Cái Nhìn Của Hegel Và Kierkegaard Về Con Người

0
5783


Quang Huyền, OFM.

I. DẪN NHẬP

Nếu triết học có mục đính đi tìm kiếm ý nghĩa của thực tại, thì vấn đề con người là một mối bận tâm nhất của tất cả các triết gia. Đúng thế, các câu hỏi: Con người là gì? Sự hiện hữu của nó trong thế giới có ý nghĩa gì không? Và kết cục con người sẽ đi về đâu?… Đó là những vấn nạn đã được đăt ra cho con người qua mọi thời đại. Nó đã thôi thúc biết bao nhiêu nhà triết học dấn bước vào con đường suy tư và kiếm tìm câu trả lời. Kết quả của những suy tư mà họ mang lại là một hệ thống tri thức triết học bàn về con người trải dài trong lịch sử triết học, như những bông hoa thơm ngát trong vườn hoa tri thức của nhân loại, giúp giải mã huyền nhiệm con người.

Tuy nhiên, vấn đề con người vẫn luôn luôn là một đề tài “dở dang” và đang bỏ ngỏ. Đến cuối thời cận đại triết gia người Đức Hegel đã đưa ra một cái nhìn rất thú vị về con người trong tổng hợp triết học đồ sộ của ông. Sau đó không lâu, Kieheggard đã bác bỏ quan điểm của Hegel về con người và đưa ra những quan niệm mang tính hiện sinh về con người.

Vậy đâu là quan điểm của hai tác giả này về con người? Trong phạm vi bài viết này xin được đề cập đến cái nhìn của Hegel và Kierkegaard về con người với những nét tương đồng và dị biệt, để làm nổi bật chân dung con người trong kiếp nhân sinh.

II. SƠ LƯỢC QUAN ĐIỂM CỦA CÁC TRIẾT GIA TIÊU BIỂU VỀ CON NGƯỜI TRONG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC

Điểm lại những nét tiêu biểu của các quan điểm khác nhau về con người theo dòng lịch sử triết học là một việc làm cần thiết, nhằm giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về quan điểm về con người của hai tác giả mà chúng sẽ đi sâu tìm hiểu trong bài viết này.

1. Thời Cổ đại

Nếu các triết gia tiền Socrates quan tâm đặc biệt đến vấn đề vũ trụ luận và hầu như bỏ quên con người, thì đến thời Socrates và các nhà triết học Ngụy Biện mới bắt đầu quan tâm đến vấn đề con người.

Socrate (470-399 B.C) cho rằng thân thể con người đến từ thế giới của vật chất, nhưng lý trí của nó thì đến từ Lý Trí Phổ Quát hay Tâm trí của thế giới. Ông nhấn mạnh giá trị của linh hồn trong ý thức của chủ thể suy tư và ước muốn, và ông cũng thấy rõ tầm quan trọng của hiểu biết, khôn ngoan đích thực, nếu như linh hồn đã được chăm sóc cách đúng đắn. Con người theo ông là con người của đạo đức học.

Sau đó, học trò của Socrate là Platon (428-348 B.C) quan tâm đến con người như là chủ thể tri thức có xác và hồn. Theo đó:“Con người giống như một thiên thần bị đầy đọa ở trần gian”. Con người của Platon là con người cao cả vì nó có “bản chất thật” trong thế giới ý niệm. Người ta nói rằng Platon đã tung con người lên trời và gắn cho nó những phẩm chất cao cả.

Đến thời Aristotle thì quan điểm con người lại bị hạ xuống mặt đất. Ông đã định nghĩa, “con người là con vật có lý trí”. Con người chính là một phần trong vũ trụ và vũ trụ là trung tâm điểm. Cùng đích của con người là hạnh phúc. Quan điểm của Aristotle về sau sẽ ảnh hường rất lớn trên các nhà triết học Kinh viện nhất là Thomas Aquinas.

