Các Siêu Nghiệm Siêu Hình Học: Tính "Đơn Nhất" Của “Hữu Thể”

0
2413


SIÊU HÌNH HỌC

Nguyên tác: Tomas Alvira, Luis Clavell & Tomas Melendo, Metafisica

(Bản tiếng Tây Ban Nha – NXB. 1981)

Fr. Luis Supan, Metaphysics

(Bản tiếng Anh – NXB. 1991)

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP.

***

***

PHẦN DẪN NHẬP

PHẦN I: CẤU TRÚC SIÊU HÌNH CỦA HỮU THỂ

***

PHẦN II: CÁC SIÊU NGHIỆM

***

CHƯƠNG I: NHỮNG KHÍA CẠNH SIÊU NGHIỆM CỦA “HỮU THỂ”

CHƯƠNG II: TÍNH ĐƠN NHẤT CỦA “HỮU THỂ”

 

I. TÍNH ĐƠN NHẤT SIÊU NGHIỆM

Giờ đây, ta xét tới tính đơn nhất của “hữu thể”, điều này không hàm ý rằng chỉ có một “hữu thể” duy nhất, nhưng có nghĩa rằng bất cứ điều gì tồn tại thì tự nội thân là không phân chia, có nghĩa rằng nó có một tính đơn nhất nào đó.

Các sự vật có sự cố kết nội tại theo nhiều cấp độ khác nhau. Tính đơn nhất của một bản thể, của một gia đình, của một xã hội dân sự, và tính đơn nhất của một sản phẩm mỹ nghệ, thì không hoàn toàn như nhau. Tuy nhiên, kinh nghiệm chung cho thấy rằng mỗi một “hữu thể” là đơn nhất chiếu theo mức độ nó là một “hữu thể”. Việc phá hủy tính đơn nhất, qua sự phân chia nội tại, nhất định phải dẫn đến việc triệt tiêu “hữu thể”. Nếu một chiếc xe hơi bị tháo tung, nó sẽ không còn là chiếc xe nữa; khi mỗi phần của chiếc xe bị tách rời, khó mà coi đó là một chiếc xe hơi nữa. Nếu thân thể con người bị tách rời, thì tính đơn nhất bản thể của con người đã bị phá hủy, và linh hồn sẽ thôi chẳng còn “tạo-hình” (in-form) cho thân thể, và ngôi vị phải chết đi. Cũng vậy, khi linh hồn bị tách lìa khỏi thân thể, thì tính đơn nhất sinh động của cơ thể biến mất: các mô tế bào sẽ tan rã, những chi thể sẽ mất đi tính đơn nhất từng khiến chúng trở thành một toàn bộ đơn lẻ. Tính đơn nhất luôn gắn liền với “hữu thể”. Đó là lý do tại sao những con vật, những ngôi vị, và những xã hội thuộc nhiều loại hết sức khác biệt, kiên quyết bảo vệ tính đơn nhất của mình; vì sự sống còn của chúng rất bấp bênh.

Chúng ta cần phân biệt tính đơn nhất siêu nghiệm (transcendental), vốn thuộc về mọi “hữu thể”, với tính đơn nhất theo lượng (quantitative unity).[1] Tính đơn nhất theo lượng là công hiệu của chất liệu, và là nguồn gốc của những con số, vốn nảy sinh từ việc phân chia nó ra. Chẳng hạn khi chúng ta cắt một miếng thạch anh, chúng ta sẽ có 2, 3 hoặc nhiều hơn nữa những mảnh tách biệt, vốn nảy sinh từ việc phân chia bản thể có lượng. Vì tính đơn nhất theo lượng nảy sinh từ phụ thể lượng, nên nó chỉ được tìm thấy nơi những bản thể vật thể. Như vậy, hiển nhiên nó không phải là một siêu nghiệm. Việc nghiên cứu loại đơn nhất này thì không thuộc Siêu Hình Học, nhưng thuộc về Triết Học Thiên Nhiên hay Vũ Trụ Học.

“Hữu thể” và Đơn nhất

Tính đơn nhất siêu nghiệm chính là tính không phân chia của một “hữu thể” (undividedness of a being). Qua khái niệm này, chúng ta chẳng thêm điều gì thực tế cho các sự vật, mà chỉ là phủ nhận việc phân chia nội tại, tức là việc không phân chia mà mỗi “hữu thể” có nơi mình nhờ ở “esse” của nó. Tương tự như vậy, khi chúng ta gọi một con chuột chũi là “mù”, chúng ta không thêm điều gì vào từ ngữ đó, vì chuột chũi thì tự bản chất đâu có khả năng nhìn.

