Các Văn Kiện Cấm Đạo (4)

0
3587


Lm. Mai Đức Vinh

 

IV. NHỮNG VĂN KIỆN CẤM ĐẠO CỦA NHÀ NGUYỄN (tiếp theo)

3. Vua Thiệu trị cũng là Hiến Tổ, Phú Tuyền hay Miên Tông (1841-1847)

Vua Thiệu Trị lên ngôi lúc 34 tuổi, theo quy chế được sắp đặt từ thời Minh Mệnh mà làm theo di huấn của vua cha. Trước tiên, vua trao trả cho Pháp những thừa sai bị bắt đang bị giam ở Huế với điều kiện ‘không được trở lại’. Tiếc rằng, mọi sự đang dàn xếp tốt đẹp cho đạo Công Giáo được hưởng tự do, thì tàu Pháp đã dùng đại bác bắn chìm tàu của Việt Nam đậu ở bên cạnh. Vua Thiệu trị vô cùng tức giận, ra sắc chỉ bách hại các thừa sai và trị tội người trong nước theo đạo Giatô.

* 1847, sắc lệnh cấm đạo

Nội dung của sắc lệnh:

Đức Cha Retord cho biết: ‘Sắc lệnh của vua Thiệu Trị trước tiên là nhắc lại các lệnh cũ của vua Minh Mệnh. Không nghiêm khắc dữ dội như nhiều người tưởng. Tuy nhiên nó cũng gây lo âu, xáo trộn trong các cộng đoàn Kitô giáo và khơi dậy lòng tham ‘làm tiền’ của các quan lại, cũng như khơi thêm sự giận dữ của lương dân. Nhiều làng lương lợi dụng cơ hội xách nhiễu các làng hay các gia đình Công Giáo. Trước hết vua ra mật lệnh cho các quan đầu tỉnh, rồi sắc lệnh thứ hai mới dành cho các quan phủ, huyện, cai tổng, xã trưởng. Cho đến ngày 3.5.1847, vua mới ra một sắc lệnh áp dụng những biện pháp gay gắt của vua Minh Mệnh’.

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

1) Chiến thuật ‘giết những người pháp đến trên chiếc tàu Lapierre’ bị lộ và vua nghi cho một quan Công Giáo đã tiết lộ, kết quả là người pháp đã bắn chìm các tàu Việt Nam bao quanh.

2) Hầu hết các quan đại thần và tướng giỏi giúp vua Thiệu Trị là những quan đại thần và tướng giỏi đã từng giúp vua Minh Mệnh. Họ cũng là những người ghét đạo, đã từng xúi xiểm vua Minh Mệnh, nay họ cũng làm như vậy với vua Thiệu Trị.

3) Cả triều đình cũng như nhà vua đều cho rằng ‘đạo Giatô là nguyên nhân làm cho Pháp xâm chiếm Việt Nam’. Nên bách hại đạo Giatô vừa là cách thức báo thù cho hả dạ, vừa là cách cần thiết để chặn đường xâm chiếm của Pháp.

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Bà Anê Lê Thị Thành bị bắt và bị chết rũ tù tại Nam Định năm 1841

2) Linh mục Phêrô Khanh bị bắt và bị xử trảm tại Hà Tĩnh năm 1842

3) Thương gia Matthêô Lê Văn Gẫm bị bắt năm 1846 và bị xử trảm tại Chợ Đũi năm 1847.

4. Vua Tự Đức tức Dục Tôn, Nguyễn Phúc Thi (Hồng Nhậm) (1847-1883)

Vua Thiệu Trị băng hà 4.11.1847 thì ngày 10.11.1847 vua Tự Đức lên ngôi, lúc mới 19 tuổi. Vua Tự Đức được tiếng là hòa nhã, thông minh nhất triều Nguyễn, cũng là vị vua có đức hiếu đáng làm gương mẫu. Tuy nhiên vua Tự Đức ít sức khoẻ, không biết quyết định, nên mọi việc nằm trong tay các quan đại thần siêu thủ cổ như Trương Đăng Quế, Vũ Trọng Bình,…

* 1848, sắc lệnh cấm đạo

Nội dung của sắc lệnh, gồm ba phần:

Phần 1, nói về những sai lầm của đạo Công Giáo và đã từng bị các vua tiền nhiệm cấm đoán. Đạo dạy không được thờ kính tổ tiên và các thần, dạy những điều hão huyền về thiên đàng để lừa dối dân chúng, bắt dân chúng thờ lạy một hình khổ Giêsu thật ghê sợ, đó là một thứ đạo ngăn cản mọi thứ thói tục tốt, những người truyền đạo lại cứng cổ, cố chấp, dụ dỗ đàn bà, móc mắt bệnh nhân và thu góp tiền của dân chúng.

Phần 2, ra lệnh đối phó với các đạo trưởng Âu châu, với các linh mục Việt Nam, với các thày giảng và với giáo dân. Các đạo trưởng Âu châu còn lén lút đến truyền đạo, nếu bắt được thì phải giải nộp cho quan để lãnh thưởng 300 lượng bạc trích từ công khố. Các quan phải ra án và chờ lệnh triều đình, nếu quả có tội thì phải chém đầu và xác phải buông sông để tiêu diệt tận gốc sự dữ. Các linh mục, các thày giảng và giáo dân bản xứ, thì trước tiên bắt đạp ảnh. Nếu từ chối thì bị chích lên mặt hai chữ ‘tà đạo’ rồi đày ra cửa biển, nếu là giáo dân thì bị đánh đòn rồi thả về.

Phần 3, thi hành các sắc lệnh cấm đạo đã có từ trước: Các quan cấp trên phải giảng dạy đạo lý lành mạnh vì trời đã ghi sâu vào lòng con người đạo tự nhiên. Các quan cấp dưới phải công bố và phổ biến rộng rãi các thói tục tốt lành. Những thói tục do triều đình đặt ra được dân chúng thi hành là thời đại công bằng, văn minh và văn hóa đạt đạo. Đối với những người còn cứng lòng, hoàng đế lấy lòng nhân từ không muốn tiêu diệt dân chúng. Sắc lệnh khuyên các quan theo gương vua và thi hành lệnh giảng dạy cho dân chúng đường ngay. Phải phân biệt điều xấu với điều tốt. Nếu các quan tham lam, dung dưỡng người có tội sẽ bị trừng phạt nặng nề (DMAH 3 tr.52-53).

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

1) Tranh dành ngôi vua: Vì Hồng Nhậm là con thứ của vua Thiệu Trị, nên hoàng tử cả là Hoàng Bảo không chịu, cho rằng ‘Tự Đức đã cướp ngôi’ nên Hoàng Bảo lo lập vây cánh lấy lại ngôi báu…

2) Vua Tự Đức bị mẹ là Đức Từ Dụ và một nhóm đại thần hủ nho lèo lái, xúi nịnh.

