Tác giả: Tiến sĩ Mary Ann Glendon
Chuyển ngữ: Lm. Gregorio Văn Ngọc Anh
LTS: Bà Mary Ann Glendon, giáo sư luật khoa của Đại học Havard, đồng thời là chủ tịch Viện Hàn lâm Giáo hoàng về các Ngành Khoa học Xã hội. Trong diễn đàn Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 8 của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Giáo Dân, được tổ chức gần Rôma vào đầu tháng 4 vừa qua. Trong dịp này, Bà Ann Glendon đã có bài diễn văn với các tham dự viên của diễn đàn.
***
Vì hầu hết các bạn là những sinh viên, tôi chắc các bạn đã có kinh nghiệm như thế nào khi được chỉ định để viết về một lãnh vực mà các bạn không phải là một chuyên viên. Vì thế, tôi nghĩ rằng các bạn có thể hình dung ra phản ứng của tôi khi Hội đồng đặc trách Giáo dân yêu cầu tôi nói chuyện với các bạn về đề tài: “Các Sinh viên Đại học Ngày nay: Bức chân dung của một Thế hệ mới”. Quả là tôi lấy làm vinh dự, nhưng hơi lo lắng.
I. NHỮNG GÌ CÁC NHÀ KHOA HỌC XÃ HỘI NÓI
Tôi đã bắt đầu phận vụ của mình theo cách thức có lẽ như các bạn đã làm. Tôi đến thư viện tìm kiếm những gì các nhà khoa học xã hội nói cho chúng ta. Ở đó tôi đã gặp được một tài liệu đồ sộ về những nam nữ thanh niên sinh ra sau 1979, là những người đã nên người thành niên trong thế kỷ mới này, và do đó, đôi khi người ta gọi họ là những Người của Thiên niên kỷ. Thật vậy, không một thế hệ nào đã được nghiên cứu nhiểu hơn đội quân này mà thỉnh thoảng cũng được mệnh danh là Thế hệ Y.
Các số liệu của khoa xã hội học cho chúng tôi thấy các bạn được may mắn về nhiều phương diện. Chúng tôi được bảo cho biết các bạn là thế hệ được giáo dục tốt nhất xưa nay. Ngày càng có nhiều bạn trẻ xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau đang ngồi ở ghế đại học hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây (mặc dù vẫn còn những khoảng cách rộng lớn giữa những nước thịnh vượng với những nước đang phát triển, giữa người giàu và người nghèo bên trong những nước thịnh vượng hơn). Đặc biệt nữ giới chưa bao giờ có nhiều cơ hội hơn ngày nay để phát triển trọn vẹn tiềm năng nhân bản của mình.
Một hoàn cảnh khác đã ghi một dấu ấn quyết định trên lứa tuổi của các bạn, đó là các bạn và chiếc máy vi tính cá nhân đã cùng lớn lên bên nhau. Những chiếc máy tính đầu tiên cho các gia đình, văn phòng và trường học đã được hãng IBM giới thiệu vào thập niên 1980, và các bạn sử dụng chúng thành thạo trong khi không mấy người lớn tuổi hơn các bạn có được như vậy. Một may mắn khác mà nhiều người trong các bạn đang hưởng, đó là – nhờ tuổi thọ được cải thiện – không một thế hệ nào đã từng có cơ hội để biết đến ông bà nội ngoại của họ trong một thời gian lâu dài như thế.
Tuy nhiên, trong một số phương diện khác, Thế hệ Y lại phải gánh lấy những gánh nặng bất thường. Có lẽ không gì ảnh hưởng đến niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của thế hệ các bạn sâu xa hơn là cuộc cách mạng xã hội đã xảy ra giữa thập niên 1960 (khi hầu hết cha mẹ các bạn đang ở tuổi các bạn bây giờ) và vào thập niên 1980 khi đa số các bạn đã sinh ra. Khởi sự vào thập niên 1960, tỉ lệ sinh đẻ và hôn nhân giảm xuống nhanh ở các nước thịnh vượng Bắc Mỹ, Âu Châu, Nhật Bản và Úc Châu. Đồng thời, tỉ lệ ly dị đột ngột tăng cao, cùng với tỉ lệ sinh con ngoài hôn nhân, và lối chung sống không cưới hỏi.