Tuy nhiên, trong tri thức của ta, khái niệm về đơn nhất lại bộc lộ “hữu thể” xa xôi hơn nữa; nó cho thấy sự thiếu vắng việc phân chia nội tại nơi bất cứ thực tại nào. Do đó, hiển nhiên là chúng ta nắm bắt “hữu thể” trước khi chúng ta nắm bắt tính đơn nhất. Chẳng hạn, chỉ sau khi làm cách nào đó để biết được một cây và thấy nó phân biệt khỏi những vật khác, chúng ta mới hiểu rằng nó là “một”, có nghĩa rằng, nó tự thân là một “hữu thể”, hay một cây, và phân biệt khỏi những thứ khác. Tính đơn nhất bảo vệ, khẳng định và tỏ bày thực tại của “hữu thể”. Tính đơn nhất luôn được hiểu như một điều gì đó thuộc về “hữu thể”, như một khía cạnh của “hữu thể”.

“Hữu thể” và tính đơn nhất, xét trên thực tế, chỉ là cùng một thứ. Do đó, cũng giống như “hữu thể”, tính đơn nhất đặt nền tảng trên việc hiện hữu (Being and unity are in reality one and the same thing. Consequently, just like being (ens) unity is based on the act of being). Khi việc hiện hữu của một sự vật càng cao trọng hơn, thì nó “càng là một “hữu thể” hơn” (more a being), “hoàn bị hơn” (more perfect) và có tính đơn nhất lớn lao hơn. Trong trường hợp Thiên Chúa, điều này là một chân lý hiển minh. Thiên Chúa là Tự Hữu (Subsisting “esse”), vô biên, và do đó thì tuyệt đối hoàn bị. Đồng lúc Ngài cũng là Đấng Tuyệt Đối Đơn Nhất (supremely One); nơi Ngài không hề có một kiểu phức hợp nào, dù chỉ là phức hợp giữa yếu tính và “esse”, giữa bản thể và các phụ thể, giữa chất liệu và hình thế, hoặc giữa các năng lực hoạt động và các hoạt động. “Hữu thể” tuyệt đối đơn nhất và đơn thuần cũng có hoàn bị tối đa và vô biên.

Trong phạm vi các thụ tạo cũng có một điều gì tương tự như vậy. Nhất là, các thụ tạo cao quý hơn thì càng có sự đơn nhất cao cả hơn (nobler creatures also possess greater unity). Các tinh thần thuần túy thì đơn thuần hơn, đơn nhất hơn so với con người và các thụ tạo vật chất khác.[2] Chẳng hạn, yếu tính của một thiên thần thì đơn thuần và hoàn toàn đơn nhất; nơi ngài không hề có phức hợp giữa chất liệu và hình thế. Ở đâu càng ít phức hợp, ở đó càng có việc hiện hữu nhiều hơn.

Trong lãnh vực các phụ thể cũng vậy. Chẳng hạn, hoạt động của một con người được coi là hoàn bị hơn nếu như nó càng được thống nhất hoặc liền lạc với nhau hơn (more unified or integrated), có nghĩa là theo mức độ những năng lực khác biệt của người đó càng chịu lệ thuộc vào trí hiểu và ý chí của người đó, và theo mức độ tất cả những hoạt động của người đó được hướng về một đối tượng đơn lẻ tối cao.

II. NHỮNG THỂ LOẠI VÀ NHỮNG CẤP ĐỘ CỦA TÍNH ĐƠN NHẤT

Việc có nhiều cấp độ hiện hữu đã làm nảy sinh nhiều lớp đơn nhất khác nhau. Đơn nhất hoàn bị nhất phải là tính đơn nhất đơn thuần (unity of simplicity): tức là tính đơn nhất của một “hữu thể” không hề có những phần hoặc nhiều nguyên lý và yếu tố cấu tạo. Tính đơn nhất này chỉ có ở nơi Thiên Chúa.

