Cấu Trúc Siêu Hình Của Hữu Thể: Các Phạm Trù

0
2165


Nguyên tác: Tomas Alvira, Luis Clavell & Tomas Melendo, Metafisica, 1981 (bản tiếng Tây Ban Nha)

Fr. Luis Supan, Metaphysics, 1991 (Bản tiếng Anh)

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP.

***

I. KHÁI NIỆM VỀ CÁC PHẠM TRÙ (CATEGORIES)

Bản thể và các phụ thể là những cách thức hiện hữu cơ bản mà mọi thực tại đều có thể giản lược vào. Mặc dù những hoàn bị phụ thể cho thấy một sự đa dạng đáng kể, ta vẫn có thể xếp loại chúng thành 9 nhóm. Bản thể và 9 loại phụ thể đó kiến tạo nên mười lớp tối thượng (hoặc giống) của hữu thể mà chúng ta gọi là các phạm trù. Những phạm trù đó nói lên những cách thức hiện hữu thực tế.

Vì hữu thể được phản ảnh trong nhận thức và trong ngôn ngữ, nên những cách thức hiện hữu đó cũng được nối kết hữu lý đối với những nhóm thuộc từ tương ứng mà ta có thể gán cho một sự vật. Thực tế, điều này có nguồn gốc Latinh là predicamenta, cũng đồng nghĩa với hạn từ gốc Hy lạp “categories”. Quả vậy, cuốn sách Aristotle viết về luận lý đã mang tựa đề “Các Phạm trù” (The Categories).

Trước khi bàn đến từng loại phạm trù, chúng ta có thể nêu lên một số ví dụ để soi sáng. Chẳng hạn, ta có thể nói về Phêrô, rằng “anh ta là một con người” (bản thể), rằng “anh ta thì tốt” (phẩm chất), rằng “anh ta thì cao” (lượng), rằng “anh ta là con ông Antôn” (tương quan), rằng “anh ta ở trong phòng” (“ở đâu”), rằng “anh ta ngồi” (vị thế), rằng “anh ta có một cây viết chì” (chiếm hữu), rằng “anh ta đến vào lúc 7 giờ” (“khi nào”), rằng “anh ta đang viết” (hoạt động), rằng “anh ta đang khát” (thụ động).

Vì đã bàn khá đủ về bản thể, giờ đây chúng ta sẽ xem xét bản chất riêng biệt của mỗi một trong các phạm trù khác. Một đặc điểm chung của mọi phụ thể là bám vào một bản thể, có nghĩa rằng chúng ở trong (esse in) một chủ thể, việc này khiến cho chúng là những phụ thể. Dĩ nhiên, mỗi phụ thể đều có một yếu tính riêng, qua đó nó xác định bản thể theo một cách thức phân biệt. Chẳng hạn, cả lượng lẫn phẩm đều ở trong bản thể và chia sẻ hiện hữu của bản thể, nhưng lượng đem lại cho bản thể trương độ, trọng lượng và khối lượng, đang khi phẩm xác định bản thể theo những cách thức khác, chẳng hạn đem lại cho bản thể màu sắc, độ cứng, mùi vị nhất định.

Nói cách chặt chẽ, yếu tính của mỗi một thực tại phụ thể đó không thể định nghĩa được, vì chúng là những giống tối cao, và chỉ có khái niệm hữu thể mới tổng quát hơn chúng. Bên cạnh đó, chúng là những thực tại hiển minh trực tiếp, được nhận biết qua kinh nghiệm (ví dụ, lượng, và các phẩm chất như màu sắc hay hình thù, đều được nhận biết trực tiếp nhờ các giác quan). Tuy nhiên, chúng có thể được miêu tả và được minh họa bằng các ví dụ.

II. PHÂN LOẠI CHÍN GIỐNG TỐI CAO

Ở trên chúng ta đã xếp loại các phụ thể theo nguồn gốc của chúng. Giờ đây chúng ta xếp loại chúng theo yếu tính của chúng, nghĩa là chiếu theo những cách thức riêng biệt mà chúng ảnh hưởng lên bản thể.

1) Trước hết, có những phụ thể ảnh hưởng cách nội tại đến bản thể; nhóm này bao gồm lượng và phẩm, (vốn xác định bản thể nơi chính nó và theo một cách thức tuyệt đối) và những tương quan, (vốn xác định bản thể bằng cách qui chiếu đến những thứ khác).

– Mọi bản thể vật thể hoặc vật chất đều có một lượng nhất định, được tỏ bày nơi trương độ, kích cỡ hoặc khối lượng của chúng: phụ thể này là chung cho mọi vật thể và nó nảy sinh từ vật chất.

