CHĂM SÓC SỨC KHOẺ VÀ GIẢNG THUYẾT

0
787

Tu sĩ An-bê-tô Nguyễn Lộc Thọ, o.p.

(Trích Thời sự Thần học, số 56, tháng 5/2012)

Các môn đệ hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.”
                                                                                                                      (Ga 9,2-4)

Bệnh tật là biểu hiện của sự khiếm khuyết nơi hữu thể con người, nó gắn chặt với cuộc sống con người – thụ tạo phải đau khổ và phải chết. Nhà Phật cũng nói về tứ khổ đế – ‘sinh, lão, bệnh, tử’ – mà kiếp sống của mọi sinh linh, trong đó có con người, không thể tránh khỏi. Đau khổ chính là thân phận của con người. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người ta sẽ để mặc cho bệnh tật hoành hành mà, trái lại, từ cổ chí kim và từ đông sang tây, nhân loại luôn nỗ lực tìm cách khống chế và đẩy lùi bệnh tật khỏi đời sống của mình hay, ít ra, con người cũng cố gắng hạn chế bớt những tác hại do bệnh tật mang lại. Nỗ lực đó không chỉ dừng lại ở mức độ tìm cách chữa trị bệnh tật, mà còn hướng tới việc lo sao cho con người không còn bị bệnh tật thao túng hay, nói cách khác, lo sao cho con người luôn có một sức khoẻ tốt ngang qua việc chăm sóc cức khoẻ.

Ngày nay, công tác này đã trở thành một mối bận tâm rất lớn và chính thức của nhân loại, nó trở thành một trách nhiệm của xã hội đối với từng cá nhân trong xã hội, cụ thể là mỗi quốc gia và cả Liên hiệp quốc đều thành lập các tổ chức chuyên trách cho lĩnh vực quan trọng này. Công tác này đòi những ai tham gia phải có một tấm lòng nhân ái bởi vì, tự bản chất, đây là công việc của tình thương yêu, sự thể hiện mối quan tâm chăm sóc cho nhau trong tinh thần tương thân tương ái.

Do đó, nếu nhìn trong niềm tin ki-tô giáo thì việc chăm sóc sức khoẻ và chữa trị bệnh tật cho con người là một cách thế để tôn vinh Thiên Chúa – vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Chính Chúa Giê-su đã dạy rằng “Yêu thương là chu toàn lề luật”, và “Người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy nếu anh em yêu thương nhau”. Quả thật, công cuộc chăm sóc sức khoẻ vốn là một cách thức để làm vinh danh Thiên Chúa. Đó là một cách làm cho người ta nhận biết Thiên Chúa hay, nói cách khác, đó là một cách thức loan báo Tin Mừng.

Nhưng để có thể nhận thấy rõ hơn, thiết tưởng, cũng cần phải nói thêm đôi chút về điều này dưới góc nhìn mang tính suy tư thần học: mối tương giao giữa việc loan báo Tin Mừng với việc chăm sóc sức khoẻ cho con người. Trước hết sẽ là một xác nhận về tính hai mặt của công cuộc nhập thể của Chúa Giê-su. Kế đến sẽ nói về tính giảng thuyết và tính công bằng của công cuộc chăm sóc sức khoẻ và chữa lành bệnh tật. Và, sau cùng là về mối tương giao hỗ tương mang tính tình yêu giữa thầy thuốc và bệnh nhân.

