CÁC VĂN KIỆN GIÁO HỘI VỀ TRUYỀN GIÁO

2
2114

Bình Hòa

Thật khó liệt kê tất cả các văn kiện liên quan đến truyền giáo. Ở đây chỉ giới hạn vào những văn kiện thường được nhắc đến trọng thế kỷ XX, mở đầu với thông điệp Maximum illud sắp được kỷ niệm 100 năm.

1. Tông thư Maximum illud (30-11-1919) của ĐGH Bênêđictô XV

Có thể xem như “Đại hiến chương truyền giáo”, mở màn cho các văn kiện Tòa Thánh thế kỷ XX. Đức Thánh Cha phác họa một sơ đồ Truyền-giáo-học: lịch sử, thần học, mục vụ, giáo luật, hợp tác, Các hội truyền tiaso, linh đạo. Văn kiện nhấn mạnh đến việc chuẩn bị, quan tâm và đào tạo liên tục các nhà truyền giáo, cũng như sự hợp tác giữa các hội dòng, các giáo sĩ bản quốc, văn hóa địa phương, nhân sự nữ giới.

2. Thông điệp Rerum Ecclesiae (28-2-1926) của ĐGH Piô XI

Tuy vẫn tiếp tục kêu gọi nhiệt tâm truyền giáo của các Giáo hội Tây phương, thông điệp này chú trọng đến trách nhiệm của các giáo hội địa phương. Vì thế cần cổ võ việc thành lập, củng cố các giáo hội địa phương, giúp cho họ có thể tự lập: đào tạo nhân sự (hàng giáo sĩ, tu sĩ,  các dòng đan tu, các giáo lý viên, các y sĩ). Cùng năm ấy, Dức Thánh Cha truyền chức cho 6 giám mục tiên khởi của Trung quốc.

3. Thông điệp Evangelii Praecones (2-6-1951) của ĐGH Piô XII

Kỷ niệm 25 năm thông điệp Rerum Ecclesiae, cỗ vũ việc truyền giáo sau thời gian gián đoạn do thế chiến thứ hai. Thông điệp dung hòa hai chủ trương về mục tiêu truyền giáo: kêu gọi trở lại đạo và thiết lập giáo hội địa phương. Đức thánh cha thúc đẩy việc đào tạo các giáo sĩ bản xứ cũng như việc thích nghi vào văn hóa địa phương.

4. Thông điệp Fidei Donum (21-4-1957) của ĐGH Pio XII

Trước đây Tòa thánh quan tâm đến châu Á, thông điệp này chú ý đến châu Phi, nơi mà các quốc gia mới giành độc lập. Các giáo hội tại lục địa này còn nhiều rất nhiều nhân sự, cách riêng ở cấp lãnh đạo. Thông điệp kêu gọi sự hợp tác của toàn giáo hội, cách riêng qua thể chể mang tên của thông điệp, nghĩa là cho phép các linh mục giáo phận làm việc ở xứ truyền giáo một thời gian mà vẫn không mất sự nhập tịch vào giáo phận gốc.

5. Thông điệp Princeps Pastorum (28-11-1959) của ĐGH Gioan XXIII

Kỷ niệm 40 năm thông điệp Maximum illud . Ngoài việc lặp lại giáo huấn của các vị tiền nhiệm, văn kiện nhấn mạnh đến việc đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc (nhắc lại rằng năm 1926 mới có giám mục Trung quốc, và 1939, giám mục Phi châu; đến năm 1959 đã có 68 giám mục người Á và 25 giám mục người Phi), cũng như sự quân bình giữa việc loan báo Tin mừng và thăng tiến nhân bản.

Công đồng Vaticanô II đã ban hành nhiều văn kiện liên quan đến truyền giáo, đặc biệt là Sắc lệnh Ad gentes (7-12-1965), nhưng chúng ta đừng nên bỏ qua các văn kiện khác có liên quan, chẳng hạn tuyên ngôn Nostra Aetate (tương quan với các tôn giáo khác), hiến chế Gaudium et spes (Tin mừng giữa lòng nhân loại), cũng như các hiến chế về phụng vụ, mặc khải, Hội thánh.

6. Tông huấn Evangelii nuntiandi (8-12-1975) của ĐGH Phaolo VI

Kỷ niệm 10 năm Sắc lệnh Ad gentes, và đúc kết những thành quả của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về việc Loan báo Tin mừng. Vấn đề không còn giới hạn vào việc truyền giáo cho dân ngoại (nhìn từ châu Âu) nhưng là loan báo Tin mừng trong thế giới hôm nay.

7. Thông điệp Redemptoris missio (7-12-1985) của ĐGH Gioan Phaolo II

Kỷ niệm 20 năm Sác lệnh Ad gentes  thông điệp trình bày hiện trạng truyền giáo trong thế giới hôm nay, khi mà “dân ngoại” nằm ngay tại các nước đạo dòng (Âu Mỹ) không chỉ do phong trào di dân mà còn do những trào lưu văn hóa nghịch với giá trị Tin mừng. Mặt khác, thông điệp cũng trả lời cho những vấn nạn: tại sao truyền giáo khi mà Giáo hội tôn trọng giá trị của các tôn giáo khác? Truyền giáo là rao giảng Tin mừng hay là thăng tiến nhân phẩm?

Riêng đối với Á châu, thiết tưởng cần nhắc đến tông huấn Ecclesia in Asia (6-11-1999; như vậy là năm nay kỷ niệm 20 năm), đúc kết thành quả của Thượng hội đồng đặc biệt về châu Á (họp từ ngày 16-4 đến 14-5 năm 1998), với những chủ đề chính là: Loan báo Tin mừng – hiệp thông và đối thoại – thăng tiến con người.

Cuối cùng, xin thêm hai tông huấn Verbum Domini (30-9-2010) của ĐGH Bênêđictô XVI về “Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mạng của Giáo hội”, và Evangelii gaudium (24-11-2013) của ĐGH Phanxico, gắn liền với Thượng hội đồng về “loan báo Tin mừng cách mới mẻ”.

2 COMMENTS

  1. Xin góp ý: Tông thư Maximum illud (30-11-1919) của ĐGH Bênêđictô XV (chứ không phải ĐGH Bênêđictô XVI) ạ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here