3) Thế yếu nhưng triều đình của Tự Đức bảo thủ, tự mãn không muốn cởi mở và học đòi.

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Các quan trong triều chia rẽ: phe trẻ muốn cho tự do tôn giáo, phe già quyết tâm diệt đạo tận rễ.

2) Không có việc bắt đạo khắt khe, nhưng nhiều quan lại đã dựa vào sắc lệnh để làm tiền, và ra công cấm đọc kinh, hội họp công khai.

3) Hai quan lớn Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Đăng Giai không công bố sắc lệnh.

4) Năm 1849, ngoài bắc bị dịch tả, người ta chết như rạ, chỉ có người Công Giáo dấn thân giúp đỡ các nạn nhân.

* 1851, sắc lệnh ‘cấm đạo’ (13.2), mật lệnh ‘cấm đạo toàn diện’ (30.3) và chỉ dụ ‘tham khảo ý kiến’ (27.11)

Nội dung sắc lệnh cấm đạo:

Sử liệu cho biết: Từ Huế, vua Tự Đức ra lệnh triệt để cấm đạo Giatô và tố cáo nhiều quan tổng, huyện, phủ dung dưỡng các tín đồ đạo Giatô. Đạo này còn cả gan quyến dũ một vị hoàng tử. Sắc lệnh truyền cho các quan phải truy nã kỹ lưỡng các đạo trưởng và trừng phạt nặng nề theo luật quy định. Ai tố cáo sẽ được trọng thưởng. Các quan thờ ơ sẽ bị trừng phạt. Tự Đức năm thứ tư, 31.1 Âm Lịch (DMAH 3 tr.56-57).

Nội dung mật lệnh:

“Ta, Tự Đức, trung thành với lề lối từ đầu đã xem xét và nghe ngóng trong mọi hành động, xét đoán và ra mệnh lệnh. Ta đã giao cho một quan đại thần để lập kiến nghị mà ta gửi cho hội đồng nội các xét về việc cần phải cấm đoán tả đạo Giatô. Theo ý kiến của quan đại thần này thì phải buông sông các đạo trưởng Tây phương để đạo thật được sáng tỏ. Các giáo sĩ Việt dù có đạp ảnh hay không cũng phải chém ngang lưng để mọi người biết sự nghiêm khắc của luật pháp. Sau khi xem xét, ta thấy rất hợp lẽ”(DMAH 3 tr.57).

Nội dung chỉ dụ tham khảo: Vua Tự Đức đối diện với những khó khăn và tế nhị. Một đàng sắc lệnh và mật lệnh không đưa lại kết quả như ý, mà còn là dịp làm cho đạo Giatô tăng triển hơn, quan lại tham nhũng hơn, lương dân ta thán hơn. Mặt khác dã tâm người Pháp mỗi ngày một hiển nhiên, là muốn lợi dụng việc bắt đạo để xâm chiếm nước Việt Nam. Đây cũng là nỗi khó khăn của chính Giáo Hội Việt Nam vừa thai sinh. Tuy nhiên nối dòng tiên đế và bị đóng khung trong Nho giáo, vua Tự Đức vẫn không từ bỏ hay giảm bớt ‘đường lối diệt đạo Giatô, vẫn cho rằng diệt được đạo Giatô là quốc sách sẽ thắng được quân xâm lược Tây Phương’, vì thế ngay cuối năm 1851, vua ra chỉ dụ tham khảo ý kiến các quan đại thần hầu tìm ra một đường lối hữu hiệu tiêu diệt đạo Giatô. Trong chỉ dụ, nhà vua khẳng định rằng: Đạo Giatô là một thứ đạo lừa dối và nguy hiểm cho dân chúng hơn gấp ngàn lần các đạo Phật, Lão… Hơn nữa, tín đồ Thiên Chúa giáo tinh thông các sách thánh hiền và có bằng cấp cao. Vì thế phải làm sao giáo hóa những người ở trong nước mà lại đem lòng theo đạo ngoại lai? Thật khó, vì nghiêm khắc quá thì tổn thương đến lòng nhân mà hiền từ thì không nhổ hết được gốc rễ sự xấu. Vì thế cần phải suy nghĩ chín chắn. Theo giáo huấn của tiền nhân và nhìn vào thực tại hiện nay, có nhiều cái ngược nhau: Quân tử nói rằng ‘Sự tha thứ có ích lợi bây giờ nhưng lại là nguồn gốc di hại về sau’. Trái lại Mạnh Tử cho rằng ‘người đức hạnh không được ghét một ai, không được có kẻ thù’. Vua Tự Đức hỏi các quan: phải làm sao để có một chính sách tuyệt hảo, chấm dứt được các vụ kiện, làm phong phú nông nghiệp và tiêu diệt tà đạo Giatô?”.

Trong các bản góp ý, các quan chú tâm đến việc diệt đạo Giatô hơn những việc khác. Về chủ trương diệt đạo Giatô có hai khuynh hướng rõ rệt:

+ Khuynh hướng nghiêm khắc, đa số là các quan lớn ở kinh thành Huế, đề nghị: Chém đầu đạo trưởng tây, đánh đòn giáo sĩ Việt, các đồ đệ phải xử giảo, các chủ nhà chứa chấp cũng chịu hình phạt như vậy, kể cả các lý trưởng, các quan để cho các đạo trưởng hoạt động trong địa hạt của mình thì bị giáng chức. Còn người tố giác sẽ được thưởng 100 lạng bạc.

+ Khuynh hướng bao dung hơn: đề nghị bắt đạo trong ba hay bốn năm thôi, bắt mọi người Công Giáo đạp ảnh, thưởng cho những người tuân lệnh, phạt những người bất tuân. Vua Tự Đức phê bình đường lối này: “Đã hai chục năm, chúng ta đã nỗ lực làm cho người Công Giáo bỏ đạo mà chẳng thành công gì cả, vậy các khanh nghĩ là ba bốn năm bắt bớ chúng ta sẽ làm cho họ hối cải chăng? Chúng không sợ chết, cũng chẳng nuối tiếc sự sống, thì việc thưởng phạt có hữu hiệu chăng? Các khanh chỉ biết nói mà chẳng biết hành động. Các khanh giống như người nhìn con hổ trong hang và tin rằng nó nhỏ bé vì chỉ nhìn thấy phần nhỏ bé”.