Trái lại, các thụ tạo có cấp độ đơn nhất thấp hơn, vốn kéo theo việc có nhiều yếu tố. Nó được gọi là tính đơn nhất phức hợp (unity of composition). Trong số các “hữu thể” giới hạn, những cấp độ đơn nhất tùy thuộc vào cấp độ phức hợp tìm thấy nơi chúng. Do đó chúng ta có thể phân biệt ba loại đơn nhất: đơn nhất bản thể, đơn nhất phụ thể, và đơn nhất tương quan, hoặc đơn nhất trật tự (substantial unity, accidental unity, and relational unity, or unity of order). Trong trường hợp đơn nhất bản thể, chúng ta cần phân biệt tính đơn nhất của các thụ tạo tinh thần thuần túy với tính đơn nhất của các thụ tạo phức hợp từ chất liệu và hình thế.

1/. Các thụ tạo tinh thần thuần túy (các thiên thần) là những “hữu thể” gần nhất với tính đơn thuần của Thiên Chúa (Purely spiritual creatures (angels) are the being which get closest to the simplicity of God). Trên cấp độ bản thể, các vị đó chỉ phức hợp từ yếu tính và việc hiện hữu. Vì việc hiện hữu được tiếp nhận bởi hình thế thiêng liêng của các thiên thần, nên nơi mỗi thiên thần có một thứ phức hợp nào đó. Nhưng cách thức hiện hữu loại biệt của thiên thần, tức yếu tính thiên thần, thì không được phân chia thành nhiều cá thể; chỉ có một thiên thần trong mỗi loài, và ngài múc trọn mọi hoàn bị thuộc về loài đó. Hơn nữa, yếu tính thiên thần là thiêng liêng, nên không thể bị phân chia hoặc tách rời. Thiên thần không bao giờ là khả phân (theo hiện thế cũng như theo tiềm năng). Cấp độ đơn nhất cao cả hơn của thiên thần cũng tỏ hiện nơi hành vi của thiên thần. Chẳng hạn, một thiên thần cho thấy tính đơn thuần lớn lao trong những hoạt động trí thức của ngài. Ngài hiểu biết hơn trí tuệ con người, và hiểu biết một cách tốt hơn, qua một tiến trình nhận thức không hề suy lý, nên không cần phải có những giác quan, cũng không cần đến việc trừu xuất, hoặc việc đối chiếu các ý tưởng.

2/. Một cấp độ đơn nhất thấp hơn được tìm thấy nơi các “hữu thể” vật chất (A lower degree of unity is found in material beings). Trước hết, các “hữu thể” vật thể thì có cấu trúc phức tạp hơn. Ngoài việc được phức hợp từ yếu tính và việc hiện hữu, yếu tính của chúng còn cần đến vật chất để hiện hữu độc lập. Đó là lý do tại sao những sự vật vật chất thì khả hoại (corruptible or perishable); khi chất liệu không còn cáng đáng nổi hình thế, thì sẽ nảy sinh việc hình thế phải tách rời chất liệu, và “hữu thể” biến mất. Hơn nữa, vì chúng chiếm hữu phụ thể lượng, nên chúng là khả phân. Những thành phần trải rộng có thể bị tách rời nhau, phá vỡ toàn bộ sự vật.

3/. Tính đơn nhất của bản thể và một phụ thể thì kém hơn tính đơn nhất giữa những nguyên lý của bản thể (The unity of the substance and an accident is less than the unity between the principles of the substance). Việc kết hợp giữa những nguyên lý siêu hình là yếu tính và việc hiện hữu, chất liệu và hình thế, sẽ làm nảy sinh tính đơn nhất chặt chẽ, không thể nào bị phá vỡ mà lại không hủy bỏ chính “hữu thể”. Nếu linh hồn bị tách rời khỏi thân thể, thì con người sẽ chết. Việc kết hợp giữa bản thể và một phụ thể (một người da đen) đem lại tính đơn nhất thuộc hàng ngũ thấp hơn, vì hiện hữu của chủ thể không tùy thuộc vào việc nó kết hợp với phụ thể; khi một con người trở nên tái mét hoặc đỏ mặt, người đó vẫn không thôi là một người.

Như đã ghi nhận khi bàn về việc hiện hữu, ba loại phức hợp trên tiếp nhận tính đơn nhất của chúng từ “esse”, vốn là hiện thế tối hậu, triệt để mà mọi hoàn bị của vật phức hợp đều chia sẻ vào đấy.

