CẢM NGHIỆM HUYỀN BÍ

0
151

CẢM NGHIỆM HUYỀN BÍ

Aniano Álvarez-Suárez OCD

Tác giả là Giám đốc phân khoa thần học Teresianum, Roma. Nguồn: Mística Cristiana y Fenómenos Extraordinarios,  đăng trên mạng của “Escuela de la Mistica Carmelitana Ciberespacio”, ở địa chỉ: http://misticacarmelitanac.blogspot.com/search/label/Ficha%20N%C2%BA%2010

Nhập đề. Khía cạnh khách thể và chủ thể của huyền bí

  1. Cảm nghiệm huyền bí
  2. Những giới hạn
  3. Những diễn ngữ
  4. Những đặc điểm
  5. Tiến trình dẫn đến kết hiệp huyền bí
  6. Những mô hình cổ điển: ba cấp hay ba chặng
  7. Những mô hình khác

III. Sự kết hiệp huyền bí và những hiện tượng đi kèm

  1. Mô tả và phân loại
  2. Phân định
  3. Ý nghĩa thần học

————–

Nhập đề

Trong lịch sử thần học Kitô giáo, từ mysticus (chuyển sang tiếng Việt là: huyền bí, thần bí) được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Tân ước không dùng tính từ mysticus mà chỉ nói đến danh từ mysterium (mầu nhiệm), hiểu về kế hoạch của Thiên Chúa nhằm cứu độ nhân loại, được mặc khải và thực hiện nơi Đức Kitô và được các thánh Tông đồ loan báo. Các giáo phụ áp dụng tính từ mysticus trong lãnh vực giải thích Kinh thánh để khám phá Đức Kitô đàng sau các từ ngữ và hình ảnh của Cựu ước và Tân ước; hoặc trong lãnh vực phụng vụ khi bàn về sự tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô qua các bí tích. Kể từ thế kỷ III, một vài giáo phụ mới sử dụng tính từ mysticus để ám chỉ một sự hiểu biết sâu xa về Thiên Chúa, được Chúa ban cho những người đã tiến bộ trong đời sống đạo đức và cầu nguyện. Từ thời Trung cổ, người ta thường hiểu từ mysticus theo chiều hướng này, theo nghĩa là cảm nghiệm về sự kết hiệp với Thiên Chúa. Các tác giả phân tích các yếu tố cấu thành cảm nghiệm, thuộc lãnh vực tri thức (hiểu biết, thông tuệ) hay thuộc lãnh vực tâm tình (yêu mến, hoan hỉ, bình an). Cũng trong bối cảnh ấy, các tác giả cũng mô tả những chặng đường của hành trình dẫn đến sự kết hiệp với Thiên Chúa, và những hiện tượng đi kèm theo hành trình, với những hiệu quả gây ra cho các quan năng tinh thần hay thân thể.

Bài này gồm ba phần. Phần thứ nhất trình bày khái niệm về cảm nghiệm huyền bí. Phần thứ hai giới thiệu những cách thức mô tả hành trình dẫn đến cảm nghiệm huyền bí. Phần thứ ba bàn về các hiện tượng huyền bí. Trước đây, nhiều sách thần học về đời sống tâm linh đồng hóa “hiện tượng huyền bí” với đời sống huyền bí; đó là một sự nhầm lẫn tai hại, bởi vì đó là hai vấn đề khác nhau: một người có thể đạt đến tình trạng huyền bí mặc dù không nhận được hiện tượng huyền bí; đối lại, một người đã nhận được hiện tượng huyền bí chưa chắc đã là người thánh thiện, như Tin mừng Matthêu và thánh Phaolô đã cảnh báo.

“Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mả làm nhiều phép lạ đó sao?’ và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: ‘Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!’” (Mt 7,22-23). – “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cr 13,2).

            Nhằm lưu ý hai điểm nhấn khác nhau khi bàn về vấn đề huyền bí, các tác giả đã đưa ra sự phân biệt giữa huyền bí theo nghĩa khách thể và huyền bí theo nghĩa chủ thể. Huyền bí theo nghĩa khách thể (mistica objetiva) liên quan đến chính mầu nhiệm Kitô giáo; còn huyền bí theo nghia chủ thể (mistica subjetiva) liên quan đến cảm nhận của người tín hữu về mầu nhiệm. Sự phân biệt này có ích lợi ít là về hai điểm.

Thứ nhất, nó giúp xác định sự khác biệt giữa huyền bí của Kitô giáo với huyền bí của các tôn giáo khác. Các khoa học tôn giáo cho biết rằng hiện tượng huyền bí diễn ra nơi nhiều tôn giáo trên thế giới (thậm chí bên ngoài khung cảnh tôn giáo).  Đó là nhìn dưới khía cạnh chủ thể, còn dưới khía cạnh khách thể thì khác. Huyền bí Kitô giáo có căn tính riêng, bởi vì quy chiếu về các mầu nhiệm căn bản của đức tin, nghĩa là: Thiên Chúa Tam vị như là nguyên nhân và cùng đích của huyền bí; Đức Giêsu Kitô như là mẫu gương và trung gian của con đường dẫn đến Thiên Chúa; Hội thánh như là khung cảnh sống huyền bí. Huyền bí khách thể cũng trở thành quy chuẩn để phán đoán tính cách chân chính của huyền bí chủ thể. Chẳng hạn như một người tự nhận là nhận được một mặc khải tư về Đức Chúa Trời Mẹ thì đã có lý do để nghi ngờ về tính xác thực.

Thứ hai, sự phân biệt giữa khía cạnh khách thể và khía cạnh chủ thể cũng giúp làm sáng tỏ một vấn đề trong nội bộ Kitô giáo, liên quan đến ơn gọi huyền bí. Câu hỏi được đặt ra như sau: phải chăng tất cả các Kitô hữu đều có ơn gọi huyền bí? Việc phân biệt hai khía cạnh sẽ giúp ta dễ tìm câu trả lời. Xét theo khía cạnh khách thể, tất cả đều được có ơn gọi huyền bí, bởi vì tất cả đều được tham dự vào mầu nhiệm Kitô giáo; còn xét theo khía cạnh chủ thể, thì ơn gọi kết hiệp chỉ được Chúa ban cho một số người. Thiết tưởng đó cũng là sự phân biệt gặp thấy ở số 2014 của Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo:

“Sự tiến bộ về đời sống thiêng liêng hướng đến sự kết hợp ngày càng mật thiết hơn với Đức Kitô. Sự kết hợp này được gọi là “thần bí” (“mystica”), bởi vì tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô nhờ các bí tích – “các mầu nhiệm thánh” (“sancta mysteria”) –, và trong Người, tham dự vào mầu nhiệm của Ba Ngôi Chí Thánh. Thiên Chúa kêu gọi tất cả chúng ta đến sự kết hợp mật thiết này với Ngài, mặc dù những ân sủng đặc biệt và những dấu chỉ ngoại thường của đời sống thần bí này chỉ được ban cho một số người, để biểu lộ hồng ân nhưng không được ban cho mọi người”.

Đoạn văn này cũng cho phép phân biệt hai cấp độ của ơn gọi huyền bí: ơn gọi phổ quát (dành cho tất cả), và ơn gọi đặc biệt (ơn ban cho một số người).

Sau khi đã phân biệt khía cạnh khách thể và khía cạnh chủ thể, độc giả hiểu được là bài này chú trọng đến khía cạnh chủ thể. Dù sao, chúng ta sẽ cần sử dụng nhiều sự phân biệt khác nữa để giúp sáng tỏ khá nhiều câu hỏi được nêu lên.

I. Cảm nghiệm huyền bí

Khá nhiều câu hỏi đã được nêu lên chung quan thuật ngữ “cảm nghiệm huyền bí”. Phải hiểu như thế nào? Chúng ta hãy hình dung cảnh Chúa Giêsu hiển dung trên núi, hoặc ba thánh tông đồ chứng kiến quang cảnh đó: không có khó khăn nào khi đặt tên cho nó là cảm nghiệm huyền bí. Nhưng liệu có thể đặt tên ấy cho cảm nghiệm của một thi sĩ hay nghệ sĩ khi được thu hút bởi Cái Đẹp không? Còn cảm giác lâng lâng của người hút thuốc phiện thì sao?

