BÀI 3: CÓ THỂ CHỨNG TỎ SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA KHÔNG?
Chúng ta đã tìm hiểu về phép ẩn dụ, loại suy và so sánh như những cách thức quan trọng, để những thụ tạo có lý trí như chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta đi thêm một bước nữa. Liệu rằng chúng ta có thể biết chắc chắn Thiên Chúa thực sự hiện hữu hay không? Trong tác phẩm Tổng luận Thần học, thánh Tôma Aquinô không những nói rằng Thiên Chúa hiện hữu, nhưng thánh nhân còn đưa ra những luận cứ để chứng minh cho sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Bạn thân mến, bài đầu tiên chúng ta đã tìm hiểu mục đích của đời sống con người là sự hiểu biết trọn vẹn về Thiên Chúa tối cao khi chúng ta được lên thiên đàng. Thực tế, con người không thể có sự hiểu biết hoàn hảo về Thiên Chúa và về thiên đàng do những giới hạn trong bản tính, hay do khả năng của chúng ta. Nhưng trong bài học này, chúng ta biết được rằng mình có thể nhận biết Thiên Chúa thông qua việc sử dụng lý trí và giác quan trong chính kinh nghiệm của đời sống hằng ngày.
Mỗi ngày chúng ta đều bắt gặp những điều mà thánh Tôma gọi là những “dấu vết” của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi hãy chú ý vào những “dấu vết” ấy để nhận ra Thiên Chúa, vì chúng ta rất dễ bị phân tâm và không bao giờ chú ý đến tất cả những gợi ý thiêng liêng xung quanh chúng ta. Chúng ta thấy những tinh tú lấp lánh, những bông hoa thuỷ tiên, những con ong vò vẽ và vô số những sinh vật tuyệt vời khác mỗi ngày. Tất cả những điều đó được coi là những “hiệu quả”. Mỗi hiệu quả đều phải có một nguyên nhân. Chúng ta dần dần đi đến một khẳng định rằng chính Thiên Chúa là nguyên nhân cuối cùng của tất cả những sinh vật mà chúng ta đang nhìn thấy mỗi ngày. Chúng ta cùng trau dồi bản thân để nhận biết được Thiên Chúa là một nhà thiết kế, một kiến trúc sư và là nghệ sĩ của những kiệt tác. Mà kiệt tác đó chính là thế giới và muôn loài sinh vật đang sống trong đó. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần để tâm chiêm ngắm tất cả những vẻ đẹp xung quanh chúng ta, và nghĩ về nguyên nhân của tất cả những vẻ đẹp này là chính Thiên Chúa.
THÁNH TÔMA NÓI GÌ?
Với câu hỏi chúng ta có thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa không, thánh Tôma đã trả lời rằng: Khi một hiệu quả được nhận biết rõ hơn là nhận biết được nguyên nhân của nó, thì từ hiệu quả ấy chúng ta có thể đi đến tri thức về nguyên nhân dẫn đến hiệu quả này. Và bởi vì mỗi hiệu quả phụ thuộc vào nguyên nhân của nó, cho nên nếu hiệu quả hiện hữu, thì nguyên nhân của nó đã phải hiện hữu từ trước. Vì vậy sự hiện hữu của Thiên Chúa, tuy dù tự nó không hiển minh đối với chúng ta, nhưng có thể được chứng tỏ từ những hiệu quả của Ngài mà chúng ta biết được. (ST I. q2. a2)
SINH HOẠT THIẾU NHI
Bây giờ chúng ta cùng chơi Bowling trong chính ngôi nhà của bạn nhé. Hãy chuẩn bị mười chai nước, mỗi chai khoảng nửa lít. Bạn hãy xếp chúng ở cuối hành lang hay ở ngoài sân theo cách bạn thấy ở sân chơi Bowling (xếp một hàng 4 chai ở sau cùng, tiếp đến là hàng 3 chai, hàng 2 chai và 1 chai, như mình một tam giác). Tiếp đến bạn dùng một quả bóng (có kích thước tương tự quả bóng Bowling), đứng lùi lại khoảng 3-6 mét và lăn quả bóng về phía những chai nước. Hãy để các bạn nhỏ cùng tham gia. Sau đó bạn có thể giải thích hoạt động này diễn tả mối quan hệ giữa nguyên nhân và hiệu quả như thế nào? Quả bóng Bowling là nguyên nhân tác động đến những chai nước, và làm cho những chai nước bị đổ. Bên cạnh đó, chúng ta có thể nghĩ thêm nhiều hoạt động khác để minh hoạ cho mối quan hệ nguyên nhân – hiệu quả.