*Tính hai mặt của Công cuộc Nhập Thể của Chúa Giê-su Ki-tô

Với tư cách Con Thiên Chúa Làm Người, Chúa Giê-su đến để dẫn đưa nhân loại về quê hương đích thực trên trời. Theo niềm tin của các tôn giáo, cũng như theo suy tư của hầu hết các trào lưu triết học, hạnh phúc đich thực mà thụ tạo con người mong muốn đạt tới chính là ở nơi Thượng Đế. Điều này cũng đã được thánh Tô-ma, trong hệ thống suy tư triết học và thần học của ngài, đón nhận có chọn lọc và điều chỉnh cho phù hợp với đức tin ki-tô giáo, theo đó thì mọi thụ tạo đều được “sinh xuất”, tức là phát xuất ra, từ Nguyên Nhân Tuyệt Đối và các thụ tạo chỉ có thể đạt được hạnh phúc trọn vẹn khi đã “qui hồi”, tức là quay trở lại, về với Đấng mà từ đó nó được tác thành. Ngài khẳng định rằng Đấng đó chính là Thiên Chúa mà Đức Ki-tô rao giảng. Vì thế, đối với ki-tô giáo, chính Thiên Chúa Cha là Đấng mà thụ tạo con người cần phải qui hồi về, Người là Đấng Ngự Trên Trời. Có nghĩa là, để được hạnh phúc đích thực thì thụ tạo con người cần phải trở về nơi quê hương Nước Trời – Vương Quốc mà các ki-tô hữu được mời gọi hãy chiến đấu mà vào -, và theo giáo huấn của Tin Mừng thì con người được mời gọi hãy nỗ lực “lao công vì Nước Trời”, hãy từ bỏ mọi giá trị khác để chọn lựa Nước Trời, v.v. Và Đức Ki-tô chính thực là Con Đường dẫn đến Thiên Chúa Cha. Đây chính là một trong những nội dung chính yếu của giáo huấn của Chúa Giê-su Ki-tô cho nhân loại. Và, dĩ nhiên, điều này phải là một mối bận tâm hàng đầu của Giáo hội Chúa Ki-tô và cũng là của mỗi ki-tô hữu.

Tuy xác định rằng quê hương chúng ta ở trên trời và điều quan trọng hàng đầu đối với con người chính là lo sao cho được cứu rỗi phần hồn, nhưng ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng chính Đức Giê-su – Con Thiên Chúa Làm Người – không quên quan tâm chăm sóc đến cả phương diện thể chất của con người, nhất là đối với những người nghèo khổ và ốm đau. Thật vậy, Ngài đã dùng quyền năng Thiên Chúa của mình để chữa lành những nỗi đau thể xác và tâm hồn những con người mà Ngài gặp gỡ. Qua đó, Ngài muốn thực hiện ơn hoà giải giữa họ với Thiên Chúa Tình Yêu ngõ hầu họ có thể đạt tới chân hạnh phúc, theo như kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đó chính là ý muốn của Thiên Chúa và là mục đích quan trọng của công cuộc Nhập Thể của Ngài.

Đó chính là biểu hiện về tính hai mặt của sứ mạng cứu độ của Đấng Cứu Thế: vừa nhằm giải thoát nhân loại khỏi tình trạng tội luỵ đã làm hoen ố linh hồn, vừa quan tâm xoa dịu bớt những nỗi đau thể lý vốn khiến đời sống con người trở nên bất hạnh hơn. Nói cách khác, nếu sự hiện diện của Đức Giê-su, như vừa trình bày, là Tin Mừng cho nhân loại thì sứ vụ loan báo Tin Mừng cũng phải bao hàm cả hai phương diện của đời sống con người, đó là: chăm lo cho cả linh hồn lẫn thể xác người ta. Sứ vụ đó đã được trao cho Giáo hội Chúa Ki-tô. Vì vậy, việc chăm sóc sức khoẻ thể lý cho con người vốn thuộc về sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, cũng là của mỗi ki-tô hữu.

Hội Thánh Chúa Ki-tô đã ý thức rất rõ về sứ vụ kép này nên đã không ngừng quan tâm và không do dự trong việc  hình thành những Dòng tu chuyên chú vào sứ vụ dấn thân phục vụ những mãnh đời bất hạnh, và cũng đã thành lập những tổ chức chuyên nghiệp để đảm trách vai trò cứu trợ xã hội. Trong suốt dòng lịch sử, đã có không biết bao nhiêu ki-tô hữu (gồm cả giáo dân, tu sĩ lẫn giáo sĩ) ở mọi nơi, cũng như mọi thời đại, đã và đang hy sinh cả cuộc đời mình với mong ước rằng anh chị em của họ được xoa dịu bớt những nỗi đau thể xác cũng như tinh thần. Hơn nữa, chính Công Đồng Va-ti-ca-nô II – một Công Đồng được đánh giá là đã mang lại một luồng gió mới của Chúa Thánh Thần đến trên Giáo hội trong suốt 50 năm qua – với tinh thần canh tân mang tính về nguồn tận nơi Thầy Giê-su, đã công bố những văn kiện khẳng định về vai trò phải dấn thân vào trong xã hội trần thế để góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đó chính là một trách vụ của Hội Thánh Chúa Ki-tô và điều đó phải là một vai trò song hành với sứ vụ cứu độ các linh hồn. Điều này vẫn thường được nhắc đi nhắc lại bởi mọi cấp thẩm quyền trong Giáo hội nhằm thúc đẩy mọi người tham gia thực hiện, cũng như nhằm cụ thể hoá việc thực hiện sứ vụ phục vụ anh chị em đang gặp đau khổ này, trong cuộc sống hàng ngày.