A. Những giới hạn

Không dễ gì trả lời cho những câu hỏi ấy. Chúng ta đành chấp nhận nhiều giới hạn trong lãnh vực này. Giới hạn thứ nhất là ở đây chúng ta chỉ bàn về các cảm nghiệm Kitô giáo, chứ không đụng đến các tôn giáo khác.  Tiếp đến, một giới hạn thứ hai đã được chính thánh Têrêsa Giêsu lưu ý khi kể lại cảm nghiệm bản thân. Trong tác phẩm Tự thuật, thánh nữ nói đến ba loại ân huệ đã lãnh nhận (Vida, 17,5; 23,11).

1) Thứ nhất, ân huệ được kết hiệp với Chúa. Chắc hẳn là không phải mọi người đều được Chúa ban. Ân huệ này thuộc bình diện thần học, liên quan đến lòng ưu ái mà Thiên Chúa dành cho cá nhân.

2) Thứ hai, đương sự ý thức về ân huệ ấy, nghĩa là nhận ra rằng mình đã được Chúa ban ơn. Thật vậy, có lẽ nhiều người nhận được ân huệ nhưng họ không để ý. Ân huệ này cũng còn thuộc bình diện thần học, tuy đã thêm yếu tố ý thức tâm lý về phía con người.

3) Thứ ba, đương sự có khả năng diễn tả cảm nghiệm của mình. Không phải ai cũng muốn phát biểu ân huệ mà Chúa ban bởi vì họ muốn giữ kín trong tâm hồn. Đến khi muốn diễn tả thì phải tìm những lời lẽ, hình ảnh nào để thông đạt cho người khác. Ân huệ này thuộc bình diện tâm lý, bởi vì đương sự phải vận dụng nhiều kiến thức, hình ảnh lấy từ cuộc sống hằng ngày để nói thực tại đang xảy ra trong tâm hồn.

Thánh Têrêxa đã nhận được cả ba ân huệ đó khi thuật lại các cảm nghiệm của mình. Thế nhưng ngay chính lúc bà kể lại cảm nghiệm của mình, người đọc dễ nhận ra các giới hạn của nó. Thật vậy, khi thuật lại sự tiến triển trong đời sống tâm linh, bà dùng hình ảnh “lâu đài”. Đối với những ai sống ở Avila thì họ hiểu ngay lâu đài muốn nói gì (nó không những ám chỉ biệt thự của các nhà quý tộc, mà còn là pháo đài phòng thủ chống quân địch). Đối với một người dân quê Việt Nam, sống ở nhà tranh vách đất, thì hình ảnh cái lâu đài quá xa vời! Để diễn tả tiến trình ấy, thánh Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh lên núi, gợi lại hình ảnh của ông Môsê lên núi Sinai để gặp gỡ Thiên Chúa. Thế nhưng đối với những người sống ở miền đồng bằng hay quen đi thang máy,  ắt là khó hình dung những nỗi cực nhọc vất vả của việc leo núi!

Vì thế, khi đọc các tác phẩm của các nhà huyền bí, ta cần phải ý thức sự khác biệt giữa một bên là thực tại (thần học), và bên kia là những diễn ngữ của văn hóa, lịch sử, địa lý, mà tác giả chịu lệ thuộc (tâm lý).

B. Những diễn ngữ

Sự phân biệt giữa thực tại với diễn ngữ đặt ra một câu hỏi khác. Các tác giả sử dụng nhiều hình ảnh và thuật ngữ khác nhau để mô tả kinh nghiệm bản thân. Như vậy, phải chăng chỉ có một cảm nghiệm duy nhất được diễn tả bằng nhiều thuật ngữ khác nhau, hay là có rất nhiều cảm nghiệm khác nhau. Nói khác đi, phải chăng mỗi cảm nghiệm mang tính độc nhất vô nhị, chứ trên đời này không có cảm nghiệm nào giống cảm nghiệm nào? Liệu có một mẫu số chung cho tất cả các cảm nghiệm không?

Không dễ gì trả lời các câu hỏi vừa nêu lên! Tạm thời chúng tôi chỉ ghi nhận một vài sự phân loại chính đã được các học giả sử dụng khi tổng kết các thuật ngữ diễn tả cảm nghiệm huyền bí Kitô giáo.

1/ Dưới khía cạnh khách thể, tuy rằng huyền bí Kitô giáo dựa trên nền tảng của mầu nhiệm (Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Kitô là Đường, Hội Thánh là môi trường), nhưng người ta nhận thấy những điểm nhấn khác nhau, chẳng hạn như:

– Đối với Thiên Chúa: tình yêu lân tuất của Chúa Cha; các đặc sủng của Thánh Linh, vv.

– Đối với Đức Kitô: mầu nhiệm Thập giá, hoặc các mầu nhiệm khác của cuộc đời dương thế (giáng sinh ở Belem, khó nghèo ở Nazareth); hoặc Thánh Thể, Thánh Tâm, vv

– Chúng ta cũng có thể thêm những đề tài liên quan đến Đức Mẹ Maria, hoặc đến sứ mạng của Hội thánh (cầu nguyện, chiêm niệm, bác ái, vv).

2/ Dưới khía cạnh chủ thể

Sự đa dạng còn rõ rệt hơn nữa. Các diễn ngữ về sự kết hiệp với Thiên Chúa được xếp vào ba đại loại chính: kết hiệp, đồng nhất, vắng lặng.

a- Cảm nghiệm về sự kết hiệp yêu thương : kết hiệp tâm tình, cách riêng dưới dạng thức của việc kết hôn huyền nhiệm giữa Đức Kitô và linh hồn.

b- Cảm nghiệm về sự đồng nhất bản thể : con người hợp nhất bản thể với Thiên Chúa; thần hóa.

c- Cảm nghiệm về sự vắng lặng : con người cảm thấy giới hạn của ngôn ngữ khi diễn tả Thiên Chúa. Ngài vượt lên trên các hình thức diễn tả : cảm nghiệm mang tính cách phủ định, thậm chí dưới hình thức đêm tối, xa vắng.

Mỗi đại loại còn bao gồm nhiều dạng thức, như sẽ thấy trong phần thứ hai dưới đây khi mô tả tiến trình dẫn đến sự hiệp nhất.

Giữa những đa dạng của cảm nghiệm huyền bí, liệu có thể vạch ra vài đặc điểm chung hay không?

C. Những đặc điểm

Như đã nói trên đây, các cảm nghiệm huyền bí không chỉ gặp thấy nơi Kitô giáo, mà còn nơi các tôn giáo khác. Nhờ các nghiên cứu tôn giáo đối chiếu, người ta có thể nêu lên vài đặc điểm chung cho các cảm nghiệm huyền bí.

Vào đầu thế kỷ XX, nhà tâm lý học William James, trong tác phẩm cổ điển The Varieties of  Religious Experience (1902), đã nêu bật bốn đặc điểm của cảm nghiệm huyền bí[1]: 1) Khôn tả (ineffability): vượt quá trí tuệ, không thể diễn tả bằng lời nói được. 2) Hiểu biết (noetic quality): không chỉ là tình cảm mà còn là nhận thức, mặc dù đó là kiến thức trực giác chứ không suy diễn. 3) Thụ động (passivity): mặc dù đương sự đã chuẩn bị tình thần và thể xác cách nào đó, nhưng chính cảm nghiệm được gây ra bởi một quyền lực siêu nhiên. 4) Thoáng qua (transiency): có giới hạn trong thời gian chứ không kéo dài thường xuyên.

Khởi đi từ cuộc nghiên cứu ấy, dựa trên các bản văn của các nhà huyền bí, một vài nhà thần học đã mô tả các đặc điểm của cảm nghiệm huyền bí Kitô giáo như sau[2] (diễn ra ở tột đỉnh, chứ không phải trong các chặng của tiến trình tiệm tiến như sẽ nói ở phần thứ hai):

  • Hiện diện, gặp gỡ, tiếp xúc. Đương sự khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa như một thực thể sống động, Đấng đang kêu gọi mình đến sự kết hiệp.
  • Trực tiếp. Đương sự ra như được vén tấm màn che, và nhìn thấy Chúa
  • Đơn giản. Đó là một sự chiêm ngưỡng trực giác, không qua trung gian của lý trí. Tất cả tập trung vào “Đấng cần thiết duy nhất trên đời”.
  • Ban không. Đây là một ân huệ vượt quá sự trông mong của con người, không dựa trên công lao hoặc chuẩn bị.
  • Thụ động. Cảm nghiệm này là ân huệ của Thánh Linh, mà con người chỉ biết đón nhận, lắng nghe.