Quy mô và tốc độ của những hiện tượng trên chưa từng thấy trước đây- với những số lượng tăng lên hoặc giảm xuống hơn 50% trong vòng chưa đầy 20 năm. Khi những tỉ lệ này cuối cùng ổn định ở những mức độ mới và cao, gần cuối thập niên 1980, chúng tôi nhận thấy mình ở trong một cảnh quan xã hội đã hoàn toàn biến đổi. Những quan niệm truyền thống vốn đã chế ngự thái độ dục tính của con người trong hàng ngàn năm qua đã không những bị coi thường khắp nơi mà còn bị bác bỏ công khai.
Nhìn lại quá khứ đó, chúng ta có thể thấy rằng những thay đổi trong lối sống và những quan niệm đã diễn ra trong những năm đó, rốt cuộc không gì hơn là một cuộc thử nghiệm quy mô trên bình diện xã hội. Mặc dù lúc đó, có một ít người nhận ra điều ấy, nhưng trẻ em đã phải trả giá đắt cho cuộc thử nghiệm này. Giờ đây chúng ta nhận thức được điều hiển nhiên ở mọi thời, rằng khi lối sống của người lớn thay đổi, thì môi trường trong đó trẻ em lớn lên cũng bị thay đổi.
Khi dành quyền ưu tiên cho người lớn để tìm kiếm thỏa mãn cá nhân mình, xã hội đã làm thay đổi toàn thể kinh nghiệm của tuổi ấu thơ: Hơn bao giờ hết, ngày càng có nhiều trẻ em lớn lên trong những gia đình không có người cha. Ngày càng có nhiều trẻ em bị bỏ rơi, không được cha mẹ chăm sóc trong lứa tuổi còn ấu thơ. Một vài suy nghĩ này muốn nhắm đến những gì mà những thay đổi đó có tầm quan trọng đối trẻ em, hoặc đối với tương lai của các xã hội bị ảnh hưởng nhất.
Một số người trong các bạn có thể đã nghe những suy tư về chủ đề này của Cha Tony Anatrella, một nhà phân tâm học, trình bày tại cuộc họp này năm trước. Theo ngài, kinh nghiệm về cuộc sống thay đổi của thời thơ ấu đã có một tác động nguy hại trên khả năng tin tưởng người khác của nhiều bạn trẻ, và ngay cả trên khả năng hy vọng vào tương lai của họ. Ngài khá nghiêm khắc khi phê bình thế hệ đã trưởng thành vào thập niên 1960. Ngài quả quyết rằng trong khi họ, giống như tất cả các bậc cha mẹ, muốn cho con cái mình hạnh phúc, nhưng nhiều người đã bỏ qua không dạy cho con cái họ “những nguyên tắc nền tảng của cuộc sống xã hội, những phong tục tập quán là những kho tàng của con người, và đời sống Kitô giáo đã và đang là khuôn mẫu của các nền văn minh khác nhau”.
Câu chuyện ở thế giới đang phát triển thì lại khác biệt, thế nhưng những thay đổi trong đời sống gia đình ở đó cũng nhanh chóng và sâu xa. Kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, và toàn cầu hóa đã mau lẹ phá bỏ những phong tục tập quán cổ truyền và những khuôn mẫu của cơ chế gia đình. Tại nhiều quốc gia, tiến trình kỷ nghệ hóa mà đã kéo dài trên một thế kỷ ở phương Tây, lại hoàn tất chỉ hơn một thập niên mà thôi. Trong một vài nơi khác của thế giới, trẻ em đã bị cướp đi cả thời thơ ấu và cha mẹ của chúng bởi những cuộc tàn phá của AIDS – hoặc bởi cuộc xung đột bạo động về chính trị và sắc tộc.
Đó là một loạt thông tin tôi đã có được khi đi tìm xem những gì các nhà xã hội học cho chúng ta biết về Thế hệ Y. Nhưng với tư cách là giáo sư đại học, là một người mẹ và là một bà nội, tôi cảm thấy rằng còn thiếu một điều gì đó. Tôi muốn biết hơn nữa về những gì mà chính giới trẻ đạt được trong hoàn cảnh của họ, khi họ chuẩn bị đảm nhận những chỗ đứng trách nhiệm trong một thời đại đầy nhiễu loạn, gây nên bởi toàn cầu hóa, xung đột và bởi sự phá đổ đời sống gia đình ở khắp nơi. Và tôi cũng muốn biết hơn nữa về những sinh viên Công Giáo, cách riêng, họ khám phá ra chính mình như thế nào.
