Lời giới thiệu. Nhân dịp lễ kính chân phước Pier Giorio Frassati, giáo dân huynh đoàn Đa Minh, chúng tôi xin giới thiệu tiểu sử của anh, trích từ website của Tu đoàn Vinh sơn, được bổ túc với lời nguyện trích từ Sách Lễ của Dòng Đa Minh
Nguồn: https://vinhson.net/chan-phuoc-pier-giorgio-frassati-mau-guong-thanh-thien-cua-mot-nguoi-tre-vinh-son.html
16 Tháng Mười Hai, 2019
——————-
Trong chương hai của Tông Huấn Christus vivit – Đức Kitô đang sống của Đức Phanxicô, ngài đã vinh danh tên một số vị thánh và chân phước để làm gương mẫu cho người trẻ. Trong số các vị ấy có chân phước Pier Giorgio Frassati. Đức Giáo Hoàng đã nói về ngài:
“là một chàng trai trẻ tràn đầy niềm vui, lôi cuốn mọi điều theo với nó, một niềm vui thắng vượt cả nhiều khó khăn trong cuộc sống của ngài.” Pier Giorgio nói rằng ngài muốn đáp trả tình yêu Chúa Giêsu mà ngài đã nhận được trong việc hiệp lễ bằng cách đến thăm và giúp đỡ người nghèo.” (Christus vivit, # 60)
Vậy chân phước Pier Giorgio Frassati là ai? Ngài chính là một trong các chân phước trong gia đình Vinh Sơn. Nhân dịp Giáo hội Việt Nam bước vào năm mục vụ 2020, đồng hành với các người trẻ, chúng ta hãy tìm hiểu về cuộc đời của người trẻ thánh thiện này nhé.
Pier Giorgio Michelangelo Frassati sinh ngày 06/04/1901 tại Turin, nước Ý. Mẹ là Adelaide Ametis, một họa sĩ. Cha là Alfredo, một nhà sáng lập và giám đốc của tờ báo “La Stampa” và có ảnh hưởng trong nền chính trị ở Ý, ông cũng là một dân biểu của Ý và từng là đại sứ tại Đức.
Lúc còn nhỏ, Pier Giorgio tham gia hội Liên Đới Đức Mẹ và hội Tông Đồ Cầu Nguyện cũng như được đặc ân rước lễ mỗi ngày (điều này là hiếm thời bấy giờ).
Chân phước đã phát triển một đời sống tinh thần sâu xa, điều mà anh không bao giờ do dự khi chia sẻ cho bạn bè. Bí tích Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria là hai trụ cột thiêng liêng trong đời sống cầu nguyện của anh. Khi chân phước 17 tuổi, anh đã gia nhập Hiệp hội thánh Vinh Sơn Phaolô (SVPS) và đã dành nhiều thời gian để phục vụ người bệnh và người thiếu thốn, chăm sóc trẻ mồ côi và trợ giúp các quân nhân xuất ngũ trở về từ chiến tranh thế giới thứ nhất.
Anh đã quyết định trở nên một kỹ sư hầm mỏ, học tại trường Bách Khoa Hoàng Gia (Royal Polytechnic) ở Turin, để anh có thể phục vụ Đức Kitô tốt hơn giữa các thợ mỏ.
Mặc dù, Pier Giorgio coi việc học tập là việc trên hết, nhưng anh đã không thoát ly khỏi vai trò là một nhà hoạt động chính trị và xã hội. Năm 1919, anh đã tham gia hội sinh viên công giáo và tổ chức được biết đến như Công giáo Tiến hành (Catholic Action). Anh trở thành một thành viên rất năng động của đảng Nhân Dân là tổ chức luôn cổ vũ Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo dựa trên nguyên tắc từ thông điệp Rerum Novarum của Đức Giáo Hoàng Leo XIII.
Chân phước đã từng làm những công việc hèn mọn. Pier Giorgio đã yêu thương và giúp đỡ người nghèo, thậm chí có lần, anh đã tặng vé xe bus của mình cho người khác, rồi sau đó chạy bộ về nhà cho kịp dùng bữa với gia đình. Người nghèo và người đau khổ là những người thầy của chân phước và anh chỉ coi mình như một người tôi tớ của họ, điều mà anh coi đó như một đặc quyền. Tinh thần này được nuôi dưỡng qua việc đón nhận bí tích Thánh Thể mỗi ngày và chầu Chúa vào lúc đêm khuya, bằng việc chiêm niệm về lời dạy của thánh Phaolô trong “bài ca Đức Ái” (1Cr 13) và qua các bút tích của thánh Catherine thành Siena. Anh đã thường hy sinh những ngày nghỉ mùa hè của mình tại gia tộc Frassati và chỉ chọn nghỉ ở Pollone (ngoại thành Turin) bởi vì anh đã nói “nếu mọi người đi khỏi Turin, ai sẽ chăm sóc người nghèo?”
