CẮT NGHĨA TỔNG LUẬN THẦN HỌC CHO CÁC THIẾU NHI – BÀI 25

0
321

BÀI 25: “TÌNH YÊU” CÓ PHẢI LÀ BIỆT DANH CỦA CHÚA THÁNH THẦN KHÔNG?

Ai cũng có trải nghiệm về tình yêu. Chúng ta có thể yêu, được yêu, hoặc mong muốn mình được người khác yêu. Ngoài ra, từ “tình yêu” còn được sử dụng rất phổ biến để nói về việc Thiên Chúa yêu loài người, cha mẹ yêu con cái, những người bạn yêu mến nhau, hoặc thậm chí từ “yêu” có thể được sử dụng cho đồ vật, chẳng hạn như khi bạn nói “tôi yêu thích món bánh tráng nướng này quá!”

Kinh thánh cho chúng ta biết “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa ở đây là Chúa Ba Ngôi. Thế thì tại sao Ngôi Ba Thiên Chúa được gọi là “Tình yêu”?

Trong bài học trước, chúng ta đã biết rằng Ngôi Lời đã được sinh ra bởi trí năng và sự hiểu biết của Thiên Chúa về chính Người. Nhưng Thiên Chúa không chỉ có trí năng mà còn có ý chí nữa, tức là ý muốn theo trí năng. Do ý muốn của Chúa Cha và Chúa Con mà tình yêu (tức Chúa Thánh Thần) được khởi sinh từ muôn đời. Vì vậy, Chúa Thánh Thần phát xuất từ tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con là chính Tình Yêu.

THÁNH TÔMA NÓI GÌ?

Với câu hỏi Tình yêu có phải là danh xưng phù hợp dành cho Chúa Thánh Thần không, thánh Tôma đã trả lời như sau: Có hai sự phát xuất trong Thiên Chúa, đầu tiên là sự phát xuất từ trí năng, đó là sự phát xuất của Lời, và tiếp đến là sự phát xuất của ý chí, đó là sự phát xuất của Tình Yêu… Và cũng như  khi một sự vật được một người hiểu biết, thì nơi người này xuất hiện một khái niệm về chính sự vật ấy, mà khái niệm này chúng ta gọi là lời; và khi một người yêu thương một sự vật nào đó, thì ra như sự vật để lại ấn tượng trong tình cảm của người yêu nó. Thế nên,  đối tượng được yêu thương ở trong người yêu thương, như một vật được hiểu biết thì ở trong người hiểu biết nó. Bất cứ ai hiểu biết và yêu thương chính mình, thì ở lại trong chính mình, không chỉ bằng tính đồng nhất đích thực, mà còn như là đối tượng hiểu biết ở trong chủ thể hiểu biết, và như  đối  tượng được yêu thương ở trong kẻ yêu thương. (ST I, q.37, a.1)

SINH HOẠT THIẾU NHI

Bạn hãy chuẩn bị một chiếc áo phông trắng mà bạn không ngại sẽ vẽ lên nó bằng nhiều màu sắc khác nhau. Bây giờ bạn sẽ làm “Chiếc Áo Yêu Thương”. Chiếc áo này sẽ giúp bạn nhớ lại tất cả những người mà bạn thương mến hoặc những đồ vật bạn yêu thích.

Đầu tiên bạn hãy viết chữ “Thiên Chúa” ở mặt trước và gần phía trên cổ áo, hoặc một biểu tượng mà người khác có thể ngay lập tức nghĩ đến Thiên Chúa. Tiếp đến, hãy để những người bạn yêu thương ký tên của họ trên chiếc áo này. Họ có thể vẽ một hình ảnh nho nhỏ nào đó. Hoặc bạn có thể vẽ lên đó những điều bạn yêu thích: thực phẩm, ban nhạc, đội bóng, tên cuốn sách hoặc tên bộ phim…

Khi hoạt động này hoàn tất và khi bạn mặc chiếc áo này trên người thì bạn đã có tất cả những điều bạn yêu thích nơi mình rồi!

Sau hoạt động này, hãy cùng nhau nghe lại câu nói của thánh Tôma được trích phía trên: “Lúc một người yêu thích điều gì thì ra như sự vật để lại ấn tượng trong tình cảm của người yêu nó.” Bây giờ bạn hãy tiếp tục suy nghĩ về Chúa Thánh Thần nhé!

PHIÊU LƯU NGOÀI TRỜI

Chúng ta sẽ cùng tham gia vào cuộc phiêu lưu đi tìm kho báu! Hãy phân chia mọi người thành hai nhóm. Mỗi nhóm sẽ chọn ra kho báu của mình. Chẳng hạn kho báu của nhóm A là một hộp bánh. Kho báu của nhóm B là một bộ mô hình đồ chơi. Bây giờ nhóm A sẽ tìm chỗ giấu kho báu của nhóm B và thiết kế một bản đồ để nhóm B đi kiếm. Tương tự nhóm B cũng giấu kho báu của nhóm A và cũng vẽ một bản đồ hướng dẫn. Đội chiến thắng sẽ là đội tìm được kho báu trước tiên.

Trò chơi này rất thú vị. Nó giúp chúng ta nhận thấy được mức độ yêu thích mà chúng ta dành cho một sự vật, mà trong cuộc phiêu lưu này chúng ta gọi là “kho báu”. Hơn nữa chúng ta còn có thể cảm nhận được sự ước muốn khao khát nơi những người tham gia. Tất cả đều ước muốn tìm thấy kho báu một cách nhanh nhất. Sau hoạt động này, bạn hãy liên hệ đến bài học của chúng ta. Thiên Chúa có trí năng và ước muốn. Từ trí năng của Thiên Chúa xuất phát ra Lời (Ngôi Hai Thiên Chúa). Từ ý muốn của Thiên Chúa xuất phát ra Tình yêu (Ngôi Ba Thiên Chúa).

NGẪM NGHĨ

Chúng ta thường nghĩ về Chúa Thánh Thần như chim bồ câu, ánh sáng hay các biểu tượng khác được sử dụng trong Kinh Thánh. Nhưng bây giờ, bạn hãy nghĩ đến Chúa Thánh Thần như ngọn lửa, một ngọn lửa tình yêu nơi Chúa Cha và Chúa Con.

Trên thực tế, mọi người đều có kinh nghiệm về tình yêu. Chúng ta đều đã cảm nghiệm được tình yêu có sức mạnh lớn lao như thế nào! Khi chúng ta yêu thích một vật hay một người cụ thể, tình yêu của chúng ta có thể mãnh liệt đến nỗi chúng ta không thể nghĩ được gì khác ngoại trừ những vật, hoặc người mà ta yêu mến.

Bây giờ bạn hãy tưởng tượng về sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa. Và tình yêu này mãnh liệt đến nỗi chúng ta có thể đặt danh xưng cho chính tình yêu này là: Thánh Thần. Thiên Chúa đã rộng lượng ban tình yêu này (Chúa Thánh Thần) cho chúng ta khi chúng ta được rửa tội. Chúng ta còn được gia tăng thêm sức mạnh trong chính tình yêu của Thánh Thần trong bí tích Thêm Sức. Bạn thử nghĩ đời sống tâm linh của chúng ta sẽ triển nở thế nào khi chúng ta sẵn sàng để Tình Yêu này hoạt động trong tâm hồn mỗi người chúng ta.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Thánh Thần, Người là Tình Yêu rực rỡ nơi Chúa Cha và Chúa Con, xin đốt cháy trong con niềm khát vọng Thiên Chúa, khát vọng ơn cứu rỗi cho linh hồn con. Amen.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here