Các Siêu Nghiệm Siêu Hình Học: Những Khía Cạnh Siêu Nghiệm Của “Hữu Thể”

0
2532


SIÊU HÌNH HỌC

Nguyên tác: Tomas Alvira, Luis Clavell & Tomas Melendo, Metafisica

(Bản tiếng Tây Ban Nha – NXB. 1981)

Fr. Luis Supan, Metaphysics

(Bản tiếng Anh – NXB. 1991)

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP.

***

***

PHẦN DẪN NHẬP

PHẦN I: CẤU TRÚC SIÊU HÌNH CỦA HỮU THỂ

***

PHẦN II: CÁC SIÊU NGHIỆM

***

CHƯƠNG I: NHỮNG KHÍA CẠNH SIÊU NGHIỆM CỦA “HỮU THỂ”

 

Sau khi đã xem xét những nguyên lý cấu tạo của “hữu thể” xét nguyên nó (mức độ phức hợp và cấu trúc nội tại), Siêu Hình Học cũng phải nghiên cứu một số khía cạnh nhất thiết nảy sinh từ “hữu thể” – những đặc điểm siêu nghiệm: tính đơn nhất, tính chân thực, tính thiện hảo và cái đẹp. Đó là những đặc điểm hiện diện nơi mỗi “hữu thể” trong chừng mực nó hiện hữu – dù là Tạo Hóa hay thụ tạo, bản thể hay phụ thể, hiện thế hay tiềm năng,… Vì lẽ này, việc nghiên cứu những đặc điểm siêu nghiệm của “hữu thể” đã chiếm một chỗ đặc biệt trong Siêu Hình Học.

Nghiên cứu này có gốc gác từ Triết học Kinh Viện hồi đầu thế kỷ XIII. Khảo luận đầu tiên về những siêu nghiệm được biết đến là cuốn “Summa de bono” (1236) của Philip, nhưng chính Thánh Thomas mới là người nghiên cứu vấn đề này xuyên suốt nhất. Ở nhiều đoạn trong bộ sách của Aristotle (corpus Aristotelicum), tác giả đã nói đến những vấn đề siêu nghiệm, nhưng không đưa vào một nghiên cứu có hệ thống.

I. NHỮNG KHÁI NIỆM SIÊU NGHIỆM VÀ CÁC PHẠM TRÙ

Chúng ta thấy có rất nhiều sự vật khác nhau quanh ta, ví dụ những cây cối, nhà cửa, sách vở, con người. Thoạt nhìn, chúng ta thấy nhiều thứ trong chúng thường không mấy tương quan với những thứ khác. Tuy nhiên, tất cả chúng lại có điều gì đó chung với nhau: tất cả mọi sự vật trên đều “hiện hữu”, theo cách này hoặc cách khác; tất cả chúng đều là “hữu thể”.

Như đã biết, tính “thực thể” (entity) của một sự vật (hiện hữu thực tế của nó) là điều mà chúng ta nắm bắt ngay khi chúng ta biết đến nó. “Hữu thể” là thực tại đầu tiên mà trí khôn ta hiểu và tất cả những tri thức khác đều phải giải kết về đó. “Điều mà đầu tiên trí năng chúng ta quan niệm như một khái niệm hiển minh nhất, và tất cả những khái niệm khác đều qui về đó, chính là khái niệm “hữu thể”. Do đó, mọi khái niệm khác của trí năng đều được thủ đắc bằng cách gán thêm vào khái niệm “hữu thể”.[1]

Tuy nhiên, dù không định thức rõ ràng khái niệm “hữu thể” mỗi khi chúng ta nhận biết một điều gì, chúng ta vẫn tri giác bất cứ thực tại nào như một điều gì đó liên quan tới “hữu thể”. Con người, con ngựa, cây cối chẳng hạn, tất cả đều là những cách thức hiện hữu nhất định; chúng là những loại “hữu thể”. Yếu tính và việc hiện hữu, màu trắng, kích thước và những kiểu cách hoặc những ấn định khác của “hữu thể”, tất cả là “những nguyên lý cấu tạo của các hữu thể” (constituent principles of beings). Cha mẹ là những căn nguyên của những “hữu thể” mới, và các con trẻ là những công hiệu của những “hữu thể” trước đó. Chúng ta có thể tiếp tục đưa ra nhiều ví dụ kiểu đó. Mỗi sự vật chung quanh ta đều là một “hữu thể” tại thân, hoặc là một khía cạnh hoặc đặc trưng của “hữu thể”.

