BÀI 20: CHÚNG TA CÓ PHẢI LÀ “ROBOT” CỦA THIÊN CHÚA KHÔNG?
Câu hỏi này xem ra có vẻ “tức cười”, bởi vì ai trong chúng ta cũng đều biết rằng mình thì khác với một con robot. Bạn cũng thấy rằng mình đang kiểm soát rất tốt các hoạt động, và có thể đưa ra quyết định cho chính mình. Nhưng vấn đề là làm sao chúng ta tìm ra giải pháp cho điều được xem là mâu thuẫn giữa sự quan phòng của Thiên Chúa và tự do chọn lựa của chúng ta?
Trước tiên chúng ta hãy cùng nhau phân tích sâu hơn về từ “bản tính” trong mối tương quan triết học và thần học của thánh Tôma. Bản tính không chỉ là một đặc tính của một sự vật, mà nếu thiếu đặc tính này thì sự vật đó không còn phải là chính nó nữa. Nhưng bản tính còn được thể hiện nơi mục đích và đích điểm của mỗi loài thụ tạo. Chúng ta cùng ôn lại bài cũ một chút nhé. Chúng ta đã học rằng Thiên Chúa đã ban cho mỗi thụ tạo một bản tính phù hợp để đạt được mục đích phù hợp của chính nó. Nhưng không phải tất cả mọi thụ tạo đều có một bản tính để nhận biết Thiên Chúa. Có những thụ tạo, một cách nào đó, hành động như một con robot theo nghĩa là chúng không có tự do ý chí hoặc không thể kiểm soát hành động của mình. Còn bản tính của con người thì có ý chí tự do, cho nên chúng ta khác xa một con robot đã được lập trình sẵn. Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta một bản tính nhờ đó chúng ta có thể chọn để yêu mến hay không yêu mến, vâng phục hay không vâng phục, được sống đời sống vĩnh cửu với Thiên Chúa hay lìa xa Thiên Chúa. Thiên Chúa đã thực hiện điều này nơi con người, nhưng điều ấy không hề giới hạn sự quan phòng của Thiên Chúa đối với các loài thụ tạo khác, hay làm cho thay đổi ý chí thiện hảo của Người.
THÁNH TÔMA NÓI GÌ?
Với câu hỏi sự quan phòng của Thiên Chúa có mang tính tất yếu trên những gì mà Thiên Chúa thấy không, thánh Tôma đã trả lời rằng: Sự quan phòng của Thiên Chúa áp đặt sự tất yếu trên một số sự vật, chứ không phải trên tất cả… Bởi vì nhiệm vụ của sự quan phòng là quy hướng mọi vật về một mục đích. Sau sự thiện hảo của Thiên Chúa, là mục đích bên ngoài của tất cả sự vật, thì sự thiện bên trong các sự vật là sự hoàn hảo của vũ trụ. Thế nhưng sự hoàn hảo của vũ trụ sẽ không có nếu không có tất cả những cấp bậc hữu thể nơi các vật. Do đó, nhiệm vụ của sự quan phòng của Thiên Chúa là phát sinh ra mọi cấp bậc hữu thể. Và như vậy, sự quan phòng của Thiên Chúa chuẩn bị nguyên nhân tất yếu đối với một số sự vật, và chúng xảy ra cách tất yếu. Còn đối với những sự vật khác, sự quan phòng của Thiên Chúa là nguyên nhân bất tất, thì nó sẽ diễn ra một cách bất tất. Tất cả tuỳ thuộc vào bản tính dựa theo nguyên nhân gần của nó là tất yếu hay bất tất. (ST I, q.22, a.4)
SINH HOẠT THIẾU NHI
Trò chơi này mang tên “Robot”. Một nhóm có thể chia ra thành từng cặp. Trong mỗi cặp, một người đóng vai là robot và người khác là người điều khiển. Có nghĩa rằng những bạn nhỏ làm robot sẽ không được di chuyển, không làm bất cứ điều gì mà không có mệnh lệnh. Bạn nhỏ – người ra lệnh cho robot có thể nói: “Nào hãy bị giường ngủ cho mình” hoặc “hãy lấy cho mình một ly nước”. Và người đóng vai robot sẽ phải thực hiện theo đúng như vậy. Vấn đề then chốt là bạn nhỏ đóng vai robot sẽ hiểu rằng trong suốt hoạt động này, mình đã không có tự do ý chí, và hoàn toàn bị điều khiển bởi một người khác. Sau 10 phút, hai bạn nhỏ sẽ đổi vai cho nhau.