– Các phẩm chất là những phụ thể khiến cho bản thể thuộc về loại này hay loại kia, và chúng nảy sinh từ yếu tính của bản thể (hoặc, nói chặt chẽ hơn, từ hình thế của bản thể). Do đó, mỗi loại bản thể đều có một số phẩm chất nhất định, tỉ như màu sắc hoặc hình thù nhất định, và một số khả năng hoạt động nào đó. Vì chúng nảy sinh từ hình thế, nên các phẩm chất cũng được tìm thấy nơi các bản thể không thuộc vật chất, tức là nơi các bản thể thiêng liêng. Trong trường hợp các vật thể, những phẩm chất ảnh hưởng lên bản thể nhờ lượng: chẳng hạn, màu sắc cần đến sự hỗ trợ của một mặt phẳng; nhiệt độ luôn luôn thuộc về một thứ gì trải rộng ra.

– Các mối tương quan, vốn được coi như những phụ thể ngoại lai nếu xét đến những tận điểm của chúng, xác định bản thể qua việc qui chiếu đến những thứ khác. Chẳng hạn, tình huynh đệ là mối tương quan hỗ tương giữa các người anh em. Tử hệ là tương quan thuộc về một con người khi qui chiếu đến cha mẹ người đó.

2) Tiếp đến có những phụ thể ngoại lai, ảnh hưởng thực sự lên bản thể, không phải trong và do bản thể, nhưng chỉ theo cách thức bên ngoài và qua mối tương quan của bản thể với những vật thể khác. Ví dụ, ở nơi này hoặc nơi kia, không làm thay đổi một con người tự bên trong, điều mà việc thủ đắc một phẩm chất mới mẻ có thể làm được. Cũng như bất cứ phụ thể nào khác, những phụ thể ngoại lai thì ở nơi bản thể mà chúng ảnh hưởng tới, và nhờ bản thể mà chúng có được hiện hữu. Nhưng nền tảng trực tiếp của chúng lại là một trong những phụ thể nội tại: chẳng hạn, một vật thể ở một nơi chốn, chính xác là vì nó có trương độ, giống như những vật thể khác mà nó tiếp xúc.

– “Ở đâu” (where = ubi) là việc chiếm chỗ của bản thể : phụ thể nảy sinh nơi một vật thể bởi vì vật thể ở nơi này hoặc nơi kia. Sự hiện diện của một vật thể ở một nơi chốn là một phụ thể thực sự ảnh hưởng lên sự vật được định chỗ, vì nó đem lại cho sự vật đó một mối tương quan với những vật thể khác. Tuy nhiên, “ở đâu” không đem lại một sự thay đổi nội tại nào cho chủ thể; nó chỉ xác định chủ thể đó trong mối tương quan với những bản thể vật thể khác ở gần đó mà thôi.

– “Vị thế” (position = situs) là cách thức hiện hữu của một vật thể tại một nơi chốn, chẳng hạn ngồi, đứng, quì, hoặc khom lưng. Nó khác biệt với “ở đâu” vì nó liên quan đến việc sắp xếp nội tại giữa các phần của vật thể đang chiếm chỗ. Một vật thể có thể ở nhiều vị thế khác nhau trong cùng một nơi chốn.

– “Chiếm hữu” (possession = habitus) là phụ thể nảy sinh khi bản thể có điều gì đó tiếp giáp hoặc sát ngay bên nó, (mặc y phục, sử dụng một cây viết, mang một chiếc đồng hồ). Theo nghĩa chặt, chỉ con người mới có khả năng chiếm hữu một điều gì đó; như vậy, nói cách chính xác, “habitus” chỉ dành riêng cho con người.

– “Khi nào” (when = quando) là hoàn cảnh thời gian của một bản thể vật thể. Vì vật thể là vật chất, nên chúng là chủ thể cho những thay đổi liên tục, và trải qua nhiều giai đoạn. Việc đo lường những thay đổi đó chính là thời gian, và “khi nào” ám chỉ khoảnh khắc chuyên biệt vào bất cứ thời điểm nào trong việc thay đổi đó. Do đó, nó là một phụ thể ảnh hưởng đến những hữu thể vật chất trong mức độ chúng thay đổi tiệm tiến.

3) Sau cùng, có một số phụ thể phần là  nội tại và phần là ngoại lai. Có vô số những tương tác liên tục giữa các vật thể kiến tạo nên thế giới vật chất; chúng làm nảy sinh những phụ thể “hoạt động” và “thụ động”.

– Hoạt động (Action) là phụ thể nảy sinh nơi một bản thể theo mức độ nó là nguyên lý tác nhân cho sự chuyển động hoặc thay đổi nơi một chủ thể khác. Chẳng hạn, việc đẩy một cái bàn, đun sôi nước là những hoạt động, không phải xét chúng tại thân, nhưng xét ở chỗ chúng được coi như những hoạt động nảy sinh từ một tác nhân vốn làm nguyên lý cho sự thay đổi diễn ra bởi một điều khác. Dĩ nhiên, chính việc thay đổi thì thuộc về những phạm trù khác; chuyển động nơi chốn thuộc về ubi, việc trải rộng thuộc về lượng, và những thay đổi nhiệt độ thuộc về phẩm.