Do đó, khái niệm “hữu thể” xâm nhập bất cứ loại tri thức nào mà ta thủ đắc, giống như cách thức mà ý tưởng về sự sống soi sáng tất cả những khái niệm của nhà sinh học. Chúng ta tuyệt đối không thể biết được bất cứ hoàn bị nào xa lạ với “hữu thể”, vì tách rời “hữu thể” thì chỉ là hư vô. Tuy nhiên, con người không múc trọn tính cách đa dạng phong phú của các sự vật trong chỉ một khái niệm mà thôi. Thật chưa đủ nếu ta nói rằng “sự vật này hiện hữu; chúng ta phải thêm một điều gì đó, chẳng hạn đó là một con người hoặc con ngựa, hoặc nó thì tốt. Chúng ta phải tiến lên trong việc tri thức thực tại, với sự trợ giúp của kinh nghiệm, chính xác là qua việc nhận diện những tầng lớp “hữu thể”, và qua việc diễn tả những đặc điểm của “hữu thể” này hoặc “hữu thể” kia”.

Mặt khác, “ta không thể thêm vào khái niệm “hữu thể” một điều gì xa lạ với bản chất của “hữu thể”, theo kiểu một khác biệt được thêm vào một giống, như một phụ thể thêm vào bản thể, vì bất cứ một bản chất nào thì chủ yếu vẫn là “hữu thể”.[2] Do đó, những khái niệm nào khác với khái niệm “hữu thể” thì không biểu thị một điều gì bên ngoài “hữu thể”; đúng hơn, chúng tạo nên một cách thức chuyên biệt những đặc điểm của “hữu thể”, tức là những thực tại mà khái niệm “hữu thể” chưa nói lên rõ ràng. Ví dụ, con báo là một “hữu thể”, một kiểu hiện hữu. Khi chúng ta nói lên từ “con báo”, chúng ta nói lên một thứ gì đó chưa được nói lên rõ ràng trong khái niệm “hữu thể”. Cũng như vậy khi ta nói một sự vật là “tốt”, là thực hoặc là “đẹp”.

1. Chúng ta tiến bộ trong tri thức về “hữu thể” theo hai cách

a/. Bằng cách nắm bắt những khái niệm phạm trù diễn tả những cách thức hiện hữu riêng biệt (by grasping categorical notions which express particular modes of being). Sau đây là những ví dụ về chúng: “hiện hữu” tự thân (bản thể)“hiện hữu” tại tha (những phụ thể); là lớn hoặc nhỏ (lượng), là đẹp hoặc không đẹp (phẩm). Do đó, mặc dù mỗi vật tồn tại đều có thể được gọi là “hữu thể”, thì một khái niệm phạm trù chỉ nói đến một loại sự vật nhất định, và loại trừ những thứ khác, những thứ đó cũng là “hữu thể” như vậy. Nó ám chỉ “một lối hiện hữu riêng biệt, vì có nhiều cấp độ hiện hữu làm nảy sinh nhiều cách thức hiện hữu; rồi tiếp đến, những cách thức hiện hữu khác nhau lại làm nảy sinh những danh xưng của nhiều giống, nhiều lớp sự vật khác nhau. Chẳng hạn khái niệm bản thể không thêm vào khái niệm “hữu thể” một khác biệt gì mới xét theo “esse” (một bản thể cũng là một “hữu thể”); đúng hơn, nó diễn tả một lối hiện hữu đặc biệt, cụ thể là hiện hữu tự thân (being by itself = ens per se). Và trường hợp những giống tối cao khác của các sự vật thì cũng vậy”.[3]

Nói tóm lại, mỗi một phạm trù đều nói đến một yếu tính nào đó của một sự vật (ví dụ, người, sư tử, ngựa, màu trắng). Hiển nhiên, những điều đó không đồng nhất với “hữu thể”; nhưng đúng hơn chúng là “những lối hiện hữu” vốn loại trừ lẫn nhau: bất cứ điều gì là một bản thể thì không là một phụ thể, lượng thì không phải là phẩm chất hoặc tương quan, và nó không phải là những đặc điểm phụ thể nào khác. Những khái niệm trên được gọi là thuộc phạm trù (categorical) bởi vì chúng rơi vào những phạm trù, vốn là những lớp hoặc những giống tối cao mà tất cả thực tại thụ tạo đều được xếp loại theo đó.

