Các tôn giáo mới trong các văn kiện Tòa Thánh

0
560

Hồng y Francis Arinze

(Thời sự Thần học, Số 98 (tháng 11 – 2022))

———————————–

Lời tòa soạn

Trong bài này, các tôn giáo mới (viết tắt: TGM) được hiểu theo nghĩa của xã hội học tôn giáo ngày, tức là “phong trào tôn giáo mới” (new religious mouvements). Như sẽ thấy, đây là cả một vấn đề phức tạp, ngay từ chuyện danh xưng. Xưa nay, người ta vốn gọi là sect (tiếng Anh, secte tiếng Pháp, secta tiếng Tây-ban-nha) với nhiều hàm ý tiêu cực (bè phái, lạc giáo). Không lạ gì mà các nhóm ấy không được thiện cảm của các lãnh đạo Nhà nước và Giáo hội. Mặt khác, tình hình của các TGM thay đổi tùy theo lục địa. Tại châu Âu và châu Mỹ, Kitô giáo được nhận như là tôn giáo chính thức mặc dù mỗi quốc gia có thể mang hình thức giáo hội khác biệt (chẳng hạn như Công giáo tại Italia, Tây ban nha, Mỹ châu Latinh; Chính thống tại Đông Âu, Tin lành tại Bắc Mỹ), các sect có thể bị coi là nguy hiểm; thế nhưng tình trạng tại Ấn độ và Nhật bản thì khác hẳn.

Ở đây, chúng tôi sẽ không theo dõi phản ứng của các Giáo hội Kitô giáo nói chung, nhưng chỉ giới hạn vào các văn kiện của Giáo hội Công giáo. Hơn nữa, phạm vi nghiên cứu được giới hạn vào các văn kiện của Tòa Thánh, chứ không đi vào các văn kiện của các Hội đồng giám mục tại các quốc gia, hoặc các Hội nghị giám mục lục địa (chẳng hạn như CELAM tại Mỹ châu Latinh).

Mặt khác, việc lựa chọn các văn kiện cũng còn trải qua một lớp sàng lọc nữa, đó là chúng tôi sẽ không đụng tới các văn kiện nói về việc đối thoại đại kết (ecumenical dialogue, với các Giáo hội ngoài Công giáo)[1] và việc đối thoại liên tôn (interreligious dialogue, với các tôn giáo)[2]. Như sẽ thấy, sự phân biệt giữa các TGM với các giáo hội và tôn giáo không đơn giản, bởi vì bên Nam Mỹ, tất cả các nhóm TGM đều được đồng hóa các hệ phái Tin Lành.

Các văn kiện của Tòa Thánh đề cập đến các TGM có thể xếp thành ba loại: a) tổng quát; b) riêng cho từng đại lục; c) một vài đề tài cụ thể.

A. Tổng quát: liên quan đến toàn thế giới.

Có hai văn kiện chính: 1/ Bản tường trình năm 1986 và 2/ Bản tường trình 1991.

1/ Bản tường trình liên bộ năm 1986.

Vào tháng 2 năm 1984, một cuộc điều tra được thực hiện bởi bốn cơ quan của Tòa Thánh: Văn phòng hợp nhất các Kitô hữu, Văn phòng các người ngoài Kitô giáo, Văn phòng những người vô tín ngưỡng, Hội đồng Văn hóa. Một bản câu hỏi được gửi đến các Hội đồng giám mục ở cấp quốc gia cũng như ở cấp miền. Đến tháng 10 năm 1985, các bản trả lời đã được gửi về từ 75 đơn vị. Dựa vào đó, một bản tường trình được đúc kết mang tựa đề “Các giáo phái hoặc tôn giáo mới: thách đố mục vụ” được công bố ngày 3 tháng 5 năm 1986[3], gồm 8 mục: 1. Nhập đề; 2. Những lý do bành trướng của các phong trào này; 3. Những thách đố và những lối tiếp cận mục vụ; 5. Lời kêu gọi của Thượng hội đồng giám mục năm 1985; 6. Những đề tài cần được đào sâu thêm; 7. Thư mục 8. Phụ lục.

2/ Bản tường trình của Hồng y Francis Arinze tại Công hội ngoại thường các Hồng y (1991).

Từ ngày 4 đến 7 tháng 4 năm 1991, ĐTC Gioan Phaolô II đã triệu tập một công nghị các Hồng y, để bàn về hai vấn đề quan trọng: 1/ những mối đe dọa sự sống, cách riêng là sự phá thai; 2/ sự bành trướng các TGM mới. Vào dịp này, ĐHY Francis Arinze, chủ tịch Hội đồng đối thoại liên tôn, đã trình bày bản tường trình mang tựa đề: “Một tiếp cận mục vụ trước những thách đố của các TGM”[4], được gồm 6 mục: 1. Từ ngữ; 2. Phân loại; 3. Nguồn gốc và những lý do của sự bành trướng; 4. Những vấn đề được đặt ra; 5. Đáp ứng mục vụ tổng quát; 6. Đáp ứng mục vụ đặc thù. Đây là văn kiện mà chúng tôi sẽ trình bày tóm lược dưới đây, trong đó tác giả phân tích vấn đề dưới khía cạnh mục vụ, sau khi đã phân biệt và xếp loại các thứ TGM. Tuy không giấu diếm những nguy hại do các TGM gây ra cho đời sống đức tin, nhưng ĐHY Arinze đề nghị một lối tiếp cận mục vụ: thay vì kết án họ, chúng ta hãy tìm cách canh tân đời sống cộng đoàn chúng ta.

Bên cạnh những văn kiện mang tính phổ quát, thiết tưởng cũng nên nhắc đến các văn kiện của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành để đúc kết các khóa họp Thượng hội đồng đặc biệt cho mỗi lục địa, trong đó vấn đề TGM được nêu lên, tuy không quan trọng ngang nhau.

B. Riêng cho mỗi đại lục

Để đón chào thiên niên kỷ thứ ba, ĐTC Gioan Phaolô II đã triệu tập các Thượng hội đồng giám mục đặc biệt dành cho các đại lục, để nhìn lại lịch sử truyền giáo trong quá khứ và thảo ra kế hoạch cho tương lai. Vấn đề các TGM được nêu lên tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi.

1) Tại châu Mỹ. Tông huấn Ecclesia in America (22/1/1999)

Tông huấn đã dành số 73 cho các TGM, mang danh xưng cũ là sects (“Challenge of the sects”). Việc chiêu dụ (proselytism) thật là nghiêm trọng, khiến cho không ít người Công giáo đã rời Giáo hội.

Tuy nhiên, cần phân biệt các phong trào này với các Giáo hội Tin Lành. Để đáp ứng với tình hình, chúng ta cần xét lại các đường hướng mục vụ, lưu ý đến truyền thống tín ngưỡng dân gian, quan tâm đến mục vụ dành cho những nhóm di dân, tổ chức các cộng đồng cơ bản, giúp đỡ những người nghèo.

2) Tại châu Á. Tông huấn Ecclesia in Asia (6/11/1999)

Văn kiện nhắc đến các TGM (new religious movements) số 6, nhưng xem ra không phải là vấn đề đáng lo ngại, bởi vì tông huấn chú ý nhiều hơn cho cuộc đối thoại liên tôn (số 31).

3) Tại châu Đại dương. Tông huấn Ecclesia in Oceania (22/11/2001)

Cần phân biệt ba thực tại khác nhau: a) các TGM (gọi là sects, số 24) với đường hướng chiêu dụ tín đồ; b) các tôn giáo lớn (chẳng hạn như đạo Do thái hay Islam); c) các tôn giáo cổ truyền (traditional religions số 25; xem thêm số 20).

4) Tại châu Âu: Ecclesia in Europa (28/6/2003)

Âu châu đã từng là nơi bùng nổ các nhóm ly khai tôn giáo (chẳng hạn như phong trào Phản kháng) cũng như những chủ trương tôn giáo thực nghiệm. Thế nhưng tông huấn chỉ dành số 68 để bàn về các sects (chứ không nói đến các new religious movements) đang bành trướng. Để đương đầu với hiện tượng này, tông huấn đề nghị cỗ võ các phong trào Giáo hội (ecclesial movements) để cổ võ việc sống đạo giữa các giáo dân.