– Thụ động (Passion) nảy sinh nơi những vật thể theo mức độ chúng là những chủ thể đón nhận hoạt động của những thứ khác. Vì là một điều gì được tác động lên, nhiều khi chủ thể thụ động được gọi là “thụ nhân” (patient). Nó là phụ thể tương ứng với hoạt động và, nói một cách chặt chẽ, nó đón nhận một tác động diễn tiến từ vật khác. Những ví dụ nêu trên, chẳng hạn “việc được đun nóng” trong trường hợp của nước, thì thuộc về phạm trù thụ động theo mức độ chúng được gây ra bởi một tác nhân ngoại lai.

Theo nghĩa chặt, hai phụ thể tương ứng nói trên chỉ được tìm thấy nơi những hoạt động ngoại chuyển được tác nhân đem đến từ bên ngoài, chẳng hạn việc đun nóng hoặc việc cắt. Trái lại, những hoạt động tinh thần thì nội tại, có nghĩa rằng chúng kết thúc nơi cùng một năng lực mà từ đó chúng phát sinh. Khi một con người hiểu biết hoặc tưởng tượng một điều gì chẳng hạn, thì không có hiệu quả nào nảy sinh bên ngoài trí năng hoặc trí tưởng tượng.
 
Có một trật tự nơi các phụ thể

Mặc dù ở trên ta đã thấy rằng bản thể là chủ thể phù hợp cho mọi phụ thể, vì chỉ mình bản thể mới lập hữu, thì một phụ thể vẫn có thể được gọi là chủ thể cho một phụ thể khác, theo mức độ điều sau gắn bó hoặc ngụ tại bản thể thông qua điều trước. Ví dụ, màu sắc là một phẩm chất ảnh hưởng lên bản thể vật thể thông qua lượng của vật thể; bản thể nào không có lượng thì cũng không có màu sắc.

Cũng vậy, một phụ thể có thể được coi là ở trong tiềm năng đối với một phụ thể khác. Chẳng hạn, một vật thể trong suốt có thể được chiếu sáng, và bất cứ điều gì có lượng thì cũng có khả năng ở một nơi chốn khác với nơi chốn mà lúc này nó đang chiếm chỗ.

Sau cùng, một số phụ thể có thể được coi là căn nguyên cho những phụ thể khác, chẳng hạn việc người cha sinh ra một người con làm nảy sinh những mối tương quan cha con, và nhân đức công bằng (một phẩm chất) kiến tạo nên căn nguyên cho những công việc ngay chính.

Những mối tương quan hỗ tương như vậy làm nảy sinh một trật tự nhất định giữa các phụ thể, và theo nghĩa này, lượng được coi là phụ thể đầu tiên của những bản thể vật thể, vì mọi phụ thể khác đều bén rễ nơi bản thể nhờ lượng.

Các phụ thể gắn bó nơi những thực tại vật chất, đặc biệt là lượng, thì được nghiên cứu nhiều hơn trong Triết Học về Thiên Nhiên. Phẩm chất và tương quan là hai dạng phụ thể mà Siêu hình học nghiên cứu kỹ càng hơn, vì những phụ thể này có thể được tìm thấy nơi bất cứ bản thể thụ tạo nào, chứ không riêng gì những bản thể vật chất.

III. PHẨM CHẤT

Tự yếu tính, mỗi bản thể đều có cách thức hiện hữu riêng (nó thuộc loài này hay loài kia). Do những yếu tính riêng biệt của chúng, các bản thể khác nhau, ở ngoài và bên trên những yếu tố xác định nền tảng, cũng chiếm hữu một số đặc tính phụ thể bổ túc cho những nét riêng biệt của chúng. Chúng là một số phẩm chất, tỉ như hình thù, màu sắc, độ cứng, nhiệt độ, khả năng hoạt động (hay năng lượng), những nét đặc trưng, và các sức lực.

Phẩm chất là một phụ thể ảnh hưởng nội tại lên bản thể tại thân, khiến cho bản thể hiện hữu theo cách này hoặc cách khác. Đặc điểm này khiến cho phẩm khác biệt với những phạm trù khác, vì không phụ thể nào khác “xác định tính chất” hoặc “tạo dáng” cho bản thể. Chẳng hạn, lượng gói gọn trong việc đem lại trương độ cho bản thể; còn tương quan thì ảnh hưởng lên bản thể qua việc quy chiếu đến những hữu thể khác phân biệt khỏi nó. Những phụ thể khác còn mang tính ngoại lai nhiều hơn.