4/. Một kiểu đơn nhất khác là đơn nhất tương quan hoặc đơn nhất của trật tự, vốn dựa trên phụ thể tương quan (Another type of unity is relational unity or unity of order, which is bases on the accident relation). Một đội quân, một gia đình, một xã hội dân sự chẳng hạn, đều là những đơn vị có tương quan. Một đơn nhất của trật tự được tạo nên từ các bản thể, nhưng nó lại không có một hình thế bản thể của riêng mình. “Hình thế” của nó chính là mối tương quan giữa các phần khác nhau của nó; nói khác đi, nó hệ tại những mối tương quan nối kết các cá thể lại với nhau. Chẳng hạn, những mối tương quan giữa cha mẹ và con cái, hợp cùng những mối tương quan anh em, tạo nên gia đình. Nguồn gốc của những xã hội trên cũng như nền tảng của chúng chính là sự tham gia của mọi chi thể kiến tạo vào cùng một mục tiêu đơn lẻ. Ví dụ, chức năng của gia đình là việc bảo tồn loài người; cơ cấu của nó và những mối tương quan giữa các phần tử đều phát sinh từ đây.

Đơn nhất hội tụ (Aggregate unity), vốn nảy sinh từ việc tập họp các yếu tố mà không có trật tự hỗ tương (một đống gạch), thì cũng giống như đơn nhất tương quan. Đơn nhất giữa căn nguyên và hiệu quả, và đơn nhất giữa một tác nhân và công cụ của tác nhân (chẳng hạn sự đơn nhất giữa người tái xế và chiếc xe của mình), và những thứ tương tự, thì cũng tương tự như sự đơn nhất theo trật tự.

III. TÍNH ĐA BỘI

Tính đa bội (multiplicity = “multitudo”) thì đối lập với tính đơn nhất giống như kiểu điều gì được phân chia thì đối lập với điều không được phân chia: các sự vật thì đa bội theo mức độ chúng được phân chia khỏi nhau (Multiplicity (“multitudo”) is opposed to unity in the same way that what is divided is opposed to the undivided: things are multiple inasmuch as they are divided from one another). Xét về mặt thứ tự chúng ta nắm bắt thì khái niệm phân chia phải đi sau khái niệm “hữu thể”“vô-thể”, và nó cho thấy sự khác biệt giữa chúng. Điều đầu tiên chúng ta nắm bắt là một “hữu thể” (một con người hoặc một con chó); tiếp đến, chúng ta ghi nhận rằng “hữu thể” này thì khác với những “hữu thể” khác (“hữu thể” này thì không là “hữu thể” khác). Nhận thức về phân cách (separation) và phân biệt (distinction) nơi các “hữu thể” nảy sinh từ điều trên. Tiếp đến chúng ta hiểu được sự đơn nhất của mỗi “hữu thể” như việc chúng không bị phân chia từ bên trong, hay thiếu vắng sự phân cách nội tại. Như vậy, tính đa bội lại thêm một phủ định nữa, có nghĩa là, sự thiếu vắng tính đơn nhất giữa nhiều “hữu thể”. Chúng được gọi là nhiều, mặc dù nơi mỗi cái đều có sự đơn nhất nội tại.

Chúng ta có thể tóm tắt trong một sơ đồ tiến trình nắm bắt những khái niệm siêu hình trên như sau: “hữu thể”, vô thể, phân chia (“hữu thể” này không phải là “hữu thể” kia), tính đơn nhất (hoặc phủ nhận việc phân chia nội tại), tính đa bội (hoặc phủ nhận sự đồng nhất giữa nhiều cá thể). Tính đa bội được kiến tạo bởi nhiều “hữu thể” vốn là “đơn nhất”.

Tính đa bội của các sự vật có nghĩa rằng chúng không phải là một sự vật đơn lẻ, rằng không có sự đơn nhất hoàn bị. Do đó, chúng ta có thể thấy rằng khái niệm về đa bội hoặc số nhiều thì lệ thuộc vào khái niệm đơn nhất, chứ không còn cách nào khác (that the notion of multiplicity or multitude depends on the notion of unity, and not the other way around): “tính đơn nhất” lôi kéo theo việc phủ định, không phải là phủ định đa bội, mà là phủ định việc phân chia. Bằng không thì khái niệm “hữu thể” lệ thuộc vào khái niệm đa bội.