II. MỘT VÀI TIẾNG NÓI CỦA CÁC BẠN TRẺ CÔNG GIÁO
Bởi vậy, cố gắng để có được một nhận thức về những niềm hy vọng và những nỗi sợ hãi riêng của các bạn đối với tương lai, tôi đã nhờ một số đồng nghiệp và bạn bè là những người tiếp xúc với các bạn trẻ Công Giáo ở đại học và ở những tổ chức giới trẻ để giúp tôi chuyền tay một bản câu hỏi nhỏ. Đây là hai trong số câu hỏi tôi yêu cầu: – Những phát triển xã hội nào bạn hy vọng nhất trong cả cuộc đời của bạn, và bạn sợ điều gì nhất? – Những phát triển nào bạn hy vọng nhất trong đời sống cá nhân bạn, và bạn sợ điều gì nhất?
Điều gây ấn tượng nhất về các câu trả lời tôi đã nhận từ các sinh viên Công Giáo trên khắp thế giới, đó là sự giống nhau trong cung cách mà những bạn trẻ nam nữ này đã tỏ bày niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của cá nhân họ.
Từ Philippines cho đến Kenya, từ Âu châu cho đến Bắc và Nam Mỹ, các sinh viên chủ yếu nói về niềm hy vọng cho ba điều: hy vọng tìm được đúng người để kết hôn và lập nên một gia đình; hy vọng tìm được việc làm thỏa mãn cũng như đồng lương cân xứng; và hy vọng có thể giúp mang lại những thay đổi tích cực trong xã hội, là điều mà nhiều bạn diễn tả như là xây dựng nền văn minh tình thương. Những nỗi lo âu chính của họ liên quan đến khả năng thực hiện những niềm hy vọng này.
Bởi vậy, một bạn trẻ người Tây Ban Nha đã viết: “Tôi ước mong lập gia đình và nhìn thấy các con cái sinh ra, tôi hy vọng tìm được một công việc khả dĩ giúp tôi hội nhập vào xã hội tốt hơn. Điều tôi sợ hãi cũng là những điều đó, bởi vì đây là những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời tôi, và tôi sợ chọn lầm đường”. Cũng những dòng tương tự, một bạn sinh viên người Đức viết: “Tôi mong ước một cuộc sống gia đình tuyệt vời, và một loại công việc khả dĩ làm cho tôi đền đáp những điều Thiên Chúa đã ban cho tôi, nhưng tôi sợ không tìm được đúng người để chia sẻ quãng đời còn lại của tôi”.
Chị Anna Halpine, một nhà hoạt động Công Giáo nổi tiếng, người đã thành lập Liên Minh Giới Trẻ Thế Giới cách đây năm năm khi chị hãy còn ở độ tuổi 20, chị đã tổng kết phản ứng của các đồng nghiệp của chị về những câu hỏi của tôi như sau: “Kinh nghiệm của chúng tôi là tất cả các bạn trẻ đều đang đi tìm kiếm ý nghĩa và mục đích cho cuộc đời của họ. Một khi điều này đã được ổn định, một khi họ nhận ra phẩm giá cao quý mà họ đang có, họ mới sẵn sàng mang lại điều đó cho người khác. Trước khi viên đá góc này được đặt xuống, họ không thể cho thế giới này bất kỳ một lời đề nghị nào, và bất kỳ lý do căn bản nào cho cuộc hiện sinh của riêng họ”.
Năm ngoái, người phụ trách chi nhánh Âu châu của Liên Minh Giới Trẻ Thế Giới, bà Gudrun Lang, đã đọc một bài diễn văn tại Nghị viện Âu châu, ở đó bà đã mô tả những người đương thời với bà bằng những lời sau đây: “Chính thế hệ của tôi là thế hệ đầu tiên kinh nghiệm đâu là ý nghĩa để sống trong một đại lục có ít nhiều “phi tiêu chuẩn”. Chính chúng tôi là những người chứng kiến một xã hội của những gia đình đổ vỡ – Quý vị ý thức được những gì mà điều đó kéo theo cho cá nhân, cho các đôi vợ chồng, con cái và tất cả mọi người chung quanh họ. Chính chúng tôi là những người chứng kiến một xã hội vụ lợi bằng mọi giá: giết con cái mình ngay khi chúng còn chưa sinh ra; giết những người thân thuộc già cả bởi vì chúng ta không muốn cho họ sự chăm sóc, thời giờ và tình bạn hữu mà họ cần”.