b/. Qua việc thủ đắc những khái niệm siêu việt ám chỉ những khía cạnh thuộc về ““hữu thể”” xét như “hữu thể”.[4] Những khái niệm này diễn tả một số những đặc điểm đi theo “hữu thể” nói chung, tức là những đặc điểm thuộc về mọi sự vật (không chỉ thuộc về bản thể, hoặc về phẩm hoặc về bất cứ một kiểu thực tại đặc thù nào). Thiện hảo, cái đẹp và đơn nhất, như chúng ta sẽ thấy, vốn nằm trong những khái niệm siêu việt, được gán cho bất cứ điều gì gọi được là “hữu thể”; chúng có cùng một viễn tượng phổ quát như khái niệm “hữu thể”. Vì lý do này, chúng được gọi là siêu nghiệm, chúng siêu việt (transcend) lãnh vực các phạm trù. Như vậy, thiện hảo thì không phải là một điều gì giới hạn vào bản thể; vì nó cũng được tìm thấy nơi mọi phạm trù khác (như phẩm chất, lượng, hoạt động; theo mức độ chúng “hiện hữu”, chúng là thiện hảo).[5]

II. NHỮNG KHÍA CẠNH SIÊU NGHIỆM CỦA “HỮU THỂ”

Có bao nhiêu khái niệm siêu việt, và chúng là gì? Điều gì có thể gán cho mỗi “hữu thể” xét như “hữu thể”?

A. Xét một “hữu thể” tại thân

Điều này có nghĩa là không so sánh hoặc liên hệ nó với “hữu thể” nào khác, chúng ta có thể nói rằng bất cứ “hữu thể” nào cũng là một sự vật đơn lẻ, có nghĩa rằng, nó là “một”.

1. Tích cực

Theo cách tích cực, không đưa vào bất cứ phủ định nào, thì chúng ta hiểu rằng những đặc điểm duy nhất chung cho bất cứ điều gì tồn tại chính là chuyện có một yếu tính mà nhờ đó nó tồn tại cách này hoặc cách khác. Điều này là một thứ gì đó thuộc về mọi thực tại thụ tạo. “Hữu thể” không bao giờ được tìm thấy trong trạng thái “trừu tượng”: điều mà chúng ta nhìn thấy là những cây, những con ngựa, những hạt kim cương, và con người, chẳng hạn, mỗi một thứ trong chúng đều có một lối hiện hữu riêng biệt, nảy sinh từ yếu tính của nó. Việc giới hạn mỗi “hữu thể” vào một cách thức hiện hữu nhất định như vậy là điều mà hạn từ triết học “sự vật” (res = thing) muốn biểu thị. Tuy nhiên, “sự vật” và ““hữu thể”” thì không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau; “danh từ “hữu thể” (ens) được lảy ra từ việc “hiện hữu” (esse), đang khi danh từ “sự vật” diễn tả niệm tính hoặc yếu tính của “ens” (quiddity = “esse”nce of the ens).[6] Có nghĩa là việc nó bị giới hạn vào một cấp độ và cách hiện hữu đặc thù và chuyên biệt.

2. Tiêu cực

Theo nghĩa tiêu cực, tức là bằng cách phủ định việc phân chia nội tại, chúng ta có thể nói rằng mỗi một “hữu thể” đều có “tính đơn nhất” (unity). Mỗi vật đều là “một”; nó có một sự đơn nhất nào đó. Nếu nó mất đi sự đơn nhất này bằng việc bị phân chia, thì qua đó nó thôi không còn là “hữu thể” này, và sẽ trở thành một điều gì khác.

B. Xét một “hữu thể” trong tương quan

Xét một “hữu thể” trong tương quan với những “hữu thể” khác, chúng ta có thể thấy rằng nó có hai thuộc tính đối lập, tức là nó phân biệt khỏi mọi “hữu thể” khác, đồng thời vẫn phù hợp với một số sự vật nào đó.

1. Mỗi hữu thể đều khác biệt nhau

Trong quan điểm phân biệt giữa các “hữu thể”, chúng ta có thể nói rằng mỗi một “hữu thể” đều là “một điều gì đó” (something = aliquid). Khi thấy có nhiều “hữu thể”, lập tức chúng ta hiểu rằng mỗi một “hữu thể” thì khác với mọi “hữu thể” khác. Việc phân cách hoặc phân chia đó, vốn được biểu hiện trong việc phân biệt một “hữu thể” khỏi “hữu thể” khác, sẽ làm nảy sinh điều siêu nghiệm mà chúng ta quan tâm ở đây.