Lượng nhất thiết nảy sinh từ vật chất, do đó nó là phụ thể cơ bản cho thế giới vật chất. Trái lại, phẩm chất nảy sinh từ hình thế và được tìm thấy cả nơi bản thể vật chất lẫn tinh thần. Phẩm chất và tương quan là những loại phụ thể duy nhất được tìm thấy trong lãnh vực thiêng liêng. Đó là lý do tại sao chúng được Thần học lưu ý đặc biệt, vì nhiều thực tại siêu nhiên thuộc về giống tối cao của phẩm chất (ví dụ, ân sủng, nhân đức, hồng ân, dấu ấn bí tích).

Những Loại Phẩm chất

Có nhiều loại phẩm chất khác biệt nhau. Có những phẩm chất tinh thần, như ý chí và những ý tưởng; và những phẩm chất vật chất, như sự mềm mại và năng lượng vận động. Một số phẩm chất có thể được giác quan nắm bắt, như mùi vị và những âm thanh. Số khác không được nhận biết nhưng chỉ được biết đến nhờ hiệu quả của chúng, như từ tính, sức hút, ái lực hoá học. Có những phẩm chất thuộc về một loài và những phẩm chất khác lại được tìm thấy nơi một số cá thể, theo một cách thức bền vững hoặc thoáng qua. Mảng rộng rãi các phẩm chất vừa nêu có thể tóm lại thành bốn nhóm cơ bản.

a) Những phẩm chất có thể đổi thay (Alterable qualities = passibiles qualitates) là những phẩm chất ảnh hưởng lên bản thể theo cách thức khiến cho bản thể đón nhận được sự thay đổi vật lý. Nhiệt độ, màu sắc và độ ẩm thuộc về loại phẩm chất này, vì những vật thể có thể được biến đổi theo những phẩm chất đó (chúng trở nên ấm hơn hoặc lạnh hơn, thay đổi màu sắc, ẩm ướt hoặc khô ráo). Nằm trong nhóm này, có một số phẩm chất bền vững hơn và một số khác chỉ thoáng qua. Nước da tự nhiên của một con người khó mà đổi thay, là ví dụ cho những phẩm chất bền vững, đang khi một sự mắc cỡ, chỉ thoáng qua, là một ví dụ cho loại phẩm chất sau. Nói chung, các phẩm chất khả biến đó tác động như kích thích cho giác quan và chúng tạo nên đối tượng riêng của giác quan.

b) Hình thù và dạng (Shape and Figure) là những phẩm chất của vật thể vốn xác định giới hạn của lượng, và đem lại cho lượng những chiều kích nhất định. Mặc dù những thuật ngữ trên thường được sử dụng lẫn lộn, chúng vẫn có những ý nghĩa riêng biệt trong Siêu hình học. Hạn từ “dạng” (figure) thường được sử dụng để nói lên những đường nét tự nhiên của bản thể vật thể, mà không thêm vào một ngoại ý đặc biệt nào (ví dụ, dạng của một con chim, của một con người). Hạn từ “hình thù” hay “dáng” (form), trái lại, có một ngoại ý nhất định giữa những phần của một sự vật, khiến cho sự vật gây thích thú; do đó hạn từ này thường được áp dụng cho những hữu thể nhân tạo có những phần thật cân xứng.

c) Những năng lực hoạt động (operative powers) là những phẩm chất khiến cho bản thể phát sinh một số hoạt động. Chúng cũng được gọi là những quan năng (faculties) hoặc những năng lực hoạt động. Chúng bao gồm trí khôn, ý chí, và ký ức, khiến cho một con người có khả năng hiểu biết, ước muốn và hồi niệm. Năng lực di chuyển nơi chốn ở động vật, khả năng sinh sản của cây cối, năng lượng năng động của những hữu thể vô hồn, là những ví dụ khác về những năng lực hoạt động. Chúng là những nguyên lý gần cho hoạt động của bản thể. Một số trong chúng, như ta thấy, cần hoàn bị hơn nữa – các tập tính hoạt động – để đạt mục tiêu cách thỏa đáng.

d) Những tập tính (habits) là những phẩm chất ổn định qua đó một chủ thể được sắp sẵn tốt hoặc xấu đối với một hoàn bị phù hợp với bản chất (entitative habits, như khỏe mạnh hoặc yếu đau, đẹp hoặc xấu) hoặc với hành vi và mục tiêu (operative habits,  như nhân đức hoặc nết xấu, hiểu biết hoặc dốt nát).

Điều khiến cho tập tính khác với những phẩm chất khác chính là việc chúng thì tốt hoặc xấu (ví dụ sức khỏe thì tốt cho một con người; một nhân đức thì tốt, đang khi, trái lại, nết xấu thì xấu). Do đó chúng có một tầm ảnh hưởng lớn trong lãnh vực luân lý, ở đó thiện và ác có ý nghĩa trọn vẹn và chặt chẽ.