2. Thời Trung Cổ

Thánh Augustine (354-430), gọi con người là “huyền nhiệm lớn lao”. Con người đến từ Thiên Chúa và mong ước trở về với Ngài: “Hồn con vẫn khắc khoải bao lâu chưa trở về với Ngài”.

Thánh Thomas Aquinas nói về con người như là một hữu thể tồn tại trong một thế giới riêng, và nói về Thiên Chúa như là Đấng mà trong Ngài bản chất và hiện hữu chỉ là một. Vạn vật và con người đều được cấu trúc bởi hai yếu tố chất thể và mô thể. Con người trỗi vượt hơn các sinh vật không có linh hồn. Cứu cánh cuối cùng của con người là Thiên Chúa.

Thánh Bonaventura cho rằng người là phản ảnh (similitude) của Thiên Chúa, là vương miện của tạo vật. Được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, con người giống Thiên Chúa nhất. Con người là tạo vật có thể xác và tinh thần, có thể biết Thiên Chúa tự bẩm sinh lẫn kinh nghiệm [2].

Tóm lại, các tác giả thời Trung cổ tiếp nối những quan điểm của các triết gia cổ đại về con người và đã làm cho nó trở nên xin đẹp và cao quý hơn, khi xem xét con người trong tương quan với Đấng Sáng tạo và Cứu chuộc.

3. Thời cận đại [3]

Đến thời cận đại triết học ngày càng tách rời khỏi thần học và đi tìm một nền tảng cho mình, đã có một cái nhìn khác hơn về con người. Các triết gia cận đại có cái nhìn về con người theo nhãn quan chật hẹp của khoa học nhiều hơn.

Được mệnh danh là ông tổ của triết học duy lý, Decaster quan niệm rằng con người là sản phẩm của tư duy “Tôi suy tư, tôi hiện hữu”. Quan điểm này như thu hẹp con người lại trong thế giới của “óc não” mà quên mất mọi chiều kích khác của con người.

Còn D. Hume là đại diện của trường phái duy nghiệm, có khuynh hướng đi ngược với duy lý, đã xây dựng khoa học về con người qua việc sử dụng các phương pháp khoa học vật lý. Nhưng ông đã giới hạn khả năng của lý trí con người, khi cho rằng các ý tưởng của con người chỉ đến từ kinh nghiệm mà thôi.

E. Kant là người cùng thời với Hegel đã chứng kiến cơn lốc của khoa học, ông nhận ra ở đó một cố giắng bao quát mọi thực tại, kể cả bản chất của con người trong khuôn khổ máy móc của nó. Trong khi chủ trương “thu hẹp lý trí để nhường chổ cho đức tin”. Ông đã cố gắng nối kết các tưởng của các nhà duy lý và duy nghiệm để hình thành tư tưởng triết học của mình. Vì thế ông đã vực dậy siêu hình học. Quan điểm về con người của ông cũng nằm trong luồng tư tưởng đó, là chủ thể của đạo đức và bổn phận. Ông đã đặt một giá trị lớn lao trên những trách nhiệm luân lý và phẩm giá con người. Tuy nhiên, trong khi ông thu hẹp lý trí để nhường chổ cho đức tin, vô tình đã giới hạn khả năng nhận trức của lý trí vào trong các phạm trù của lý trí thuần túy.

III. QUAN ĐIỂM CỦA HEGEL VÀ KIERKEGGARD VỀ CON NGƯỜI

1. Quan điểm của Hegel về con con người [4]

George Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831) là một triết gia duy tâm người Đức, chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng của Kant, một phần từ các tác phẩm của Heraclitus và Spinoza. Ông triển khai di sản triết học của Kant và hình thành nên thuyết duy tâm siêu hình học của mình.