+ Khuynh hướng biện hộ: Đây là bản tấu của quan thượng Nguyễn Đăng Giai, một phật tử thuần thành, một quan thượng được kính trọng, đã từng là Kinh Lược Sứ Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa. Năm 1851 ông có công giẹp giặc Tam Đường. Ông đã dâng vua Tự Đức bản tấu trình: “Đạo Công Giáo đã có nhiều đời, số đông lên hơn 100 ngàn. Cách thức đạo này chinh phục lòng người như sau: trước hết họ chinh phục một người, đàn ông cũng như đàn bà, rồi trở thành một gia đình, một xóm đạo. Họ nuôi không những người đói kém, cho quần áo những người bị lạnh lẽo, giúp đỡ những người bất hạnh, an ủi những người sầu khổ, họ tụ họp đông để tiễn đưa những người quá cố, không phân biệt quốc gia mà coi mọi người như một, như thân thuộc vậy. Ban đầu người mới nghe thấy thích, sau thấy thỏa mãn và trở thành cuồng tín không hồ nghi gì nữa. Họ coi những người khác là tội nghiệp phải sống lầm than, không thương nhau. Như thế thì làm sao khuyên bảo họ theo lề lối của chúng ta? Các sách vở của họ tuy viết bằng chữ không đẹp như của chúng ta nhưng không chứa đựng điều gì sai trái nguy hại cho loài người. Các lời giảng dạy của họ chỉ có một mục đích là làm cho con người trở nên đức hạnh và làm ích cho người khác. Họ sống bằng lòng với tình trạng, đóng thuế rất sòng phẳng, không có trộm cướp hay làm loạn, sáng chiều họ đọc kinh, cố gắng trở nên tốt hơn hầu được hạnh phúc trên trời. Vậy xin đề nghị: những làng Công Giáo sẽ để cho họ được yên, những làng pha trộn thì gom họ lại một khu vực riêng, không cho ở lẫn lộn nữa… Những người nào lén lút không khai tên, nếu bắt được, phải đi đày. Cấm hẳn việc gia nhập đạo Công Giáo, nếu các quan bắt gặp người nào mới gia nhập sau này, phải kể họ như những người làm loạn. Còn đối với các thừa sai ngoại quốc thì theo các luật lệ đã có. Như thế người Công Giáo sẽ sống an bình và nguồn gốc sự dữ dần dần bị hủy diệt. Dân chúng thường hay bắt chước, vì thế để sửa sai, cần phải có gương tốt. Sự thật khó hủy diệt còn sự dối trá tự nó sẽ tiêu tan. Chúng ta hãy thực hành đạo của chúng ta một cách rầm rộ để người ta sẽ thấy đạo lý giả trá xấu xa tan biến đi như tuyết tan dưới ánh nắng mặt trời” (DMAH 3 tr.59-60).

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

1) Lý do chính yếu là hoàng tử cả là Hoàng Bảo tước An Phong Công vẫn ấm ức cho rằng ‘mình bị cướp ngôi’ nên tìm mọi cách dành lại ngôi báu. Lần thứ nhất thất bại, lần thứ hai gây được một lực lượng nhỏ. Vì thế vua Tự Đức cũng như nhiều quan đại thần cho rằng có sự đồng tình của đạo Giatô.

2) Chính Hoàng Bảo nhiều lần lại hứa cho đạo Công Giáo được hoàn toàn tự do khi lấy lại được ngôi báu.

3) Các viên chức Công Giáo đã nhiều lần hỏi ý Đức Cha Pellerin, nhưng ngài cấm nhặt không được dính líu vào.

4) Nhóm Hoàng Bảo đã lôi kéo được một nhà sư có thế giá. Nhưng khi nhà sư về Huế lại không được xử thế tốt đẹp. Nhà sư đã tố giác mọi âm mưu khiến Hoàng Bảo bị bắt và bị kết án.

5) Vua Tự Đức và các quan đại thần thủ cựu nóng lòng vì thấy các sắc lệnh cấm đạo không hữu hiệu, bằng chứng là đạo Giatô vẫn gia tăng…

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Thừa sai Augustinô Schoeffler (Đông) bị bắt và bị xử trảm tại Sơn Tây năm 1851.

2) Thừa sai Louis Bonnard (Hương) bị bắt và bị trảm tại Nam Định năm 1852.

3) Linh mục Philippê Phan Văn Minh bị bắt và bị xử trảm tại Đình Khao năm 1853.

4) Ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu bị bắt năm 1853 và chết rũ tù tại Vĩnh Long năm 1854.

* 1854, kiến nghị của Hội Đồng Nội Các và sắc lệnh của vua Tự Đức

Nội dung kiến nghị:

Theo chỉ thị của vua Tự Đức, các quan trong Hội Đồng Nội Các đã làm và tâu lên bản kiến nghị gồm 4 điểm sau đây:

+ Điểm I: Lập lại khẩu lệnh của vua Tự Đức tháng 10 năm thứ 4 Tự Đức (1851) về đạo Giatô và đặc biệt hai bản tâu trình của quan Nguyễn Đăng Giai và Ngụy Khắc Tuần.

+ Điểm II: Các đề nghị của các quan Phạm Quỹ tổng đốc Quảng Trị và Quảng Bình, đề nghị của Toà Tam Pháp, đề nghị của Nội Các Thưa (Cơ mật Viện) đề nghị của quan án Can.

+ Điểm III: Duyệt lại các sắc dụ cấm đạo đã ra từ đời vua Gia Long cho đến vua Tự Đức năm 1848.

+ Điểm IV: Kiến nghị của các quan Hội Đồng Nội Các gồm bốn điểm chính:

a) Đối với các quan có đạo, cho hạn một tháng ở kinh đô và ba tháng tại các tỉnh, phải bỏ đạo để giữ nguyên chức, nếu không sẽ bị truất và phải làm mọi phu dịch. Đối với lính và dân, cho hạn sáu tháng để đạp ảnh trước mặt quan sở tại. Hết thời hạn, những ai không đạp ảnh hoặc còn giữ đạo lén lút, phải bắt để tra xét. Như thế vừa áp dụng sự nhân từ vừa chứng tỏ sự nghiêm khắc của luật lệ.

b) Lệnh bắt các đạo trưởng và xử chém đạo trưởng Tây, bêu đầu ba ngày, linh mục cũng bị xử chém, còn các thày giảng bị khắc chữ và bị lưu đày. Cho phép lính canh đánh chết tại chỗ nếu có sự kháng cự hoặc tổ chức đánh tháo, đặc biệt là tại các làng đánh cá thường lén lút chở các đạo trưởng. Nếu tàu ngoại quốc đến, các quan phải canh chừng kỹ lưỡng như các lệnh của vua Minh Mệnh đã ra. Những người có công tố giác hoặc bắt được đạo trưởng sẽ được thưởng 300 lạng bạc.

c) Bổn phận của các quan tại tỉnh, huyện và xã là tai mắt của dân, các quan lý trưởng là đầu của dân, tất cả biết rõ các người theo tà đạo nhưng thường làm ngơ để cho người lành phải sống giữa người lầm lạc. Vậy các quan phải năng tuần tiễu để tìm các người Kitô và dạy dỗ họ về đàng lành. Đối với các nhà thờ, nhà lúa và kho lúa, phải tịch thu hoặc đốt, phải phá các hầm trú ẩn và trừng phạt những tín đồ còn tụ họp nghe giảng. Nếu các làng xã chống lại lệnh trên, các quan tỉnh phải đem quân về mà bình định.

d) Sau cùng, nếu các linh mục Âu châu còn lén lút mà bắt được thì quan cấp tổng và lý trưởng sẽ bị trừng phạt vào tội loạn nghịch, các quan cấp huyện, phủ sẽ bị ghép tội biếng nhác, phạt hạ ba cấp và phạt 80 trượng. Quan đầu tỉnh phải giáng một cấp và phạt 70 trượng. Nếu một linh mục Việt bị bắt thì lý trưởng và cai tổng sẽ bị phạt 100 trượng và mất chức, quan huyện và phủ sẽ bị phạt 80 trượng nhưng không bị giáng cấp, các quan lớn khác thì phải giáng xuống một cấp.