Ta hiểu “Một điều gì đó” không phải như một khái niệm đối lập với hư vô, nhưng theo một ý nghĩa chuyên biệt hơn về “hữu thể”“một điều gì khác” (another something = aliud quid), có nghĩa là, một bản chất khác. Nó tùy thuộc vào những khái niệm về “hữu thể” (ens) và về sự đơn nhất; thay vì nhấn mạnh đến việc không có phân chia nội tại nơi “hữu thể”, nó nhấn mạnh đến chuyện “hữu thể” này phân biệt và tách biệt khỏi mọi “hữu thể” khác. “Hữu thể” này thì “khác” đối với “hữu thể” kia.

2. Một hữu thể được gọi là phù hợp với hữu thể khác

Việc một “hữu thể” phù hợp với những sự vật khác chỉ được xét trong mối tương quan với điều gì đó vốn bao trọn “hữu thể” xét nguyên nó (và do đó, mọi “hữu thể”), nói rõ ra là trong mối tương quan với linh hồn. Linh hồn “một cách nào đó là mọi vật” (somehow all things) (quoddammodo omnia) do tính phổ quát của các đối tượng trí năng và ý chí. Ba siêu nghiệm sau cùng – verum, bonum, pulchrum – nảy sinh từ mối tương quan này.

Xét theo việc phù hợp với trí năng, “hữu thể” là thực (verum), theo nghĩa là “hữu thể” và chỉ có “hữu thể” mới là đối tượng của hành vi hiểu biết.

Xét trong mối tương quan với ý chí, mỗi “hữu thể” có đặc điểm là thiện hảo (bonum); có nghĩa rằng, đó là một điều gì có thể được yêu thích và lôi kéo tham dục ý chí hướng về nó.

– Sau cùng, chiếu theo sự phù hợp của “hữu thể” với linh hồn thông qua sự tương tác của tri thức và tham dục, thì vẻ đẹp (pulchrum) là đặc điểm của mỗi “hữu thể”, có nghĩa là, “hữu thể” tạo nên một vui thích (pleasure) nhất định khi nó được nắm bắt. Cái đẹp thường được định nghĩa như điều khiến người ta được vui khi nắm bắt nó.

Theo đó, chúng ta có sáu khái niệm siêu nghiệm đi kèm theo khái niệm “hữu thể”: sự vật (thing = res), đơn nhất (unity = unum), một điều gì đó (something = aliquid), chân thực (truth = verum), thiện hảo (goodness = bonum), và vẻ đẹp (beauty = pulchrum). Bốn trong chúng thì cơ bản hơn và áp dụng cho cả Thiên Chúa lẫn thụ tạo; đó là đơn nhất, chân thực, thiện hảo và đẹp. Trong những đoạn sau, chúng ta đặc biệt xét tới những điểm đó.

Sự vật hay một điều gì đó là những siêu nghiệm xét theo mức độ các thụ tạo có liên quan tới (chúng áp dụng cho mọi thụ tạo), nhưng không được áp dụng cho Thiên Chúa theo nghĩa chặt.

a/. “Sự vật” (res) không diễn tả một đặc điểm của “hữu thể” xét nguyên nó, nhưng chỉ là danh xưng phù hợp với một “hữu thể” khi xét đến một nguyên lý cấu tạo khác (yếu tính) của mỗi sự vật thụ tạo. Do đó, nói chặt chẽ, khái niệm “sự vật” không áp dụng cho Thiên Chúa, Đấng là “Esse Subsistens”, việc hiện hữu của Ngài thì không được đón nhận vào một yếu tính.[7] Nhưng, trong trường hợp các thụ tạo, danh xưng “sự vật” cho thấy việc nhấn mạnh hơn (nếu so sánh với danh xưng “hữu thể”) đến sự phức hợp và sự hạn chế mà yếu tính đặt vào việc hiện hữu.

Ngoài ra, hạn từ Latinh “res” là nguồn gốc của hạn từ “reality” (thực tại). Khái niệm “thực tại” thì trừu tượng và được giải kết vào khái niệm “hữu thể”: một điều gì đó là thực bởi vì nó “hiện hữu”. Dẫu sao, hạn từ là thực (real) đôi khi được dùng để nói rõ rằng một “hữu thể” thì không phải là một “hữu thể” thuộc trí, nhưng đúng hơn nó là “ngoại –trí” (extra-mental). Nó cũng có nghĩa một điều gì đó đối nghịch với điều gì chỉ là bề ngoài. Hơn nữa, hạn từ “sự vật” (thing) liên hệ thường được dùng để nói đến những chủ thể không có lý trí, hoặc những bản thể vô hồn, để phân biệt với các ngôi vị.

