Phó tế Phạm Bá Nha
Giữa thế kỷ XVI, từ 1533, các linh mục dòng Tên, dòng Đa Minh và hội Thừa Sai Paris lần lượt qua Việt Nam truyền giáo. Các ngài đã đi và không trở lại quê hương đất tổ. Các ngài chọn Việt Nam làm quê hương. Các ngài đi với mục đích chính yếu là rao giảng Tin Mừng, mở rộng Nước Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Sống như người Việt Nam và chết như người Việt Nam để bảo vệ, trân trọng và đổi mới nền văn hóa Việt Nam. Không như những người muốn vịn cớ để miệt thị, xuyên tạc, vu cáo, gán ghép, để bách hại đạo Công Giáo, đã cho rằng các thừa sai ngoại quốc vào Việt Nam là những người tiếp tay với ngoại bang để xâm lược và giày xéo giang sơn gấm vóc Việt Nam. Ngược lại, các ngài đem hết tâm sức cùng giáo dân xây dựng đất nước trong công bằng và yêu thương.
Trong 117 Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, có 11 vị Dòng Đa Minh Tây Ban Nha, 10 vị Thừa Sai Paris. Ý chí sắt son của các thánh tử đạo gốc ngoại quốc hợp với lòng quả cảm hy sinh của các thánh tử đạo thuộc bản quốc đã làm nền xây dựng Giáo Hội Việt Nam kiên cường bền vững. Cụ thể và quan trọng, các thừa sai đã đem hết công sức đào tạo cho đồng lúa truyền giáo Việt Nam những chiến sỹ bản xứ: các thày giảng, các viên chức trong xứ đạo hay cả dân chúng trong làng. Vì thế, bên cạnh các thừa sai ngoại quốc, được phúc tử đạo hay không, chúng ta thấy có các thày giảng, trùm họ, cai đội, lính tráng hay lý trưởng, và những người dân nam nữ năng nổ với Tin Mừng… Tất cả đã trở thành những tay thợ gặt làm việc trong đồng lúa truyền giáo Việt Nam. Ơn Chúa, lòng nhiệt thành của những người thợ gặt, tâm thức tôn giáo cao độ của dân chúng, nền văn hóa phong phú và địa lý thuận lợi của nước Việt Nam, là những yếu tố tích cực giúp cho hạt giống Tin Mừng được vãi gieo và đón nhận, rồi mau trổ sinh hoa quả nhờ máu của hơn 100.000 người chết vì đạo. Do đó, có thể nói: Trong việc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam, các thừa sai có đầy đủ ba yếu tồ: ‘Thiên thời, địa lợi, nhân hòa’. Trong chương sách này chúng tôi cố gắng nêu bật ba yếu tố trên đây.
– Các cửa khẩu truyền giáo: Nghĩa là, giải đất Việt Nam nói chung và các cửa khẩu của Việt Nam nói riêng, rất thuận lợi cho việc du nhập tư tưởng và văn hóa ngoại quốc, đặc biệt đón nhận các thừa sai và hạt giống Tin Mừng… Đó là yếu tố địa lợi.
– Chỉ rao giảng Tin Mừng: Nghĩa là, các thừa sai ‘nhập hải khẩu’ đi vào Việt Nam với con người toàn diện: sức khỏe, trí óc, trái tim và nhất là Đức Tin và tinh thần hiến thân phục vụ Tin Mừng để làm vinh danh Thiên Chúa, mở rộng Giáo Hội cứu rỗi anh chị em mình và chính bản thân, và xa tránh những hoạt động chính trị và tham lam trần tục… Đó là yếu tố thiên thời.
– Giáo dân cảm phục và qúy mến: Bản tính người Việt Nam rất mẫn cảm về những điều thiện người khác làm cho mình, về những điều hay lẽ phải người khác trao truyền cho mình. Họ biết ‘xem mặt bắt hình dung’ để rồi ‘xem mặt gửi vàng’, ‘cảm phục và quý mến’. Đó là cách ứng xử thật khôn ngoan và đượm tình nghĩa của giáo dân Việt Nam đối với các ‘thừa sai chân tu và tử đạo’, hay là yếu tố nhân hòa.
I. NHỮNG CỬA KHẨU TIN MỪNG
Như chúng ta biết, nước Việt Nam là một bán đảo nằm ở trung tâm Đông Nam Á, có vị trí đặc biệt quan trọng trên bản đồ đường biển quốc tế. Người ta gọi Việt Nam là ‘Ngã tư đường biển quan trọng của thế giới, cầu nối giữa các hải đảo’. Đã từ xa xưa, Việt Nam là giao điểm của hai nền văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ.
Bán đảo Việt Nam thuận tiện cho thuyền bè bến bãi ra vào qua các cửa khẩu. Mỗi cửa sông là một cửa khẩu, tiếp thu hàng hoá, đón nhận văn minh và tín ngưỡng từ xa đưa tới.
Miền Bắc có sông Hồng, sông Thái Bình. Miền Trung có sông Hương và sông Đà. Miền Nam có chín cửa bể của sông Cửu Long. Bờ biển Đông có nhiều sông dẫn vào đất liền Việt Nam. Nên Việt Nam được coi là vùng thuận lợi cho việc giao thương, du nhập văn hóa và tôn giáo. Các dân tộc bao quanh Việt Nam thuộc văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Indonésia. Ngay trong nước, người Kinh sống ở đồng bằng. Còn miền núi nơi cư ngụ của người Mèo, Mán, Thổ, Mường, Khmer…
Là đường có nhiều ngả, lắm hướng, nơi đặt chân của nhiều dân tộc… Việt Nam đón nhận cách lựa chọn nhiều trào lưu văn hóa và tôn giáo khác nhau.
Điểm nổi bật và độc đáo của tín ngưỡng Việt Nam là niềm tin vào các thần linh, bắt nguồn từ con người hay sức mạnh thiên nhiên. Thần linh được suy tôn, thờ kính, với niềm tin và kính sợ, có tác động trên con người và cộng đồng xã hội. Thần linh đã từng đi sát cuộc sống quần chúng, dân gian.
Trên tất cả, người Việt Nam tin tưởng mãnh liệt vào Trời, và thành tâm tôn kính tổ tiên. ‘Đạo Ông Bà’ gieo vào đầu óc con cháu: nếu hết tình thờ kính tiên tổ, là làm đẹp ý Trời và được các ngài mãi mãi phù hộ cho từng người và cả gia đình được mọi sự may lành. Từ niềm tin vào Trời và lòng thờ kính tổ tiên, người Việt Nam tin có linh hồn bất tử. Chết không phải là hết. Bàn thờ ông bà luôn chiếm vị trí cao trọng trong nhà, với hoa đèn tươm tất. Hiếu thảo là nét tiêu biểu nhất của nền văn hóa Việt Nam. Não trạng của người Việt Nam là chấp nhận những hữu thể thiêng liêng có thể hướng dẫn, bầu cử và ban ơn phúc.
Chính nền tín ngưỡng thờ Trời và kính tổ tiên đã hun đúc cho người Việt Nam những đức tính đáng trân trọng, như yêu đồng loại, quê hương đất nước, tương trợ lẫn nhau, tinh thân gia đình, quyết sống tam cương, ngũ thường và cần, kiệm, liêm, chính…
Người Việt Nam đón nhận đức tin công giáo với tất cả lòng thành và dũng cảm. Trước sau như một, thuận thời hay trái thời, các vị tử đạo Việt Nam vẫn một lòng gắn bó và sống chết với đức tin đã lãnh nhận. Cái chết anh dũng của các ngài, người ngoại quốc hay dân bản xứ, là câu trả lời ngàn đời xác đáng cho những hiểu lầm, vu khống, hành nhục và lên án tử của vua chúa và quan quyền trong thời cấm đạo.
Ngày nay, với tinh thần cởi mở và hiểu biết, tôn trọng nhau và cùng nhau thăng tiến, người ta đã nhận ra rằng: Đạo công giáo đóng góp rất nhiều cho vận mạng quốc gia, cho mọi phát triển của dân tộc, cho nền văn hóa quê hương… Và đó cũng là công lao không thể quên được của những vị thừa sai ngoại quốc dân Việt Nam chỉ vì Tin Mừng và muốn chọn Việt Nam làm quê hương.
Lịch sử truyền giáo thăng trầm tại Việt Nam trong ba thế kỷ 15,16,17 là thời gian khám phá mới của các thương thuyền thương mại, đồng thời là giai đoạn những người có lòng tin vào Chúa Kitô, đã dấn thân đi trồng Thánh Giá khắp nơi, trong đó có nước Việt Nam thân yêu chúng ta.
Dưới đây, chúng ta muốn nói lên rằng: các thừa sai đã đem Thánh Giá và Tin Mừng vào Việt Nam đặc biệt qua các cửa khẩu trù phú của đất nước chúng ta. Chúng ta thử rảo qua các cửa khẩu mà theo niên sử, đã đón tiếp các thừa sai.
1. Ninh Cường (1533).
Ninh Cường là sử danh công giáo đầu tiên của Giáo Sử Việt Nam. Theo nhiều sử gia, năm 1533, I-nê-xu (tên Ignatio, dòng Tên) đã đến vùng Ninh Cường. Ninh Cường có sông Ninh Cơ, có Cửa Lác, chi nhánh của sông Hồng, rất thuận tiện vào đất liền.
Từ 1802, các cha dòng Tên đã đến Ninh Cường, Kiên Lao, Bùi Chu. Rồi các cha Đaminh đến thay thế. Linh mục Việt Nam đầu tiên chính xứ Lác Môn kiêm Ninh Cường là cha Phêrô Nguyễn Bá Tuấn. Từ 1838, Ninh Cường nhập vào Lác Môn. Tại đây, nhà ông huyện Ninh, Thánh Valentino Berrio Ochoa Vinh được tấn phong giám mục vào giữa đêm, với mũ giấy và gậy tre. Các Thừa sai đã qua cửa Ninh Cường vào đất liền, ven sông đến làng lân cận lên Quần Anh. Vùng này toàn những xứ kỳ cựu. (1)
2. Cửa Hàn (Hội An) (1535),
Cửa Hàn (tiếng Việt) Hội An (chữ Hán), Tourane (tiếng Pháp) hay Hải Phố (phiên âm từ Faifo) là một tên, thuộc Đà Nẵng ngày nay. Thời đó là thành phố đẹp, hải cảng lớn, người Nhật và Tây phương thường đến buôn bán. Dọc biển, từ Huế vào Bình Định có nhiều cửa sông, thuận tiện giao thương trong và ngoài nước.
