cảnh ấy, đọc Lời Chúa là một hình thức lắng nghe Đức Kitô để học biết tư tưởng của Người,[18] cầu nguyện và chiêm ngưỡng trở nên giây phút thân mật ở bên Đức Kitô,[19] Thánh Thể là chốn đặc trưng để gặp gỡ Chúa, trở nên một với Người,[20] các việc khổ chế biểu lộ sự đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh.[21] Người tu sĩ cũng hiệp thông với Đức Kitô chịu đau khổ qua những đau khổ của bản thân hay của cộng đoàn, sự thống hối tội lỗi, sự chia sẻ với những khuôn mặt đau khổ của anh chị em đồng loại. Như thế, đời sống tâm linh của chúng ta mang một nét tương quan, đó là chia sẻ cuộc sống với Đức Kitô.

b/. Chiều kích tông đồ của đời tu

Tất cả các Dòng tu đều mang tính cách chiêm niệm, tuy với những cấp độ khác nhau. Chúng ta cũng có thể khẳng định như vậy về chiều kích tông đồ: tất cả các Dòng tu đều mang tính cách tông đồ, tuy với những cấp độ khác nhau. Bộ Giáo Luật 1983 trình bày cách gọn gàng như sau:[22]

– Ðiều 673: Hoạt động tông đồ của các tu sĩ tiên vàn hệ tại việc chứng tá của đời tận hiến. Họ có bổn phận hun đúc đời sống chứng tá nhờ lời cầu nguyện và việc đền tội.

– Ðiều 674: Các Dòng sống đời thuần túy chiêm niệm luôn luôn giữ một phần cao trọng trong nhiệm thể của Ðức Kitô; bởi vì họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ ngợi khen tuyệt vời; họ trang điểm dân Chúa với những hoa trái trù phú của sự thánh thiện; họ thúc đẩy dân Chúa bằng gương sáng và làm nó phát triển nhờ sự phong nhiêu tông đồ kín nhiệm của mình. Vì lẽ ấy, dù nhu cầu hoạt động tông đồ thật là khẩn cấp, nhưng các phần tử của các Dòng ấy không thể được gọi hoạt động hợp tác vào các công việc mục vụ khác.

– Ðiều 675 §1: Hoạt động tông đồ làm nên phần cốt yếu của các Dòng chuyên biệt tông đồ. Vì vậy toàn thể đời sống của các phần tử phải được thấm nhuần tinh thần tông đồ, và toàn thể hoạt động tông đồ phải được chất chứa tinh thần tu trì.

§2. Hoạt động tông đồ phải luôn luôn bắt nguồn từ việc kết hợp mật thiết với Chúa và củng cố, hun đúc việc kết hợp ấy.

Điều này được Tông huấn Vita consecrata (số 74) đặt tên là “linh đạo hoạt động” (spirituality of action) hoặc “linh đạo tông đồ” (apostolic spirituality), đã được thánh Gregorio Cả diễn tả như sau:

“Cần phải biết rằng nếu muốn sống cho có trật tự thì cần biết chuyển từ đời sống hoạt động sang đời sống chiêm niệm; nhiều khi cũng nên từ đời chiêm niệm trở lại đời sống hoạt, để cho ngọn lửa thắp lên trong tâm trí nhờ chiêm niệm sẽ tỏa lan trọn vẹn trong hành động. Như thế đời sống hoạt động phải đưa tới đời sống chiêm niệm và từ đó đời sống chiêm niệm, dựa trên những gì tâm trí chúng ta đã nhận biết, đưa chúng ta trở lại hành động một cách chắc chắn hơn”.

C. Thái độ chiêm niệm

Trên đây chúng ta đã nói đến cầu nguyện chiêm niệm, đời sống chiêm niệm: đó là những giây phút thân mật quý giá sống gần gũi với Thiên Chúa. Dù sao đó là những “hành động”, từng chặp một. Từ “chiêm niệm” còn được sử dụng ở cấp thứ ba nữa, để mô tả một trạng thái, một thái độ. Thực ra, “trạng thái” hoặc “thái độ” có thể hiểu theo nhiều nghĩa.