5) Tại châu Phi: Africae munus (20/11/2011)

Khi bàn về tình hình các tôn giáo ở đại lục này, tông huấn phân biệt ba hoàn cảnh khác nhau (số 89-93): a) Các Giáo hội ngoài Công giáo: cần cổ võ cuộc đối thoại để kiến tạo sự hợp nhất giữa các môn đệ của Chúa Giêsu (số 89); b) các Giáo hội Phi châu tự trị (African Independent Churches), là những cộng đoàn Kitô hữu tách rời khỏi Giáo hội vì muốn thực hành lối sống đạo phù hợp với văn hóa của mình; điều này đòi hỏi Giáo hội Công giáo phải suy nghĩ thêm về vấn đề hội nhập văn hóa (số 90); c) Những phong trào pha phôi và giáo phái (syncretistic movements and sects), pha trộn tín ngưỡng với ma thuật, mê tín (số 91). Xem ra các TGM đều có thể có chỗ đứng trong cả ba nhóm đó.

Tóm lại, tuy hiện tượng TGM có mặt ở tất cả mọi đại lục, nhưng không có tầm quan trọng ngang nhau, phần nào bởi vì được lồng trong những truyền thống tôn giáo khác nhau.

C. Vài vấn đề cụ thể

Ngoài những văn kiện bàn về các hiện tượng TGM nói chung, thiết tưởng cần ghi nhận một vài vấn đề gây ra cho đời sống đức tin do sự tiếp xúc của các tín hữu với phong trào tôn giáo mới, hoặc với các tôn giáo khác.

1) Bộ giáo lý đức tin, Thư gửi các giám mục về vài khía cạnh của việc suy niệm Kitô giáo, Orationis formas (15/10/1989): cần thận trọng khi sử dụng phương pháp Yoga và Thiền bởi vì có những khía cạnh không phù hợp với đức tin, và có thể rơi vào những lạc thuyết đã xuất hiện vào thời đầu của Giáo hội, đó là: ngộ đạo (gnosticism đặt nặng hiểu biết lên trên đức tin) hoặc messalianism (chú trọng đến cảm nghiệm, hơn là thực hành đức tin).

2) Bộ giáo lý đức tin, Về một vài khía cạnh của ơn cứu độ Kitô giáo, Placuit Deo 22/2/2018). Văn kiện cảnh báo nguy cơ rơi vào thuyết Pelagiô và thuyết ngộ giáo trong khi nỗ lực đi tìm con đường cứu độ. Hai lạc thuyết này đã được ĐTC Phanxicô nhắc đến trong tông huấn Evangelii gaudium (24/11/2015), số 93-94.

3) Hội đồng đối thoại liên tôn, Thư gửi các Chủ tịch Hội đồng giám mục tại châu Á, Mỹ, Đại dương về mối quan tâm mục vụ dành cho các tôn giáo cổ truyền (Traditional religions) thường bị coi là ma thuật, mê tín, dị đoan (21/11/1993). Trước đó 5 năm (25/3/1988), cơ quan này cũng gửi một bức thư tương tự cho các Hội đồng giám mục châu Phi.

4) Hội đồng về văn hóa và Hội đồng đối thoại liên tôn, “Đức Kitô kẻ mang nước sự sống”. Suy tư Kitô giáo về New Age (3/2/2003).

Sau đây, chúng tôi xin tóm lược bản tường trình của Hồng y Francis Arinze cho Công Hội các Hồng y năm 1991. Qua tựa đề, tác giả đã trình bày định hướng, đó là lối tiếp cận mục vụ. Sau phần phân tích từ ngữ và nội dung các TGM, tác giả sẽ tìm hiểu lý do gì mà nhiều người (trong đó có những tín hữu Công giáo) đã đi theo họ, và đề nghị những phương pháp mục vụ để đối phó.

———————————–

Nhập đề

Việc nảy sinh và bành trướng các TGM là một hiện tượng nổi bật trong lịch sử tôn giáo vào thời đại chúng ta. Một vài nhóm mang tính bí truyền. Những nhóm khác chú giải Kinh thánh theo đường lối của mình. Một số khác pha trộn những yếu tố của các tôn giáo châu Á và châu Phi với Kitô giáo. Một số giám mục đã lên tiếng cảnh báo về hoạt động của các nhóm này vì nhiều lý do: đôi khi họ công kích Giáo hội Công giáo; có khi các tín hữu Công giáo gia nhập những nhóm ấy, hoặc có thái độ lập lững nước đôi. Ngoài ra đôi khi họ truyền bá những niềm tin hoặc thực hành trái ngược với chân lý đức tin. Vì thế các mục tử muốn nhận được thông tin và hướng dẫn để biết cách hành động. Bản tường trình này sẽ đề cập sáu điểm: 1) Từ ngữ; 2) Phân loại; 3) Nguồn gốc các TGM và lý do của sự bành trướng; 4) Những vấn đề được đặt lên; 5) Đáp ứng mục vụ tổng quát; 6) Đáp ứng mục đặc thù.

I. Từ ngữ

   Vấn đề sử dụng từ ngữ để gọi các nhóm này rất khó, bởi vì bản chất khá phức tạp. Các nhóm này khác biệt về nguồn gốc, đạo lý, phương pháp kết nạp thành viên, lối sống cũng như thái độ đối với Giáo hội công giáo, các tôn giáo khác và xã hội. Sau đây là một vài thuật ngữ quen được sử dụng: sect; new religious mouvement, cults, new religions.

1/ Sect (giáo phái, bè phái)

Danh từ này có thể ám chỉ một nhóm ly khai khỏi một nhóm tôn giáo khác, (phần lớn là Kitô giáo) và chủ trương những đạo lý hoặc thực hành lệch lạc. Tuy nhiên, từ này sẽ không còn chính xác khi áp dụng cho những nhóm thành hình do sự tương tác giữa Kitô giáo và các tôn giáo châu Á hoặc châu Phi, hay khi bàn về những nhóm mang tính cách tâm lý hoặc ngộ giáo.

Mặt khác, từ “sect” không mang cùng một ý nghĩa như nhau khi đi từ nơi này sang nơi khác. Chẳng hạn như ở châu Mỹ Latinh, danh từ ám chỉ tất cả các nhóm Tin Lành, tuy rằng cho những nhóm đã hiện hữu từ lâu đời và đã duy trì đối thoại đại kết với Giáo hội Công giáo. Thêm vào đó, từ “sect” còn mang theo đặc tính cực đoan. Ở Tây-Âu, từ sect hàm ý nghĩa tiêu cực, nhưng bên Nhật thì nó không mang nghĩa xấu.

2/ New Religious Movements

Thuật ngữ này (Phong trào tôn giáo mới) mang tính cách trung lập hơn là sect. Được gọi là “mới” không những bởi vì xuất hiện sau thế chiến thứ hai mà còn bởi vì tự coi như là thay thế cho tôn giáo chính thức tại một quốc gia hay miền văn hóa. Được gọi là “tôn giáo” bởi vì họ tuyên xưng hoặc cống hiến một viễn ảnh về thế giới linh thiêng, hoặc những phương tiện để đạt đến các mục tiêu khác (tựa như: tri thức siêu việt, giác ngộ, thành tựu bản thân), hoặc bởi vì họ cung cấp  giải đáp cho những câu hỏi hiện sinh căn bản (tựa như: ý nghĩa cuộc sống, chỗ đứng của con người trong vũ trụ).

3/ Những tên gọi khác

Những phong trào này còn được gọi bằng nhiều tên khác: các tôn giáo mới, các tôn giáo ngoài lề, những phong trào tôn giáo tự do, những phong trào thay thế, và cách riêng trong tiếng Anh, cults.

Nên lưu ý là phần lớn những nhóm này không thích mang những danh xưng hàm ý chống đối các Giáo hội hoặc các tôn giáo. Họ tự nhận là “giáo hội”.

4/ Nên dùng từ ngữ gì?

Xét vì không có một từ ngữ nào được tất cả mọi người chấp nhận, cần phải cố gắng sử dụng một từ ngữ nào chính xác bao nhiêu có thể được, tránh việc gán cho tất cả mọi nhóm một vài khía cạnh tiêu cực gặp thấy nơi một vài nhóm.

Không nên dùng từ sect cho những tất cả các nhóm tách rởi khỏi Giáo hội chính truyền. Vì thế các Hội thánh Cải Cách tách rời khỏi Giáo hội Công giáo vào thế kỷ XVI không thể gọi là sect. Tuy nhiên, không biết nên gọi các nhóm tân-ngũ tuần hoặc Tin Lành quá khích như thế nào, khi họ có những thái độ bè phái.

Trong bài này, tôi sẽ dùng hạn từ “New Religious Movements” (viết tắt là NRM) bởi vì nó trung lập và khá bao quát để dung nạp được các phong trào mới thuộc Tin Lành, các giáo phái ly khai khỏi Giáo hội, các phong trào gốc châu Á và châu Phi, cũng như những nhóm mang tính ngộ giáo hoặc bí truyền. (Chú thích của người dịch:  NRM  được dịch là TGM cho gọn, thay vì “Phong trào Tôn giáo mới”).