Những tập tính hoạt động (operative habits) có thể được phân loại chiếu theo những quan năng mà chúng hoàn thiện. Do đó, có những tập tính hoạt động ở tại trí năng (nhận thức, khôn khéo), nơi ý chí (đức công bình), trong tham dục giác quan theo mức độ tham dục này chịu khuất phục trước trí năng và ý chí (đức mạnh mẽ và tiết độ). Chúng cũng có thể được xếp loại chiếu theo nguồn gốc. Do đó, có những tập tính hoạt động tự nhiên (những tập tính được thủ đắc, như nghệ thuật và tính thành thật) và những tập tính hoạt động siêu nhiên (những tập tính được Thiên Chúa phú bẩm, như những nhân đức đối thần và những nhân đức luân lý phú bẩm).

Phạm trù những tập tính cũng bao gồm những sắp sẵn (dispositions), có đặc điểm khá bất ổn, vì chúng không bén rễ sâu nơi chủ thể. Những sắp sẵn đó có thể dễ dàng mất đi, cho dầu chúng có thể được ổn định nơi chủ thể để từ đó trở thành các tập tính. Ví dụ, một người muốn trở thành nhân đức có thể bắt đầu chỉ bằng những sắp sẵn tốt lành, nhưng sau cùng có thể thủ đắc những tập tính tốt lành qua việc liên lỉ phấn đấu để có những sắp sẵn tốt lành. Tương tự như vậy, một khả năng tự nhiên để nói, thông qua việc lặp đi lặp lại, có thể trở thành nghệ thuật diễn giảng với những dấu ấn đặc biệt của một tập tính hay một hoàn bị được thủ đắc vững bền.

IV. TƯƠNG QUAN

Vũ trụ không được kiến tạo bởi những hữu thể cô lập khỏi nhau. Giữa chúng có cả một mạng những mối tương quan: tương quan tương tự, tùy thuộc, hợp tác, nhân quả, đồng đẳng, vv…

Tương quan là một phụ thể có bản chất là một qui chiếu hoặc xu hướng của một bản thể đối với một bản thể khác. Đang khi những phụ thể nội tại như lượng và phẩm ảnh hưởng lên bản thể liên quan đến yếu tính tại thân bản thể, thì tương quan lại chỉ là một qui chiếu đến điều khác, sắp đặt mà một chủ thể có đối với những hữu thể khác nó. Nó là “hiện hữu- hướng về-cái khác” (to be- towards-another) hoặc “hiện hữu” hướng đến (esse ad aliud or esse ad). Chẳng hạn, tử hệ là một phụ thể nối kết một con người với bố mẹ của anh ta. Mặc dù nó dựa trên sự kiện là một người con đón nhận sự sống từ cha mẹ, thì tử hệ tại thân (sonship in itself) không hơn gì một mối tương quan hoặc qui chiếu, chẳng thêm một chút đặc trưng nội tại mới mẻ nào cho chủ thể.

Nơi mỗi phụ thể có hai yếu tố: (i) bản chất hay yếu tính, vốn xác định cách thức đặc biệt mà nó ảnh hưởng lên bản thể, và (ii) “sự bám vào” (inherence) hay “hiện hữu trong” (being in) bản thể (esse in). Đang khi bản chất của những phụ thể khác lôi kéo việc “hiện hữu trong” bản thể, vì chúng là những yếu tố xác định của chính bản thể (lượng là một đo lường bản thể vật chất, những phẩm chất ảnh hưởng lên chủ thể của chúng) thì trái lại, tương quan khiến cho bản thể “đi ra khỏi chính mình” (get out of itself), hướng về cái khác; yếu tính của nó là “hiện hữu hướng về” (esse ad). Do đó tương quan xét như một phụ thể thì bất toàn và yếu kém, vì xét tự thân, nó chỉ thuần túy là một “qui chiếu đến” (reference to).

1. Những yếu tố của một tương quan thực sự

Các mối tương quan có thể là những tương quan “thực sự” hoặc những tương quan “thuộc trí” (“real” relations or relations “of reason”). Những tương quan “thuộc trí” chỉ tồn tại nơi trí năng vào lúc trí năng liên kết những sự vật độc lập vào với nhau. Nơi mỗi tương quan thực sự, chúng ta thấy có những thành tố sau: a) chủ thể (subject), vốn là ngôi vị hoặc sự vật mà trong đó có mối liên quan; b) tận điểm (terminus) mà chủ thể hướng về đó (cả hai yếu tố trên thường cũng được gọi là “tận điểm” hoặc “những cực” của mối tương quan); c) một nền tảng (basis) của việc qui hướng giữa hai bản thể đó; và d) chính mối tương quan hay nhịp cầu nối kết một sự vật với một sự vật khác.