1/. Theo một nghĩa chặt chẽ hơn cả, đó là trạng thái của các thiên sứ và các phúc nhân trên trời, “hầu cận trước nhan Cha, ngày đêm phụng sự Cha, chiêm ngưỡng Thánh Nhan Cha vinh hiển và không ngớt tôn vinh Cha”.[23] Đó là trạng thái “phúc kiến”, khi chúng ta sẽ được “diện đối diện với Thiên Chúa” (1Cr 13,12).[24]

2/. Trong giai đoạn hiện tại, chúng ta còn trên đường lữ thứ trần gian và chúng ta chỉ được tiếp xúc với Thiên Chúa qua các nhân đức Tin-Cậy-Mến. Các nhân đức này đôi khi cũng cho phép chúng ta “nếm trước” hạnh phúc thiên đàng, nghĩa là sự kết hợp thân mật với Thiên Chúa. Nhờ sự kết hợp ấy, chúng ta được biến đổi dần dần để “trở nên giống Chúa”. Cách riêng, các tác giả thần học tâm linh nói đến ba ân huệ của Thánh Linh chuẩn bị cho chúng ta đến sự kết hợp và biến đổi ấy: Ơn Minh Luận (scientia, giúp chúng ta đánh giá các sự vật trần thế theo nhãn quan của Thiên Chúa), Ơn Thâm Hiểu (intellectus, giúp chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm đức tin), Ơn Thông Tuệ (sapientia, giúp chúng ta gắn bó với Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc).

Cách riêng, trong lãnh vực đang bàn, ta có thể nói đến “con người chiêm niệm”: chiêm niệm không còn là hành vi rời rạc, nhưng phần nào trở nên “bản tính” của người ấy. Ý tưởng này đã được gợi lên trên đây khi bình giải châm ngôn “contemplativus in actione”: chiêm niệm trong hoạt động. Câu nói này không muốn nói rằng hoạt động có thể thay thế chiêm niệm, nhưng cần được hiểu theo nghĩa là nhờ kinh nghiệm chiêm niệm sâu xa, người ấy có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong tất cả mọi người, mọi biến cố. Họ nhìn mọi sự “theo cặp mắt của Thiên Chúa”. Hẳn nhiên, đây không chỉ là kết quả của cuộc rèn luyện cá nhân, nhưng tiên vàn là ân huệ của Thiên Chúa. Như vừa nói trên, đó là một hồng ân của Thánh Linh. Chúng ta có thể phân biệt hai khía cạnh của hồng ân đó: tiêu cực và tích cực.

– a/. Tiêu cực: đánh giá đúng mức các thực tại trần thế. Chúng tốt lành bởi vì do Thiên Chúa dựng nên, nhưng chúng chỉ có giá trị tương đối chứ không phải là Thiên Chúa. Trên thực tế, chúng ta dễ bị mê hoặc, quyến rũ bởi các thụ tạo. Điều này không chỉ áp dụng cho các thời trang, sản phẩm tiêu thụ, nhưng nhất là chính bản thân của ta: chúng ta đi tìm thành công, danh giá, địa vị. Đó là nguồn gốc của bao nhiêu chia rẽ, đố kị, giận hờn, bôi nhọ xảy ra trong Giáo hội và các Dòng tu, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét trong tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”.[25]

– b/. Tích cực. Đối lại với nếp sống hời hợt vừa nói là nếp sống của con người “nội tâm”: con người chú ý lắng nghe tiếng Chúa nói trong thâm tâm của mình, ngõ hầu nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô nơi tha nhân, nơi các người nghèo, nơi các biến cố (dấu chỉ thời đại). Dựa theo tông thư Bước vào ngàn năm mới, trong đó Thánh Gioan Phaolo II nêu bật đề tài “Chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô”,[26]Bộ Đời sống thánh hiến, trong huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” cũng lấy chủ đề “Chiêm ngưỡng vẻ rạng người của Đức Kitô” làm tiêu chuẩn định hướng cho cuộc đời người tu sĩ:[27] chiêm ngưỡng khuôn mặt của Đức Kitô trong Lời và các bí tích, trong Giáo hội, trong mọi người, đặc biệt là người nghèo hèn bé nhỏ, đau khổ, trong mọi biến cố vui buồn, trong thử thách hoặc niềm vui.