• Con người và khả năng lớn lao của lý trí con người

Hegel đã thiết lập mệnh đề tổng quát rằng “cái gì có lý tính là hiện thực và cái gì hiện thực là lý tính”, từ mệnh đề này ông đi đến kết luận rằng bất cứ cái gì tồn tại đều có thể hiểu được. Điều này ông đi ngược lại với những gì mà Kant đã đề cấp đến nhưng cho là không thể giải quyết được trong nhận thức của lý trí thuần tuý như: Vấn đề Thượng Đế, Bản Ngã và Vũ trụ. Bằng tổng hợp triết học đồ sộ của mình, Hegel tin lý trí con người có thể lý giải tất cả mọi vấn đề của thực tại.

Riêng vấn đề con người, khác với Kant, Hegel cho rằng các phạm trù không phải như là những quá trình của tinh thần mà như là những thực tại khách quan có sự tồn tại độc lập với cá thể tư duy [5]. Ông xem xét những chủ đề về sự tha hóa của con người khỏi Thượng Đế và sự phục hồi của sự duy nhất bị đánh mất giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, sự vô hạn này là đời sống sáng tạo vốn ôm ấp mọi tư tưởng trong một vũ trụ duy nhất và đó chính là Thượng Đế hay Toàn Thể hoặc là Thực tại như là một toàn thế.

Trong tác phẩm chính đầu tiên của ông là Hiện tượng luận về tinh thần (Phenomenology of the Spirit), Hegel đề cập đến khả năng biện chứng của con người, “khởi đi với những mức độ thấp nhất của ý thức và công trình của con người một cách biện chứng hướng đến mức độ mà ở đó tâm trí con người đạt tới quan điểm tuyệt đối” [6].

• Con người trong tương quan với nhà nước

Hegel cũng xem xét con người trong tương quan với nhà nước. Theo ông giữa cá nhân và nhà nước có hai biện chứng, đó là gia đình và xã hội, vì thế: “Con người có được hiện hữu là nhờ nhà nước” và nhờ quá trình biện chứng.

Hegel chủ trương nhà nước là một cơ quan tìm cách phát triển ý niệm tự do tới mức tối đa, và cá nhân chỉ đạt sự tự do khách quan khi mỗi cá nhân cũng làm như thế [7]. Ông quan niệm giá trị của con người tùy thuộc sự đáp ứng sáng tạo của họ trước sự khai mở của ý niệm tự do. Hegel cho rằng các cá nhân có ý thức về tự do và diễn tả tự do của họ một cách cụ thể nhất bằng hành vi ý chí. Ông coi ý chí và lý trí gần đồng nghĩa với nhau “chỉ khi trí tuệ suy nghĩ, ý chí mới là ý chí tự do” [8]. Theo ông tự do cao nhất khi cá nhân hành động theo ý chí phổ quát, hợp lý với toàn thể xã hội.

Ông quan niệm rằng quá trình biện chứng đến mức nào đó sẽ xuất hiện của một tình trạng không xung đột: nếu không còn xung đột thì sẽ không còn biến dịch nữa. Ông xem đó là một xã hội hữu cơ, trong đó mỗi cá nhân là một bộ phận chức năng hài hoà với toàn bộ, họ tuỳ thích phụng sự lợi ích của một toàn thể lớn hơn bản thân họ rất nhiều. Ông tin rằng một xã hội như thế hoàn toàn vượt quá những giá trị của chủ nghĩa cá nhân tự do: “nhà nước là ý niệm của tinh thần trong sự biểu hiện bên ngoài của ý chí con người và tự do của nó” [9].

Tóm lại, Hegel đã có công “cứu” lý trí con người khỏi quan điểm chật hẹp của các triết gia Duy Lý và Duy Nghiệm trước ông. Ngoài ra, Hegel đã có công nối kết tư tưởng của hai trường thái triết học này trong khi xây dựng quan điểm độc đáo của riêng mình.