Sau đó lại có đề nghị của quan tổng đốc Bình Định Vương Hữu Quang, gồm sáu điểm: hạn chế đất của người Công Giáo, cấm người ngoại cho người Công Giáo vay tiền, cấm người Công Giáo đi lại buôn bán, phải đóng những cửa tiệm đã có, phải sai một thày giáo về mỗi làng để dạy việc cúng tế…

Vua Tự Đức bắt các quan bàn cãi từng điều một. Sau đó các quan đề nghị theo kiến nghị đã ra và không bàn gì thêm (DMAH 3 tr. 98-100).

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

1) Vẫn là sự hoài nghi ‘người Công Giáo thông đồng với người Âu châu, đặc biệt với người Pháp’.

2) Vẫn là lòng ghét đạo Giatô và nôn nóng muốn tiêu diệt tận gốc vì thấy đạo này mỗi ngày một phát triển.

3) Vẫn là đường lối cai trị ‘xúi quan làm kiến nghị trước và vua ra chỉ thị sau’.

4) Có người cho rằng vua Tự Đức thẳng tay với đạo Giatô vì vụ Hoàng Bảo đã chấm dứt và quan đại thần Nguyễn Đăng Giai đã chết (1854).

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Cụ trùm Anrê Nguyễn Kim Thông (Năm Thuông) bị bắt năm 1854 và bị đánh chết tại Mỹ Tho năm 1855.

2) Vua Tự Đức dứt khoát tiêu diệt đạo Công Giáo từ 1854, và khi quân Pháp bắt đầu gây hấn năm 1856, thì cuộc bắt đạo trở nên toàn diện.

3) Vào lúc tàu Pháp tiến vào cửa Hàn thì triều đình phát giác ra quan thái bộc Micae Hồ Đình Hy là người Công Giáo, bầu khí nặng nề bao trùm triều đình Huế.

* 1857, kiến nghị của quan đại thần Nguyễn Đức Trụ và sắc lệnh của vua Tự Đức

Nội dung hai kiến nghị:

+ Kiến nghị của quan đại thần Nguyễn Đức Trụ: Sau khi đề cao đức độ của vua Tự Đức, ông nêu ra mối nguy hiểm cùng với kế sách chế ngự. Ba mối nguy là người Công Giáo, người Cao Miên và người Tây phương. Riêng về người Công Giáo, ông đề nghị gia tăng các biện pháp nặng nề và theo sát sắc lệnh 1854: Phải tìm bắt các linh mục đang lén lút trong các làng, cũng phải xử tử các thày giảng, vì nếu chỉ lưu đày không thôi, họ lại phổ biến ở những nơi khác. Còn giáo dân rất đông số, không thể xử tử hết, nên cần phải giáo hóa. Những huấn dụ của vua Minh Mệnh, cần phải dịch ra tiếng bình dân và làm thành văn thơ cho dễ học. Về việc tưởng thưởng cần phải lưu ý đến hai yếu tố là tiền và tước vị tùy theo người có công tố giác chọn lựa. Nhất định phải thi hành lập trường cứng rắn, không nhân từ với người Công Giáo cố chấp và cũng không sợ hãi người mọi rợ tây phương. Không thể để cho tàu của họ đến gần cửa biển. Vì một khi họ đã vào được thì khó lòng trục xuất họ ra khỏi nước. Vậy nhất thiết phải lập các đồn duyên hải để canh phòng. Vua Tự Đức trao cho ba quan điều nghiên kiến nghị trên (DMAH 3 tr.126-127).

+ Sắc lệnh bách hại đạo Công Giáo của vua Tự Đức: “Tà đạo Giatô trước kia được truyền bá tại Trung Hoa dưới thời nhà Minh do Lợi Mã Dậu (cha Mateo Ricci) rồi lan sang nước ta dưới triều Lê. Trước hết là đạo truyền bá giữa những người dốt nát ở vùng duyên hải. Những người này bị các nhà truyền đạo lừa dối và mua chuộc bằng tiền bạc. Họ bỏ tiền mua những đất tốt, xây những kho lúa và lập nhà thờ giảng dạy ngụy thuyết. Dân chúng say mê và tùng phục dễ dàng. Từ đó ngụy thuyết bành trướng trong toàn quốc và hiện nay đã có hơn bốn phần mười dân chúng tin theo. Đã có nhiều người trong giới quan lại và binh sĩ lén lút tin theo và nếu chúng ta không canh chừng thì dịch tễ này sẽ lan rộng khắp nước. Đáng tiếc là các quan đã chểnh mảng hoặc bị mua chuộc và coi thường các mệnh lệnh, khiến cho tà đạo Giatô đã tổ chức được một hệ thống trên toàn cõi đất nước. Các đạo trưởng lẩn trốn khắp nơi, trong hầm dưới đất hoặc trong kẽ vách. Khi quan quân đến bắt thì chúng có người thông báo để chạy trốn. Vậy đối với dân thường, lệnh cho các xã trưởng phải ra sức thuyết phục họ về đàng chính, tuân giữ các lễ nghi trong việc cưới xin và tang chế, tôn kính các thần làng và tổ tiên. Cho hạn trong một năm, để các người Công Giáo được bình yên sửa đổi lầm lạc. Sau đó những ai còn cố chấp thì phải khắc chữ vào má. Cho thêm một năm nữa, nếu vẫn còn cố chấp thì đàn ông phải tòng ngũ và đàn bà phải làm tôi tớ trong nhà các quan. Trong năm này, các xã trưởng có công sẽ được thưởng, nếu biếng trễ sẽ bị phạt và truất chức’ (DMAH 3 tr.127-128).

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

1) Quân Pháp bắt đầu gây hấn.

2) Phát hiện quan thái bộc Hồ Đình Hy là người Công Giáo.

3) Những kiến nghị 1854 không được thi hành đúng mức.

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh bị bắt lần thứ hai và bị xử trảm tại Nam Định năm 1857.

2) Quan thái bộc Micae Hồ Đình Hy bị bắt năm 1856 và bị trảm quyết tại Huế năm 1857.