Năm 1921, Pier Giorgio là nhân vật trung tâm ở Ravenna, giúp đỡ một cách nhiệt thành để lập ra quy ước đầu tiên của Pax Romana, một hiệp hội có mục đích hiệp nhất tất cả các sinh viên trên toàn thế giới cho mục tiêu làm việc chung vì sự hòa bình thế giới.
Leo núi là môn thể thao yêu thích của Pier Giorgio. Các cuộc ngoại khóa nơi vùng núi, điều mà anh đã xác nhận với những người bạn rằng nó cũng phục vụ như một cơ hội cho công việc tông đồ của anh. Anh đã không bao giờ đánh mất cơ hội để dẫn những người bạn đến nhà thờ tham dự thánh lễ, đọc Kinh thánh và cầu nguyện kinh mân côi.
Anh thường đến nhà hát, rạp xiếc hoặc viện bảo tàng. Anh là một người đam mê nghệ thuật và âm nhạc và anh có thể đọc làu tất cả những đoạn thơ của Dante.
Sự yêu mến những thư của thánh Phaolô đã khơi lên nơi chân phước lòng nhiệt thành cho việc bác ái huynh đệ, và những bài giảng của những nhà giảng thuyết thời phục hưng và nhà cải cách Girolamo Savonarola và các bút tích của thánh Catherine thành Siena đã thúc đẩy chân phước tham gia Dòng Ba Đa Minh năm 1922. Anh đã chọn nhà cải cách này là anh hùng riêng của mình. Chân phước đã viết cho một người bạn: “Tôi có một lòng ngưỡng mộ tha thiết với người anh em này, người đã chết như một vị thánh khi bị trói vào cọc”.
Giống như ông bố, anh đã cực lực phản đối chủ nghĩa phát-xít và đã không che dấu quan điểm chính trị này của anh. Anh đã bảo vệ đức tin nhiều lần cách thể lý bằng cách tham gia những trận đấu, đầu tiên là với những người cộng sản chống giáo sĩ và kế đến là chủ nghĩa phát-xít. Anh đã tham dự một buổi biểu tình được tổ chức ở một nhà thờ ở Rôma, trong dịp đó anh đã đứng dậy chống lại sự bạo lực của cảnh sát và tập hợp những người trẻ khác bằng cách giật lấy biểu ngữ của nhóm khi các bảo vệ hoàng gia đã đánh bật tay của một sinh viên khác. Pier Giorgio đã giơ biểu ngữ, thậm chí cao hơn trong khi sử dụng cái gậy của biểu ngữ để chống đỡ những cú tấn công của họ.
Chỉ trước khi nhận bằng tốt nghiệp đại học, chân phước đã bị chứng bệnh viêm đa cơ, điều mà sau này các bác sĩ mới biết là bị lây nhiễm từ những người bệnh mà anh chăm sóc. Lờ đi tình trạng sức khỏe của mình bởi vì bà ngoại của anh đang hấp hối. Sáu ngày sau, với những cơn đau khủng khiếp, Pier Giorgio đã chết khi anh ở tuổi 24 vào ngày 04/06/1925.
Những bận tâm cuối cùng của chân phước là về người nghèo. Thậm chí vào trước đêm ngày mất, với một tay bại liệt anh đã viết một mẩu tin cho người bạn, xin anh này hãy lấy những thuốc anh đang dùng cho việc chữa trị để đưa cho Converso, một người nghèo bệnh mà anh từng viếng thăm.
Lễ tang của chân phước là một cuộc khải hoàn. Đường phố ngập tràn những dòng người khóc thương anh và phần lớn trong số họ thì gia đình anh không quen biết. Họ là những người nghèo và người thiếu thốn là những người anh đã phục vụ cách vô vị lợi trong nhiều năm. Nhiều người trong số họ cũng ngạc nhiên khi biết rằng chàng trai trẻ thánh thiện mà họ biết thực sự là người thừa kế của gia đình Frassati có ảnh hưởng.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sau khi việc kiểm tra mộ phần của anh tại phần đất gia đình ở Pollone năm 1989, đã nói “Ta muốn tỏ lòng tôn kính đối với người trẻ này, người mà đã là số ít trong các chứng nhân của Chúa Kitô trong thập kỷ này của chúng ta”.
Ngày 20/05/1990 tại quảng trường thánh Phêrô đã đầy ắp người, Đức Giáo Hoàng đã phong chân phước cho Pier Giorgio Frassati, và đã gọi anh là “con người của Tám Mối Phúc”.