Rồi bà cho biết: “Nhiều bạn trẻ đang làm việc với tôi đã từng kinh nghiệm về việc không tôn trọng này đối với phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi một thành viên của gia đình nhân loại. Những gia đình của chúng tôi nay đổ vỡ, những người thân thuộc của chúng tôi đang cô đơn, và nhiều người không thấy được ý nghĩa của cuộc sống”. Nhưng đồng thời, bà cũng lưu ý đến việc phải khẩn cấp quyết định để thay đổi những hoàn cảnh nên tốt hơn. Thế hệ của bà, bà nói: “Đã có kinh nghiệm về những ý thức hệ của nửa sau của thế kỷ đã qua khi nó được chuyển thành luật – và chúng tôi chẳng hạnh phúc gì với chúng”.
III. CUỘC TÌM KIẾM Ý NGHĨA TẠI ĐẠI HỌC THỜI HẬU HIỆN ĐẠI
Dường như đối với tôi, điều nổi lên từ những dữ kiện và ấn tượng này là bức chân dung của một thế hệ đang đi tìm – một thế hệ những người nam nữ trẻ muốn cho chính họ và cho con cái tương lai của họ cái gì tốt đẹp hơn là những gì họ đã được kế thừa; một thế hệ đang thám hiểm vùng đất chưa có tên trên bản đồ và có ít hướng dẫn từ những thế hệ đàn anh. Đối với nhiều thành viên của Thế hệ Y, rất có thể xảy ra là cuộc tìm kiếm ý nghĩa trở nên cấp bách khi họ bước vào đại học, nơi theo truyền thống được cống hiến cho công cuộc tìm kiếm không giới hạn kiến thức và chân lý.
Người ta có thể nghĩ rằng có chỗ nào tốt hơn đại học để họ theo đuổi công cuộc tìm kiếm ý nghĩa (cuộc đời). Có nơi nào tốt hơn để học biết cách đánh giá và đưa ra những phán đoán. Có nơi nào tốt hơn để có được kỹ năng phân biệt giữa điều quan trọng và điều tầm thường. Có nơi nào tốt hơn để học biết nhận ra điều tác hại ngay cả khi có vẻ hấp dẫn, và biết phân biệt được điều gì là thật, ngay cả khi bảo vệ nó có thể bạn phải trả giá bằng các bạn hữu hoặc điều quý trọng của thế gian này.
Nhưng nếu những điều đó là những hy vọng của bạn, bạn có thể thất vọng tại nhiều trường đại học ngày nay. Bởi vì chính những đại học dường như đang đánh mất nhận thức về mục đích và ý nghĩa của chúng. Như lời một phụ nữ trẻ ở Mỹ đã trả lời bản thăm dò của tôi như sau: “Nếu tôi có thể tóm tắt những gì đã được gieo trồng trong tâm trí của thế hệ tôi bằng một từ, từ đó có lẽ là “khoan dung” (tolerance). Trong khi điều này đưa đến kết quả nơi chúng tôi là trở thành những con người khá là dễ tính, nhưng theo tôi, nó cũng tạo ra một thế hệ có ít quan niệm về luân lý hay sự thật khách quan. Chúng tôi được trang bị rất ít những hướng dẫn để phán đoán đúng sai”.
Một phụ nữ trẻ khác đang dạy học ở Kenya đã viết rằng, các sinh viên đại học ở đó “cần những con người mẫu mực và một điều gì để tin tưởng và họ mong mỏi tìm kiếm. Có sự xung khắc trường kỳ giữa cách giáo dục của cha mẹ họ và những gì xã hội đang cống hiến cho họ”. Tiếc thay, đại học thời hậu hiện đại dường như đang đánh mất ngay cả niềm quý trọng mà nó tự phụ về lòng khoan dung đối với những quan điểm khác nhau – ít ra là trong những vấn đề liên quan đến những quan điểm luân lý có nền tảng tôn giáo, và nhất là nếu những quan điểm này thuộc Kitô giáo.