Sau khi các bạn nhỏ hoàn thành hoạt động này, chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi dưới đây:
- Bạn thích làm robot hay người điều khiển robot?
- Bạn muốn để người cùng chơi với mình là robot để thực hiện những điều bạn muốn, hay bạn muốn bạn của mình là người thực sự?
- Bạn có nghĩ rằng Thiên Chúa đang điều khiển bạn như thể bạn là một robot không?
PHIÊU LƯU NGOÀI TRỜI
Bạn hãy đến một nơi chan hoà ánh nắng và cùng tham gia trò chơi mang tên “Tôi Bảo”. Quản trò hô: “tôi bảo, tôi bảo”. Cả nhóm sẽ đáp: “bảo gì, bảo gì”. Ví dụ người quản trò hô lớn: “Tôi bảo nhảy lên năm cái”. Thì mọi người đều nhảy năm cái. Nhưng vấn đề của trò chơi là chỉ khi nào quản trò hô: “Tôi bảo…” thì người chơi mới được thực hiện những điều quản trò yêu cầu. Ví dụ nếu quản trò hô lên: “Nhảy năm cái…” mà thiếu lệnh “tôi bảo” thì mọi người không được nhảy. Khi một người làm sai thì sẽ phải rời vòng tròn.
Tiếp đến, bạn hãy để mọi người cùng nhìn ngắm những thụ tạo của Thiên Chúa trong thế giới tự nhiên này. Chẳng hạn đó có thể là một chú chim đang bay, một con bướm xinh đang đậu trên bông hoa nhỏ, hay một chú ong đang chăm chỉ làm việc. Hãy cùng nhau thảo luận, để xem sự chuyển động của chúng có giống một robot theo nghĩa đã được lập trình sẵn phải làm như vậy hay không? Hoặc những thụ tạo có ý chí tự do (như con người) có bị lập trình sẵn như vậy hay có tự do để lựa chọn và đưa ra quyết định cho mình? Khi suy gẫm về điều này có làm bạn thay đổi cách nhìn về thế giới tự nhiên hay không?
NGẪM NGHĨ
Bạn có nghĩ rằng, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu Thiên Chúa tạo dựng chúng ta như những robot, luôn tuân thủ mệnh lệnh được đưa ra, thay vì để cho chúng ta có tự do lựa chọn tuân theo hay chống lại Thiên Chúa?
Bạn có thể tự hỏi phải chăng việc lạm dụng tự do để chống lại Thiên Chúa là căn nguyên của “sự dữ”? Liệu Thiên Chúa có thể dựng nên một thế giới trong đó không thể xảy ra tội lỗi và sự dữ hay không? Nếu Thiên Chúa toàn năng và biết đâu là điều gì con người nên làm, vậy tại sao Thiên Chúa còn cho cho người tự do để chọn lựa việc tuân phục hay bất tuân phục Thiên Chúa?
Bạn thân mến, bạn có nghĩ ý chí tự do là quà tặng vô giá mà Thiên Chúa đã ưu ái tặng ban cho chúng ta? Một con cáo nhỏ hay một con hải ly có thể tự do yêu mến Thiên Chúa không? Hoặc chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa mà không cần sử dụng ý chí tự do không? Chúng ta phải làm gì khi đón nhận quà tặng vô giá này của Thiên Chúa? Chúng ta phải đáp trả lại Thiên Chúa thế nào?
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, Người đã cho con tự do để con có thể yêu mến hay không yêu mến, vâng phục hay không vâng phục, được ở bên Chúa hay phải xa Chúa đời đời. Xin Chúa ban cho con ân sủng để con đáp trả lại bằng sự vâng phục và tình yêu. Amen.