II. Phân loại các TGM

Để hiểu rõ hơn các TGM, thiết tưởng nên phân loại thành các nhóm khác nhau, dựa trên hai tiêu chuẩn: 1/ Đối chiếu với Kitô giáo. 2/ Đối chiếu với nền tảng tri thức.

A. Đối chiếu với Kitô giáo

Chúng ta có thể phân biệt:

1. Những nhóm phát xuất từ Tin Lành: tuy có nguồn gốc Kitô giáo nhưng khác biệt đáng kể về đạo lý (Cơ Đốc Phục Lâm, Chứng nhân Giêhôva, Mormon)

2. Những nhóm phát xuất từ các tôn giáo khác (Krisna, Thiền, Mahikari)

3. Những nhóm bắt nguồn từ nền tảng nhân bản, hoặc “tiềm lực con người” (chẳng hạn New Age, những nhóm trị liệu)

4. Những nhóm bắt nguồn từ những phong trào “tiềm lực thần linh” (cách riêng dựa theo các truyền thống tôn giáo Á châu).

B. Đối chiếu với nền tảng tri thức

Chúng ta có thể phân biệt bốn loại.

1. Những nhóm dựa trên Kinh thánh: các nhóm thuộc Kitô giáo hay bắt nguồn từ Kitô giáo. Phần lớn các phái ở Mỹ châu Latinh và Philippines thuộc về loại này.

2. Những nhóm bắt nguồn từ các tôn giáo khác (Ấn giáo, Phật giáo, Tôn giáo cổ truyền). Một vài nhóm pha trộn vài yếu tố có nguồn gốc Kitô giáo.

3. Những nhóm mang dấu hiệu suy thoái về tín ngưỡng chân chính hoặc trở về với các tín ngưỡng tiền Kitô giáo, với những yếu tố ma thuật, bói toán, phù thủy, thông linh và thậm chí thờ phượng ma quỷ[5].

4. Ngộ giáo. Họ chủ trương sống theo tự nhiên, giúp cho con người sống tự do và trách nhiệm, và đề cao việc giác ngộ hơn là những yêu sách luân lý.

C. Có thể tìm ra một mẫu số chung cho các TGM không?

Văn chương về các TGM thường mang tính phóng đại. Người ta có khuynh hướng phóng dọi cho tất cả các nhóm ấy một phần nhỏ của thực tại mà một người quan sát được. Trong nỗ lực đi tìm một mẫu số chung, các TGM đã được định nghĩa như là “những nhóm tôn giáo với một thế giới quan riêng biệt, phát xuất từ giáo lý của một tôn giáo lớn hơn, nhưng không đồng nhất với tôn giáo ấy”. Đây chỉ là một định nghĩa dưới khía cạnh hiện tượng, nhưng chỉ đúng một phần. Định nghĩ này xem ra chưa bao gồm các phong trào xuất phát từ những chủ trương nhân bản hoặc ngộ giáo, cũng như các phong trào mà các nhà xã hội học gọi là “các phong trào ma thuật mới”.

Ngoài ra, định nghĩa này bỏ qua tất cả những phán đoán về giá trị của những học thuyết, đời sống luân lý của các người sáng lập hay các thành viên, cũng như tương quan đối với xã hội. Tuy nhiên, Giáo hội không thể nào làm thinh không nêu lên phê phán về giá trị, bởi Hội thánh có nhiệm vụ giúp các tín hữu biết quý trọng sức sống dồi dào mà Chúa Kitô mang lại (xc Ga 10,10; 1Tm 3,15), và cho phép đánh giá những gì mà các TGM cống hiến.

Dưới khía cạnh đạo lý, những nhóm hoạt động tại những miền xưa nay vốn theo Kitô giáo có thể được xếp thành bốn nhóm tùy theo khoảng cách gần xa với thế giới quan Kitô giáo: (1) Những nhóm loại trừ Giáo hội; (2) Những nhóm loại trừ Đức Kitô;  (3) Những nhóm loại trừ Thiên Chúa, tuy vẫn duy trì một cảm thức linh thiêng; (4) Những nhóm loại trừ tôn giáo nhưng vẫn duy trì một lực lượng siêu nhiên mà con người có thể vận dụng để điều khiển tha nhân hay thiên nhiên.

Nói chung, những phản ứng của xã hội đối với các TGM không căn cứ trên học thuyết của họ cho bằng trên lối cư xử của họ và tương quan với xã hội. Một vài phong trào này, cách riêng những nhóm bắt nguồn từ châu Á hay tâm lý, bị tố cáo là độc tài, dùng áp lực với các phần tử, theo đuổi một thứ chiêu dụ không trung thực, tách biệt các phần tử khỏi xã hội, có ý đồ làm kinh tế hay chính trị hơn là tôn giáo. Đó là những vấn đề quan trọng mà các mục tử trong Giáo hội phải đối diện. Cần phải thu thập thông tin, cũng như cần phải kiểm chứng những tin đồn. Dù sao, đừng vội lên án hay vơ đũa cả nắm bằng cách áp dụng cho tất cả các TGM những thái độ tiêu cực của một số ít; cũng đừng vội khẳng định là các TGM không thể nào tiến triển theo chiều hướng tích cực.

Phải nhìn nhận rằng một số TGM bắt nguồn từ Tin Lành dễ gây ra phản ứng tiêu cực do cách chiêu dụ của họ bằng cách bêu xấu Giáo hội Công giáo, hoặc do cách sử dụng phương tiện truyền thông giống như quảng cáo thương mại hơn là truyền đạo.

Mặc dù có sự khác biệt giữa các TGM, cũng tình hình khác biệt giữa các địa phương, nhưng tất cả đều nêu lên một vấn đề mục vụ chính, đó là sự tổn thương của các tín hữu khi đối diện với những giáo huấn mà họ xưa nay đã nhận được. Thật là đáng tiếc khi mà nhiều tín hữu nhận được rất ít được đào tạo về Kinh thánh vì thế họ dễ bị khuất phục bởi các nhóm Tin Lành cực đoan. Đây là một điểm đáng quan tâm khi thảo ra những kế hoạch mục vụ để đương đầu với các TGM.

Hiện tượng các sect đặt ra cho các mục tử vấn đề phân định. Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Đừng vội tin bất cứ thần khí nào, nhưng hãy cấn nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, bởi vì hiện nay có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1Ga 4,1).

III. Nguồn gốc của các TGM và những lý do bành trướng

Điều gì gây ra sự nảy sinh các TGM? Tại sao họ phát triển nhanh chóng vậy? Trong số nhiều lý do có thể đưa ra, ta có thể chọn ra tám lý do sau đây.

1. Những nhu cầu tâm linh của con người

Các TGM cho thấy rằng có những nhu cầu tâm linh chưa được định hình, hoặc chưa được nhận ra và đáp ứng về phía các Giáo hội và các tôn giáo khác. Đó là biểu hiện của một tình trạng khủng hoảng, cách riêng nơi những người mỏng giòn, tựa như các bạn trẻ đang đi tìm lý tưởng tuyệt đối, hoặc những người lớn đang gặp khủng hoảng với tôn giáo của mình hay với xã hội.

2. Đi tìm căn tính văn hóa

Các TGM có thể nảy sinh hay thu hút bởi những con người đang tìm ý nghĩa vào lúc họ cảm thấy lạc lõng do sự thay đổi văn hóa. Điều này có thể xảy ra nơi các quốc gia Tây phương khiến người dân lung lạc khi đứng trước những tuyên truyền của phương tiện truyền thông khác hẳn với những xác tín mà họ nhận được từ tôn giáo cổ truyền. Điều này có thể xảy ra nơi các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, khi xã hội cổ truyền bị tan rã, và người dân bị lung lạc khi tiếp xúc với thế giới đô thị hóa, nền công nghệ hay các tôn giáo lớn trên thế giới.

3. Lấp đầy khoảng trống

Không ít người Kitô hữu gia nhập các TGM bởi vì họ thấy các nhóm này đáp ứng lòng khao khát học hỏi Kinh thánh, ca hát, múa nhảy, thỏa mãn tình cảm; hoặc tìm được những câu trả lời ngắn ngọn cho các thắc mắc nhân sinh. Các TGM lấp đầy lòng ước ao được nuôi dưỡng bằng Kinh thánh và đạo lý tâm linh. Người Công giáo sống đạo hời hợt sẽ không hiểu biết gì về Lời Chúa, và dễ bị tấn công bởi những cuộc chiêu dụ của các nhóm Tin Lành. Dù sao, cần thêm rằng có nhiều giáo phái đã lên án thế giới sa đọa, và không tin rằng có thể xây dựng một thế giới công bằng.