Năm 1535, giáo sỹ Anyonio de Feria đến Cửa Hàn. Sau đó cha dòng Đa Minh Louis de Fonseca, và cha Grégoire de La Motte, người Bồ Đào Nha (1586). Năm 1588, vua Chiêm Thành cho lệnh đâm chết cha De Fonseca, đang khi dâng lễ. Còn Cha De la Motte bị thương nặng, trốn ra bờ biển, được tàu Tây Ban Nha vớt đem về Malacca, dọc đường qua đời. Đây là hai thừa sai đầu tiên chết tại Việt Nam (2).
3. Nước Mặn (1535).
Nước Mặn, thủ phủ Qui Nhơn. Năm 1615, Dòng Tên khởi sự đến Cửa Hàn, có cha Francesco Buzomi (Ý) cha Diego Carvalho, thày Antonio Diaz, và hai thầy Jose và Paolo (Nhật). Các giáo sỹ này được tổng trấn Bình Định ưu ái cho phép sinh hoạt truyền giáo ở Nước Mặn, xây nhà thờ (1618)
Cũng năm này, tại Nước Mặn có đại hội (công đồng) của các cha truyền giáo phân chia các cha mỗi người đi mỗi nơi. Cha Buzomi đã rửa tội được 172 người (1621). Từ 1622, các thừa sai Đa Minh (4 người), dòng Tên lần lượt đến Việt Nam (4 người). Trong đó nổi tiếng là cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Số thừa sai lên 11 linh mục và 5 thày. Cha Đắc Lộ đã rửa tội cho bà Minh Đức Vương Thái Phi, tên thánh Maria Mađalêna. Các cha Dòng Tên đã rửa tội được 150.000 người (tính đến 1639).
Nhưng rất tiếc, vì sự hiểu lầm từ các người có quyền và các vị truyền giáo, nên xẩy ra nhiều khó khăn. Họ tố cáo ba điều: tín hữu đeo ngoài áo ảnh chuỗi là bùa ngải. Nước rửa tội biến người chết sau thành thú vật. Các thừa sai không làm việc mà tiền của lợi lộc dư dật. Người ta bắt đầu đập phá tượng ảnh. Các chúa Nguyễn bắt đầu nghi ngờ và công khai bắt giam các giáo sỹ. Các giáo sỹ trốn qua Cao Miên, hay bị trục xuất. Cha Đắc Lộ từ 1627 đến 1644, lén lút, lúc chạy qua Macao, rồi đến cửa Hàn, vào Cửa Bạng, ra Kinh đô. Năm 1644, trên đường đi Quảng Bình, cha bị bắt, bị kết án tử hình, sau cải sang trục xuất (1645) (3)
4. Hà Tiên (1550).
Từ lâu đời, Hà Tiên phần đất sinh sống của Cao Miên (văn hóa Ấn Độ, ảnh hưởng Phật giáo Tiểu Thừa) và người Hoa.
Năm 1550, cha Gaspar de Santa Cruz dòng Đa Minh đến Hà Tiên. Chỉ được một thời gian không bao lâu cha về Bà rịa, và qua Quảng Đông tiếp nối, các cha Đa Minh đến và hoạt động được 10 năm, cũng bị trục xuất. (Việt Nam Giáo Sử. Phan Phát Huồn. tr.64).
Năm 1735, cha Losé Garcia (qua đời tại đây 1761) và tu sỹ dòng Phanxico đến Hà Tiên gặp được một số giáo dân thời cha Gaspar. Cha được phép dựng nhà thờ, đặt tên là nhà thờ Thánh Gia (1745). Sau 40 năm truyền giáo, các cha Phanxicô trao lại cho các cha Thừa Sai Paris.
Năm 1767, cha Joseph George Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), cùng với 4 Thừa sai Paris đến Hà Tiên. Các ngài hoạt động cho cả vùng Cao Miên.
Từ 1769 đến 1765, tình hình Thái Lan bất ổn, Đức Cha Pigneu de Béhaine chuyển chủng viện đưa về Hòn Đất, thuộc Hà Tiên. Năm 1769, Miên chiếm Hà Tiên, chủng viện bị đốt. Một số chủng sinh chạy qua Ấn Độ. Còn chủng viện chuyển về Tân Triều, Biên Hòa. Hà Tiên là nẻo đường truyền giáo vào Việt Nam, đã có cộng đoàn được tổ chức (4).
4. Thị Nại (1615).
Thị Nại xưa là cửa khẩu và ‘trung tâm hoạt đầu não’ của Đàng Ngoài. Nay chỉ còn những gò đất của Đầm Thị Nại, Bình Định, Qui Nhơn. Từ 1312, Thị Nại là cửa biển thành thị cổ, sầm uất. Đây là nơi các thừa sai đi vào, xây dựng cơ sở công giáo ngay trong thời bách đạo. Một địa danh nổi tiếng là Gò Thị, sát Đầm Thị Nại.
Năm 1615, cha Francisco Buzomi, dòng Tên, từ Nhật đến Cửa Hàn rồi vào Thị Nại. Năm 1618, hai cha dòng Tên khác cùng với một người Nhật và một người Ý đến sau.
Gò Thị là họ đạo kỳ cựu nhất của Qui Nhơn, còn vết tích tòa Giám Mục Đàng Trong, dòng Mến Tháng Giá (1965 dọn về Qui Nhơn), căn hầm trú của thánh Giám mục Étienne Cienot Thể, có báo nguy thì ngài trốn ra biển. Mộ thánh Anrê Năm Thông. Từ Gò Thị thày Sáu Do (chịu chức Sáu, 1850) do Đức Cha Thể hướng dẫn đã tìm đường lên Kontum truyền giáo (1839). Năm 1841, Gò Thị diễn ra công đồng địa phận Đàng Trong do Đức Cha Thể chủ tọa. Quan tâm đến đào tạo linh mục địa phương, bắt đầu gửi chủng sinh qua Pénang. Làng Sông là thời có nhà thờ chính tòa, chủng viện. Thời Văn Thân bách Đạo, Chủng viện bị tàn phá, giáo dân bị giết (1885) (5).
5. Cửa Bạng (1627)
Cửa Bạng là hải cảng quan trọng đưa Tin Mừng vào miền Trung. Truyền thuyết kể rằng Thánh Phaxicô Xavie trên đường qua Nhật, đã ghé cửa Bạng, làm rơi xâu chuỗi Mân Côi xuống biển, được một con cua trổi lên trả lại cho thánh nhân. Và Ngài chúc lành, ghi hình Thánh Giá trên mu. Từ đó tại Cửa Bạng có loại cua, mà dân chúng gọi là ‘Cua Thánh Giá’. Chính Thánh nhân xác nhận và ghi trong bức thư: Có lần tôi bị bão đang qua bờ biển Cochinchine, ngày 22.7.1548 (Bùi Đức Sinh, trích Lettere di San Francesco Saverio, Ascoli 1828, Q2, tr. 10). Sự tích ‘Cua Thánh Giá’ được khắc nơi cửa chính nhà thờ Tôn Đạo, Phát Diệm.
Cha Đắc Lộ và cha Marquez trên đường từ bắc Việt Nam (12.3) về Macao, báo cáo tình hình truyền giáo, bị bão phải ghé cửa Bạng, là đúng ngày Lễ Thánh Giuse 19.3.1627. Cha nhiệt thành giới thiệu với dân chúng ‘hạt trai qúi giá là Lời Thiên Chúa, đem lại hạnh phúc cho con người’. Mấy tháng ở đây, Cha Đắc Lộ đã giảng được bằng tiếng Việt, và rửa tội cho khoảng 200 người. Hai cha được chúa Trịnh Tráng tiếp kiến (2.7.1627). Một ngôi nhà thờ bằng gỗ được dựng lên cạnh dinh chúa. Em chúa là bà Catarina được rửa tội. Bà có công soạn lịch sử đạo Công Giáo bằng thơ. Bà đã khuyên được 17 người trong dinh trở lại.
Cửa Bạng có giáo xứ Ba Làng kỳ cựu nhất. Nhiều thừa sai bị bắt ở đây. Chủng viện Ba Làng là nơi đào tạo chủng sinh cho miền Trung (6).
6. Cửa Thần Phù (1627)
Toàn vùng từ sông Kim Bôi chảy vào sông Hoàng Long rồi nhập vào sông Đáy chảy ra biển. Sông Hồng qua cửa Ba Lạt cũng chảy ra biển. Toàn vùng này gọi là Cửa Thần Phù. Cửa này rộng, sóng to, hung dữ. Dân trong vùng lo sợ nên đã có thơ răn bảo:
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu (chèo) thì nổi, vụng tu thì chìm.
Dần dần phù sa lấn dần xa biển làm thành đất liền, thu hẹp Cửa Thần Phù, không còn hung dữ trở thành trù phú. Dân gian lại đổi hai câu thơ thành:
Cửa Thần Phù làm ao thả cá
Núi Thần Phù làm đá nung vôi.
Người Công giáo vẫn ngâm nga:
Thứ nhất đền thánh Pha Pha
Thứ nhì cửa Bạng, thứ ba Thần Phù
Năm 1627, Cha cha Đắc Lộ từ Cửa Bạng ra Thăng Long tạm trú ở Cửa Thần Phù, làng Văn No (sau gọi là Hiếu Nho, rồi Hảo Nho ngày nay (Phát Diệm), thay vì Thần Phù). Tại đây cha đã rửa tội khoảng 200 người, trong đó có gia đình cụ tên thánh Lina và chồng là Giuse. Cha đã xây được nhà thờ đầu tiên ở Bắc Kỳ. Theo chân cha Đắc Lộ các thừa sai đi truyền giáo xứ Kẻ Dừa, Điền Hộ (Thanh Hóa), Hảo Nho, rồi Bình Sa (Phát Diệm). Năm 1846, xứ Thần Phù cổ xưa, gồm Điền Hộ (Thanh Hóa) và Hảo Nho (Phát Diệm)
Cả vùng lịch sử này, Thanh Hóa và Phát Diệm là ‘cái nôi’ đón nhận quảng bá Tin Mừng đầu thế kỷ XVII. Phần nhân sinh, nhờ công Nguyễn Công Trứ khẩn hoang lập ấp (từ 1829) và phần đạo sầm uất nhờ Cụ Sáu Trần Lục (từ 1873) (7).
7. Phố Hiến (1669)
Phố Hiến ngày nay là thị xã Hưng Yên, xa Hà Nội khoảng 60 cây số, giữ vai trò giáo sử quan trọng. Từ thế kỷ XIII là thương cảng không thua gì Hội An. Qua thế kỷ XV, chúa Trịnh không cho ngoại quốc vào buôn bán ở Kẻ Chợ (Hà Nội), nên giao thương đều dồn về Phố Hiến.