3/. Thái độ chiêm niệm, hiểu như là khả năng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người mọi vật, là một ân huệ do Chúa ban. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể chuẩn bị “khung cảnh” để đón tiếp hồng ân ấy. Các tác giả cổ điển về đời sống tâm linh sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để mô tả công tác đó.

Thánh Gioan Thánh Giá nói đến những sự “thanh luyện” trước khi tiến đến sự chiêm niệm. Thực ra tư tưởng này đã gặp thấy nơi các sư phụ đời đan tu bên Đông phương: tất cả mọi nỗ lực tu đức đều nhằm đến việc “tạo ra con tim trong trắng” ngõ hầu có thể nhìn thấy Chúa.[28] Thánh Claude de la Colombière nêu bật bốn khía cạnh thanh luyện để chuẩn bị cho việc tâm nguyện:

– i) Thanh luyện lương tâm khỏi tội lỗi;

– ii) Thanh luyện trí tuệ khỏi những tư tưởng hình ảnh viển vông;

– iii) Thanh luyện con tim khỏi những quyến luyến tạo vật;

– iv) Thanh luyện hành động, sẵn sàng làm theo ý Chúa muốn.

Thiết tưởng một hình ảnh gần hơn với đề tài khung cảnh chiêm niệm là sự “thinh lặng” được cha Conrad de Meester, Dòng Carmel, diễn giảng như sau.[29]

Trong tất cả các tôn giáo, kinh nghiệm từ ngàn xưa đều đặt sự thinh lặng như một điều kiện tiên quyết cho việc cầu nguyện. Trong xã hội hiện nay, sự thinh lặng không những chỉ cần thiết cho việc cầu nguyện, mà còn cần thiết cho sức khỏe tâm thần (những tiếng ồn ào của máy móc, âm thanh làm hại dây thần kinh không ít) cũng như cho tương quan xã hội (biết lắng nghe nhau). Dù sao, cần biết là có nhiều cấp độ thinh lặng (từ ngoại giới đến nội tại), cũng như có những thứ thinh lặng trái nghịch với việc cầu nguyện. Thực vậy, có thứ thinh lặng xấu, có thứ thinh lặng tốt, có thứ thinh lặng không tốt không xấu. Sự thinh lặng không có giá trị tuyệt đối; nó chỉ là phương tiện phát biểu một giá trị khác (hoặc phản giá trị).

a/. Giá trị thinh lặng

Có thứ thinh lặng “xấu”, thinh lặng “tốt”, thinh lặng “trung lập”.

– i) Thinh lặng được coi là xấu khi nó gây tác dụng tiêu cực. Đó là sự thinh lặng của giận hờn, không thèm trao đổi ngay cả một lời chào thăm. Đó là sự thinh lặng của thù hận, ngấm ngầm lập mưu để trả thù hay phá họai. Đó là sự thinh lặng của lãnh đạm, không quan tâm đến tha nhân. Đó là sự thinh lặng của cố chấp, không chịu lắng nghe ý kiến của người khác. Đó là sự thinh lặng của kiêu ngạo, không thèm mở miệng nói chuyện với hạng người bị đánh giá là thấp kém. Đó là sự thinh lặng của tự ti mặc cảm, biết mình thua kém nhưng không dám mở miệng thú nhận. Đó là sự thinh lặng thấp thỏm sau khi đã phạm lỗi và sợ những hậu quả của nó. Đó là sự thinh lặng buông xuôi, van xin hai chữ “bình an” vì quá chán ngán mệt mỏi.

Những thinh lặng vừa kể nhằm che đậy một khuyết điểm, mà ta không muốn cho ai thấy.

– ii) Thinh lặng được coi là “trung lập” khi nó không bao hàm một lầm lỗi luân lý, nhưng lắm khi nó hạn chế hoạt động; tuy nhiên, nếu biết lợi dụng thì có thể trở nên tốt. Đó là sự thinh lặng của tâm trạng hồi hộp chờ đợi một chuyện sẽ xảy đến. Đó là sự thinh lặng của một biến cố bất ngờ làm ta sững sờ đến cổ họng tắt nghẽn. Đó là sự thinh lặng vì nhút nhát, không biết ăn nói. Đó là sự thinh lặng của đầu óc trống rỗng, không có gì để trao đổi chia sẻ.