Do đó, nhiều sự vật không thể tạo nên một đa bội trừ phi mỗi cái trong chúng đều có sự đơn nhất nào đó. Một tập thể (collective) không loại trừ cá thể; đúng hơn, một cộng đồng sự vật nhất thiết phải đi sau việc hiện hữu của mỗi sự vật. Không thể có tính đa bội nếu trước đó không có được sự đơn nhất nội tại nơi các thành phần, và nhất là lại phá hủy đơn nhất đó với mục đích tạo nên tính tập hợp. Do đó, đối lập với thuyết tập sản của Marxism, cần phải chủ trương rằng xã hội chỉ là thực tùy theo mức độ nó thông dự vào hiện hữu của mỗi cá nhân, và do đó, thông dự vào tính đơn nhất của cá nhân. Điều mà xã hội thêm vào cho tính đơn nhất cá thể chính là mối tương quan trật tự giữa nhiều thành phần khác nhau của nó.

Khái niệm “đa bội” thì đi sau tính đơn nhất và do đó phải được bao hàm cách nào đó trong số các siêu nghiệm, mặc dù đa bội chỉ được tìm thấy trong lãnh vực “hữu thể” thụ tạo (chỉ mình Thiên Chúa vừa là Đơn Nhất vừa là Duy Nhất = only God is both One and Unique). Tuy nhiên, “đa bội” thì không qui chiếu vào tính đơn nhất chỉ bằng việc phủ nhận đơn nhất (“Multitude”, however, does not refer to unity solely by negating it). Việc nó phải lệ thuộc tính đơn nhất là mãnh liệt đến độ bất cứ đa bội nào cũng đều có một tính đơn nhất nào đó, vì những thứ gì “hiện hữu” thì đều là đơn nhất cách nào đó. Do đó, nhiều phần tạo nên tính đơn nhất của một vật phức hợp, hoặc làm nảy sinh tính đơn nhất tương quan. Nhiều cá thể là đơn nhất trong loài; những loài khác biệt nhau thuộc về cùng một giống, và những cá thể của nhiều giống khác nhau lại có chung việc hiện hữu, chúng thông dự vào hiện hữu theo nhiều cấp độ khác biệt.

Do đó, tính đa bội luôn luôn ám chỉ một tính đơn nhất nào đó, nhưng không diễn tả điều đó trọn vẹn (multiplicity always signifies a certain unity, but does not completely express it). Vũ trụ là một ví dụ. Số đông các “hữu thể” làm nên vũ trụ, có phần nào phản ảnh tính đơn nhất nơi hiện hữu của chúng và nơi Căn Nguyên của chúng, mặc dù chỉ theo cách bất toàn. Trong một cách thức đa bội và bị phân chia, vũ trụ cho thấy một sự tương tự nào đó với hoàn bị vô tận, cực kỳ đơn thuần của Thiên Chúa. Vì lý do này, trong tư cách một tính đơn nhất bất toàn và một hoàn bị giới hạn, tính đa bội mời gọi chúng ta xét đến Tính Đơn Nhất hoàn bị và sự Hoàn Hảo vô giới hạn, là chính Thiên Chúa.[3]

Đa bội siêu nghiệm khác biệt với đa bội theo lượng cùng một cách thức mà tính đơn nhất siêu nghiệm khác biệt với tính đơn nhất theo lượng. Số nhiều vật chất hoặc theo lượng nảy sinh từ tính đơn nhất vốn là nguồn gốc cho các con số, và cũng như những con số, nó lệ thuộc vào việc phức hợp chất liệu và hình thế; nó chỉ được tìm thấy nơi các thụ tạo vật thể. Trái lại, tính đa bội siêu nghiệm hoặc theo hình thế thì rộng lớn hơn và bao trùm mọi “hữu thể” thụ tạo dù là thiêng liêng hay vật chất. Loại đa bội sau như vậy đòi hỏi mỗi yếu tố phức hợp nên nó phải là đơn nhất cách nội tại. Nó nảy sinh từ việc phân chia có thực giữa mọi sự vật, tạo nên “đa bội”, và không nằm trong bất cứ giống xác định nào, nhưng nằm trong những siêu nghiệm.