Cửa biển này thường xuyên đón tiếp thương thuyền và các linh mục truyền giáo Âu châu. Năm 1668, giám mục Lambert de la Motte và hai thừa sai đến Phố Hiến. Chúa Trịnh mở cửa cho Pháp mở cửa hàng tại đây, nên các thừa sai ra vào dễ dàng. Năm 1669, thừa sai dòng tên Dominique Fuciti đến Phố Hiến, ra Thăng Long kèm theo tặng vật. Nhưng tặng vật không đẹp lòng nhà vua. Vua ra lệnh lục soát thiêu hủy ảnh tượng trên tàu. Từ đó chúa Trịnh không có cảm tình với đạo Công giáo, ra lệnh cấm tàu bè vào Thăng Long. Vì thế, Phố Hiến là trú điểm của các thừa sai.
Từ 1670, Phố Hiến chứng kiến sự kiện quan trọng của thời đầu truyền giáo tại Việt Nam: Hai Đức Cha Lambert de la Motte thăm mục vụ Đàng Trong. Thời gian này, công đồng Phố Hiến họp dưới tàu buôn trên sông Hồng. Đức giáo hoàng Clêmentê X châu phê các quyết định của công đồng qua sắc lệnh Apostolatus Officium (1673). Cũng tại đây, Đức cha Lambert đã lập Dòng Mến Thánh Giá đầu tiên (1670). Tiếp nối công trình truyền giáo, đến thừa sai De Bourges và Deydier. Sau hai vị là giám mục Đàng Ngoài (Đức cha De Bourges) và Đàng Trong (Đức cha Deydier)
Phố Hiến thời ấy là trung tâm mục vụ năng động, là thủ đô của Giáo Hội Việt Nam sơ khai. Nên dân gian có câu: Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến. (8)
8. Lục Thủy, Nam Định (1680)
Vào thế kỷ 16, Lục Thủy có vị trí quan trọng và là trung tâm truyền giáo của Đàng Ngoài. Là xứ đón nhận Tin Mừng đầu tiên. Đến đầu tiên (1686) là cha dòng Augustino. Tiếp theo đến các cha dòng Đa Minh (1701). Các thánh tử đạo ở đây là Thánh Francico Gil de Federich Tế, thánh Matheo Alonso Leciniana Đậu, Vinh Sơn Liêm… Lục Thủy có tòa giám mục Đàng Ngoài (Thánh giám mục Raymondo Lezzoli Cao), có chủng viện đầu tiên (1686). Năm 1753, Lục Thủy nơi nhóm họp Công Đồng Hà Bắc II. Phiên họp gồm đại diện các cha Dòng Tên, dòng Đa Minh và dòng Augustino. (9).
II. KHÔNG CHÍNH TRỊ, CHỈ TRUYỀN GIÁO
Nói như trên, không có nghĩa rằng các thừa sai chỉ du nhập vào Việt Nam bằng ‘Những Cửa Khẩu Tin Mừng’. Biết bao thừa sai đã đi vào Việt Nam bằng nhiều ngả đường khác nhau, đầy chông gai, thử thách. Điều chúng ta muốn nói đến trong phần thứ hai này: một khi đã từ giã gia đình ruột thịt và quê quán thân yêu, đã mạo hiểm đi vào đất nước Việt Nam, tất cả các thừa sai đều có một ý chí chung, là “rao giảng Tin Mừng cho dân chúng, đặt vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn lên trên hết, theo như huấn lệnh của Tòa Thánh: Ngay năm 1659, khi hội Thừa Sai Paris vừa thành lập và một số thừa sai sắp lên đường sang Viễn Đông rao giảng Tin Mừng (10), Bộ Truyền Giáo đã căn dặn: Ước gì qúy thừa sai thấm nhuần đức tin, xin đừng tìm lợi lộc gì khác ngoài lợi lộc thiêng liêng là vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn… Qúy thừa sai hãy tránh xa những vấn đề chính trị hay quốc gia, tránh không tham gia vào việc hành chánh… Qúy thừa sai hãy ý thức rõ ràng: thừa sai nào giây mình vào những công việc như vậy, là làm tổn thương lớn lao cho công trình truyền giáo’’ (11). Chúng ta không phủ nhận, đã có những trường hợp đáng tiếc về cách ứng xử trái với huấn dụ này của một số thừa sai. Tuy nhiên hầu hết các thừa sai, nhất là những vị đã chết vì đức tin, đều làm nổi bật ý chí: Khi được sai tới đâu, Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên… thì vì Tin Mừng, các ngài xin nhận xứ sở đó làm quê hương, trong đó các ngài hiến thân rao giảng Tin Mừng, phục vụ phần rỗi các linh hồn, bảo toàn và thăng tiến những điểm son văn hóa của dân tộc bản địa, thích ứng tốt với phong tục, từ nhà ở đến cách ăn ngủ vận đồ, nói tiếng, học tiếng của dân bản xứ (12). Trích dẫn vắn gọn về mười hai vị Thánh Thừa Sai Tử Đạo dưới dây, chúng tôi muốn khẳng định rằng: yêu dân tộc Việt Nam, trọng văn hóa Việt Nam, các ngài giữ đúng tôn chỉ ‘không làm chính trị, chỉ lo truyền đạo’.
1. Cha Pierre Langlois
Cha bị bắt dưới thời Minh Vương Nguyễn Phúc Chú, năm 1698. Khi nghe mấy thày phù thủy xúi nịnh, Chúa Minh Vương đã thét lên trong cơn tức giận: ‘Ta sẽ chém cha Pierre Langois ra từng mảnh xem ông ta còn giảng đạo được nữa không’. Đồng thời chúa ra lệnh phá hủy các nhà thờ công giáo. Trước cơn giận của chúa Minh Vương, cha Pierre Langois khiêm tốn đáp: ‘Tôi rất biết ơn Minh Vương đã rộng lượng đối với tôi, song tôi ước ao được chịu khổ và chết vì Chúa Giêsu. Tôi nhìn nhận rằng, chính vì ước muốn truyền đạo chân thật mà tôi không nề quản những gian lao đã đến Việt Nam này. Trong mọi việc, tôi không bao giờ bỏ qua việc rao giảng cho mọi người biết Chúa thật trời đất và tìm kiếm ơn cứu rỗi các linh hồn. Tôi không thể không rao giảng cho những người muốn nghe tôi… Từ khi tôi đến xứ này, tôi đã hoàn toàn sống theo như đạo dạy và chúa cũng như các quan biết rõ điều đó. Tôi đã tận tụy rao giảng đạo Chúa Trời và vất vả làm việc bác ái giúp đỡ mọi người cần đến, không phân biệt lớn bé sang hèn. Cho tới nay không ai tố cáo điều gì trước triều đình, trái lại họ còn ngợi khen những việc tôi đã làm…’. Ngay sau đó, có cơn bão lớn làm tróc mái đổ tường các cung điện và chùa chiền… Chúa Minh Vương sợ hãi, cho xây lại những nhà thờ đã bị phá hủy. Cha chết trong tù ngày 30.07.1700 sau 21 năm giảng đạo tại Việt Nam. (DMAH 1 tr.70-74).
2. Thánh linh mục Phanxicô Gil de Federich Tế (Dòng Đa Minh, 1702-1755),
Sau khi thụ phong linh mục được chọn làm giáo sư Triết chủng viện tại Tây Ban Nha, gia nhập Dòng Đức Mẹ Mân Côi chuyên truyền giáo Viễn Đông, và được chuyển qua Phi Luật Tân làm thư ký và phụ tá tỉnh dòng tại đây (1733). Nhưng cha vẫn ao ước qua Việt Nam. Cha tới Việt Nam ngày 28. 8.1735. Mới hoạt động được hai năm, Cha bị bắt tại Lục Thủy, Bùi Chu, khi vừa dâng lễ, để giáo dân khỏi liên lụy và nhà thờ khỏi bị đốt phá, cha ra trình diện: ‘Người các ông tìm bắt, chính là tôi đây. Xin tha cho các giáo hữu của tôi’. Trước tòa, cha tuyên bố: ‘Không ai có thể cấm giảng đạo Thiên Chúa đã truyền loan báo cho mọi dân mọi nước. Ai cấm tức là cướp quyền Thiên Chúa’. Cha Mathêu Alonso Liciniana Đậu, Dòng Đa Minh, cùng bị nhốt với cha Tế. Hai chứng nhân bị chém đầu, tử đạo cùng ngày, 22.1.1745 (DMAH 1, tr. 165-179) *.
3. Thánh linh mục Gioan Théphane Vénard Ven (Hội Thừa Sai Paris, 1829-1861).
Ngày 23.5.1852, sau khi thụ phong linh mục được bổ nhiệm qua Việt Nam truyền giáo. Ngày 13.7.1854, cha tới chủng viện Vĩnh Trị, thời cha thánh Lê Bảo Tịnh làm giám đốc, vào ngay những ngày bắt đạo ác liệt. Người linh mục trẻ bắt đầu gian truân chạy trốn chui rúc cực khổ. Cha đã thấy tận mắt ‘viên ngọc qúi Việt Nam’. Ngày 30.11.1860 cha bị bắt trong khi trốn trong vách đôi, bị trói ngay và giải về Thăng Long. Mới nếm mùi lao tù, trong thư gửi cho chị Mélanie, cha kể: Em đã đến Kẻ Chợ (Hà Nội). Cả nhà có thể tưởng tượng coi, ngồi bó gối trong cũi, tám người lính khiêng hai bên, đám đông dân chúng ồn ào bu lại nhìn xem. Em nghe họ nói: chàng âu châu này dễ thương quá. Anh ta thản nhiên và vui tươi như đi dự lễ tiệc, chẳng tỏ gì sợ hãi cả. Em cầu xin với Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, xin Đức Mẹ thương phù trợ cho người tôi tớ nhỏ bé của Mẹ…’ Rồi quan hỏi em: ‘Ai sai anh đến đây?’ Em đã đáp: ‘Không phải vua quan đất Pháp gửi tôi đi. Tôi muốn đi rao giảng đạo lành cho mọi người, và các bề trên trong đạo gửi tôi đến Việt Nam’ Viên quan muốn gán cho em tội xâm lược của Pháp, em khẳng khái trả lời: ‘Không bao giờ chúng tôi ủng hộ quân viễn chinh đâu. Nếu không tin, xin cứ để tôi đến gặp họ. Tôi sẽ khiển trách việc họ đến gây chiến. Nếu tôi thất bại, xin tình nguyện về đây nộp mạng’… (DMAH 3, tr.239-252).