–      Hoan hỉ. Cảm nghiệm huyền bí mang lại những hoa trái như vui tươi, an bình, mà đương sự chưa từng nếm được trên đời này..

  • Chắc chắn nhưng lại tối tăm. Cảm nghiệm mang lại cho đương sự niềm xác tín rằng có Chúa ở với mình, hiểu rõ hơn đường lối của Chúa, nhưng đồng thời đương sự cũng ý thức khoảng cách rộng lớn giữa con người với Thiên Chúa. Điều mà mình được biết đôi chút vẫn còn là mù mịt. Thánh Gioan Thánh giá viết: “Tôi biết rõ .. dù là đêm tối”.[3].
  • Khôn tả. Con người không có khả năng để diễn tả đầy đủ cảm nghiệm của mình. Vì thế, các nhà huyền bí phải vận dụng các biểu tượng, rút từ thiên nhiên (lửa, gió, nước), từ kinh nghiệm tâm lý (sâu xa, cao ngất, hân hoan, âu yếm), hoặc những lối nói phủ định (đêm tối, thinh lặng) hay kiểu nói nghịch lý (tối tăm sáng rực, vv).
  • Biến đổi con người. Dù hình thức diễn tả cảm nghiệm thế nào đi nữa, đương sự ý thức mình đã tiếp xúc với Đấng Cao cả, khám giá một nấc thang giá trị mới. Từ đó, họ bị thúc đẩy hòa hợp đời sống với các giá trị đã nhận biết, đánh giá đúng mức cái gì là chân thật và cái gì là phù hoa.
II. Tiến trình hướng đến kết hiệp huyền bí

Các nhà huyền bí không chỉ mô tả cảm nghiệm kết hiệp với Thiên Chúa, nhưng còn thuật lại hành trình của mình, trải qua những giai đoạn hoặc những chặng khác nhau, mặc dù biết rằng cuối cùng sự kết hiệp là một ân huệ Chúa ban, chứ không phải là kết quả đương nhiên của nỗ lực con người.

Đành rằng mỗi người có một lịch sử cá nhân, không ai giống ai, nhưng từ thế kỷ IV, các sư phụ đời đan tu bên Ai cập đã đúc kết những kinh nghiệm bản thân thành tài liệu huấn luyện cho các môn sinh, giúp cho những người này luyện tập việc lột bỏ con người cũ, và dần dần mặc lấy con người mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gặp gỡ Thiên Chúa, hoặc ít là chuẩn bị mảnh đất tốt cho hạt giống Lời Chúa được đâm bông.

Trước tiên, chúng tôi xin trình bày vài khuôn mẫu cổ điển gặp thấy nơi nhiều tác giả; tiếp đến là một vài khuôn mẫu đặc biệt.

A. Những khuôn mẫu cổ điển: ba chặng hay ba đường

Hai khuôn mẫu quen thuộc hơn cả là: tiến trình ba chặng, và tiến trình ba con đường.

1/ Ba chặng: khởi đầu, tiến bộ, hoàn bị

Nguồn gốc của sự phân biệt này là ông Origène (thế kỷ III). Thật ra, ông là một nhà chú giải Kinh thánh nổi tiếng, đã nhiều lần ví cuộc đời tín hữu như cuộc xuất hành: họ phải từ bỏ Ai cập tức là tội lỗi và thế gian; họ được dẫn vào sa mạc, để được thanh luyện và được chiếu soi nhờ ánh sáng của cột lửa và đám mây;  sau cùng họ vào đất Chúa hứa, nghĩa là được hiểu biết và kết hiệp với Chúa. Ông còn phân biệt ba cấp độ hiểu ý nghĩa bản văn Kinh thánh dựa trên quan điểm Do thái về nhân học con người có ba chiều kích: thể xác (caro), linh hồn (anima), thần khí (spiritus). Những người mới khởi đầu còn sống theo thể xác thì chỉ hiểu được nghĩa đen; những người tiến bộ, sống theo linh hồn thì hiểu được nghĩa luân lý; những người sống theo thần khí thì mới nắm được nghĩa thần khí  của Kinh thánh.

Các sư phụ giải thích ý nghĩa của ba chặng như sau:

  1. a) Giai đoạn khởi đầu. Thực ra, không phải là con người khởi đầu, nhưng chính là một sáng khởi của ơn Chúa: chính Ngài đánh động, kêu gọi con người. Con người nhận ra điều đó, đón nhận tiếng Chúa, bắt đầu cuộc hoán cải và tiếp tục suốt đời.
  2. b) Giai đoạn tiến bộ. Nhờ ơn Chúa, cuộc biến đổi được thực hiện tiệm tiến qua việc thay đổi toàn diện con người: những ước mơ, mối tình, những sợ hãi, những tìm kiếm..
  3. c) Giai đoạn hoàn bị. Con người nhận ra tác động của Thiên Chúa nơi mình, bất chấp những giới hạn của mình. Con người giảm bớt việc nhìn vào thực tại thụ tạo, và chú ý vào tình yêu của Chúa, công trình của Chúa.

2/ Ba con đường

Hình ảnh ba “con đường” của đời sống tâm linh bắt nguồn thánh Grêgôriô Nyssa (335-394) khi chú giải kinh nghiệm của ông Môsê lên núi gặp gỡ Chúa (De vita Moysi). Hành trình tâm linh không phải là đi từ tối tăm đến ánh sáng, nhưng là từ ánh sáng đến tăm tối. Lúc đầu ông nhận được thị kiến từ bụi gai cháy rực (Xh 3). Ông được mời gọi lên núi Siani (Xh 19), trải qua một đám nây, và sau cùng đến chỗ tối đen (Xh 20,21). Nhưng chính trong tình trạng đó mà ông gặp gỡ Thiên Chúa: ông thấy Thiên Chúa trong đêm tối. Dĩ nhiên, các từ ngữ này mang một ý nghĩa riêng biệt: sự tiến triển trên đường tâm linh không phải chỉ là từ tối tăm của tội lỗi đến ánh sáng của sự thật, nhưng còn là từ những cảm nghiệm khả giác (ánh sáng) về Thiên Chúa đến chỗ tối tăm của đức tin: Thiên Chúa là Đấng vượt lên trên mọi hình thức diễn tả. Sang thế kỷ V, một  tác giả ẩn danh dưới bí hiệu Điônisiô Areopagita đã để lại những thuật ngữ gây ảnh hưởng cho các thế hệ kế tiếp. Hành trình tâm linh được phân chia thành ba chặng “thanh luyện, chiếu sáng, kết hiệp” (via purificativa, illuminativa, unitiva). Hầu hết các sách giáo khoa bên Tây phương cho đến thế kỷ XX đều lấy lại mô hình này.

  1. a) Giai đoạn “thanh luyện” chú trọng vào việc thanh tẩy linh hồn khỏi tội lỗi và các nết xấu, đặc biệt qua các việc khổ chế.
  2. b) Giai đoạn “chiếu sáng” đặt nặng việc thực tập các nhân đức.
  3. c) Giai đoạn “kết hiệp” được coi là tột đỉnh của đường trọn lành.

Theo mô hình này, sự tiến triển diễn ra từ  tội lỗi (tối tăm) sang đức hạnh (ánh sáng), và nhất là từ nỗ lực cá nhân đến chỗ thuần thục đi theo sự hướng dẫn của Thánh Linh. Thực vậy, hai giai đoạn đầu được đặt trên là “tu đức” (ascetica), trong đó con người nắm vai trò chủ động; khi bước sang giai đoạn thứ  ba – cũng được đặt tên là “thần bí” (mystica: huyền nhiệm)-, thì con người phó mặc cho Thánh Linh dẫn dắt.