Đến đây, xin thử bàn về tính giảng thuyết trong việc chăm sóc sức khoẻ con người, đồng thời cũng tìm hiểu qua tính cách thực thi công bằng của việc chữa lành bệnh tật cho con người.

*Tính giảng thuyết của việc chăm sóc sức khoẻ cho con người

Giảng thuyết, theo cái nhìn mang tính ki-tô giáo, muốn nhắm rõ tới sứ vụ loan báo Tin Mừng ơn cứu độ cho muôn dân thiên hạ. Đó là một hoạt động nhằm thực hiện việc chia sẻ hay trình bày cho người khác về những xác tín đức tin ki-tô giáo. Nói cách khác, giảng thuyết là việc thuyết phục ‘đối tượng đón nhận sự giảng thuyết’ để họ có thể lãnh hội ra điều mà ‘người giảng thuyết’ muốn diễn đạt qua lời nói hoặc hành động của mình. Vì vậy, người ta có thể tiến hành giảng thuyết bằng lời nói, bằng cử chỉ, bằng hành động hoặc bằng chính đời sống của mình. Nhưng xin lưu ý, tuy cách thế giảng thuyết đóng một vai trò quan trọng, nhưng điều đó lại không quan trọng cho bằng làm thế nào để ‘đối tượng’ nhận ra được nội dung muốn truyền đạt, và quan trọng hơn nữa là làm sao để có thể thuyết phục ‘đối tượng’ đón nhận và thuận theo những gì được diễn đạt.

Việc chăm sóc sức khoẻ và chữa trị bệnh tật cho con người, nhất là cho những người nghèo khổ, muốn diễn tả mối quan tâm lo lắng, sự đồng cảm với nỗi khổ đau và tình yêu mến của ‘người giảng thuyết’ đối với ‘đối tượng đón nhận’. Và chắc chắn, trong lĩnh vực cụ thể này, ‘người đón nhận’ rất dễ dàng nhận thấy được và đón nhận sứ điệp tình yêu đó. Thực vậy, ta thường thấy những người được chăm sóc và chữa trị luôn biểu hiện lòng biết ơn và sự cảm kích đối với thầy thuốc – ở đây còn gọi là ‘người giảng thuyết’ – và điều này luôn xảy ra như vậy. Nói cách khác, giữa thầy thuốc và bệnh nhân, trong trường hợp này, có một ‘mối tương quan giảng thuyết’ và mối tương quan này thường đảm bảo được tính hiệu quả của nó.

Chính Đức Giê-su, trong những năm tháng rong ruỗi loan báo Tin Mừng của Ngài, đã thường thực hành cách thức giảng thuyết này, và hiệu quả của nó không chỉ đạt được nơi những bệnh nhân của Ngài mà thôi, mà còn nơi những người chung quanh họ nữa. Thật vậy, vì quan tâm lo lắng, vì cảm thông và chạnh thương đối với những nỗi khổ đau của các bệnh nhân, cũng như vì yêu mến họ, mà Chúa Giê-su đã giơ tay chạm tới họ để chữa lành, nâng đỡ và phục hồi họ. Chính cử chỉ này mang trong nó một sứ điệp mà Ngài muốn gửi đến mỗi người trong số họ. Sứ điệp này luôn được người ta nhận ra và họ cũng rất cảm kích đối với những gì đã được Ngài trao ban (tuy nhiên, chắc chắn rằng đây chỉ là bước khởi đầu cho một tiến trình đức tin vốn còn đòi hỏi phải đi xa hơn nữa trong mối tương giao đức tin với Ngài, nhưng xin không bàn tiếp về suy tư này ở đây). Ta thường thấy những con người này biểu lộ niềm vui vì được lành sạch, họ công bố cho mọi người về những gì họ đã lãnh nhận được. Sứ điệp này cũng được những người chung quanh họ nhận ra và, vì thế, người ta đã kéo nhau đến với Ngài rất đông. Không những thế, họ còn tìm cách giúp cho những ai đau ốm có cơ hội tiếp cận với Đức Giê-su. Nói chung lại, sứ điệp yêu thương mà việc chăm sóc sức khoẻ và chữa lành bệnh tật muốn trao gửi thường đạt được hiệu quả rất cao, vì các bệnh nhân luôn nhận ra và đón nhận nó cách tích cực nhất.