Bởi vậy, chúng ta nhận ra mình ở trong một hoàn cảnh xa lạ, nơi mà quá nhiều những người nam và nữ được giáo dục ở mức cao nhất xưa nay lại có được sự đào tạo tôn giáo vẫn giữ ở mức khá sơ đẳng. Các bạn có để ý là có bao nhiêu người Công Giáo có học thức cao dường như đang trải qua cuộc đời với khả năng hiểu biết đức tin của mình ở mức độ vỡ lòng không? Chẳng hạn, có bao nhiêu người trong các bạn đã dành nhiều thời giờ để đào sâu kiến thức đức tin của mình như các bạn đã dùng để học sử dụng máy vi tính!
Tôi phải thừa nhận rằng, khi đọc các thư của Đức Thánh Cha gửi giáo dân, tôi nhận thấy ngài luôn mời gọi chúng ta có bổn phận không sợ “chèo ra chỗ nước sâu”. Tôi không thể không nghĩ rằng, nên có một chú thích với nghĩa thế này: “Đừng sợ” không có nghĩa là “Đừng chuẩn bị”. Khi Đức Giêsu noi với các tông đồ ra chỗ nước sâu, chắc chắn, Người đã không mong đợi các ông ra khơi trong những chiếc thuyền thủng lỗ. Khi bảo các ông thả lưới xuống biển, Người đã không mong đợi những chiếc lưới đó có đầy những chỗ đã bị rách!
Điều này đưa đến điểm quan trọng nhất mà tôi muốn trình bày hôm nay: Tôi xin gợi ý với các bạn rằng, việc đào tạo sơ sài (về đức tin) tỏ ra một mối nguy hiểm đặc biệt trong một xã hội đầy những “cạm bẫy” và “hỗn loạn” như xã hội chúng ta đang sống; nơi mà việc giáo dục trong những lãnh vực khác (ngoài đức tin) tiến bộ biết bao. Trong xã hội đương đại, nếu việc đào tạo tôn giáo không ngang tầm với trình độ chung của nền giáo dục xã hội, chúng ta sẽ phải lúng túng khi phải “tự bảo vệ đức tin của chúng ta” – thậm chí ngay cả chính bản thân mình. Chúng ta sẽ cảm thấy bất lực khi đương đầu với “chủ nghĩa thế tục bài trừ tôn giáo”, “chủ nghĩa duy vật”, “chủ nghĩa tương đối hóa” đang tràn lan khắp nền văn hóa của chúng ta và trong các đại học; và còn cả mối nguy đang ngày càng lớn mạnh dần mà chúng ta đang phải đối diện, tôi muốn nói đến “chủ nghĩa khủng bố mang mặt nạ tôn giáo”. Chúng ta sẽ thẹn thùng câm lặng khi niềm tin của mình bị tấn công cách bất công hay phải lên tiếng.