Ví dụ trong trường hợp tử hệ, cha mẹ là tận điểm, nền tảng là việc sinh ra, vốn kiến tạo mối tương quan giữa cha mẹ với người con, và tử hệ chính là sự lệ thuộc của người con đối với cha mẹ mình. Trong những mối tương quan bằng hữu, những người bạn là tận điểm của mối tương quan, mối tương quan là nhịp cầu nối kết họ lại, và nền tảng chính là những lối đối xử hỗ tương như những người bạn, làm nảy sinh một sự hài hòa giữa họ.

Cần phải nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của nền tảng mối tương quan thực sự. Vì một mối tương quan chủ yếu là sự qui chiếu về một điều khác, chứ không phải là một yếu tố xác định nội tại của bản thể mà nó gắn vào, nên ở nơi chủ thể đó nhất định mối tương quan phải có một nền tảng khác biệt với chính nó. Nền tảng này chính là cái làm nảy sinh mối tương quan. Trong trường hợp tử hệ, điều làm cho người con có liên quan đến cha mẹ mình chính là việc người con đó đã được sinh ra bởi cha mẹ; không có sự kiện hoặc nền tảng đó, sẽ không có mối tương quan nào giữa cha mẹ và con cái; cũng vậy, nếu không có những lối cư xử hỗ tương như những người bạn, cũng không thể nảy sinh những tương quan bằng hữu.

Triết học biện chứng không đếm xỉa gì đến nhu cầu đòi  phải có nền tảng cho mối tương quan: vì thế mọi thực tại đều bị giản lược vào một mạng những mối tương quan mà không hề có một chủ thể nào. Triết học biện chứng coi sự hiện hữu của những cá nhân hoặc những chủ thể lập hữu như kết quả của một việc trừu tượng hóa vốn làm sai lạc thực tại. Đi theo những tuyến đường này, thuyết Marxism coi con người như một mớ những mối tương quan sản xuất vật chất, và chủ trương rằng chủ thể thực tế của lịch sử không phải là con người mà là toàn bộ những tương quan kinh tế. Theo lối này, hữu thể (bản thể, ens) bị giản lược vào một mối tương quan. Nhưng ta thấy rằng, để có được mối tương quan thực sự, điều kiện đầu tiên chính là phải có một chủ thể, một thứ gì vốn hiện hữu tại thân. Nếu không, thì không thể có được tương quan với thứ khác.

2. Tầm quan trọng của những mối tương quan

Bất chấp sự hạn chế của thuật ngữ hiện hành, những tương quan thực sự vẫn có ảnh hưởng quan trọng.

a) Một đằng, mọi hữu thể đều tạo nên một trật tự phẩm trật phù hợp với cấp độ hoàn bị của chúng (all beings from a hierarchical order in accordance with their degrees of perfection). Trong trật tự phẩm trật này, mọi thụ tạo đều phải qui chiếu về Thiên Chúa như căn nguyên đầu tiên và mục đích tối hậu của chúng; và những hữu thể cấp thấp phục vụ những hữu thể cấp cao. Do đó, thế giới vật chất phải phục vụ con người, và nó chỉ có được ý nghĩa đầy đủ khi mà, thông qua nó, con người hướng đến Thiên Chúa.

b) Tiếp đến, những mối tương quan cũng có một vai trò xác định trong lãnh vực tri thức (relations also have a determining role within the realm of knowledge). Thực tại trật tự được giả thiết và luôn được kiểm chứng bởi khoa học, vốn có mục tiêu đi tìm nhiều mấu chốt nối kết những sự vật với nhau (ví dụ tính nhân quả, sự tương tự).

c) Hơn nữa, tương quan là một trong những nền tảng của thiện hảo mà các thụ tạo hoàn thành nhờ những hoạt động của chúng (relation is one of the bases of the goodness which creatures achieve by means of their operations). Những sự vật là thiện hảo tùy theo mức độ chúng có việc hiện hữu (thiện hảo sơ yếu), nhưng chúng hoàn tất toàn bộ hoàn bị phù hợp với chúng thông qua thiện hảo đệ nhị, hệ ở chuyện nhờ những hoạt động mà đưa trật tự của mỗi thứ hướng đến mục đích của mình. Chẳng hạn, người là thiện hảo, theo nghĩa chặt, qua việc anh ta hành động phù hợp theo mối tương quan của mình với Thiên Chúa.
 