Vậy, có thể nói việc chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho con người là một cách thế giảng thuyết mang lại hiệu quả rất thiết thực và có thể áp dụng trong mọi môi trường xã hội, vì nó không bị lệ thuộc vào chính kiến, tôn giáo, thời đại, … Có điều là người thầy thuốc phải thực sự có tấm lòng và có chủ ý giảng thuyết. Giảng thuyết bằng việc chữa bệnh đòi phải có một tấm lòng.

Mặt khác, nếu một trong những mục tiêu giảng thuyết muốn đạt tới là xoa dịu bớt nỗi đau tinh thần cũng như thể xác con người thì việc chăm sóc sức khoẻ vốn trùng khớp với mục tiêu đó. Chính Chúa Giê-su, khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng đã nói: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Do đó, việc chữa lành bệnh tật gắn liền với và thuộc về sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Một nhà giảng thuyết muốn thành công thì không thể thiếu một tấm lòng nhân ái của người thầy thuốc. Đó chính là một yếu tố mang ‘khả năng chữa lành’ những nỗi đau của con người, nó giúp đem lại cho những người đau khổ, về thể chất cũng như tâm linh, sự bình an nội tâm và niềm vui được lành mạnh. Nhà giảng thuyết cũng như thầy thuốc cần phải có ‘tấm lòng từ mẫu’.

*Tính công bằng trong việc chữa trị bệnh tật cho con người

Nếu công bằng là trả cho người khác cái mà họ đáng được hưởng, thì việc được chăm sóc sức khoẻ thuộc về quyền của mỗi cá nhân và, vì thế, mỗi người phải được hưởng quyền lợi này của mình. Mỗi con người đều có quyền được sống khoẻ mạnh và hạnh phúc. Do đó, khi họ không may bị đau ốm hay bệnh tật thì họ phải được quyền thụ hưởng những chữa trị chu đáo. Có nghĩa là, việc chữa trị chu đáo đồng nghĩa với việc trả lại sự công bằng cho họ.

Tuy nhiên, trong xã hội, việc chăm sóc sức khoẻ hay chữa trị đòi một khoản ‘chi trả công bằng’, và nếu ai không có khoản phí này sẽ không được chữa trị hay chăm sóc sức khoẻ như mong đợi. Có vẽ như đó là một điều công bằng. Nhưng, thực ra, nếu đi cho đến cùng của suy luận, thì chưa thực sự công bằng vì như thế sẽ có nhiều người không thể được hưởng sự chăm sóc sức khoẻ, chỉ vì họ không có đủ tiền. Vì vậy, thiết tưởng, ngoài hệ thống tổ chức mang tính dịch vụ, còn cần và rất cần đến một mô hình tổ chức thuần tuý mang tính phục vụ, miễn phí và vô vị lợi, để có thể đảm bảo cho những người không có đủ điều kiện chi trả cũng được hưởng quyền lợi của họ. Có điều là, không được phép chỉ dành cho những người này những điều kiện chăm sóc sơ sài hoặc lạc hậu hay lỗi thời mà thôi (đây là điều thường thấy), nhưng phải tạo điều kiện để họ có thể tiếp cận được những phương pháp chữa trị hiện đại, như những người có điều kiện chi trả được thụ hưởng. Và, như thế mới thực sự trả lại công bằng cho họ.

 Nói chung lại, việc chữa trị chỉ đạt tới công bằng khi nó thực sự cố gắng mang lại sự chữa lành cho bệnh nhân. Việc chữa trị và chăm sóc sức khoẻ là một cách thế thực thi công bằng cách thiết thực.