3) Thày giảng Phêrô Đào Văn Vân bị bắt năm 1856 và bị xử trảm tại Sơn Tây năm 1857.

4) Đức Giám Mục Giuse Maria Diaz Sanjurjo (An) bị bắt và bị xử trảm tại Nam Định năm 1857.

5) Đức Giám Mục Melchior Sampedro (Xuyên) bị bắt và bị phân thây tại Nam Định năm 1858

6) Cai đội Phanxicô Trần Văn Trung bị bắt và bị xử trảm tại An Hòa năm 1858

7) Linh mục Đaminh Mầu bị bắt và bị xử trảm tại Hưng Yên năm 1858.

8) Cai tổng Luca Phạm Viết Thìn bị bắt năm 1858 và bị xử giảo tại Nam Định năm 1859.

9) Quan án Đaminh Phạm Viết Khảm bị bắt năm 1858 và bị thắt cổ tại Nam Định năm 1859

10) Cai tổng Phạm Trọng Tả bị bắt năm 1858 và bị xử giảo tại Nam Định năm 1859.

11) Linh mục Phaolô Lê Văn Lộc bị bắt năm 1858 và bị xử trảm tại Gia Định năm 1859.

12) Linh mục Đaminh Cẩm bị bắt và bị chém tại Hưng Yên năm 1859.

13) Giáo dân Phaolô Hạnh bị bắt và bị xử trảm tại Sài gòn năm 1859

14) Ông trùm Emmanuel Lê Văn Phụng bị bắt và bị giết tại Châu Đốc năm 1859.

15) Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý bị bắt và bị xử trảm tại Châu Đốc năm 1859.

16) Linh mục Toma Khuông bị bắt năm 1859 và bị xử trảm tại Hưng Yên năm 1860.

17) Cai đội Giuse Lê Đặng Thị bị bắt và bị xử trảm tại Huế năm 1960.

18) Thừa sai Francois Néron (Bắc) bị bắt và bị xử trảm tại Sơn Tây năm 1860.

* 1861, sắc lệnh phân sáp toàn diện

Nội dung sắc lệnh:

Cuối tháng 7.1861 vua Tự Đức ký sắc lệnh phân sáp toàn diện, nội dung gồm năm khoản: “1- Tất cả già, lớn, bé, nam, nữ Công Giáo phải chia ra phân tán vào các làng lương không Công Giáo. 2- Các làng không Công Giáo phải nhận canh chừng theo tỉ lệ năm người lương canh một người Công Giáo. 3- Các nhà Công Giáo bị phá hủy, đất đai trao cho các người lương canh tác để nộp thuế. 4- Vợ chồng con cái phải tách biệt nhau. 5- Phải khắc chữ tả đạo ở má trái và nơi lưu đày ở má phải”.

Nguyên nhân đặc thù:

1) Pháp chiếm trọn miền Nam.

2) Các quan Trương Đăng Quế, Lâm Duy Nghĩa và Nguyễn Luân dâng sớ mộ quân chống Pháp ở các tỉnh miền Nam.

3) Muốn chống Pháp là ‘phải diệt đạo Giatô’.

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Lệnh phân sáp áp dụng nghiêm khắc nhất là tại tỉnh Hải Dương. Điển hình là tại Ngọc Cục thuộc xứ Lục Thủy có chừng 1.000 người Công Giáo. Khi có lệnh phân sáp thì cha sở Quyền bị bắt và giáo dân bị đi phân sáp, trong đó có 37 người đã anh dũng tuyên xưng đạo và chết vì đức tin.

2) Thừa sai Théophane Vénard (Ven) bị bắt năm 1860 và bị xử trảm tại Ô Cầu Giấy năm 1861.

3) Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu bị bắt và bị xử trảm tại Mỹ Tho năm 1861.

4) Linh mục Giuse Tuân o.p. bị bắt và bị xử trảm tại Hưng Yên năm 1861.

5) Linh mục Gioan Đoàn Trinh Hoan bị bắt và bị xử trảm tại Đồng Hới năm 1861.

6) Ông trùm Matthêu Nguyễn Văn Đắc (Phượng) bị bắt và bị xử trảm năm 1861 tại Phú Ninh năm 1861.

7) Linh mục Almato Alcazar (Bình) o.p. bị bắt và bị xử trảm tại Hải Dương năm 1861.

8) Thày giảng Giuse Nguyễn Duy Khang bị bắt và bị xử trảm tại Hải Dương năm 1861.

9) Đức Giám Mục Girolamô Hermosilla (Vọng, Liêm) bị bắt và bị chém đầu tại Hải Dương năm 1861.

10) Đức Giám Mục Valentino Berrio-Ochoa (Vinh) bị bắt và bị chém đầu tại Hải Dương năm 1861

11) Đức Giám Mục Stêphanô Théodore Cuénot (Thể) bị bắt và bị chết rũ tù tại Nam Định năm 1861.

12) Giáo dân Giuse Tuân bị bắt và bị xử trảm tại Thụy Anh năm 1861

13) Giáo dân Laurensô Ngôn bị bắt và bị trảm quyết tại An Xá năm 1861

14) Giáo dân Giuse Túc bị bắt và bị xử trảm tại Hải Dương năm 1861.

* 1862, những sắc lệnh hạn chế tự do người Công Giáo

+ 05.2. Có sắc lệnh làm nhà riêng tại Nam Định để giam người Công Giáo và bỏ đói người Công Giáo. Người Công Giáo phải trình diện mỗi tháng hai lần.

+ 14.5. Có sắc lệnh đòi các quan phải họp người Công Giáo mỗi tháng hai lần để khuyên bảo bỏ đạo. Mặc dầu cho tự do đi đạo nhưng vua không từ bỏ quyền khuyên bảo từ bỏ đàng tà để sống theo phong tục tốt đẹp của quốc gia. Cấm người không Công Giáo theo đạo, nếu theo đạo sẽ bị hình phạt rất nặng. Chỉ làm thinh cho những người có đạo kỳ cựu, vì thế tất cả những người đã chối đạo trước không được giữ đạo lại, tất cả những người không bị khắc chữ ‘tả đạo trên má’ cũng không được hành đạo.

+ 17.7, Có sắc lệnh cấm đọc kinh to tiếng và thực hành đạo công khai, cấm hội họp trên 100 người tại nhà thờ, cấm dựng lại nhà thờ đã bị phá hủy nếu không có phép của quan sở tại. Cấm người Công Giáo dự thi hay giữ các chức vụ dân sự. Người Công Giáo đã 20 tuổi phải ghi tên vào lính và làm việc tạp dịch trong quân đội.

+ 20.9, Có sắc lệnh đặc biệt đối với thừa sai: không được ở hai thừa sai trong một tỉnh, thừa sai được phép buộc ở ngay trong tỉnh, trong nhà do quan đầu tỉnh chỉ định và không được vắng mặt quá bốn ngày. Chỉ những người khắc trên má chữ ‘tà đạo’ mới được vào nhà thừa sai.