Bên cạnh đó ông cũng đã đi ngược lại quan điểm của Kant về khả năng giới hạn nhận thức của con, bằng cách đề cao khả năng to lớn của lý trí con người trong khi nhận thức mọi thực tại. Theo Hegel “bất cứ cái gì tồn tại thì đều có thể hiểu được”. Tuy vậy, chúng ta cũng nhận thấy những hạn chế của Hegel trong quan điềm về con người. Điều này về sau Kierkegaard đã phản đối kịch liệt bằng nỗ lực triết học của ông

2. Quan điểm của Kierkggard về con người [10]

Soren Kierkegaard (1813-1855) được coi là cha đẻ của triết học hiện sinh và là một nhân vật quan trọng tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển của triết học Châu Âu. Nội dung chủ yếu của bước ngoặc mà Kierkegaard thực hiện là lấy tồn tại cá nhân cô độc, phi lý tính, thay thế tồn tại của vật chất khách quan và ý thức lý tính, lấy đó làm xuất phát điểm của toàn bộ triết học. Ông cũng đã có phản ứng lại tư tưởng của các triết gia cổ đại và nhất là Hegel về con người và đã xây dựng một hệ tư tưởng triết học hướng về con người hiện sinh.

• Con người trong tình huống hiện sinh

Kierkegaard quan tâm đến con người trong tình huống hiện sinh. Ông phân biệt giữa hai tình trạng hiện tại của một người, nghĩa là bây giờ họ đang là gì, và họ phải là gì, hay cốt yếu là gì. Ông cho rằng có một chuyển động trong đời sống một người từ tình trạng bản chất sang tình trạng tồn tại. Qua phân tích tâm lý sâu xa, ông làm nổi bật sự lo âu của con người về tính hữu hạn của họ như là nguyên nhân làm họ trở nên xa lạ hay tha hóa với hiện hữu có tính bản chất của họ. Con người luôn cảm nhận sự bất an và hữu hạn của nó.

Kierkegaard còn cho rằng con người hiện sinh là diễn viên chứ không phải là khán giả, nghĩa là chính con người ấy luôn đứng trước các khả năng đa dạng hoặc là – hay là và định hướng đi tích cực cho đời sống với tất cả sự chọn lựa của mình.

Trong phân tích con người hiện sinh, Kierkegaard hiểu con người theo quan điểm của Kitô giáo. Theo đó, bản chất của con người bao gồm mối quan hệ với Thiên Chúa, Đấng vô hạn. Ông tin rằng thân phận của con người hiện sinh là hậu quả của việc họ xa rời Thiên Chúa, và càng xa rời Thiên Chúa thì họ càng dấn sâu vào sự tha hoá, thất vọng và ngày càng tệ hại hơn.

Tuy vậy, sự tha hoá này cũng tạo ra nơi con người một động lực để phục hồi bản ngã bản chất của mình. Quá trình chuyển động của bản ngã là đi từ một bình diện tồn tại này sang một bình diện tồn tại khác bằng hành động của ý chí và và chọn lựa, để có thể đạt được sự tồn thực sự của bản ngã.

• Ba giai đoạn trưởng thành của con người hiện sinh

Theo Kierkegaard, con người hiện sinh trưởng thành qua ba giai đoạn: giai đoạn thẩm mỹ, giai đoạn đạo đức và giai đoạn tôn giáo.

Ở gia đoạn Thẩm mỹ, một cá nhân có thể tồn tại vì họ quyết định chọn làm con người thẩm mỹ. Thường ở giai đoạn này con người hành động theo cảm xúc của mình và động lực chính là muốn hưởng thụ. Vì thế cá nhân không thể tạo ra bản ngã đích thực của mình, không thể dẫn đến tồn tại đích thực. Họ phải đối diện với sự chọn lựa hoặc là – hay là, hoặc là tiếp tục ở bình diện này với các cám dỗ nguy hiểm hay là đi đến giai đoạn tiếp theo.