4. Tìm giải đáp cho các thắc mắc liên quan đến sinh tử

Có những người, chẳng hạn như bên Phi châu, tìm đến tôn giáo sự đáp trả và phù hộ chống lại phù thủy, thất bại, bệnh tật và chết. Đối với họ, các TGM xem ra đã thẳng thắn giải quyết các vấn đề sinh tử ấy và hứa hẹn những phương dược, đặc biệt là chữa lành thể lý và tâm lý. Chúng ta có thể nói đến một thứ tin tưởng ngây thơ, hoặc tín ngưỡng lệch lạc hoặc lợi dụng tôn giáo để xâm phạm vào cuộc sống cá nhân. Nhưng không thể chối cãi sự kiện là hàng triệu người (kể cả người Kitô hữu) cảm thấy hấp dẫn bởi các TGM vì lý do này.

5. Khai thác những điểm yếu trong đường lối mục vụ của chúng ta

Có nhiều thiếu sót trong đường lối mục vụ và đời sống cộng đoàn của chúng ta mà các TGM biết khai thác. Khi con số linh mục còn thiếu thì các nhóm này cung cấp các nhà lãnh đạo tinh thần được đào luyện cấp tốc. Khi người Công giáo dốt nát về Kinh thánh và giáo lý, thì các nhóm này tấn công với những luận cứ Kinh thánh được giải thích theo khuynh hướng bảo căn. Khi lối sống của con cái Hội thánh nguội lạnh thì các nhóm này tỏ ra dấn thân sống Tin mừng triệt để. Khi các tín hữu còn mập mờ về công cuộc cứu độ của Đức Kitô và của Hội thánh, thì các nhóm này trình bày những đạo lý khác về sự cứu độ. Khi các giáo xứ quá rộng lớn, thiếu những tương quan tình người, thì các nhóm này thiết lập những cộng đoàn nhỏ, trong đó mỗi người đều được biết đến, được yêu mến, trân trọng và trao trách nhiệm. Khi các giáo dân và phụ nữ cảm thấy đứng bên lề Giáo hội, thì các nhóm này trao việc lãnh đạo cho họ. Khi phụng vụ được cử hành cách máy móc và lạnh lùng, thì các buổi lễ của các nhóm này được cử hành với sự tham gia đông đảo, với những tiếng hò vang “Alleluia” xen lẫn các câu Kinh thánh. Khi việc hội nhập văn hóa tiến triển chậm chạp thì các nhóm này cho thấy các cộng đoàn đâm rễ sâu vào văn hóa địa phương. Khi các bài giảng lễ gồm những ý tưởng quá cao vời, thì các nhóm này thúc đẩy các phần tử dấn thân cho Đức Kitô, gắn bó với lời Chúa dạy. Khi Giáo hội xem ra nặng nề về cơ cấu phẩm trật, các nhóm này đề cao tương quan cá nhân với Thiên Chúa.

6. Những lý do chính trị và kinh tế

Có những quốc gia (chẳng hạn bên châu Mỹ Latinh) chống lại giáo huấn xã hội của Hội thánh, cách riêng là những đoạn nói đến việc bảo vệ người nghèo, và nỗ lực thăng tiến toàn diện con người.

Không nên loại trừ các lý do kinh tế khi giải thích nguồn gốc nảy sinh các TGM. Tại Phi châu và Á châu, những nhà lãnh đạo các giáo phái đã làm giàu trong thời gian ngắn. Có những bằng chứng cho thấy vài giáo phái xuất phát từ Hoa kỳ và được gửi đến các nước khác dựa theo một chương trình phát triển. Điều này càng rõ rệt với nhiều dự án mang tên New Age mang dấu tích kinh tế và văn hóa.

7. Những phương pháp được sử dụng bởi các TGM

Sự bành trướng của các TGM bắt buộc phải tìm hiểu những phương pháp mà họ sử dụng. Không thể lên án tiên thiên các phương pháp ấy. Lòng nhiệt thành truyền giáo của họ, việc sử dụng các phương tiện truyền thông, việc huy động các “tân tòng” tham gia vào sinh hoạt, việc thảo hoạch quy mô các dự án.. Những điềm này khiến chúng ta phải xét lại hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Tuy nhiên, các mục tử cần lưu ý đến việc phân biệt cách thức loan báo Tin mừng theo đường lối của Chúa Kitô, không phải như rao giảng một sứ điệp mang lại thành công thịnh vượng, đề cao những chi tiết đập mạnh vào cảm tính hay gieo rắc thù nghịch.

Thật vậy có những phương pháp được sử dụng bởi vài nhóm TGM trái ngược với tinh thần của Tin mừng bởi vì không tôn trọng lương tâm con người. Chẳng hạn có những nhóm sử dụng việc chiêu mộ và đào tạo đáng nghi ngờ, những tiến trình nhồi sọ, phân phái tiền bạc, tách ly các phần tử khỏi gia đình của mình, tôn sùng cá nhân lãnh tụ.

Dĩ nhiên, việc lên án các phương pháp ấy thì chưa đủ. Cần phải chuẩn bị những nhóm mục vụ để thông tin và huấn luyện các tín hữu cũng như các bạn trẻ và gia đình của họ khi có người rơi vào các giáo phái ấy.

8. Hoạt động của ma quỷ

Khi tìm hiểu những lý do giải thích sự nảy sinh và bành trướng của các phái TGM, chúng ta không nên loại trừ hoạt động của ma quỷ, cho dù những người trong cuộc không có ý thức gì về hắn. Ma quỷ là kẻ thù gieo cỏ lùng vào ruộng lúa khi người ta đi ngủ. Trong dụ ngôn về cỏ lùng ông chủ đã nói với các đầy tớ của mình: “Vài kẻ thù đã làm điều ấy” (Mt 13,28).

Việc phân tích ngắn ngủi trên đây giúp để hiểu được vì sao các TGM trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Ở Hoa kỳ các giáo phái này bành trướng từ cuối thể kỷ XIX và đặc biệt kể từ giữa thế kỷ XX. Phần lớn họ bắt nguồn từ các Giáo hội Tin Lành, nhưng cũng từ các tôn giáo Á châu hoặc pha trộn với các yếu tố tín ngưỡng và tâm lý. Từ Hoa kỳ, các phái này được xuất khẩu sang Mỹ châu Latinh, Nam Phi, Philippines và Âu châu.

Ở Mỹ châu Latinh, phần lớn các TGM có nguồn gốc Kitô giáo và thường có thái độ tấn công và bôi nhọ Giáo hội Công giáo.  Điều này cũng xảy ra tại Philippines.

Ở Phi châu, việc nảy sinh các TGM có liên hệ với cuộc khủng hoảng chính trị, văn hóa và xã hội vào thời hậu-thuộc-địa, cùng với những vấn đề hội nhập văn hóa, và khát mong của người Phi châu được chữa lành và giải quyết những vấn đề nhân sinh.

Tại Á châu, các TGM có nguồn gốc bản địa không phải là mối đe dọa lớn tại nơi mà các Kitô hữu còn là thiểu số (chẳng hạn Nhật bản), đừng kể khi được xuất khẩu sang Âu châu và Mỹ châu, nơi mà họ thu hút nhiều người, kể cả người trí thức, vì những phương thế giúp thư giãn, an bình, giác ngộ. Tuy nhiên, cần thêm rằng tại Nhật bản, bộ mặt của Kitô giáo đã bị tổn hại bởi các TGM này, bởi vì người địa phương chưa phân biệt được Giáo hội Công giáo với các giáo phái này.

Tại châu Âu, xã hội công nghệ và tục hóa đã bị phân mảnh về các giá trị tinh thần và tôn giáo, đã trở thành mảnh đất thuận lợi cho các TGM đến từ Hoa kỳ và Á châu. Phong trào New Age đang hoạt động mạnh.

IV. Những vấn đề và thách đố được đặt ra do các TGM

Những điều trình bày trên đây giúp chúng ta nhận ra những vấn đề và thách đố do các TGM đặt ra không phải là ít và thường. Chúng tôi xin nêu lên một vài điểm.

1. Sự hợp nhất của Giáo hội

Các TGM lôi kéo các tín hữu ra khỏi sự hợp nhất và hiệp thông của Hội thánh. Sự hiệp thông này dựa trên sự hợp nhất của đức tin, hy vọng và yêu mến đã lãnh nhận trong bí tích thánh tẩy. Chúa Kitô, Đấng Cứu thế và Sáng lập của Hội thánh đã nguyện xin cho tất cả những kẻ tin vào Ngưởi được nên một trong sự hợp nhất của Tam Vị  (xc Ga 17,21). Các giáo phái và TGM xúi giục các tín hữu tách rời khỏi sự hiệp thông này.