Nguyên nhân đặc thù xiu khiến:

1) Trước hết là do dã tâm xâm lăng của quân Pháp: chiếm Vũng tàu, Gia Định, tấn công Chí Hòa, chiếm Định Tường…

2) Vua và triều đình vẫn sợ rằng có sự đồng tình phản bội của người Công Giáo…

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Ngày 5.6.1862, Việt Nam ký hòa ước đầu tiên với Pháp trên tàu Duperré ở Sài gòn, gồm 12 khoản mà khoản hai ‘Việt Nam công nhận quyền tự do giảng đạo’.

2) 300 đầu mục Công Giáo bị bỏ đói tại Nam Định, trong đó 240 người bị chết, 20 người bị chém.

3) Cũng tại Nam Định còn 112 người Công Giáo bị trói rồi bỏ trôi sông.

4) Tại các vùng Sa Ốc, Chấn Ninh, Quỳnh Côi số người Công Giáo bị chém chết lên tới 5.000 người.

5) Qui Nhơn là tỉnh đầu tiên áp dụng lệnh ân xá trả tự do cho giáo dân.

6) Lệnh ân xá được yết tại Nam Định, nhưng tổng đốc Nguyễn Đình Tân xin triều đình thu hồi lại.

7) Giáo dân Đaminh Ninh bị bắt năm 1861 và bị xử trảm 1862 tại An Triêm năm 1862

8) Ông trùm Phalô Đổng (Dương) bị bắt năm 1860 và bị xử tảm tại Hưng Yên năm 1862.

9) Hai giáo dân Đaminh Huyên và Đaminh Toái cùng bị bắt năm 1861 và bị thiêu sống tại Nam Định năm 1862.

10) Giáo dân Vinhsơn Dương cùng các bạn (Giuse Thoan và Vinhsơn Tuyên) bị bắt năm 1861 và bị thiêu sống tại Nam Định năm 1862.

11) Giáo dân Phêrô Dũng và con trai là Phêrô Thuần cùng bị bắt năm 1861 và bị thiêu sống tại Nam Định năm 1862.

12) Giáo dân Phêrô Đa bị bắt và bị thiêu sống tại Nam Định năm 1862.

13) Năm giáo dân bị xử trảm trong một ngày 16.6.1862: Đaminh Nguyện 60 tuổi, Vinhsơn Tường 48 tuổi, ông Đaminh Mạo 44 tuổi, ông Anrê Tường 50 tuổi và ông Đaminh Nhi 40 tuổi. Tất cả đã bị bắt và cùng bị xử trảm tại Nam Định ngày 16.6.1862.

14) Bảy giáo dân khác Đaminh Ninh, Đaminh Binh, Giuse Tô, Đaminh Quy, Phêrô Tăng, Đaminh Tế, Vinhsơn Viên cùng bị bắt năm 1861, cùng bị lưu đày đến làng Côi Sơn huyện Vụ Bản và cùng bị chém đầu ngày 19.6.1862.

15) Sáu giáo dân khác là Vinhsơn Chuyên, Đaminh Trương, Vinhsơn Uy, Phaolô Vu, Phêrô Phụng và Giuse Chiên cùng bị bắt năm 1861, cùng bị đày đi Đồng Xá huyện Quỳnh Côi và cùng bị chôn sống ngày 9.6.1862.

5. Phong trào Văn Thân và Cần Vương

Thấy nước nhà bị quân Pháp xâm chiếm, một số trí thức có lòng ái quốc quá khích đã gây nên một phong trào ‘cứu nước’ mang tên là Phong trào Văn Thân (7) mà người chủ xướng là Hồng Tập với 4.000 nho sĩ, năm 1864. Mặc dầu không còn tín nhiệm vào vua Tự Đức và coi vua như ‘người bán đứt quốc gia’, phong trào Văn Thân cũng đưa kiến nghị quy trách nhiệm việc mất nước cho người Công Giáo và ba sứ giả đi Pháp thương thuyết là những người bán nước (Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguỵ Khắc Đản). Rồi để xách động dân chúng họ hô hét khẩu hiệu ‘bình tây sát tà’ và tung ra một loạt vu khống:

1) Các họ đạo Công Giáo đều có súng đạn (Vua đã cho đi khám xét, nhưng không tìm ra một khí giới nào).

2) Đức Cha Sohier đã mang về 400 cân thuốc độc để diệt vua và các quan, sau đó sẽ tiến cử người Công Giáo lên làm vua và buộc mọi người phải tòng giáo, những ai không chịu sẽ bị giết.

3) Vu khống người Công Giáo bỏ thuốc độc vào các giếng nước, vào các ao hồ. Họ bắt một thày thuốc Công Giáo phải uống tất cả mọi thứ thuốc ông bán, khiến ông phải chết oan.

Từ đó phong trào Văn Thân gây nên nhiều cuộc thảm sát người Công Giáo trong khoảng từ 1873 đến1886:

1) Tại Nam Định 14 làng Công Giáo bị đốt phá, một linh mục và một thày giảng bị giết.

2) Tại Kẻ Sở, Hà Nội, 3 linh mục, 25 thày giảng và mấy trăm giáo dân bị giết, 407 họ đạo bị tàn phá.

3) Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, Trần Tấn và Đặng Như Mai huy động được 3.000 nho sĩ nổi lên, cùng với lương dân phá hủy 300 họ đạo, giết 4.500 giáo dân.

4) Tại Thanh Hóa, 242 nhà thờ hoặc nhà nguyện bị đốt cháy, 6 thừa sai, 11 linh mục Việt Nam, 63 thày giảng và 288 giáo dân bị thảm sát. Sau hịch Cần Vương năm 1885, tại Thanh Hóa còn có 40 họ đạo bị đốt phá, 2.800 giáo dân bị thảm sát, 40.000 giáo dân chạy tán loạn.

5) Tại Quảng Trị người ta tính 10 linh mục bị giết, 8.550 giáo dân bị giết.

6) Tại Bình Định có 8 thừa sai, 7 linh mục, 270 nữ tu, 24.000 giáo dân (trên 42.000) bị giết. Ngoài ra còn nhà giám mục, 2 chủng viện, 10 tu viện, 17 nhà mồ côi đều bị đốt cháy.

7) Tổng kết: 20 thừa sai, 30 linh mục, 40.000 giáo dân bị giết và trên 1.000 họ đạo bị phá hủy.

Trước tình trạng một mặt là quân Pháp dã tâm xâm chiếm đất nước, mỗi ngày một tiến quân, mặt khác phong trào Văn Thân – Cần Vương và giặc Cờ Đen gây nhiều rối loạn và tàn sát… Vua Tự Đức và triều đình hết sức lúng túng, tuy nhiên cũng có mấy hành động:

1) Năm 1864, xử lăng trì 7 người trong hoàng tộc chủ xướng những hoạt động gây rối loạn của Văn Thân – Cần Vương.