Trong những lý thuyết siêu hình theo hướng duy lý, hạn từ thực tại có một ý nghĩa chuyên biệt: “có thực” (real) nói lên phạm vi sự kiện hoặc tồn tại (factual or existential) để đối lập với “khả tính” (possibility) hoặc “yếu tính”. Như vậy, toàn bộ Siêu Hình Học được tập trung vào lãnh vực khả tính luận lý các yếu tính, và “hữu thể” đặc thù được giản lược vào nguyên trạng thái “extra causas”,[8] có nghĩa là giản lược vào chuyện đặt sự vật bên ngoài những căn nguyên.

b/. Theo một nghĩa nhất định, cũng có thể áp dụng khái niệm aliquid cho Thiên Chúa. Thực vậy, Thiên Chúa là “Đấng khác” tuyệt vời, siêu việt thế giới một cách vô biên.[9] Tuy nhiên, việc áp dụng hạn từ này cho Thiên Chúa kéo theo mối nguy hiểm là khiến cho con người hoặc vũ trụ trở thành điểm qui chiếu tuyệt đối, còn Thiên Chúa lại trở nên một điều gì đó tương đối (vì Thiên Chúa được gọi là cái khác trong tương quan với vũ trụ).

Khái niệm “aliquid” thực sự phù hợp với “hữu thể thụ tạo”, ở đó có nhiều thứ. Tuy nhiên, tính đơn nhất, chân thực, thiện hảo và vẻ đẹp, là những đặc điểm nảy sinh từ “esse” và chúng được giản lược vào “esse”. Những cấp độ của các khía cạnh đó nơi thụ tạo thì tương ứng với những cấp độ “esse” được thông dự, đồng thời sự viên mãn của chân lý và thiện hảo nơi Thiên Chúa cũng nảy sinh từ sự viên mãn nơi việc hiện hữu của Ngài.

III. “HỮU THỂ”: NỀN TẢNG NHỮNG ĐẶC ĐIỂM SIÊU NGHIỆM

1. Những siêu nghiệm xét như những khía cạnh của “hữu thể”

Các siêu nghiệm là những thực tại hay chỉ thuần túy là những khái niệm? Chúng ta cần phải nói rằng chúng là cả hai. Là những sự vật thực tế, chúng tuyệt đối đồng nhất với “hữu thể”. Tính đơn nhất, chân thực, thiện hảo và những siêu nghiệm khác, không là những thực tại phân biệt khỏi “hữu thể” nhưng chỉ là những khía cạnh hoặc những đặc điểm của “hữu thể”.

Như vậy, chúng là “những đặc điểm chung” của mỗi “hữu thể”. Cũng như toàn bộ những cá thể của một loài đều có những đặc điểm chung nhất định vì chúng thuộc về cùng một loài (con người có hiểu biết và ước muốn, sư tử là loài hữu nhũ, tuyết thì màu trắng), thì tất cả mọi sự vật đều là thiện hảo và chân thực và có được tính đơn nhất nhờ bởi việc hiện hữu của chúng.

Trong vấn đề này, cần phải làm sáng tỏ hai điều. Trước hết, “những đặc điểm”, theo ý nghĩa chuyên biệt hơn, nảy sinh từ yếu tính của loài. Mặt khác, những siêu nghiệm thì nảy sinh từ việc hiện hữu, và do đó có thể gán cho bất cứ điều gì tồn tại cách nào đó. Tiếp đến, những đặc điểm là những phụ thể; chẳng hạn màu trắng là một điều gì đó gắn liền với tuyết, và ý chí là một phụ thể đặc biệt cho mọi con người. Tuy nhiên, những siêu nghiệm không phải là những phụ thể, nhưng chúng đồng nhất với chính chủ thể.

Do đó, khi chúng ta nói rằng “hữu thể” là thiện hảo, rằng nó có sự đơn nhất, chúng ta không thêm bất cứ một điều gì thực tế (một bản thể, một phẩm chất, một tương quan thực sự). Chúng ta chỉ diễn tả một khía cạnh thuộc về “hữu thể” nguyên bởi chuyện nó có hiện hữu. Vì mỗi “hữu thể” thì “hiện hữu”, nó là thiện hảo và có sự đơn nhất. “Hữu thể”, thiện hảo và chân thực là những thực tại đồng nhất. Điều này thường được diễn tả qua lối nói “ens et unum” (et bonum, et verum) convertuntur: tức là “hữu thể”, tính đơn nhất và tất cả siêu nghiệm khác đều có thể hoán chuyển cho nhau hay có giá trị tương đương nhau.