4. Thánh Giám Mục Clemente Ignatio Delgado Y (Dòng Đa Minh, Tây Ban Nha 1762-1838).
Năm 1787, thày Clemente Ignatio Delgado thụ phong linh mục và được chọn qua Việt Nam. Sau hai năm cha mới vào được Việt Nam cùng với Cha Henares Minh, sau làm giám mục phụ tá của ngài. Quá thông minh xuất sắc, thánh thiện, nên mới 33 tuổi cha đã được chọn làm giám mục địa phận Đông Đàng Ngoài (1794). Khôn ngoan, chịu đựng và can đảm, Đức cha lèo lái địa phận trong giai đoạn cực kỳ khó khăn dưới thời cấm đạo của Cảnh Thịnh khát máu. Đức cha cho phép các cha lẩn tránh quanh quanh. Còn ngài vẫn ở tòa giám mục thường xuyên đi thăm các nơi khác. Những năm yên ổn, đức cha quan tâm rèn luyện linh mục bản xứ. Vào năm 1810, địa phận có 54 linh mục Âu Việt, không kể các tu sĩ. Từ năm 1838, cuồng phong chống đạo tiếp tục nổi lên khắp nơi. Hai đức cha Henaes Minh và Y bị lùng bắt. Nhờ giáo dân bao che, đức cha Minh chạy thoát, còn đức cha Y, 76 tuổi, bị bắt đem về làng, sau giải lên phủ Xuân Trường, và về Nam Định. Đức cha bị giam trong cũi, chỉ ngồi còng lưng, không đứng được. Ngày đêm, mưa nắng cũi là nhà. Bị đánh đập tra khảo, bỏ đói, bỏ khát, đức cha vẫn kiên cường. Bản án do Minh Mạng châu phê vu cáo cho Đức Cha là ‘mật thám’. Ngài thưa: ‘Tôi đến An Nam đã 48 năm. Tôi được tiên đế (Gia Long) cho phép giảng đạo. Và tôi chỉ chăm lo việc giảng đạo. Xin quan cứ dẫn tôi về triều đình, nếu vua muốn nướng thịt tôi mà ăn, tôi cũng chịu… Xin đừng để lâu kẻo quân lính mất công canh giữ tôi’. Sau một tháng rưỡi giam trong cũi, tuổi già sức yếu, Đức Cha đã từ trần ngay trong cũi, ngày 12.7.1838. Quân lính vẫn khiêng cũi ra pháp trường Bảy Mẫu, đưa xác ngài ra khỏi cũi và chặt đầu. (THS, tr.229-234) (14)
5. Thánh giám mục Eienne Théodor Cuénot Thể (Hội Thừa Sai Paris, 1802-1861)
Từ nhỏ, ngài đã có hoài bão qua Việt Nam truyền giáo. Sau khi được bổ nhiệm làm giám mục, đức cha thường nói: ‘Để tín hữu vững niềm tin, cần phải đào tạo những tông đồ truyền giáo ngay ở địa phương’. Vì thế, dù bị sát hại nhiều, trong địa phận ngài vẫn còn đủ linh mục làm việc và tân tòng gia tăng. Công trình lớn của đức cha để lại cho Giáo Hội Việt Nam bấy giờ là quan tâm đến việc huấn luyện các chủng sinh, mở Dòng Mến Thánh Giá (1835), nhà nuôi trẻ nghèo mồ côi (1843), mở địa điểm truyền giáo ở vùng thượng du dân tộc Bahnar.
Năm 1833, Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo, cha lén lút đem các chủng sinh qua Pé nang, Thái Lan học. Để bày tỏ mọi quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo các linh mục bản xứ, đức cha hay nói: ‘Bằng mọi giá phải lo cho họ. Như tôi (thừa sai) chết, người ta có thể thay thế chậm lắm là một năm. Một linh mục Việt Nam nằm xuống, phải mất hai ba chục năm mới có người thay thế được’. Ngày 24.10.1861, đang ẩn trốn trong nhà bà Madalena Huỳnh Thị Lựu, đức cha bị bắt sau khi dâng lễ. Ra tòa, quan hỏi:
– ‘Tại sao ông qua nước tôi?’
– ‘Thưa quan, tôi qua đây với mục dích duy nhất là để giảng đạo Thiên Chúa’.
– ‘Ông biết gì về chiến tranh?’
– ‘Thưa, không biết gì. Tôi đến đây chỉ để giảng đạo, khi nơi này, khi nơi khác thế thôi. Quan hành hạ thế nào tôi cũng đành chịu, chứ tin tức chiến tranh tôi hoàn toàn không biết gì cả’. ..
Cơn bệnh hành hạ đức cha dữ dội, nên sau ba tuần bị giam giữ, đức cha kiệt sức và qua đời, ngày 14.11.1861. Sau đó triều đình gửi bản án: ‘Tây dương đạo trưởng Thể đã lẩn lút trong nước ta 40 năm nay’. (THS. tr. 423-429)*
6. Thánh Augustinnô Shoeffler Đông (Thừa Sai Paris, 1822-1851)
Cha đến Việt Nam 1848, bị bắt và bị xử tử cùng năm 1851. Ngay buổi đầu ra tòa, cha dõng dạc tuyên xưng: “Tôi tên Augustinô, quê ở nước Pháp, sinh ra tại tỉnh Nancy, hiện nay là đạo trưởng, 29 tuổi. Tôi đến đây để giảng đạo Đức Chúa Trời. Từ khi đến nước này cho đến nay, tôi chỉ chuyên tâm có một việc là rao giảng đạo thật mà thôi. Lúc còn ở Pháp, tôi đã biết rõ đạo bị cấm ngặt tại nước này và các đạo trưởng phải xử tử, nhưng tôi không sợ chết. Còn việc ở đâu, tôi sẽ không nói, xin các quan đừng hỏi tôi làm gì”. Trước khi ra pháp trường, cha còn khuyên một người lính: ‘Anh bạn thân mến, khi tôi bị xử rồi, tôi sẽ nhớ đến anh, và nếu anh muốn được hạnh phúc thật, anh hãy tìm đến nơi có đạo mà học hỏi và tin theo đạo’ (DMAH 3,tr. 62-69) *
7. Thánh Gioan Louis Bonnard Hương (Thừa Sai Paris, 1824-1852)
Cha chịu chức linh mục lúc 20 tuổi và 8 năm sau, tức 1850, cha cập bến Việt Nam, giữa lúc cơn dịch tả lan tràn, giết chết nhiều người. Cha chăm chú học tiếng Việt và năng nổ trong việc mục vụ. Chỉ một năm sau, cha đã nói tiếng Việt sành sõi. Vì thế, năm 1852, cha đã cùng với 5 linh mục Việt Nam tổ chức ba ngày cấm phòng cho giáo dân Bối Xuyên. Chính trong dịp này, cha bị quan huyện Nghĩa Hưng đem lính vây bắt. Trong một phiên tòa, cha Louis Bonard tuyên bố rõ ràng ý chí truyền giáo: ‘Các quan muốn đánh tôi thì cứ đánh, chứ đừng hy vọng tôi khai báo. Tôi đến đây để phục vụ cho đến chết. Tôi cương quyết không nói lời gì làm hại cho giáo dân và đạo thánh… Tôi đã nói: Tôi không sợ đòn đánh, tôi không sợ chết. Tôi sẵn sàng chịu tất cả… Tôi không đến đây để chối đạo, để đạp ảnh hay để làm gương xấu cho giáo dân. Họ là những người tôi yêu thương’. (DMAH 3 tr.70-79).*
8. Thánh Phanxicô Jaccard Phan (Thừa Sai Paris, 1799-1838).
Năm 1919, khi xin nhập Hội Thừa Sai Paris, thày Jacard nói: ‘Con xin tình nguyện vào Hội Thừa Sai Paris để truyền giáo nơi xa, chớ không phải ở thành phố Paris’
Năm 1923, cha thụ phong linh mục và được gửi qua Việt Nam, địa phận Đàng Ngoài (1826). Cha được bổ nhiệm làm giám đốc chủng viện An Ninh Quảng Trị. Năm 1830, triều đình lấy cớ cần người phiên dịch sách báo và tài liệu, nên mời các thừa sai vào ở trong cung, nhưng thực ra là hình thức giam lỏng. Năm 1833, vua Minh Mạng nổi giận bắt hết các thừa sai, trong đó có Cha Jaccard Phan. Vua bắt cha đốt hết sách và đồ thờ phượng. Quan nói: ‘Tôi tha cho ông, nhưng khi ra trước hội đồng các quan, ông phải nói đã gởi sách và đồ lễ về Tây rồi, và hứa không giảng đạo nữa’. Cha thưa: ‘Thưa quan, quan biết là đạo Thiên Chúa cấm nói dối, còn việc ngưng giảng đạo, tôi không thể vâng lời được’. Năm 1838, trước phiên quan tòa xử án, cha quả quyết: ‘Đạo của tôi không là một thứ ân huệ vua ban, nên tôi không buộc bỏ đạo theo ý vua’ (DMAH 2 tr.235-243).