Khi điều đó xảy ra, nhiều bạn trẻ Công Giáo lạc xa đức tin. Vô số các bạn trẻ nam nữ ngày nay đã trải qua một kinh nghiệm trong trường đại học, có thể sánh với kinh nghiệm đã khiến cho lý thuyết gia xã hội vĩ đại Alexis de Tocqueville đánh mất đức tin của mình cách đây 200 năm ở đỉnh cao của thời đại Ánh sáng (Thế kỷ XVIII, triết học chủ trương nhấn mạnh vai trò của lý trí và chủ nghĩa cá nhân hơn là truyền thống, chú thích của dịch giả). Suốt thời niên thiếu, ông Tocqueville được một linh mục già đạo đức làm gia sư, còn ngài thì được đào tạo trong một thời đại còn đơn giản hơn. Rồi năm lên 16 tuổi, ông Tocqueville tình cờ đọc những tác phẩm của Descartes, Rousseau và Voltaire. Sau đây là những gì ông đã tả lại cuộc hội ngộ này trong một lá thư gửi cho một người bạn nhiều năm sau đó:
“Tôi không biết tôi đã từng nói với bạn chưa về một biến cố đã xảy ra trong thời thanh niên của tôi mà đã ghi một dấu ấn sâu xa trên phần còn lại của cuộc đời tôi; làm cách nào mà tôi đã thành miếng mồi ngon cho lòng ham hiểu biết vô độ mà sự thỏa mãn duy nhất hữu hiệu cho nó là một thư viện sách khổng lồ…. Cho đến lúc đó, cuộc sống của tôi trôi qua trong sự bao bọc của đức tin, mà đức tin chẳng bao giờ cho phép tiếp nhận mà còn nghi ngờ…. Và rồi nỗi hoài nghi… đã bị tổn thương dẫn đến hậu quả trước hết là một phản ứng mãnh liệt không thể tin nổi… Bất thình lình tôi kinh nghiệm được cái cảm giác mà người ta nói về những người đã trải qua một cuộc động đất khi nền nhà rung chuyển dưới chân họ, cũng vậy những bức tường chung quanh họ, trần nhà trên đầu họ, đồ đạc dưới tay họ, tất cả thiên nhiên trước đôi mắt họ. Tôi đã bị nỗi sầu muộn đầy tuyệt vọng chộp lấy và rồi tiếp đến là nỗi căm ghét tột độ cuộc sống, dù tôi chẳng biết điều gì của cuộc sống. Và tôi hầu như đã bị nỗi bất an và sợ hãi khuất phục khi nhìn thấy hành trình để lại cho tôi phải đi trong thế giới này”.
Điều đã lôi kéo ông ra khỏi tình trạng đó, ông nói với bạn mình, đó là những thú vui trần tục ông đã buông theo một thời gian. Nhưng những lá thư của ông chứng minh cho thấy một nỗi buồn phiền triền miên về việc thiếu khả năng đức tin nơi ông. Có bao nhiêu bạn trẻ Công Giáo đã phải rơi vào những cạm bẫy như thế khi họ phải khó khăn chuyển đổi đức tin thời thơ ấu thành một người Kitô hữu trưởng thành. Ông Tocqueville chí ít cũng tỏ ra lúng túng trước một số đầu óc vĩ đại nhất trong truyền thống Tây phương. Nhưng nhiều người đương thời với chúng ta chẳng được trang bị gì cả để đối phó với những phiên bản ngớ ngẩn nhất của chủ thuyết tương đối và hoài nghi.
Một số bạn nam nữ trẻ, cũng giống như ông Tocqueville, có thể trải qua cuộc sống của mình trong một thứ khao khát đầy sầu muộn. Một số khác có lẽ bắt đầu giữ đời sống tâm linh của mình hoàn toàn riêng tư, trong một ngăn tủ riêng biệt được niêm phong khỏi phần còn lại của cuộc sống họ. Ngoài ra, một số khác bắt chước con tắc kè hoa, (một loại) kỳ nhông nhỏ, thay đổi được màu da để hòa lẫn với môi trường chung quanh. Khi những điều gì trong gia tài Kitô giáo của họ không phù hợp với tinh thần thời đại, con tắc kè hoa ấy tức khắc xóa bỏ chúng ngay.
Tôi tự hỏi, ngày nay, có bao nhiêu trong số những người đi tìm kiếm đã bị lạc lối này đã có thể ngẩng cao đầu như những người Công Giáo không phải hối lỗi? Nếu có lúc nào đó trong cuộc hành trình, họ đã tiếp nhận được truyền thống trí tuệ vĩ đại của Giáo Hội chúng ta và kho tàng phong phú các giáo huấn xã hội của Giáo Hội, mà khởi đi từ Thông điệp Rerum Novarum (năm 1891) của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII; Thông điệp Aquadragesio Anno (năm 1931) của Đức Giáo Hoàng Piô XI; Thông điệp Mater et Magistra (năm 1961) và Pacem in terris (năm 1963) của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII; Thông điệp Populorum Progressio (năm 1966) và Tông thư Octogesima Adveniens (năm 1971) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI; Thông điệp Laborem exercens (năm 1981), Thông điệp Sollicitudo rei socialis (năm 1987), Thông điệp Centesimus Annus (năm 1991) và Thông điệp Evangelium vitae (năm 1997) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; Thông điệp Caritas in veritate (năm 2009) của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI; và mới nhất là Thông điệp Laudato Si’ (năm 2015) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô?
