BÀI 24: TẠI SAO CHÚNG TA GỌI NGÔI CON LÀ “LỜI”?
Tất cả chúng ta đều biết “lời” là gì, bởi vì chúng ta sử dụng lời nói mọi lúc mọi nơi. Trong bài học này chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao Con Thiên Chúa thường được gọi là “Ngôi Lời” và điều này được giải thích thế nào qua kinh nghiệm của chúng ta với những lời mà chúng ta nói mỗi ngày.
Đây là một khái niệm tương đối khó hiểu, vì vậy rất cần sự kiên nhẫn của bạn. Có thể bạn nên đọc lại bài học này một vài lần để chắc rằng bạn có thể hiểu được ý nghĩa của nó. Phần thách thức nhất là chúng ta cần cố gắng hiểu được rằng ở nơi Thiên Chúa, bản tính (Người là gì) và sự hiểu biết chỉ là một. Nói cách khác, nơi Thiên Chúa, hiện hữu và hiểu biết chỉ là một mà không có sự tách biệt. Chúa Cha đã nghĩ đến “Lời” vĩnh cửu (Chúa Con), trong khi cả hai vẫn chỉ là một bản tính (một Thiên Chúa).
Có một điểm cần được làm rõ. Chúng ta hiện hữu và có một bản tính. Và chúng ta sử dụng trí năng để hiểu biết sự vật. Như vậy, nơi chúng ta, có một sự phân biệt giữa hiện hữu và hiểu biết. Đây cũng là điều khiến chúng ta trở nên phức tạp hơn so với Thiên Chúa. Người tuyệt đối đơn thuần như chúng ta đã học ở bài trước.
Khi Chúa Cha sinh ra Con như là chính “Lời” của Người, thì không có gì diễn ra bên ngoài Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi vì sự hiểu biết và việc phát sinh ra “Ngôi Lời” đều nằm trong bản tính của Thiên Chúa. Đối với chúng ta, sự hiểu biết thì khác biệt với bản tính của mình. Chúng ta không phải là sự hiểu biết của chính mình, nhưng sự hiểu biết chỉ là một trong nhiều điều mà chúng ta làm. Tuy nhiên đối với Thiên Chúa, yếu tính của Người và sự hiểu biết chỉ là một. Bạn có thấy điều này có ý nghĩa gì không? Tôi hy vọng bạn sẽ hiểu!
THÁNH TÔMA NÓI GÌ?
Với câu hỏi Lời có phải danh xưng chính xác của Ngôi Con không, thánh Tôma đã trả lời rằng: Lời được áp dụng cho Ngôi Con theo nghĩa chính xác và là danh xưng phù hợp với Người. Bởi vì Lời ám chỉ điều phát xuất bởi trí năng, và một ngôi vị Thiên Chúa phát xuất theo đường lối của trí năng, được gọi là Con, và sự phát xuất này được gọi là “sinh ra”. Do đó nơi Thiên Chúa, Ngôi Con duy nhất được gọi là Lời. Nơi chúng ta, “hiện hữu” và “hiểu biết” không phải là một, vì thế sự hiểu biết không thuộc về bản tính của chúng ta. Còn nơi Thiên Chúa, hiện hữu và hiểu biết là một và đồng nhất với nhau; bởi đó Lời Thiên Chúa không phải là một tuỳ thể hay một hiệu quả của Thiên Chúa, nhưng thuộc về bản tính của Thiên Chúa. (ST I, q.34, a.2, ad1)
SINH HOẠT THIẾU NHI
Hoạt động này sẽ có thể làm tăng khả năng ghi nhớ của các bạn nhỏ, đồng thời cũng giải thích rõ hơn về nội dung bài học của chúng ta.
Chúng ta hãy để một bạn nhỏ viết xuống 10 danh từ trên một tờ giấy. Những từ ngày nên là một danh từ chung, không chỉ cụ thể bất cứ điều gì, chằng hạn: hà mã, máy bay, ngôi nhà (mà bạn không biết con hà mã nào, máy bay nào).