3. Những kiểu mẫu tương quan thực sự

Có bao nhiêu lớp nền tảng mà chúng tùy thuộc, thì cũng có bấy nhiêu kiểu mẫu tương quan:

a) Những tương quan chiếu theo sự tùy thuộc nơi hữu thể, nảy sinh khi có một thực tại lệ thuộc vào một thực tại khác. Trường hợp rõ ràng nhất chính là tương quan giữa thụ tạo với Đấng Tạo Hóa. Thụ tạo tiếp nhận hiện hữu từ Thiên Chúa, và điều này làm nảy sinh mối tương quan thực sự giữa chúng với Thiên Chúa. Một tương quan tương tự nảy sinh giữa tri thức con người với những đối tượng được nhận biết, vì tri thức của chúng ta được đo lường bởi thực tại bên ngoài và tự điều chỉnh theo thực tại đó. Trong cả hai ví dụ, mối tương quan không mang tính hỗ tương. Chỉ có những tương quan từ thụ tạo hướng đến tạo hóa, và từ tri thức hướng đến thực tại được nhận biết, là có thực… Những mối tương quan ngược lại chỉ là những tương quan “thuộc trí”: Thiên Chúa không lệ thuộc vào thụ tạo, và những sự vật thì độc lập khỏi việc con người nhận biết chúng.

b) Những tương quan hỗ tương dựa trên hoạt động và thụ động, như tương quan của người con với cha mẹ (tử hệ) và tương quan giữa cha mẹ với người con (phụ mẫu hệ), tương quan của nhà cầm quyền với công dân (chính quyền), và của những thần dân đối với một uy quyền (việc phục quyền). Những tương quan nói trên mang tính hỗ tương vì chúng bén rễ nơi cùng một nền tảng vốn đem lại sự biến thái nơi cả hai cực: hoạt động nơi cực này và thụ động nơi cực kia. Điều này là gốc rễ để phân biệt những mối tương quan này với những tương quan vốn nảy sinh từ việc lệ thuộc trong hiện hữu. Thứ tương quan sau thì không có tính hỗ tương, vì trong trường hợp này, không có sự thay đổi thực sự ở một trong hai cực.

c) Những mối tương quan chiếu theo sự phù hợp dựa trên lượng, phẩm, và trên bản thể. Những mối tương quan dựa trên lượng, được nảy sinh bởi lẽ một số lượng tính đã được dùng để đo lường những thứ khác. Những mối tương quan về lượng bằng nhau hoặc khác biệt nhau, những mối tương quan về khoảng cách, là những ví dụ cho loại tương quan này. Chẳng hạn, một vùng đất lớn gấp đôi vùng đất khác. Những mối tương quan về chiều kích đó là những tương quan hỗ tương, vì bất kể cực nào cũng đều có một lượng tính có thể được đo lường bởi lượng tính của cái kia.

Tương tự như thế, những tương quan dựa trên phẩm chất là những mối tương quan tương đồng hay khác biệt theo phẩm. Ví dụ, hai sự vật có thể giống nhau hoặc khác nhau về độ trắng, độ cứng hay bất cứ một phẩm chất nào khác.

Những mối tương quan dựa trên bản thể là những tương quan đồng nhất hoặc dị biệt. Ví dụ : hai giọt nước là những bản thể giống nhau, hoặc hai con chim, hai con người cũng vậy.

4. Tương quan siêu nghiệm

Từ thế kỷ XV, thuật ngữ tương quan siêu nghiệm đã xuất hiện nơi một số tác phẩm triết học. Nó được giả định là hướng về cái khác, vốn được bao hàm trong yếu tính của một điều gì đó, ví dụ tiềm năng hướng về hiện thế, chất liệu hướng về hình thế, ý chí hướng về thiện hảo, và trí năng hướng về hiện hữu. Điều được giả định ở đây không phải là một tương quan phụ thể nhưng là một tương quan đồng nhất với yếu tính của một thực tại nào đó. Thậm chí một số tác giả còn khẳng định rằng tương quan của các thụ tạo đối với Thiên Chúa phải bao hàm trong loại tương quan này, chứ không nằm trong các phụ thể nào cả. Tuy nhiên, Thánh Thomas lại chủ trương rằng đó là một phụ thể mà các thụ tạo có như hiệu quả việc tiếp nhận việc hiện hữu từ Thiên Chúa.

Việc sử dụng thuật ngữ “tương quan siêu nghiệm” làm nảy sinh một khó khăn nghiêm trọng. Nó tương đương với việc nhận biết thực tại một tương quan đồng nhất với nội dung tuyệt đối của các sự vật, mà điều này chỉ là khả thi trong những mối tương quan nội – Ba Ngôi đồng nhất với yếu tính Thiên Chúa. Ngoài ra, trong những ví dụ đã nêu (tiềm năng, chất liệu, ý chí và trí năng), thì dường như không phù hợp để nói về các mối tương quan, (nghĩa là, về những mối tương quan thực tế), vì không có thực tại nào nêu trên lại là một hữu thể nói đúng nghĩa, nhưng chỉ là một nguyên lý cấu tạo, và do đó không thể là một chủ thể phù hợp của một mối tương quan.