– iii) Những thứ thinh lặng tích cực

Thinh lặng được coi là tích cực khi nó phát sinh từ một cảm nghiệm hồng phúc. Đó là sự thinh lặng của lòng kính trọng, khi đứng trước một người đáng kính mà ta muốn lắng nghe đón nhận. Đó là sự thinh lặng của lòng khâm phục, khi chứng kiến một cảnh tuyệt diệu. Đó là sự thinh lặng của lòng biết ơn khi không biết dùng lời lẽ nào đền đáp được lòng tốt của ân nhân. Đó là sự thinh lặng của lòng yêu mến, khi hai người yêu đã tâm đắc rồi, không cần dài lời giải thích nữa.

Như vậy, sự thinh lặng có thể là tốt hay xấu tùy theo giá trị mà nó bộc lộ. Cũng có thể ví sự thinh lặng như một nô bộc: công việc của nó tùy theo ông chủ nào sai khiến. Trong nhãn giới của Kitô giáo, sự thinh lặng được coi là tốt khi nào nó phục vụ tình yêu. Xét vì tình yêu có ba đối tượng (bản thân, tha nhân, Thiên Chúa), cho nên cũng có thể nói đến ba hướng phục vụ:

+ Thinh lặng phục vụ bản thân: nó giúp ta hồi tâm, trở về với chính mình. Sự thinh lặng cần thiết để suy nghĩ, đắn đo trước khi nói năng và hành động.

+ Thinh lặng phục vụ tha nhân: nó giúp ta lắng nghe người khác, giúp cho họ chia sẻ những tâm tư ý nghĩ, và giúp cho ta cảm thông yêu mến.

+ Thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, để đón nhận Lời của Chúa, để đáp lại Đấng mời gọi ta đến kết hiệp với Ngài.

Sự thinh lặng có giá trị khi phục vụ tình yêu. Điều này giả thiết chúng ta phải nỗ lực nhiều để vượt qua tật ích kỷ, muốn áp đặt cái “tôi” giả tạo lên trên hết mọi người. Sự thinh lặng đòi hỏi sự rèn luyện lâu dài. Thực vậy, sự thinh lặng không chỉ là “không mở miệng”, nhưng còn bao hàm nhiều lãnh vực khác nữa.

b/. Những “vùng” thinh lặng

Chúng ta sống trong một thế giới ồn ào. Tuy nhiên, phải thú nhận rằng có những tiếng động cho chính ta gây ra hoặc đi tìm. Ngược lại, ta có thể tạo ra sự thinh lặng, hoặc cố gắng đi tìm nó.

– i) Thinh lặng môi trường. Ta có thể tạo ra thinh lặng trong môi trường ta sinh sống bằng cách hạn chế những tiếng động: đóng cửa nhè nhẹ, giảm âm thanh radio, đừng la lối,…

– ii) Thinh lặng thiên nhiên. Ta có thể đi tìm một khung cảnh thinh lặng trong thiên nhiên (núi cao, bờ hồ, cánh đồng), hoặc lúc tĩnh mịch của ban đêm. Đây cũng là khung cảnh thuận tiện cho việc cầu nguyện nữa.

– iii) Thinh lặng thân thể. Truyền thống tu hành các tôn giáo đều nói đến sự thinh lặng của thân thể: từ dáng đi nhẹ nhàng cho đến cử chỉ khoan thai, và nhất là thinh lặng của miệng lưỡi. Thinh lặng của miệng lưỡi không phải là không la lối om sòm, nói năng luyên thuyên mà thôi, nhưng còn là không nói những lời công kích nhạo báng, những lời nói xấu dèm pha, những lời gây chia rẽ thù óan.

– iv) Thinh lặng con tim. Những thứ thinh lặng trên đây liên quan đến tiếng ồn ào ở bên ngòai. Thinh lặng con tim chi phối những ồn ào ngay ở bên trong tâm hồn ta: ồn ào của bao nhiêu ý tưởng, ồn ào của những hình ảnh tưởng tượng, ồn ào của những cảm xúc (thương, ghét, vui, buồn, thích, chán, hờn, tủi, giận, mê,v.v...). Chính đây mới là khu vực mà ta phải thiết lập sự thinh lặng để cầu nguyện. Nếu thiếu sự thinh lặng con tim, thì sự thinh lặng ngọai cảnh không giúp ích gì.