2) Năm 1867, Vua Tự Đức làm bản cáo tội với Trời và kêu gọi dân chúng hiệp nhất, góp tài góp sức bảo vệ quốc gia.

3) Quan thượng thư bộ lễ ra thông báo: triều đình đã ra lệnh cho các quan tỉnh phải xét xử nghiêm minh các người gây nên ‘những rắc rối và thảm họa cho Công Giáo’.

4) Năm 1869, vua Tự Đức ra sắc lệnh cho người Công Giáo được trở về làng cũ. Cấm người lương không được sách nhiễu người Công Giáo.

Về phía người Công Giáo, sau những trận bão tàn sát gây tổn thất lớn lao về cả nhân lực lẫn cơ cấu và cơ sở… Với ơn Chúa và lòng tin vững chắc, mọi sinh hoạt dần dần trở lại… bình thường và phát triển, mặc dầu bao nhiêu khó khăn vẫn còn trước mắt… Phản ứng của các vị chủ chăn:

1) Kêu gọi giáo dân luôn can đảm và giữ vững đức tin… trong mọi khó khăn.

2) Năm 1873, trước những thái độ ngược ngạo của lính Pháp, các giám mục lên tiếng phản đối và luôn đứng về phía các quan Việt Nam.

3) Ra lệnh cho giáo dân trung thành với chính quyền hợp pháp.

LỜI KẾT

Đọc lại những vu cáo, hàm oan, kiến nghị, sắc lệnh và chỉ dụ (cho dù không đầy đủ) liên quan trực tiếp đến những trang lịch sử đẫm máu của Giáo Hội Việt Nam trong ba thế kỷ, đồng thời nhìn lại từng bước của công trình truyền giáo và sức lớn lên của Giáo Hội Quê Hương, chúng ta cảm nghiệm được chiều sâu chiều rộng của lời ông Tertulien khẳng định: “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu”. Quả vậy, sau Giáo Hội Roma bị cấm đạo từ năm 70 đến năm 313 trên khắp đế quốc, chắc chắn trên mặt đất này chưa có một Giáo Hội Công Giáo nào đã bị chính vua quan của mình bách hại như Giáo Hội Việt Nam. Bách hại một cách nghiêm khắc, với hàng trăm văn kiện, với những lời nói bày tỏ tận cùng sự hung dữ ‘diệt tận gốc rễ’, ‘hành xử không thương tiếc’, ‘thứ tà đạo, giả dối, dụ dỗ, tồi tệ…’ và đang tâm giết chết khoảng 130.000 người dân vô tội.

Từ những văn kiện cấm đạo với tất cả những hệ lụy của chúng, chúng ta thấy hiện lên trước mắt cả một bối cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa Việt Nam cần phải được gạn lọc và đổi mới. Tất cả những dữ kiện lịch sử, chính trị, xã hội và văn hóa của hơn ba trăm năm cấm đạo cho phép chúng ta kết luận:

1. Là những người Công Giáo trung kiên, 130.000 người tử đạo là 130.000 anh hùng đức tin, là 130.000 ngọn đèn bác ái, là muôn vàn ‘lời tung hô Chúa cả ba lần thánh’:

Ngọn đuốc quang minh sáng tuyệt vời,

Vì trung với Chúa mặc đầu rơi,

Đức tin kiều diễm luôn gìn giữ,

Đức ái ngàn trùng tát chẳng vơi:

Tung hô Chúa cả ba lần thánh … (9)

2. Là những người Công Giáo Việt Nam, 130.000 tín hữu đổ máu vì đức tin, có nghĩa là các ngài đã ‘lấy đau khổ, mồ hôi, xương máu’ hoà với ‘mọi thương khó và sự chết của Chúa Giêsu’ làm cho quê hương Việt Nam trở thành đồng lúa phì nhiêu đón nhận Tin Mừng và làm lớn lên thành Giáo Hội Việt Nam hôm nay. Đó là nguồn ơn của Thập Giá, là hồng ân Chúa Thánh Thần’:

Từng đoàn lớp những người con Giáo Hội,

Đến pháp trường, niềm vui mới trào dâng,

Mắt hướng cao, hồn tràn ngập Thánh Thần,

Cùng tiến tới đỉnh vinh quang núi sọ.

 

Thày thuở xưa đứng giang tay trên đó,

Lễ tình yêu lấy mạng sống tiến dâng,

Môn đệ này cùng với trọn chữ tâm,

Xin hiệp nhất một bài ca hiến tế.

 

Và từ đấy nguồn ơn thiêng Thập Giá,

Tỏa rạng ngời trên đồng lúa bờ tre,

Ánh phục sinh rọi chiếu khắp sơn hà,

Cho Đức Tin thấm sâu vào Đất Việt (9).

3. Là những người Công Dân chân chính, 130.000 vị tử đạo là 130.000 anh hùng dân tộc. Các ngài đã can đảm đổ máu để chứng tỏ niềm tin của một tôn giáo chân thật có sức cải hóa lòng người, đổi mới thực chất xã hội Việt Nam đang bị tha hóa như lời nhận định của sử gia Trần Trọng Kim: “Trong làng xã thì nhiều kẻ cường hào trái phép, mà dân thì biếng nhác, chỉ cờ bạc rượu chè, việc tế lễ quỷ thần thì hay dùng cách xa xỉ, việc tang chế thì chọn đường xa hoa, thậm chí có kẻ bán sạch cửa nhà cơ nghiệp để đền nợ miệng, thực là trái với nghĩa tương bảo tương lân”. Hay nữa “Nước ta không chịu khai hóa ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Ngay khi sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà làm điều nông nổi càn rỡ (cấm đạo), để cho thiệt hại thêm, như thế là tội của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm ru?” (10). Nói một cách tích cực, 130.000 vị tử đạo là 130.000 muốn thăng hoa nền văn hóa Việt Nam. Các ngài anh dũng đón nhận cái chết bởi ‘nhóm sĩ phu hủ lậu cao cấp’ để vừa xóa bỏ những cái tiêu cực, cổ hủ, dị đoan của phong tục, của luân lý và đạo cổ truyền, vừa gạn lọc, giữ lấy và đốt sáng lên những điểm tích cực và cơ bản trong đạo lý thờ Trời, trọng vua quan, thảo kính cha mẹ, trong luân lý tam cương ngũ thường, nhân, nghĩa lễ, trí, tín… vừa thăng hoa mọi khía cạnh của nền đạo lý, luân lý và phong tục quốc gia nhờ ánh sáng Tin Mừng, bằng thực hành bác ái vị tha… đúng theo lời khuyên của sử gia Trần Trọng Kim đã thổ lộ để kết thúc bộ sách ‘Việt Nam Sử Lược’ của ông: “Có một điều thiết tưởng nên nhắc lại, là ta nên giữ lấy những điều hay của ta vẫn có, bỏ những điều hủ lậu đi, và bắt chước lấy những điều hay của người, để gây lấy cái nhân cách đặc biệt của dân tộc và cùng tiến với người mà không lẫn với người…” (11).