9. Thánh linh mục Isidoro Gagelin Kính (Thừa Sai Paris, 1799-1833).
Năm 1832, cha gửi thư về gia đình bên Pháp bày tỏ niềm hân hoan: “Những thiếu thốn, cực nhọc đủ thứ đến với tôi, nhưng tôi dám khẳng định rằng tôi hạnh phúc trong túp lều tranh của tôi hơn vua Pháp ở trong cung điện”. Trong thư khác, cha viết: “Tôi nói dứt khoát với các quan chúng tôi chỉ mong vua cho một ân huệ là được tự do giảng đạo. Tôi cho họ rõ mục đích và chức linh mục cao trọng hơn chức quan dường nào. Tôi cũng nói rõ chúng tôi đã từ bỏ gia đình, quê hương và tất cả lợi lộc trần thế, để chỉ truyền giảng Tin Mừng thì không dễ gì chúng tôi từ bỏ nhiệm vụ này. Tuy nhiên những công việc nào có thể dung hòa nhiệm vụ của chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ nhà vua”. Biết mình ngày càng gặp khó khăn, Cha viết thư cho các cha Hội Thừa Sai Pháp: “Tôi từ giã cõi đời không hề thương tiếc sự gì, chỉ nhìn lên Chúa Giêsu đủ an ủi về mọi điều đau khổ và cả cái chết nữa. Tất cả ước vọng của tôi là sớm thoát khỏi thân xác tội lỗi này, để kết hợp cùng Chúa Giêsu trong nơi vĩnh phúc. Tôi muốn thành tro bụi để kết hiệp với chúa Giêsu”. (Sđd. ttr. 350-352)* (DMAH 2, tr.53-58)
10. Thánh linh mục Marchand Du (Thừa Sai Paris, 1803-1835)
Năm 1832, cha viết thư cho ba má và gia đình kể công tác truyền giáo mình đảm trách như sau: “Con lo 25 giáo họ cách nhau rất xa. Muốn chu toàn bổn phận, con không thể bỏ phí một giờ khắc nào… Từ năm giờ sáng đến chín giờ tối, nhiều ngày chẳng có lúc nào con rảnh rỗi cả. Con chỉ có thể dùng chút giờ chu toàn các việc đạo đức riêng lo cho phần rỗi mình, còn thì luôn luôn phải làm việc để thánh hóa người khác… Con chỉ tiếc một điều không thể tận tụy hơn được nữa, để vừa giúp giáo dân vừa giúp lương dân, lại còn bắt buộc phải di chuyển bằng thuyền, nên không thể đi mọi nơi, hầu dẫn về đoàn chiên Chúa Giêsu những con chiên bất hạnh lạc đường’’. Khi loạn quân Lê Văn Khôi xin Cha cho tín hữu tiếp tay chống vua Minh Mạng, cha từ chối: ‘Tôi chỉ biết giảng đạo, còn nghề giặc giã binh lính, tôi không rành’… Ngày 8.9.1835, sau khi dâng lễ, cha Du bị bắt, bị đánh đập và nhốt vào cũi (1m x 0,70 x 0,80), chờ ngày xét xử. Trước khi đem ra xét xử cha phải qua đợt chất vấn với quan. Cha trả lời câu hỏi của quan:
– ‘Giặc (Lê Văn Khôi) đã đem thày vào thành, thày không làm gì để giúp chúng sao ?’
– “Tôi chỉ lo việc giảng đạo mà thôi”. (Sđd. ttr. 462-464)* (DMAH 2, tr.77-84)
11. Thánh linh mục Jacinto Castaneda Gia (Dòng Đa Minh, 1743-1773).
Cha chịu chức linh mục 1765, và qua Trung Hoa 1766. Nhưng cha bị trục xuất và tới năm 1770, cha vâng lời bề trên, lén lút vào Việt Nam. Cha bị bắt ngày 11.7.1773 khi đi xức dầu cho bệnh nhân. Ngay khi vừa bị bắt, quan huyện Kẻ Bích muốn làm tiền, đã đặt giá với cha: ‘Nếu ông muốn được tự do, hãy nói với giáo dân đem đến cho tôi 500 quan tiền’.
Cha Gia đáp: “Thưa quan, giá chuộc tôi mất đồng tiền đỏ cũng không được. Nếu quan muốn trả tự do cho tôi, tôi cám ơn quan nhiều. Còn nếu quan muốn giải tôi về kinh đô cho vua, xin quan cứ thi hành. Tôi sẵn sàng chịu mọi cực hình, kể cả cái chết”. – Tại Kinh đô, cha được dẫn ra trình diện với vua Cảnh Hưng, vua hỏi cha:
– “Tại sao ngươi đến nước này?”
– Cha thưa: “Thưa bệ hạ, tôi đến đây giảng dạy đạo Đức Chúa Trời để ai tin nhận thì được hưởng hạnh phúc trên trời sau khi chết”. Sau đó, vua trao cho các quan xét xử và lên án chém đầu ngày 7.11.1773, lúc đó cha mới đầy 30 tuổi. Trong tòa án điều tra phong chân phước, người ta làm chứng: “Cha Gia rất có lòng thương người nghèo và tha thiết cứu linh hồn người khác”. (sđd, tt. 405-406)* (DMAH 1, tr.191-198).
12. Thánh giám mục Berrio-Ochoa Vinh (Dòng Đaminh, Tây Ban Nha, 1827-1861)
Khi quan thượng Hải Dương Nguyễn Quốc Cẩm hỏi đức cha về tên tuổi, quê quán và sang Việt Nam từ bao lâu, đức cha trả lời: ‘Tên tôi là Vinh, sang Việt Nam mới được bốn năm, địa phận của tôi ở trong tỉnh Nam Định, Nam Thượng và Nam Hạ. Bởi vì trong đó bắt đạo ngặt quá không thể ẩn tránh mãi, tôi bất đắc dĩ phải trốn tại đây’. Quan thượng lại hỏi: ‘Năm 1858 có liên lạc gì với người Pháp-Tây gây chiến không?’ Đức cha thưa: ‘Bẩm quan thượng, tôi không làm cái gì hại nhà nước bao giờ, tôi chỉ có một ý duy nhất là sang đây giảng đạo thánh Chúa Trời và khuyên bảo cho mọi người biết ăn ngay ở lành, giữ đàng lành và tránh đường tội mà thôi’ (DMAH 3, tr. 297-298).
III. CẢM PHỤC VÀ QUÝ MẾN
Là những người dân Việt thấm nhuần đạo hiếu, người công giáo ý thức rằng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Ân thâm nghĩa trọng” “nhớ ơn cha mẹ sinh dưỡng, nhớ ơn người dạy con đường tâm linh”, “Nhớ lời thày khuyên, con chuyên tầm đạo, nhờ lời thày bảo, con biết làm sao: cẩn thủ luân thường, cải tà quy chính, sống đúng mệnh trời” (Luận ngữ)… Nên họ mang nặng tình nghĩa, công ơn đối với những người hết lòng giúp đỡ, cứu mạng, dạy dỗ mình. Từ việc sống đạo hiếu đối với ông bà cha mẹ, người Việt Nam rất biết ơn đối với các bậc thày giáo huấn mình. Cho nên, học trò ứng xử với thày cũng giống như con cái trong nhà sống hiếu với cha mẹ. Dĩ nhiên, theo quan niệm chung của người Việt Nam, đặc biệt là người công giáo, các bậc Thày về luân lý, tinh thần, đạo giáo, còn được kính trọng và biết ơn hơn nhiều. Cứ quan sát các thể thức người Việt Nam tôn kính Đức Khổng Tử hay các vị chân tu, chúng ta có thể dễ nhận ra chiều cao, chiều rộng của lòng biết ơn, kính trọng, phụng dưỡng và qúy mến của giáo dân Việt Nam dành cho các bậc tu hành (linh mục, thày giảng, nữ tu), đặc biệt các thừa sai ngoại quốc, trong thời cấm đạo. Đối với các vị chủ chăn, giáo dân Việt Nam đã giữ đúng những lời thánh Phaolô dạy dỗ giáo dân Do Thái: “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo rao giảng lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem cuộc đời của họ kết thúc thế nào mà noi theo và sống vững lòng tin như các ngài’’. (Dt 13,7-8). Quả thật, lời dạy, gương sáng và cả cuộc đời của các Thánh Thừa Sai Tử Đạo, không chỉ xứng đáng mà còn trổi vượt lòng biết ơn và mọi hành động qúy mến của người giáo dân Việt Nam.
1. Giáo dân cảm phục lòng đạo đức và sự tận tâm truyền đạo của các thừa sai.
Tuy chất phác, người Việt Nam đủ thông minh và khôn ngoan để nhận ra điều hay lẽ phải, trọng đức hơn tài, và “Lời nói bay đi, chỉ gương lành mới lôi kéo”… để chân thành cảm phục và yêu mến những bậc “hiển đức” dạy dỗ họ sống theo đạo lý cao siêu… Với khuôn khổ bài viết, chúng ta chỉ nêu lên ba gương sáng dưới đây:
Thánh giám mục Vanetino Berrio-Ochoa Vinh (Dòng Đa Minh, 1827-1861) Ngài qua Việt Nam truyền giáo từ 1858. Mới tới, cha Vinh gặp ngay giữa lúc bắt đạo gay gắt. Vì nhu cầu mục vụ khẩn cấp, cha được chọn làm giám mục địa phận Trung Đàng Ngoài. Từ đây, cùng với Đức cha chính Sampredro Xuyên, ngài phải sống chui rúc và điều hành giáo phận dưới hầm. Đức ‘giám mục hầm trú’ đã nhiều lần viết thư về gia đình. Thư đầu cha viết: “Cánh đồng truyền giáo này không lấy một ngày quang đãng, không ngày nào không phải cố gắng giữ nét vui tươi. Không ngày nào không có đau thương để khóc, không có lo toan để tìm phương bổ cứu, không có kẻ theo dõi hay quan quân truy lùng”. Trong thư gửi cho mẹ, ngài kể cảnh trú ẩn, trốn chạy chui rúc, lại được giáo dân kính trọng chăm sóc tận tình: “Mẹ hỏi con sống thế nào, ăn uống làm sao? Mẹ yêu qúi của con. Con sống vui lắm, con làm giám mục cơ mà. Còn thức ăn ngày nào cũng có. Đừng lo mẹ ạ. Chúng con chẳng đói đâu. Nhưng mẹ tưởng hễ làm giám mục là được ngồi ngựa à. Không, chúng con tuột giầy giữa đêm tăm tối, nhoài hết chỗ lội này đến quãng lội khác. Vậy mà cứ vui thôi. Một hôm con lội được sáu dặm đường, trên mưa tuôn, dưới bùn trơn, con ngã soành soạch không biết bao nhiêu lần. Tuy làm giám mục, con cũng ướt như chuột lột và lấm bùn be bét. Nhưng giáo hữu ở đây tốt lắm, về tới nhà đã thấy họ đổ nước cho con tắm rửa sạch để chuẩn bị dâng lễ. Ồ có lẽ mẹ bảo: Vinh nhỏ của mẹ ơi, sống như thế xìu lắm. Không, chả buồn chả xìu chút nào mẹ ạ. Ở đây người ta sống mạnh, tươi, nhanh nhẹn lắm. Chúa an ủi chúng con trong lao nhọc, Con tuy là ‘trai già’ mà nhảy qua vũng lội vẫn lẹ như sóc ấy. Mẹ ạ, Vinh trước đã là đứa con nhảy nhót qua núi đồi, thì nay bộ mặt đầy râu của nó, cũng sẽ làm những tên qủi già nhất trong hỏa ngục phải run sợ’’. (Sđd. Ttr.380-384)* (DMAH 3, tr.293-299)