Sự đồng đẳng này được tỏ lộ khi ta có thể áp dụng một siêu nghiệm cho cái khác. Chẳng hạn, chúng ta có thể nói rằng “mọi “hữu thể” là thiện hảo, đơn nhất và chân thực”. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ nên nói “mọi “hữu thể” đều là động vật”, hoặc “mỗi “hữu thể” là một cây”. Ngoài ra, hạn từ “hữu thể” và các siêu nghiệm khác có thể hoán đổi vai trò xét như chủ từ hoặc thuộc từ trong một câu. Chúng ta có thể nói rằng “bất cứ điều thiện hảo nào, xét theo mức độ nó là thiện hảo, đều là một “hữu thể””. Nhưng chúng ta cũng có thể nói rằng “bất cứ “hữu thể” nào, xét trong mức độ nó là “hữu thể”, đều là thiện hảo”. Việc hoán đổi này là một dấu chỉ cho thấy sự đồng nhất thực sự của các khái niệm siêu việt.

2. Những khái niệm siêu nghiệm là những khái niệm phân biệt khỏi khái niệm “hữu thể” (The transcendentals are notions distinct from that of being).

Tuy nhiên, càng tìm hiểu ta càng thấy rằng, những khái niệm siêu nghiệm không đồng nghĩa với khái niệm “hữu thể”, vì chúng biểu lộ rõ ràng những khía cạnh vốn không được nói đến rõ ràng qua khái niệm “hữu thể”. Mặc dù chúng có thể hoán đổi như thuộc từ của cùng một chủ từ, chúng vẫn là những khái niệm phân biệt.[10] Những siêu nghiệm thêm những nét mới vào khái niệm “hữu thể”, không phải vì chúng thêm những thực tại mới vào “hữu thể”, nhưng đúng hơn là do cách thức chúng ta nhận biết thực tại. Chúng ta gọi cùng một sự vật là “hữu thể” vì lẽ nó có việc hiện hữu, và chúng ta gọi nó là “thực” bởi lẽ nó có thể được nhận biết; chúng ta gọi nó là “thiện hảo” vì nó là đáng ước mong, và chúng ta gọi nó là “đơn nhất” vì nó có tính đơn nhất nội tại.

Một điều gì đó tương tự xảy ra khi chúng ta nói về những hoàn bị của Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối đơn thuần, mọi sự đều là đồng nhất, hiện hữu của Ngài thì đồng nhất với chính hoạt động của Ngài, trí tuệ của Ngài thì đồng nhất với ý muốn của Ngài; chúng không phải là những quyền năng riêng biệt, nhưng là chính “Esse” của Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi chúng ta nói rằng Thiên Chúa là Đấng Cao cả, Vô biên, hoặc Khôn ngoan, mặc dù chúng ta nói đến cùng một thực tại, thì những ưu phẩm đó lại có tác dụng khiến chúng ta hiểu được nhiều khía cạnh các hoàn bị vô biên của Thiên Chúa. Ví dụ khác: khi chúng ta nói rằng mỗi một tinh thần đều là bất tử, thì chúng ta đạt thêm tri thức của chúng ta về những bản thể thiêng liêng; dù trên thực tế, tính bất tử của những tinh thần chẳng phải là một điều gì phân biệt khỏi tính thiêng liêng của chúng và được thêm vào tính thiêng liêng đó.

Vậy những khái niệm siêu nghiệm khác nhau đó có thêm điều gì cho tri thức của ta?

a/. Những khái niệm “unum”“aliquid” thêm vào khái niệm “hữu thể” một sự phủ định. “Unum” thì loại bỏ việc phân chia nội tại nơi một “hữu thể”, đang khi “aliquid” phủ định việc đồng nhất một vật với những vật khác. Do đó, chúng không thực sự thêm một điều gì đó nhưng chỉ diễn tả những đặc điểm một “hữu thể” đã có về chính nó, như khi chúng ta nói về “con chuột chũi mù”, (blind mole) (vì những con chuột chũi thì không có thị giác).

b/. Chân thực, thiện hảo và đẹp thì chỉ thêm mối tương quan thuộc trí vào khái niệm “hữu thể”. Khi nói rằng hoàn bị của “hữu thể” trở thành đối tượng của trí khôn và của ý chí, chúng ta không quả quyết rằng “hữu thể” thì thực sự hướng về những năng lực đó hoặc thực sự tùy thuộc vào chúng. Trái lại là khác. Trí khôn và ý chí được điều hướng về chân lý và thiện hảo, và chúng tùy thuộc vào những điều đó để có thể hoạt động. Do vậy, những năng lực đó thì thực sự tương quan với “hữu thể” xét như chân thật và thiện hảo; tuy nhiên, chân lý và thiện hảo lại không tùy thuộc vào tri thức hoặc tham dục của chúng ta, vì những sự vật là thực và là tốt tùy theo mức độ chúng có “esse”, chứ không phải theo mức độ chúng được ta nhận biết hoặc ước muốn. Do đó, chính chân lý và thiện hảo là thước đo trí khôn và ý chí của chúng ta, chứ không phải ngược lại.