2. Phong trào đại kết

Cần phân biệt một bên là các giáo phái và TGM, và bên kia là các Giáo hội. Tại một vài nơi, sự áp dụng danh xưng “sect” cho tất cả mọi nhóm ngoài Công giáo là sự hiểu lầm đáng tiếc. Giáo hội Công giáo tham gia vào cuộc đối thoại đạo lý với 11 Giáo hội ngoài Công giáo. Nền tảng của các cuộc đối thoại này là “những ai tin vào Chúa Kitô và được  rửa tội đều ở trong một sự hiệp thông, dẫu còn bất toàn, với Giáo hội Công giáo (Vatican II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio về Hợp nhất, số 3). Giáo hội Công giáo nhìn nhận rằng trong các Giáo hội ấy có những cấp độ tương giao tùy theo tầm mức mà họ chia sẻ vào những hồng ân cấu thành Hôi thánh Chúa Kitô. Đây là nền tảng cho việc dấn thân vào phong trào đại kết. Một dặc tính của giáo phái là tách biệt ra khỏi tất cả mọi cộng đoàn khác, khiến cho cuộc đối thoại trở nên khó khăn nếu chưa nói là không thể được.

Vì thế cần phân biệt giữa các quan hệ đại kết và những liên lạc với giáo phái. Phải nhìn nhận thái độ bè phái (hay loại trừ) cũng có thể gặp thấy trong các Giáo hội (kể cả công giáo). Thực ra tại vài nơi trên thế giới, đôi khi thật khó nhận ra sự khác biệt ấy! Cũng nên biết là các Giáo hội Tin Lành cũng cảm thấy lo sợ các giáo phái này, đặc biệt tại những nơi mà Tin Lành chỉ là một thiểu số và dễ bị lẫn lộn.

3. Đe dọa đức tin

Một vài giáo phái hoặc TGM hoặc làm sai lệch các tín điều của Công giáo hoặc khước từ chúng. Họ trưng bày một tôn giáo hợp với kích thước con người thay vì truyền bá Hội thánh do Con Thiên Chúa thiết lập. Họ muốn xây dựng niềm tin và nếp sống dựa theo tư tưởng hoặc “thị kiến” của người sáng lập phong trào, hơn là tin vào mặc khải của Chúa Giêsu Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại (xc. Cv 4,12). Họ truyền báo thuyết luân hồi thay thế cho đạo lý về tứ chung và sự phục sinh. Sự thể hiện bản thân được đề cao thay cho đời sống ân sủng và nhận biết một Thiên Chúa chân thật và Đức Giêsu Kitô là Đấng được Cha sai đến (xc. Ga 17,3).

4. Bỏ mất đức tin

Điều tệ hại nhất là vài Kitô hữu đã từ bỏ đức tin do các hoạt động của các TGM. Vài phong trào chủ trương một thứ lạc đạo, tôn sùng bản thân thay vì Thiên Chúa, hoặc cho rằng đã đạt tới một minh tuệ cao hơn các tôn giáo. Những nhóm khác lại cổ võ bí truyền, ma thuật, thông linh, thậm chí tôn thờ ma quỷ.

5. Vô thần và vô tín ngưỡng

Một vài phái TGM quá đề cao con người đến nỗi dẫn tới chủ trương vô thần. Thực ra, không thiếu những người đang gặp khủng hoảng đã nhờ các phái này để tìm gặp Thiên Chúa. Nhưng nếu việc gia nhập các phái này dẫn đến cảnh đỗ vỡ nhân cách, vỡ mộng, thì có nguy cơ sẽ mang ác cảm với tất cả mọi tôn giáo, vì coi tôn giáo là trò lường gạt.

6, Chiêu dụ

Nhiều phái TGM sử dụng những phương pháp xúc phạm đến quyền lợi của các tôn giáo khác hoặc vi phạm quyền tự do tín ngưỡng. Họ tuyên truyền nhiều điều không đúng sự thật, hoặc đặt điều bôi nhọ các tôn giáo khác. Họ lường gạt những người nghèo và dốt nát bằng việc phân phát tiền bạc hoặc của cải vật chất, hoặc dùng lối tuyên truyền để gây áp lực tâm lý.

7. Tấn công Giáo hội Công giáo

Một vài phái TGM có thái độ chống đối Giáo hội Công giáo, đặc biệt tại những vùng xưa nay vốn theo đạo Công giáo tựa như châu Mỹ Latinh và Philippines. Họ cố gắng lôi kéo các tín hữu Công giáo ra khỏi Giáo hội. Họ xem ra họ không tỏ ra hăng hái truyền đạo như vậy cho những người chưa biết Đức Kitô! Đôi khi họ còn tố cáo việc Giáo hội Công giáo bênh vực người nghèo như là chạy theo cộng sản, hoặc nổi loạn chống chính quyền.

8. Tổn thương tâm lý

Có những nhóm TGM đã bị tố cáo là gây tổn thương tâm lý do những phương pháp chiêu mộ và đào tạo thành viên, hoặc do những biện pháp cứng rắn nhằm ngăn ngừa các thành viên rời bỏ. Có những nhóm đã bị truy tố vì phương pháp tẩy não, hủy hoại bản ngã các thành viên hoặc cắt đứt mọi tương quan với gia đình. Ngoài ra có những nhóm bị cáo buộc bóc lột sức lao động của các thành viên hoặc chiếm đoạt tài sản của họ.

9. Tương quan với xã hội

Một vài TGM gây xáo trộn cho xã hội hay chính quyền bởi vì lối sống của các thành viên; họ không được huấn luyện để tham gia các nghĩa vụ đối với cộng đồng. Thậm chí có những người lãnh đạo đã kích thích cả nhóm của mình phạm tội tự sát tập thể. Tuy là trường hợp cực đoan, nhưng điều này cho thấy là tình trạng có thể xảy ra.

Từ những điều vừa trình bày, chúng ta thấy rằng cần phải nghiên cứu nghiêm túc những vấn đề và thách đố do các TGM đặt ra. Có những người Công giáo nghĩ rằng hiện tượng TGM chỉ bùng lên một thời gian và rồi sẽ tắt đi, và những người rời bỏ Giáo hội sớm muộn gì cũng sẽ quay về. Một số khác thì không tỏ ra lạc quan như thế, bởi vì nếu có một phái tàn lụi, thì sẽ mọc ra hai ba phái khác để thay thế.

Dù là lạc quan hay bi quan, có một điểm cần phải nhất trí với nhau, đó là: Giáo hội cần có một đường lối tiếp cận mục vụ để đối phó với hiện tượng này. Đây là đề tài của phần cuối cùng của bản tường trình.

V. Đáp trả mục vụ: tổng quát

Khi đề cập đến thái độ mục vụ của Giáo hội đối với các TGM, chúng ta cần phải nói ngay rằng đây không thể nào chỉ là một cuộc tấn công. Chúng ta không được tỏ ra tiêu cực đối với các phần tử của họ, tuy dù Giáo hội có bổn phận phải tự bảo vệ khi bị các TGM tấn công mình cách bất công. Thái độ của chúng ta cần phải dựa trên ánh sáng và tình yêu.

Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết rõ rệt chân lý” (1Tm 2,4). Đức Kitô đã đến “để quy tụ các con cái Chúa đã bị phân tán” (Ga 11,52). Người đã sai Hội thánh đi “dạy dỗ muôn dân” (Mt 28,19). Hội thánh ý thức vai trò của mình là “một thứ bí tích tức là dấu chỉ của sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại” (Lumen Gentium, 1), và “con người là nẻo đường cho Hội thánh” (Redemptor Hominis, 14).

Vì thế, Hội thánh nhìn các phần tử của các TGM không như kẻ thù cần phải tấn công, nhưng như là những người đã được Đức Kitô cứu chuộc, nhưng nay đã rơi vào lầm lạc, mà Giáo hội muốn chia sẻ ánh sáng và tình yêu của Đức Kitô. Hiện tượng các TGM được Hội thánh coi như một dấu chỉ của thời đại. Hội thánh cố gắng muốn xem “Thần khí muốn nói gì với các Giáo hội” qua tình trạng này. Các phong trào này là những thách đố cho Hội thánh. Tuy biết rằng các TGM chỉ ảnh hưởng đến một thiểu số, nhưng Hội thánh không thể nào tránh né không đặt ra những câu hỏi như sau: điều gì khiến cho người ta chạy theo các TGM? Đâu là những nhu cầu chính đáng của con người mà các phong trào này hứa hẹn trả lời và Hội thánh cần phải đáp ứng? Có những nguyên nhân nào khác của sự mọc lên và bành trướng của các phong trào này? Thiên Chúa muốn Hội thánh điều gì trong tình thế này?