Đức cha Gironimo Hermosillia Vọng (đổi tên là Liêm) (Dòng Đa Minh,1800-1861). Các vị thừa sai đặt cho đức giám mục Hermosilla biệt danh là ‘Đức Cha Già’, dường cột Giáo Hội tại Bắc Kỳ. Ngài sang ở Việt Nam 33 năm, trải qua những cơn bách đạo thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ngài thường xuyên phải trốn tránh đây đó khắp nơi để tránh bị lùng bắt. Cũng vì thế, ngài mang nhiều tên Việt khác nhau: đức cha Vọng, đức cha Liêm, đức cha Tuấn. Năm 1839, vua Minh Mạng đã ra chỉ thị cho các quan phải lùng bắt cho được đức cha già. Vua viết: “Còn một danh trùm Vọng, tiếng Tây gọi là Hieronimo. Nếu quan chức hay người dân nào bắt được thì sẽ thưởng 10.000 quan tiền. Đây là hình dong để nhận diện: người cao lớn vừa phải, mũi dài râu rậm, con mắt tinh hơi xam xám, sắc trắng trẻo, mặt mũi béo tốt. Đó là danh trùm Vọng, tiếng tây gọi là Hieronimo. Nếu quan bắt được thì sẽ thăng cấp, người chứa chấp phải chịu tội, quan bản hạt cũng phải liên lụy…”. Mặc dầu phải thường xuyên trốn tránh, đức cha không ngừng làm việc cho giáo phận: Ngài chép lại truyện tích của 16 vị tử đạo trong giáo phận Đông. Đã xây gần 1.000 nhà thờ, hay nhà nguyện, lập 23 tu viện Mến Thánh Giá. Chính đức cha viết thơ xin đức giáo hoàng Gregoriô XVI vận động thế giới cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam trong cơn bách hại. Ngài đã xin Tòa Thánh cho phép chia giáo phận Đông thành hai, tức là có giáo phận mới, giáo phận Trung. Tại mỗi giáo phận có giám mục chính và giám mục phó. Giữa những năm cấm đạo, đức cha Vọng đã viết thư kể lại như sau: ‘Thật là khủng khiếp, vua và các quan tìm mọi cách tiêu diệt đạo Chúa. Mỗi tháng hai ba lần các quan sai lính đến các làng đánh đập tín hữu, ép buộc bỏ đạo. Theo luật chỉ có các linh mục, thày giảng và người chứa chấp phải tử hình, nên trong nhà tù đầy rẫy những tín hữu bị giam để họ không liên lạc và giúp nhau được nữa. Vì thế, trong thời gian bị phân sáp, năm 1861, đức cha đã chạy trốn trong một hang động ở Thọ Đức và viết thư mục vụ khuyên giáo dân can tràng chịu mọi thử thách. Cho dù các vua quan cấm đạo ác nghiệt, cũng không thể cấm đạo mãi. Vả việc bách hại đạo Chúa đã xảy ra nhiều trong lịch sử Giáo Hội. Con xác tín rằng ‘máu tử đạo là nảy sinh tín hữu’. Nhưng thời gian đã viên mãn theo thánh ý Chúa, ngày 21.10.1861, lúc còn trên thuyền của một người đánh cá, đức cha và thày giảng Giuse Nguyễn Duy Khang đã bị bắt. Sự việc xảy ra là do đứa con của ông bà chủ thuyền chài, vì tức giận bố mẹ, đã đi tố cáo ‘trên thuyền gia đình có các đạo trưởng’. Lập tức, ông đội Bảng đem 500 lính vây thuyền ngoài khơi và bắt được đức cha Vọng và thày Khang. Lúc đó đức cha cản thày Khang đừng chống cự, ngài chỉ xin ông đội không kể tội và cho ông bà chủ thuyền chài được về tự do: ‘Xin bắt giam một mình tôi thôi, xin hãy tha cho những người chài cá vô tội được về bằng an’. Chỉ một tháng sau, ngày 1.11.1861, đức cha Hermosilla bị xử tử tại pháp trường Năm Mẫu. Thiên Chúa đã cho nhiều dấu lạ sau cái chết của đức cha… sdd ttr.363-375)* (DMAH 3, tr.284-292)
Thánh giám mục Phêrô Borie Cao (Thừa sai Paris, 1808-1838) Cha Pierre Borie Cao đến Bắc Việt năm 1832 và được bổ nhiệm coi xứ Nghệ An. Cha hội nhập vào phong tục và nếp sống của người Việt Nam rất mau. Cha quí mến người Việt, đồng hóa với người Việt, ăn cơm ngon lành như cha sinh ra ở Việt Nam. Cha sống bình đẳng và gần gũi với người dân, lâu lâu còn nói đùa với họ nữa… Năm 1833, cơn gió bách hại thổi lên dữ dội, cha phải trốn tránh nay đây mai đó tới 17 lần. Năm 1835, cha có ý kiến táo bạo muốn về kinh đô bênh vực đạo trước mặt vua, nhưng các thừa sai cản vì ‘vua Minh Mạng biết rõ đạo lắm rồi’. Năm 1838 có kẻ tố cáo cố Candalh Kim mở chủng viện ở Di Loan, vua Minh Mạng tức giận cho lính đi lùng bắt các linh mục. Họ bắt được hai linh mục Việt Nam là cha Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm và cha Phêrô Võ Đăng Khoa, nhưng không bắt được linh mục thừa sai nào. Tức giận, quan án tỉnh Quảng Bình bắt được cô gái 16 tuổi, cho lính tra khảo dã man, ép cô khai chỗ trốn của cha Borie. Đang vùi mình trong đống cát, nghe tiếng cô gái kêu la, khóc lóc, cha Borie chịu không nổi, đành chui ra nộp mình để cứu cô gái khỏi cực hình. Bị trói đem về huyện, cha một mực không khai ai đã chứa chấp cha. Viên ký lục Thông hỏi cha:
– “Này ông đạo trưởng, nếu người ta lấy roi sắt đánh trên thân thể ông, liệu ông có yên lòng mãi được không nữa? ”
Cha Cao đáp:
– “Đến lúc đó sẽ hay, tôi không khoác lác trước tòa án”.
Thế nhưng khi các quan hỏi han về lẽ đạo, cha lại thao thao cắt nghĩa từng điểm, khiến mấy người lính đứng hầu tòa nói với nhau: “Vị đạo trưởng này thật mê say đạo của ông, nếu ông cứ tiếp tục nói về đạo như vậy, hẳn chúng ta sẽ tin theo giáo lý của ông nữa. Riêng quan tuần phủ lại tuyên bố sẽ trừng trị cha bằng những lời thóa mạ đạo”. Cha bình tĩnh trả lời:
– “Thưa quan, thà quan đánh đập cho thân xác tôi đẫm máu, xé thành từng mảnh như quan muốn sẽ hay hơn là dùng những lời thóa mạ’’.
Nghe vậy, quan tuần lộn tiết cho lính bắt cha Cao nằm úp xuống, cột tay chân vào cọc, độn miếng gỗ dưới bụng và miếng khác dưới cằm cha. Sau đó đánh thẳng tay 30 roi. Trong 20 roi đầu, máu chảy đầm đìa, cha không rên rỉ kêu la. Chỉ 10 roi sau cha mới rên rỉ chút đỉnh. Ngao ngán vì thấy cha Cao gan lì không chịu khai báo, lại can đảm chịu đòn sau nhiều lần bị tra khảo, các quan đành làm án tâu về kinh. Trong lúc đang ngồi tù, cha Cao hay tin được bổ nhiệm làm giám mục, cha liền viết thư về chủng viện Paris, có những lời như sau:
“Tôi chỉ còn sống ít ngày nữa thôi, tôi đang dọn mình cho được chiến thắng trận cuối cùng… Tôi đã phải ra tòa nhiều lấn, và nhờ ơn Chúa, tôi đã xưng đạo Chúa là đạo chân thật trước mặt mọi người… Gông cùm, roi đòn làm tôi run sợ, song trông cậy vào ơn Chúa phù trợ, tôi sẽ được ơn bền đỗ, dâng mạng sống làm chứng đạo thánh Chúa”.
Thấy cha Cao bị nhiều thương tích, mấy người giáo dân tìm cách băng bó cho cha. Cha cám ơn họ và bảo: “Xin anh chị em tiếp tục lo thuốc men cho tôi để tôi sống tới ngày vua ra án tử, để được phúc chết vì đạo, và như vậy, tôi làm sáng danh Chúa hơn là chết vì bệnh”.
Thế rồi, ngày 24.11.1838, án vua Minh Mạng châu phê ra tới tỉnh, và quan báo tin cho cha Cao. Cha vui mừng lạy tạ quan và nói: “Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa hề sấp mình lạy người nào. Nhưng hôm nay, vì quan lớn đã liệu cho tôi được ơn chết vì đạo, thì tôi xin lạy để cám ơn quan”. Quan án nâng ngài lên và gọi lính dẫn cha ra pháp trường chịu chém (Sđd. ttr. 437-438)* (DMAH 2, tr.250-259)
2. Những cách giáo dân tỏ lòng quí mến các vị thừa sai.
Vì cảm phục những vị thừa sai tận tụy, đức độ, can tràng và thông minh, có đời sống đi với lời giảng, sống nghèo khó, đơn sơ, gần với dân chúng và tôn trọng những phong tục cao qúy của nước họ… Giáo dân Việt Nam rất qúy mến và làm nhiều ‘nghĩa cử’ bày tỏ lòng qúy mến và tâm tình cảm phục.
Đón tiếp và che giấu các thừa sai: Thánh linh mục Cornay Tân kể lại: Sáng ngày 20.7.1837, 1500 lính đến vây làng Bầu Nọ để bắt cha. Dâng lễ vừa xong bổn đạo dẫn cha trốn trong một bụi tre rậm. Lính đi qua đi lại khám xét nhưng không biết được. Chiều đến, quan truyền cho lính dùng gươm dài đâm vào các bụi tre… Thấy cơn nguy đã đến, cha Cornay đành phải ra nộp mình để tránh liên lụy cho giáo dân (DMAH 2,tr.90).
• Đức cha Dominic Henares Minh trải qua nhiều năm trốn ẩn trong nhà giáo dân, từ làng Tiên Chủ, đến làng Kiên Lao, rồi Cẩm Hà… Năm 1838, Bà Tư xứ Kiên Lao giấu cha và nhiều vị thừa sai khác. Nhưng cuối cùng, đức cha bị tên Nghiêm, người lương và thù ghét đạo, biết được, đã đi báo cho quan tỉnh đem 500 lính đến vây bắt. (DMAH 2,tr.127).