Những hiệu quả có thể giúp chúng ta hiểu ra nguyên nhân. Chẳng hạn, nghe tiếng chuông cửa (hiệu quả) bạn biết có ai đó (nguyên nhân) đã đến nhà chúng ta. Hoặc khi ngửi thấy mùi thơm toả ra từ nhà bếp (hiệu quả) bạn biết được rằng mẹ (nguyên nhân) vừa mới nấu xong một bữa thịnh soạn.
Ngược lại, chúng ta cũng có thể nhìn nguyên nhân và đoán ra một hiệu quả nào đó. Chẳng hạn, khi nhìn thấy đám mây đen bên ngoài (nguyên nhân) chúng ta biết rằng trời sẽ đổ mưa (hiệu quả). Hoặc khi nghe thấy một diễn viên hài kể chuyện cười (nguyên nhân) và chúng ta sẽ biết rằng tiếng cười (hiệu quả) sẽ theo sau đó. Bây giờ các bạn có thể nghĩ thêm vài ví dụ khác rồi chứ?
Vậy mối quan hệ nguyên nhân – hiệu quả chúng ta vừa mới thảo luận, theo bạn có thể chứng minh được sự hiện hữu của Thiên Chúa không?
PHIÊU LƯU NGOÀI TRỜI
Hãy cùng tận hưởng không khí ngoài trời nào! Những điều chúng ta quan sát và thực hiện ở ngoài trời đều liên quan đến mối quan hệ nguyên nhân – hiệu quả.
Một trong những hoạt động thú vị trong bài học này đó là tổ chức cuộc trận bóng đá giao lưu giữa hai đội. Hãy nghĩ về bàn chân (nguyên nhân) tiếp xúc với trái bóng và làm trái bóng bay vào khung thành (hiệu quả). Chú ý cách bạn di chuyển chân nhanh hơn (nguyên nhân), và tốc độ chạy của bạn tăng lên (hiệu quả).
Hoặc khi ai đó ghi một bàn thắng (hiệu quả), thì bạn biết rằng trái bóng đã lăn vào lưới (nguyên nhân) bởi cú sút tuyệt vời của một ngôi sao.
Nếu thời tiết đẹp, bạn có thể chuẩn bị thêm những quả bong bóng. Hãy bơm nước vào những quả bóng đó và tiếp tục tổ chức một trận đấu “ném bong bóng nước”. Chắc chắn trong hoạt động vui nhộn này, chúng ta cũng có thể xác định được rất nhiều nguyên nhân và hiệu quả.
Hãy để ý trong mỗi trò chơi hoặc mỗi môn thể thao mà bạn tham gia, đều có những ví dụ về quan hệ nguyên nhân – hiệu quả. Qua những hoạt động này, chúng ta đã có thể nói về Thiên Chúa như một nguyên nhân sau cùng của mọi sự vật mà chúng ta đang trải nghiệm và tận hưởng mỗi ngày.
NGẪM NGHĨ
Bạn thử nghĩ về khoảnh khắc một đứa trẻ lần đầu tiên phát hiện ra điều gì đó thú vị, chẳng hạn lúc nhìn thấy con bọ cánh cam đang bò trên bông hoa, hay thấy công tắc “kỳ diệu” có thể làm sáng bóng điện trong nhà. Hãy để ý cách một đứa bé quan sát điều gì đó trong thời gian dài với sự ngạc nhiên, và ước muốn được trải nghiệm điều mới mẻ thú vị ấy.
Trẻ nhỏ hiếm khi buồn chán bởi vì một ngày sống của các em tràn đầy sự ngạc nhiên và những kinh nghiệm mới. Chắc chắn một đứa trẻ chưa trải nghiệm nhiều đến nỗi có thể cảm thấy một ngày sống của mình quá dài và đầy ắp những việc lặp đi lặp lại.
Bạn hãy một lần trao cho mình “tấm vé đi tuổi thơ” để nhìn thấy mọi thứ đều mới mẻ và hào hứng. Bạn sẽ có những khoảnh khắc tuyệt đẹp. Đó có thể là lúc bạn thấy một chú chim nhỏ đang tắm mình bằng những giọt sương mai óng ánh, hay chìm đắm vào vẻ đẹp của bầu trời đêm có hàng vạn vạn tinh tú lấp lánh. Càng ngạc nhiên và say đắm trước vẻ đẹp của công trình tạo dựng, chúng ta càng phải dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Chính Người là nguyên nhân của mọi vẻ đẹp trong đời sống của chúng ta.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa vì tất cả những điều kỳ diệu trong công trình sáng tạo của Chúa. Khi con sống và cảm nghiệm cuộc sống của con, xin Chúa đừng để con đánh mất sự ngạc nhiên của một đứa trẻ, xin để con luôn hát khen và chúc tụng Chúa. Lạy Chúa, chính Chúa là nguyên nhân phát sinh mọi điều tốt lành trong cuộc đời của con. Amen.