Như vậy, suy cho kỹ, các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những người đã thăng hoa nền Văn Hóa Quê Hương. Đó là một sự thật lịch sử không thể phản bác.

***

SÁCH THAM KHẢO

1. LM Guise Vũ Thành ‘Dòng Máu Anh Hùng’ 1,2,3. Phong trào Thanh Sinh Công Việt Nam tại Hoa Kỳ xuất bản, 1987.

2. LM Trịnh Việt Yên, ‘Máu Tử Đạo trên Đất Việt Nam’ Ủy Ban Quốc Gia chuẩn bị Phong Thánh in lại và phát hành, USA 1987.

3. LM Nguyễn Hồng, ‘Lịch Sử Truyền Giáo Việt Nam’ c.I, nhà xuất bản Hiện Tại, Sài gòn, 1965.

4. LM Phan Phát Huồn, ‘Việt Nam Giáo Sử’ q.I, in lần 2, Cứu Thế Tùng Thư, Sài gòn, 1965.

5. LM Trương Bá Cần, ‘Lịch Sử Phát Triển Công Giáo ở Việt Nam’ I, II, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2008.

6. Launay, A, MEP, ‘Histoire Générale de la Société des Missions Étrangères, 3 volumes, Paris 1894.

7. Louvet, L .E. ‘La Cochinchine religieuse, 2 volumes, Paris, 1885

8. Trần Trọng Kim, ‘Việt Nam Sử Luợc’ c.II, Bộ Giáo Dục xuất bản, Sài gòn, 1971.

9. Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, ‘Tóm tắt niên biểu Lịch Sử Việt Nam’, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2010.

 

—————-

1. Vũ Thành ‘Dòng Máu Anh Hùng’1,2,3 nxb Thanh Sinh Công, Hoa Kỳ, 1987. Trong bài này chúng tôi trưng dẫn nhiều và viết tắt là (DMAH 1,2,3 tr…). Chúng tôi trích dẫn hoặc dựa theo bộ sách của cha Vũ Thành, vì đọc các chú giải hay thư mục ở phần cuối của mỗi cuốn sách, chúng tôi yên tâm về nguồn liệu lịch sử liên hệ đến Giáo Hội Việt Nam mà cha đã dày công nghiên cứu và xử dụng

2. Trần Trọng Kim ‘Việt Nam Sử Lược’ II, nxb Bộ Giáo Dục, 1971, Sàigòn, tr.3-4.

3. Đàng Ngoài, Đàng Trong: Nước Việt Nam vào thế kỷ XVII, do các lãnh chúa thuộc hai họ Trịnh và họ Nguyễn chia đôi đất nước để cai trị. Họ Trịnh hùng cứ Bắc Việt, còn gọi là Đàng Ngoài, họ Nguyễn làm chúa Nam Việt, gọi là xứ Đàng Trong. Người Âu châu khi đến buôn bán với chúa Nguyễn Hoàng đã khám phá ra có hai chính quyền khác nhau, họ gọi miền Bắc là Tonkin và miền Nam là Cochin-china. Cha Đắc Lộ giải thích như sau: ‘Người Trung Hoa gọi Việt Nam là Đông Kinh để phân biệt với Nam Kinh và Bắc Kinh của họ, nhưng họ đọc vần ‘Đ’ không được nên mới đọc là Tonkin, còn xứ Nam được gọi là Cochin-china vì người Nhật Bản hay gọi người Việt là Giao Chỉ hoặc Chiaoci, và người Bồ Đào Nha sợ lẫn với thành phố Co-chi bên Ấn Độ nên gọi Nam Việt là Cochin-China (Co-chi bên Trung Hoa) (DMAH 1 tr.8).

4. Phan phát Huồn, ‘Việt Nam Giáo Sử’ I, Cứu Thế tùng thư 1965, Sài gòn, tr.35 cho rằng ‘Vua Lê Trang Tông (1533-1548) đã ra sắc lệnh bắt đạo đầu tiên’. Nhưng Vũ Thành, ‘Dòng Máu Anh Hùng’ không đồng quan điểm, cho đó là không đúng lịch sử’ DMAH 1, tr.106. Nghĩa là theo Vũ Thành, sắc lệnh ‘trục xuất các cha dòng Tên của chúa Sãi, Nguyễn Phúc Nguyên năm 1617, đánh dấu năm đầu tiên của thời bách đạo hơn 300 năm.

5. Người kế vị chúa Trịnh Cương là chúa Trịnh Giang (1730-1740). Vì chúa Trịnh Giang hoang dâm và chỉ nghe theo một số quan lại chơi bời, hốc hách… Trong thời kỳ này, ai có tiền là được làm quan. Năm 1737 loạn lạc nổi lên khắp nơi. Để ổn định tình thế, các quan họp nhau truất phế Trịnh Giang, đưa em là Trịnh Doanh lên cầm quyền (DMAH 1 tr.161).

6. Nhiều vị thừa sai còn giữ lại bút tích của lão tướng Lê Văn Duyệt như sau: “Làm sao chúng ta lại bắt bớ các đạo trưởng Tây khi cơm gạo họ cho chúng ta ăn còn ở chân răng? Ai đã giúp tiên đế lấy lại quốc gia? Hoàng thượng hình như muốn mất nước thì phải. Tây Sơn đã bắt đạo và bị lật đổ, vua Pegu cũng vừa mất nước vì bắt đạo, đuổi thừa sai. Không thể làm như thế ở nước này được. Nếu hoàng thượng quên không muốn nhớ những giúp đỡ của thừa sai thì cũng không thể làm như vậy được. Mộ của đức thày Bá Đa Lộc không còn ở giữa chúng ta sao? Không được. Bao lâu thần còn sống, hoàng thượng không thể làm điều đó. Khi hạ thần thác đi rồi, hoàng thượng muốn làm gì thì làm” (DMAH 2 tr.26).

7. Năm tạ thế của vua Minh Mệnh, theo Trần trọng Kim (sd 2, tr. 228) là năm Canh Tí (1840), nhưng theo Vũ Thành là ngày 20.10.1841. Chúng tôi theo Trần Trọng Kim: cuối năm Canh Tí, 1840.

8. Trần Trọng Kim, sđd, tr. 330: Sử gia Trần Trọng Kim nhận định về phong trào Văn Thân: “Nước ta mà không chịu khai hóa ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược của mình sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà việc nông nổi càn dở, để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trạng của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm ru?”.

9. Thánh Thi Kinh Chiều II, Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

10. Trần Trọng Kim sđd II, tr.197 và 290.

11. Trần Trọng Kim, sđd II, tr.354.