Tiếp đến, bạn nhỏ này sẽ đọc chậm danh sách này hai lần cho tất cả đều nghe. Sau đó những người khác sẽ ghi lại tất cả trên tờ giấy của mình (không cần đúng thứ tự). Cuối cùng hãy kiểm tra xem các bạn nhỏ có thể nhớ được bao nhiêu từ nhé!
Dựa trên bài học này về “Lời” của Thiên Chúa, chúng ta hãy chú ý đến tiến trình của trò chơi. Đầu tiên một bạn nhỏ nghĩ về những từ ngữ trong đầu như những khái niệm. Sau đó bạn nhỏ này đã viết chúng ra trên giấy, rồi đọc cho người khác nghe. Những khái niệm hoặc từ ngữ này được các bạn nhỏ khác tiếp nhận. Như vậy, “lời nói” ban đầu của bạn nhỏ rõ ràng đã được chuyển từ tâm trí người này sang tâm trí người khác.
Qua trò chơi này chúng ta thấy lời nói có thể biểu đạt những khái niệm trong đầu. Thánh Tôma nói rằng “Lời là danh xưng phù hợp với Ngôi Con”. Vì Ngôi Con như Lời được phát xuất từ Thiên Chúa và biểu lộ Chúa Cha.
PHIÊU LƯU NGOÀI TRỜI
Bạn hãy chuẩn bị một tờ giấy vẽ và một hộp chì màu. Hãy kiếm một địa điểm đẹp nhất mà bạn có thể đến. Hy vọng nó là một địa điểm mà bạn có thể ngồi xuống với công cụ vẽ của mình. Bạn hãy cảm nghiệm vẻ đẹp của Thiên Chúa được thể hiện qua thế giới mà Người tạo dựng.
Bây giờ bạn hãy cố gắng hết sức để vẽ lại quang cảnh này càng chi tiết cảng tốt. Hãy chú ý đến việc bạn quan sát cảnh vật và cách bạn thể hiện những chi tiết ấy trong bản vẽ của mình. Ban đầu cảnh vật hiện trong đầu bạn như một khái niệm, tiếp đến bạn thi triển khái niệm ấy và biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật. Hãy chắc chắn rằng bạn nhận thức được sự khác biệt giữa bản thân bạn, khái niệm trong đầu bạn và bức tranh nghệ thuật mà bạn tạo ra.
Khi hoàn tất, bạn hãy chiêm ngắm toàn bộ bức tranh của mình và xem bạn có thể quan sát bức tranh một cách chi tiết, cũng như đặt nó trong một cái nhìn tổng thể hay không. Tiếp đến, qua hoạt động vẽ tranh này bạn hãy liên hệ đến bài học của chúng ta nhé!
NGẪM NGHĨ
Thông thường khi nghĩ đến “Lời của Thiên Chúa” hoặc “Ngôi Hai Thiên Chúa”, chúng ta sẽ nghĩ đến Đức Giêsu xuống thế làm người cách đây 2000 năm trước. Nhưng trong bài học này, chúng ta nói đến “Lời” của Thiên Chúa đã hiện hữu trước khi Đức Giêsu nhập thể làm người tại Bêlem. Lời của Thiên Chúa là một ý niệm trong “tâm trí” của Thiên Chúa Cha, và ý niệm này đã hiện hữu từ muôn thuở. Nói một cách khác, Lời của Thiên Chúa được sinh ra bởi Chúa Cha mà không được tạo thành. Ngôi Lời đã hiện hữu lâu lắm rồi (trên thực tế là hiện hữu từ vĩnh cửu) trước khi trở thành người phàm và được chúng ta biết đến như là Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng ta hãy suy ngẫm về Chúa Con, Ngôi Lời, mà không phải suy ngẫm về Đức Giêsu, Đấng đã nhập thể sau đó trong thân xác, nhưng là ý tưởng vô hình khả niệm của Chúa Cha. Khi chúng ta suy ngẫm về mầu nhiệm này, tâm hồn chúng ta được đổ đầy tràn sự kính sợ Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu được Ngôi Hai Thiên Chúa như là Lời của Chúa Cha và được sinh ra bởi Chúa Cha mà không phải được tạo thành. Amen.