Trong thời đại của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, không có lời bào chữa nào thật sự có giá trị để làm ngơ với di sản trí tuệ nhằm cung cấp cho chúng ta nguồn trợ giúp, hầu đối phó với những thách đố của thời đại tân tiến này. Không một người Công Giáo nào gắng công kín múc từ gia tài này mà lại phải lặng câm trước những cáo buộc vô lý về những xung đột giữa đức tin và lý trí, hay giữa tôn giáo và khoa học.
Trong Tông thư Novo Millennio Ineunte (Khởi đầu Ngàn năm Mới), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gửi một sứ điệp rất phù hợp với chủ đề của hội nghị này về “Việc làm chứng cho Đức Kitô tại Trường Đại học”.
Ngài viết: “Để chứng tá Kitô hữu trở nên hữu hiệu, điều quan trọng là phải có những nỗ lực đặc biệt để giải thích đúng đắn những lý do về chỗ đứng của Giáo Hội, nhấn mạnh rằng đó không phải là một vị thế để áp đặt trên những người không tin một quan điểm đặt nền trên đức tin, nhưng để làm sáng tỏ và bảo vệ những giá trị ăn rễ sâu trong chính bản tính của con người” (số 51).
Có ba hàm ý trong những lời khôn ngoan đó cần được giải thích:
– Trước hết, đối với chúng ta là những người sống trong những xã hội đa nguyên, chúng ta phải có khả năng trình bày những lý do bằng những từ ngữ mà mọi người nam nữ thiện chí có thể hiểu được dễ dàng, cũng như Thánh Phaolô phải trở nên “Do thái với người Do thái, và Hy lạp với người [ngoại giáo] Hy lạp” (x. 1Cr 9,20-23). May mắn thay, chúng ta có những kiểu mẫu tuyệt vời chỉ cách thức thực hiện điều đó trong giáo huấn xã hội Công Giáo, và trong những tác phẩm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
– Thứ đến, chúng ta, những người đang làm việc trong thẩm quyền khôn ngoan của các Tông đồ, cần phải giữ truyền thống trí tuệ của chúng ta, cập nhật với khoa học tự nhiên và nhân bản nhất của thời đại chúng ta, cũng như Thánh Tôma Aquinô đã làm trong thời đại của ngài.
– Và thứ ba là, vì chúng ta sống trong một thời đại Giáo Hội chúng ta không ngừng bị tấn công, chúng ta cần được trang bị để bảo vệ Giáo Hội. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phản ứng lại mỗi một xúc phạm bất kỳ nhỏ mọn thế nào. Nhưng chúng ta cần phải học để có được và để chứng tỏ giá trị đúng đắn của niềm hãnh diện chúng ta là ai.
Chẳng có gì là sai trái khi lấy làm tự hào về truyền thống trí tuệ lỗi lạc của Giáo Hội chúng ta – một truyền thống đã có từ ngàn đời và sáng chói hơn cả chủ nghĩa thế tục nghèo nàn đang làm chết ngạt tư duy tại nhiều trường đại học hàng đầu. Chẳng có gì là sai trái khi lấy làm tự hào về thành tích kỷ lục của Giáo Hội như là tiếng nói của một cơ chế trỗi vượt nhất trên thế giới không tán thành việc cưỡng bách kế hoạch hóa dân số, phá thai, làm cho chết êm dịu, và biện pháp hà khắc chống lại những người di dân và những người nghèo.
Đôi khi và ở trong một nền văn hóa mà Kitô giáo bị tấn công từ nhiều phía, thì những người Công Giáo chịu nhiều thiệt hại nặng nề khi họ không chấp nhận cái huyền thoại cho rằng, lịch sử Kitô giáo nói chung và Công Giáo nói riêng là lịch sử của chế độ cai trị bởi nam giới, có tính thế tục, ngược đãi, hoặc khai trừ người khác hay những tư tưởng (khác).