Chúng ta hãy xét đến một vài hành động mục vụ của Hội thánh, trước là cách tổng quát, rồi sau đó là cách đặc thù.

A. Hoạt động của giáo triều Roma

Bởi vì có nhiều giám mục và Hội đồng giám mục bảy tỏ cho Tòa Thánh mối quan ngại đối với hoạt động của các giáo phái hoặc TGM trong giáo phận của mình, cho nên vào năm 1983 một bản điều tra đã được soạn bởi bốn cơ quan của Tòa Thánh (các Hội đồng Giáo hoàng cỗ vũ sự hợp nhất các Kitô hữu, Đối thoại Liên tôn, Đối thoại với người vô tín ngưỡng, Văn hóa) và gửi đến các Hội đồng giám mục. Các bản trả lời từ 75 Hội đồng giám mục đã được phân tích, đúc kết và xuất bản vào năm 1986 dưới tựa đề: Các giáo phái hay Các tôn giáo mới: Thách đố mục vụ.

Văn kiện này muốn trả lời hai câu hỏi: Tại sao các phong trào này bành trướng và lôi cuốn các Kitô hữu? Làm thế nào đưa ra một giải pháp mục vụ để trả lời cho các thách đố ấy? Văn kiện cũng đưa ra nhiều câu hỏi để đào sâu thêm.

Văn kiện này đã được đón nhận cách tích cực, về phía Công giáo cũng như về phía các Giáo hội khác. Trong nội bộ Công giáo nó đã tạo ra một sự trao đổi rộng rãi hơn giữa các giáo phận, các Hội đồng giám mục và Tòa Thánh. Về phía các Giáo hội khác, Liên đoàn Luther thế giới và hội đồng đại kết các Giáo hội đã tổ chức một hội nghị về các TGM tại Amsterdam năm 1986, trong đó văn kiện được đưa ra bàn cãi và một thái độ tương tự cũng đã được chấp nhận. Các giám mục Công giáo và mục sư Tin Lành tại Mỹ châu Latinh và Antilles đã gặp nhau tại Cuenca (Ecuador) vào tháng 11 năm 1986 để nghiên cứu vấn đề tương tự. Các giáo hội Anh giáo cũng sử dụng một đường lối đó.

Tòa Thánh đã khuyến khích Liên hiệp quốc tế các đại học Công giáo (International Federation of Catholic Universities, FIUC) tiến hành một dự án nghiên cứu về các TGM. Văn kiện năm 1986 chỉ  được coi như là khởi đầu cho cuộc nghiên cứu.

B. Hoạt động ở cấp địa phương

Ở cấp giáo phận và Hội đồng giám mục, các trung tâm nghiên cứu và các ủy ban về những TGM đã tăng gia; các sách báo cũng vậy. Nhiều Hội đồng giám mục đã ban hành lá thư mục vụ về hiện tượng này.

Các Liên hiệp Hội đồng giám mục ở cấp vùng và đại lục cũng hoạt động đắc lực trong việc nghiên cứu các giáo phái. Chẳng hạn như Liên hiệp các Hội đồng giám mục Phi châu và Madagascar (SECAM) đã yêu cẩu Ủy ban điều phối (gồm các đại diện các bề trên tổng quyền và ủy ban thường trực của Hội đồng giám mục) nghiên cứu vấn đề ảnh hưởng của các giáo phái và các Giáo hội Phi châu tự trị . Kêt quả của cuộc nghiên cứu này đã được đệ trình lên Đại hội SECAM họp tại Lomé (Togo) năm 1990. Một tập sách đã được soạn để giúp các bạn trẻ trả lời cho những thách đố của các giáo phái bảo căn.

Thiết tưởng cũng cần nhắc đến Trung Tâm nghiên cứu các TGM (Centro Studi delle Nuove Religioni, CESNUR) mà chủ tịch là Giám mục giáo phận Foggia-Bovino (Italia), gồm một ủy ban quốc tế mang tính khoa học và đại kết, hằng năm tổ chức một hội nghị xã hội học tôn giáo. Cuộc hội thảo tháng 4 năm 1990 tại Lugano về các TGM tại Âu châu đã cung cấp rất nhiều thông tin.

C. Liên hiệp quốc tế các đại học Công giáo

Như đã nói trên đây, bốn cơ quan của Tòa Thánh đã yêu cầu Liên hiệp quốc tế các đại học Công giáo (The International Federation of Catholic Universities FIUC) hãy xúc tiến cuộc nghiên cứu các TGM. Kế hoạch này đã khởi sự từ năm 1988, dưới sự điều khiển của linh mục Remi Hoeckman, O.P. và được tiếp tục bởi linh mục Michael Fuss. Hơn 50 chuyên viên thuộc 5 đại lục đang làm việc trong kế hoạch này, theo khía cạnh chuyên môn của mình (thần học, xã hội học, tâm lý học và những khía cạnh khác).

Kết quả của công trình này sẽ được thảo luận ở hai cuộc hội thảo quốc tế, một được tổ chức vào năm nay (1991) tại Creighton University, Omaha, Nebraska, USA (dành cho các chuyên viên tại Mỹ châu) và một được tổ chức tại Vienna dành cho các chuyện viên tại châu Âu. Sang năm 1992, dự trù sẽ tổ chức hai cuộc hội thảo tại Manila và Bogotá.

Chắc hẳn kết quả của FIUC sẽ rất hữu ích cho công tác mục vụ trong Giáo hội. Không có giải đáp mau lẹ và đơn giản cho vấn đề TGM, nhưng cần có cuộc nghiên cứu khoa học liên ngành nhằm tìm kiếm dữ liệu trước khi đề ra những biện pháp cụ thể.

D. Có thể đối thoại với các TGM được không?

Có người hỏi: liệu có thể đối thoại với các TGM không? Chắc chắn là bản tính và sứ mạng của Giáo hội coi việc đối thoại với tất cả mọi cá nhân, mọi nhóm tôn giáo và văn hóa như là cung cách hoạt động tông đồ. Công đồng Vaticano II đã mời gọi đối thoại với các cộng đồng Kitô hữu và với các cộng đồng tôn giáo khác.

Trên đây chúng ta đã nói đến những nguyên tắc thần học của việc đối thoại đại kết. Về việc đối thoại với các tôn giáo khác, Vaticano II nói rằng: “Hội thánh Công giáo không khước từ bất cứ điều gì chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo này… Vì thế Hội thánh thúc đẩy con cái mình, với đức khôn ngoan và bác ái, hãy thảo luận và hợp tác với các phần tử của các tôn giáo khác” (Nostra Aetate, 2).

Sự khó khăn được đặt ra khi đưa ra thực hành: làm thế nào đối thoại với các TGM? Chúng ta không được phép bỏ qua mệnh lệnh của Chúa Giêsu phải mang Tin mừng cho hết mọi người. Bản tính của nhiều TGM và đường lối hoạt động của họ khiến cho việc đối thoại trở nên khó khăn. Bổn phận của các mục tử là phải bảo vệ các tín hữu khỏi những hiệp hội lầm lạc và nguy hiểm. Việc đối thoại sẽ dễ dàng hơn đối với những ai đã được đào tạo về thần học, nhưng có thể trở thành vô ích hay có hại cho những tín hữu chưa được chuẩn bị để đối phó với những hình thức chiêu dụ tín đồ của một vài TGM.

Đối thoại không phải là ngây ngô. Các vị mục tử của Giáo hội không được hổ thẹn về Tin mừng (xc Rm 1,16; II Tm 1,8). Việc cởi mở đối thoại không được phép gây tổn hại cho sự hơp nhất của Giáo hội và sự xây dựng cộng đồng trong đức tin và đức mến.

Chúng ta đừng nên kết án hết cả các TGM. Chúng ta phải sẵn sàng tìm hiểu và vạch ra những yếu tố hoặc khuynh hướng tự nó là tốt và có thể hợp tác cách nào đó. Chúng ta cũng cần tìm hiểu và quan sát những phong trào mà cho đến nay chưa rõ căn cước.