*Tương quan hỗ tương giữa thầy thuốc và bệnh nhân

Kinh nghiệm chữa trị bệnh nhân trong thời gian qua cho tôi cơ hội nhận thấy rõ hơn về mối tương quan liên đới và thân tình giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Trước hết, lẽ đương nhiên, bệnh nhân cần đến thầy thuốc để có thể được chữa lành bệnh tật của mình, bởi vì họ đang mang trong mình một nỗi đau cần được xoa dịu, và họ hy vọng tìm được nơi người thầy thuốc giải pháp đúng cho căn bệnh của mình. Chính vì thế mà họ đã tìm đến và trông chờ để nhận được kết quả như mong ước. Và, cho dù kết quả có thể không được hoàn toàn như mong đợi thì từ trong thâm tâm họ cũng luôn có một tâm tình tri ân, điều này đã hình thành ngay từ khi họ được đón tiếp một cách ân cần. Khởi đi từ một tâm trạng như vậy, họ sẽ dễ dàng lắng nghe, đón nhận và ghi nhớ tất cả những gì người thầy thuốc muốn gửi gắm cho họ: từ những chỉ dẫn mang tính trị liệu, cho đến những gợi ý mang tính tâm linh và cả đến những tâm tư mang tính cá nhân của người thầy thuốc.

Tuy nhiên, cũng theo kinh nghiệm bản thân, thầy thuốc cũng cần đến bệnh nhân vì nhiều lý do hơn:

-Để bày tỏ tấm lòng mình. Con người luôn cần chia sẻ và bày tỏ tâm tư tình cảm của mình cho người khác, nhất là cho chính đối tượng mà mình có cảm tình này. Cho nên, nếu thầy thuốc thật sự có lòng thương mến đối với các bệnh nhân của mình thì cũng sẽ có nhu cầu bày tỏ tâm tình đó với những người này. Nói cách khác, thầy thuốc cần có đối tượng để chia sẻ nỗi lòng của mình, đó chính là các bệnh nhân.

-Để chứng tỏ khả năng của mình. Bệnh nhân được điều trị chính là cơ hội để chứng tỏ tính hiệu quả của phương pháp trị liệu và khả năng phục dược của thầy thuốc. Càng có nhiều bệnh nhân đến điều trị thì thầy thuốc càng có nhiều cơ hội thể hiện khả năng của mình, cũng như tính hiệu quả của phương dược; và, càng có nhiều người được chữa lành bệnh thì thầy thuốc càng chứng tỏ được thực lực của mình. Vì vậy, thầy thuốc cũng cần đến các bệnh nhân, và đó là một mối tương giao cần thiết.

-Để trải nghiệm nhằm:

* Tự học hỏi thêm, nghĩa là mỗi khi có cơ hội thể nghiệm lâm sàng thì thầy thuốc luôn tìm được thêm dịp để quan sát, nhận định và rút tỉa thêm từ thực tế nhiều điều liên quan tới phương pháp trị liệu và kiến thức khoa học của mình;

* Giúp bản thân tự tin hơn, nghĩa là mỗi lần có cơ hội thực hành trị liệu, và nếu đó là một lần mang lại kết quả tốt, thì thầy thuốc sẽ cảm thấy tự tin hơn đối với phương dược này cho những lần trị liệu tiếp sau;

* Giúp nhận diện bản thân rõ hơn xem thực sự mình mong muốn điều gì khi chọn làm công việc này, nghĩa là khi trải qua nhiều trường hợp tiếp cận với nhiều hoàn cảnh khác nhau của các bệnh nhân thì thầy thuốc sẽ có cơ hội nhận định lại cách rõ ràng hơn về mục đích của việc chọn lựa theo nghề thuốc này của bản thân. Bởi vì, trong mọi theo đuổi nghề nghiệp, người ta luôn cần có thời gian trải nghiệm đủ lâu và nếm trải đủ mọi mùi vị của hành trình dấn thân đó để có thể xác định một cách trung thực về chọn lựa dấn thân nghề nghiệp cúa mình. Điều này cũng đúng đối với người thầy thuốc;

* Giúp rèn luyện tính kiên nhẫn, nghĩa là, thông thường, trong mọi loại hình tác nghiệp, người ta luôn cần đức tính kiên nhẫn để có thể theo đuổi đến cùng nghề nghiệp mình đã chọn. Và tính kiên nhẫn được thể hiện qua mỗi lần thực hiện việc hành nghề của mình. Cho nên, thầy thuốc cũng sẽ phải thể hiện tính kiên nhẫn ngang qua việc chăm sóc chữa trị cho từng bệnh nhân mình phục vụ.

-Để thi hành sứ mạng. Trong nhân loại, không phải ai cũng có khả năng như nhau và, vì thế, không phải ai cũng có thể hành nhgề thầy thuốc nếu đã không được phú ban cho một khả năng phù hợp. Do đó, người hành nghề thầy thuốc, một cách nào đó, đã được trao cho những ‘nén bạc’ nên người đó cũng được đòi hỏi phải làm cho sinh lợi qua việc chữa lành bệnh tật theo khả năng có hạn của mình. Đó chính là sứ mạng phải thi hành chứ không phải chỉ là việc thích hay không thích làm công việc này. Việc thi hành sứ mạng này phải được thực hiện cách nghiêm túc và trung thành.