c/. Như đã thấy, khái niệm “res” hay “sự vật” thì không thêm một điều gì thực tế vào chính “hữu thể”. Nói cách chặt chẽ, “sự vật” chỉ liên quan đến “hữu thể” thụ tạo, chỉ định nó theo mức độ nó có một yếu tính, và yếu tính là thành tố khẩn thiết cho bất cứ thực tại thụ tạo và hữu hạn nào.

Vì những siêu nghiệm là những khái niệm phân biệt khỏi khái niệm “hữu thể”, nên chúng rất có giá trị cho tri thức chúng ta. Chúng giúp chúng ta hiểu tốt hơn về sự phong phú của “esse” vốn được các thụ tạo chia sẻ và được biểu hiện qua nhiều khía cạnh. Như vậy, chúng ta có thể đạt tới tri thức cũng như việc đánh giá lớn hơn nữa về thực tại được Thiên Chúa tạo nên, trong đó có chúng ta. Những khái niệm siêu nghiệm cũng giúp chúng ta có được cái nhìn tốt hơn về những hoàn bị của Thiên Chúa: Thiên Chúa là “Esse” Lập hữu, Chân lý và Thiện hảo Lập hữu, Đơn nhất và Vẻ đẹp Lập hữu.

IV. “HỮU THỂ” VÀ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA NÓ ĐỀU MANG TÍNH LOẠI SUY

Ta đã thấy rằng “hữu thể” được dùng làm thuộc từ cho nhiều chủ thể theo cách “loại suy”. Một nghiên cứu chi tiết về loại suy thì thuộc về Luận lý học. Tuy nhiên, chúng ta cũng cố gắng để hiểu được “hữu thể” và các khái niệm siêu nghiệm khác được qui chiếu cách loại suy thế nào cho thực tại, và loại suy này đặt cơ sở thế nào trên việc hiện hữu mà các “hữu thể” chia sẻ theo nhiều cấp độ khác nhau.

Cũng một hạn từ được qui gán cách loại suy cho hai thực tại khi nó được qui gán (attributed) cho mỗi thực tại đó mà theo một cách thì có phần giống nhau, đồng thời lại có phần khác nhau.[11] Đây là trường hợp hạn từ “hữu thể”. Hạn từ này được gán cho bất cứ thứ gì vốn “hiện hữu”, nhưng không áp dụng cho mọi thứ theo cùng một cách. Như trong bất cứ trường hợp áp dụng thuộc từ nào khác, nền tảng tối hậu của loại suy nằm trong những thực tại mà hạn từ loại suy nói đến: chúng có phần giống nhau, lại cũng có phần khác nhau. Do đó, “hữu thể” được gán cho Thiên Chúa và cho các thụ tạo theo cách loại suy, vì có sự tương tự nào đó giữa thụ tạo và Đấng Tạo Hóa, nhưng vẫn có một sự khác biệt cũng rất sáng tỏ: Thiên Chúa và các thụ tạo đều “hiện hữu” (tương tự), nhưng Thiên Chúa “hiện hữu” do yếu tính, đang khi các thụ tạo “hiện hữu” qua việc thông dự (khác biệt nhau). Ngay trong lãnh vực các phạm trù, “hữu thể” được qui gán cách loại suy cho bản thể và các phụ thể. Cả hai thứ đều “hiện hữu” và, do đó, có thể được gọi là “các hữu thể” (tương tự); tuy nhiên, bản thể “hiện hữu” tự thân, đang khi các phụ thể luôn luôn “hiện hữu” nơi một vật nào khác, cụ thể là nơi một bản thể (khác biệt).