• Đức cha Inhaxio Delgado Y bị bắt khi nhóm giáo dân xã Kiên Lao cáng ngài đi trốn. (DMAH 2,tr.148). Gia đình thánh trùm Đích là nơi chứa giấu các đức cha và các thừa sai trong thời cấm đạo (DMAH 2, tr.198). Nhà thánh nữ Anê Lê Thị Thành nơi trốn tránh tin tưởng của đức cha Hermosilla tức Danh Trùm Vọng và nhiều ‘cố tây’. Hai nguyên cớ khiến bà bị bắt với hai vị thừa sai và đã chết vì đạo là ‘giấu chứa thừa sai và cất giữ đồ thờ’. Vì thế, bản án quan tổng đốc Trần Văn Trung đệ lên triều đình là “đạo tải dương nhân dương thi” (chở cố tây và sách tây) (DMAH 3, tr.25).
• Đức cha Giuse Diaz Sanjurjo An bị bắt (1857) lúc đang ẩn trốn trong nhà của một quân nhân công giáo Bùi Chu (DMAH 3,tr.167). Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng bị bắt lúc dẫn cha Pernot chạy trốn (DMAH 3, tr.214). Ông xã Kỷ ở Bút Đông đào hầm trong bếp cho cha Vénard Ven trú ẩn (DMAH 3, tr.241). Tuy nhiên, có lần vì sợ, cả làng công giáo từ chối không nhận thừa sai trốn ẩn tại làng của họ (DMAH 2, tr.155), trong khi nhiều gia đình lương dân đã can đảm đón các thừa sai lẩn trốn trong nhà mình (DMAH 3, tr.235; 2, tr.156). Nhưng nhiều lần các ngài bị phản bội, chính gia đình đón tiếp đã đi tố giác để được tiền thưởng (DMAH 2, tr.127-128; 2,tr.148; 3, tr.235)
Cất giấu các đồ thờ phượng: Nổi danh can đảm và khéo léo chôn giấu các đồ đạo cho dù bị liên lụy, lùng bắt và chết vì đạo, trước tiên là các bà Monica Sum (DMAH 1, tr.80), rồi thánh nữ Anê Lê Thị Thành, người bị “Lính của tổng đốc Trịnh Quang Khanh bắt vì đã tìm thấy trong nhà bà các đồ thờ phượng, 100 tấm vải của nhà chung và một hòm bạc”. (DMAH 3, tr.25). Bà Madalena Hùynh Thị Lựu cũng bị tra khảo dã man vì giữ đồ thờ và chứa các thừa sai. Thấy bà bị đòn dữ quá, đức cha Étienne Théodor Cuénot Thể, hiện trốn trong nhà bà, đã ra nộp mình để cứu bà (DMAH 3, tr.305). Tháng 7.1860, triều đình trách các quan tỉnh, huyện không thi hành nghiêm chỉnh việc bắt đạo, đồng thời ra lệnh bắt các nữ tu (Mến Thánh Giá) là những người lén lút thông tin và tàng trữ các đồ đạo. (DMAH 3, tr.181).
Lo việc cho Giáo Hội. Khi còn trai trẻ, thánh Matthêô Lê Văn Gẫm đã ân cần lo việc cho Giáo Hội, đặc biệt đi Singapore chở các thừa sai vào Việt Nam, chở các chủng sinh qua học đại chủng viện Penang và chở các đồ thờ phượng về cho các địa phận (DMAH 3, tr.40-41). Thánh linh mục Lê Bảo Tịnh, lúc còn là thày giảng cũng thuộc ‘loại can đảm đến gan lì’ trong việc chuyên chở các thừa sai và đồ đạc của nhà chung từ Macao vể Việt Nam’ (DMAH 3, tr.130-131). Bao nhiêu thày giảng, ông trùm, bà phước và giáo dân đã phục vụ Giáo Hội cách tận tâm dưới nhiều hình thức, không kể ra hết được…
Vì quí mến, giáo dân góp tiền ‘thù lao’ cho quan và lính, để vị thừa sai bớt bị hành nhục, như trường hợp đức giám mục Pierre Borrie Cao (DMAH 2,tr. 257), để vị thừa sai được thả về tự do rao giảng, như trường hợp cha Néron Bắc đã được thả về với giá 300 lạng bạc (DMAH 3, tr.234). Hơn thế, khi cha Néron Bắc bị chém đầu, giáo dân lại góp tiền chuộc xác cha về an táng cách xứng đáng (DMAH 3, tr.237).
Thăm nuôi các thừa sai bị giam tù: Ngần nào có thể, giáo dân bảo nhau đi thăm nom và tiếp tế cơm nước, quần áo, và thuốc men cho các các tù nhân đức tin, dù là thừa sai, linh mục bản xứ, thày giảng hay giáo dân. Có nhiều trường hợp rất cảm động, nhưng có lẽ điển hình hơn cả là trường hợp bà Nghiên: Bà đã ngoại giao xin quan cai tù cho phép bà vào nhà tù đem đồ ăn cho cha Vénard Ven, đem Mình Thánh cho cha kẹp trong lá trầu tươi, dẫn cha Thịnh vào giải tội cho ngài… (DMAH 3, tr.248).
Tham dự buổi xử án. Giáo dân coi đây như đến tiễn các thánh về trời. Thường họ bảo nhau ra pháp trường sốt sáng cầu nguyện, đồng thời khóc than và tỏ lòng thương mến vị chủ chăn can tràng, hy sinh và thánh thiện. Sau đây xin trích dẫn một trường hợp: ‘Bản án của thừa sai Louis Bonnard Hương được gửi về triều đình ngày 5.4, thì cuối tháng, bản phê ‘y án’ về tới tỉnh. Đang đêm, một giáo dân biết được tin đích xác, đã thông báo cho các giáo dân khác. Mọi người nghi buổi hành quyết sẽ xảy ra vào buổi chiều nên giáo dân khắp nơi đổ tuốn về thành. Từ trưa, các đường phố và cửa dẫn ra pháp trường đã đông nghẹt người. Thấy vậy, các quan muốn tránh né đám đông dân, nên hoãn lại ngày hành quyết vào hôm sau, 1.5, ngày đầu tháng Đức Mẹ. Nhưng ngày hôm dó, giáo dân từ xa cũng đến kịp. Sáng sớm họ đã kéo ra cánh đồng quen xử các tội nhân. Nhưng họ ngạc nhiên khi thấy 500 lính với gươm giáo sẵn sàng đi theo hướng ngược lại. Lính phải vất vả lắm mới có thể duy trì trật tự để đến nơi gọi là Đan Thủy cạnh sông, cách thành một rặm rưỡi. Cha Bonard vẫn giữ nét mặt tươi tỉnh tiến đến nơi hành hình. Tới nơi, lý hình trói tay về đàng sau và buộc vào một cột thật chặt đến rướm máu. Lúc ấy các quan không mang đủ dụng cụ để tháo gông và chặt xích, nên mọi người phải đợi hơn một tiếng đồng hồ để đi lấy. Trong khi ấy vị anh hùng tử đạo vẫn qùi gối đọc kinh sốt sáng như một cột trụ đứng vững. Sau cùng, khi đã tháo gông và chặt xích, vị quan giám sát đến tận nơi túm tóc buộc ngược lên để giơ cổ ra cho lý hình chém. Quan giám sát trở lại chỗ cũ trên mình voi ra lệnh đánh chiêng. Tiếng chiêng vừa nghênh đến tiếng thứ ba thì đầu vị anh hùng đã rơi xuống đất. Máu phun ướt đẫm áo… Quan giám sát ra lệnh cho lính giải tán dân chúng… (DMAH 3 tr.78).
Thấm máu các vị tử đạo để tỏ lòng qúy mến: Theo bài viết của linh mục Vũ Thành, khi đức giám mục Inhaxio Delgado Y dòng thánh Đa Minh vừa bị chém đầu, thì hàng trăm giáo dân và cả người lương ùa vào, tranh nhau rờ thân xác không đầu của ngài. Dù các quan đã cố gắng ngăn cản, họ cũng mặc kệ, tranh nhau lấy di tích của ngài. Người này lấy vải hoặc giấy thấm máu đào của ngài, người kia lấy cỏ hoặc đất mà máu ngài đã chảy xuống, người khác chia nhau quần áo, chiếu qùi hoặc gỗ cũi hay gông ngài đã mang… Tất cả mọi cử chỉ cảm động này bày tỏ lòng người ta quí mến thánh giám mục tử đạo (DMAH 2, tr. 161). Trường hợp hy hữu của thánh tử đạo thừa sai Augustin Schoeffler: Ngài bị chém đầu tại Sơn Tây, chỉ có người lương tò mò đến xem buổi hành quyết, người công giáo ở xa và thưa thớt, không hay tin kịp thôi. Thế nhưng khi đầu ngài vừa bị tung lên lần thứ ba, các lương dân đã ùa vào thấm máu, khác với thói quen là chạy trốn khi một tử tù bị chém. Dân chúng tin rằng đây không phải là một tên tội phạm, nhưng là một vị anh hùng xuất chúng, một thánh nhân đáng tôn kính, mang lại hạnh phúc cho người khác. Họ cũng chia nhau các di tích gông, cùm xiềng, xích của ngài. Đặc biệt, một viên sĩ quan mang tấm áo lụa mới thấm máu vị anh hùng đã bị quan giám sát đánh mười roi tới chết (DMAH. 3, tr.68-69). Trường hợp của đức cha Giuse Diaz Sanjurjo An cũng khá đặc biệt: Các quan tìm mọi cách cản không cho dân chúng thấm máu vị tử đạo. Họ truyền cuộn bỏ xuống sông cả chiếc chiếu đã thấm máu. Họ phạt tù hai quân nhân đã lấy vải thấm máu vị tử đạo (DMAH 3, tr.171). Thêm một trường hợp đáng chú ý nữa, là khi cha Louis Bonard vừa bị chém đầu, dân chúng công giáo lẫn ngoại giáo ùa vào thấm máu vị tử đạo, các quan ra lệnh cho lính đánh đuổi dân chúng. Rồi chính quân lính độc quyền lấy quần áo, gông cùm và ba móc sắt đã chia phần bán lại cho dân chúng… (DMAH 3, tr.79).