B. Những mô hình khác

Bên cạnh hai mô hình cổ điển (ba chặng, ba con đường) kể trên, chúng ta còn gặp nhiều mô hình khác, hoặc khai triển các mô hình vừa kể, hoặc sử dụng những khái niệm mới. Xin trưng dẫn ba thí dụ: sự thanh luyện, các ân huệ Thánh Linh, sự cầu nguyện.

1/ Sự thanh luyện chủ động và thụ động

Thánh Gioan Thánh Giá mô tả tiến trình huyền bí qua mô hình “thanh luyện”, dưới hai hinh thức:

  1. a) Trong giai đoạn đầu, sự thanh luyện được đặt tên là “chủ động” (purificatio activa) bởi vì do con người giữ vai chính: linh hồn phải loại trừ những tội lỗi, nết xấu, những quyến luyến đối với thọ tạo.
  2. b) Trong giai đoạn hai, được gọi là “thụ động” (purificatio passiva), chính Thiên Chúa sẽ thẳng tay thanh luyện linh hồn qua những “đêm tối”:

– “Đêm tối giác quan” (noche del sentido): linh hồn không còn cảm thấy những an ủi khả giác khi cầu nguyện;

– “Đêm tối tinh thần” (noche del espiritu): cuộc thanh luyện đau đớn, hoặc từ ngoại giới (thất bại, sỉ nhục, vu khống, bệnh tật), hoặc từ nội giới (thí dụ các cám dỗ về ba nhân đức tin – cậy – mến). Có vị thánh đã ví những đau khổ của đêm tối tinh thần giống như luyện tội (nếu chưa dám nói là hỏa ngục), bởi vì hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã nếm thử cực hình đó trong 18 tháng cuối đời.

Mục tiêu của sự thanh luyện là để cho linh hồn không còn bám víu vào bất cứ thọ tạo nào (dù chỉ là hình ảnh ý niệm) tiến đến “hư không” (nada): “hư không” để dành “tất cả” (todo) cho Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh giá đã để lại bài ca bất hủ  sau đây:

Để thưởng thức tất cả, bạn đừng thích thú gì hết. Để chiếm hữu tất cả, bạn đừng chiếm hữu gì hết. Để trở nên tất cả, bạn hãy là hư vô trong mọi loài hư vô. Để biết tất cả, bạn đừng muốn biết gì hết. Để tới nơi chưa hề nếm hưởng, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn kinh tởm. Để tới nơi chưa hề biết, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn không biết. Để tới nơi mà bạn chưa chiếm hữu, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn không chiếm hữu. Để tới nơi mà bạn muốn trở thành, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn không tồn tại. Nếu bạn dừng lại ở một điều nào đó, thì bạn sẽ không còn lao mình về tất cả nữa. Bởi vì để đạt tới tất cả trong mọi sự, bạn hãy từ bỏ mình trong mọi sự. Và khi bạn đã đến chỗ có tất cả, bạn hãy chiếm hữu nó mà không muốn gì hết. Bởi vì nếu bạn muốn có cái gì trong tất cả, thì bạn không còn lấy Thiên Chúa là kho báu duy nhất  nữa[4].

2/ Nhân đức và ân huệ Thánh Linh: từ nỗ lực con người đến tác động của Thánh Linh

Thánh Tôma Aquinô (Summa Theol. II-II, q.24, a.9) một đàng lấy lại đạo lý của thánh Augustinô khi  phân biệt ba cấp độ của đức mến: khởi đầu, tiến bộ, hoàn bị (incipientes, proficientes, perfecti), tương tự như trình độ tăng trưởng của sinh vật, từ tuổi ấu thơ, qua thời thiếu niên, đến tuổi trưởng thành[5]. Đàng khác, ngài móc nối các nhân đức với các ân huệ Thánh Linh[6]. Nhờ các nhân đức, con người có khả năng làm các việc tốt. Tuy vậy, con người vẫn còn xa mục tiêu muốn nhắm đến, đó là Thiên Chúa. Một đàng, con người chỉ có thể thực hành những hành vi trong tầm sức của mình, chứ đâu thể nào vươn lên tới thế giới thần linh! Đàng khác, do bản tính yếu đuối, con người thiếu kiên trì trong đường nhân đức và dễ bỏ cuộc giữa đường. Chính trong bối cảnh này mà Thiên Chúa đến trợ lực cho ta nhờ các ân huệ Thánh Linh. Các ân huệ này nâng cao khả năng của con người, giúp cho con người được mạnh mẽ để thực hiện những hành động phi thường, cũng như kiên trì trong đường tiến đức (xc. Rm 8, 14).

Như vậy, theo thánh Tôma, mối tương quan giữa các nhân đức với các linh ân có thể thiết lập dựa theo vai trò chủ động trong tiến trình nên thánh. Các “nhân đức” nêu bật hoạt động của con người, còn các “ân huệ” thì đề cao vai trò chủ động của Thánh Linh. Nhằm diễn tả cách cụ thể tác động của Thánh Linh đối với hành trình nên thánh, Thánh Tôma móc nối 7 hồng ân với 7 nhân đức cơ bản điều khiển tất cả các hành vi (gồm 3 nhân đức hướng Chúa: tin, cậy, mến; 4 nhân đức luân lý: khôn ngoan, công bằng, tiết độ, can đảm).

  1. a) Ơn cao minh kiện toàn đức mến, dẫn chúng ta vào sự kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa, đồng tâm nhất trí với Ngài.
  2. b) Ơn thâm hiểu kiện toàn đức tin, cho chúng ta được hiểu thấu các mầu nhiệm do Chúa mặc khải.
  3. c) Ơn minh luận cũng kiện toàn đức tin, vì giúp chúng ta đánh giá mọi sự theo viễn tượng của Chúa.
  4. d) Ơn chỉ giáo kiện toàn đức khôn ngoan, để biết lựa chọn những biện pháp tốt đẹp nhất theo ý Chúa.
  5. e) Ơn sùng hiếu kiện toàn đức công bình, giúp chúng ta sống tương quan con thảo đối với Chúa, va tình huynh đệ với tha nhân.
  6. f) Ơn dũng cảm kiện toàn đức mạnh bạo, nổi bật nhất nơi các vị tử đạo.
  7. g) Ơn kính sợ kiện toàn hai nhân đức: đức cậy bởi vì dựa vào quyền năng của Thiên Chúa; đức tiết độ nhằm giúp con người tránh phạm tội bởi vì sợ mất lòng Chúa.

Dựa theo đạo lý này, trường phái thánh Tôma định nghĩa chặng huyền bí như là “sống theo ân huệ Thánh Linh”.  Trong giai đoạn đầu, ta cố gắng tập luyện nhân đức để chuẩn bị cho tác động của Thánh Linh. Trong giai đoạn tiếp, Thánh Linh giữ vai chủ động. Đời sống tâm linh trở thành đời sống của con người thần khí (x. Gl 5,25).

3/ Cầu nguyện

Thánh Têrêxa Giêsu, mặc dù đã biết đến các mô hình cổ điển, nhưng lại mô tả sự tiến triển đời sống tâm linh theo những mô hình khác.

Trong quyển Tự thuật (“Vida”, chương 10-20) thuật lại cho cha linh hướng về cuộc đời của mình), thánh nữ ví 4 cấp độ cầu nguyện như là 4 cách tưới cây. Linh hồn là mảnh vườn, ơn cầu nguyện là nước. Mảnh vườn có thể lãnh nước nhiều hay ít tùy cấp độ:  a/ thòng dây thả thùng xuống giếng và kéo lên; b/ quay bánh xe đưa nước vào vườn; c/ nước được chuyển liên tục qua máng; d/ nước mưa từ trời đổ xuống ào ào. Ở những cấp độ thấp, con người vất vả mất nhiều công sức mà ít kết quả; còn ở những cấp độ cuối thì linh hồn làm ít mà hưởng nhiều bởi vì Chúa giữ vai trò chủ động. Từ bốn cách tưới vườn, tác giả nói tới 4 cấp độ cầu nguyện: a/ khẩu nguyện (oración vocal) và suy niệm (meditación discursiva); b/ tĩnh nguyện (nguyện an tĩnh: oración de quietud); c/ kết hợp (unión) thông thường; d/ kết hợp khác thường.