– v) Thinh lặng của Thiên Chúa. Như đã nói, ta cần tập thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, để nhận chân thân phận của chúng ta trước mặt Chúa, để hồi tưởng những ân huệ mà Chúa ban cho ta. Mặt khác, ta cũng cần làm quen với sự thinh lặng của Chúa nữa. Trong tiến trình cầu nguyện, ta sẽ gặp những lúc mà Chúa giữ thinh lặng. Lúc ấy, sự thinh lặng của Chúa thực là nặng nề, tựa như Đức Giêsu đã cảm thấy ở trên thập giá, với cảm giác bị bỏ rơi. Thiên Chúa nói qua sự thinh lặng của Ngài, một mầu nhiệm sâu thẳm.

c/. Thực tập thinh lặng

Những điều vừa nói đã gợi ý cho việc thực tập thinh lặng chẳng hạn như:

– Giảm bớt tiếng động trong cử chỉ, hành động;

– Đắn đo cân nhắc trong lời nói;

– Tìm một nơi thanh vắng để hồi tâm suy nghĩ…

Tuy nhiên, còn một lãnh vực nữa mà cả những tu sĩ hăng say nhiệt thành cũng cần thực tập, đó là “im hoạt động”. Những công tác tông đồ lắm lần trở nên chủ nhân chiếm đọat hết mọi ý tưởng và thời giờ của ta, khiến ta trở thành nô lệ cho chúng. Vô tình chúng ta phục vụ các công tác chứ không phải là phục vụ Thiên Chúa hoặc tha nhân. Điều này khá rõ khi chúng ta trở thành những con người bị xâu xé với công việc dồn dập, đến nỗi không còn thời giờ để tiếp đón tha nhân, và nhất là để tiếp đón Thiên Chúa. Vì thế tập thinh lặng có nghĩa là tạm ngưng công việc, để có cơ hội nhìn nhận Chúa đang hiện diện trong đời ta, đồng thời dâng lên Chúa những dự án, lo âu cũng như thất bại. Ta làm việc cho Chúa, chứ không phải cho ta. Sự thinh lặng này hàm ngụ tâm tình phó thác tất cả cho Thiên Chúa nhân lành.

Tóm lại, thinh lặng không phải là giữ miệng không nói, nhưng còn tượng trưng cho những nỗ lực của con người nhằm tạo ra một khung cảnh thuận tiện cho việc cầu nguyện. Ta có thể coi đó như chặng đầu của tiến trình cầu nguyện, đặt nặng những cố gắng và luyện tập về phía con người.

Dù sao, như đã nói trên, sự thinh lặng chỉ là “khung cảnh” của chiêm niệm chứ chưa phải là chiêm niệm.[30]

III. KẾT LUẬN

Trong bài này, chúng ta chưa bàn tất cả mọi khía cạnh của chiêm niệm Kitô giáo, nhưng chỉ muốn lưu ý đến ba cách thức sử dụng từ “chiêm niệm”: như một hình thức cầu nguyện, như một lối sống, như một thái độ. Trước đó, chúng ta ghi nhận rằng “chiêm niệm” là một từ ngữ xem ra xa lạ trong ngôn ngữ Việt Nam; nhưng cũng có thể dùng những từ tương đương: “nhìn ngắm, chiêm ngưỡng, nghiền ngẫm”.

1/. Chiêm niệm như một hình thức cầu nguyện. Có trường phái cho rằng chiêm niệm là một cấp độ cao của đời sống tâm linh (tương đương với giai đoạn kết hiệp); nhưng Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nhắc lại rằng đó là một hình thức cầu nguyện đơn sơ, mà kể cả bác nông dân làng Ars cũng có thể thực hiện được. Kinh Mân Côi là một hình thức cầu nguyện chiêm niệm.

2/. Chiêm niệm như một nếp sống tu trì. Người ta thường phân chia các Dòng tu thành hai nhóm: chiêm niệm và hoạt động. Các văn kiện Tòa thánh sau Công Đồng Vatican II nhấn mạnh rằng, tất cả các Dòng tu đều mang chiều kích chiêm niệm và chiều kích tông đồ, tuy với những cấp độ khác nhau. Dù sao, không nên đồng hóa Dòng “chiêm niệm” với Dòng “kín”. Có những Dòng chiêm niệm ở giữa đời, chẳng hạn các Dòng theo linh đạo của chân phúc Charles de Foucauld.