5. Những mối tương quan thuộc trí

Quan sát thực tại mong manh của những mối tương quan, người ta có thể đi đến chỗ nhận định rằng trên thực tế chúng không có thực mà chỉ là kết quả việc so sánh nơi trí tuệ. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra khi trí khôn so sánh những sự vật vốn không liên quan thực sự với nhau. Chúng ta có thể vắn tắt coi “những mối tương quan thuộc trí” là những tương quan không có ở bên ngoài trí tuệ. Việc nghiên cứu loại tương quan này sẽ soi sáng thêm cho những tương quan thực sự.

Mỗi một tương quan thuộc trí đều thiếu một hoặc nhiều hơn nữa những yếu tố đòi phải có cho một tương quan thực sự. Một trong hai cực (hoặc cả hai) thì không có thực, hoặc một thứ có thể không thực sự phân biệt khỏi thứ khác, hoặc mối tương quan không có nền tảng thực sự nơi chủ thể.

Sau đây là một số ví dụ về loại tương quan nói trên:

a) Những mối tương quan giữa các khái niệm (Relations among concepts), được nghiên cứu bởi Luận lý học, như tương quan giữa loài và giống, hoặc tương quan giữa loài và cá thể.

b) Tiếp đến, có những mối tương quan đồng nhất (relations of identity), như khi ta nói rằng một điều gì đó đồng nhất với chính nó. Trong trường hợp này, chúng ta coi một thực tại như nó là hai. Bất cứ điều gì cũng chắc chắn đồng nhất với nó, nhưng điều này không phải là một tương quan thực sự, vì chỉ có một cực tồn tại.

c) Có những mối tương quan với các cực không thực (relations with unreal extremes). Đôi khi chúng ta liên hệ hai sự vật, mà trong đó ít nhất có một cái không thực, như khi chúng ta so sánh hiện tại với tương lai, hoặc hai biến cố tương lai với nhau, hoặc hữu thể với hư vô.

d) Có những tương quan thuộc trí vốn nảy sinh khi không có tương quan hỗ tương thực sự giữa hai sự vật (no real reciprocal relation between two things). Ví dụ, ngoại giới không hề thay đổi khi được con người nhận biết, vì tác động nhận biết thì giới hạn nơi hữu thể nội tâm của con người. Do đó, đối tượng được nhận biết thì không biến đổi bởi bất cứ tương quan nào đối với chủ thể nhận biết; trái lại, ở đấy lại nảy sinh một mối tương quan thực sự của chủ thể đối với đối tượng.

Những mối tương quan mà trí năng gán cho Thiên Chúa đối với thụ tạo cũng là những tương quan thuộc trí. Dĩ nhiên, mọi thụ tạo đều có mối tương quan lệ thuộc thực sự vào Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng Tạo Hóa của chúng. Tuy nhiên, tương quan ngược lại thì không phải là một tương quan thực sự, vì Thiên Chúa không phải chủ thể của một tương quan, vì lý do đơn giản là Ngài không hề có những phụ thể. Ngoài ra, nền tảng giả định cho mối tương quan sau (Thiên Chúa đối với thụ tạo) – hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa – không phải là một phụ thể phân biệt khỏi Thiên Tính.

Việc Thiên Chúa không có mối tương quan thực sự đối với thụ tạo, không có nghĩa rằng Ngài là một hữu thể xa vời không liên quan gì đến vũ trụ. Nó chỉ có nghĩa rằng hiện hữu của Ngài không hề tùy thuộc vào vũ trụ, và nơi Ngài không hề có phụ thể khiến cho Ngài hướng về các thụ tạo. Tuy nhiên, Thiên Chúa hiện diện cách thâm hậu nơi mọi thụ tạo, đem lại cho chúng việc hiện hữu. Sự gần gũi của Ngài thì lớn hơn và mật thiết hơn sự gần gũi được thiết lập qua một tương quan phụ thể.
  
————————————————-
SÁCH ĐỌC THÊM
 
ARISTOTLE, Metaphysica, V; Categories. SAINT THOMAS AQUINAS, In III Phys., lect. 5; In V Metaph., lect. 9. A. TRENDELENBURG, Historische Beitrage zur Philosophie, I. Geschichte der Katergorienlehre, Olms, Hildesheim, 1963. M. SCHEU, The Categories of Being in Aristotle and St. Thomas, Washington 1944, A. KREMPEL, La doctrine de la relation chez St. Thomas d’Aquin, Vrin, Paris 1952, S. BRETON, L’<> et l’<> dans la métaphysique de la relation, Angelicum, Rome 1951.