Tuy nhiên, có lẽ hình ảnh đã trở thành nổi tiếng trong học thuyết của thánh Têrêxa là cái lâu đài, đề tài của quyển Lâu đài nội tâm (“Castillo interior”). Lâu đài là chính linh hồn, được Chúa đoái thương ngự đến. Trong lâu đài này có những căn khác nhau, từ bờ rìa cho đến thâm cung. Tác giả nói tới 7 căn (Moradas, nguyên ngữ có nghĩa là: trạm nghỉ, căn phòng; hình ảnh dựa theo Phúc âm thánh Gioan 14,2) của lâu đài, tương ứng với 7 cấp độ của đường thiêng liêng và sự tiến triển của việc cầu nguyện.  Nói đúng ra, tiến trình của 7 căn không có tính cách liên tục. Các học giả đều ghi nhận rằng con đường tiến đức cũng như cầu nguyện được phân thành hai chặng với một khúc quặt. Trong chặng đầu (từ căn một đến căn ba), con người nắm phần chủ động. Công tác nặng về trừ khử các nết xấu và tập luyện nhân đức: đây là giai đoạn “tu đức” theo nghĩa chặt (ascetica). Sang đến giai đoạn hai (bốn căn cuối), Thiên Chúa giữ vai chủ động; đây là giai đoạn “thần bí kết hiệp” (mystica).

  1. a) Căn một. Tình trạng của những linh hồn mới bắt đầu trở lại với Chúa. Họ đã gắng dứt bỏ tội lỗi ở bên ngoài; nhưng khi đi vào lâu đài, họ còn vác theo nhiều đồ đạc cồng kềnh (những quyến luyến thế gian). Chính những hành lý ấy làm cho con mắt họ bị che lấp không nhìn thấy tất cả những vẻ đẹp của lâu đài. Việc cầu nguyện còn ở giai đoạn sơ khởi của “khẩu nguyện” (oración vocal), những kinh đọc ngoài miệng để van nài Chúa giúp đỡ.
  2. b) Căn hai. Linh hồn bắt đầu trải qua cơn khủng hoảng, vì bị giằng co giữa những quyến rũ của thế gian với tình yêu của Chúa. Có lúc họ muốn lùi bước trở về đường cũ, có lúc muốn đi sâu hơn vào trong lâu đài. Về sự cầu nguyện, họ bắt đầu tiến từ khẩu nguyện sang “suy niệm” (meditación).
  3. c) Căn ba. Linh hồn cảm thấy được lòng mến Chúa thu hút nhiều hơn nữa. Họ tránh cả những tội nhẹ, thực hành hãm mình khổ chế cũng như việc bác ái. Cứ đà này mà tiến, thì họ sẽ có thể lên tới những căn cao hơn. Tiếc rằng, khá nhiều linh hồn dừng lại ở đây, vì tự mãn hoặc vì sợ vác thánh giá. Về sự cầu nguyện, linh hồn cảm thấy khó suy gẫm, và từ từ chuyển sang việc “hồi tâm” (recogimiento) trước mặt Chúa, nhìn nhận việc Chúa hiện diện ở trong và chung quanh ta. Về sau, các học giả dòng Carmêlô đặt tên là “nguyện tâm tình” (oración afectiva).
  4. d) Căn bốn. Như đã nói trên, từ căn bốn trở đi, linh hồn tiến từ giai đoạn “tu đức” sang giai đoạn “thần bí”, từ tâm nguyện sang chiêm niệm. Vai trò chủ động là Thiên Chúa. Thực ra thì căn bốn đánh dấu sự chuyển tiếp giữa hai giai đoạn. Linh hồn còn tiếp tục chiến đấu chống lại các khuyết điểm và thực hành nhân đức; mặt khác, Thiên Chúa đã bắt đầu ra tay: Ngài khơi lên những viễn tượng và động lực mới cũng như ban cho sức mạnh để tiến tới. Cấp độ cầu nguyện tương ứng là “tĩnh nguyện” (quietud).
  5. d) Căn năm. Thiên Chúa chiếm đoạt linh hồn (không những là ý chí mà cả các quan năng khác). Linh hồn khởi sự cuộc kết hiệp với Chúa qua việc chết đi và sống lại với đức Kitô. Cấp độ cầu nguyện từ nay là sự “kết hiệp đơn giản” (unión simple).
  6. e) Căn sáu. Thiên Chúa canh cải linh hồn bằng sự thanh luyện tận gốc rễ. Đối lại, linh hồn cảm thấy Chúa gần gũi với mình qua những thị kiến hay tiếng nói thầm kín nội tâm. Cấp độ cầu nguyện là sự “kết hiệp xuất thần” (unión extatica).
  7. f) Căn bảy. Linh hồn kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa đến nỗi ra như đã thoát khỏi cuộc sống tự nhiên, biến đổi con người nên giống như Chúa.Cấp độ cầu nguyện là sự “kết hiệp hoàn hảo” (unión consumada), và cũng được đặt tên là “kết hôn thiêng liêng” (matrimonio espiritual).

Sau khi đã viếng thăm 7 căn lâu đài nội tâm, chắc là bất cứ độc giả nào cũng sẽ nêu câu hỏi: đâu là thực và đâu là mộng? Hay nói cách khác: đâu là những hình ảnh và đâu là thực chất của vấn đề cầu nguyện?

Trong quá khứ, các học giả đã tranh luận rất nhiều khi nói tới các cấp độ cầu nguyện theo thánh Têrêxa: tại sao khi thì tác giả nói tới bốn cấp (sách “Tự thuật”, viết lúc 47 tuổi và hoàn tất lúc 50 tuổi) khi thì nói tới bảy cấp (theo sách “Lâu đài nội tâm”, viết vào lúc 62 tuổi)? Phải chăng tác giả đã thay đổi ý kiến vào cuối đời? Có cách nào dung hợp tư tưởng trình bày trong các tác phẩm khác nhau hay không?

Ngày nay, phần lớn các vấn nạn vừa nêu đã biến đi khi chúng ta nghiên cứu hoàn cảnh và mục tiêu của các tác phẩm. Thánh Têrêxa không nghĩ tới việc soạn ra một học thuyết có hệ thống mạch lạc về đường tu đức hoặc về cách cầu nguyện. Những tác phẩm đã được viết vào những hoàn cảnh và giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Có lúc thì tường trình cho cha linh hướng về kinh nghiệm tiến đức của mình (Tự thuật); có lúc thì phải huấn luyện các chị em cùng Dòng về việc cầu nguyện (Con đường hoàn thiện). Tác giả sử dụng nhiều hình ảnh khác nhau hoặc những lối trình bày khác nhau để dễ chuyển đạt tư tưởng, chứ không gắn chặt nội dung tư tưởng với những hình ảnh đó. Nói khác đi, không phải bất cứ ai cũng phải trải qua bốn hay bảy cấp của đời cầu nguyện; cũng không phải là khi đã tiến lên cấp trên thì quẳng đi những hình thức cầu nguyện của cấp dưới (khẩu nguyện và suy niệm vẫn luôn luôn cần thiết). Có lẽ tư tưởng chính mà tác giả muốn nêu bật là gây cho các linh hồn ý thức về sự cần thiết phải luôn tiến lên trong đường trọn lành; đồng thời họ đừng bao giờ quên rằng sự cầu nguyện là một hồng ân của Thiên Chúa hơn là sự cố gắng riêng tư của bản thân. Hình ảnh của bốn cách thức đưa nước vào vườn đã cho thấy sự khác biệt lớn lao giữa cảnh một người nông dân vất vả mồ hôi nhễ nhại gánh nước tưới từng luống đất, với cảnh trận mưa rào trút đổ cả thác nước xuống mảnh ruộng đang khi bác nông dân ung dung hút thuốc! Cũng vậy hình ảnh của những căn khác nhau của lâu đài chỉ muốn nói lên tư tưởng căn bản này là: mục tiêu của sự cầu nguyện cũng như mục tiêu của đường tu đức là sự kết hiệp với Thiên Chúa. Trọng tâm là mối liên hệ giữa con người với Chúa. Lúc đầu con người phải cố gắng chiến đấu để rút lui vào lâu đài để tìm gặp Chúa; nhưng càng đi sâu bao nhiêu thì Thiên Chúa đang tỏ mình ra bấy nhiêu, đến nỗi sau cùng chính Ngài đích thân ra tiếp đón con người để dẫn đưa vào thâm cung của mình. Tư tưởng này đã chẳng gặp thấy trong Phúc âm theo thánh Gioan đó sao: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23; x. Kh 3,20). Lâu đài mà con người gặp gỡ Thiên Chúa chính là thâm tâm của mình: nơi mà con người trở về với chính mình và cũng là nơi mà Thiên Chúa muốn chiếm đoạt bằng tình yêu.