-Để cảm nhận niềm vui vì được người khác đón nhận. Trao ban hoặc cho đi luôn cần đến một sự thụ nhận, nếu không nó sẽ không đạt được niềm vui trọn vẹn. Có điều là, để hiểu thấu được điều này, người ta cần phải học biết qua sự trải nghiệm với loại niềm vui này. Một cách nào đó, đây là một sự tán thưởng xuất phát từ trong lương tâm, nhất là khi ta cảm thấy rằng những người thụ nhận trân trọng đón nhận sự giúp đỡ của mình. Đối với thầy thuốc, việc được các bệnh nhân đón nhận lại càng quan trọng hơn và vui hơn nữa.

*Tấm lòng từ mẫu của thầy thuốc

Và trước tất cả những điều đó, người thầy thuốc phải có một tấm lòng nhân ái và vô vị lợi. Nếu không, người đó chỉ dừng lại ở mức độ của một người “thợ chữa bệnh” hoặc, nói cho kêu hơn, chỉ là một “chuyên gia chữa bệnh” (vì đã nắm bắt được những phương pháp điều trị cao cấp và hiện đại). Câu “lương y như từ mẫu” cho thấy rõ ý nghĩa trên.

Với tấm lòng từ mẫu, thiết tưởng, người ta có thể làm được nhiều chuyện thành công. Thành công không phải vì đạt được cái gì khác, mà là đã đạt tới đức nhân, đạt tới đức từ bi, đạt tới lòng thương xót. Do đó, người đó làm việc gì cũng mang một ý nghĩa trọng đại, cho dù việc đó lớn hay nhỏ, đáng giá hay tầm thường.

Thánh Mác-ti-nô Po-rét là một người đã hiểu được nguyên lý này và đã sống trọn vẹn trong cuộc sống của ngài. Thật vậy, cho dù cả đời ngài chẳng làm được nhiều điều lớn lao, xét theo cách nhìn thông thường của con người, nhưng ngài đã để lại cho đời một mẫu gương cao cả và đóng góp một cách thiết thực cho xã hội thời mình ngang qua những ai ngài đã có cơ hội tiếp xúc, bởi vì ngài luôn có nơi mình tấm lòng từ ái. Và điều này cũng sẽ đúng với bất cứ ai trong chúng ta, nếu chúng ta sống như vậy.

*Kết

Trong nhân loại, luôn còn rất nhiều nỗi đau do bệnh tật đủ loại mang đến và nhân loại cũng vẫn luôn còn cần đến những giáo huấn mang tính cứu độ để có thể đạt được hạnh phúc đích thực. Do đó, việc chữa trị bệnh tật và chăm sóc sức khoẻ cho con người, về mặt thể lý cũng như về mặt tâm linh, vẫn luôn là điều cần thiết và có ý nghĩa nhằm diễn tả tình thương yêu.

Người thầy thuốc và người môn đệ Chúa Ki-tô đều cần thiết đối với nhu cầu xoa dịu những nỗi đau của con người. Tuy nhiên, vì tính hỗ tương giữa hai loại hình phục vụ này nên, thiết tưởng, nếu có sự phối hợp mang tính nghề nghiệp nơi cùng một con người duy nhất thì sẽ có thể mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho những con người đau khổ trong nhân loại, nhất là những người nghèo khổ, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Ước mong rằng qua việc thực thi sứ vụ kép mang tính biểu lộ tình yêu thương đó, Thánh Danh của Thiên Chúa Tình Yêu sẽ được toả sáng. Điều này vẫn luôn là niềm mong đợi của mỗi người tin vào Chúa Ki-tô, nhất là của những người giảng thuyết. Xin mượn lời sau đây của Vịnh Gia để kết:

“Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,

Chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!”

(Tv 66,4)

Và những con người đau khổ sẽ cùng với mọi thụ tạo tung hô rằng:

“Ha-lê-lu-ia!

Hãy ca ngợi Chúa đi! […] (bởi vì)

Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ,

Những vết thương, băng bó cho lành.

[…] Ha-lê-lu-ia!”

(Tv 147,1.3.20)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here