Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 30
CÁC LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM VÀ VIỆC TUYÊN KHẤN
(đ. 654, 598)
Việc tuyên khấn ba lời khuyên Phúc âm về khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục sẽ vừa là: dấu chỉ của việc hiến dâng toàn thân cho Chúa, bởi vì là sự hiến dâng ba khả năng sinh tử của con người, và dụng cụ để thực hiện việc hiến dâng ấy.
Qua việc tuyên khấn, một Kitô hữu cam kết (đ. 654-598):
– Bằng một lời khấn công khai,
– Tuân hành các lời khuyên Phúc âm về khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục,
– Theo Hiến Pháp của Dòng,
– Cũng như tổ chức cuộc đời mình theo luật riêng của Dòng, và nhờ thế tiến tới sự trọn lành.
Lời khấn phát sinh hai mối dây liên kết: với Thiên Chúa và với Dòng (đ. 654):
– Đương sự được thánh hiến cho Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Giáo Hội;
– Đương sự được gia nhập Dòng, cùng với các quyền lợi và nghĩa vụ đã ấn định.
Sự thánh hiến đời tu trì nằm trong chiều hướng của việc thánh hiến của Bí tích Rửa Tội:
– Nhờ Bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu đã chết cho tội lỗi và được thánh hiến cho Thiên Chúa, được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô nhờ Giáo Hội, được mời gọi sống đức ái cách trọn hảo theo những đòi hỏi triệt để của Phúc âm, tham gia vào sứ mạng mà Chúa Kitô ủy thác cho Giáo Hội.
– Qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc âm, người tu sĩ muốn giải thoát mình khỏi những cản trở có thể làm chậm bước tiến trên con đường của đức ái nồng nàn.[1] Việc tuyên khấn này sẽ thánh hiến người tu sĩ cho Thiên Chúa cách đặc biệt để lo phục vụ anh em mình. “Việc liên tục hoán cải con tim và sự tự do tinh thần mà những lời khuyên của Chúa kích thích và hỗ trợ, sẽ làm cho các tu sĩ hiện diện bên cạnh những người thời đại mình, để nhắc nhở mọi người rằng việc xây dựng xã hội trần thế này chỉ có thể được đặt nền móng trên Chúa Kitô và phải hướng về Ngài”.[2]
Việc làm chứng này là điều cốt yếu cho sự sống và sự thánh thiện của Giáo Hội.[3]
Việc tuyên khấn được thực hiện trong một Hội Dòng đã được Giáo Hội công nhận “Mỗi Hội Dòng, xét theo đặc tính và mục đích riêng, phải quy định trong Hiến Pháp cách thức tuân giữ các lời khuyên Phúc âm về đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời trong lối sống của mình” (đ. 598 §l).
Bộ Giáo Luật định nghĩa nội dung của mỗi lời khấn, nhưng mỗi Hội Dòng phải xác định cách thức sống các lời khuyên Phúc âm, chiếu theo bản chất và cứu cánh của Hội Dòng, cũng như những đòi hỏi của thế giới hôm nay.
“Lịch sử thế giới ngày, được cụ thể hóa trong đời sống của mỗi người, trở thành một cuốn sách mở rộng cho Giáo Hội và mọi Kitô hữu suy gẫm cách say mê…. Do những lựa chọn Phúc âm có tính triệt để của mình, các tu sĩ còn cảm thấy bị chất vấn một cách sâu xa hơn nữa”.[4]
Theo sự nhận xét của văn kiện Thánh bộ các Dòng Tu và Tu hội đời mang tựa đề “Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Giáo Hội về đời sống tu trì” (=EE), ngày 31 tháng 5 năm 1983, một cuộc đời sống theo các lời khấn sẽ chất vấn xã hội: “Đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục của người tu sĩ có thể là tiếng nói mạnh dạn và rõ ràng với thế giới hôm nay, một thế giới đang khốn khổ vì tiêu thụ thái quá, vì kỳ thị, lạc thú, hận thù, bạo lực và áp bức”.[5]
[1]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (về Giáo Hội), số 44.
[2]Văn kiện “Tu sĩ và sự thăng tiến con người” (=RPH), Nhập đề; xem thêm: Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (về Giáo Hội), số 31.
[3] Xc.Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (về Giáo Hội), số 44; Văn kiện “Tu sĩ và sự thăng tiến con người” (=RPH), số 15; Bộ các Dòng tu và Tu hội, “Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Giáo Hội về đời sống tu trì”, số 17.
[4]Văn kiện “Tu sĩ và sự thăng tiến con người” (=RPH), số 15.
[5]Bộ Các Dòng Tu Và Tu Hội Đời, Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Giáo Hội về đời sống tu trì (=EE), Về những thách đố của đời sống thánh hiến, số 17; x. Văn kiện “Tu sĩ và sự thăng tiến con người” (=RPH), số 15; xem thêm: Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 88-91.