Cũng nên biết là khi kể lại sự tiến triển của đời sống nội tâm, thánh Têrêxa cũng mô tả một vài hiện tượng đi kèm, quen gọi là “hiện tượng huyền bí”. Đó là đề tài của phần thứ ba dưới đây. Tuy nhiên, trước khi chấm dửt phần này, xin được lặp lại điều đã nói ngay từ trong phần thứ nhất, liên quan đến giới hạn của diễn ngữ. Cảm nghiệm huyền bí của mỗi người thì độc đáo; khi diễn tả thành ngôn ngữ thì phải vận dụng nhiều hình ảnh đã quen thuộc với người đọc, nhưng chắc chắn là không hoàn toàn trùng hợp với một thực tại vừa khó tả lại vừa đa dạng. Ngoài ra, cách riêng, chúng ta cũng nên lưu ý đến hai thuật ngữ do thánh Têrêxa sử dụng khi mô tả tình trạng huyền bí, đó là “kết hôn thiêng liêng” và “chiêm niệm”. Thuật ngữ “kết hôn thiêng liêng” lấy từ Kinh thánh Cựu ước cũng như Tân ước; tuy nhiên hình ảnh được sử dụng nơi các tác giả thuộc nữ giới hơn là thuộc nam giới. Thuật ngữ “chiêm niệm” (contemplatio, trong tiếng Việt có thể dịch là chiêm ngưỡng, chiêm ngắm) được sử dụng để ám chỉ trình độ cao của sự cầu nguyện (ân huệ dành cho ít người); thế nhưng trong văn chương đan tu cổ điển, đây là một hình thức cầu nguyện thông thường (chẳng hạn trong lectio divina: lectio, meditatio, oratio, contemplatio). Nhiều cuộc tranh luận đã xảy ra bởi vì thuật ngữ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.

III. Các hiện tượng huyền bí

Trong quá khứ, nhiều tác giả đồng hóa “hiện tượng huyền bí” với “cảm nghiệm huyền bí”, từ đó đã gây ra hai hiểu lầm đáng tiếc. Một là “hiện tượng huyền bí” được dùng như tiêu chuẩn để thẩm định xem một tín hữu có được “ơn huyền bí” hay không. Hai là bởi vì hiện tượng huyền bí chỉ xuất hiện nơi một ít người, cho nên dễ đi đến kết luận rằng ơn gọi huyền bí chỉ dành riêng cho một ít người.

Như đã nói trên đây, thiết tưởng nên phân biệt giữa “huyền bí khách thể” và “huyền bí  chủ thể”. Xét dưới khía cạnh khách thể, thì tất cả tín hữu đều được mời gọi kết hiệp huyền bí với Thiên Chúa; còn nếu xét dưới khía cạnh chủ thể thì khác.

Dưới khía cạnh chủ thể, chúng ta lại còn phân biệt giữa một bên là “thực tại”, bên kia là “diễn ngữ”. Khi kể lại cảm nghiệm của mình, đương sự tìm cách diễn tả bằng các hình ảnh và khái niệm quen thuộc với người đọc hay với người viết. Tiến thêm một bước nữa, chúng ta nên biết rằng đôi khi cảm nghiệm huyền bí không chỉ diễn ra trong thâm tâm sâu thẳm của đương sự mà còn tác dụng đến toàn thân con người: lý trí, tình cảm, thân thể của họ.Trong phần này, trước hết chúng tôi mô tả các hiện tượng được nói đến trong các sách thần học tâm linh; kế đó, chúng ta sẽ bàn đến sự phân định các hiện tượng; cuối cùng, chúng ta sẽ tìm hiểu vai trò của các hiện tượng huyền bí đối với chính đương sự và đối với cộng đồng các tín hữu.

A. Khái niệm và phân loại

Các sách giáo khoa cổ điển về thần học tâm linh liệt kê khá nhiều hiện tượng, và phân loại theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Cha Antonio Royo Marin dựa theo ba quan năng của con người (tri thức, tình cảm, thân xác) để phân chia như sau[7] :

1/ Những hiện tượng thuộc loại tri thức : thị kiến, siêu ngôn, mặc khải, phân định tinh thần, thiên cảm,

Thị kiến (visio) : nhìn thấy một đối tượng mà mắt thường không nhận thức được. Nói cụ thể, đương sự thấy Chúa, Đức Mẹ, thiên thần, một vị thánh hiện ra, hoặc nhận thấy một đồ vật (thí dụ thập giá, hình ảnh). Nên biết đối tượng của thị kiến  lại còn được phân biệt thành hai loại : đối tượng hiện diện (a) ở ngoài chủ thể; hoặc (b) ở bên trong chủ thể (qua óc tưởng tượng, hay ý niệm).

Siêu ngôn (locutio) : nghe thấy một tiếng nói, một sứ điệp. Tiếng nói đó có thể phát ra từ (a) bên ngoài đương sự, hoặc (b) ở bên trong thâm tâm (sứ điệp nội tại). Đó là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế, rất khó kiểm chứng được thực sự thị kiến hay siêu ngôn diễn ra ở ngoại tại hay nội tại của đương sự.

Mặc khải (revelatio). Hai hiện tượng vừa rồi nhằm chuyển thông một sứ điệp nào đó (Athị kiến@ có nghĩa là thấy, còn Asiêu ngôn@ có nghĩa là nghe), được gọi tắt là Amặc khải@. Đôi khi cả thị kiến và siêu ngôn đi kèm với nhau (thí dụ thánh Bernadette thấy Đức Mẹ hiện ra, và nghe Người nói), nhưng hai hiện tượng có thể tách rời được (nghĩa là hoặc chỉ thấy một hình ảnh, hoặc chỉ nghe một tiếng nói mà thôi). Dù thế nào đi nữa, thần học đặt tên cho hiện tượng này là Amặc khải tư@, đối lại với Amặc khải công@ đã kết thúc với Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa (xc. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 67).

Phân định thần khí (discretio spirituum). Ơn này được hiểu theo hai nghĩa. (a) Nghĩa thứ nhất là ơn biết phân biệt điều gì là tốt và điều gì là xấu (nguồn gốc bởi Chúa, bởi ma qủy, hoặc do ảo tưởng). (b) Nghĩa thứ hai là ơn đọc được tư tưởng của người khác, dù họ muốn giấu kín (thí dụ như thánh Gioan Vianney và thánh Piô Pietrelcina khi ngồi toà giải tội đã nhắc nhở cho hối nhân những tội mà họ đã vô tình hay chủ tâm không xưng thú).

Linh giác (hierognosis) : khả năng nhận thấy tính cách linh thiêng của một đối vật, chẳng hạn biết tấm bánh đã được truyền phép (Mình thánh Chúa Giêsu) hay không.

– Ngoài ra, những hiện tượng thuộc lãnh vực tri thức còn bao gồm kiến thức thiên phú (scientia infusa) nghĩa là không do học hỏi mà biết được những điều thuộc phạm vi thần học (tri thức về Thiên Chúa) hoặc phạm vi tự nhiên (khoa học, ngoại ngữ, vv). Ơn tiên tri (prophetia) cũng được liệt vào hạng này.

2/ Những hiện tượng thuộc lãnh vực cảm xúc gồm hai loại chính : xuất thần, lửa mến.