IV. NHỮNG KHÁI NIỆM PHÁI SINH TỪ TÍNH ĐƠN NHẤT VÀ NHỮNG KHÁI NIỆM ĐỐI LẬP VỚI TÍNH ĐƠN NHẤT

Tính đồng nhất, tính tương đương và tương tự (Identity, equality and similarity) là những tương quan nảy sinh từ tính đơn nhất. Trong một cuộc giao tiếp bình thường, có sự du di nhiều hơn trong cách dùng những thuật ngữ trên. Tuy nhiên, trong triết học, những thuật ngữ đó có những ý nghĩa chính xác:

1/. Mỗi khi có tính đơn nhất nơi bản thể, thì cũng có sự đồng nhất (When there is unity in substance, there is identity). Dĩ nhiên, theo nghĩa chặt, tính đồng nhất có nghĩa là sự trùng hợp của một sự vật với chính nó. Tuy nhiên, theo một nghĩa rộng hơn, nó có nghĩa là sự đồng dạng (conformity) giữa nhiều sự vật phân biệt với nhau trong mức độ chúng có một điều gì đó là chung (chẳng hạn một giống hay loài). Theo nghĩa rộng hơn như vậy, có thể nói rằng con ngựa này và con ngựa kia là đồng nhất trong loài.

2/. Khi có tính đơn nhất liên quan đến phụ thể lượng, thì có sự tương đương (When there is unity as regards the accident quantity, there is equality). Điều này là đúng theo nghĩa riêng (chẳng hạn, hai cây lớn tương đương nhau) hoặc theo nghĩa mở rộng vốn áp dụng cho “lượng số” về năng lực hoặc hoàn bị (ví dụ, hai con người khỏe mạnh hoặc khôn ngoan tương đương nhau).

3/. Khi có tính đơn nhất liên quan đến việc chiếm hữu một phẩm chất, thì có sự tương tự (When there is unity as regards the possession of a quality, there is similarity). Hai con người có thể tương tự hoặc giống nhau vì cả hai đều có sự khôn khéo, hoặc có cùng một màu da, hay một tính khí chung nào đó.

Tính đa dạng, khác biệt và phân biệt (Diversity, difference and distinction) là những tương quan đối lập với tính đơn nhất.

a/. Khi có “tính đa bội” liên quan đến các yếu tính, thì có sự đa dạng (Where there is “multitude” as regards “esse”nces, there is diversity), vốn đối lập với tính đồng nhất. Do đó, ta nói rằng một con chó và một con người thì thuộc những bản chất đa dạng.

b/. Khác biệt là một kiểu đa dạng. Các sự vật là khác biệt khi chúng khác nhau theo một nghĩa và đồng dạng với nhau theo nghĩa khác. Chẳng hạn, Phêrô và Gioan có thể giống nhau theo nghĩa cả hai đều là kỹ sư; tuy nhiên, họ có thể khác nhau vì một người là kỹ sư hàng hải còn người kia là kỹ sư dân sự.

c/. Sự phân biệt là phủ nhận tính cách đồng nhất. Nó có thể qui chiếu vào bản thể và các nguyên lý cấu tạo của bản thể, hoặc qui chiếu vào lượng hay tương quan. Chẳng hạn, chúng ta nói rằng bản chất con người thì phân biệt khỏi bản chất của con chó, rằng chất liệu thì phân biệt khỏi hình thế, rằng số 4 thì phân biệt khỏi số 3, hoặc những tận điểm của một tương quan có thực thì thực sự phân biệt nhau.

Hạn từ này được áp dụng đặc biệt cho những nguyên lý cấu tạo của một sự vật, vốn phân biệt nhau, cho dù chúng không tách biệt nhau. Do đó, chúng ta nói về sự phân biệt thực tế giữa yếu tính và việc hiện hữu, hoặc giữa chất liệu và hình thế. Những phân biệt thuộc trí, trái lại, là những phân biệt mà trí khôn chúng ta tạo ra giữa những khía cạnh vốn thực sự đồng nhất với nhau (ví dụ, phân biệt giữa “hữu thể” và chân thực).

Thuật ngữ phân biệt (“distinct”, trong tiếng Latin là “alius”) thường qui chiếu về “suppositum”, trái lại, đa dạng luôn luôn qui chiếu về một sự phân biệt nơi bản chất, tức là một sự khác biệt. Do đó, Các ngôi vị trong Chúa Ba Ngôi thì thực sự phân biệt (really distinct; Kinh Tin Kính của thánh Athanase phát biểu: “alia est enim persona Patris, alia Filii, alia Spiritus Sancti”), nhưng các ngôi vị đó không đa dạng, cũng chẳng khác biệt, vì mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa, tức là, mỗi ngôi vị đều đồng nhất với bản tính Thiên Chúa.