Là một giáo sư đại học và chính tôi cũng là một phụ huynh, tôi ý thức rõ ràng biết bao khó khăn để “làm chứng nhân cho Đức Kitô tại Đại học”. Bởi vậy, tôi rất vui sướng khi đọc huấn thị của Đức Thánh Cha cho các Giám mục Paris trước về việc thành lập “trường học đức tin” ở cấp đại học. Xét cho cùng, tại sao việc giáo dục tôn giáo phải dừng lại đúng vào lúc đức tin có thể phải đối diện với những thách đố nghiêm trọng nhất – và ngay khi nhiều bạn trẻ nam nữ lần đầu tiên xa nhà?
Theo tôi, dường như Giáo Hội cần phải đi theo con cái nam nữ của mình đến đại học. Giáo Hội cần tìm những phương thế để đồng hành với họ trên cuộc hành trình nguy hiểm đó, để trở nên một Kitô hữu trưởng thành. Có nhiều cách để thực hiện điều này.
Ở nhiều nơi, những tổ chức có đông giáo dân đã hiện diện bên cạnh các sinh viên đại học rồi – họ đã làm được một việc kỳ diệu, chứng tỏ việc đào tạo và tình bằng hữu sánh bước bên nhau. Nhưng còn nhiều điều hơn nữa có thể và phải thực hiện theo đường lối này. Tôi cũng ước muốn nhắc đến hai cuốn sách, rất hay, xem như là “những người bạn đồng hành” cho các thành viên Thế hệ Y, nhan đề: “Hãy Cho Con Biết Tại Sao: Một Phụ Huynh Trả Lời Những Vấn Nạn Về Thiên Chúa Cho Con Gái Mình” của Michael và Jana Novak, và “Những Bức Thư Gửi Bạn Trẻ Công Giáo” của George Weigel, người viết tiểu sử Đức Giáo hoàng.
IV. KẾT LUẬN: CÂU TRẢ LỜI CHO CÂU HỎI CỦA MỖI MỘT CUỘC ĐỜI CON NGƯỜI
Vậy, để kết luận: Tôi xin gợi ý rằng chữ “Y” trong Thế hệ Y đại diện cho lòng khao khát (yearning) – khao khát, tra vấn, tìm kiếm, và từ chối thỏa mãn với những giải đáp dễ dãi. Không ai đã hiểu được điều này sâu sắc bằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – và tôi tin rằng, đó là một trong những lý do tại sao giới trẻ rất mực yêu mến ngài và tại sao những Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đã trở nên một kinh nghiệm làm biến đổi thật sự đối với nhiều người.
Như ngài đã viết trong Tông thư Tertio Millennio Adveniente (Khởi Đầu Ngàn Năm Thứ Ba) rằng: “Đức Kitô đang mong đợi những điều kỳ diệu nơi các bạn trẻ…. Các bạn trẻ, trong mọi hoàn cảnh, trên khắp mọi miền của thế giới, không ngừng đặt cho Đức Kitô những câu hỏi: họ gặp gỡ Ngài và tiếp tục tìm kiếm Ngài để hỏi Ngài nhiều hơn nữa. Nếu họ trung thành bước theo con đường Ngài vạch ra cho họ, họ sẽ gặp được niềm vui trong việc họ góp phần làm cho Ngài hiện diện trong thế hệ tiếp theo và những thế hệ tương lai, cho đến tận cùng thời gian: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt. 13, 8) (số 58). Mỗi một cuộc đời con người là câu hỏi mà câu trả lời là Đức Giêsu Kitô.
Các bạn là sinh viên Công Giáo, các bạn sẽ tác động biết bao trong thế giới này! Không ai dự đoán chính xác mỗi người trong các bạn sẽ đáp trả thế nào cho lời mời gọi nên thánh và rao giảng Tin Mừng của Bí tích Thánh Tẩy các bạn đã lãnh nhận. Nhưng có một điều chắc chắn: đó là không thiếu việc làm ở vườn nho. Có những gia đình cần được xây dựng và vun trồng; có những lãnh vực tri thức cần được khám phá; có những tâm trí non nớt cần được dạy dỗ; có những bệnh nhân cần được chăm sóc; có những người nghèo cần được nâng dậy; và đức tin cần được trao lại cho các thế hệ tương lai. Điều tôi cầu chúc cho các bạn, đó là Thiên Chúa sẽ nhân bội kết quả cho các bạn, và ước mong mỗi người trong các bạn sẽ tác động đến hàng ngàn cuộc sống khác.