Có những giáo phái hoặc TGM không muốn đối thoại với Giáo hội Công giáo, nhưng cũng có một số muốn đối thoại. Cần biết phân định. Có những phái muốn đối thoại với Giáo hội Công giáo để lấy cảm tình trước mặt thế giới. Không lạ gì mà một số phái tổ chức những hội thảo quốc tế và mời các giám mục và các nhà thần học Công giáo. Một số khác chỉ muốn liên lạc với Tòa Thánh chứ không muốn nói chuyện với Giáo hội địa phương. Vì thế cần có liên lạc và hợp tác giữa các Giáo hội địa phương với Tòa Thánh.

Riêng đối với những phái theo đuổi chiến lược tấn công Giáo hội công giáo, đôi khi với sự yểm trợ kinh tế và chính trị từ bên ngoài. Mặc dù không từ chối tranh luận với những nhóm ấy, Giáo hội vẫn phải tìm cách bảo vệ mình bằng những phương thế chính đáng. Thánh Gioan tông đồ, thánh Phaolô và các giáo phụ đã thẳng thắn bảo vệ Giáo hội khỏi những sai lầm. Dĩ nhiên, những người mắc phải sự sai lầm cần tìm thấy nơi Giáo hội sự thông cảm và sẵn sàng đối thoại, tuy rằng chính sự sai lầm thì không thể nào có sự thỏa hiệp.

VI. Đáp trả mục vụ: Đặc thù

Sự đáp trả mục vụ cách đặc thù và cụ thể hơn có thể mang những hình thức sau đây

1. Hướng dẫn đạo lý của các giám mục

Nhiều TGM thu hút các người Công giáo tại nơi mà cộng đoàn đang trải qua một khủng hoảng hoặc hoang mang về đạo lý. Điều này có thể xảy ra khi nổi lên những ý kiến chống đối giáo huấn của Giáo hội, hoặc vì các tín hữu không được huấn luyện về đạo lý, hoặc do sự tấn công của các giáo phái.

Dù nguyên nhân thế nào đi nữa, các giám mục hãy nhớ rằng “các ngài là những người truyền giảng đức tin dẫn đưa các môn đệ mới cho Đức Kitô, là thầy dạy với uy tín của Đức Kitô, giảng cho các tín hữu được ký thác cho mình đức tin cần phải nắm giữ và mang ra thực hành” (Lumen Gentium, 25). Mỗi giám mục phải đích thân thi hành nhiệm vụ này và phải nhấn mạnh khi gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện (2Tm 4,1), cho dù có nguy cơ mất thiện cảm nơi nhiều người, hoặc gây ra chống đối nơi một số người nào đó. Mỗi giám mục không nên ủy nhiệm tác vụ này cho một ủy ban hay một chuyên viên, mặc Hội đồng giám mục, xét như một tập đoàn, cũng có vai trò của mình, và các nhà thần học cũng cần thiết trong việc phát biểu đức tin theo khoa học. Khi gặp gỡ các giám mục Hoa kỳ ngày 8 và 11/3/1989, ĐTC Gioan Phaolô II đã nhắc nhở tầm quan trọng của sứ vụ giám mục là “những thầy dạy chính thức của đức tin” và “những người bảo vệ một kho tàng được trao lại và trao lại cho toàn thể Hội thánh. Người cũng nhắc lại điều khi tiếp kiến 250 giám mục Italia ngày 18/5/1989, và thêm rằng dưới ánh sáng của kế hoạch Chúa Kitô dành cho Hội thánh, không thể nào có những hình thức công khai hoặc lén lút của một giáo huấn song song”. Huấn thị của Bộ Giáo lý đức tin về vai trò của nhà thần học (tháng 6 năm 1990) trở lại với đề tài này.

Trong số những điều phải tin, cộng đoàn tín hữu cần được huấn luyện rõ rệt về ơn cứu độ chi có nơi danh Đức Kitô, Đáng Cứu độ thế gian (xc. Ga 4,42), về sự cần thiết của     Hội thánh như là con đường thông thường để được cứu độ, về sự khẩn thiết của công cuộc truyền giáo, loan báo danh thánh Đức Giêsu Kitô và sự hoán cải. Thông điệp Redemptoris Missio của ĐTC Gioan Phaolô II, nếu được nghiên cứu và học hỏi kỹ lưỡng trong mỗi giáo phận và quốc gia, sẽ là bản hướng dẫn uy tín cho công tác này.

2. Chương trình huấn giáo và học hỏi Kinh thánh

Kinh nghiệm cho thấy rằng các TGM khai thác sự yếu kếm về kiến thức tôn giáo nơi các Kitô hữu. Vì thế việc huấn giáo phải được coi như một trong những phương thế để trang bị cho cộng đồng Công giáo khỏi bị tấn công. Chương trình huấn giáo cần đặt nặng Kinh thánh. Nỗi khát khao Kinh thánh cần được đáp ứng. Phải làm thế nào để các tín hữu có thể tiếp xúc với Kinh thánh bằng ngôn ngữ thích hợp với họ. Việc giải thích Kinh thánh cần được hướng dẫn bởi uy tín các giáo phụ và huấn quyền.

Các người Công giáo cần được trang bị kiến thức về đức tin ngõ hầu có khả năng trả lời cho những ai chất vấn về niềm hy vọng của mình (xc. 1Pr 3,15). Cần phải chuẩn bị những tập sách nhỏ để các tín hữu có tài liệu trả lời những vấn nạn mà các giáo phái nêu lên. Nên tránh những giọng điệu tranh cãi, kẻo lại gây ra kết quả trái ngược. Biên soạn các sách nhỏ cũng chưa đủ. Cần phải đào tạo các đội ngũ chuyên viên gồm các giáo dân và tu sĩ để phổ biến các tài liệu ấy.

3. Cầu nguyện và các việc đạo đức

Một vài phái TGM thu hút bởi vì họ hứa hẹn sẽ đáp ứng khát vọng cầu nguyện. Ở cấp độ giáo xứ, Giáo hội cần thâm tín rằng truyền thống phụng vụ và đạo đức của mình đáp ứng các nhu cầu của linh hồn nếu được hiểu biết và cử hành đúng đắn. Những buổi cử hành phụng vụ cần được chuẩn bị chu đáo, với sự tham gia tích cực bởi cộng đoàn và mang hội nhập văn hóa trong mức độ có thể. Những buổi cầu nguyện riêng tư và cộng đoàn có thể đào sâu thêm nhờ việc đào tạo Kinh thánh và phụng vụ, gương sáng đời sống cầu nguyện của linh mục, và canh tân đặc sủng Thánh Linh nếu nằm trong chương trình mục vụ của Giáo hội.

4. Huyền bí. Bình an. Hòa hợp

Các TGM hứa hẹn thông tuệ, bình an, hòa hợp và thể hiện mình. Việc trình bày Kitô giáo cần nêu bật bộ mặt của Tin mừng, cao minh, hợp nhất, hòa hợp với Thiên Chúa và với vạn vật, hạnh phúc trần thế như chuẩn bị cho hạnh phúc trên trời, bình an mà thế gian không thể ban được (xc. Ga 14,27). Đời sống Kitô hữu là sống kết hợp với Thiên Chúa (xc. Ga 15,1-6), dẫn nhập vào những mầu nhiệm của Đức Kitô (xc. Gaudium et Spes, 22). Lịch sử Giáo hội đầy những mẫu gương của các vị thánh đã sống kết hợp với Thiên Chúa theo cá tính của mỗi người. Các thánh là những tấm gương của sự hợp nhất giữa đức tin và đời sống, giữa việc biết mình và biết Chúa, giữa kết hợp với Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, giữa bình an với chính mình và với tha nhân và với vạn vật.

Khi trình bày Kitô giáo, ta đừng bỏ qua khía cạnh cảm nghiệm tôn giáo. Cung cấp những khái niệm đạo lý thì chưa đủ. Kitô giáo không phải là một mớ kiến thức đạo lý hay nghĩa vụ luận lý. Nó là đời sống với Đức Kitô càng ngày càng khăng khít hơn.

5. Đánh giá đúng mức các cử điệu và biểu tượng

Nhiều TGM nhấn mạnh đến khía cạnh tâm tình hơn là khía cạnh ý niệm. Tuy không đi đến chỗ cực đoan ấy, nhưng các giáo xứ nên quan tâm đến thân thể, cử điệu và những biểu tượng trong các buổi cử hành phụng vụ và việc đạo đức bình dân. Nước, ánh sáng, lửa, hương, bánh, muối, tượng ảnh và những cuộc rước kiệu là những biểu tượng gây ấn tượng vào toàn thể con người. Những nền văn hóa thích cá hát, nhảy múa, vui tươi thì cho rằng phụng vụ của chúng ta khô khan, và không hội nhập văn hóa ngay cả trong những buổi cử hành bình dân. Ở vài nơi bên Phi châu, người ta không chỉ lo mua thuốc men để dùng theo toa bác sĩ, nhưng còn mang các thuốc ấy để xin linh mục chúc lành trước khi sử dụng. Lối tiếp cận toàn diện con người, kèm theo sự trân trọng những yếu tố vật chất trong việc thờ phượng, cần được Kitô giáo chấp nhận, thanh lọc và nâng cao.