Ở giai đoạn Đạo đức, con người nhận ra và chấp nhận các quy tắc hạnh kiểm mà lý trí đưa ra. Hơn nữa, con người đạo đức phải chấp nhận những giới hạn và trách nhiệm đạo đức ràng buộc cho đời sống họ. Kierkegaard cho rằng: “Con người đạo đức nhận ra rằng trong thực tế, họ không có khả năng chu toàn luật đạo đức, rằng họ cố tình vi phạm luật đó, và vì thế họ trở nên ý thức về tội lỗi của họ” [11]. Chính mặc cảm tội lỗi lại đặt con người trước chọn lựa hoặc là – hay là. Họ có thể ở lại bình diện đạo đức hoặc là bước sang giai đoạn mới là ý thức giới hạn của họ và sự xa lìa Thiên Chúa là Đấng mà họ thuộc về và sứ mạnh của họ phải đến từ Ngài. Muốn qua giai đoạn mới này, con người cần phải có một sự dấn thân, một cú nhảy đức tin.

Ở gia đoạn Tôn giáo, cú nhảy đức tin đưa con người vào sự hiện diện của Thiên Chúa, không phải vị Thiên Chúa của lý trí triết học, nhưng là chủ thể. Quan hệ giữa Thiên Chúa và một cá nhân là một kinh nghiệm độc nhất vô nhị và chủ quan. Qua đó Kierkegaard muốn nhấn mạnh rằng cách duy nhất để vượt quan khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người không phải bằng lý trí nhưng bằng đức tin.

Tóm lại, con người của Kierkegaard là con người hiện sinh bị “ném vào thế giới này”, nhưng được thúc đẩy đi tìm ý nghĩa của cuộc đời. Đức tin là hậu quả của tình huống hiện sinh, là ân sủng và là nhu cầu giúp con người vượt qua được giới hạn của tình huống hiện sinh là cái chết, sự không hiện hữu, sự không tồn tại.

Theo ông, hiện sinh phải là hiện sinh đích thực nên con người phải vượt qua giai đoạn thẩm mỹ, đạo đức để đi tới giai đoạn tôn giáo. Hơn nữa, Kierkegaard tin rằng con người hiện sinh là một cá nhân hiện diện trước mặt Thiên Chúa và là một con người giữ vững đức tin của mình.

3. Một vài so sánh và nhận định

Quan điểm của Hegel và Kierkegaard về con người là một tương phản trên trên thực tế. Cụ thể là Kierkegaard tìm mọi cách để phản bác lại quan điểm của Hegel.

• Xét về mặt phương pháp

Khi phân tích tư tưởng của Kierkegaard về “ba giai đoạn trưởng thành của con người hiện sinh”, ta thấy xuất hiện một sự tương phản với lý thuyết của Hegel về sự phát triển tiệm tiến của sự tự ý thức của con người. Trong khi Hegel triển khai chuyển động biện chứng của tinh thần khi nó đi từ một giai đoạn của ý thức trí tuệ tới một giai đoạn khác qua tiến trình tư duy. Đối lại, Kierkegaard mô tả chuyển động của bản ngã từ một bình diện tồn tại sang một bình diện tồn tại khác bằng một hành vi của ý chí, một hành vi chọn lựa. Trong khi đó, chuyển động biện chứng của Hegel đi dần tới tri thức về Tinh thần tuyệt đối, thì biện chứng của Kierkegaard bao gồm sự thể hiện tiệm tiến của cá nhân trong các giai đoạn trưởng thành của cá nhân hiện sinh.

Ở điểm khác, Hegel khắc phục phản đề bằng một hành vi của khái niệm, thì Kierkegaard khắc phục nó bằng hành vi dấn thân của cá nhân.

Chúng ta nhận thấy hai tác giả sử dụng phương phát biện chứng (Hegel thì triệt để hơn), nhưng đã dẫn đến những kết luận khác nhau trong khi nói về con người.