Xuất thần (extasis), theo nguyên ngữ có nghĩa là Ara khỏi mình@. Đây là hiện tượng thường được nói nhiều hơn hết, khi đương sự bị thu hút bởi đối tượng chiêm ngắm đến nỗi mất hết tương quan với thế giới hiện tại (ravissement : ngất trí). Hiện tượng này có thể xảy ra chớp nhoáng hay kéo dài, tiệm tiến hay đột ngột.

Lửa mến (incendios de amor) ám chỉ ngọn lửa tình yêu bừng cháy trong con tim và tùy theo nồng độ, lan ra cả cơ thể và môi trường.

3/ Những hiện tượng ảnh hưởng đến thân thể thường gây ấn tượng đối với người chung quanh, và dễ quan sát, gồm nhiều loại.

Ấn thương (stigmata) : đương sự mang trên thân mình những thương tích của Chúa Giêsu. Chứng tích đầu tiên về hiện tượng này là thánh Phanxicô Assisi (ngày 17 tháng 9 năm 1224). Từ đó đến nay, đã có hơn 300 trường hợp xảy ra, nổi tiếng là thánh Catarina Siena, Anne-Catherine Emmerick (1774-1824), Gemma Galgani (1878-1903). Trong thế kỷ XX có ba nhân vật được mang năm dấu thánh là thánh Piô Pietrelcina (1887-1968), bà Therese Neumann (1898-1961), bà Marthe Robin (1902-1981).

Chảy nước mắt hay mồ hôi máu (hemadriosis), tương tự như cảnh Chúa Giesu trong vườn Cây dầu

Trao đối trái tim : một vài vị thánh nữ (Gertrudê, Cartarina Siena, Mađalena dei Pazzi, Margarita Alacque) thuật lại Chúa Giêsu đã trao đổi trái tim của Người với trái tim của họ

Kỵ thực (inedia): kiêng ăn uống trong thời gian lâu dài, hoặc Tỉnh thức (vigilia), nghĩa là không ngủ

Khinh hoá (levitatio) : thân thể được nhấc bổng lên khỏi mặt đất, có khi chỉ vài gang tay, có khi cao hẳn như bay bổng vậy. Trường hợp nổi tiếng hơn cả là thánh Giuse Copertino (1603-1663), không những vì Abay cao@ (vượt quá nóc nhà thờ) mà còn xảy ra nhiều lần trong đời (hơn 70 lần) trong số đó có lần trước mặt đức giáo hoàng Urbanô VIII. Những hiện tượng tương đương : di chuyển nhanh chóng như bay (agilidad); hoặc ra như hiện diện một lúc ở hai nơi (bilocatio).

– Sau cùng, có thể kể thêm các hiện tượng phát quang (luminosidad) hoặc phát hương (perfume), nghĩa là thân thể phát ra một luồng sáng hay hương thơm (đặc biệt là sau khi qua đời).

B. Phân định

Các hiện tượng vừa kể được đánh giá dưới phương diện khoa học và thần học.

1/ Dưới phương diện khoa học, người ta nhận thấy rằng những hiện tượng này không chỉ xảy ra trong Giáo Hội Công giáo mà còn nơi các tôn giáo khác nữa (thí dụ : năm phép thần thông trong Thiền tông, linh phù trong Mật tông của Phật giáo). Hơn thế nữa, các chuyên gia về y khoa và tâm bệnh cho thấy rằng những hiện tượng này có thể xảy ra nơi những chủ thể lành mạnh và thánh thiện, cũng như nơi những chủ thể mắc tâm bệnh hay suy nhược tâm thần[8], đó là chưa nói đến những trường hợp ảo thuật, ảo giác, hoặc đánh lừa dư luận.

2/ Dưới phương diện thần học, vấn đề khó khăn được nêu lên do nguồn gốc của các hiện tượng đó. Chúng có thể bắt nguồn từ Thiên Chúa, hoặc bởi ma quỷ, hay chỉ là phía đương sự hoặc vô tình hay cố ý. Đây là cả một vấn đề được đặt ra cho việc Aphân định thần khí@.

Khi nghe đồn về một “hiện tượng” nào đó xảy ra, việc đầu tiên phải làm là cần kiểm chứng thực hư thế nào (có sự kiện đó không). Bước kế tiếp là tìm cách giải thích theo những nguyên nhân khoa học (vật lý, y khoa, tâm lý). Sau đó, người ta mới bước sang lãnh vực siêu nhiên: sự kiện bắt nguồn từ Thiên Chúa hay từ ma quỷ, hay do óc tưởng tượng của đương sự. Một yếu tố giúp không nhỏ cho tiến trình này là nếp sống đạo hạnh của đương sự (một con người đơn sơ, khiêm tốn, hay muốn được nổi tiếng?).

Khỏi nói ai cũng biết, công cuộc “điều tra” này không đơn giản. Trong bài viết của Hồng y Joseph Ratzinger (khi còn làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin) nhân dịp công bố “bí mật” Fatima (ngày 13 tháng 5 năm 2000) nêu lên vài khó khăn như sau[9]. (1) Khi nói đến “thị kiến” (visio), các nhà thần học phân biệt ba hình thức: a) khả giác (hình ảnh bên ngoài: sensibilis); b) hình ảnh tưởng tượng (imaginativa); c) trong trí tuệ (intellectualis). Thật khó mà khẳng định chắc chắn rằng một đương sự thật sự thấy Đức Mẹ hiện ra như một nhân vật hữu hình trước mắt, hay chỉ trong óc tưởng tượng, hoặc chỉ trong tâm trí. (2) Một khó khăn nữa là sứ điệp của thị kiến thường mang tính biểu tượng, do đó không thể lúc nào giải thích theo nghĩa đen, đặc biệt khi bàn đến chuyện tương lai.

C. Ý nghĩa thần học

Các hiện tượng thần bí có thể được phân tích dưới hai góc độ: một là dưới góc độ ân huệ của Thiên Chúa nói chung, hai là dưới góc độ huyền bí nói riêng.

1/ Hiện tượng huyền bí như ân sủng.

Dựa theo thánh Tôma Aquino, nhiều tác giả và ngay cả Hồng y Ratzinger khi chú giải sứ điệp Fatima, đã đọc các hiện tượng này trong khung cảnh của các đặc sủng, cách riêng là ơn tiên tri.  Nên biết là thánh Tôma phân biệt hai loại ân sủng. Loại thứ nhất  (gratia gratum faciens) giúp cho con người nên thánh thiện (dịch là “thánh sủng” thì khá sát ý, bao gồm cả bảy ân huệ Thánh Linh), cần thiết cho tất cả mọi người sống trong tình nghĩa với Chúa. Loại thứ hai (gratia gratis data) được ban cho một số người không vì công trạng của họ nhưng nhằm đến công ích xã hội (vì thế được dịch ra tiếng Việt là “đặc sủng” hay “đoàn sủng”. Sự khác biệt quan trọng nằm ở chỗ những người lãnh nhận đặc sủng chưa chắc đã đẹp lòng Chúa và được cứu độ, dựa theo lời cảnh cáo của Mt 7,21-23. Đến ngày phán xét, họ thưa với Chúa: “Lạy Chúa, chúng con đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri… trừ quỷ .. làm phép lạ đó sao?”, và họ nghe tiếng đáp lại: “Ta không biết các ngươi”.

Thử hỏi: có bao nhiêu đặc sủng? Đâu ai dám trả lời. Thế nhưng, dựa theo 1Cr 12,8-10, thánh Tôma dám đưa ra một danh mục 9 đặc sủng, kèm theo việc giải thích ý nghĩa của chúng.

Các đặc sủng được phân làm ba nhóm: một là để biết (mặc khải), hai là để nói (công bố), ba là để làm (chứng minh).

  1. a) Loại thứ nhất được gọi là mặc khải, tức là ánh sáng trong tâm trí. Trong loại này có thể kể đến ơn ngôn sứ, là một thứ tri thức được Thiên Chúa ban cho trí tuệ của ngôn sứ, như là một thứ giáo huấn. Sự hiểu biết này vượt quá khả năng tự nhiên của trí óc con người. Ơn ngôn sứ do Thánh Linh ban, đôi khi qua trung gian của các thiên sứ, và có thể mang nhiều hình thức khác nhau (tựa như: hình ảnh, giấc mơ, thị kiến, ánh sáng trí tuệ).