Vì quý mến, giáo dân lo an táng xứng dáng: “nghĩa tử là nghĩa tận”, “sống dâng cơm áo, chết tặng mộ phần”. Đây không chỉ là bày tỏ lòng qúy mến và biết ơn theo đức hiếu thảo, nhưng còn là hành động của niềm tin vào “linh hồn bất tử” và “ơn sống lại” với Đức Kitô. Người giáo dân tìm mọi cách khả dĩ an táng thân xác của các vị tử đạo cách xứng đáng. Sau đây là ba trường hợp đặc biệt:
+ Thừa sai Jean Baptiste Cornay Tân (1837): Ngài bị án “lăng trì”, nghĩa là sau khi bị chặt đầu, thân xác còn bị chặt ra từng miếng, mỗi miếng vất ra một phía xa xa… Xong việc, các quan ra về, một y sĩ công giáo, hai giáo dân và một nữ tu Mến Thánh Giá lượm nhặt các phần thân thể gói vào khăn và chôn tại chỗ với ý để ban đêm sẽ đánh cắp. Đầu cha Cornay, sau khi bêu ba ngày, thì ông bếp Đào chuộc đem về và chôn trong nhà thờ Chiêu Ứng. Bảy tháng sau, 3.7.1838, giáo dân xứ Bạch Lộc mới xin đưa toàn bộ về an táng tại Chiêu Ứng, trong gian nhà kho của nhà dòng. Từ đó giáo dân đến viếng gọi là nhà mồ. (DMAH 2, tr.97).
+ Thừa sai Louis Bonard Hương (1852): Theo sự thường phải chôn xác tử tội ngay tại chỗ hành hình. Vì thế, giáo dân đã sẵn sàng quan tài và để liệm. Nhưng quan giám sát không muốn cho giáo dân có di tích gì của tử tù, nên truyền cho một đội quân đem xác và đất thấm máu xuống một chiếc thuyền lớn và một chiếc thuyền khác chở quan tài đi xuôi theo dòng sông để tìm chỗ vứt xác. Họ mang theo lương thực đủ ăn ba ngày. Giáo dân cũng được lệnh chèo thuyền theo sát. Đến buổi chiều, một số thuyền đánh cá khác chèo thuyền ra phía biển. Vào khoảng 8 giờ, thuyền của quan và lính dẫn đến địa phận Tam Tòa đã bỏ xác xuống sông rồi quay thuyền trở về. Ngay lúc đó giáo dân nhận diện vị trí và một lát sau, các thuyền đánh cá tụ họp thay phiên nhau lặn xuống để tìm xác. Chờ một lát sau, một thanh niên đã giơ tay lên reo mừng: “Tôi đã tìm thấy”. Nhiều nguời túm lại, lặn xuống để tháo túi đá quan buộc vào xác và đưa xác lên. Vào khoảng một giờ đêm, giáo dân đem xác cha Bornard về tới Vĩnh Trị. Sau khi tắm rửa và mặc áo đủ lễ bộ, xác cha Bononard được đặt trong quan tài bằng gỗ qúy. Linh cữu để trong nhà thờ cho giáo dân kính viếng, và chiều hôm sau, đức cha Retord và ba linh mục khác dâng lễ an táng với đông chủng sinh và giáo dân tham dự. Xác cha Bonard được an táng trong lòng viện Kẻ Vĩnh (DMAH 3, tr.79).
+ Xác hai giám mục Girolamo Hermosilla Vọng, Valentino Berrio-Ochoa Vinh và cha Phêrô Almato Bình (1861): Sau khi chém đầu ba Đấng, giáo dân ùa vào thấm máu và xin xác đem di chôn. Còn ba cái đầu của ba Đấng thì quan giám sát truyền bêu lên ngay bến đò Hàn, có đội lính canh giữ trong ba ngày. Sau đó, ông chánh tổng Oánh coi làng Yên Việt vốn có cảm tình với người công giáo, đã báo cho ông trùm Can biết “nếu muốn chuộc ba đầu thì ông lo liệu cho”. Ông trùm Can cùng với chánh tổng lên tỉnh lo liệu. Đến nơi, hai ông đã thấy có thầy già Thần cùng với chánh tổng sở tại, thì mời tất cả vào nhà chánh tổng làm cơm rượu thiết đãi. Lúc ấy, lính cũng mang ba đầu vào nhà vì sợ để ở ngoài người ta lấy mất. Trong khi các quan chức và quân lính ăn uống, thì giáo dân đã lấy trộm ba đầu của các Đấng và thay vào đó bằng ba củ chuối. Khi trời tối, lính mang sọt đựng ba củ chuối mà cứ tưởng là ba cái đầu tử tội, đem vứt xuống sông theo lệnh truyền. Còn ba đầu của ba Đấng, thì chính tổng Oánh cởi áo mình bọc lấy rồi xuống thuyền trở về. Trời tối mà bỗng dưng ánh sáng tỏa ra từ ba cái đầu của các Đấng soi đường cho thuyền đi. Nếu khi có thuyền khác tới thì ánh sáng lại tắt đi. Cứ thế cho tới khi về tới Yên Dật. Đầu các Đấng được bỏ vào ba nồi đất mới và chôn trong nhà thờ thánh Gioan ở Yên Dật… Vào đêm 30 tết Tân Dậu, giáo dân định chèo thuyền tới cửa Hàn để ăn cắp xác ba Đấng đem về lo an táng. Nhưng vừa tới nơi, lại gặp thuyền của ông tổng Triệt đi tuần. Ông tổng Triệt đòi trả đủ 300 quan tiền mới cho đào xác ba Đấng đem về. Đào lên thấy xác còn tươi tốt, mọi người vui mừng. Giáo dân đem xác về an táng ở Thọ Ninh. Mãi tới năm 1881, khi được an bình, đức cha Alcazar mới đem đầu ba Đấng từ Yên Dật về Thọ Ninh, đặt vào với xác mỗi Đấng và an táng tươm tất trong nhà thờ Thọ Ninh. Ba nồi đất được trao tặng cho nhà dòng Mến Thánh Giá Kẻ Mốt. (DMAH 3,tr.290-291).
Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin mượn lời của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quả quyết, trong giảng lễ phong thánh cho 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, 19.6.1988, như sau: “Ra trước quan quyền tra khảo về Đức Tin, các vị Tử Đạo đã quả quyết mình được tự do tín ngưỡng và Đạo Trời là đạo duy nhất. Nếu mình từ bỏ là bất tuân lệnh Thượng Đế, tức là Thiên Chúa. Đồng thời, các Ngài đã can đảm nói lên ý chí tôn trọng quyến bính trong nước, nhưng không vì thế mà làm điều bất chính. Các ngài đã dạy phải tôn kính tổ tiên theo truyền thống dân tộc, và dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục Sinh. Do đó, với sự dấn thân và hành động chứng nhân của các vị Tử Đạo, Giáo Hội Việt Nam hiên ngang nói lên quyết tâm là tha thiết của mình, không chối bỏ truyền thống văn hóa và thể chế quốc gia. Trái lại, Giáo Hội tuyên xưng và chứng minh nhập cuộc trong truyền thống và văn hóa dân tộc là vì có ý góp phần vào việc xây dựng quốc gia một cách trung thực hơn… ” (15)
————-
1.LM. R. Nguyễn Tự Do, CSSR, “Hành Hương Công Giáo Việt Nam”, Hà Nội, 2009, tr. 40-43.
2. LM. R. Nguyễn Tự Do, CSSR, sđd, tr. 44-50.
3. LM. R. Nguyễn Tự Do, CSSR, sđd, tr. 50-55
4. Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, c. 1, tr. 247
5. Phan Phát Huồn sdd, c. 2, tr. 472
6. LM Nguyễn Tự Do, CSSR, sđd, tr. 64.
7. Nguyễn Tự Do, CSSR, sđd, tr.71-76.
8. Nguyễn Tự Do, CSSR, sđd, tr.90.
9. Trần Đức Huynh, “Lịch Sử Giáo Phận Bùi Chu”, USA. Năm 1990., tr. 55.
10. Theo bản thống kê của Hội Thừa Sai phổ biến 1996 (Prêtres des Missions Etrangères au Viet Nam) đếm được 991 linh mục thừa sai của hội qua Việt Nam truyền giáo. Người đầu tiên là Đức Cha Lambert de la Motte đến Việt Nam ngày 15.6.1559, Đức Cha François Pallu đến 29.10.1659; và vị cuối là linh mục Joseph Gourdon đến Việt Nam 4.1.1975.
11. Thời cấm đạo, các thừa sai khi tới Việt Nam đã can đảm thích ứng vào đời sống dân chúng: ăn, uống, vận đồ, học tiếng, chịu đựng khí hậu… và nhất là sống lén lút, trốn tránh… rất cực khổ… Đồng thời đã thắng vượt những khó khăn về tiếng nói ngôn ngữ, có những vị thừa sai đã đưa sáng kiến đổi mới văn hóa, như “sáng chế” chữ quốc ngữ của cha Alexandre de Rhodes… Một trường hợp điển hình gây ra nhiều hiểu lầm là câu chuyện “con muốn vào trong lòng Hoa Lan chăng?” (Trịnh Việt Yên, sđd tr.11-113).
12. Trịnh Việt Yên, “Máu Tử Đạo trên Đất Việt”, in lại tại USA, 1987, tr.125. Một cách tương tự, Tòa Thánh nhiều lần đã nhắc nhủ các thừa sai ’Hãy chú chăm lo việc rao giảng Tin Mừng, đặt vinh quang của Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn lên trên hết và tuyệt đối không pha mình vào những hoạt động chính trị… như trong thông điệp ‘Maximum illud’ (Điều ấy quan trọng nhất) của đức giáo hoàng Benedicto XV, sau đại chiến 1914-1918. – Rồi trong thông điệp “Ab ipsis Pontificatus Primordius” (Đây là một trong những điều ưu tiên mà Đức Giáo Hoàng nhắn nhủ), của đức giáo hoàng Piô XI, năm 1926 (xem Trịnh Việt Yên, sđd, tr. 126).
13. Vũ Thành, “Dòng Máu Anh Hùng”, cuốn 1,2,3, Hoa Kỳ, 1987, trong chương sách này, chúng tôi trưng dẫn nhiều và viết tắt (DMAH 1,2,3 tr…) Chúng tôi trích dẫn hoặc viết theo bộ sách của Vũ Thành, bởi vì đọc các chú giải hoặc thư mục ở phần cuối mỗi cuốn, chúng tôi yên tâm về nguồn sử liệu liên quan đến Giáo Hội Việt Nam và truyện tích các Thánh Tử Đạo ở Việt Nam mà tác giả đã dày công nghiên cứu và xử dụng.
14. “Thiên Hùng Sử”, Hoa Kỳ, Đoàn Trung Hiệu, 1990, tr.229-234
15. Kỷ Yếu Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam, 1989, tr.95.
Thánh Giuse Tuân Linh Mục dòng Đa Minh (+1861)