Di hài của chân phước được khai quật trong tình trạng nguyên vẹn và không bị hư hoại vào ngày 31/03/1981, và được chuyển từ phần bộ gia đình ở Pollone đến nhà thờ chánh tòa Turin. Nhiều khách hành hương, đặc biệt là các bạn trẻ sinh viên đã đến mộ của chân phước để xin những ơn lành và để được khích lệ sống theo mẫu gương của chân phước. Ngày lễ kính chân phước vào ngày 04/07 hằng năm.
Hiện tại, tại Manila một tòa nhà cao tầng mang tên Pier Giorgio Frassati đang được xây dựng có 23 tầng lầu với 110 phòng học để vinh danh chân phước. Đây là một trường trung học thuộc trường đại học Santo Thomas (UST) thuộc dòng Đaminh. Hy vọng tòa nhà này sẽ hoàn tất vào năm 2020. Như thế chân phước Pier Giorgio Frassati là một người trẻ thánh thiện của cả gia đình Vinh Sơn và gia đình Đa Minh.
Chân phước Pier Giorgio Frassati đã được chọn là vị thánh bảo trợ của nhiều kỳ đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD).
Qua tiểu sử của chân phước, các bạn trẻ, đặc biệt các chủng sinh và các bạn trẻ Vinh Sơn cũng như tôi, thấy điều gì thu hút nơi vị chân phước trẻ này?
Say mê đọc Kinh thánh, đặc biệt là các thư của thánh Phaolô – tôi và bạn có thể?
Nhiệt thành tham gia các hiệp hội đạo đức giáo dân trong Giáo hội – tôi và bạn có thể?
Yêu mến Thánh Lễ, Thánh Thể và cầu nguyện kinh Mân Côi – tôi và bạn có thể?
Nhiệt thành đấu tranh cho sự thật và hòa bình thế giới, công bình xã hội – tôi và bạn có thể?
Yêu mến, phục vụ người nghèo cách đặc biệt và luôn bác ái với mọi người – tôi bạn có thể?
Đam mê thể thao, theo đuổi lối sống lành mạnh – tôi và bạn có thể?
Để kết, xin các bạn trẻ hãy một lần nữa cùng đọc lại những lời nhắn nhủ của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Christus Vivit dành cho các bạn nhé:
“Qua sự thánh thiện của giới trẻ, Giáo hội có thể đổi mới nhiệt tâm thiêng liêng và sức sống tông đồ của mình. Dầu thơm thánh thiện phát sinh từ cuộc sống tốt đẹp của rất nhiều người trẻ có thể chữa lành các vết thương của Giáo hội và thế giới, đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta luôn được mời gọi hướng tới: những vị thánh trẻ gợi hứng để chúng ta trở về với tình yêu đầu tiên của chúng ta (xem Kh 2: 4). Một số vị thánh không bao giờ tới tuổi trưởng thành, nhưng họ đã cho chúng ta thấy có một cách khác để sống tuổi trẻ của chúng ta.”
(Christus vivit, # 50)
Mùa vọng 2019
Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, CM
—————–
Chân phước Phêrô Giorgiô Frassati,
giáo dân (1901 – 1925)
Phần chung thánh nam
Chân phước Phêrô Giorgiô Frassati sinh ngày 6 tháng 4 năm 1901, tại Torino (Ý), trong một gia đình danh giá. Anh đã dấn thân cho việc học hành, cầu nguyện, hoạt động tông đồ và xã hội, nhưng cũng không bỏ qua tập luyện thể thao. Chính vì thế, anh trở nên gương sáng cho các bạn trẻ về việc sống đạo giữa đời. Năm 18 tuổi, khi còn là sinh viên khoa Cơ khí, anh bắt đầu quen biết Dòng Đa Minh và ngày 28 tháng 5 năm 1922, anh gia nhập Dòng Ba. Năm 1923, anh tuyên khấn và nhận tên hiệu là Giêrônimô, vì muốn bắt chước cha Savônarôla mà anh yêu mến cùng với thánh Catarina Siêna và thánh Tôma Aquinô. Anh qua đời vào ngày 4 tháng 7 năm 1925 vì bị bệnh viêm tuỷ xám (Poliomyelitis). Người ta nói rằng anh mắc bệnh này từ những người nghèo mà anh hết lòng chăm sóc và phục vụ mỗi ngày.
Ngày 20 tháng 5 năm 1990 anh được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước và được gọi là “con người của tám mối phúc”.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa, Chúa đã ban cho anh Phêrô Giorgiô ơn vui tươi phục vụ Đức Kitô trong đức tin và đức mến. Nhờ lời chuyển cầu của vị chân phước trẻ tuổi này, xin cho chúng con biết rao truyền tinh thần Bát Phúc cho tất cả mọi người. Chúng con cầu xin…