V. ALIQUID (“ANOTHER” OR “SOMETHING”)

Chúng ta đã thấy rằng, “điều khác” (another = aliquid) thì tương đương với “một điều gì khác” (aliud quid). Nó diễn tả sự phân biệt một “hữu thể” với những “hữu thể” khác: người này thì khác người kia.

Khi chúng ta nói người này là khác, chúng ta qui chiếu về tính đơn nhất của người đó, nhưng là trong mối tương quan với những sự vật khác, theo mức độ tính đơn nhất lôi kéo theo sự không phân chia nội tại cũng như việc tách biệt khỏi những vật khác. Do đó, siêu nghiệm này được giải kết vào tính đơn nhất và làm cho ý nghĩa của điều sau được rõ ràng hơn.

“Aliquid” cũng có thể tương đương với “điều gì đó” (something), và theo nghĩa này thì “điều gì đó” ám chỉ rằng “hữu thể” thì hoàn toàn đối lập với vô thể tuyệt đối (hư vô). Do đó, chúng ta nói: “trước đây chúng ta không có bất cứ điều gì, bây giờ chúng ta có điều gì đó”. Sau cùng, “điều gì đó” cũng có thể nói lên yếu tính cá biệt xét như nó được nhận biết cách bất định. Chẳng hạn, chúng ta có thể nói: “Có điều gì đó xảy ra nơi ấy”. Theo nghĩa này, thì nó lại gần gũi hơn nữa với siêu nghiệm “res” (“thing”, sự vật).

***

SÁCH ĐỌC THÊM

1/. ARISTOTLE, Metaphysica, Bk. V, V and X.

2/. SAINT THOMAS AQUINAS, in Metaph., lib. IV, V and X.

3/. JOHN OF SAINT THOMAS, Cursus theologicus, I, q.11, disp. 11.

4/. L. OEING-HANHOFF, Ens et unum convertuntur. Stellung und Gehalt des Grundsatzes in der Philosophie des hl. Thomas von Aquin, Aschendorffsche Verlagsbuchhandlung, Munster 1953.

 

 

 


[1] The Pythagorean philosophers and Plato held the view that numbers constitute reality intrinsically because they erroneously identified quantitative unity (the principle of numberring) with transcendental unity. Avicenna maintained die same view, based on his philosophical stand that esse is a mere accident of the essence. If esse is an accident, then unity as a transcendental is also an accident; consequently, quantitative unity (an accident) is identified, too, with transcendental unity (Cf. Avicenna, Metaphysica, Bk. V, ch. l).

[2] We know with certainty about the existence of angels through Revelation. Nevertheless, the ancient philosophers already speculated on the existence of substances separated from matter and, as such, endowed with the greatest perfection and unity. Aristotle, referring to a tradition he had received from his predecessors, called them “goods” (Cf. XII, ch.8). ch II Metaphysica.

[3] How to reconcile the one and the many has been a perennial topic in metaphysics. In defending the unity of being, Parmenides denied the reality of multiplicity. Heraclitus considered change and multiplicity as inherent characteristics of the world, and in order to explain its apparent unity, had recourse to the “Logos”, (or Reason immanent in the world). Then, the Neoplatonists developed a philosophy which can be called ‘The Metaphysics of the One”: the One is the First Principle, the source of being, who is at the same time “beyond” being. Neoplatonists looked at multiplicity as a low form of emanation from the One.

In Modern Philosophy, Kant attempted to unite what is multiple through the gnoseological angle; however, from the metaphysical perspective, what is multiple retains its plurality in the form of an unknowable noumenon which transcends any given experience. Schelling opted for a philosophy of identity wherein the subject is not differentiated from its object, while Hegel’s philosophy was marked by a unity which is dialectically differentiated. Either way, multiplicity is reduced to the unity of the Ego or to the unity of the Logos.

Only the Aristotelian-Thomisdc metaphysics has given an adequate answer to the problem. God-the One by essence-transcends the multiplicity of the world but He is also its source. At the same time, multiplicity is understood as a plurality of individuals: it is not prior to unity; rather, it is derived from unity.