• Trong khi quan niệm về con người

Đối với Hegel không có cái gì gọi là cái đặc thù mà chỉ là cái tổng thể. Vì vậy: “Mỗi người chỉ là một khoảnh khắc của hài hước, bạn là khoảnh khắc do sự trả đũa của lãng mạn thuyết, bạn là giai đoạn của chủ thể tính, một khoảnh khắc sẽ bị vượt qua và tất nhiên luôn luôn sẽ bị vượt qua [12]”. Ông dựa trên lý trí để xây dựng những hệ thống bao trùm tất cả; với luận đề “cái có thực là hợp lý và cái hợp lý thì có thực” và như vậy con người cụ thể không còn chỗ đứng. Lối suy tư ấy đã giản lược tính đặc thù của con người vào một hệ thống, hợp lý hoá đời sống theo một khuôn khổ nào đó đã có sẵn. Đời sống con người trở thành một mắt xích, một bộ phận trong một toàn thể. Và như vậy, vô tình Hégel đã đã bóp chết cái cá biệt, cái đặc thù và hiện sinh của từng cá nhân cụ thể trong hoàn cảnh sống của họ.

Trong khi đó, Kierkegaard đã không chấp nhận học thuyết của Hégel. Ông đề cao con người hiện sinh, nghĩa là đề cao con người cá biệt, con người với định mệnh riêng tư của nó. Người ta coi triết học của Kierkegaard là một ngành triết học cá nhân. Không có hai người hoàn toàn giống nhau, cho nên chỗ đứng của mỗi người là hoàn toàn riêng biệt, không thể thay thế. Khi nói “tôi”, mỗi người chúng ta biết chắc mình không thể bị đồng hoá với bất cứ ai dù là anh em ruột thịt hay vợ chồng đi nữa, lại càng không thể đồng hoá với nhân loại [13].

Hơn nữa, Kierkegaard quan niệm con người hiện sinh trong khi đi tìm hạnh phúc luôn gặp phải những giới hạn hiện sinh, càng tiến gần tới giới hạn này thì càng bị thúc bách phải tìm kiếm, phải chọn lựa và phải tạo ra một ý nghĩa cho cuộc sống. Nhờ cú nhảy đức tin con người mới có khả năng đi vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Nhưng tin không phải là kết quả của lý luận, nhưng là một lựa chọn, một sự dấn thân, một bước nhảy vọt, nghĩa là khi chọn lựa con người không thể biết đích xác điều mình chọn lựa trong tương lai sẽ ra sao, liệu có theo như ý mình hay không. Nên việc chọn lựa là một sự liều lĩnh, một cú nhảy vọt trong sự đam mê.

Tuy rằng, Kierkegaard đã có công phản ứng lại những thái quá của Hegel về con người và thuyết duy tâm tuyệt đối của Hegel, nhưng ông đã phản ứng có phần hơi thái quá dẫn đến việc đặt vấn đề đức tin hoàn toàn đối nghịch với lý trí, hay ông đối lập cuộc sống với tri thức. Đây là những sự tách biệt thật đáng tiếc.

• Ảnh hưởng đến cộng đoàn và cá nhân

Cả Hegel và Kierkegaard khi quan niện về con người đều chịu ảnh hưởng quan điểm của Kitô giáo về con người.

Hegel bỏ rơi con người tự do, con người cá nhân, nhưng ông đã bênh vực khả năng “cao cả” của lý trí con người và nhất là tính xã hội rộng lớn của con người. Những điều này có ý nghĩa quan trọng trong một thế giới người ta đề cao chủ nghĩa cá nhân “quá lố” mà quên đi trách nhiệm của cá nhân trong khi xây dựng cộng đồng.

Còn Kierkegaard khi quan niệm cá nhân như là một con người mang tính cá biệt, nhấn mạnh đến chiều kích cụ thể đặc thù, trong chọn lựa và dấn thân của mỗi người để thể hiện mình khi đối diện với Thiên Chúa là ông đã đi rất gần với quan niệm của Kitô giáo về con người. Một con người có tính cá biệt độc nhất vô nhị trước mặt Thiên Chúa, có tự do và trách nhiệm trong việc sử dụng lý trí để sống cách tích cực và hết mình trong cuộc nhân sinh. Đây là “liều thuốc bổ”, cho những cộng đồng luôn tự hào về tinh thần tập thể, tự do dân chủ, nhưng “quên lãng” con người cá nhân với những quyền căn bản của họ.