Ơn mặc khải có thể mang ba hình thức: (i) lời dạy (x. 1Cr 12,8), hay nói tiên tri (x.1Cr 12,10); (ii) xuất thần (x. 2Cr 12,2-4), qua đó con người được Thần khí Chúa đưa lên các thực tại siêu nhiên, thoát ra khỏi giác quan, giống như thị kiến mà ông Edekiel đã kể lại (Ed 8,3); (iii) phân định thần khí, nghĩa là khả năng phân biệt các thần khí khác nhau, để nhận ra tinh thần nào thúc đẩy một người nào nói hoặc làm điều gì (có phải là tinh thần bác ái, hay là ghen tương).

  1. b) Loại thứ hai bao gồm những ơn thuộc lãnh vực công bố. Thật vậy, khi Thiên Chúa mặc khải cho người nào thì không chỉ nhằm soi sáng cá nhân họ, nhưng còn nhằm soi sáng những người khác, nhờ việc giảng dạy. Vì thế, cần phải có ơn “ngôn ngữ” (nói). Trong loại này, có thể kể đến ơn nói tiếng nước ngoài (xenoglossia), nghĩa là nói được ngôn ngữ của thính giả cho họ hiểu; điều này khác với ơn “glossolalia” được nói đến ở 1Cr 14,14 (ơn nói tiếng lạ trong buổi cầu nguyện, và cần đến người giải thích). Cũng có thể kể vào loại này ơn giải thích những giấc mơ như trường hợp của ông Giuse (St 40,8) và Đaniel (Đn 5,16). Thánh Tôma cũng xếp trong loại này ơn thông tuệ và hiểu biết (hoặc có thể dịch là: khôn ngoan và hiểu biết, xc Is 11,2): ở đây không hiểu về chính tri thức, nhưng là khả năng diễn đạt cách thông minh khôn khéo để thuyết phục người nghe.
  2. c) Loại thứ ba gồm những ơn để minh chứng rằng lời giảng thuyết đến từ Thiên Chúa. Điều này được thực hiện qua các phép lạ, tựa như chữa bệnh. Những ơn này không những thúc đẩy người nghe chấp nhận lời giảng vì nhận ra nguồn gốc siêu nhiên của việc làm, nhưng cũng có thể giúp cho người nghe được củng cố thêm trong đức tin.

Theo lối giải thích này, các hiện tượng huyền bí có chức năng là góp phần vào việc mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa, nhờ sự hiểu biết, diễn giảng chân lý, hoặc củng cố bằng những dấu hiệu hữu hình. Chúng mang một chiều kích Giáo Hội, bởi vì tham gia vào sứ vụ của Giáo Hội.

2/ Hiện tượng huyền bí dưới viễn tượng kết hiệp với Thiên Chúa

Như đã nói trên, vào thời cận đại, nhiều tác giả đồng hóa các “hiện tượng” với “cảm nghiệm” huyền bí. Theo bản chất, cảm nghiệm huyền bí là một ân huệ diễn ra trong tương quan thân mật của con người với Thiên Chúa. Thế nhưng, trong điều kiện nhân sinh hiện tại, con người là một toàn bộ gồm có linh hồn với các quan năng trí tuệ và ý muốn, cũng như thân xác với các quan năng của nó. Điều gì xảy ra trong thâm tâm của con người sớm muộn cũng gây ảnh hưởng đến toàn thể. Nói cách khác, các cảm nghiệm huyền bí thường kèm theo hệ quả đối với tất cả các chiều kích của con người.

Như đã nói ở nhập đề, chúng ta cần phân biệt “thực chất” của huyền bí với những “diễn ngữ” của nó. Các hiện tượng cũng là một thứ diễn ngữ. Các diễn ngữ bộc lộ thực chất, nhưng không đồng hóa với thực chất.

Chúng tôi xin mượn hai nhận xét của một vị thánh nổi tiếng về thần học huyền bí, thánh Gioan Thánh Giá, để kết luận bài này. Ngài lưu ý chúng ta hai điều[10]:

– Thứ nhất : cần phân biệt giữa Aân sủng@ và Ahiện tượng@. Ân sủng đưa chúng ta đến kết hiệp với Thiên Chúa; các hiện tượng gây ra do giới hạn của cấu trúc con người, và làm ngăn cản sự kết hiệp.

– Thứ hai : các hiện tượng không xảy ra vào lúc bắt đầu đời sống tâm linh, bởi vì lúc ấy con người chưa quen biết với thế giới siêu nhiên; các hiện tượng cũng không xảy ra vào những cấp độ chót (đây là một chủ trương khác với thánh Têrêxa Avila)[11], nhưng là vào giai đoạn nửa chừng, khi con người chưa quen thuộc với việc Thiên Chúa tự thông ban.

Sau cùng, chúng ta đừng quên rằng “hiện tượng” có khả năng diễn tả thực chất huyền bí hơn cả là việc thực hành đức ái, không những trong tương quan với Thiên Chúa mà còn trong tương quan với tha nhân nữa.

——————————————-

Thư mục

AA.VV., La Mistica. Fenomenologia e riflessione teologica, Città Nuova Editrice, 2 vol., Roma 1984.

AA.VV., Mistica e misticismo oggi, Roma 1979.

BECATTINI, Esperienza mistica e fenomeni mistici: Linee di interpretazione psicologica, in “La Mistica, II”, pp. 387-447.

DE SUTTER, Mistica, in “Dizionario Enciclopedico di Spiritualità”, Città Nuova Editrice, Roma 1990, pp. 1625-1631.

EGAN, I mistici e la mistica. Antologia della mistica cristiana, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 1995.

TRITSCH, Introduzione alla mistica. Fonti e documenti, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano, 1995.

————————————–

[1] W. James, Las variedades de la experiencia religiosa [1902], Península, Barcelo­na, 1986, p. 287.

[2]         Federico Ruiz Salvador, Caminos del Espíritu, (5ª ed.), Ed. de Espiritualidad, Madrid 1998.  – Juan Martin Velasco, El fenómeno místico (2ª ed.), Trotta, Madrid 2003. – Giovanni Moioli, art. “Mistica” in: Nuevo diccionario de espiritualidad,  Paulinas, Madrid 1983.

[3]         Canto dell’anima che gioisce di conoscere Dio attraverso la fede.

[4] Subida, lib.I, c.13.

[5] Chú thích của người dịch. Có nhiều cách để so sánh ba cấp độ này, chẳng hạn như theo thánh Bênađô: Thánh Bênađô diễn tả ba cấp độ của huyền bí dựa theo hình ảnh ba cách hôn Chúa (In Cantica Canticorum, s.1-9,n.3). Thứ nhất là hôn chân Chúa, tương ứng với trình độ các hối nhân. Thứ hai là hôn tay Chúa, tương ứng với trình độ những người đã mang lại nhiều hoa trái của sự hoán cải. Thứ ba là hôn miệng Chúa, tượng trưng cho sự kết hiệp cao cấp nhất. Trình độ này tương ứng với việc Thánh Linh được phú ban cho linh hồn, đốt cháy bừng lửa sốt mến.

[6] Xc. Summa Theologica I-II, q.68.

[7] A. Royo Marin O.P., Teologia de la perfección cristiana, BAC Madrid 1954, p.887-945.

[8] Có những người vốn đã mắc tâm bệnh và từ đó phát sinh những ảo tưởng; tuy nhiên cũng có thể xảy ra trường hợp một người nhận được ơn kết hiệp đích thực, nhưng vì cơ thể yếu nhược cho nên sinh ra bệnh tâm thần. Vì thế sự phân định không đơn giản. Xc. R. Zavalloni, Grazia e fenomeni mistici, in : AA.VV. Vita cristiana ed esperienza mistica, Roma 1982, p.159-182.

[9] Congregation for the Doctrine of the Faith, The Message of Fatima. https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20000626_message-fatima_en.html.

[10] Subida del Monte Carmelo, lib.II, 11-12; Noche oscura II parte, c.1,2.

[11] Thánh nữ Têrêxa đã dành 11 chương để  bàn về các hiện tượng thần bí ở” Căn thứ sáu” của Lâu đài nội tâm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here