Nền tảng cho việc thích dụng loại suy hạn từ “hữu thể” chính là việc hiện hữu, vì mọi thứ đều có thể gọi là “hữu thể” tùy theo mức độ nó có “esse”.[12] “Esse” được chiếm hữu do yếu tính hoặc do việc thông dự, bởi chính bản thể hoặc nơi bản thể (by the substance or in the substance), cách thực hữu hoặc chỉ ở trong tiềm năng, và trong trường hợp các thụ tạo, “esse” luôn là một điều gì đó được đón nhận từ Thiên Chúa, Đấng chính là “Subsisting Esse”. Dù cho mối tương quan của một vật đối với “esse” có là thế nào, thì nó vẫn có thể được gọi là một “hữu thể”. Bản thể được gọi là “hữu thể” cách trọn vẹn hơn, vì nó có “esse” tự thân; còn lượng, các phẩm chất, những mối tương quan và các phụ thể khác có thể được gọi là “những hữu thể” ít đầy đủ hơn, vì chúng đón nhận việc hiện hữu của chúng nơi bản thể. Do đó, gốc rễ siêu hình cho việc loại suy chính là chuyện thông dự vào việc hiện hữu, mà Thiên Chúa thì chiếm hữu cách đầy đủ và do yếu tính, còn các thụ tạo thì chiếm hữu theo nhiều loại cường độ và theo cấp độ phức hợp khác nhau (giữa hiện thế và tiềm năng, giữa bản thể và các phụ thể).

Kiểu loại suy này cũng áp dụng cho những siêu nghiệm khác, vốn thực sự đồng nhất với “hữu thể” và nền tảng của chúng chính là việc hiện hữu.[13] Không thể áp dụng cào bằng tính đơn nhất, chân thực và thiện hảo cho Thiên Chúa và các thụ tạo, hoặc cho những “hữu thể” hoàn bị hơn và hoàn bị kém. Chúng được gán cho tất cả theo cùng cách thức như “esse”, tức là, chiếu theo những cấp độ thông dự vào các hoàn bị đó. Thiên Chúa là Thiện hảo, Chân thực và Đơn nhất vô biên, đang khi các thụ tạo thì có những hoàn bị đó một cách giới hạn. Và trong giới thụ tạo, những bản thể thiêng liêng thì có thiện hảo, chân lý và đơn nhất (vì tất cả là đơn thuần) nhiều hơn những bản thể vật chất. Điều này sẽ rõ ràng hơn khi chúng ta nghiên cứu riêng về mỗi siêu nghiệm.

***

SÁCH ĐỌC THÊM

 

1/. SAINT THOMAS AQUINAS, De veritate, q.1, a.1.

2/. K. BARTHLEIN, Die Transzendentalienlehre im der alten Ontologie, I: Die Transzendentalienlehre im Corpus Aristotlelicum, de Gruyter, Berlin-N.York 1972.

3/. B. MONTAIGNES, La doctrine de l’analogie selon St. Thomas, Publ. Univ., Louvain 1963.

4/. G. SCHULEMANN, Die Lehre von den Transzendentalien in der scholatischen Philosophie, Leipzig 1929.

 

 


[1]St. Thomas Aquinas, De veritate, q.1, a.1, c.

[2] Ibidem

[3] Ibidem

[4] by acquiring trancendental notions which designate aspects belonging to “being” as being.

[5] The term “transcendental” has taken in the last centuries totally different meanings. One of the most important meanings was given by Kant: “I call transcendental all knowledge that is concerned not so much with what is known as with the manner of knowing, insofar as this is possible a priori. The system of such concepts can be called “transcendental philosophy” (Critique of Pure Reason, A 12/ B 25).

[6] St. Thomas Aquinas, De Veritate, q.1, a.1, c.

[7] This does not mean that God has no essence. It only means that in God, the divine essence does not limit the divine Esse: it is more proper to say that the essence of God is identical with his Esse. (Cf. S.Th., q.3, a.4, c.)

[8] “Idealist” philosophers have another way of understanding reality: they consider it as thought (thus, the name “idealism”). Idealism tends to emphasize the relations between reality and activity, the latter being reduced to mere activity of the subject, which conditions the manner an object presents itself to the subject. Fichte, for instance, held that “all reality is active, and all activity is real”; furthermore, since activity flows from from the collective Ego, “the source of all reality is the Ego” (Grundlage der gesamtem Wissenschafilehre, 2nd ed., Jena 1802, p.62). Hegel expressed the same philosophy when he affirmed that “all that is rational is real and all that is real is rational” (Preface to Grundlinien der Philosophie des Rechts, Berlin. 1820).

[9] God is, in fact, the “Other” par excellence, infinitely superior and transcendent to the world.

[10] The transcendental notions are not synonymous with the notion of being, since they explicitly express aspects which are not expressly signified by the notion of being. Though they are interchangeable as predicates of the same subject, they are distinct notions.

[11] One and the same term is analogically attributed to two realities whenever it is attributed to each of them in a way which is partially the same and partially different.

[12] The basis of the analogical predication of “being” is the act of being, since anything can be called “being” to the very extent that it has “esse”.

[13] This type of also applies to the other transcendentals, which are really identical with being and have the act of being as their basis.