6. Những cộng đoàn sống động

Các TGM thường thu hút các Kitô hữu bởi vì họ trưng bày đời sống cộng đoàn niềm nở. Những giáo xứ quá rộng lớn có thể gây ra vấn đề theo hướng đó nếu không cố gắng tìm cách để mỗi cá nhân cảm thấy mình được trân trọng, yêu mến và giữ một vai trò. Các cộng đoàn cơ bản có thể giúp ích rất nhiều. Giáo hội cần được nhìn và cảm nhận như là cộng đoàn yêu thương và phục vụ, cử hành và sống mầu nhiệm Thánh Thể. Giáo hội cần quan tâm đến những nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như các bạn trẻ, những người đang gặp khủng hoảng trong gia đình, những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề xã hội.

7. Đào tạo các giáo dân lãnh đạo và tham gia

Hội thánh cần các linh mục để thi hành tác vụ không thể nào thiếu. Các TGM phát triển tại những nơi thiếu linh mục hoặc họa huằn mới có mặt. Tuy nhiên, dưới một mặt khác Hội thánh cần những lãnh đạo giáo dân năng động. Khi hình thức giáo sĩ trị quá mạnh, thì các giáo dân dễ nhìn Hội thánh như một thể chế điều hành bởi các công chức. Các TGM vận dụng các hoạt động của giáo dân. Thật ra, trong Giáo hội Công giáo, không thiếu các tài liệu, học thuyết, các tổ chức, phong trào, hiệp hội về tông đồ giáo dân (xc. Christifideles Laici, 29, 30, 31; Redemptoris Missio, 71-74). Điều còn phải làm là cổ động sự tham gia vào hoạt động tông đồ, tạo cơ hội cho các giáo dân giữ trách nhiệm, chia sẻ nhiệm vụ giữa linh mục và giáo dân trong việc mang tinh thần Chúa Kitô vào xã hội trần thế.

8. Phân định

Các TGM thu hút những người đang khao khát cái gì sâu xa hơn trong đời sống tông giáo. Điều nguy là họ cống hiến điều tốt trong ngắn hạn nhưng lại gây hoang mang về lâu về dài. Các tín hữu Công giáo có thể mất căn tính lâu bền của mình, và mặc dù cảm thấy tăng trưởng tạm thời nhưng có thể rơi vào tình trạng tệ hại về tinh thần. Đây là một lãnh vực đáng suy nghĩ. Không thể nào phủ nhận những hiệu quả tích cực mà các tín hữu hời hợt đã khám phá Tin mừng nhờ một nhóm Tin Lành. Không thể nào phủ nhận ích lợi do một vài phái phương Đông mang lại cho các bạn trẻ rơi vào nghiện ngập, ma túy, dâm đãng. Nhưng sự hỗ trợ vào giai đoạn khởi đầu thường không bền lâu.

Chúa Giêsu đã nói: “Hãy xem quả thì biết cây” (Mt 7,20). Còn thánh Phaolô thì liệt kê danh mục các hoa trái Thần khí để kiểm chứng: “yêu thương, hoan hỉ, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa tiết độ” (Gl 5,22). Theo nghĩa này, phân định có thể coi như nghệ thuật suy xét gốc rễ từ những hoa trái bền vững.

9. Tầm quan trọng của một chương trình giáo phận

Mỗi giáo phận hoặc mỗi nhóm giáo phận cần đặt ra những câu hỏi như sau: Đâu là những phái hoặc TGM hiện diện trong lãnh thổ của mình? Đường lối hoạt động của họ như thế nào? Đâu là những điểm yếu của Giáo hội Công giáo mà các TGM khai thác? Các giáo dân đã nhận được sự trợ giúp nào trong lãnh vực linh đạo và cầu nguyện? Ở cấp giáo phận và giáo xứ, Giáo hội Công giáo đã góp phần như thế nào vào việc giúp đỡ cho các tín hữu đang gặp khó khăn về vật chất, xã hội hoặc những khía cạnh khác? Các người Công giáo có sống Tin mừng một cách dấn thân không?

Các giáo dân đã nhận được tài liệu nào qua các phương tiện truyền thông xã hội (báo chí, phát thanh, truyền hình)? Đức Giám mục có nên soạn một văn kiện để hướng dẫn các tín hữu đối phó với các TGM không? Kế hoạch huấn giáo và phụng vụ của giáo phận như thế nào? Giáo phận có kế hoạch gì để tiếp xúc những người đã rời bỏ Giáo hội không?

Kết luận

Đứng trước hoạt động mạnh mẽ của các TGM, các vị mục tử không thể nào cứ giữ thái độ thờ ơ. Hiện tượng các THM là một thách đố và một cơ may. Giáo hội phải tin tưởng rằng mình có nguồn lực để đáp ứng tình thế. ĐTC Gioan Phaolô II có nói với các giám mục Mêjico ngày 12/5/1990 rằng: “Sự hiện diện của các giáo phái là một lý do quá đủ để kiểm điểm việc thi hành sứ mạng của Giáo hội địa phương, đồng thời với việc tìm kiếm những giải đáp và hướng dẫn nhằm duy trì sự hợp nhất của Dân Thiên Chúa. Để đối phó với thách đố ấy, anh em đã lên một kế hoạch mục vụ. Những kế hoạch này đi xa hơn sự đối phó với thách đố hiện tại, và tìm ra những phương thế cho công cuộc tái loan báo Tin mừng. những con đường giúp đào sâu đức tin và lối sống đạo trong các cộng đoàn của anh em”.

Đây là lối tiếp cận mục vụ cần sử dụng đế đáp ứng thách đố của các TGM. Giáo hội không phải sợ hãi. Đức Trinh nữ Maria là Kẻ phù hộ các tín hữu. Vào những khúc ngoặt trong lịch sử khi Giáo hội bị đe dọa bởi các lạc thuyết, các cuộc bách hại hoặc ly giáo, Người đã tỏ ra là hiền mẫu. Giáo hội cần cầu khẩn Mẹ để biết tìm lối tiếp cận thích ứng với hiện tượng TGM.

———————————–

Thư mục

Bài này chủ yếu trình bày bản tưởng trình của Hồng y Francis Arinze trước Công nghị Hồng y năm 1991. Những bài viết sau đây cho biết phản ứng đối với bản tường trình:

John A. Saliba , Vatican Response to the New Religious Movements, in: “Theological Studies” 53 (1992) 3-39, cách riêng các trang 28-34.

Philippe Le Vallois, Définition de la secte et attitudes envers les sectes dans l’Église catholique romaine, in: “Revue de droit canonique”, 51/1, 2001, p. 53-73. Tác giả lưu ý là bài thuyết trình dùng từ “secte” 24 lần, và “nouveaux mouvements religieux” 67 lần.

Elisabeth Arweck, Researching New Religious Movements, Responses and Redefinitions, Routledge, London, 2006. Tác giả trình bày phản ứng của Giáo hội Công giáo đối với các TGM ở các trang 291-374; và trước đó, phản ứng của Anh giáo (trang 203-227), Tin Lành bên Đức (trang 227-253).

[1] Xc. Tấn Anh, Giáo hội Công giáo với việc đại kết, trong: “Thời sự thần học”, số 63 (tháng 2/2014), trang 46-74.

[2] Xc. Tấn Anh, Năm mươi năm đối thoại liên tôn, trong: “Thời sự thần học”, số 65 (tháng 08/2014), trang 179-199.

[3] Tựa đề Sects or New Religious Movements: Pastoral Challenge, đăng trên tuần báo “L’Osservatore Romano” (ấn bản tiếng Anh) ngày 19/5/1986, trang 5-8. Nên biết là từ đó đến nay danh xưng các cơ quan giáo triều đã thay đổi tiếp theo tông hiến Pastor Bonus (của ĐTC Gioan Phaolô II) và Praedicate Evangelium (của ĐTC Phanxicô).

[4] Tiếng Anh: A Pastoral approach to the challenge posed by the new religious movements, đăng trên tuần báo “L’Osservatore Romano”, ấn bản tiếng Anh, ngày 15/4/1991, trang 5-6.

[5] Chú thích của người dịch. Về hiện tượng thờ Satan, xem: Phan Tấn Thành, Satan trong phụng vụ, trong “Thời sự thần học”, số 64 (tháng 5/2014), trang 29-65.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here