Bài học của hai triết gia cho sự phát triển tốt hơn của cộng đồng cũng là bài học cho mỗi cá nhân vì rằng, muốn xây dựng cộng đồng tốt phải khởi đi từ những nỗ lực của các cá nhân.

IV. KẾT LUẬN

Từ việc nghiên và so sánh quan niệm của Hegel và Kierkegaard về con người, người viết nhận thấy cả hai tác giả đều mong muốn đặt con người ở một vị trí cao hơn trong tương quan với Đấng Vô Biên. Tuy nhiên, Hegel quá đề cao khả năng lý trí của con người và đưa con người vào trong biện chứng của quá trình phát triển của Tinh thần tuyệt đối. Vô tình ông đã “bỏ quyên” con người cá nhân, con người riêng biệt với những giới hạn hiện sinh của nó. Vì thế con người cá nhân, như bị “tan biến” trong thực tại tinh thần.

Trong khi đó, Kierkegaard lại nỗ lực “trám” những lỗ hổng của Hegel về con người khi đề cao con người cá nhân. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến chiều kích cá biệt đặc thù của mỗi cá nhân. Sự tự do, chọn lựa, và dấn thân của mỗi cá nhân để thể hiện mình như là một cá thể đặc thù, đối diện với Thiên Chúa cách cô độc. Khi nhấn mạnh đến khía cạnh cá nhân, Kierkegaard tin rằng con người đang trên tiến trình hình thành chính mình trong các lựa chọn và dấn thân.

Sự bổ túc của Kierkegaard cho Hegel đã cho chúng ta một bức tranh khá mới về con người, các triết gia hiện sinh khác đã bắt đầu từ đó để khai triển nhiều quan điểm phong phú hơn về con người hiện sinh trong thế giới sống của nó. Người viết nhận thấy rằng sự bổ túc của Kierkegaard làm cho chân dung con người ngày càng rõ hơn về chiều kích siêu việt và chiều kích yếu đuối của nó trong tương quan với Thượng Đế và anh em đồng loại. Bên cạnh đó, người viết cũng nhận thấy, Hegel và Kierkegaard chịu ảnh hưởng của Kitô giáo, nên khi đưa ra những quan điểm về con người, thì giống như những người sống trong lâu đài, mô tả về lâu đài mình đang sống, điều này sẽ trung thực hơn là một người xa lạ ở ngoài lâu đài, lần mò, quan sát và mô tả cũng chính lâu đài đó.

 

—————————————————-

Chú thích:

[1] X. Nhân Học Triết học, bản dịch cuốn Philosophy of Man, của Lê Đình Trị, tài liệu môn Nhân học, 2003, tr 7.

[2] X. Nhân học Phan sinh, phần Bonaventure, tr 35.

[3] Tham khảo, Triết học và các luận đề. Nxb Lao động Hà nội, 2004.

[4] Triết học và các luận đề. Nxb Lao động Hà nội, 2004.

[5] X. Sách đã dẫn, tr 267.

[6] X. Sách đã dẫn, tr 268.

[7] X. Triết học và các luận đề. Nxb Lao động Hà nội, 2004, tr 273.

[8] Triết học và các luận đề. Nxb Lao động Hà nội, 2004, tr 272.

[9] Triết học và các luận đề. Nxb Lao động Hà nội, 2004, tr 274.

[10] Tham khảo. Trang 381-387

[11] Triết học các lậun đề, tr 384.

[12] Lm Nguyễn Hồng Giáo – Triết học hiện sinh – Giáo trình lịch sử triết học – Học viện Phanxicô – tr.11.

[13] X. Sđd, tr 12.