3/. Chiêm niệm như một thái độ. Nhờ ơn Chúa, “con người chiêm niệm” nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi hết mọi người và mọi biến cố, và đánh giá các thụ tạo dưới nhãn giới của Thiên Chúa. Tuy là một hồng ân của Thánh Linh, nhưng chúng ta có thể chuẩn bị bằng cách tạo ra một “khung cảnh chiêm niệm”, nhờ sự thinh lặng. Thinh lặng không phải chỉ là không mở miệng, nhưng còn là dập tắt những xáo trộn trong tâm hồn, để tỉnh thức lắng nghe tiếng Chúa nói.

4/. Cũng cần lưu ý thêm về những văn kiện mới nhất của Tòa Thánh về chiêm niệm trong đời tu.

– Bộ Đời sống thánh hiến, Chiêm niệm. Thư luân lưu thứ ba trong Năm Đời sống thánh hiến (15/10/2015). Hai lá thư trước mang tựa đề “Vui lên” (2/2/2014), “Truy tầm” (8/9/2014).

– Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông hiến Vultum Dei quaerere về các nữ tu sống đời chiêm niệm (29/6/2016).

 

 

 

 

 


[1]Thánh Thomas d’Aquin định nghĩa vắn tắt là: simplex intuitus veritatis (Sum theol., IIª IIæ, q. 180, a. 1 et 6).

[2]Thiết tưởng nên giải thích vài từ ngữ chuyên môn. Lectio trong tiếng Latinh không phải chỉ là bài đọc (Pháp lecture, Anh: reading) mà còn là bài học nữa (Pháp: leçon, Anh: lesson). Vì thế lectio divina không chỉ có nghĩa là “đọc Sách Thánh” (hành vi về phía con người) nhưng là “bài học Chúa dạy” (chủ thể là Thiên Chúa). Vài Giáo phụ hiểu lectio divina là chính Sách Thánh (Sacra Pagina).

[3] xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2705-2708.

[4] Francesco Lambiasi, Sulla bellezza e bontà della Lectio divina, in: G. Zevini – M. Maritano (a cura), La Lectio divina nella vita della Chiesa, LAS, Roma 2005, p.161-175: Guardare, ascoltare, contemplare, annunciare.

[5]Vida, chương 10-20, thuật lại cho cha linh hướng về cuộc đời của mình.

[6] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Rosarium Virginis Mariae, 16/10/2002, số 12. Trong văn kiện này, từ ngữ “chiêm niệm” xuất hiện hơn 30 lần.

[7] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng Vụ, số 2.

[8] Ethica Nicomachea, lib.VI; De anima lib.V.

[9] St. Thomas d’Aquin, Summa Theologica, II-II, q.179-182.

[10] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, ngày 07-12-1990, số 91; Tông huấn Vita consecrata, ngày 25-03-1996, số 74.

[11] Tác giả là cha Jeronimo Nadal, tổng quyền Dòng Tên.

[12] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 2; 5; 6.

[13] Ibid., số 7: Instituta quae integre ad contemplationem ordinantur.

[14] Ibid., số 8: Instituta apostolatus operibus dedita.

[15] Ibid., số 8.

[16] xc. Chiều kích chiêm niệm của đời tu, năm 1980, số 6.

[17] Bộ Đời Sống Thánh Hiến, Huấn thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô, 19/5/2002, số 23.

[18] Ibid., số 24.

[19] Ibid., số 25.

[20] Ibid., số 26.

[21] Ibid., số 27.

[22] Tông huấn Đời sống thánh hiến khai triển rộng rãi hơn ở các số 76-83.

[23] x. Tiền tụng Kinh nguyện Thánh Thể IV.

[24] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1028.

[25] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, số 100.

[26] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, 6/1/2001, số 16-28.

[27] Bộ Đời Sống Thánh Hiến, Huấn thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô, 19/5/2002, số 23-27.

[28] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập V, Truyền thống tâm linh trong các Giáo hội Đông phương, Rôma 2005, trang 213-218.

[29] Conrad de Meester, Mon âme a soif de Toi. Silence et prière, Le Sarment, Paris, 2001.

[30] Xem thêm: Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh IV (Chiều kích huyền bí trong các tôn giáo), Rôma 2004, trang 326-334.