Các Tu Nghị: Những Nguyên Tắc Chung – Vấn Đề 80

0
557


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 80

CÁC TU NGHỊ

NHỮNG NGUYÊN TC CHUNG

(đ. 119)

 

Các Tu Nghị tượng trưng một cách thức hành sử quyền bính tập đoàn. Như chúng tôi đã nói ở vấn đề 73, Bộ Giáo Luật không hình dung một thứ quyền bính tập đoàn được hành sử cách thường xuyên, nhưng cũng không hoàn toàn loại trừ nó, bởi vì tất cả các Hội Dòng đều buộc phải có Tổng Tu Nghị (đ. 631). Luật riêng cũng có thể dự trù các Tu Nghị ở cấp độ khác, chẳng hạn Tỉnh Dòng và tu viện.

Tại Tu Nghị, Bề trên không đứng bên ngoài như trường hợp Ban Cố Vấn: Bề trên là thành phần của Tu Nghị; sự kiện ngài là chủ tịch Tu Nghị cũng không cấp cho ngài một quyền bính khác với quyền bính của tập đoàn. Tất nhiên, không thể nói rằng, quyền Bề trên của ngài đã bị đình chỉ, nhưng quyền đó chỉ được hành sử trong những lãnh vực không trực tiếp, tùy thuộc quyền Tu Nghị, chẳng hạn như những công việc thuộc lãnh vực hành chánh thường xuyên mà Tu Nghị không đảm nhận.

Theo pháp luật, Tu Nghị là một tập đoàn, nghĩa là một Tổng Bộ những cá nhân họp thành một pháp nhân, và vì thế phải hành động chung với nhau. Các hành vi của tập đoàn được quy định ở điều 119.

Khác với những quy định về các Hội Đồng (đ. 127), luật riêng có thể sửa đổi những quy định của điều 119. Khi luật riêng không dự trù gì hết, thì luật phổ quát được áp dụng. Luật riêng có thể quy định về số phiếu cần thiết để cuộc bỏ phiếu được thành hiệu (nhiều hơn đa số các vị được triệu tập), về số vòng bỏ phiếu (nhiều hoặc ít hơn ba vòng), về cách kiểm các lá phiếu (tính cả các phiếu trắng, hoặc những người không bỏ phiếu), về cách giải quyết những số phiếu ngang nhau.

Điều 119 phân biệt hai loại hành vi tập thể: các cuộc bầu cử và các quyết định. Vì bản văn rõ ràng và chính xác, nên xin trưng dẫn nguyên văn:

“Đối với các hành vi tập đoàn, trừ khi luật pháp hoặc quy chế quy định cách khác, thì:

§1: Nếu là việc bầu cử, điều gì được đa số tuyệt đối những người hiện diện đồng ý, thì điều ấy có giá trị pháp luật, miễn là đa số những người phải được triệu tập đã hiện diện; sau hai lần bỏ phiếu vô hiệu, phải dồn phiếu cho hai ứng viên đã được nhiều phiếu nhất, hoặc nếu có nhiều ứng viên như vậy, thì phải dồn phiếu cho hai ứng viên nhiều tuổi hơn; sau lần bỏ phiếu thứ ba, nếu các ứng viên có số phiếu ngang nhau, thì ứng viên cao niên nhất sẽ đắc cử.

§2: Nếu là các vấn đề khác, điều gì được đa số tuyệt đối những người hiện diện đồng ý, thì điều ấy có giá trị pháp luật, miễn là đa số những người phải được triệu tập đã hiện diện; nếu sau hai lần bỏ phiếu mà số phiếu vẫn ngang nhau, thì vị chủ tọa có thể dung phiếu của mình để tiêu hủy sự ngang phiếu đó.

§3: Nếu vấn đề liên quan đến tất cả mọi người xét như từng người thì phải được mọi người chấp thuận.

Khoản thứ ba đã lấy lại một câu thành ngữ xưa, và được áp dụng khi có nghi vấn chẳng hạn về quyền của một cử tri xét như thành viên của Tu Nghị. Khi Tu Nghị muốn rút quyền bầu cử hoặc tuyển cử cho một trường hợp nào đó, thì điều này phải được tất cả mọi người đồng thanh chấp thuận, bởi vì ngoại trừ trường hợp một tội phạm do luật dự trù, đa số không có quyền áp đặt để bắt buộc một thành viên của tập đoàn phải từ bỏ quyền lợi của mình.

Các cuộc bầu cử phải diễn ra như được trình bày nơi các điều 164-179. Nội dung của các cuộc bầu cử sẽ lại được bàn đến nơi vấn đề 84.